User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Tháng 7 tôi về ngang lối cũ
Áo khuya chưa đủ ấm hơi người
Còn nguyên dấu tích thời phiêu lãng
Bàng hoàng theo mỗi bước chân tôi

Nhịp đêm dội xuống hồn khuya khoắt
Chưa chắc gì đã tới chiêm bao
Tháng 7 mưa dài thêm sợi tóc
Chờ em ngồi thắp ngọn bạc đầu

Con đường thao thức ngang lòng đá
Dốc liễu ngày xưa cũng đã già
Dáng em thấp thoáng hiên mưa tới
Lá buồn che ướt lối tôi qua

Một lần hôn phối hồn tháng 7
Quảy gánh trăm năm cõi đi về
Để nghe tiếng khóc em lạ lẫm
Như còn trầm uất giữa u mê…

Tháng 7 Tôi Về - Hư Vô

honpholaoxao

Xa Sài Gòn một thời gian đủ dài để tôi nhận ra rằng mình cũng là một kẻ cực đoan ghê gớm.

Ký ức về Sài Gòn cùa tôi nhất định nằm lì trong một khoảng không gian nhất định của quá khứ, bất chấp những thay đổi vun vút mà thời gian đem lại. Ví von hơn nữa, tôi tơ tưởng về Sài Gòn ngày xưa là một cô gái đang độ đôi mươi đẹp thuần khiết, dịu dàng nên bây giờ rất khó để chấp nhận một Sài Gòn mới mẻ được tân trang phù phiếm đắp vá như người phụ nữ quá thì vội vàng níu kéo tuổi xuân. Khi tôi nói ra điều này chắc chắn sẽ có nhiều bạn trẻ không đồng ý với lối so sánh khập khiễng ấy nhưng tôi tin bạn sẽ hiểu khi mười năm, hai mươi năm sau đến một lúc nào đó bạn có được một quá khứ đủ đầy thì Sài Gòn của ngày hôm nay sẽ trở thành một nỗi niềm lưu luyến khôn nguôi trong ký ức riêng của bạn.

Tôi thích sưu tập hình ảnh cũ hay lắng nghe những câu chuyện kể về Sài Gòn ngày xưa từ người lớn. Khác với Hà Nội đằm thắm mưa phùn lây rây, hoa sữa ngát hương trên phố hay Huế cổ kính với lăng đền xưa cũ, dòng sông Hương mượt mà uốn quanh. Ký ức về Sài Gòn luôn là đường phố, quán xá và những tà áo trắng trong giờ tan học. Nhưng nói thế vẫn chưa đủ vì Sài Gòn là một biểu tượng của sức sống không ngừng chảy bắt nguồn trong từng sinh hoạt của người dân phố thị.

Chẳng hạn vào sáng tinh mơ, bạn có thể nghe được những tiếng động rất đặc trưng báo rằng thành phố đang thức dậy. Gần nhà tôi có một bác chạy xe lam thường khởi hành rất đúng giờ. Khi tôi nghe tiếng máy xe nổ phành phạch là biết rằng đã bốn giờ sáng. Con phố nhỏ rùng rình ngái ngủ rồi tỉnh giấc dần theo tiếng động, tiếng lao xao ở ngoài đường lớn. Bắt đầu một buổi sáng của tôi là việc quét lá rụng trên sân vun lại thành đống lớn chờ khi lá khô ba tôi sẽ đốt. Tôi thích ngửi mùi lá khô có thoang thoảng hương thơm của những đoá hoa nở trên cành cao. Về sau này, hàng xóm đông đúc hơn ba tôi không muốn phiền nên những chiếc lá rơi được hốt ngay vào thùng rác. Tôi không thích nhìn những chiếc lá mơn mởn bị vùi dập ấn vào thùng rác một cách bội bạc như thế nên hàng ngày vẫn chăm chỉ quét lá rồi vun đống chờ lá mục tàn.

