Từ thủa ấu thơ, đã bao lần tôi nằm khoanh trong lòng bà nội, để nghe những truyện thần tiên luôn được khởi đầu bằng hai tiếng “ngày xưa“. Nay tuổi tác đã xế tàn, hai tiếng “ngày xưa” vẫn gợi trong trí tôi một thời êm đềm và thơ mộng, với tuổi xanh ngan ngát hương yêu, và những kỷ niệm ngọt ngào.
Duyên Anh, khi viết về quãng đời hoa niên tươi đẹp nhất của ông, đã đặt tựa đề cho cuốn tự truyện là Ngày Xưa Còn Bé. Hai nghệ sĩ Phạm Duy và Phạm Thiên Thư, viết nên một ca khúc làm bâng khuâng say đắm lòng người, cũng đặt tựa đề Ngày Xưa, để đưa hồn ta về một dĩ vãng mộng mơ. Nhạc phẩm Ngày Xưa Hoàng Thị của hai ông đã đã gợi lại cho tôi một thời tôi cũng có một Hoàng Thị của riêng mình. Hoàng Thị Bích Anh, người bạn đời và người yêu của tôi, nay chỉ còn là một áng mây hồng, nhạt nhoà trong khoảng trời xanh bao la, mà lòng thương nhớ của tôi mãi mãi dõi tìm!
Quý độc giả của Nội San, nay niên kỷ bảy tám chục tuổi đời, đắng cay đã trải, đau thương đã từng, thâm hiểu chuyện đời người: sống, chết trong tuổi già, như lá rụng công viên, đâu có chi quá thương đau để mà tưởng nhớ. Riêng tôi cũng có chút ngần ngại khi viết về những chuyện riêng tư của mình.
Nhưng Hoàng Thị của tôi sống trong cùng thời đại với bao nhiêu phu nhân của quý bạn, là bóng hình chung của một lớp các bà nội trợ trong một giai đoạn bi thương của đất nước. Tưởng nhớ tới người bạn đời của tôi, cũng là tưởng nhớ tất cả các vị hiền thê đã cùng quý bạn chia sẻ con đường đời hạnh phúc và khổ đau.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, khi sống sót trên con tàu vượt biên bị chìm gần bãi biển Bidong, mất hết vợ con, một mình lên đảo, giữa những người xa lạ, trong hoàn cảnh bơ vơ, ông chợt “ngộ” ra một điều: Thương cảm và tri ân người phụ nữ. Tác phẩm đầu tay của ông có tựa đề Những Người Đàn Bà Ở Lại. Những người đàn bà đã ở lại đó là ai? Và họ ở lại nơi nào? Họ chính là mẹ, là vợ, là em gái, bạn gái, của chúng ta. Họ từng gánh chiụ mọi nỗi thiệt thòi và đau khổ, để chúng ta được yên lòng khi đi chinh chiến, hay trong những năm tháng lao tù. Không có sự tiếp sức về vật chất và tinh thần của những người phụ nữ yêu thương, nhiều người trong chúng ta có lẽ đã thành bộ xương khô nơi đầu gành cuối bãi, dưới đòn thù của Bắc Cộng.
Nam giới chúng ta, nhất là các cụ có số đào hoa, thường tự cho phép mình vui chơi thoả ý. Cái văn hoá của chúng ta nó như thế! Chỉ có nam giới mới có quyền vui chơi phóng túng.
Do hoàn cảnh và cá tính, tôi đã ít “phản bội” người phụ nữ của tôi. Tôi không có số đào hoa cũng chẳng có chút tài mọn nào khả dĩ lọt mắt xanh của mỹ nhân! Trong những năm đi lính, đi du học, đi vượt biên, qua bao nhiêu trại tù, và trại tị nạn, tôi cũng “cọ sát” với nhiều quyến rũ, nhưng tôi sợ những hậu quả của cuộc chơi phóng túng. Tôi vốn biết những món nợ ân tình rất khó trả, nên ngại ngùng chuyện tình cảm lãng mạn. Cái tạng tôi nó thế. Tuy vậy hơn nửa thế kỷ chung sống, cũng có những điều bất ngờ xảy ra, làm đau đớn tâm tư người tôi yêu quý.
