Trong tĩnh lặng của bóng đêm, tôi tỉnh dậy. Tôi đi qua phòng ngủ của chồng, tôi thấy anh trăn trở trong giấc ngủ, hơi thở nặng nề. Tội nghiệp anh, mấy hôm nay bơ phờ, đầu óc thất tán, ai bảo ăn thì ăn, bảo làm thì làm. Chẳng biết mình ăn gì và làm gì. Tôi đứng lặng nhìn anh một lúc, mái tóc thưa thớt, bạc như những sợi cước; trên khuôn mặt quen thuộc, những vết gấp của thời gian chồng lên nhau, anh thật sự đã già lắm rồi. Tôi cúi xuống, kéo chiếc chăn lên ngực anh, đặt nhẹ trên trán anh một nụ hôn, an ủi.
Tôi phải làm cho xong đêm nay một khay cookies mang đến nhà thờ cho đám tang ngày mai. Ba hôm trước có người trong họ đạo qua đời, bà trưởng nhóm của hội Tương Tế đã gọi các hội viên phân chia công tác. Tôi luôn luôn nhận phần làm cookies. Tôi đã quá quen với công việc này. Lượng đường, lượng sữa tôi thuộc lòng rồi.
Mỗi lần cân bột, đong đường, đập những trái trứng làm bánh, tôi hình dung ra diện mạo người vừa mới qua đời. Có người tôi biết rất rõ, có người thân hơn, có người chỉ mang máng nghe tên. Tất cả như xoay tròn trong cái tô bánh đang làm. Lòng đỏ của quả trứng như những khuôn mặt của trẻ sơ sinh mới vào đời, khi đánh ra trộn lẫn vào đường với sữa nó nhanh chóng tan đi, như con người tan chảy vào dòng đời, rồi biến mất. Đôi khi tôi tự hỏi: “Ai sẽ làm cookies cho đám tang của mình?” Có lúc tôi lại nảy ra ý nghĩ, hay là mình làm cookies cho chính mình đi.
Sáng sớm hôm nay, tôi mang bánh đến nhà thờ cho đám tang. Vừa đến, đã thấy các bà trong hội Tương Tế của nhà thờ đang cùng nhau sắp đặt bữa tiệc cho tang gia. Người trong bếp lo xếp thức ăn ra đĩa, người bên ngoài lo trải khăn bàn, kê ghế, lo nước ngọt, cà phê.
Tôi có tên ở hội Tương Tế của nhà thờ Công Giáo Mỹ này cả hơn hai mươi năm, nhưng mới đảm trách nhiệm vụ trưởng nhóm năm sáu năm nay. Khi có người qua đời trong họ đạo, người trưởng nhóm phải gọi hội viên chia nhau mang thực phẩm đến giúp tang gia vì trong lúc bối rối, không ai có thời giờ nấu ăn, lại thêm còn phải tiếp đón thân nhân, bạn hữu ở xa về dự đám tang. Chúng tôi mang thức ăn đến tang gia liên tiếp từ lúc nhận được tin buồn cho tới khi chôn cất xong. Bữa tiệc cuối cùng tiễn đưa thường được tổ chức tại khu nhà hội của họ đạo. Trong khi linh mục làm phép xác trong giáo đường thì chúng tôi lo sắp đặt dưới nhà hội. Sau tang lễ, mọi người sẽ tụ họp một bữa trưa nhẹ nhàng và cùng nhau nhắc đến người bạn trong giáo xứ vừa qua đời. Tang gia không phải lo một việc gì trong bữa tiệc tiễn chân này.
Tôi không nhớ mình đã mang cookies đến cho bao nhiêu đám tang. Người chết trẻ, người chết già, mỗi người chết một cách khác nhau. Có người tôi quen thân, có người tôi chỉ biết qua cái tên, nhưng ai chết cũng được hội Tương Tế hỗ trợ giống nhau, Linh Mục đọc những lời kinh và làm nghi thức tang lễ giống nhau. Họ chỉ khác nhau ở chỗ áo quan làm bằng loại gỗ nào và có bao nhiêu người tham dự, hoa phúng điếu đầy ắp nhà thờ hay có khi chỉ một vòng đơn sơ trên nắp áo quan, được chôn ở nghĩa trang xa hay gần, hỏa thiêu hay chôn khô trong những ngăn kéo bằng đá hoa cương. Tôi đã quen thuộc với công việc này lâu lắm rồi. Khi còn đi làm, tôi chỉ đóng góp thức ăn, từ ngày về hưu, tôi được cử thay thế bà trưởng nhóm đã qua đời ở tuổi già.
