đêm đông sầu sao rơi xuống mau
như linh hồn ai than khóc lâu
vất va nhung nhớ người dương thế
thiên thu còn thương tội đời nhau
(Trần Thị Bông Giấy)
Khi lật xong các lá bài đang bày trên bàn, bà thầy bói nhìn thẳng vào tôi, nói ngay:
“Cô có một người âm theo đuổi từ khi còn rất trẻ. Vì vậy, cuộc đời cô long đong không dứt.”
Bà cúi xuống, ngẫm suy theo những con chuồn, con bích… xong, miệng mồm lưu loát:
“Người âm này rất thương yêu cô, vừa theo phù trợ và cũng theo mà phá. Cô cứ ngẫm lại trong đời, xem có phải rằng, khi cô lâm vào cảnh đau khổ thì tự dưng bạc tiền, danh vọng ào ào đưa đến? Còn khi gặp một tình yêu nào đó và nhất là yêu đáp trả đối tượng, không bao giờ cô hưởng thụ được trọn vẹn hạnh phúc của cô?”
Tôi ngồi im. Xưa nay tôi vốn rất tin tử vi, nhưng lại xem môn bói bài là cái trò dị đoan vớ vẩn. Bữa nay, tâm tư tuyệt vọng quá theo sự ra đi của chồng tôi, tôi như kẻ chết đuối vớ được mảnh ván tàu, tìm đến nhà bà thầy bói dưới sự hướng dẫn của một người bạn.
Bà thầy bói vẫn cúi xuống mặt bàn, ngón trỏ của bàn tay phải có chiếc móng nhọn màu đỏ, chỉ chỉ đếm đếm trên từng lá sắp thành hàng thẳng. Một lát bà hỏi:
“Cô thử nhớ lại trong thời tuổi trẻ có từng làm khổ ai để người ta phải chết?”
Tôi không đáp, trí óc đảo nhanh ý nghĩ: “Người âm nào đây? Anh Chàng, anh Thùy, hai người đàn ông chết trẻ, đã từng yêu tôi khi tôi vừa mới lớn?”. Tôi không biết được.
Tiếng bà thầy bói ra tuồng khẳng quyết:
“Cái số rất đào hoa. Chẳng những người sống theo đếm không hết, mà cả người chết cũng cứ mãi còn theo ám ảnh.”
Bà cúi xuống, rồi ngẩng lên nhìn thẳng tôi:
“Đôi mắt rất đẹp, hắc bạch phân minh. Vì vậy, dẫu đào hoa mà vẫn giữ được tâm hồn đoan chính. Nhờ có người âm theo, nên từ trước, gặp nhiều tai nạn, cô vẫn được bất ngờ cứu sống, trong khi với kẻ khác sẽ không thoát nổi cái chết đâu.”
Những lời bà thầy bói không hẳn rằng sai. Xưa nay trong đời tôi, quả có thế thật. Ba lần bể đầu vì ba nguyên nhân khác nhau, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Ba lần tự sát. Năm bảy lần bị những vết thương không gọi là nặng nhưng cũng phải thời gian dài cơn đau mới dứt. Lại còn những mối tình của đàn ông dành cho thì nhiều vô số! Ôi! Chuyện tình yêu đối với ai là hoa là mộng, còn với tôi chỉ là sự ghép liền những mảng tâm hồn tan nát, trở nên một "ấn tượng" đậm nét, đến nỗi tôi đâm sợ mỗi lần nghe ai đó ngỏ với tôi lời nói yêu đương!
“Người âm này tướng tá rất đẹp, uy nghi lẫm liệt. Đây này, cái con Coeur Vua nói lên điều ấy. Cô nhớ lại đi, có ai từng yêu cô và đã chết?”, bà thầy bói không nhìn tôi, nhận định và đặt câu hỏi tiếp.
Tôi vẫn không đáp. Bỗng dưng như không còn nghe và hiểu gì nữa những lời người đàn bà trước mặt cứ huyên thiên lưu loát; trong ký ức tôi, thật bất ngờ như một bóng ma, hình ảnh người đàn ông gần ba mươi năm xưa sừng sững hiện ra.
I.
Anh gốc người Chàm, là bạn thân của ông anh cả, trọ học trong nhà mẹ tôi một thời gian dài, khi tôi còn bé. Dáng anh cao lớn, da màu đen sẫm, vẻ đường đường quắc thước. Thuở nhỏ, tính nết tôi vốn trầm buồn khép kín, vì vậy, khác với ba cô em gái, tôi gần như không bao giờ muốn nhờ anh giúp cho bài làm hay trò chuyện thân mật cùng anh.
Sau khi xong Đại Học, anh rời nhà tôi.
Bẵng vài năm, một buổi chiều, thời gian tôi 18 tuổi, đi học về, nhìn thấy anh đang ngồi trong phòng khách. Nhận ra tôi, anh đứng lên, mừng rỡ:
“A Thu Vân đây sao? Lớn quá!”
