User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Ba tôi là con Trai Cả của một gia đình mười hai người con… Nhưng đến lúc trưởng thành chỉ còn lại ba trai và ba gái. Người chị đầu ra đời còn sống thọ đến 93 tuổi nhưng tất cả những người sinh ra trước đều ra đi thật sớm khi lọt khỏi lòng bà nội tôi. Thành ra, ba tôi theo thứ tự là thứ Tám nhưng lại là con trai đầu của ông bà nội, và tôi là cháu đích tôn.
 
Ba tôi thuộc thế hệ thứ tư từ khi dòng họ Thái từ Phúc Kiến đã lìa xa đất tổ thời gian nhà Thanh khởi nghiệp. Trong gia phả của dòng họ được nhận ra từ chữ “lót” (middle name), bắt đầu là Vĩ, Văn, Lập, Giáo, Hóa, Duy, Đức, Kế, Gia, Thinh, Tử, Tôn, Miên, Trường, Phát, Công, Hầu, Thế, Đại, Vinh.
 
thaihoaloc
 
Ba tôi không kể lại nguồn cơn tại sao Ba tôi, các chị và các em không gọi ông bà nội tôi theo lối xưng hô bình thường như ba má ở miền Nam, cha mẹ hay bố mẹ ở miền Bắc mà Ba tôi cũng như mấy anh chị em của Ba tôi gọi ông Nội là Chú và bà Nội là Thiếm. Tôi cũng chưa từng nghe các chú, các cô mà nay không còn nữa, chỉ còn một cô Út gọi là cô Thừa sống ở Bắc Cali, thành phố San Jose năm nay cũng đã 87 tuổi.
 
Tôi không sinh ra ở bên Nội nhưng lại ở bên Ngoại. Ba tôi là con trai cả và má tôi lại con gái Út của ông bà ngoại tôi. Do đó, tôi được cưng chiều vô cùng ngay từ khi mới sinh ra. Tôi không sống với ba má, ông bà nội mà ở hẳn bên nhà ngoại. Không may cho tôi, vừa thôi nôi thì bà ngoại qua đời và bà nội nhận tôi về nuôi và tôi cũng không được gần gũi với ba má tôi… Tôi muốn nhắc lại một chút quá khứ về tôi để thấy tội nghiệp cho Ba tôi. Mặc dù rất thương tôi nhưng rất ít gần gũi tôi từ ngày tôi ra đời cho đến ngày hôm nay!
 
Trở lại một chút về nguồn gốc kể từ ông bà nội, các cô chú ra đời. Ông Nội tôi cũng là con trai lớn nhất trong gia đình ba anh em, một em gái và em trai út. Ba anh em đều là chức sắc cao cấp trong Đạo Cao Đài địa phương. Lúc bấy giờ là làng An Thái, Phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Dòng họ Thái tương đối lớn bên cạnh các họ nổi tiếng khác như Tạ, Trần, Quách, Hứa… hầu hết là người Việt gốc Hoa. Tôi nghe chính ông Nội tôi kể lại về cuộc đời của ông từ nhỏ. Ông nội lấy vợ sớm lúc ấy bà nội lớn có mười bốn tuổi, ông nội mười sáu. Sau hai năm, ba nội không sanh con, bà cố đi xem thầy thì quẻ ứng cho biết là nếu không có vợ hai thì người vợ lớn sẽ chết. Bà cố và bà nội lớn lo sợ còn ông nội thì không quan tâm “sao cũng được”. Bà nội kế không khác ai hơn là em ruột của bà nội. Chẳng biết ứng nghiệm làm sao, cả hai bà nội lớn lần lượt ra đi trong vòng một năm sau ngày cưới thêm một người vợ cho ông nội để tránh cho ông bà nội gãy gánh quá sớm, bà nội chưa đến tuổi mười sáu và ông nội chưa tới mười tám!
 
Ông nội không còn tha thiết nhiều đến đời sống thường ngày, tối ngày quanh quẩn trong nhà không hề đi ra ngoài như trước đây nhưng lại đam mê đọc sách.
 
Một năm sau, tình cờ một người bạn đưa ông nội đi chơi đến làng Biểu Chánh quê của bà nội sinh ra Ba tôi sau này. Nơi này, là cơ ngơi của dòng họ Đào rất giàu có không pha trộn dòng máu như ông nội, bà nội là một người Việt Nam hoàn toàn. Tôi không hỏi rõ vì lúc bấy giờ còn quá nhỏ cũng như không biết đến ông Đào Tấn còn gọi là vua bộ môn Hát Bội ở Bình Định để biết nhiều hơn.
 
