User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Bà Hai lấy khăn thấm những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt già nua, khắc khổ khi người con dâu trưởng buông tiếng: 

– Sáng nào Má cũng ra phòng khách ngồi như vậy hoài, hèn chi cái nhà này làm ăn không lên nổi.

Nói rồi, con dâu  ngoe nguẩy bỏ đi, bà nghe nghèn nghẹn. Trong ngôi nhà này, chỗ nào bà cũng là người thừa thãi, bà cầm lấy cây gậy đứng lên vẻ mệt nhọc, rồi bước lần ra cửa sau, đây chính là không gian của bà. Đưa mắt nhìn mấy trái mướp lủng lẳng trên giàn, bà chạnh nhớ quê hương xứ sở, giàn mướp nho nhỏ nơi xứ lạ quê người đã gợi lên biết bao nỗi nhớ nhung sâu thẳm. Bà nhớ mấy con ong bầu vo ve trên những nhụy bông vàng rực, nhớ những đọt mướp xanh mướt cho bà một dĩa rau luộc ngọt ngào trong những bữa cơm đạm bạc. Bà nhớ ông Hai đứng trên bờ kinh chài những con cá chạch, cá bống dừa bà mang về kho tiêu ngọt ngọt, mặn mặn, thằng Hiếu, thằng Thảo leo trèo tuột lên tuột xuống cây chùm ruột  ngọt, cười đùa vang cả một góc vườn.

Mùa hè bà mới ra đây ngồi, suy ngẫm về quá khứ, từng thời gian rồi từng thời gian lần lượt đi qua trong tâm trí, mảnh vườn của ông bà ngoại thằng Hiếu để lại cho bà, vợ chồng nó cũng bán đi để mua vàng vượt biên, bà đau lòng lắm nhưng không giải quyết được gì, bà không muốn rời xa nơi chôn nhau cắt rún, rời xa kỷ niệm, lúc bà còn là một cô thôn nữ nổi tiếng cấy lúa giỏi ở Xã Tân Hòa, Gò Công. Thuở ấy, bà chuyên cấy lúa cho đám ruộng của ông bà Tuần Phủ, còn ông Hai nhổ mạ bên ruộng của ông Thôn Hào, hai thửa ruộng giáp ranh nhau, có bữa ông Hai thấy bà ra ruộng sớm, ông bèn cất tiếng hò: 

Hò…. ơ….. Gò Công đất mặn phèn chua 
Tình thương ngào ngạt chẳng thua nơi nào 
Thương em anh đâu dám vượt rào 
Đợi ngày lành tháng tốt…….. 
Hò…… ơ….. đợi ngày lành tháng tốt đến chào song thân

ngondentruocgio

Tranh: Thắm Nguyễn

Bà nghe xong, không hò đáp lại mà chỉ cười chúm chím, đôi lúc bà cảm thấy rạo rực trong lòng, mỗi khi bắt gặp ánh mắt ông nhìn sang, bàn tay lúng túng cấy xuống những rẽ mạ không ngay hàng thẳng lối, hai má đỏ bừng không phải vì nắng mà vì thẹn thùng, mắc cỡ. Cái tình cảm chơn chất mộc mạc của gái quê trai làng coi vậy mà đậm đà thương yêu, đậm đà tình nghĩa. Một cơn ho bất chợt cắt đứt dòng nhớ xa xưa về quê hương, bà ôm ngực ho rũ rượi, ho sặc sụa, rồi mệt mỏi đứng dậy bước vô nhà, cơn ho vẫn tiếp nối, bà dựa vào cầu thang để thở, có tiếng cô con dâu cằn nhằn cùng chồng:

– Má ho như vậy mà cứ đến gần con Linda hoài, bực mình quá, anh đưa má vô viện dưỡng lão đi, trong đó có người lo.

Bà nghe tiếng con bà thở dài, bà hiểu thằng con trai không muốn vợ giận nên nó chỉ biết im lặng, thà nó nghe lời vợ mà cửa nhà êm ấm, chớ nếu nghe lời bà thì gia đình sẽ mất hạnh phúc. Như vậy cũng được, bà muốn con bà yên thân, dù sao bà cũng già rồi, sống nay chết mai có gì phải bận tâm.