Tôi viết ít trang này, trải tấm lòng mình trên mặt giấy, quý cụ coi chơi, không phải để trình bày một kinh nghiệm sống, hay mô tả lại một cuộc tình bình dị, trong muôn vạn kiếp đời thường.
Năm 1959, tôi đỗ Tú Tài 2. rồi theo học trường Khoa Học. Như một con chim non vừa đủ lông cánh, đứng bên bờ tổ, nhìn khoảng trời xanh bao la, muốn tung cánh bay lên, nhưng lòng còn ngập ngừng e sợ. Tôi muốn tự lập, nhưng chưa dám rời khỏi gia đình. Để thử sức, tôi tìm chỗ dạy học kèm, kiếm chút tiền rất cần thiết cho một cậu trai mới lớn. Tôi dạy một học sinh thi Tú Tài I, lớn tuổi gần bằng tôi.
Nơi dạy học là căn gác mái tôn, nóng hầm hập như trong lò, giữa mùa hè của Sài Gòn. Người học và người dạy, cùng cởi trần, mặc quần cụt, đánh vật với những bài Toán Hình Học, Đại Số, Lượng Giác… Trong lúc nghỉ, tôi thường xuống tầng dưới để uống nước, và hưởng chút không khí mát mẻ.
Một hôm, vừa xuống hết cái thang gác gỗ ọp ẹp, tôi khựng lại, vì bất chợt giáp mặt hai thiếu nữ xinh đẹp, mặc áo dài màu rực rỡ, đang ngồi ở phòng khách trò chuyện với bà chủ nhà. Tôi vụng về, trong chiếc áo thun ba lỗ, và manh quần cụt, cúi nhìn đôi cẳng chân trần đầy lông của mình, và mân mê hai bàn tay dính bụi phấn, không thốt nên lời, chỉ mong được ẩn mình ngay vào một xó nào.
Bà chủ nhà đon đả giới thiệu tôi với hai cô: “Ấy, cậu giáo đến dạy em Ngọc đấy! Coi vậy chứ đã là sinh viên Đại Học rồi đó.” Tôi không biết bà chủ nhà muốn nói “coi vậy” là với ý nghĩa gì; nhưng tôi hiểu rõ ràng “coi vậy” tức là, coi nghèo hèn xơ xác vậy, nhưng đã là sinh viên Đại Học. Lời giới thiệu “cậu giáo” làm tôi thêm bối rối. Tôi ngương ngập cúi đầu chào hai cô, rồi vội leo lên gác, quên cả uống nước.
Nhờ sự mai mối của bà chủ nhà, vốn là chị họ của cô gái, mà chúng tôi thành vợ chồng. Cuộc hôn nhân tiến hành gần như vội vã. Bố tôi mất, chưa mãn tang. Thình lình tôi bị gọi nhập ngũ khóa 23 Sĩ Quan Trừ Bị. Bà mẹ tôi sợ thằng con trai đi Thủ Đức, thức đủ năm canh, sẽ rước về một nàng dâu mà bà không muốn, nên đã hết sức buộc cẳng thằng con trai yêu quý, trước khi thả nó vào nơi gió cát. Tôi phải vâng lệnh mẹ để cưới vợ trước ngày nhập ngũ.
Hai gia đình đều ở nhà trong Cư Xá Sĩ Quan Chí Hoà, chỉ cách nhau một khoảng đường ngắn. Đám cưới rất giản dị, chỉ có người thân hai họ. Chưa được một tuần sum họp, không kịp ký cái Giấy Hôn Thú, chúng tôi đã phải bịn rịn tạm xa nhau. Em chở tôi đến Quân Vụ Thị Trấn để lên đường nhập ngũ. Sau cái vẫy tay từ biệt nhau, tôi mất hút trong một phòng chờ đợi. Đêm hôm ấy, nằm trên chiếc giường cứng và có mùi lính, ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, nghe cái loa ngoài sân cờ hát vang bài ca Hàng Hàng Lớp Lớp, tôi não lòng thương người vợ trẻ!
