Chiều ngày 03/01, tôi đang đi ngoài đường thì chuông điện thoại reng:
- Em chào chị. Chắc lâu nay chị không còn số điện thoại của em đúng không? Em Tuệ đây…
- Chào em, điện thoại chị bị hư, mất hết số rồi. Có mục gì mà gọi chị đó?
- À, em có khách Sài Gòn, khách muốn hỏi về trường Nữ Trung học Pleime. Độ 5 giờ chiều nay, em mời chị Nhung và chị dùng cơm với hai vợ chồng em tại Ngọc Lâm nhé!
- Chiều nay chị có việc nhà. Mà chịu thôi Tuệ ơi! Lâu nay chị ở ẩn. Đối ngoại giao hết cho mấy cậu, mấy dì…
- Chị thu xếp đi! Độ nửa tiếng thôi…
- Không được. Chị phải đợi nhỏ em dâu. À, hay là chị tham gia tăng 2. Em mời khách cà phê ở đâu thì gọi. Thế nhé!..
- Gần nhà chị có quán nào?
- Đường Phan Đình Phùng nhiều quán lắm. Quán nào cũng được. Quan trọng là khách của em thích ngồi ở nơi như thế nào... Em đừng lo, chị sẽ nhờ người chở xuống.
- Vậy nghe chị. Chào chị.
Tôi thoáng băn khoăn về khách của Tuệ. Nghe điện thoại giữa bao tiếng động ồn ã trên đường phố, tôi không thể hỏi cụ thể. Đáng lo hơn là trí nhớ của tôi về những gì xưa cũ thì khá là tệ!
Bảy giờ kém, Tuệ báo đang ở quán cà phê Trung Nguyên đường Phan Đình Phùng. Tôi hỏi Tuệ ngồi bàn nào. Tuệ nói chị xuống là em nhìn thấy ngay.
Xe chúng tôi vừa dừng thì Thành - bà xã Tuệ - đã tươi cười vẫy tay. Sau màn chào hỏi, Thành ý nhị mời tôi ngồi kề người khách nữ. Tuệ giới thiệu khách là hai vợ chồng dạy ĐHSP. Chúng tôi giữ lễ chào thầy cô thì Tuệ đã nói tiếp: “Chị Vân chắc chắn là thua tuổi chị Đức rồi..”. Sự è dè biến mất, chúng tôi vui vẻ chuyện trò.
Vân kể cách đây gần năm mươi năm, nhà Vân ở đường Cao Bá Quát. Vân học trường Pleime nhưng đến lớp 8 thì gia đình chuyển đi Cam Ranh. Rồi về Huế, về Sài Gòn ở một thời gian dài. Rất dài! Thời gian sống ở Pleiku chỉ hơn mười năm nhưng lạ sao Vân vẫn nhớ những hình ảnh thời niên thiếu. Nhớ căn nhà nhỏ. Nhớ ngôi trường Tiểu Học từ Cao Bá Quát rẽ tay trái sang Lý Thái Tổ đi thêm một đoạn nữa. Tôi hỏi trường tư hay trường công. Vân nói trường công. Tôi nhăn trán trường nào nhỉ? Nơi đó có trường tư nổi tiếng của thầy Sanh, nghe đâu còn có trường tư thục Mai Xuân Thưởng nữa. Đi lên phía Lý Thái Tổ - Hai Bà Trưng rẽ theo đường Duy Tân có trường Tiểu Học Công lập Trần Quốc Toản. Trường công chắc là trường này rồi. Trường mở sau trường Nữ Tiểu Học và tuyển cả nam lẫn nữ…
Chăm chú nghe nhưng tôi vẫn chưa đoán được Vân học năm nào.
- Em học lớp với ai? Ai hướng dẫn em ba năm Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ?
- Ôi, sao em không nhớ thầy cô hướng dẫn. Em chỉ nhớ hình ảnh cô Thủy với vóc dáng xinh xắn, chiếc áo dài thắt eo, mái tóc chải bồng, cô ở cư xá Trần Quý Cáp…
- Em học giỏi môn Anh Văn và là học trò cưng của cô Thủy hả?
- Không, nhưng em thích môn này từ nhỏ..
- Cô Thủy giờ đang ở Úc. Cô vẫn điệu như ngày nào.
- Thầy Hoàng Châu dạy Nhạc hay gõ hộp quẹt Zippo, hay khẻ tay học trò…
- Thầy mất mấy năm rồi…
- Em có nhớ cô Thanh Hương, cô Hạnh, cô Ngọc Dung, cô Mười Một, cô Kim Chi, cô Oanh Hiệu Trưởng không?