Bà Hai thương con dâu như con ruột, nhưng cô con dâu đó không thương bà mà chỉ biết lo cho gia đình cha mẹ ruột, không ngó ngàng gì đến bà con thân thuộc bên chồng. Có lẽ mình không có phần nhờ dâu, bà tự an ủi như vậy. Nhìn lên bàn thờ, ông Hai ngồi chễm chệ trên bộ ghế giữa, mặc áo dài khăn đóng, hình chụp lúc đám cưới thằng Hiếu. Lo đám cưới cho con xong, một tháng sau ông ngã bệnh, rồi theo ông bà về bên kia thế giới luôn, làm bà buồn rầu ốm o gầy mòn, ít cười ít nói.

Vài tháng sau vợ chồng thằng Hiếu đòi bán đất bán vườn để vượt biên. Bà không muốn đi vì còn mồ mả ông bà tổ tiên phải bám víu, vợ chồng nó nhất định đòi bán cho bằng được, sau cùng bà cũng phải chìu theo, bởi bà thương con và cũng sợ ở lại một mình, bệnh đau không người thang thuốc. Bà cũng muốn biết tin của thằng Thảo, nó đang tắm sông rồi chiếc tàu nào đó cặp bến cây mù u xin nước rồi vớt nó đi mất. Bà không thể nói lên được nỗi lòng của một người mẹ mất con. Bà mất ăn mất ngủ ra vào như người không hồn kể từ lúc đó. Vợ chồng thằng Hiếu hối thúc, viện đủ lý do, bà lo âu, đi thì không đành mà ở cũng không được, rồi bà chấp nhận sự ra đi một cách miễn cưỡng.

Tàu cặp bến mù u để đón những người vượt biên, bà bước xuống tàu vào một đêm Ba Mươi tối trời. Ai cũng vội vã cuống quýt, duy chỉ có bà là điềm tĩnh, nhìn những hàng cây mù u quen thuộc, đang xa dần dưới ánh sáng lờ mờ của những vì sao – vĩnh biệt mảnh đất quê nhà – bà chép miệng thở dài.

Gần nửa tháng trời lênh đênh trên biển, cuối cùng tàu cặp bến đảo Bidong, Malaysia. Có lẽ ông Hai dẫn dắt cho thằng Thảo gặp lại bà trên đảo để mẹ con trùng phùng. Bà không cầm nổi nước mắt khi gặp lại thằng con trai sau bao năm trời cách biệt. Thằng Thảo bây giờ là một thanh niên cao lớn, lực lưỡng, có cái giọng cười giống hệt tía nó. Nhớ ngày nào nó ra sông lội bì bõm, bơi theo mấy vạt lục bình để hái mấy chùm bông màu tim tím, chạy một mạch về nhà rồi băng qua mấy liếp hành sang nhà con Mận mà cho mấy cái bông. Cái thằng mới bây lớn mà đã biết lấy lòng phụ nữ.

Sang Mỹ, thằng Thảo là một đứa lanh lợi, tháo vát, nó mua nhà rồi có vợ có con, cuộc sống ổn định và có phần khá giả, chấm dứt cảnh vác chài mang đục đi hết bờ kinh này đến con rạch nọ để chài cá, không còn quanh quẩn mấy cây mù u hái trái về chọi lộn với thằng Chơn thằng Chất con chú sáu Mẹo. Con bà mau lớn nên người, bà rất vừa lòng, duy chỉ có cô con dâu là coi thường mẹ chồng. Bà muốn sang thăm cháu nội, nhưng cô con dâu không thích bà đến nhà, có lẽ thấy bà già nua, quê mùa, bệnh hoạn, nay ốm mai đau, lại thêm cái bệnh ho mãn tính. Có lần bà chống gậy sang chơi, mấy đứa cháu ở trên lầu mà con dâu không cho xuống, bà hỏi thì được trả lời:

– Chúng nó ngủ hết rồi!

