Có đến không biết bao nhiêu năm ròng, người dân xóm Lá quen với tiếng chày quết bánh của bà Tám mỗi tinh sương. Thật ra cũng không phải là tinh sương, mà là khi còn đêm, chừng hơn bốn giờ sáng là bà đã dậy, quết bột nếp với bột lá gai trong chiếc cối đá xanh thật to. Tiếng chày gỗ nghiến đều đều, đùng đục nện khẽ khàng trong cối đá xanh đã thành âm thanh quen thuộc trong sự tĩnh mịch của phần cuối đêm về sáng, mùa nắng cũng như mùa mưa. Mà lạ, ở cái xóm nghèo này dường như chẳng có ai lấy làm phiền, chẳng ai phải khó chịu vì những âm thanh ấy, có thể vì chừng đó mọi người còn ngủ say, hoặc giả còn người nào đã thức rồi thì cũng mải miết lo công chuyện của mình.
Những chiếc lá gai bánh tẻ được bà Tám chọn hái, mang về rửa sạch, luộc chín, vắt khô rồi bỏ vào cối quết cùng với đường và bột gạo nếp. Bà chọn loại gạo nếp ngon mang ngâm kỹ, xay thành bột rồi vắt từ khi đêm. Thường bà bỏ thêm chút nước cốt dừa vào đậu xanh bóc vỏ để lấy hương, hấp chín rồi tán nhuyễn với đường làm nhân. Lá chuối thì phân làm hai lớp, lớp lá non dành gói bên trong, lớp lá già gói bên ngoài giữ dáng cho chiếc bánh xinh xinh hình như chiếc bù đài.
Bánh ít lá gai bà Tám làm có hương vị thơm rất riêng của lá gai, lá chuối cùng với vị béo của nước cốt dừa, vị ngọt thanh của đường bỏ vừa miệng, vị bùi bùi của nhân đỗ xanh, ai ăn một lần rồi cũng nhớ. Bà làm bỏ mối cho mấy chị trên chợ thị rất đắt hàng, người trong xóm muốn ăn thì phải tới từ chiều hôm trước dặn bà để lại cho vì bánh thường hết sớm.
Những mẹt bánh ít của bà Tám lần hồi vậy mà nuôi hai người con khôn lớn, trưởng thành đàng hoàng. Giờ thì bà đã qua tuổi xưa nay hiếm tới gần mươi năm rồi, mà vẫn khỏe, tóc vẫn chưa bạc nhiều, búi một búi nặng sau gáy, khuôn mặt cởi mở vẫn còn ít nếp nhăn, và cái giọng thì đặc sệt xứ Quảng.
Con gái bà lấy chồng xa lâu lâu mới về thăm, bà ở cùng vợ chồng anh con trai và hai đứa cháu nội. Ai tới hỏi thằng Tí cháu nội bà đâu, bà biểu nó chạy tuốt luốt đâu rồi không rõ. Luôn tay luôn chân từ tinh mơ tới khuya nhưng không khi nào trông bà tất bật, lam lũ. Bộ quần áo của bà đúng kiểu các bà cụ ở đây, nhưng trông bao giờ cũng tươm tất, màu sắc nhã nhặn, phù hợp với tuổi tác.
Khi mới bắt đầu có ý thức, bà đã thấy mình là một con bé con tóc lơ thơ da sém nắng suốt ngày theo bọn trẻ trong cái xóm ven biển Cửa Ðại chơi nghịch đủ mọi trò. Mẹ bà mất từ ngay sau khi sinh ra bà. Cha lầm lũi nuôi con gái một mình. Khác với những người trong xóm thường đi biển, cha bà làm nghề đan rổ rá. Căn nhà lá nhỏ cũng treo đầy rổ rá, đằng trước, đằng sau, trong bếp, ngoài sân, khắp nơi toàn đồ tre đan.
Và một điều khác nữa là trong xóm ai cũng gọi cha của bà là chú Quách, kể cả người lớn, người nhỏ. Chú Quách bán rổ rá. Chú Quách người tầm thước, tóc húi cua bạc lấm tấm, cái mặt đầy nếp nhăn hay cười thật hiền. Lúc ấy bà chỉ thấy mình khác bọn trẻ con ở xóm một điều duy nhất là nhà bà không có họ hàng gì, Tết nhất cũng không thấy phải đi đâu về quê về quán mà chỉ về chùa Ông thắp hương.
Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi bên những bụi tre gai với những rổ, rá, lồng bàn, những giỏ những quạt nan và đòn gánh, đũa cả, đũa quấy cám heo rồi cho tới đũa ăn cơm.. cha bà đan cái gì cũng khéo, cũng đẹp, bán đắt hàng.. Bà thừa hưởng ở người cha tính ít nói, chỉ lẳng lặng làm, mà làm cái gì cũng cẩn thận và tỷ mẩn. Phải mãi sau này khi lớn lên bà mới biết cha mẹ bà là người Hoa kiều, gốc ở Triều Châu Trung Quốc.
Năm bà mười sáu tuổi cha mất rất nhẹ nhàng sau một trận cảm. Một mình bơ vơ không họ hàng thân thích, những người đồng hương rủ bà lên Thu Xà làm thuê, được mấy năm thì gặp chồng bà cũng là người gốc Hoa, lúc bấy giờ hai người cùng làm chung tại một lò đường.
Rồi chiến tranh, chồng bà chết, bà lên phố thị làm đủ nghề đắp đổi rồi cũng qua được cuộc chiến ghê người cùng với hai đứa con thơ dại. Sau năm 1975, bà xin được làm công nhân bên thủy sản, lương ba cọc ba đồng nhưng cũng đủ ăn, làm được chín năm thì xí nghiệp giải thể, bà xoay làm bánh ít bỏ mối trên chợ thị rồi dành dụm mua được miếng đất ở xóm Lá này. Ngày ấy, mang tiếng ở giữa lòng thị xã mà xóm Lá có hơn chục nóc nhà trong đám dừa kề bên ruộng lúa, ruộng đậu của người ta. Từ đường Hùng Vương vào không bao xa mà để tới được xóm Lá phải lội hết một con hẻm đất bùn lầy lội những khi mùa mưa, bụi ngàu đỏ những khi mùa nắng.
Thế rồi thời gian cứ lẳng lặng trôi, xóm Lá đã thành tổ thuộc phường, thị xã thì lên thành phố. Bà Tám nghỉ làm bánh ít vậy mà cũng đã mấy năm. Gần tám mươi tuổi nhưng sức vóc vẫn dẻo dai, chỉ có đầu gối đôi khi trở trời có đôi chút nhức mỏi. Bà bảo, làm bánh ít cũng vẫn ra tiền lắm, ham mà phải nghỉ. Vì bà thương con. Con dâu bà dạy học trên huyện miền núi Ba Tơ cuối tuần mới về, con trai bà tốt nết, đi làm nhà máy đường về thấy mẹ lúi húi thì không nỡ để bà làm một mình nên cứ sà vào giúp. Thôi mình nghỉ cho con nó cũng được nghỉ để có thời gian thay vợ làm việc nhà, chỉ bài vở cho con cái, bà bảo vậy.
Năm vừa rồi con dâu bà xin chuyển được về dạy học ở một trường Tiểu Học trong thành phố. Kể cũng tội, trước kia vợ chồng đôi nơi, cực quá, hai đứa con đẻ cách nhau tới năm năm mà đứa nào cũng quen hơi bà nội hơn là mẹ. Giờ thì cả nhà sum vầy, rộn ràng cười nói, bà Tám lúc nào cũng thấy lòng mình ấm ran. Tuổi tác gánh một gánh nặng trên vai, nhưng ơn trời chiến tranh, cực nhọc đã lùi xa rồi, bà mãn nguyện lắm.
Tuy nhiên, nỗi mừng được đoàn tụ gia đình chưa được lâu, thì đã tới hồi những mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh. Chuyện mẹ chồng nàng dâu nhà nào chẳng có, nhưng nỗi khổ của bà Tám thì thật cũng khác người. Bà ăn ở hiền hậu, chiều dâu chiều cháu, ở xóm Lá này ai mà còn lạ. Chuyện là chị Phương con dâu bà đối xử với mẹ chồng cũng đâu có tệ gì, phải cái chị lại là người rất bộc tuệch, vô tâm mà lại hay chuyện. Khi con dâu còn đi dạy xa, tuần về nhà có một ngày thì nhà ấm êm, chẳng có chuyện gì phải suy nghĩ. Thế nhưng khi chị Phương về ở hẳn dưới này, có một cái gì đó bắt đầu gợn lên trong gia đình nhỏ của bà Tám.