“Còn đây giây phút này, còn trông ánh mắt, còn cầm tay nhau… Ngày mai xa cách nhau… một người gối chiếc cô phòng, còn người góc núi ven rừng… đêm đêm một bóng!” Lời ca não nuột và thấm thía buồn. Tôi thấy mắt mình như ướt nước. Than ôi! tôi đã hao phí nước mắt quá sớm. Tôi đâu biết quãng đường đời hơn nửa thế kỷ sau đó, và tới hôm nay, lệ ai sẽ còn phải chan chứa hơn người, để khóc cho bao điều đau thương tôi đã trải qua, và khóc người vợ đã sớm rời bỏ tôi để về nơi vĩnh cửu.
Tám tuần huấn nhục của trường Võ Bị rồi cũng qua nhanh. Sinh Viên Sĩ Quan được gặp mặt vợ con. Ngày Chủ Nhật đầu tiên, em đến thăm tôi, đã bị một chút không vui. Một cô bạn gái ở trường Khoa Học, không mấy thân thiết, bỗng hôm ấy cũng tình cờ nhớ tới tôi, và cất công đến trường Võ Bị để khích lệ người bạn học nay mặc áo lính.
Được Sinh Viên Sĩ Quan trực kêu tên ra gặp gia đình, tôi hớn hở đi theo anh ta. Từ xa, tôi nhìn rõ hai người phụ nữ đang đợi tôi khiến tôi khựng lại, và muốn thối lui, làm cho anh sinh viên dẫn đường rất ngạc nhiên. Làm sao tôi có thể biểu lộ tình cảm với vợ và bạn gái cùng một lúc được! Để tránh sự ngượng ngùng cho cả ba người, tôi quyết định không ra gặp người thân. Tôi phải năn nỉ gã Sinh Viên Sĩ Quan trực, để hắn nói với hai người phụ nữ đang đợi tôi, rằng tôi bị phạt, vài giờ nữa mới được phép ra tù.
Khi cô bạn hết kiên nhẫn ra về, tôi vội chạy đến bên em. Nhưng trong đôi mắt đẹp đã có bóng mây mờ của dỗi hờn. Em ơi! Rồi ra em sẽ còn nhiều lần phải nhỏ lệ vì hờn dỗi. Nghĩ tới chuyện này, trái tim anh như đập sai nhịp, anh hối tiếc, thương em vô cùng, dù chẳng ai trong chúng ta có lỗi gì. Chúng ta đã nhiều lần hiểu lầm nhau. Giá như không có những điều ấy, thì nay lòng anh thanh thản hơn. Nước mắt của chúng ta sẽ bớt đi ít nhiều!
Ra trường Võ Bị, tôi làm việc ở Đà Nẵng. Tuy chưa có Giấy Hôn Thú, tôi vẫn khai đúng sự thật, rằng đã có vợ con, khiến cho mấy cô Nữ Quân Nhân trong phòng Kế Toán và Lương Bổng mỉa mai: “Chắc Chuẩn Úy sợ gái Đà Nẵng ăn thịt, nên phải hô lớn đã có dzợ, để con gái dang ra. Gớm! đề phòng kỹ thế!”
Các cô nghi oan. Tôi chỉ khai sự thật. Nhưng quả thực con gái ở Đà Nẵng lúc ấy khá nhiều. Chiến tranh khốc liệt, khiến cho người từ Huế chạy vô, từ Điện Bàn, Quảng Nam chạy ra, từ các vùng quê lân cận đổ về thành phố, nơi có căn cứ Mỹ, để kiếm sống. Người đông như kiến, và dĩ nhiên con gái cũng nhiều.
