Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu
(ca dao)
Đang học Đại Học năm thứ ba, Đoan bỗng dưng tuyên bố sẽ bỏ học lấy chồng trước con mắt ngưỡng mộ và ganh tỵ của đám bạn gái cùng trường. Đoan lấy chồng, để lại sau lưng vài cây si chết… đứng. Đoan lấy chồng, anh bạn học chung bỗng trở thành… thi sĩ chuyên sáng tác thơ thuộc thể loại… thất tình.
Ngày mai áo trắng thôi vào lớp
Để mặc áo dài cưới thêu hoa
Ngày mai bỏ quên đôi guốc mộc
Hài cườm, Nhỏ bước thật kiêu sa
Có con bướm cũ như buồn lắm
Bướm nhớ Nhỏ xưa áo đôi tà
Có kẻ tiễn đưa và ngơ ngẩn
Chúc mừng Nhỏ làm vợ người ta…

Đọc thơ, Đoan cũng hơi… xao xuyến nhưng rồi lắc đầu đoạn tuyệt với những mơ mộng của ngày hôm qua. Tại sao Đoan phải tiếc giấc mơ tuy nhẹ nhàng, dễ thương nhưng không giúp được gì Đoan cùng gia đình trong đời sống thật, trong khi Viễn đó, Viễn hiện hữu trước mặt Đoan đẹp trai, ngời sáng như hoàng tử bạch mã trong chuyện cổ tích. Nói Đoan mê cái mác Việt kiều của Viễn cũng hơi… oan cho Đoan vì Đoan thật sự thấy trái tim mình rung động khi nghĩ đến Viễn và… viễn ảnh hạnh phúc ở một nơi xa lắm, cách cả nửa vòng trái đất. Viễn có đủ các điều kiện để làm một người chồng mà hầu hết các cô gái cùng trang lứa với Đoan ao ước. Viễn học cao hiểu rộng. Viễn có nghề nghiệp vững vàng. Hơn hết, Viễn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nề nếp, gia giáo. Mẹ Viễn ngày xưa là giáo viên, cũng là bạn của mẹ Đoan. Viễn lớn hơn Đoan mười tuổi nên sẽ là một người chồng chín chắn hết lòng yêu vợ.
Ngày Viễn lên đường sang định cư ở Hoa Kỳ, Đoan còn bé tí tẹo. Nay Viễn trở về hóa thân thành người đàn ông chững chạc. Đoan cũng nhờ thời gian như một chiếc đũa thần biến hóa thành một thiếu nữ trẻ trung, tràn đầy nhựa sống. Có lẽ ông Trời đã định cho Viễn và Đoan thành một cặp tự bao giờ. Cũng có thể cả hai là Tiên Đồng, Ngọc Nữ hẹn nhau từ kiếp trước. Đoan bất giác mỉm cười khi thấy mình mộng mơ…
Rồi đúng như bài thơ của thi sĩ… hộc bàn, Đoan xếp lại tà áo dài trắng, dẹp sang bên đôi guốc gỗ, lộng lẫy kiêu sa trong sắc áo cô dâu về làm vợ Viễn. Câu chuyện kể đến đây coi như có hậu vì hoàng tử từ… bên kia biển khơi cuối cùng cưới được nàng công chúa và giúp nàng thoát khỏi những bế tắc, những nghi ngờ đối với cuộc sống của một sinh viên nghèo. Đoan còn hy vọng xa hơn, đó là Đoan sẽ có cơ hội đền đáp ơn công sinh thành cho cha mẹ cũng như lo cho các em ăn học thành tài, nghe nói Viễn làm tới cả trăm ngàn đô một năm. Sau này, nếu như Đoan hỏi Viễn một vài trăm đô giúp đỡ gia đình chắc không phải là một vấn đề. Sang bên ấy, Đoan cũng sẽ cố gắng tiếp tục học hành để không là gánh nặng cho Viễn ở tương lai.
Đêm tân hôn đối với Đoan là một đêm ngập tràn hạnh phúc. Đoan vừa e thẹn lại cũng vừa rạo rực trong cánh tay đàn ông nồng nàn, rắn chắc của Viễn. Đà Lạt mộng mơ. Đà Lạt đêm huyền diệu. Dường như Đoan nghe tiếng thác Cam Ly rì rầm tuôn chảy đâu đây. Dường như Đoan nghe tiếng lọc cọc của vó ngựa phi nước kiệu. Dường như Đoan cảm nhận được không gian ngây ngất hương hoa hồng …
Sáng hôm sau, trên mảnh drap nát nhầu, Đoan vừa thẹn thùng, vừa tự hào, lại cũng vừa sung sướng hạnh phúc khi thấy loang lổ một vài vết hoen như một chứng minh cho sự nguyên vẹn, trinh trắng của mình. Tuy không nói ra nhưng Viễn cũng hài lòng vì Đoan vẫn còn là… con gái. Đó là điều kiện đầu tiên khi Viễn lấy Đoan làm vợ. Nếu không, không biết Viễn đối xử với Đoan như thế nào. Đã bảo gia đình Viễn đàng hoàng và gia giáo kia mà.