Cô con dâu nói giọng the thé, bà lấy làm khó chịu. Tuy bà không gần gũi hai đứa cháu nội nhưng bà thương chúng nó vô cùng. Bà muốn kể cho bọn trẻ biết về nguồn gốc của chúng nó, về đất Gò Công nước mặn, nơi tổ tiên ba đời sinh sống từ Xã Tân Hòa đến biển Tân Thành. Bà muốn nói nhà ông bà nội của các cháu nằm ven con sông nhỏ, sau hè có cây chùm ruột ngọt mà mấy đứa nhỏ hàng xóm đứa nào cũng thích leo trèo hái trái, trong đó có thằng Thảo, cha của các cháu đã từng bị con ong vò vẽ chích tuột xuống không kịp, ôm đầu la làng. Nhà ông bà nội các cháu có cây điệp vàng trước cửa, bông điệp đơn sơ, bình dị mà cha của các cháu hay hái chưng trên bàn thờ vào những ngày giỗ tổ tiên, nhà ông bà nội các cháu có hai hàng cau dài từ nhà ra cổng, mà cha của các cháu hay lấy ná bắn những con chim tu hú rớt xuống đất rồi vỗ tay cười khoái chí, nhà ông có…

Bà nghe ran ngực, cơn ho kéo đến cắt đứt dòng suy tưởng êm đềm, tiếng Hiếu vang lên xen lẫn tiếng cằn nhằn của con dâu:

– Má ơi! Vô phòng nghỉ đi, Má ho hoài con Linda ngủ không được, vợ con cứ nói hoài, vô phòng đi Má.

Bà lò mò chống gậy quay lại giàn mướp, không gian yên tĩnh và bình yên, mấy con ong bầu vẫn còn đó, vẫn vo ve những nhụy bông vàng rực, bà cảm thấy thoải mái khi ngồi nơi đây, chính nơi đây đã làm sống lại quá khứ, bà rất hạnh phúc khi nghĩ về cái quá khứ đó, bà sợ rồi đây vợ chồng thằng Hiếu sẽ đưa bà vào viện dưỡng lão. Bà không muốn rời xa con cháu, không muốn rời góc vườn nơi đây, gần hai mươi năm rồi, góc vườn này đã gắn bó với bà, mặc dù nơi đây không bằng mảnh đất quê hương, nhưng nơi đây là một chứng tích của năm tháng dài vật lộn với cuộc sống. Bà đã làm đủ mọi nghề, có lúc làm cả hai công việc trong ngày, bà muốn lao đầu vào việc làm để quên đi tất cả, quên cái tình người ngày càng phôi pha, quên cái sự chen lấn đè bẹp nhau giữa con người với con người, quên cái sự chia rẽ của bà con mình.  

Nơi đây thiếu tình láng giềng, cho nên bà nhớ cái tình chòm xóm ở quê nhà. Bà nhớ như in vào một buổi trưa hè nằm trên bộ ván gõ, gió ngoài đồng thổi vào mát rượi, mang theo mùi thơm dịu dàng của ngọn lúa đòng đòng đang ngậm sữa, bà cảm thấy buồn ngủ, rồi ngủ một giấc tới chiều, cô Tư Đậu Rồng gánh một giạ lúa tới trả cho bà mà cô mượn hồi năm ngoái để làm giống, cô ngồi xuống cạnh bà:

– Chiều rồi còn ngủ nữa, không sợ mặt trời đè sao? Chị Hai, dậy đi.

Bà nằm bất động, cô Tư hoảng hồn lấy chai dầu gió Nhị Thiên Đường trong túi áo với đồng bạc cắc ra cạo gió cho bà, lúc đó bà mới tỉnh dậy. Nếu không có cô Tư Đậu Rồng có lẽ bà đã ra người thiên cổ. Cái tình chòm xóm coi vậy mà quý vô cùng.

Tới mùa lúa chín, nhà bà lúc nào cũng vui nhộn, những đêm trăng sáng thằng Hiếu, thằng Thảo cùng đám trai gái làng tụ tập trước sân lúa đờn ca. Thằng Hiếu với những ngón đờn mùi mẫn qua tám câu Phụng hoàng, bà mỉm cười khi nghe thằng Thảo ca vọng cổ:

Ghe chiếu Cà mau cắm sào đứng đợi sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra… chào…

Cái thằng ca nghe cũng hay, giọng sang sảng – bà nhủ thầm – rồi tiếng của cô Tư Đậu Rồng vang lên với một lớp Nam Ai trong một vở tuồng “Ngọn Đèn Trước Gió” nghe buồn đứt ruột, giọng cô trầm bổng, ảo não…