Tôi chỉ huy một đơn vị làm công tác chuyên môn, có xe và tài xế riêng, lại được tự do hoạch định công việc của mình, thời giờ rảnh hơn các sĩ quan khác. Hết giờ làm, tôi chỉ biết ôm sách học, cố gắng thi lấy mấy Chứng Chỉ Hóa của trường Khoa Học. Thì giờ còn lại, tôi viết thư cho vợ. Tôi viết và nhận thư hầu như mỗi ngày. Anh Hạ Sĩ Quân Bưu của đơn vị thường tránh tôi, khi tôi không có thư nhà, vì anh không muốn nhìn thấy tôi buồn bã. Thiếu Úy Nguyễn Lễ, một Sĩ Quan cùng làm việc với tôi, đã chê tôi trước đám lính: “Cái thằng! Sĩ Quan gì mà hễ vắng thư vợ một ngày, là mặt như cái bánh bao! “
Lo làm việc, lo học hành, tâm trí lúc nào cũng ở cạnh vợ con. Đã “tu tại gia” như thế, tôi cũng không tránh khỏi được sự giao du thân mật với những người đẹp xứ Quảng. Mọi chuyện khởi đầu do Trung Úy Phạm Bá Thiện. Ông Thiện bất ngờ được thuyên chuyển tới chỗ tôi vài tháng, trước khi ông được biệt phái về Bộ Canh Nông. Ông tá túc cùng căn phòng với tôi trong trại lính. Ông Trung Úy đẹp trai, đào hoa này đã để lại bao nhiêu mối tình, sau hai tháng làm việc ở cái đơn vị quân đội nhỏ của tôi.
Dù ông Thiện đã về Sài Gòn, các cô vẫn kéo nhau tới chỗ tôi ở mỗi cuối tuần, như đã thành thói quen không thể bỏ. Để tránh tiếp chuyện các cô, tôi thường ngồi lì nơi bàn viết, chúi đầu vào cuốn Organic Chemistry, đầy những công thức Hoá Học hình lục giác. Trong đám mấy cô gái đẹp này, có một em xứ Huế, rất ngổ ngáo. Thấy tôi luôn cặm cụi đọc và viết, em lén tới sau lưng, lấy tay bịt mắt tôi, và gấp cuốn sách lại. “Răng cứ ngồi vẽ hoài mấy cái tổ ong này mần chi rứa! Đi ra bãi biển Mỹ Khê với em một chụt, cho nó thoáng, rồi Thứ Hai còn phải mần việc chứ!”
Đôi lần, để trí não được nghỉ ngơi, tôi đồng ý cùng các cô ra bãi biển tắm, hay hóng gió mát. Khi sự thân mật đã sắp vượt qua tình bạn, tôi may mắn được gọi về Sài Gòn học Anh Ngữ, tránh được cái cảnh “lửa gần rơm”. Bất ngờ, một hôm đi học Anh ngữ về, tôi thấy một gói nem chua Huế và một phong thư thăm hỏi, với lời lẽ quá thân mật, được mang tới tận nhà tôi ở Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa. Em gái Huế đã mò tới tận Cục Quân Y ở Gò Vấp, để tìm ra địa chỉ nhà tôi. Hoàng Thị đã thay tôi nhận món quà của cô gái Huế, và dĩ nhiên hai người phụ nữ đều có chút ngượng ngập khi chuyện trò, và biết sự thật về gia cảnh của tôi. Tôi đã cố giải thích mọi chuyện với người vợ hiền, nhưng những sợi khói buồn vẫn vương trong đôi mắt đẹp của em.
Nếu không có những “tai nạn” bất ngờ như thế, thì lúc này, khi để trí não phiêu du về những ngày xưa yêu dấu, tôi sẽ chỉ có những kỷ niệm ngọt ngào.
Mọi chuyện dỗi hờn rồi cũng qua nhanh. Em hối hả chuẩn bị vali cho tôi đi du học! Tôi bỏ lại mẹ già, vợ trẻ, và ba đứa con thơ dại, để đi biền biệt ba năm trời! Bao nhiêu thương nhớ, bấy nhiêu dặn dò của người vợ trẻ.