Bà nội cũng dang dở và qua một đời chồng! Từ ngày biết được người mới là bà nội sau này, mẹ của Ba tôi, ông nội tôi như người đã có tin vui trước giờ tuyệt vọng. Bà nội tôi “bắn tiếng: Bà Nội tôi chỉ chấp nhận khi ông Nội tôi có danh phận”. Nghĩa là ông nội tôi phải quên đi dòng máu Trung Hoa và phải nhập cuộc đời sống mới của người Việt Nam nghĩa là ông Nội tôi phải bước vào đèn sách thi cử, bà nội không yêu cầu ông nội phải là quan quyền nhưng phải có bằng cấp, ít nhất là bằng Tú Tài lúc bấy giờ.
 
Lúc ấy ông nội tôi đã 18 tuổi hơn nhưng tình yêu thúc đẩy và ông nội quyết tâm rở lại đèn sách để có ngày “ngựa anh đi trước và võng nàng đi sau”. Ông Nội tôi đã đáp ứng yêu cầu của bà Nội và giấc mơ ngày nào của ông nội trở thành sự thật. Ông Nội tôi đã thi đậu Tú Tài và được gọi là ông Tú Thái hay ông Nghè Thái là như vậy.
 
Tôi không được kể lại từ bà nội hay ông nội vì tôi gần gũi với ông bà nội nhiều nhất cho đến năm 1953, bà nội buồn rầu qua đời vì gia tài gầy dựng đã bị tước đoạt và ông nội bị Cộng Sản bị đấu tố dã man!
 
Ba anh em trai
 
Ông bà nội không nhận nhà Từ Đường ở An Thái mà giao lại cho người em là ông Thái Lập Chánh vừa là nhà thuốc Bắc vừa coi giữ nhà Từ Đường dòng họ Thái. Bà nội với của hồi môn dòng họ Đào mua nhiều ruộng đất và cùng ông nội lập nghiệp tại làng Phụ Ngọc, xã Nhơn Phúc, Huyện An Nhơn, Tỉnh Bình Định. Ba tôi có thể nói là “quý tử” vì là con trai đầu tiên mong đợi của ông bà nội “nối dõi tông đường”.
 
Khi cô Ấm, người chị cả của ba tôi cho biết ba tôi không những được ông bà nội cưng chiều mà cả hai người chị nữa. Các cô, chú và ba tôi đều được các người trong làng gọi bằng “cô – cậu” hết. Ba tôi học tiếng Hán từ ông nội, học chương trình Pháp là chính – Ở bậc Tiểu Học thì học tại Qui Nhơn nhưng lên Trung Học thì ra Huế.
 
Ba tôi đẹp trai hơn tôi nhiều trong bộ áo dài trắng, quần trắng, nón cối trắng trên chiếc xe đua thời trang năm cuối cùng Trung Học. Một thời ngắn ngủi sống với ba má tôi, má tôi cũng nhắc lại ba tôi cũng bay bướm lắm cũng có nhiều cô ở thành phố “mê”.
 
Má tôi thì quá hiền chỉ biết lo cho chồng và con. Má sống ở nhà quê Tân Đức phía Bắc An Vinh. Ba má tôi chưa hề quen biết nhau. Ông bà nội hỏi cưới má cho ba vì môn đăng hộ đối, ông nội là ông Nghè và ông ngoại là ông Thất… Má tôi mất sớm khi tôi là con trai lớn chưa được 10 tuổi. Ba tôi ở vậy ”gà trống nuôi con”. Tôi nhớ lại, không gian lúc ấy buồn ơi là buồn! Má tôi chuẩn bị đầy đủ, nào bánh mứt chỉ thiếu bánh tét, bánh chưng. Vào sáng 1 giờ 40 phút sáng 26 tháng Chạp má tôi nhắm mắt xuôi tay để lại 3 con cho một người chồng còn quá trẻ! Ba tôi và ba anh em chúng tôi đều mặc áo tang trắng. Bốn bóng trắng ngơ ngác, thỉnh thoát có tiếng nấc của Ba, rồi bốn cha con ôm nhau khóc… Chiều đến bốn cha con thẫn thờ ra mộ má un trấu để má bớt lạnh rồi lầm lũi bước về nhà trong quạnh quẽ cô đơn.
 