Má như ngọn đèn trước gió không biết rồi đây, tắt lịm tự lúc nào. 
Tuổi già trong đơn côi, thui thủi một mình. 
Con thì mỗi lúc mỗi xa, không màng mà cũng chẳng thiết tha. 
Câu mẫu tử thâm tình, nỗi lòng nầy ai hay. 
Mỏi mắt trông con những lúc chiều về. 
Trăng tàn má thức trắng canh thâu. 
Tiếng dế giữa đêm trường, nghe đời mình quạnh hiu. 
Bao nhiêu năm trời má khổ cực. 
Nuôi các con khôn lớn nên người. 
Những cánh chim đủ sức tung trời. 
Bỏ cái tổ buồn thê lương…

Bà nghe rõ giọng cô nghẹn ngào khi ca hai câu cuối. Ánh trăng trung tuần sáng vằng vặc soi rõ khuôn mặt cô Tư Đậu Rồng đang say sưa vô hai câu vọng cổ, cô mê hát quá nên chồng cô theo vợ bé, bỏ lại 3 thằng con trai cô nuôi, sau này con cô lớn lên có gia đình và theo quê vợ, thằng lớn ở Đồng Tháp Mười, thằng kế ở Đồng Nai, thằng Út ở tận Cà Mau, ba đứa ba nơi, ít có đứa nào về thăm, cô sống quạnh quẽ trong cái chòi ở mé ruộng. Có những đêm mưa dầm, ễnh ương, ếch nhái kêu nghe ảm đạm, vách lá không đủ ngăn gió, nên ngọn đèn dầu trên bàn tắt lịm, nhìn cái chõng tre kê sát vách bỏ không, cô nhớ mấy thằng con trai, đứa đòi nằm trong, đứa đòi nằm ngoài, những lúc trời mưa dầm như vầy thế nào tụi nó cũng đem về vài xâu ếch nhái, nay tụi nó theo quê vợ hết rồi, cái chòi này vốn đã trống trải nay càng trống trải hơn, cô nằm gác tay lên trán trong bóng tối, khẽ ca nho nhỏ đủ cho mấy con rắn mối nghe với sự phụ họa của con tắc kè ẩn trong vách lá:

Những cánh chim đủ sức tung trời 
 Bỏ cái tổ buồn thê lương…

Cuộc đời cô buồn quá nên giọng ca nghe u uẩn một nỗi niềm. Mấy người bạn hàng ở chợ Gò Công khen cô có giọng ca hay và cũng thắc mắc không hiểu vì sao cô có cái tên cô Tư Đậu Rồng. Cô có hai công ruộng, một công cô cấy lúa trung vụ, còn một công cô lên liếp trồng đậu rồng, cô chuyên trồng đậu, hễ có chỗ nào trống là cô bỏ hột đậu rồng, tới tháng 10 dây đậu rồng có trái, cô hái đầy hai thúng rồi gánh ra chợ Gò Công bán, cô nhờ trồng đậu rồng nên có tiền mua hến về cho một bầy vịt tàu ăn và mua cám cho con heo nái sắp đẻ, từ đó cô có biệt danh: Cô Tư Đậu Rồng.

Thời gian trôi qua, cái chòi của cô Tư không còn nữa, trên cái nền chòi cũ là nấm mồ của cô. Trong một đêm mưa to gió lớn, cô ngủ một giấc say nồng và không bao giờ thức dậy. Mấy con tắc kè quanh quẩn bên mồ đêm nào cũng kêu lên mấy tiếng tắc kè, tắc kè để phụ họa điệu Nam Ai mà cô hay hát hằng đêm. Mỗi mùa mưa đến là mấy gốc đậu rồng lên chồi, lớn mạnh, tới tháng Mười đậu rồng có trái, không ai hái, trái già khô rụng hột xuống đất lại lên dây đậu rồng mới, ôm lấy nấm mồ cô Tư chằng chịt. Gió chướng thổi mạnh mấy trái đậu rồng khô va vào nhau tạo thành một thứ âm thanh lạ nghe buồn bã giữa trưa hè. Rồi ngày qua tháng lại người ta quên dần đi hình ảnh cô Tư gánh hai thúng đậu rồng ra chợ bán, cũng như những đứa con trai theo quê vợ không còn nhớ nấm mồ người mẹ già nằm cô đơn ở chốn quê nghèo.