Chiếc áo quan đã đưa vào trong xe tang, những vòng hoa được chất lên những chiếc xe khác, nối đuôi nhau trong bãi đậu xe. Mọi người chưa ra nghĩa trang ngay, họ kéo vào nhà hội. Những giọt lệ đã được kín đáo lau khô; thân nhân đang sửa soạn chiếu những tấm hình của người mới được Thiên Chúa gọi về cho quan khách xem.
Làm xong bổn phận của mình, tôi đứng lùi lại một góc phòng, xem những tấm hình chiếu lên trên một khung vải khá rộng được đặt giữa phòng. Hình đầu tiên chiếu lên, đó một người phụ nữ Á Đông ở tuổi ngoài tám mươi, tên Mai Hoàng, bên dưới, thay vì năm sinh và năm tử lại có hàng chữ nhỏ “Đến Mỹ tháng 4/1975”. Sau đó là nhiều, rất nhiều hình khác, có hình thời còn trẻ, ở tuổi ba mươi, hình chụp với chồng, với bốn con từ lúc còn ở quê nhà, rồi hình di tản sang Mỹ năm 1975, thêm hai cô con gái nữa trong những tấm hình kế tiếp, sau đó là cháu nội, cháu ngoại. Bà có tới sáu con, mười lăm cháu. Cháu ngoại lớn nhất của bà mới lấy chồng năm ngoái. Đúng là một gia đình Công Giáo Á Đông. Bà đã tị nạn ở Mỹ hơn năm mươi năm rồi. So với thời gian sống trên quê cha đất mẹ mình thì bà đã sống hơn hai phần ba đời người trên đất khách và dài nhất là ở thành phố này, nên bà có khá nhiều bạn bè bản xứ. Mọi người thay nhau chia sẻ, kể lại những kỷ niệm với bà. Họ nói khi bà còn sống, bà chính là người đã tham gia rất đắc lực vào những công việc tang ma cho hội Tương Tế trong một thời gian rất dài. Cách đây mươi năm, khi qua tuổi 80, hai chân bà bị yếu, lái xe khó khăn, bà mới ngưng tới đây, chỉ lãnh việc ở nhà gọi điện thoại thông báo cho mọi hội viên biết có ai vừa qua đời, cần giúp đỡ. Bà biết rất rõ đám tang có bao nhiêu người tham dự thì cần bao nhiêu thức ăn. Ai sẽ mang xà lách, ai mang bánh lớn (cake), ai mang cookies, ai mang thịt nguội hay trái cây. Những việc này bà còn tinh tường lắm, mặc dù người trong hội đã nghĩ đến việc tìm một người trẻ hơn thay thế cho bà. Nhưng họ chưa tìm được ai thì bà đã mất.
Tôi đứng đó nhìn gia đình bà đông đủ con, cháu, chạy qua chạy lại chào hỏi cám ơn quan khách. Người chồng của bà cũng già lắm rồi, ngồi trong một chiếc wheelchair, ông gầy quá, trông như được quấn trong bộ vest đen, hai mắt trũng sâu, nét mặt bơ phờ. Đứa cháu gái độ 15 tuổi đứng sau lưng ông, thỉnh thoảng lại đưa ly nước vào miệng ông. Tôi nhiều lần muốn bước đến bên ông, nói đôi lời an ủi, nhưng lại thôi. Hãy để cho ông tập quen dần với chia ly, tử biệt. Đàn con cháu thì bây giờ họ còn đang bối rối, bận bịu. Sau ngày hôm nay, khi chôn cất, tiễn đưa xong, ai về nhà đó, đời sống trở lại bình thường, lúc đó họ mới có thời gian thấm thía sự mất đi của một người thân như thế nào. Tôi thương họ quá, chỉ muốn ôm tất cả vào lòng vỗ về, an ủi.
Tôi đứng đó, nghe tất cả những điều tốt đẹp về người phụ nữ mới qua đời. Những tấm hình đang chiếu trên cái khung vải đó cho mọi người thấy một đời sống của một phụ nữ đã qua đi. Bà trẻ trung nhanh nhẹn như thế nào trong quá khứ, hình bà thời con gái, mặc áo dài trắng đứng trước cửa một trường Trung Học ở Việt Nam, hình bà cùng chồng con đến tỵ nạn tại đất nước này. Bà đã hội nhập nhanh chóng vào đời sống mới. Mọi người nhìn bà như một phụ nữ có đầy đủ hạnh phúc gia đình và bằng hữu. Tôi tự hỏi, họ nghe được rất nhiều tiếng cười của bà khi bà còn sống, nhưng có ai biết được những giọt lệ lẻ loi riêng mang của bà không nhỉ? Chắc bà có khóc chứ? Một người sống xa quê ngần ấy năm làm sao không có lúc nhớ cha mẹ, tổ tiên ở quê nhà? Một người có cả đàn con cháu đông đúc thế, làm sao không có những âu lo theo từng chặng đường chúng bước qua.