Và anh giơ cả hai tay đặt lên vai tôi, lắc nhẹ. Thốt nhiên tôi nghe toàn thân tê dại. Lần đầu tiên trong đời có bàn tay đàn ông lạ chạm vào thân thể, hệt như luồng điện giật. Tôi ngước nhìn anh. Dáng anh đã cao lớn, bấy giờ lại càng cao lớn hơn trong bộ quân phục Nhảy Dù với lon Trung Úy trên vai, màu vàng đục ẩm. Anh rút tay về, vòng trước ngực, lùi lại một bước ngắm tôi, mỉm nụ cười ấm áp:
“Xinh quá! Nhưng cô bé có hay khó chịu như ngày nhỏ?”
Mẹ tôi xen vào lời đáp:
“Bây giờ giỏi lắm, nấu ăn ngon và đàn cũng rất hay!”
Tôi xấu hổ bước nhanh vào nhà trong, trái tim đập mạnh. Một tình cảm bất ngờ rung lên như điệu nhạc cuồng trong cơn lốc.
Suốt buổi chiều hôm ấy, tôi không dám nhìn anh, cũng không nói gì, dù rằng tôi được xếp ngồi cạnh anh nơi bàn ăn có trải khăn màu trắng. Những câu chuyện vang lên vui vẻ giữa anh và người anh lớn. Tất cả gia đình tôi đều tỏ ra hân hoan đón chào anh, như thể với một đứa con vừa trở về từ chiến trận xa xôi.
Đêm đến. Những ngọn đèn trong phòng khách được bật lên hết. Màu ánh sáng tỏa ra nỗi niềm ấm áp. Mấy chị em tôi vây quanh, nghe anh kể chuyện. Thuở xưa khi còn bé, chúng tôi vẫn thường được anh làm cho điều ấy. Cả bọn như uống từng câu nói về các cuộc hành quân, các lần vào sanh ra tử của anh trên nhiều chiến trường sôi động miền Trung. Các cô em đua nhau đặt ra nhiều câu hỏi. Còn tôi chỉ im lặng nhìn anh.
Có một lúc, anh bỗng dưng ngưng tiếng, bật lên câu ngợi khen, pha phần sửng sốt:
“Thu Vân có đôi mắt buồn và thu hút quá!”
Tôi cảm nghe một luồng khí nóng bao trùm nhanh thân thể. Anh cười, tiếp:
“Mấy thằng bạn anh đứa nào cũng độc thân vui tính. Có thằng con nhà rất giàu mà vẫn mồ côi, chưa đào địch. Hôm nào anh đem cuốn album khóa 20 Võ Bị đến, Thu Vân nhìn mặt, xem vừa ý đứa nào, anh sẽ làm ông mai, tha hồ anh em mình chia nhau quà đút lót.”
Và cười to, anh tiếp:
“Mấy thằng đó mà mết em gái anh, mết luôn tiếng đàn thì chỉ có nước cúc cung trà nước cho anh!”
Tôi xấu hổ, cúi đầu cười mỉm.
Khuya hôm ấy, trọn căn nhà lắng im trong giấc ngủ, chỉ mình tôi thức nơi bàn học. Ngoài hiên, hai người bạn cũ đang ngồi với nhau. Chen lẫn giữa tiếng Guitare trên tay anh khảy nhẹ từng âm thanh mỏng là giọng nói Phan Rang ấm áp của anh và cái giọng Huế pha Sàigòn của anh tôi, khề khà vui vẻ. Câu chuyện hai người bạn vô tình lọt vào tai khi tôi đang cúi mình nơi bàn học.
Tiếng anh tôi hỏi:
“Tại sao mày bỏ học ngang để vào lính?”
Anh đáp nhỏ:
“Thứ nhất, nhà tao nghèo quá. Thứ hai, có một lẽ quan trọng như một mối tâm huyết từ bé tao đã cưu mang: ”Khôi phục lại đất Chàm!””
Tôi chợt nghe lòng bâng khuâng vô cớ.
“Mày có nghĩ đó là một điều khó thể thực hiện?”
Tiếng anh trầm hẳn:
“Tao biết! Nhưng đã thế trong tao, quyết không thay đổi. Giờ đây, chỉ gia nhập binh chủng Nhảy Dù mới mong mau lên Tướng. Nếu không có quân trong tay, làm sao thi hành được ước vọng riêng?”
Tiếng Guitare lại vang lên, làm át đi tiếng thì thầm trò chuyện. Các dòng chữ trên quyển sách trước mặt tôi đâm thành rối beng, thừa thãi. Tôi nhìn ra ngoài trời. Bầu trời tối như đêm 30 Tết. Tôi hơi nghiêng người về hướng hành lang, chăm chú lắng tai.