Ở Bangkok được một năm, thấy việc học khá mệt nhọc, và vì nhớ nhà, có lúc tôi định bỏ ngang khoá học, để theo một bạn đồng khóa về lại Việt Nam. Nhưng một chút tự ái và suy nghĩ, khiến tôi phải gắng tiếp tục học; bởi nếu bỏ học để quay về, tôi cũng sẽ phải đi đơn vị cũ ở Đà Nẵng, không thể ở Saigon gần gia đình được.
Tôi cùng ba người bạn học ở trọ trong cư xá Student Christian Center. Buổi chiều, khi về gần tới nhà, chúng tôi thường đua nhau chạy, cố về trước, để ngó lên tấm bảng trong văn phòng thư ký, nơi ghi tên những người có thư. Hầu như ngày nào tôi cũng nhận thư em và viết thư về nhà.
Những lá thư tôi gởi về, được Hoàng Thị của tôi nâng niu gìn giữ, tới ngày giặc Bắc hung hãn đe dọa đám quân nhân thất thế trong Cư Xá Sĩ Quan, những lá thư cũ của tôi mới bị đốt bỏ cùng với những tấm hình tôi mặc quân phục, trong sự nuối tiếc vô cùng của em.
Ngày tôi tốt nghiệp Đại Học ở Bangkok, Cư Xá Sinh Viên nơi chúng tôi trọ, tổ chức một lễ mừng. Từng đôi nam nữ sinh viên, cùng dâng nến trước bàn thờ Chúa. Tôi may mắn được sánh vai cùng một nữ sinh viên khá đẹp, cùng quỳ thắp nến trước bàn thờ. Bức hình chụp kỷ niệm hôm ấy, tôi đâu ngờ cũng làm hoen mắt lệ người vợ trẻ ở quê nhà.
Về nước làm việc chưa được bao lâu, đã xảy ra quốc nạn mất nước. Một ngày tháng 6 năm 1975, Em chở tôi tới đường Trần Hoàng Quân, để cùng các bạn đồng ngũ đi vào nơi hung hiểm của kẻ thù Bắc Cộng. Từ đây, tôi biền biệt trong lao tù, dưới đòn thù của giặc, em ở lại nhà, vật vã nuôi năm đứa con dại và người mẹ già của tôi! Đau thương chất ngất, vất vả khôn lường.
Một lần, giặc bắt tôi đi lao động ở Rừng Lá. Tôi gặp một người tiều phu có lòng tốt và can trường. Ông ta nói với tôi rằng ông rất thương “những người lính của mình”, và nếu tôi muốn gặp vợ, ông có thể giúp đỡ. Khẳng khái và quả quyết, ông tiều phu cam đoan với tôi rằng, ông sẽ dẫn Hoàng Thị của tôi tới ngay khu rừng tôi đang chặt lá, và bảo vệ cho chúng tôi được an toàn một đêm trong căn chòì của ông.
Đã hơn hai năm vắng bặt tin nhà, tôi cháy lòng muốn gặp vợ hiền. Tôi liều lĩnh cho ông ta địa chỉ nhà tôi ở Saigon mà lòng hồi hộp khôn tả. Tôi đã đánh cá số mạng mình và vợ con trong tay một người xa lạ, mới gặp lần đầu. Nếu tôi đánh giá lầm tâm địa người tiều phu này…! Tôi nhắm mắt không dám nghĩ thêm. Tôi biết chắc, chỉ cần nhìn thấy mấy dòng tôi viết, em sẽ bất chấp mọi nguy nan mà đi theo người đàn ông không ai biết tung tích này.
Quả nhiên, khi nhận được thư tôi, em đã quên mọi hiểm nguy, cùng người đàn ông xa lạ lên xe lửa vào nơi hoang vắng! Qua Rừng Lá, xe lửa giảm tốc độ. Người dẫn đường đẩy em nhảy khỏi toa tàu. Em bị trầy hai đầu gối, và hai bàn tay rướm máu, khi ngã xuống mặt đất đầy đá cạnh đường rầy. Một đêm vui mừng nhưng kinh dị trong rừng hôm ấy, đã là một chứng tích của lòng yêu thương vô bờ bến em dành cho tôi.