Cuộc đời của Ba tôi gắn liền với phấn bảng và học trò, bắt đầu năm 1946 và chấm dứt biến cố 30 tháng 4 năm 1975 vì ba tôi có hai thằng con Ngụy quân. Ba đã trở về chốn cũ, nơi ông bà nội khởi nghiệp từ đầu, nơi đã sinh ra và lớn lên với các chị và các em của ba. Và cũng nơi này, Ba tôi đã vĩnh biệt mọi người ra đi để về với ông bà nội. Ba luôn luôn hãnh diện về con đường ba đã chọn, nghề “dạy học” suốt đời. Nhân dịp, kỷ niệm thượng thọ 80 tuổi của Ba đã Tự Vịnh cuộc đời mình:
 
Tự Vịnh Tuổi 80
 
Cảm đội đất trời dưới chút ân
Thân tàn còn lững thững trước sân
Trò đời muôn mặt mưu danh lợi
Cuộc sống một lòng trọng nghĩa nhân
Xử thế vốn nhường người đức hạnh
Phụng tiên luôn tạc chữ “Tôn Thân”
Bao năm bận bịu nghề thầy giáo
Danh chẳng được nhiều phận cũng an
Thái Giáo Hiếu
 
Để giao duyên cùng với dòng đời xuôi người, một vài bài họa tiêu biểu cùng họa lại của bạn hữu và chính học trò của Ba tôi:
 
Bài Họa của Nữ sĩ Nguyễn Thanh Lan 54A Trần Quang Diệu Cần Thơ
 
Tám mươi trường thọ hưởng thiên ân
Cù mộc, quế hòe trổ tốt sân
Giữ nghiệp thi gia tròn đạo nghĩa
Gìn nghề giáo chức vẹn lòng nhân
Lời vàng dạy cháu con yêu quý
Tâm ngọc trao bè bạn mến thân
Già chẳng cầu danh không trục lợi
Chỉ mong trí sáng, sức khang an
 
Bài Họa của Thank Kiều – An Chánh
 
Hưởng tám mươi xuân tròn phúc ân
Bách, tòng, mai, trúc trải trên sân
Tiền nhân tạo dựng bao điều nghĩa
Hậu thế vuông tròn một chữ nhân
Đem lẽ khiêm cung khuyên tử đệ
Lấy lòng hiếu kính phụng từ thân
Là Thầy, là bạn người đều mến
Hai chục mùa hoa nữa vạn an
 
Họa của Nguyễn Lương Trình
 
Tám chục mùa xuân trọn nghĩa ân
Lòng luôn bác ái chẳng si sân
Bao năm dạy học yêu trường lớp
Lắm bạn giao lưu quý đức nhân
Chức trọng quyền cao không vướng bận
Người nghèo kẻ khó thích chơi thân
Chúc Thầy Thọ được tròn Trăm tuổi
Phước Lộc Trời ban sức khỏe an
 
Cuộc sống của ba tôi thật giản dị, ba tôi vẫn thích sống ở đồng quê êm ả lúc trẻ cũng như lúc về già. Hai bài thơ của ba tôi còn lại phảng phất “Hương đồng Cỏ Nội – Vui thú điền viên”
 
Vịnh Mai Cảnh
 
Mai lão sum sê giữa đất lành
Trải bao mưa nắng dưới trời xanh
Nương tay người thích chơi cây cảnh
Vững cội mai vui trổ nụ cành
Uốn khúc rồng bay từng rạng tiếng
Lượn mình phụng múa đã vang danh
Tháng năm bầu bạn cùng non nước
Hôm sớm tâm tình với gió trăng.
Thái Giáo Hiếu
 
Hoa Sen
 
Quân tử chi hoa danh đã truyền
Trong đầm gì đẹp được bằng sen
Lá phơi sắc biếc in làn nước
Hoa đọng sương mai tỏa ánh thiền
Cánh trắng những mừng nâng gót Phật
Chân bùn đâu dám mộng non Tiên
Ngày hè may gặp cơn nồm mát
Phản phất hương chiều một thoáng duyên
Thái Giáo Hiếu
 
Được tin ba mất vào lúc 6 giờ sáng bên Mỹ, con thẫn thờ rồi bật khóc như một đứa trẻ bởi vì con không còn hy vọng gặp lại ba. Ba tôi là người rất cởi mở về tôn giáo. Ba tôi quan niệm tôn giáo nào cũng làm điều lành lánh điều dữ. Không phân biệt Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo. Ông Nội, Bà Cô, Ông Chú tôi đều là chức sắc Cao Đài. Chị lớn nhất của ba cũng là một chức sắc lớn Đạo Cao Đài nhưng Cô Út lại đi theo Phật Giáo, đệ tử của Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa Từ Đàm Hải Ngoại.
 
batoi
 
Nếu đất nước không có biến cố 30 tháng 4 năm 1975, tôi cũng đã lấy vợ theo Phật Giáo Hòa Hảo rồi! Ba và hai chú tôi đều không theo bất cứ một tôn giáo chính nào cho đến khi nhắm mắt. Ba tôi cũng đã nói “con trai có mất mát gì đâu?”. Vợ tôi nghĩ khác ý của ba tôi, theo ba tôi thì con trai mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu có nghĩa là vợ đã theo đạo nào thì con của ba theo đạo đó… Nếu ngày ấy, tôi lấy vợ Phật Giáo Hòa Hảo thì dòng họ nhà chúng tôi đủ các đạo… Trong dòng họ chúng tôi đã có một người chịu chức Linh Mục, Tin Lành đã làm tới Chấp Sự.
 
