Thế là chuyến Mỹ du cũng kết thúc sau 7 tuần dài lê thê, kéo vali đi không ngừng nghỉ. Hầu như mỗi đêm đều đổi khách sạn, có chỗ là Luxury 5 sao, có nơi chỉ là Motel, không thang máy, có chỗ là nhà bạn, hay em... mỗi nơi đều có những cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng nói chung là mệt nhoài nên đêm nào cũng ngon giấc.
Chuyến đi dài ngày để thử sức cùng đám... trẻ hơn, và đáng mừng thay mọi việc đều suôn sẻ! Từ rong chơi nơi vườn hoa chốn đồng bằng đến leo trèo lên núi, đi Hiking trong rừng sâu, vọc nước nơi hồ... muối mặn chát, chỗ lạnh, chỗ nóng, nơi sương mù tuyết trắng, nơi sa mạc khô cằn... nhất nhất đều đặt chân đến... mới nghiệm ra rằng mình quá hạnh phúc khi sức khỏe vẫn theo cùng! Những chuyện đó đã được viết và chia sẻ qua Facebook, trang web Tống Phước Hiệp cũng như trang nhà của riêng mình, với bài dài hơn 10000 chữ được chia làm 5 phần cho đỡ chán trong “Kể Chuyện Đường Xa”, cho nên bài viết này chỉ là để kể về những cuộc gặp gỡ đáng nhớ với bà con thân thuộc, bạn hữu và thầy cô đã xa cách gần nửa thế kỷ trong suốt chuyến đi như một lời cảm ơn về những chân tình nhận được.
Los Angeles là trạm ghé đầu tiên, là nơi cô em ruột Thanh Liên cư ngụ hơn hai mươi năm, đó cũng là động lực để chị em bên Úc hăng hái đi qua thăm và cùng đi chơi với nhau. Chuyến đi chơi hơn 10 ngày cùng nhau đã có những kỷ niệm thật vui trong việc ngắm cảnh, Hiking và cả trong lúc ăn uống. Làm sao mà không phì cười cho được khi nhìn hình ảnh bà chị ba, với tuổi đời hơn 6 bó cũng ham vui leo núi, kết quả là mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ì ạch lết, bò sau một đoạn đường không dài mấy. Nhớ đến tiệm ăn Mexico, với món Tortilla được dọn ăn miễn phí trong khi chờ đợi món chính đem ra, ba bà chị miệt dưới đói bụng quá… quất sạch cả hai dĩa Tortilla chips to tướng chấm kèm với loại sauce gọi là Salsa, ngon lắm, cho nên khi món chính được dọn ra thì đã quá no, ăn không được, chỉ khều khều mấy miếng, bèn dặn dò cô em ở Mỹ “lần sau cứ dẫn vô tiệm Mễ, nhưng hai vợ chồng em ăn thôi nha, tụi chị ăn ké món Tortilla miễn phí là đủ no rồi, khỏi tốn tiền ăn”. Thiệt là trùm sò hết biết!
Tình bạn hàng xóm Quy Nhơn vào thời thơ ấu thập niên 60, của gia đình Kim Trang dành cho sau bao nhiêu năm dâu bể vẫn tràn đầy, vẫn ăm ắp quý mến. Những kỷ niệm thời nhỏ của hai nhà sát cạnh nhau tha hồ tuôn ra: buổi chiều dạo biển của hai bà mẹ cùng đám con nít chạy nhảy nô đùa trên cát, những trò chơi chuyền đũa, bắn bi, đánh đáo, rải gianh, ô quan, quay vụ, rồng rắn lên mây, thả diều… và độc đáo nhất là bày ra trò chơi chiến tranh chia ra phe địch và phe ta thay phiên nhau tấn công bằng giấy vo lại bắn bằng dây thun (rubber bands), đám con trai bắn “súng” dây thun, đám con gái phụ quấn giấy cung cấp “đạn dược” cho “chiến sĩ” phe mình, hào hứng và ác liệt lắm chứ! (Đây là ý tưởng của anh Yến, anh trai lớn của Kim Trang). Thêm màn tổ chức văn nghệ, bán vé bằng dây thun mới ngon lành (hình như cũng là ý tưởng của anh Yến), số là chúng tôi ở đường Trần Cao Vân, rất gần biển và trên đường đi ngược về phía biển để ra chợ thì có một cái chòi để trống, không hiểu dựng ra để làm gì, thế là chúng tôi dùng nó như là sân khấu, rồi rủ nhau đi vận động con nít tới xem văn nghệ tự biên tự diễn của chúng tôi. Do tài ca hát và đóng kịch cũng như bày ra màn ảo thuật quá “xuất sắc” nên nghĩ ra ý tưởng bán vé vào xem bằng dây thun (thay vì được xem miễn phí như lúc đầu dự định), để lấy số dây thun này cung cấp cho trò chơi chiến tranh kể trên, vì “súng” bị hư quá nhiều do dây thun đứt vì căng ra để bắn. Vậy mà cũng có khán giả mới… đã chứ, nhờ thế mà cả đám “ca sĩ” sau này toàn chọn những nghề về Khoa Học và Giáo Dục mà thôi!