Được giặc thả ra năm 1979, chúng tôi lại gặp một đại nạn, khi vượt biên bị mất đứa con trai đầu lòng. Nước mắt em đã chảy như suối. Nếu không vì bổn phận phải nuôi bốn đứa nhỏ còn lại, chắc cả người em đã tan thành huyết lệ. Nói sao cho hết nỗi đau xé ruột của người mẹ trẻ.
Tôi bị tù năm lần, qua vô số trại tù, nay không nhớ hết địa danh: Hóc Môn, Trảng Lớn, Trảng Táo, Đồng Bang, Vũng Tàu, Bà Rịa, Bến Tre, Châu Bình, Bố Lá, Đồng Tháp, Tà Niên và cả một lần ở tận bên Miên! Không địa danh nào tôi bị giam mà thiếu dấu chân em. Chiếc bị cói với những món quà nghèo nàn mộc mạc, nhưng đã cứu mạng tôi những năm tháng kinh hoàng. Những món đồ tiếp tế cho tù tuy đạm bạc, nhưng đã nuôi sống thân thể, và quan trọng hơn, đã nâng đỡ tinh thần tôi rất nhiều. Tôi biết tôi sẽ ngã quỵ trong tay bọn man rợ, nếu không có hình bóng Hoàng Thị Ngày Xưa, luôn giữ cho tôi được chân cứng đá mềm trong địa ngục của kẻ thù.
Chiếc xe đạp Mini của em đã len lỏi khắp các chợ vỉa hè đến các ngõ hẻm quanh co ở Sagon, để buôn bán, từ cục xà bông, tới bao thuốc lá, kiếm tiền nuôi năm đứa trẻ và một mẹ già! Đồng lương lính của tôi, cho tới lúc tan hàng năm 1975, chưa bao giờ đủ cho nửa tháng tiêu dùng, có đâu để tích lũy, phòng thân vào lúc đại nạn này.
Những năm tháng lang thang kiếm sống ấy, Hoàng Thị của tôi đã tình cờ kết bạn “chạy hàng” với chị Trương Lệ Nhàn, và qua chị Nhàn, tôi được biết một đồng môn khóa 5, là anh Nguyễn Văn Điểu. Nhờ sự quen biết này, hai gia đình chúng tôi cùng cảm thấy bớt cô đơn và bớt sợ hãi bọn Cộng Sản. Trong lúc hai bà vợ bươn chải quanh các chợ búa, vài lần anh Điểu và tôi có chút thời giờ uống trà, nghiền ngẫm cái đại nạn của dân tộc và của gia đình mình. Tôi cũng có dịp nghe anh Điểu giảng thuyết Nhân Quả và Nghiệp Chướng của nhà Phật, để tự an ủi, và mong sẽ có ngày trả hết nghiệp dữ, thoát khỏi địa ngục của quỷ Bắc Cộng.
Nhiều lần được ra tù, nhưng không có hộ khẩu, ban đêm tôi phải lén lút về nhà ngủ. Em đã thức thâu đêm, canh cho tôi khỏi bàn tay ác độc và sách nhiễu của thằng công an khu vực. Có những đêm, tôi thức giấc, thấy bóng em cô đơn in trên cửa sổ, ngồi canh chừng động tĩnh cho tôi yên giấc, tôi ứa lệ, bồi hồi xúc động, lòng thiết tha nguyện cầu Trời Phật cho tôi có ngày được thoát lưới thù, và giải cứu được gia đình.
Ngày tôi băng rừng vượt qua biên giới Cam Bốt tới được xứ Thái, tôi viết nguệch ngoạc vài dòng trong đêm tối, gọi là mật mã, trao vội cho người dẫn đường, để người ta đem về cho em, và lấy tiền công. “Thấy mấy chữ anh viết về, em mừng quá, muốn rú lên, nhưng mọi người không cho em mừng! Ai cũng cản em, bảo em hãy coi chừng, kẻo lại bị lừa như bao lần trước. Nhưng em có linh tính. Em biết anh đã thoát!”