Ấy là một buổi chiều ngày mưa chóng tối cả nhà quây quần quanh mâm vừa ăn cơm vừa xem TV, cô phát thanh viên điểm tin một vụ ngộ độc thực phẩm ở xí nghiệp may nọ có liên quan cánh gà nhập lậu từ Trung Quốc, con dâu bà chép miệng buông một câu:
– Cũng là người mà sao bọn Tàu nó ác thế, thâm độc thế!
Người mẹ già lần đầu nghe con dâu nói vậy mà nghe lòng chết điếng, miếng cơm đang nhai nghẹn lại lưng chừng cuống họng. Ðến nhà có người treo cổ thì kiêng nhắc đến dây thừng, các cụ chẳng đã dạy vậy rồi. Chúng nó ưng nhau nào có phải mới ngày một ngày hai, gốc tích nhà này thế nào nó biết từ ngày chưa về làm dâu, con Bông thằng Tý nó đẻ ra mang họ Quách, sao mà lại nói câu hàm hồ vậy. Không ai tiếp lời chị Phương, cả nhà vẫn vô tư vừa xem TV vừa ăn uống vui vẻ, chỉ có thằng Tý còn nhỏ mà để ý, kêu ré lên:
– Ba, ba! Nội bị nghẹn cơm kìa ba.
Bà Tám nuốt vội cho xong miếng cơm, quay sang cháu nội cười hiền lành gượng gạo:
– Nội ăn trúng miếng sạn mà con, hết rồi nè!
Anh con trai mới đầu cũng vô tâm không để ý, nhưng lần hai, lần ba, lần tư thì anh vằn mắt lên quát vợ:
– Ăn với nói gì mà lạ.
Chị Phương le lưỡi bặt lặng, không dám nói thêm điều gì. Bà Tám thì càng không dám thắc mắc gì con dâu, sợ trong nhà bất hòa nên nín nhịn. Nhưng được thời gian lâu lâu, chị lại quên, lại buột miệng nói những lời không nên nói đến tai bà Tám. Mà khổ, xã hội bây giờ thông tin nhiều và rối loạn vô chừng. Mới hôm trước mọi người ở cái chợ cóc gần nhà nhao lên vì vụ ngần ấy tấn khoai tây Trung Quốc nhập về được thương lái đánh thẳng lên Ðà Lạt trộn bùn đỏ mang bán ra thị trường, hôm sau lại vụ trà sữa trân châu nguyên liệu toàn nhập từ bên kia biên giới. Nào nghe nói mấy bao rắn lục đuôi đỏ được người Tàu thu mua rồi thả ở Bình Sơn, rồi nghe bảo người Tàu sang thu mua lúa non và móng trâu để phá hoại mùa màng của dân. Rồi phong thanh nào là bắt cóc trẻ em qua Tàu, nào đi du lịch Trung Quốc bị mổ cướp nội tạng. Thế giới bây giờ nhộn nhạo, nhiều chuyện ghê gớm quá.
Bà Tám chóng mặt ù tai, dường như hễ hiện hữu cái xấu, cái ác người ta lập tức gán ngay cho những người đồng hương của bà. Cái năm nào có vụ Công ty Formosa xả thải ra biển, chẳng ngày nào bà Tám được yên thân, cứ ra chợ cóc gần nhà là nghe người ta nói xấu người Trung Quốc mà đau cả đầu. Cũng bởi cả khu này đâu có ai biết bà là người gốc Hoa đâu, người quen kẻ thuộc cứ níu bà mà kể đủ thứ chuyện. Thật ra nghe mãi cũng nhàm tai rồi, và bà tính vốn hiền hậu, ít lời, chỉ biết nghe. Thế nhưng nghe những lời rủa sả từ người thân của mình thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Có phải ở đời, ai người ta cũng chỉ khổ vì người thân?
Tính đã ít nói, bà Tám gần như trở nên câm lặng trong ngôi nhà của chính mình. Mỗi lần có khách trong xóm ghé chơi, bà Tám thường chỉ cười chào rồi lẳng lặng ra sân trước ngồi một mình bên cây vú sữa hóng mát.
Chiều nay nắng sao mà nhợt nhạt ngoài kia, và đến là nhiều gió. Ðã lập thu được cả tháng rồi còn gì. Bà Tám ngồi lặng nhìn đăm đắm những chiếc lá mặt xanh bóng mặt nâu đu đưa ràn rạt trên vòm cây vú sữa bên lối cổng vào nhà. Cây vú sữa này chính tay bà trồng đã mấy chục năm, từ ngày mua được đất dựng được nhà ở xóm Lá này. Mấy mươi mùa quả ngọt, cây đã cao xum xuê tán bóng trùm mát cả một khoảng sân rộng. Mà cây sai trái đến lạ, năm nào vào mùa, cả nhà ăn thoải mái, chia quanh hàng xóm lấy thảo mà rồi còn được bán. Dưới bóng cây vú sữa này, con trai, con gái bà đã chạy chơi cùng bọn trẻ con trong xóm,và giờ thì đến lượt những đứa cháu của bà.