Giọng anh cố làm cho nhỏ:
“Đúng! Tao vẫn biết, giành lại đất Chàm không phải là điều dễ dàng thực hiện. Nhưng, từ hàng trăm năm qua, dân tộc tao chìm đắm quá sâu trong khốn khổ. Người dân xứ tao phải chịu sống kiếp tha hương ngay trên chính cái nơi đã chôn nhau cắt rốn. Tao may mắn được ăn học tới nơi tới chốn, kiếm ra đồng tiền bằng sự hiểu biết của mình. Nhưng còn vô số những người mù chữ, bao người lớn, con nít hằng ngày không biết lấy gì mà ăn, hằng đêm không đủ tấm chăn đắp cho ấm bụng?”
Trong giọng nói anh, tôi nghe ra một nỗi u trầm đặc biệt. Cái u trầm trong các điệu hát của những người Hời, tuy chưa từng một lần trực tiếp thưởng thức, nhưng tôi có thể tưởng tượng được qua những dòng sử sách viết về dân tộc Chàm. Trong tiếng hát có pha điều thống hận. Phải gọi là tiếng khóc nhiều hơn, phát sinh từ đôi môi của những con người đúng như anh nói: “Đi tìm vùng đất quê hương ngay trên chính cái nơi mình đã sinh ra.”
Anh tiếp:
“Mày là bạn chí cốt của tao, hẳn cũng hiểu tao. Sở dĩ tao đạt được thành quả dẫn đầu suốt trong nhiều năm còn đi học là bởi tao có con đường riêng, không dám chút nào xao lãng. Bây giờ, việc lao vào Nhảy Dù cũng không ra ngoài cái chí hướng ấy.”
Tôi hình dung khuôn mặt chữ điền với cái cằm bạnh, đôi mắt rực sáng khi thốt lên câu trên bằng lối nói pha chút chua cay nhưng cũng đầy hùng tính.
“Tao là một thằng tuổi trẻ, sống trong đất nước Việt Nam đạn bom liên tục. Tao cũng có những suy nghĩ như mày, như mọi thằng tuổi trẻ về tất cả những gì chung quanh đang nhìn thấy, rồi đây sẽ trở thành lịch sử. Nhưng khác mày, khác mọi thằng, trong tao còn có niềm ray rứt riêng cho chính những điều dân tộc tao đang hằng ngày chìm đắm. Làm sao tao có thể sống yên với những gì đạt được trong niềm toại ý tầm thường vị kỷ? Cách nào tao tự thỏa thuận với ý nghĩ đem dâng hiến tài năng cho một dân tộc kẻ thù đã từng tiêu diệt dòng giống tao từ hàng trăm năm qua?”
Nghe câu cuối cùng, toàn thân tôi đột nhiên rúng động. Mười tám tuổi mà tôi đã nhận thức được rằng, hoài bão anh rõ ràng vô vọng. Trong óc hiện nhanh hình ảnh tưởng tượng theo cái máy chém bổ xuống trên cổ 13 vị anh hùng Việt Nam Quốc Dân Đảng thời thực dân cai trị. Thời buổi này không còn máy chém. Nhưng, cái pháp trường xử bắn ở gần trường đua Phú Thọ, và cái án khổ sai chung thân nơi Côn Đảo liệu có buông tha nếu một ngày anh thực hiện không thành ước vọng vô cùng của anh?
Đồng thời, một tình cảm rất lạ bất ngờ len lỏi vào trên từng sớ da lớp thịt tôi buổi khuya hôm ấy. Tôi tưởng như vừa bắt gặp được cái gì rất thân yêu từ tiền kiếp nào quá khứ. Từ lâu, khi nhìn thấy những người Chàm ngồi bán buôn rải rác nơi đầu phố chợ khu Hòa Bình, Dalat, trên khuôn mặt tỏa nét buồn chịu đựng, luôn luôn tôi vẫn không rời thoát nỗi niềm xót xa thương cảm. Nỗi xót xa giống như khi đứng trước điều bất hạnh của một người thân mà mình không cách chi sẻ chia cụ thể. Tôi không nghe sợ theo tiếng đồn về những con ma Hời mẹ tôi thường kể. Trái lại, tôi nghĩ, giữa tôi và những con người mất nước ấy, có nhiều điểm tương đồng chưa được dịp tìm ra.
Buổi khuya vô tình nghe lọt tâm sự anh, cái điểm tương đồng này đột nhiên ló mặt, như thể, nếu đưa tay ra, tôi dễ dàng nắm bắt. Chỉ thoáng chốc, tôi thấy mình tự dưng biến đổi. Trái tim co thắt theo một cơn đau bất ngờ phủ chụp. Mối hờn vong quốc của dân tộc Chàm, tôi từng thấm cảm qua các dòng thi ca Chế Lan Viên, bấy giờ càng nồng đượm hơn trong tiếng nói anh chứa đầy u uất. Một thoáng, tâm hồn tôi chợt như rũ xuống. Sự cảm phục về anh nẩy sinh nhanh chóng trong tôi.