Chẳng bao lâu sau ngày cưới, Đoan đã đặt chân lên mảnh đất mà lắm người gọi là “thiên đường hạ giới”. Tuy sống xa gia đình và thương nhớ người thân, Đoan vẫn tâm nguyện sẽ hết lòng vẹn gìn cái hạnh phúc mà Đoan đang có và sẽ yêu Viễn suốt đời không thay đổi.
Mà không yêu làm sao được khi Viễn… hào phóng làm thêm một tiệc cưới ở Mỹ nữa để cho Đoan có dịp ra mắt bà con và bạn bè ở Mỹ của Viễn. Nghe đâu mỗi phần ăn ở nhà hàng lên đến sáu, bảy chục đồng, rồi lại thêm những thứ khác như rượu tây, bánh cưới, chi phí trang trí, tiền mướn ban nhạc… Đoan chắc lưỡi hít hà, thấy tiếc tiền vì đó cũng là tài sản chung theo ý nghĩ “của chồng công vợ”, dù thực sự Đoan chưa có công gì ngoài cái công… làm vợ Viễn. Đoan nhẩm tính, chỉ cần khoảng 200 đồng gởi về Việt Nam là dư sức cho thằng em vào Đại Học, số còn lại sẽ giúp cho cha mẹ sống đỡ chật vật, khó khăn hơn. Đoan sẽ hỏi xin Viễn. Đã là vợ chồng, Đoan không cần phải ngại.
Mọi việc đâu vào đó, Đoan quen dần với cuộc sống mới. Mùa tựu trường, Viễn chịu khó lái xe đưa Đoan đi học. Viễn bảo Đoan đường sá chưa quen, lái xe đi một mình sẽ nguy hiểm lắm. Dù giờ giấc đưa đón Đoan hơi làm xáo trộn giờ giấc làm việc của Viễn, Viễn cũng không ngại.
Một buổi sáng, trước khi Viễn đi làm, Đoan choàng tay quanh cổ chồng, nũng nịu:
– Viễn nè, mùa này cũng là mùa nhập học ở Việt Nam. Thằng Quân cần một số tiền để đóng học phí. Năm nay nó đã vào Đại Học. Em muốn… em muốn xin Viễn khoảng hai trăm đồng gởi về cho nó và cũng là giúp cha mẹ…
Đang vui, mặt Viễn chợt đanh lại:
– Em đừng giống những người đàn bà con gái khác được không?
Chưa hiểu ý Viễn nhưng đôi cánh tay Đoan đang choàng trên cổ Viễn bỗng dưng vô duyên và thừa thãi. Đoan nghe nóng ran ở mặt:
– Anh… anh nói sao?
– Người ta bảo những cô gái ở Việt Nam mong lấy chồng Việt kiều chỉ vì vật chất và tiền bạc. Em là người có ăn học, nên hiểu biết lý lẽ một chút.
Nước mắt bỗng dưng trào ra, Đoan rút vội hai cánh tay về như cố ý… thu mình nhỏ lại:
– Không lẽ anh nghĩ em lấy anh vì tiền sao?
– Nếu không phải vậy thì em đừng hỏi đến tiền bạc…
– Em không hề dòm ngó đến tiền bạc của anh, nhưng anh làm đến cả trăm ngàn đô một năm, em xin cho gia đình hai trăm đô tưởng cũng không có gì là quá đáng. Sao anh lại nặng lời với em?