Tới đây nhà nước mở đường lớn chạy song song với đường Hùng Vương, cây vú sữa này rồi sẽ phải chặt hạ.
Thành phố đẹp lên từng ngày, những con đường mới mở ra, sáng trưng những cửa hàng cửa hiệu. Những trường Mầm Non, Tiểu Học Quốc Tế, những trung tâm thương mại, khu dân cư cao cấp, khu dân cư kiểu mẫu châu Âu đã và đang mọc lên. Hai con đường Hoàng Sa, Trường Sa bên bờ sông Trà Khúc chạy xuống biển lung linh ánh điện, những cây cầu mới vắt qua sông. Con cháu bà, những thế hệ sau sẽ được hưởng tất cả những điều tốt lành ấy.
Ðã là năm thứ mười tám của thiên niên kỷ mới.
Bà nào tiếc gì đâu một cái cây.
Mà cây vú sữa cũng lớn tuổi rồi.
Phải chăng nó cũng như bà vậy. Sắp sửa đi trọn một kiếp rồi.
Vậy nhưng sao chiều nay, như bao lần rồi, lại nghe những lời nói của cô con dâu trong câu chuyện với mấy chị đồng nghiệp ghé chơi, lại vẫn là những câu nói ấy. Dẫu đã quen và chẳng còn chấp nê gì lời vô tâm con trẻ, bà Tám vẫn nghe lòng mình nghèn nghẹn đắng. Cũng là lời nói, sao không lựa lời mà nói, sao cứ phải nói chi những câu làm đau lòng người. Con người ta sinh ra trên đời này, có ai mà tốt hết, mà cũng có ai là xấu hết đâu.
Cha bà đã dạy bà rằng có thân trên đời thì có khổ. Cũng là cảnh bất đắc dĩ, chứ nào ai mong gì sống một kiếp tha hương. Quê hương, khái niệm ấy sao mà mù mịt với một người có một đời sống chất phác bình dị như bà. Phúc Kiến, Triều Châu… những địa danh ở những đâu xa xôi sương khói, bà nào biết được. Cả đời bà chưa khi nào rời khỏi đất Quảng Ngãi này. Chỉ là gốc gác bà là người Trung Quốc, cái họ Quách của bà mang là họ Tàu. Nhưng có ai mà được chọn cho mình cha mẹ? Có ai mà chọn được cho mình một quê hương? Và nào bà có biết người ta rủa sả người Tàu vậy có đúng không, nhưng từ khi bắt đầu có nhận thức, bà đâu có biết nơi nào ngoài nơi đây. Bà lớn lên nơi đây, dòng sông Trà Khúc cho nước uống, cho tôm cho cá, cho don, biển Sa Kỳ, Bình Châu đưa lên con mực con tôm, từ hạt gạo, hạt đậu, lá rau cọng giá đều từ ruộng vườn đất Quảng, những đứa con đứa cháu của bà nên hình nên vóc nơi đây, nhất loạt đều nói tiếng Quảng Ngãi .. cha bà, chồng bà đã gửi máu gửi xương ở mảnh đất này, và rồi đến bà cũng vậy, một đời cần mẫn thiệt thà lo làm lo ăn, rồi thì hồn cốt cũng đều sẽ ở cả nơi này. Phải, bà còn biết đâu ngoài nơi đây là quê hương nữa.
Gió chiều cứ vi vút thổi, chao là ngổn ngang lòng dạ người già.
Thằng Tý đi chơi đâu về, chạy lại sà vào lòng bà nũng nịu.
– Nội ơi con thèm ăn bánh ít quá, sao lâu rồi nội không làm bánh ít nữa hả nội?
Bà Tám nghe lòng mình dần ấm lại, bà vò bù mớ tóc khét nắng của thằng Tý, thấy mình như được tiếp thêm sức lực.
– Mau vào nhà tắm đi con, để rồi sớm mai nội đi hái lá gai làm mẻ bánh mà ăn rằm.
Vũ Thị Thanh