*
Từ đó, tôi âm thầm nghĩ đến anh. Hoài bão của anh được tôi đem hòa nhập vào trong từng giấc mơ mỗi tối. Tôi tìm đọc trong các cuốn Sử để nhận biết xót xa ngày càng nhiều hơn số phận đau thương của dân tộc Chiêm Thành. Những chiều tan học, lang thang trên phố Lê Lợi, tìm mua được quyển sách nào có liên quan đến vùng đất một thời lừng lẫy nay đã vĩnh viễn trở thành dĩ vãng, tôi vui mừng như vừa tìm ra của quí. Ôi! Những con ma Hời theo anh, len lỏi vào trí não tôi những đêm trằn trọc. Tiếng gươm tiếng giáo trong các cuộc binh đao xưa lắc quay cuồng giấc điệp. Tiếng gào thét kêu la từ cổ đại, mơ hồ văng vẳng, nhiều đêm khiến tôi khó ngủ. Những khi ấy, đầu óc tôi chỉ tưởng nghĩ đến hình ảnh cái pháp trường Phú Thọ, một ngày nào anh sẽ phải bị bịt mắt trói mình trước những họng súng đang cất cao chĩa thẳng vào anh.
Một buổi chiều Tháng 2, từ Mã Lai trở về sau ba tháng tu nghiệp khóa tình báo đặc biệt, anh tìm đến nhà mẹ tôi. Vẫn nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt chữ điền với làn da đen xạm, anh đưa ra chiếc hộp có bọc giấy hoa đẹp đẽ, nghiêng mình trước tôi theo dáng cách một nhà quý tộc:
“Tặng em, để dùng trong dịp trình diễn sắp tới!”
Tôi mở nắp hộp. Một chiếc áo dạ hội bằng lụa màu xanh nước biển bung ra dịu dàng dưới bốn đầu ngón tay tôi đang chụm lại. Mùi vải thơm quyện nhanh nơi mũi. Bỗng dưng tôi thốt rùng mình vì búp hoa hồng màu đen rộng bản có hai dải băng dài, đính ngay ngực áo. Cái màu ghê rợn nói lên điềm gở nào không biết. Tôi cứ vậy mà ngẩn ra, đôi mắt không rời thoát được cái màu đáng sợ kia.
Tiếng anh trầm ấm:
“Chính tay anh chọn nó bởi anh biết em rất yêu màu xanh.”
Rồi anh hát nhẹ:
Xong lại mỉm cười:
“Trong cái tên em, có mùa thu. Màu xanh lại là màu em yêu mến. Sao? Chiếc áo có làm em thích?”
Tôi gật:
“Dạ, áo đẹp lắm, nhưng em nói thật, cánh hoa hồng làm em sờ sợ.”
Anh bật tiếng cười:
“Cô bán hàng đưa cho anh chiếc áo trắng có hoa màu đỏ, nhưng anh thấy màu đen nổi bật làm chiếc này trội hẳn.”
Giọng anh vỗ về:
“Em không nhớ câu chuyện Bông Cúc Đen ngày nhỏ? Bây giờ không phải bông cúc, mà bông hồng đen mới là đặc biệt.”
Tôi cố nở nụ cười theo điều anh vừa nói mà thật thì tâm tư lửng lơ nghĩ ngợi. Rồi không dám nhìn lâu chiếc áo, tôi đem treo nhanh nó vào trong tủ, lòng tự nhủ “sẽ không bao giờ dùng đến”, cho dù trong ngày trình diễn như ý muốn của anh.
Sau buổi cơm, anh ngồi lại trò chuyện với riêng tôi. Từ lâu nay, đôi lần về phép, anh vẫn ghé nhà tôi. Dấu nét tình cảm nào đó ẩn hiện trên anh - và cả trên tôi - là bằng chứng cho những người thân lịch sự rút lui nơi khác, dành lại cái không gian ấm áp của căn phòng khách cho hai chúng tôi phô bày nhiều câu chuyện. Ánh mắt anh rạng rỡ:
“Bao giờ em ra trường?”
“Khoảng đầu tháng 6.” Tôi đáp:
Và nói thêm:
“Sau đó, sẽ phải làm một buổi độc tấu nếu như em đoạt Thủ Khoa trong kỳ tốt nghiệp.”
Anh gật:
“Anh tin em đoạt được. Anh sẽ cố lấy cái phép về Sài Gòn trước ngày em trình diễn.”
Vẻ thật tươi, anh tiếp:
“Nhưng anh chẳng có áo quần nào lịch sự ngoài vài bộ áo hoa rừng, không biết có làm em xấu hổ?”
Tôi ngước nhìn anh, im lặng. Anh bật cười to, điệu hào sảng:
“Đó! Cô bé lại khó chịu y như ngày nhỏ. Anh sẽ về mà! Về để nghe em đàn! Trên sân khấu, em hãy nhớ rằng, có một người lính Dù đang đứng trong góc tối, lắng nghe tiếng đàn em một cách thật trang trọng…”
Ngừng một nháy, anh tiếp:
“… Trang trọng hơn bất cứ vị khách lịch sự nào trong các bộ complet!”