Quả thực lần ấy tôi đã thoát nạn. Chỉ khi cuộc đời đã gắn chặt vào nhau, con người mới có một “linh tính”, để cảm nhận được sự an nguy của người mình yêu dấu.
Tháng 5 năm 2016, chúng tôi kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Ngoài đám con cháu, chỉ có hai căp bạn Tuấn-Phụng và Lễ-Hạnh tới chia vui. Cái khung hình ông bà Tuấn tặng hôm ấy, ngờ đâu nay lại lồng hình em trên bàn thờ nhạt nhòa hương khói.
Tháng 3 năm 2018, Khoá 2 Cao Đẳng có cuộc họp mặt ở Santa Ana, kỷ niệm 55 năm chúng tôi tốt nghiệp. Tôi năn nỉ em cùng đi. Nhưng đầu tháng 4, lại có một đám cưới ở San Jose, chúng tôi phải đến mừng. Em ngại phải bay đường xa hai lần trong một tháng, nên không chịu cùng tôi đi họp mặt. Nay tôi còn quá tiếc cho em đã bỏ qua một dịp cuối cùng để gặp lại các chị bạn, nhất là chị Thuận, người đã cùng em xách giỏ thăm nuôi chồng bao nhiêu lần dưới núi Chứa Chan.
Tháng Tư, hoa xuân bát ngát, mây trời rực rỡ, chúng tôi bay tới San Jose.
Em ơi, mới đó mà nay chỉ như một giấc mơ hoa. Em vui mừng được cháu Toàn tiếp đón trong ngôi nhà rất đẹp. Chúng ta say sưa ngoạn cảnh đẹp của thung lũng hoa vàng. Em được dịp gặp lại anh Trãi, chị Liên, “những người họ nhà em ai cũng rất khả ái” như em vẫn thường tự hào.
Trên đường về, chúng tôi ghé thăm Đại Học Stanford. Trong y phục đi dự đám cưới, chúng tôi lang thang qua nhiều giảng đường, thư viện, và các toà nhà cổ kính của viện Đại Học danh tiếng này. Em mong ước có những hậu duệ sẽ tới thụ giáo ở nơi này.
Cuối tháng 4 năm 2018, quay về Virginia được vài ngày, em kêu đau bụng. Bác sĩ gia đình cho thuốc dạ dày. Thuốc không hiệu nghiệm. Em được gởi tới specialist chuyên khoa bệnh ruột. Phải chờ cả tuần em mới được làm nội soi. Anh specialist gà mờ này đã quả quyết em rất bình thường, và không có gì để lo ngại.
Ra khỏi phòng khám bệnh, em đòi đi chợ. Tại chợ, em gặp một bà bạn quen. Nhìn em, bà ta kêu lên: “Ôi! sao trông chị ốm đi, và có vẻ mệt mỏi! Tôi xém không nhận ra chị nữa đó!”
Ngay hôm ấy, em đươc các con cấp tốc chở tới Faifax Hospital. Buổi chiều, đã có tin sét đánh: Em bị ung thư Pancrea. Cả gia đình ta nhuốm mùi tang tóc khi nghe “bản án”!
Tôi buồn rã rượi, không thể ngủ. Dù nước mắt rơi ướt bàn phím Computer, tôi cũng không thể ngừng viết để vơi bớt nỗi sợ hãi và tuyệt vọng. Tôi viết “Đợi Một Mùa Hoa”, để gởi nỗi buồn xé lòng đến bạn hữu, đoán trước rằng khi hoa xuân nở, tôi sẽ không còn hạnh phúc được chụp tấm hình đầu năm cùng em, dưới những cây hoa đào rực rỡ một màu hồng, trước sân nhà chúng tôi. Tôi ao ước được theo em ngày nào em bỏ gia đình. Đọc bài viết này, nhiều bằng hữu đã vội vã gởi mail đến để an ủỉ chúng tôi, khơi lên những hy vọng và khích lệ.