– Ở đời, mình phải biết lo để dành cho mình trước. Hiện giờ, chi phí học hành của em cũng đã là gánh nặng trên vai anh rồi, anh làm sao nghĩ đến chuyện giúp người khác. Khi mình gặp khó khăn sẽ chẳng ai giúp mình đâu…
Đoan mở to mắt nhìn Viễn. Mà không, không phải Viễn. Trước mắt Đoan là một người đàn ông xa lạ, với đầy đủ những bản tính chi li, ích kỷ, bần tiện và… tàn nhẫn. Đoan cắn môi thật đau, cầu mong mình đang… mơ, khi tỉnh giấc, Viễn vẫn là Viễn, là người đàn ông hào hoa, phong nhã nhất trên đời đối với Đoan. Chẳng biết tại nước mắt hay tại cắn môi đến rớm máu mà Đoan nghe vị mặn mặn nơi đầu lưỡi…
Sau màn lệ mờ, Đoan thấy Viễn bực dọc rời khỏi căn phòng…
Ngày nặng nề trôi qua…
Chiều Viễn đi làm về, nhà vắng tanh, không có Đoan chạy ra mừng. Mở hết tất cả cửa phòng tìm Đoan vẫn không thấy, Viễn cay cú ném chiếc áo khoác lên sofa. Môi bật ra hai chữ “Đồ khốn” rồi Viễn kịp dừng lại, nuốt trôi chữ “nạn” vì dù sao Viễn cũng mang tiếng là dân… trí thức…
Trời tối dần. Viễn vẫn ngồi bất động trên sofa chờ Đoan vẻ mặt hầm hầm. Viễn chợt hối hận vì đã cưới vợ ở… Việt Nam. Mà dường như Viễn không có duyên với đàn bà con gái hay sao đó. Viễn đẹp trai, công ăn việc làm ngon lành vậy mà quen cô nào cũng một thời gian rời rã, chẳng đi đến đâu. Những người Viễn quen lần lượt lấy chồng. Ngoài ba mươi, nhờ gia đình mai mối Viễn mới lấy được Đoan. Tưởng đâu lấy vợ ở Việt Nam sẽ dễ dạy hơn, ai dè mới… nói động mấy tiếng, “nó” đã bỏ đi… Hỏi Viễn không tức, không muốn… chửi làm sao được.
Có tiếng mở cửa lạch cạch từ bên ngoài rồi Đoan bước vào. Thấy Viễn, Đoan không buồn chào hỏi gì, định đi tuốt vô phòng. Viễn hét:
– Đứng lại!
Đoan… đứng lại, chờ.
– Cả ngày hôm nay cô đi đâu?
Tự nhiên Đoan thấy mình hết sợ Viễn. Cô bình tĩnh trả lời:
– Em đi chơi với bạn.
Viễn bước lại, đưa tay nâng mặt Đoan lên, mắt nhìn tóe lửa, miệng gằn từng tiếng:
– Đây là lần đầu tiên cũng là lần sau cùng, cô mà còn giở cái trò này nữa, tôi cho cô đi luôn. Cô biết đi đâu rồi chứ? Đừng quên, cô vẫn chưa có thẻ xanh và số phận của cô vẫn nằm trong tay tôi.
Đoan nghe đất lún xuống dưới chân, mọi thứ đều ngửa nghiêng đổ vỡ. Định chống đối lại Viễn rồi có ra sao thì ra nhưng lý trí Đoan vẫn còn đủ sáng suốt. Điều Viễn vừa nói không phải là không đúng. Vâng, số phận của Đoan vẫn nằm trong tay Viễn. Nếu Đoan bị Viễn trả về Việt Nam thì còn… nhục nhã nào bằng. Đoan làm sao có thể nhìn mặt mẹ cha và các em.
Đoan nuốt uất hận vào lòng, mơ hồ nghe như một người nào đó đang dùng đôi môi của mình để nói với Viễn:
– Em xin lỗi. Sẽ không có lần sau…
Đất không đổ xuống. Mọi thứ cũng không lún nhào. Đoan vẫn làm vợ Viễn nhưng Đoan hiểu thời mơ mộng, say đắm đã qua. Bên trong thể xác của Đoan là một mảnh linh hồn không trọn vẹn. Càng ngày, Viễn càng thực thi chính sách gia trưởng và gần như là “chồng chúa vợ tôi” với Đoan. Điều gì Viễn nói “yes”, Đoan không được bảo “no”. Cũng may, Viễn vẫn còn cho Đoan ăn học. Đó là niềm vui duy nhất mà Đoan có được. Đoan không dám thường xuyên liên lạc về Việt Nam, đổ thừa lý do… bận học. Cha mẹ và các em có trách Đoan đành chịu chứ Đoan làm sao có can đảm nói rõ hoàn cảnh hiện tại của mình. Ý nghĩ “trả thù” càng lúc càng tượng hình trong Đoan. Trả thù ở đây không có nghĩa là đâm chém chi Viễn, nhưng Đoan đợi học xong sẽ như chim sổ lồng tung cánh, sống cuộc đời cho Đoan và của Đoan chứ không lệ thuộc vào Viễn nữa…
Hằng đêm, trong cánh tay rắn chắc tham lam ái ân của Viễn, Đoan đau xé lòng khi nghĩ rằng mình chỉ là một thứ công cụ cho người ta giải trí, giày vò… Cảm giác yêu đương say đắm tuyệt vời của đêm tân hôn đã chết lịm tự bao giờ.
Người ta thường hay trách những cô gái Việt Nam lấy chồng sang Mỹ một thời gian rồi bỏ chồng, nhưng mấy ai hiểu được… vì sao.