Tôi đứng đó, xem những tấm ảnh chiếu trên khung hình, nghe những lời trò chuyện trong đám quan khách, những người bạn cùng chủng tộc với bà, họ ngồi tụ lại hai ba bàn, nói với nhau bằng ngôn ngữ của họ. Họ luôn luôn lau nước mắt. Tôi biết người Á Đông phần đông không che giấu được nỗi buồn, và họ rất hay khóc. Dù là người mang quốc tịch nào, khi đến một đám tang, sau khi nói về người chết xong, người ta thường nói về người sống còn lại với nhau, về tuổi tác và bệnh tật, về những nấm mộ mua trước, về nên hay không nên hỏa táng, tro than sẽ rắc ở chân núi, hay thả ra biển… Có người nói với giọng ôn hòa, nét mặt bình thản, có người nói với giọng âu lo, nét mặt buồn bã. Những người trẻ hơn thì ngồi im, nghe ngóng, họ chưa nghĩ đến việc mua ngôi nhà cuối cùng vì ngôi nhà đang ở họ mới mua được vài năm hay mới mua tháng trước. Họ còn nhiều thứ phải mua sắm cho ngay ngày hôm nay, một vài đứa con nhỏ đang phải cần tiền ăn, học; họ chưa muốn nghĩ đến việc ba mươi, bốn mươi năm sau, mặc dù ai cũng biết, cái chết có thể đến thật “tình cờ”.
Tôi đứng nhìn những chiếc cookies trên bàn, nhìn bạn bè ăn những chiếc bánh nhỏ cuối cùng và nhắc đến tên người bạn vừa qua đời. Mai kia, mốt nọ, họ sẽ ăn những chiếc cookies của người khác làm, và nhắc đến tên người khác. Rồi bỗng một hôm nào đó tên của họ lại được nhắc đến lần cuối và những chiếc cookies của họ không bao giờ còn xếp trên bàn nữa.
Tôi nghe và nhìn thêm một chút nữa, thấy bữa tiệc tiễn đưa sắp tàn, có người đã bắt đầu thu dọn, tiếng ghế kéo đã vang lên. Nhìn lên tường, đồng hồ chỉ 12 giờ trưa, cái lịch bên cạnh có con số năm 2030.
Tôi rời bỏ chỗ đứng, đi về phía nhà thờ. Vị Linh Mục đang đứng nói chuyện với nhân viên nhà quàn. Tôi đi qua mặt Ngài, nhưng Ngài không thấy tôi.
Tôi đứng ngắm chiếc xe tang, chiếc xe màu đen, dài nhất trong những chiếc xe đang xếp hàng ở đó. Tôi đặt một bàn tay lên cánh cửa xe tang, trong bàn tay kia, tôi còn nắm chặt một chiếc cookie.
Hàng xe tang từ từ chuyển bánh ra nghĩa trang, một chiếc huyệt được đào sẵn ở đó, vị Linh Mục rảy nước Thánh xuống lòng huyệt, đọc lời nguyện và áo quan được từ từ hạ xuống trước sự chứng kiến của gia đình và bạn hữu. Những đóa hoa ném xuống theo, những giọt nước mắt cuối cho người vừa đặt lưng trong lòng đất cũng theo nhau nhỏ xuống. Sau cùng là những tiếng xẻng xúc đất. Bạn hữu trước rồi tới gia đình, mọi người lần lượt ra về, chỉ có mình tôi ở lại.
Từ nay, hội Tương Tế sẽ có một bà khác trẻ hơn, thay cụ Mai Hoàng lo việc sinh hoạt cho hội. Tôi hình dung ra được những công việc bà hội trưởng mới: Bà sẽ gọi mọi người đóng góp công sức cho hội mỗi khi có ai qua đời, bà cũng tới với khay cookies, làm việc giúp mỗi đám tang như tôi đã làm cho đến khi bà chậm lại và yếu đi, rồi bà sẽ mỗi ngày một yếu thêm, nhắm mắt qua đời, nằm xuống mộ huyệt như cụ hội trưởng cũ ngày hôm nay. Những chiếc cookies sẽ được nướng bởi những bàn tay khác nhau đặt trên bàn tiệc tiễn đưa.
Người nướng cookies sẽ lần lượt theo nhau đi dự những bữa tiệc tiễn đưa khác,với những bàn tiệc chỉ có thảm cỏ là khăn trải bàn và những đóa bồ công anh tròn xoe thay cho những chiếc cookies.
Tôi là Mai Hoàng, tôi vừa đặt lưng xuống lòng đất mới. Tôi đã đi hết một chặng đường dài của cuộc sống. Tôi sẽ tan chảy vào lòng đất như những lòng đỏ trứng tan trong sữa và đường.
Trong tay tôi còn nắm chặt một chiếc cookie.