Bà Hai thì không thể nào quên được cô Tư, nguời bạn láng giềng tốt bụng, bà muốn trở về quê cũ thăm lại mồ mả ông bà, nhưng không thể nào đi được, lực bất tòng tâm, bây giờ bà quá già, trở thành người phế thải và con cháu không cần sự hiện diện của bà trong ngôi nhà này nữa. Hiếu và Thảo không còn như ngày xưa, các con bà có một thế giới riêng, thế giới ấy hiển nhiên không có sự hiện hữu của bà. Mỗi độ mùa Hạ về giàn mướp lại có mặt và chỉ có giàn mướp là nguời bạn thân thiết nhất. Bà chợt nghe tiếng mở cửa, Hiếu từ ngoài bước vào và đi ra cửa sau đến bên bà:

– Má ơi, con có liên lạc với viện dưỡng lão rồi đó, má muốn chừng nào vô viện ở thì nói cho con biết để con nhờ thằng Dũng bạn con chở má đi.

Bà yên lặng không trả lời, Hiếu dường như hiểu ý bà: 

– Má à, thằng Dũng có cô bạn gái làm trong đó, có gì cô ta sẽ giúp đỡ Má mà, đừng lo nha má.

Bà vẫn yên lặng, giây lát, rồi cầm cây gậy đứng dậy bước vô nhà, trước khi mở cửa phòng, bà quay lại nhìn Hiếu:

– Con nói với bạn con, sáng mai đến chở má đi.

Nói xong, bà vào phòng và đóng cửa lại.

Sáng hôm sau, cô con dâu trưởng đến phòng bà gọi:

–  Má ơi, anh Dũng đợi Má ở ngoài kìa, Má chuẩn bị xong chưa?

Bà mở cửa phòng, tay cầm một túi quần áo và vài thứ linh tinh khác, bà mỉm cười:

– Má đã sửa soạn các thứ rồi con ạ, các con cứ yên tâm, má chu đáo lắm mà.

Cô con dâu út lên tiếng:

– Má vào trong ấy nghỉ ngơi, ở đó nhiều người già lắm, Má tha hồ mà tán gẫu.

Cô con dâu trưởng tiếp lời:

–  Chúng con lúc nào cũng nghĩ đến Má, cầu mong Má khoẻ mạnh, có gì Má cứ gọi chúng con, Má cứ nghĩ rằng lúc nào chúng con cũng ở bên Má.

Bà gật đầu cười, mặc dù bà biết rằng những lời lẽ đó không xuất phát từ cái tâm. Có tiếng Dũng gọi vào:

– Bác Hai xong chưa bác Hai?

Hiếu và Thảo chạy đến bên bà, Hiếu đỡ lấy cái túi xách:

– Để con xách cho.

Thảo cầm lấy cây gậy:

– Để con dẫn Má đi khỏi cầm gậy.

Bà đưa tay cản lại:

–  Thôi được các con ạ, để má tự mang túi xách và cầm gậy được rồi. Khi rời khỏi nhà này, má phải tự lực thôi, cũng như ngày xưa má rời khỏi nhà ông bà ngoại má cũng phải tự lực để nuôi các con được lớn khôn đến bây giờ.

Hiếu và Thảo cúi đầu yên lặng, bà nói tiếp:

–  Má mong rằng, sau này mấy đứa cháu nội sẽ chăm sóc cho các con, ở cạnh các con lúc tuổi già sức yếu vì cha mẹ già như ngọn đèn trước gió không biết tắt lịm tự lúc nào, phải biết quý trọng những phút giây kề cận cha mẹ già, vì người già không cần gì cả, chỉ cần duy nhất có một điều – sự quan tâm của con cháu.

Bà ngừng nói và thở, rồi nắm tay Hiếu, Thảo:

– Má tin rằng mấy đứa cháu nội sẽ không tệ đâu.

Nói xong bà bước nhanh ra ngoài, Hiếu và Thảo như chợt nghĩ ra điều gì, chạy nhanh ra cửa:

– Má ơi, Má…

Tiếng kêu thảng thốt của Hiếu và Thảo trong nghẹn ngào, nước mắt lưng tròng, trong lúc đó hai người con dâu ngoe nguẩy bỏ vào trong… 

Lợi Trân
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com