Những trò chơi thời thơ ấu lúc đó rất phổ biến trong giới con nít, hồn nhiên, vô tư, và vui vô cùng. Khi đèn đường sáng lên thì lũ con nít bắt đầu ơi ới gọi nhau để đùa giỡn… nhưng rồi chiến tranh ngày càng gia tăng, lệnh giới nghiêm được ban hành, mọi nhà đều đóng cửa sớm nên con nít bớt tụ tập và trò chơi thưa lần vào chiều tối. Bây giờ thì chắc những trò chơi đó dã không còn thông dụng với thời thông tin công nghệ tân tiến như hiện nay rồi. Thật uổng!
Không thể nào diễn tả được những chăm sóc của hai bác, của Trang, anh Việt, vợ chồng anh Yến…dành cho, khi gặp lại nhau sau nửa thế kỷ, chỉ biết đón nhận tình cảm ấy với lòng đầy xúc động. Mấy đứa em về nhà cứ tấm tắc khen “gia đình bác Oanh quá sức dễ thương!"
Cô bạn Kim Liên từng gắn bó thân thiết của những năm học Đại Học cũng bặt tin sau khi tôi vượt biên, mãi đến nay mới gặp lại, ở chơi với nhau cả ngày trời vẫn chưa thỏa lòng tâm sự.
Đến Houston, những người bạn từ thời đại học đã xin nghỉ lễ… bà Triệu Ẩu (vì tôi đến đây vào những ngày trong tuần chứ không phải cuối tuần nên các bạn vẫn còn làm việc phải lấy lý do nghỉ ẩu thế đấy) đến 3 ngày, lại lái xe cả 3, 4 tiếng đồng hồ mới tới được chỗ hẹn cùng nhau họp mặt. Định, người bạn biết nhau từ thuở học MPC, và từng ở cùng trại tỵ nạn Galang, có lối nói chuyện vui tính nhưng cũng “lắt léo” không kém, cứ mỗi lần anh ta mở miệng là phải “đề phòng” kẻo trúng miểng lúc nào không hay, tuy nhiên có thể nói Định là hạt nhân của cuộc gặp mặt. Thanh, tên như con gái, đã từng được “hưởng” những nhu yếu phẩm dành riêng cho phái nữ ở Đại Học, nhưng nói chuyện rất chân tình và đàn ông lắm, có tài chụp hình rất chuyên nghiệp, lại thích săn ảnh nên chúng tôi có rất nhiều tấm hình đẹp trong kỳ gặp mặt này. Phú, một người bạn chỉ quen trên Facebook dù học cùng trường, có lối nói chuyện rất thông minh và vui vẻ khi viết qua Fb, nhưng khi gặp mặt lại ít nói, dù rất hiền lành và chân tình. Mai, cô bạn đồng tuổi, vô cùng thành công tại xứ người, nhưng ăn nói nhỏ nhẹ, điềm đạm và hiền lắm luôn, vậy mà coi bộ mấy anh bạn MPC của tôi rất nể trọng, chả bù với tôi… Mai ơi, chỉ giùm bí quyết với!!!
Cô bạn nhà thơ Songthy của tôi, dù chỉ mới quen được gần… chục năm nay thôi, nhưng có cùng sở thích và hợp tính nên những tràng cười không dứt. Gặp chuyện bực mình mà nói chuyện cùng nàng thơ này thì chỉ có bật cười mà quên hết chuyện bực ngay, vì cô nàng là một cây tiếu lâm và có góc nhìn lạc quan lắm. Nhà thơ Phạm Tương Như, anh Khải đã xem tôi như em gái với những đối xử thật nồng ấm, làm sao mà quên được!