Kể về cuộc sống liên miên các trận hành quân dữ dội, anh tâm sự:
“Anh rất ghét chương trình Dạ Lan, truyền thanh mỗi tối trên đài Quân Đội. Với anh, đó chỉ là một kiểu tâm lý chiến làm lũng đoạn tinh thần người lính, hoàn toàn không đem lợi ích gì cho họ. Trong Trung Đội anh, tên nào bị bắt gặp đang nghe đài Dạ Lan là anh buộc đi ứng chiến ngay.”
Rồi giải thích:
“Ứng chiến có nghĩa là không được động đậy, chỉ nằm mai phục một xó giao thông hào, bọn Việt Cộng chẳng thể tìm ra địa điểm. Vì vậy, làm sao còn nghe Radio cho được?”
Anh vẫn tự nhiên cười nói - các câu chuyện của anh thường rất sống động - và tôi vẫn tính nết nhu mì khép kín. Giữa hai chúng tôi chưa hề tỏ cho nhau thấy chút gì quá đà trên giới hạn giao thiệp. Tôi chẳng một lần nghe anh buông lời suồng sã. Cũng chưa hề bao giờ anh dám nắm lấy tay tôi. Luôn luôn, trong mọi lời nói, cử chỉ, anh đều tỏ nên một sự tôn trọng vô cùng đặc biệt. Nhưng, tự âm thầm đâu đó trong tiếng đập của trái tim, cả anh và tôi đều biết rằng có một tình yêu vừa độ lên ngôi.
Những câu chuyện buổi tối hôm ấy làm loãng tan dần trong đầu tôi nỗi ám ảnh theo cánh hoa hồng màu đen ghê rợn. Đêm đang độ mùa trăng. Ánh trăng rằm vằng vặc trải kín trong sân những luồng sáng màu bạc, nhẹ nhàng hư ảo. Tôi kể cho anh nghe những điều vẩn vơ trong cuộc sống học đường đầy tính lãng mạn. Đổi lại, anh không giấu tôi các sinh hoạt bạn hữu và cuộc sống chiến chinh.
Tuy nhiên, có nhiều khi, một giây thật ngắn, anh chợt ngừng lại, nhìn mông lung ra ngoài cửa sổ. Những khi ấy, khuôn mặt anh đột nhiên biến đổi, đôi mắt lắng trầm trong cái hố cùng suy tưởng. Trông anh thật xa, xa đến chừng như không thể nào vói tới. Trong ý thức mờ tối của một đứa con gái ngây thơ, tôi thốt nhiên sợ hãi. Con người yêu dấu trước mặt không phải sinh ra để dành cho tôi. Anh thuộc về đại đồng của một dân tộc giờ đây đã vĩnh viễn bị xóa tên trên bảng đồ thế giới. Cái tâm sự riêng, anh không ngờ tôi đã tỏ. Và đó chính là điều vừa như thắt chặt tấm tình tôi, lại cũng vừa tạo nên trong tôi cái ấn tượng mạnh mẽ rằng “cho đến cuối đời, tôi và anh vẫn chẳng thể đi trên cùng một con đường với nhau.”
Tiếng anh cơ hồ phấn khởi:
“Anh còn bà mẹ già và một người chị, lớn hơn hai tuổi. Nhà anh nghèo lắm, cái nghèo lồ lộ như nàng con gái không có gì che thân cho ấm.”
Tôi nghe chừng giữa trái tim có luồng suối ngọt chảy qua trong ấy. Nét mặt anh tươi cười:
“Ngày mai anh trở ra Quảng Trị. Ba tháng tu nghiệp qua đi nhanh quá. Nhưng anh hy vọng sau chuyến hành quân sắp đến, anh sẽ có được cái phép dài hơn, về đây thăm em.”
Giọng anh đột nhiên chớm phần ngần ngại:
“Trong dịp này, anh sẽ xin phép mẹ đưa em đi chơi Phan Rang một chuyến. Anh sẽ hướng dẫn em từng nơi từng chốn trong vùng đất khốn khổ để em thấy rõ thế nào là cái nghèo của quê hương anh, như anh nói vừa ban nãy”.
Ánh nhìn anh bao trùm khuôn mặt tôi, thật sâu và tha thiết:
“Em có muốn làm điều ấy không?”
Tôi cúi đầu đáp nhỏ:
“Em mong được như thế. Mong có ngày tìm đến tận nhà thăm mẹ và người chị của anh.”
Khi từ giã tôi dưới giàn bông giấy, trông anh rõ ràng luyến lưu như có điều muốn nói. Tôi đứng im chờ đợi. Tần ngần một lát, anh cỡi lên chiếc Honda, hai chân bỏ thõng trong thế ngồi chuẩn bị. Quay nhìn tôi, anh nói thật nhanh:
“Anh sẽ trở về. Em hãy chờ anh!”
