Hằng đêm, chàng vẫn thủ thỉ thì thầm qua đường dây điện thoại viễn liên, rằng tôi, chính tôi chứ không phải ai khác, người bạn tình hồi năm xửa năm xưa, đã là niềm vui, niềm hy vọng lớn lao trong cuộc sống hiện tại của chàng, nếu không tình cờ biết được số điện thoại của tôi qua một người bạn, không biết bây giờ chàng sống ra sao (?). Thế là tôi nghĩ mình thành nhân vật quan trọng, và thảnh thơi hằng đêm chờ điện thoại của chàng. Nếu nhiều năm về trước, những cuộc gọi viễn liên, những buổi nói chuyện mãi hoài không dứt như chàng đã gọi cho tôi, chắc chắn tiền lương hằng tháng chàng kiếm được, sẽ không đủ trả cho hãng điện thoại.
Nhưng thời buổi bây giờ khác rồi, chỉ cần chờ sau 9 giờ tối, đường dây điện thoại “cầm tay” của chàng sẽ có những giờ phút tự do (free), nói chuyện bất cứ nơi đâu trong xứ Mỹ mà chẳng phải trả xu nào, nếu sợ mỏi tay, chàng chỉ cần gắn cái sợi dây vào lỗ tai, hoặc sang hơn chút nữa, gắn cái nút không dây vào cổ áo, có thể vừa… quét nhà vừa nói chuyện bình thường.
Bởi điện thoại bây giờ tiện dụng như thế, nên bữa kia tôi đi vào chợ, gặp được người quen, từ xa thấy người cười cười, vừa cười vừa nói, mình lầm tưởng người thân ái chào mình, bèn lớn tiếng chào lại, rồi lịch sự đưa tay cho người nắm lấy. Nhưng nỗi vui chưa đến thì nỗi buồn tiu nghỉu nhào theo, vì người đang nói chuyện với ai đó trên điện thoại, họ cười với nhau mà mình ngỡ vui vẻ với mình. Ôi cái điện thoại cầm tay hay “di động” chắc cũng đã làm tẽn tò nhiều kẻ như tôi?
Dù biết chàng không phải là “người ngoài phố” và tôi cũng không là “bà Tám”, nhưng sao đường dây điện thoại viễn liên cứ làm việc hàng đêm và những buổi cuối tuần. Không biết chuyện ở đâu ra, nhưng chuyện vẫn bắt đầu từ chàng:
- Nhớ quá!
- Nhớ gì?
- Nhớ chuyện chúng mình nhiều năm về trước.
- Tất cả đã thành… dĩ vãng rồi.
- Không đâu! Mình có thể là nhân vật chính trong “tình già” của cụ Phan Khôi ấy mà.
- Hai người gặp nhau, sợ rằng không đủ can đảm để nhìn…
- Người già trời đã cho mắt kém, mình đừng đeo kính, khỏi sợ!
- Nhưng mà..,
- Không nhưn nhị gì hết, hãy tưởng tượng mình còn trẻ, và sống lại những ngày xa xưa cũ, ngày ấy …
Chàng là Sinh viên sĩ quan không quân đang thụ huấn tại quân trường, vượt tiêu chuẩn để được tuyển dụng, nên rất “bắt mắt”, và chàng đến từ vùng đất Nam Kỳ Lục Tỉnh. Chàng từng là “Tráng sinh” trong gia đình Hướng đạo, và tôi lúc đó là một “Sói già” (nhưng còn rất trẻ).
Hai ngày cuối tuần là thời gian sinh hoạt của gia đình hướng đạo, Đạo Kh.H chúng tôi, cũng là ngày chàng được nghỉ, nên đã là cơ hội cho chàng tìm lại không khí sinh hoạt, vui đùa một thời làm “Tráng”. Chàng đã “thổ lộ tâm tình” khi đang giúp tôi đóng cọc dựng lều cho bầy “sói con” trong một buổi lửa trại ở Tân Thành..
“Dây thân ái lan rộng muôn nhà, tuy cách xa nhưng tim không xa,”. Dĩ nhiên những giờ phút được thụ huấn trong quân trường là thời gian chàng cách xa tôi. Nhưng không sao, chúng tôi đã thuộc nằm lòng bài hát, và dây thân ái đã kết chặt đời chàng quấn ngang cửa nhà tôi vào những ngày giờ chàng có phép, chàng không còn là… con bà phước, nên khỏi phải đi lang thang ngoài phố để chờ giờ trở lại quân trường như một số sinh viên sĩ quan khác (?).