- Em không nhớ. Cô Kim Chi hình như người Bắc dạy Toán phải không chị?
- Đúng rồi. Từ từ rồi em sẽ nhớ…
Thành nhìn chúng tôi cười:
- Đó có người khơi gợi, chị Vân đang nhớ lại đó
- Em có học lớp với Thụ, Tới, Thúy Ngân, Thu Thanh không?
- Em chỉ nhớ lớp em có Khánh Mỹ, chị em với Cẩm Bình; có Thu Lan đẹp lắm, chị em với Mỹ Hạnh, có Tường Vy. Chị có biết những bạn này không?
- Khánh Mỹ hình như là em chị Khánh Thọ. Còn Thu Lan, Vy... chị không biết. Em còn nhớ bạn nào nữa không?
- Hồi đi học ba em rất nghiêm. Em không được đi chơi và có ít bạn lắm…
- Em học lớp Đệ Thất niên khóa nào?
- Chắc là 1967- 1968..
- Không phải. Năm đó chị vào Đệ Thất, chị thi Tú tài IBM nè.
- Vậy em sau chị một năm, niên khóa 1968-1969
- Sau một năm mà hai chị em không biết nhau. Lạ nhỉ. Em cho chị số điện thoại. Tối nay thế nào chị cũng tìm ra vài bạn học của em. À, trường mình mới kỉ niệm 50 năm thành lập trường. Để chị tặng em đặc san Bụi Hồng. Biết đâu em tìm được bạn bè trong đó.
- Dạ, em cám ơn chị.
Tuệ nói:
- Mai ta sẽ đi thăm trường Pleime rồi đi Biển Hồ Trà, viếng chùa Bửu Minh…
- Chị bận, sẽ cố gắng cùng về thăm trường thôi nhé.
- Vân đang ở khách sạn Elegant 64 Nguyễn Tất Thành đó chị.
- A, chủ khách sạn cũng là cựu Pleime. Vân về nhớ hỏi cô chủ nhé!
- Dạ.
Sáng hôm sau mới gặp nhau Vân đã ríu rít kể. Hóa ra Tuyết - chủ khách sạn - học cùng lớp với Vân. Tuyết cho biết Tường Vy hiện vẫn ở Pleiku. Vân mừng lắm…
Bước vào trường, Vân ngỡ ngàng vì trường đã đổi tên và được xây mới. Chỉ vài lớp học trên đồi còn mang nét xưa. Vân đứng lặng nhìn hàng rào có cổng phụ bên phía khu gia binh. Nơi đó có nhiều hàng quà bánh, có xe bánh mì - loại bánh mì làm thủ công nướng lò củi, vỏ dày giòn rụm - phết patê Mỹ thơm phức đậm đà; lại thêm thịt, chả, dưa leo, hành, ớt, muối tiêu… Vân mê say nói về ổ bánh mì ngon khó tả đó. Đặc biệt lại càng ngon hơn khi được ăn trong những sáng mù sương, lạnh lẽo của Pleiku.
Rời trường Trung học Pleime, tôi chia tay vợ chồng Vân. Với vài sợi tơ mơ hồ, Vân sẽ có những dây chão, sẽ tìm được bạn bè xưa. Và thật vậy, những giây phút đợi ở sân bay Pleiku, Vân đã gọi điện thoại cho tôi. Vân kể lần đầu tiên về Pleiku sau 47 năm đã đem lại cho bạn một niềm vui, niềm xúc động và hạnh phúc lớn lao. Buổi tối ngày 04-01, đọc đặc san Bụi Hồng, Vân xúc động trào nước mắt. Bạn Tôn Nữ Kiều Phương còn nhớ Vân! Bạn ấy đã nhắc đến tên Phạm Kim Vân và liền sau đó là Thu Vân. Ôi, Kiều Phương đã nhớ cả tên và chữ lót của bạn: Thu Vân! Mấy chục năm đã trôi qua. Kẻ mất người còn. Kiều Phương hình như đang ở Sài Gòn. Vân sẽ liên lạc. Chắc chắn thế!
Từ vài sợi tơ mỏng manh trong bảng lảng sương mù và khí lạnh cùng những cơn mưa ào ạt của Pleiku; từ đặc san Bụi Hồng, con đường tìm về ấu thơ của Vân dần trở nên thênh thang…
Nguyễn Thị Đức Tháng 01-2018