Xong, chiếc xe được rồ máy, phóng vào đêm tối.
Một đêm đầu Tháng 5, mưa rơi tầm tã. Vào mùa hè, trời Sài Gòn vẫn thường có những trận mưa dầm như thế. Ngồi nơi bàn học nhìn từng chuỗi mưa liên tiếp đổ màu trắng xóa, tôi nghĩ nhanh đến bãi chiến trường có anh đang đồn trú, lòng chợt như thắt lại thật xiết. Một cách máy móc, tôi bật lên chiếc Radio, lạ lùng sao lại rơi đúng vào giờ phát thanh của chương trình Dạ Lan. Tôi giơ tay định vặn nút tắt, nào dè, giọng nói nũng nịu của người nữ xướng ngôn viên rõ ràng từng chữ làm tôi khựng hẳn:
“Cố Thiếu Tá Lê Văn Huệ, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù vừa tử trận trong cuộc hành quân Lam Sơn, đêm… tại chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị. Chúng tôi, Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan và binh lính trong Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù xin chia buồn cùng gia đình Thiếu Tá và cầu nguyện cho vong linh Thiếu Tá chóng phiêu diêu nơi miền cực lạc.”
Nỗi thảng thốt vô cùng đổ ập nhanh khiến như làm nghẹn trái tim tôi đang rung lên từng cơn sợ hãi. Tiểu Đoàn 9 là Tiểu Đoàn có anh tham dự và Thiếu Tá Lê Văn Huệ là Tiểu Đoàn Trưởng của anh. Tôi chụp giấy bút, viết cho anh vài dòng vội vã:
“Anh,
Em vừa nghe đài Dạ Lan để biết rằng Thiếu Tá Lê Văn Huệ đã tử trận. Còn anh thế nào? Sao em lo sợ quá. Anh hãy cố giữ gìn thân thể, trở về với em như lời đã hứa. Em chờ đợi để được một lần theo anh về thăm vùng quê hương nghèo khổ của anh!”
II.
Trước một hàng quan tài độ chục cái trong nhà Nghĩa Tử Đường Nghĩa Trang Quân Đội, hai bàn tay tôi và cô bạn gái đan vào nhau thật xiết. Tôi nhìn thẳng tấm ảnh anh đặt trên cái nắp hòm thứ ba tính từ bên trái. Khuôn mặt chữ điền, đôi mắt sáng quắc, nụ cười rất tươi đưa ra những chiếc răng đều đặn; trên đầu, chiếc mũ Nhảy Dù đội lệch sang một phía. Trong óc tôi vang vang lời nói anh một ngày không xa trước đó: “Anh sẽ cố lấy cái phép về Sài Gòn trước ngày trình diễn của em.”
Âm giọng dịu dàng cũ chưa kịp hội tụ thành hình ảnh kỷ niệm trong một đêm trăng có những luồng sáng lung linh chiếu qua cửa sổ căn phòng khách đẹp, đã bị lấn át và loãng tan theo sự gợi nhớ cuộc hiện hữu bất ngờ của người Trung sĩ Nhảy Dù mới vừa ban trưa trước ngưỡng cửa nhà mẹ tôi. Giọng ông la lớn:
“Cho tôi gặp cô Thu Vân!”
Tôi và người anh lớn từ trong nhà bước vội ra. Trái tim tôi đập mạnh. Một nỗi bất an lan tràn cơ thể. Tiếng nói chắc nịch bằng giọng Quảng Trị, hệt như tiếng tuyên án của tử thần, vang lên tàn nhẫn:
“Trung Úy Thuận Văn Chàng đã tử trận trên chiến trường Khe Sanh đêm 27/5.”
Anh tôi hỏi nhanh:
“Sao?”
“Một viên đạn bay đến, ghim suốt qua trán Trung Úy.”
Hai tai tôi lùng bùng, cả thân hình cơ hồ sắp ngã. Viên Trung Sĩ thản nhiên nói tiếp:
“Chúng tôi liên lạc mãi, chẳng thấy người nhà nào của Trung Úy đến nhận xác. Quan tài đang quàn ở Nghĩa Tử Đường Nghĩa Trang Quân Đội. Nhờ lá thư này trong túi áo Trung Úy nên theo địa chỉ mà đến báo tin. Đây, xin trả lại nó cho cô!”
Và ông chìa lá thư ra.
Đó là lá đầu tiên, cũng là cuối cùng tôi viết cho anh một đêm Tháng 5 từ trường Nhạc trở về, vừa cách đây đúng ba tuần lễ. Tôi cầm tờ thư trên tay, ngẩn ngơ tâm trạng. Viên Trung Sĩ nói thêm nhiều điều với anh tôi, nhưng tôi không còn hiểu gì nữa. Tôi bước vội vào phòng riêng. Hai cánh cửa tủ áo mở ra, chiếc Soirée có búp hoa hồng màu đen đập nhanh vào mắt, giống hệt cái cười của Tử Thần vẫn thường nhìn thấy trên các bức tranh trong chuyện cổ tích. Tôi rùng mình sợ hãi; rời căn nhà như ma đuổi, tìm đến cô bạn gái, đáp xe Lam lên Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa ngay.