Đến Boston, anh chị họ Dư Mỹ Tuyết Mai đã cho chúng tôi một chầu ăn món Huế với bánh bèo, bột lọc, bánh nậm rồi được uống nước đậu ván rang mà từ lúc qua xứ người chưa hề uống lại. Chao ôi sao mà ngon quá và nhớ quá quê ngoại tôi. Chỉ tiếc là lúc đầu chị Tuyết Mai muốn đãi món cao lầu Hội An truyền thống, nhưng lại sợ là chúng tôi không biết ăn (vì anh chị từng đãi bạn bè món này nhưng họ không hảo mấy) nên đổi qua món Huế, làm tôi hụt ăn, tiếc hùi hụi vì chị nổi tiếng là người nấu món Hội An đúng điệu và ngon lắm lắm!!! Nhớ đến chân tình qua cách đối đãi của anh chị mà thật sự cảm động: qua việc nấu ăn, chở đi thăm anh chị Oanh Bàng, chị Luận ở khá xa và nhất là khi thấy mấy cô em muốn đón xe về, mà anh chị lại sợ trời tối các “mán rừng” sẽ lớ ngớ bởi lần đầu đến đây, nên tình nguyện chở về dù mắt anh yếu khi lái xe ban đêm. Cầu mong anh chị luôn sức khỏe, hạnh phúc và vui sống cùng con cháu rất giỏi giang, thành công nơi xứ người thêm vài chục năm nữa!
Thuận ở cùng trại tỵ nạn năm nào cũng sắp xếp nơi ăn chốn ở cho chúng tôi cũng như dẫn đi chơi và đãi ăn mấy món như tôm hùm, Clam Chowder và đặc biệt là sự hội ngộ 4 người bạn thân từ thuở hàn vi (Nguyệt bay từ Pháp qua nữa) ở cùng trại tỵ nạn gần 40 năm trước mới xúc động làm sao, ngồi kể cho nhau nghe kỷ niệm thời đó mà nước mắt rưng rưng…
Sang Hạ, cô bạn hợp tính, ưa khóc nhè nhưng lại thích chọc ghẹo, nghịch phá tại Toronto, Canada cũng làm cho chuyến đi của chúng tôi đầy thú vị khi dẫn vô những viện Bảo Tàng, Triễn Lãm Nghệ Thuật với những trò chọc phá nhẹ nhàng với nhân viên nơi đó, chẳng hạn như trong phòng triễn lãm trưng bày những bức họa giá trị khi nghe một nhân viên tại đó ngăn một người xem đang định rờ vào bức tranh, tức thì cô nàng la lớn “Thảo, don’t touch it!” khiến ông ta quay ngoắt người lại phía chúng tôi, định khiển trách nhưng thật tẽn tò vì Sang cười ngỏn ngoẻn bởi chúng tôi đứng xa tít làm sao rờ được, tuy vậy thỉnh thoảng ông cũng ‘rình rập” xem thử chúng tôi có làm gì sai phạm không khiến Sang nhà mình cứ phá lên cười khoái chí! Đã vậy còn bày đặt phê bình “Chời bức tranh này mà cũng treo lên, tui vẽ còn đẹp hơn!” Hay “Coi nè, vẽ gì mà như con nít quẹt bậy vậy trời!” “Tranh gì mà nhìn hoài chẳng biết muốn vẽ gì” “May mà vô cửa miễn phí chứ phải tốn tiền thì tui tiếc lắm” (phải mở ngoặc nói nhỏ nơi này chỉ được vào miễn phí lúc 6 giờ chiều vào mỗi ngày thứ Ba thôi và cô nàng chờ đến giờ đó mới đưa chúng tôi lại) Đúng là con mắt trần tục và cao thủ trùm sò!