Ngày chàng lên đường di sang Mỹ du học lái máy bay, tôi cũng có một màn rơi lệ tiễn đưa, nhưng đưa sơ sơ ở vòng ngoài cổng rào, nơi mà chàng cũng thỉnh thoảng… trốn trại ra ngoài ban đêm để đưa tôi đi ăn, món ăn duy nhất là các loại “chè”, một điều chàng vẫn thường thắc mắc, tại sao không đi ăn một thứ gì khác như mì, hủ tiếu hay phở đêm, mà chạy lòng vòng vẫn là... chè? Chàng đâu biết rằng, tôi đã tập cho chàng tính… tiết kiệm, và cũng tiết kiệm giùm chàng, lương sinh viên ba đồng ba cọc, vì chỉ có món ăn bình dân đó, vừa ngọt ngào tình nghĩa, lại vừa ít tốn hao!
Thư chàng viết từ căn cứ huấn luyện đầu tiên trên đất Mỹ xa lạ gửi về, tôi sung sướng hãnh diện đem khoe cùng chúng bạn, và cũng bì bõm viết dăm bảy tiếng Mỹ gửi lại cho chàng, nũng nịu chuyện nhớ nhung xa cách. Rồi lâu lâu không nhận được thư chàng thì viết bồi vài lá thư với 21 đồng tiền tem hồi đó… doạ rằng nếu chàng chậm thư, coi như không nhớ đến kẻ ở nhà, rằng chắc chàng đã có người yêu mới mắt xanh mũi lõ, thôi thì “sugar you – you go, sugar me - me go”, mà không biết rằng những ngày đó trên đất lạ quê người, chàng đang lo học sốt vó lên, nếu không “past” được phần anh ngữ, coi như không có dịp làm người hùng bay bổng, mà nếu may mắn thì sẽ được ở lại học về kỹ thuật dưới đất, còn xui tận mạng thì bị trả về nước làm lính rừng, dù rằng chàng có kể trong thư rằng thì là quí chàng cũng có cái màn “học tủ, học bùa”. Với lối thi “a-b-c-d” khoanh, người thi trước tìm ra được câu trả lời chính xác, cứ tự nhiên truyền lại cho người thi sau những câu… thần chú phải thuộc nằm lòng. Với thư chàng gửi về lúc ấy, có một trong những câu thật buồn cười mà mãi mãi tôi không thể nào quên được đến tận bây giờ: “đĩ đực chiều buồn bã, cầm con c .. dọc chơi, bỗng có ai cêu cửa, bèn chui ẩn dưới bàn…!”
Gần một năm xa cách, chàng hiên ngang trở về nước trong sứ mạng “tài xế máy bay”, một “người hùng không gian” và là thần tượng của nhiều cô gái mới lớn thời ấy, dù chưa biết chàng có “chiến đấu oai hùng” hay lùng bùng…lạnh cẳng (?). Đơn vị đầu tiên chàng nhận sự vụ lệnh lại là vùng đất xa lắc quê tôi, một nơi chốn nào đó trên quê hương Việt Nam yêu dấu, nhưng muốn đến được nơi chàng, tìm chàng để tận tay trao tặng chàng “khăn ấm chính em đan” thì tôi không thể nào thưc hiện được, vì mẹ già sợ con dại ra đi bình yên mà trở lại chẳng yên bình, và chàng thì… không có phép!
“Dây thân ái lan rộng muôn nhà” bây giờ thì là nhà người khác. Chàng đã là phi công hào hoa nên muốn giữ được chàng, nếu ở cạnh bên đã khó, huống chi thân tôi quan san cách trở dặm ngàn, đi xe đò thăm chàng thì sợ bị Việt cộng phục kích dọc đường chết uổng mạng, mua vé máy bay thì…khó lòng lọt được vào quầy vé mà không có người quen, và chàng thì luôn bận… phi vụ, nên tôi đã để chàng tự do bay xa và bay tuột khỏi tay tôi, từ một ngày đẹp trời gia đình tôi nhận lễ hỏi của người quen, để cho tôi khỏi làm gái già gõ ra hột như lời mấy đứa em vẫn thường chọc phá.