Buổi xế trưa chuyển dần sang màu trời chiều ảm đạm. Nghĩa trang âm u, cỏ mọc cao chung quanh các hàng mộ chạy dài thành những đường thẳng tắp. Tôi đứng lặng trước dãy quan tài trong nhà Nghĩa Tử Đường sáng choang ánh bạch lạp, cố tập trung tất cả những gì gọi là kỷ niệm của anh, gom thành một khối… Tuy nhiên, rõ ràng một điều là trí óc tôi lạc trôi đâu mất. Các hình ảnh cũ như rời ra thành từng mảnh nhỏ…
Thật lâu, người bạn gái lắc nhẹ tay tôi:
“Thôi mình về! Trời sắp tối rồi. Ở muộn đây, nguy hiểm lắm!”
Tôi nhìn ảnh anh, rồi lại nhìn tờ thư trên tay, âm thầm ngỏ lời vĩnh biệt. Lá thư của tôi được gửi theo địa chỉ KBC 4804, sau cùng đến kịp tay anh trước khi tử trận. Anh đã đọc nó. Đã hiểu lòng tôi. Tấm lòng của một đứa con gái ngây thơ lần đầu biết yêu và cũng lần thứ nhất nếm mùi tuyệt vọng từ tình yêu đưa lại. Khuôn mặt Định Mệnh hé lộ trong cuộc đời tôi rất sớm. Mười tám tuổi, tâm tư còn hoàn toàn trong sáng; vậy mà không ngờ một lúc thật nhanh, tôi thấm cảm được hai chữ “vô thường” theo mọi thứ chung quanh một cách thật rõ rệt đắng cay.
III.
Gần 10 năm trôi đi, cuộc đời tôi trải qua rất nhiều thống khổ. Bấy giờ hình ảnh anh không còn là mối buốt nhức dữ dội trong trái tim mỗi lần nghĩ đến, mà nó trở nên dìu dịu mang mang, nhưng cũng không kém phần thương cảm xót xa.
Một lần theo đoàn cải lương Sài Gòn III lưu diễn Phan Rang, ban ngày không hát, tôi tìm vào tận ấp Mường Khai xa tít, vùng quê hương anh nghèo nàn khốn khổ. Hai bên con đường trồng hai hàng cây sao, cành lá tỏa ra rậm rạp. Những người Chàm bên trong các dãy nhà san sát lụp xụp, ngó tôi đi qua bằng ánh nhìn chịu đựng. Tôi phải hỏi thăm mãi mới tìm thấy căn nhà lợp bằng mái lá, vách đất, có bà mẹ già anh cư trú, nằm đầu bìa một cái xóm nhỏ, sát ngay biển. Trước sân, một đám con nít áo quần bẩn thỉu, chơi đùa ầm ĩ. Tôi tự giới thiệu mình là ai. Bà cụ khoảng 70 tuổi, dáng hom hem còm cõi, và cả người chị gái giống anh như đúc, đều không biết tiếng Việt, nên không hiểu tôi muốn nói gì. Tôi đứng ngẩn ngơ. Bỗng dưng, một người đàn ông từ trong bước ra, tự nhận là anh rể anh. Ông mời tôi vào nhà.
Khoảng không gian rất hẹp theo chiều ngang, chia thành hai gian, chạy dài ra khoảng đất trống phía sau. Gian ngoài - được ngăn cách với gian trong bằng một bức vách ván - có kê chiếc bàn và bốn chiếc ghế lắc lư chân cẳng. Cái kệ thờ anh đặt trên mặt tủ nhỏ, kề sâu trong góc. Tôi ngồi nhìn quanh nơi chốn anh từng chào đời và lớn lên trong thời niên thiếu. Rõ ràng “cái nghèo lồ lộ” hiện hình ra trên từng góc cạnh. Nhớ lại câu chuyện nghe thầm đêm nào tại căn nhà màu hồng trên đường Yên Đổ, trái tim tôi bất chợt chùng xuống trong một nỗi ngậm ngùi khôn tả. Bấy giờ là năm 1977, cuộc đổi đời vừa tròn hai tuổi! Hai năm ròng, tôi theo một đoàn cải lương lưu diễn khắp các chân trời góc bể của Việt Nam.