Thêm một chuyện ở tòa nhà Quốc Hội, tuy được tự do vào xem mấy phòng Hội Nghị nhưng phải chờ giờ mở cửa và phải có người đưa đi, nhân thấy ông gác cửa đang bận ‘tám” chuyện, thế là cô nàng quyết định dẫn hai người miệt vườn này lẻn vô cửa bên để khỏi mất công chờ 2 tiếng sau. Chúng tôi “thoát” được ánh mắt của ông, thong thả nhìn ngắm, chụp hình xong cô nàng phê bình “chẳng có gì đặc biệt để xem cả” rồi tự hào “tui quyết định dẫn mấy bà lẻn vào sớm là đúng phải không, chứ chờ 2 tiếng nữa mà chỉ xem mấy phòng họp vắng tanh thì tức chết!” Thêm một chuyện cười nơi này, đó là sau khi xem xong, nhìn thấy một sảnh đường gần cửa ra vào có lối kiến trúc cổ kính và đẹp nên hai chị em tôi đứng lại làm duyên chụp hình, ai dè ông gác cửa lúc này hết tám chuyện, tiến lại hỏi có tấm thẻ cho phép vào không, khi chúng tôi lắc đầu, ông mời chúng tôi ra khỏi nơi đó, quê thiệt chứ! Cô em tôi bỏ đi một nước, riêng tôi liếc nhìn quanh. Ah há, cô bạn Sangha của tui nhanh chân thiệt, đang làm bộ nhập chung vô một nhóm đang chờ vào cửa, sao được, tui “quê” thì cũng phải ‘hưởng” chung chứ! Thế là tôi mon men lại gần nàng để ngầm báo tin cho ông bảo vệ biết là còn một “ẩu nhân” nữa. Thế là cô nàng Sang dzọt lẹ, hỏng dám ngoái lại. Vui thì thôi!
Cuộc gặp gỡ của chặng dừng chân cuối cùng tại San Jose phải nói là tuyệt vời khi gặp được hai cô giáo kính quý của trường nữ trung học Pleime - Pleiku: Cô Oanh ở San Jose và cô Dung ở Oakland.
Ngược dòng thời gian từ năm ngoái, khi các bạn Pleime nô nức đón chào cô Oanh về thăm lại Pleiku, sau khi cô bặt tin từ năm 1975 và cũng nhờ Facebook mà tin tức về cô Dung cũng được rõ ràng thì tôi đã muốn thực hiện một chuyến thăm hai cô.
Sau bao ngày sắp xếp, trao đổi với bạn bè... cuối cùng thì ngày 11/5 vừa qua, tôi đã được mời cô Oanh cùng ghé thăm cô Dung nhờ sự giúp đỡ của cháu Thọ, con trai của cô bạn thân Kim Sen, bằng cách đem xe tới đón.
Cô Oanh là Hiệu Trưởng trường Pleime và dạy tôi môn Toán và Nữ Công. Cô Dung dạy Toán và Lý Hoá. Hầu như các học sinh Pleime thời cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 không ai mà không thương quý hai cô. Cô Oanh là cô giáo rất “chịu chơi” và thông hiểu học trò, có cách trị học trò rắn mắt phải “tâm phục, khẩu phục”. Cô Dung thì rất dịu dàng, nhẹ nhàng khuyên bảo học sinh, cho nên hầu như học sinh Pleime ai cũng quý mến và gần gũi. Điển hình là từ lúc biết tin hai cô, học trò cứ nô nức tìm cách gặp mặt, thăm viếng... Tôi cũng không ngoại lệ!
Biết nói sao để diễn tả giây phút gặp gỡ ấy nhỉ? Chỉ biết đó là những vòng tay ôm thật chặt, những ánh mắt lộ nét vui tươi nhưng không giấu được giọt lệ của cảm xúc. Những kỷ niệm xưa cứ tuôn tràn, cô nói, trò nói.... sao mà thời gian trôi nhanh quá!
Dù dấu thời gian đã hằn trên gương mặt của cả cô lẫn trò, thế nhưng tình thầy trò trải dài qua nhiều năm tháng vẫn đong đầy, vẫn đượm tình nghĩa. Tình cảm thầy trò của thời xưa với tinh thần “Tôn Sư Trọng Đạo” đã giúp chúng tôi nên người hữu dụng và giữ được bản chất thiện nhân. Cô vẫn nhớ những phá phách, nghịch ngợm, những nét đặc điểm của từng khuôn mặt học trò dù đã qua hơn 40 năm. Nhắc để nhớ về những trò nghịch ngợm, phá phách hay những nét dễ thưong ngoan ngoãn của học trò Pleime; nhắc để cười vui hãnh diện vì thầy cô đã đóng góp vào những thành công của học trò và nhắc cũng để ngậm ngùi với những được – thua, còn - mất, không cứ gì của thầy hay trò và trên hết là chút buồn nhẹ nhàng bởi ai cũng hiểu rằng quỹ thời gian sẽ không còn nhiều cho cả thầy lẫn trò, vẫn vô tình trôi qua...