Nói về cỏ hoa có lẽ chẳng bao giờ hết chuyện. Hoa đẹp muôn màu muôn vẻ thì đã đành, đến lá cũng đa dạng, mỗi cây mỗi kiểu. Lá hoa Sứ (hay còn gọi là hoa Đại) to, màu sậm có gân lớn. Lá hoa Hoàng Anh nhỏ và cũng mịn màng hơn. Lá hoa Ngọc Lan to bản, có màu xanh ngọc đẹp và thơm nhưng tôi luôn cảnh giác với loại cây lá này vì nếu không may bạn sẽ chộp được một con sâu cũng màu xanh ngọc mập ú nằm ngo ngoe lẫn dưới lá. Hàng xóm nhà tôi vẫn thường ghé qua xin hoa Ngọc Lan. Có người vô ý níu cây bẻ gẫy cả cành lớn thật đau lòng. Để tránh cảnh tàn phá từ những bàn tay bạo tàn, anh tôi thường hái cả túi hoa để sẵn trong nhà dành chia cho mọi người.

quan coc

Sài Gòn không có nhiều cỏ hoa nhưng bù lại cây to bóng mát cũng nhiều. Muốn tránh trời trưa nắng đổ, nếu thời gian còn chút thong dong cứ rẽ vào những con đường nho nhỏ mát rượi bởi tàng cây cao có lá đan vào nhau rợp bóng. Những con đường lá me của Sài Gòn đã làm nên bao nhiêu thơ nhạc lãng mạn về vẻ đẹp của Sài Gòn. Tôi nhớ những vĩa hè bằng gạch kẻ ô vuông nhỏ làm mỗi bước đi cứ dập dềnh trên đôi giầy gót nhọn. Thỉnh thoảng ở nơi góc phố nào đó, một chái hiên được nâng lên nhô ra ngoài vỉa hè, vài ba bộ bàn ghế gỗ kê chênh vênh là đủ cho người Sài Gòn mượn cớ dừng chân để uống một ly café phin nâu đen đậm đà rồi ngắm nhìn người đi qua lại trên đường.

Người Sài Gòn quen thuộc với hàng quán như một phần lẻ của đời sống không thể thiếu. Vào tuổi học trò, hàng quán là những xe bán quà vặt ở trước cổng trường. Bò bía, chè, gỏi đu đủ… là những món thật quen thuộc và luôn được các cô, các cậu học sinh chiếu cố tận tình. Nói đến chuyện ăn quà người ta hay đổ oan cho các cô con gái. Nếu bạn đi qua các trường nam sinh như Chu Văn An hay Cao Thắng, nhìn cảnh các cậu người đứng, kẻ ngồi trên xe tay bưng đĩa gỏi đu đủ húp đến cạn giọt nước cuối cùng trong đĩa thì sẽ thấy cái tội “ăn quà mỏ khoét” không phải chỉ có các cô. Lớn lên chút nữa, ở vào lứa tuổi ngấp nghé ngưỡng cửa đại học, hàng quán sẽ là những quán cóc bình dân ở bên đường, ngước mắt lên là những hàng cây cao rùng rình gió thổi lá rơi cả vào ly. Đối với người Sài Gòn, ngồi quán chỉ là một cái cớ để người ta được gần nhau hơn, được chuyện trò hàn huyên những câu chuyện đôi khi rất vô nghĩa sau làn khói thuốc mỏng tanh. Một cách tiêu khiển thời gian rất phóng khoáng của người Sài Gòn làm thành một nét đặc trưng của đời sống phố thị.

Sài Gòn là thế đấy, thong dong giữa bộn bề phố xá vì từng đời sống thị dân đã làm nên hồn phố lao xao. Để cho tôi, hôm nay ở một góc trời thật xa phải mang nỗi nhớ nhung ra kể với bạn về một phần đời của Sài Gòn năm cũ. Còn bạn, ký ức nào vẫn còn lưu giữ về một thành phố ngày xưa?

Nguyên Tú My

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com