Một thoáng rùng mình, tôi bỗng nhìn ra rất rõ cái điều “Vì đâu tôi rung động tức thì theo những lời anh nói buổi khuya hôm ấy?” Mối sầu cố xứ, không chỉ riêng anh và dân tộc Chàm, mà ngay cả tôi cũng đang thụ cảm vô cùng sâu sắc. Tôi đi tìm đất nước tôi trên chính những vùng trời quê hương giờ đây đã đổi tên đổi chủ. Lịch sử đã sang trang! Một trang sử không chút oai hùng, nhưng cũng không chối rằng đã ghi dấu quá nhiều đau thương thống khổ. Và lịch sử lại tái diễn. Bấy giờ, không chỉ những người Chàm ngồi bán buôn rải rác nơi đầu phố chợ khu Hòa Bình, Dalat, mà còn biết bao chục triệu người Miền Nam phải mang bộ mặt u trầm chịu đựng trong căn nhà quê hương đã không còn là của mình sở hữu. Mối hờn vong quốc thuở nào từng xảy ra cho dân tộc Chàm, thì ngay chính lúc này đây, dân tộc tôi cũng phải gánh chịu, nhưng dưới nhiều khía cạnh khác càng bất hạnh thảm thiết hơn.
Tôi nhìn tấm ảnh anh. Mới đó mà đã gần 10 năm! Cái tuổi ngây thơ của tôi, theo thời gian, trôi nhanh đi mất. Thảng hoặc nhìn thấy các người Chàm, tôi cũng se lòng nghĩ đến anh, nhưng tình cảm chóng biến tan như cơn gió thoảng. Mọi thứ trên đời, dẫu kiên cố đến đâu, thảy đều bị xói mòn theo năm tháng. Tôi biết vậy. Tấm tình tôi cho anh cũng không ra ngoài quy luật đó. Nhưng còn anh, tôi không tin rằng anh siêu thoát theo cái chết tức tưởi khi mái đầu còn xanh màu tóc. Và, dưới lòng mộ sâu, tôi chẳng thể nghĩ được điều linh hồn anh đã hết vấn vương hoài bão ngày xưa.
Tôi cứ vậy ngồi yên thật lâu, cúi đầu nhìn xuống sàn đất. Người anh rể ngồi đối diện. Sự tĩnh lặng của một buổi trưa nắng cháy bao trùm mọi thứ, bao luôn cả tiếng lòng tôi đang hồi đảo điên xúc động. Tiếng xạc xào từ những cành lá nơi bụi cây dương xỉ quanh sân, vang lên những âm thanh buồn buồn, rười rượi. Lúc bấy giờ, tôi tin rằng mình hiểu được chiều sâu nỗi niềm anh cưu mang thời tuổi trẻ. Lúc bấy giờ, tôi chợt thấy mừng cho anh khi so sánh cái cảnh “hai hàng lính nghiêm trang bồng súng, chào chiếc quan tài có phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ đang từ từ tiến về huyệt mộ”, với “một hàng súng giơ cao, nhắm thẳng vào con người đang bị bịt mắt trói chân nơi cột, trên cái pháp trường Phú Thọ, một buổi sớm tinh mơ!”
Nơi kệ thờ đặt chiếc ảnh anh có nụ cười rạng rỡ; tấm ảnh tôi từng nhìn thấy trên nắp quan tài nhiều năm trước đó. Tôi thoáng rùng mình vô cớ. Trời đang trưa nóng bức mà tưởng như vừa có luồng khí lạnh lan tràn mọi chỗ. Kỷ niệm đêm cuối cùng ngồi với anh trong căn phòng khách nhà mẹ tôi quay cuồng trong trí nhớ… Điệu cười sang sảng, ánh mắt tươi vui, những lời hứa hẹn, và nhất là cái ý nghĩ “trọn đời muốn được chia sẻ hoài bão cùng anh”… Tất cả… Tất cả…
Trong một giây thật ngắn, tôi tự kiểm với lòng câu hỏi:
“Nếu như ngày đó anh không lìa đời sớm, liệu tôi có cảm nghe hạnh phúc khi theo anh về chung sống với những con người xa lạ trong căn nhà bé như cái ổ?”
Câu hỏi cứ trở đi trở lại hoài làm tôi đột nhiên nghẹn thở. Tôi bước nhanh ra cửa, hít làn khí trời vào trong buồng phổi. Quay mặt lại, hướng về phía bàn thờ, thấy cái cười anh biến thành như giễu cợt, đôi mắt chiếu thẳng vào tôi ánh nhìn dò xét. Tôi chợt thấy mình buồn lả. Không phải tôi đang tự hỏi, mà chính là “anh đang muốn hỏi tôi.”
Tôi bỗng mỉm cười nhìn lại anh, bước tới cầm nén nhang người anh rể vừa đốt đưa cho, cúi đầu lạy anh, thì thầm trong miệng những lời chân thật:
“Anh đừng nhìn em cách cợt đùa như thế! Bây giờ anh đã là người thiên cổ, hẳn linh hồn có thể xuyên thấu trái tim em để hiểu rõ điều gì em từng nghĩ. Nếu anh không bỏ em mà đi sớm quá, giờ phút này, biết đâu chúng ta cũng đã có một đứa con cùng đang chạy nhảy trong cái lũ con nít ngoài sân kia?”