“Còn nước, còn tát”! Các bác sĩ Oncologist từ John Hopkins, Faifax Hospital Virginia Cancer Specialist, Virginia Hospital Center, Mayo Clinic, Georgetown… đều được khẩn cầu. Em đã được đưa tới khắp các bệnh viện lớn nhỏ trong vùng, để chích thuốc hoá trị, truyền máu, làm xạ trị. Vài bệnh viện ở xa, chuyên chữa trị bằng phương pháp đặc biệt, cũng được các con và bằng hữu giúp liên lạc và tham khảo cách chữa trị.
Trong khi cả gia đình, họ hàng, bằng hữu, cuống quýt tìm phương chữa trị bệnh hiểm nghèo, em đã biểu lộ một sự thanh thản khác thường. Em viết mail từ biệt bạn hữu. Em sửa soạn bộ quần áo, viết giấy dặn mặc cho em lúc lâm chung. Em viết lời di bút “Nằm trên giường bệnh mà thấy sung sướng như đã ở tiên giới, vì chồng con, cháu, dâu rể tràn ngập tình thương. Cầu Trời Phật cho tôi được ra đi trong lúc này, vì đã hạnh phúc quá rồi”. Mấy dòng em để lại đã an ủi tôi và các con rất nhiều.
Chỉ mới đây thôi, trong những đêm không ngủ, em còn mong mỏi một ngày tan đám giặc Bắc cộng, chúng ta sẽ cùng trở lại quê nhà, đi khắp Bắc Nam, thăm lại quê xưa làng cũ, anh em con cháu. Vậy mà nay chỉ còn là kỷ niệm!
Vọng về xứ Việt mong tan giặc!
Nay mắt tha hương khép lại rồi
Những tưởng cùng ai vui trọn kiếp
Nào hay nát đá lại vàng phai!
Hoàng Thị của tôi, người đã cho tôi hơn nửa thế kỷ yêu thương và hạnh phúc nay đã không còn. Dù Thần Chết đã ra tay cướp đoạt người tôi yêu dấu, Hoàng Thị của tôi vẫn sống mãi trong tim tôi, trong mỗi hạt máu, sợi tóc, mẩu xương, thớ thịt, của đám con cháu chúng tôi.
Death, be not proud, though some have called thee
Mighty and dreadful, for thou art not so
For those whom thou think’st thou dost overthrow
Die not, poor Death, nor yet canst thou kill me. (…)
[Sonnet thứ X “Death Not Be Proud” của John Donne]
Dù Em xa đã ngút ngàn
Dấu chim xưa đã mờ tan cuối đường
Dù nay cách trở quan san
Đã xanh bia đá đã vàng lũng sâu
Vẫn còn đây giấc mộng đầu
Máu xưa vẫn nối mạch sầu trong tim.
Mùa Xuân lại đang trở về xứ Virginia, Land of Lovers. Hoa Xuân đã hé nụ trước sân nhà. Tôi đã tiên đoán trong bài viết “Đợi Một Mùa Hoa”, lúc Hoàng Thị cuả tôi vừa lâm bệnh, năm nay chúng tôi không được cùng nhau đứng chụp chung một tấm hình đầu xuân như bao năm qua!
Em đã bỏ tôi giữa con đường hiu quạnh lúc cuối đời, để lại một trời thương nhớ.
Tử Sinh dẫu biết Luật Vô Thường. Nhưng khó ngăn dòng Lệ Tiếc Thương
Những tưởng phượng loan vầy một tổ Đâu ngờ cầm sắt rẽ đôi đường
Tiễn Em chấp bút lau dòng lệ! Điếu bạn nâng đàn đốt nén hương
Cầu nguyện Phật Trời mau tế độ Dẫn Em siêu thoát tận Tây Phương.
[Thơ Trần Văn Khê}
Bùi Xuân Cảnh Tháng 4 năm 2019