“Thân gái, người có hai bến nước, trong nhờ - đục chịu!”. Một sự chấp nhận kỳ khôi, chẳng công bình chút nào của ông bà từ thuở xa xưa, nhưng đâu bắt buộc đám con cháu hậu sinh nghe lời răm rắp, chúng tôi cũng đâu cần vũng nước trong veo để “tôi nhìn tôi trong nước”, nhưng nếu đục quá chẳng thấy được gì hết trơn thì làm sao sống nổi?
Và tôi, trong những ngày đầu xa vắng chàng Tráng sinh không quân, bây gời là phi công phong nhã, nên buồn nẫu ruột. Nhưng rồi, tôi không phải là Hằng Nga nên chẳng thực hành được điều mà thi sĩ Tản Đà vẫn ca ngợi vị con gái của trời: “Hằng Nga bất nại bão phu miên” (Hằng Nga không chịu ôm chồng ngủ), gia đình tôi đã có thêm mầm sống, một gia đình nhỏ sắp sửa có người nối dõi tông đường người khác họ. Gia đình trong ấm ngoài êm, coi như may mắn lội được dòng… nước trong. Nhưng dòng nước gặp mùa nắng hạn, nước bốc hơi về Trời, bỏ lại tôi khô héo, già queo, bơ vơ đi nốt quãng đường trần nơi xứ người, để tình cờ chàng tìm thấy số điện thoại của tôi. Và tôi, dĩ nhiên tự do nói chuyện mà không sợ có người nghe lén!
Từ chàng, tôi biết được chuyện chẳng êm xuôi, số chàng có sao “đào hoa” chiếu mệnh trong những năm tháng còn lả lướt trong từng chuyến… bay đêm, những ngày tháng chàng quên mất có tôi từng hiện diện trong… trái tim non nớt của chàng một thời gian ngắn. Chàng cứ tự do lướt gío, tung mây, và thỉnh thoảng trong não bộ của chàng chàng ràng câu hát: “Phi công ra đi không ai tìm… xác rơi” cũng có làm chàng hoảng sợ, nên chàng tha hồ… mắc nợ. Món nợ khó trả của chàng đã đeo đẳng theo chàng qua bao nhiêu ngần ấy năm dài, không thể nào buông bỏ. Đến khi chàng trở về quê, cứ ngỡ... “rồi có một ngày, một ngày chinh chiến tàn, anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao, như lời của ông nhạc sĩ ước mơ trong “Một Mai Giã Từ Vũ Khí”. Nhưng không, chàng đi tù mút chỉ cà tha, và “món nợ tình“ của chàng không theo đòi chàng nữa, quăng trả cho mẹ chàng đứa con nít vô tội lên hai, con chàng! và nhờ cụ bà nuôi dưỡng.
Số đào hoa của chàng đã bay trở về trời, sao Thái Bạch chiếu cố một thời gian làm chàng mất sạch bách mọi thứ, chỉ còn lại đứa con. Đến khi biết được chàng có sao “thiên di” chiếu mệnh, nợ đời của chàng trở về xin “nối lại tình xưa”. Tưởng rằng “Tình cũ không rủ cũng tới”, vả lại dù gì cũng có sẵn sợi dây ràng buộc, chàng cũng “ừ thôi.. em về với anh, như chim liền cánh, như cây liền cành..!”
Đất Mỹ bây giờ khác xa đất Mỹ ngày xưa chàng đến, ngày ấy buồn xa xứ, có! Nhưng vui nhiều vì có bạn bè chung quanh, tuổi trẻ còn nhiều háo hức, nhiều lúc chỉ cần hai chữ “me too!” mà cả đám bạn cùng cười nghiêng ngửa. Cũng bởi vốn tiếng Anh chưa đủ , thấy thằng trước vào quán gọi món ăn, dù chưa thấy trước mặt dở-ngon-to-nhỏ-mỏng-dày, nhưng hễ đến phiên mình “order” cứ tự nhiên đáp gọn: “me too!” thế là sau đó mỗi tên một cái… Large Pizza ăn chết bỏ, chừa cái tội me too!. Nhưng sau ngần ấy năm dài, chuyện đời thay đổi, tình người cũng đổi thay. Vợ chàng, sang xứ người lại tính chuyện… sang ngang. Thế là chàng… quỡn! mới tự do nói chuyện hằng đêm.
Lê Thị Hoài Niệm