Nhìn cô Oanh dáng đi nhanh nhẹn, giọng nói vui vẻ, pha trò thật duyên dáng, vẫn tràn đầy sức sống như ngày nào. Vui lắm, mừng lắm cô ơi!
Rồi cô Dung, nét dịu dàng sang trọng vẫn thế, phong cách của mệnh phụ phu nhân vẫn còn rõ nét nhưng nhìn cô như có chút gì đó buồn buồn, chịu đựng! Hiểu và thương cô quá cô ơi!
Cô trò gặp nhau chỉ vài tiếng đồng hồ, chẳng thấm thía gì nhưng biết sao hơn, dù biết bao điều muốn nói, muốn kể ...
Những cái vẫy tay, cách đứng tần ngần nhìn theo xe học trò chuyển bánh đã nói lên tình cảm của hai cô dành cho.
Ôm cô từ giã, lòng tôi thật xúc động! Biết đến khi nào mới có thể gặp lại cô hay đây sẽ là lần cuối? Hình ảnh hai cô vẫn còn hiện hữu trong tâm trí, nhớ hoài câu ”cô vào nhà đi kẻo gió” và “cô muốn đứng nhìn em, cứ cho xe chạy đi” Nhìn qua kính chiếu hậu, hình dáng cô gầy gò, khom lưng lặng lẽ bước vào nhà khi xe lăn bánh chạy xa mà nao lòng thầm nghĩ “thời gian ơi, sao khắc nghiệt và vô tinh thế!”
Chỉ còn biết cầu mong hai cô luôn gặp mọi điều an lành và sức khỏe, để sống vui cùng con cháu, cô nhé! Trong dịp này cũng gặp được cô em gái Tố Trân, con cô Dung, một cô gái xinh đẹp, giỏi giang, lanh lợi và hoạt bát, dù mới gặp lần đầu mà đã như thân tình từ thuở nào. Vui khỏe và hạnh phúc mãi em nhé!
Cũng tại San Jose, tôi đã được gặp lại Hồng Ân, cô bạn thân xinh xắn với tính tình thân thiện, cởi mở học chung hai năm cuối Trung Học ở trường Nguyễn Thượng Hiền mà đã bặt tin nhau từ sau năm 1975, dù đã ra sức tìm kiếm, cũng phải cám ơn cô em ruột Thanh Hương đã tiếp tay mới tìm được Hồng Ân. Rất vui khi thấy bạn có một gia đình hạnh phúc, thành đạt và tính tình vẫn dễ thương như thuở nào.
Nhờ Facebook mới liên lạc được với Bạch là một cô bạn thân khác, xinh đẹp và học giỏi định cư tại LA, đã nhiệt tình đưa đón và sắp xếp buổi họp mặt mini với các bạn Nguyễn Thượng Hiền, nhờ đó nhớ thêm được một số bạn trường Nguyễn Thượng Hiền.
Chuyến đi chơi cùng đám bạn Nguyễn Thái Bình của em tôi cũng dễ thương không kém, Đức, Minh Huệ, Cẩm Hương, Thu Vân mới gặp lần đầu mà sao cũng thân thiết quá, riêng Hồng Thúy thì chắc hai chị em có duyên lớn hơn nên được đi chơi cùng nhau đến hai lần (Việt Nam và Mỹ) tạo thêm vài lần duyên nữa em nhé!
Nghiệm lại mới thấy mình vô cùng diễm phúc nhận được những chân tình của bà con, anh em, bạn hữu và nhất là gặp được nhau dù ở cách xa cả nửa địa cầu thì không phải dễ, phải chăng là do duyên lành đưa đến? Cầu xin tất cả an vui và mạnh khỏe để còn có dịp hội ngộ và cũng mong rằng lần tới có dịp gặp những người mà tôi chưa tạo được duyên như lần này!
Hồ Diệu Thảo