Tôi giống ba tôi về ngoại hình khi tôi báo tin buồn có hình của ba tôi trên Cáo Phó nhưng tính tình và đạo đức tôi không bao giờ sánh bằng ba tôi được. Nhiều người thương tôi mà quý trọng ba tôi. Tôi được sự yêu thương của anh chị Nguyễn Tuệ thưa với Hòa Thượng Thích Tịnh Đức chủ lễ Thất Tuần vào cuối tháng 3 tới.
 
Hiền huynh CTS Trương Văn Thành và Thánh Thất Cao Đài Dallas cầu siêu cho ba tôi ba tuần liên tiếp. Linh Mục Giuse Phạm Minh Chánh Xứ Giáo Xứ Thánh Phêrô cầu nguyện linh hồn cho ba tôi cùng với các Linh Mục: Linh Mục Nguyễn Trác (cháu – Melbourne) – Linh Mục Nguyễn Vân Đông – Linh Mục Hải Đặng – Linh Mục Hải Nguyễn – Linh Mục Nguyễn Ngọc Thanh – Linh Mục Hà Văn Hường… và nhiều anh em khác đã xin cầu siêu ở một số chùa khác. Nói chung như em Út tôi, người gần ba tôi nhiều nhất cho biết về quan niệm tín ngưỡng của ba: Ba là một đệ tử thành tâm gìn giữ những di sản của ông cha để lại như Văn Miếu An Bình, Chùa Ông Xuân Quang Trang, Chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu…
 
Ngày được tin tôi lấy vợ, ba không tin là có thật. Khi cầm thiệp Lễ Thành Hôn của chúng tôi, ba mừng mà khóc vì sự hạnh phúc của con mình. Ba chỉ sợ con trai ba tuổi lớn, không sự nghiệp mà lấy vợ trẻ thì hạnh phúc sẽ mỏng manh và con của ba sẽ cô đơn tội nghiệp. Con đường hạnh phúc gần hai mười năm, ba đã nhìn thấy là vợ chồng con càng ngày càng thương nhau nhiều hơn. Vợ con là người luôn luôn lo lắng cho ba, các em, cháu bên nhà mặc dù vợ con nhỏ tuổi hơn Khoa – Lan và Cúc. Kể chuyện về ba không bao giờ hết. Nhìn ảnh ba trên bàn thờ bên cạnh má, em Cúc, chú Chín và ông bà nội con nhớ ba vô cùng…
 
Ngày Ba tôi ra đi, thằng con Út gần gũi ba nhiều nhất đã chuẩn bị hành trình một ngày về tiễn ba đi lần cuối nhưng không về được vì Covid-19, còn con trai cả của cũng đành bất hiếu với ba. Chúng con biết ba đã mong ngóng từng ngày, từng tháng, từng năm… Để rồi khi ba đi chỉ còn có một đứa con trai duy nhất của ba. Em Khoa đã thay mặt con và em Tý đọc lời tiễn biệt ba. Con hứa với ba nếu kiếp tới con tái sinh làm người, con xin làm con của ba…
 
Lời Từ Biệt Ba
 
Ba ơi! con viết lời cuối cùng vĩnh biệt Ba mà lòng con đau đớn. Đau đớn trong sự hối tiếc và ân hận. Hơn 40 năm dài đằng đẵng, Ba chờ đợi, Ba mong đợi đứa con trai đầu nhiều lận đận lại là người học trò mà Ba hướng dẫn, dạy dỗ năm cuối cùng trước khi bước lên tỉnh trở thành học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn. Con biết Ba rất vui và hãnh diện là ba đứa con trai của ba đều là học sinh Cường Để, một trường Trung Học lớn nhất tỉnh, niềm ao ước của mọi gia đình…
 
Ba rất trông ngóng một ngày nào đó, người con trai của Ba đưa vợ về ra mắt Ba một lần, dù một lần duy nhất để Ba yên tâm thanh thản ra đi về với Má và ông bà Nội… Nhưng ngày đó đã không đến và hôm nay từ chập tối bên làng quê hẻo lánh Phụ Ngọc, nơi con đã sống với Ba Má, ông Bà Nội và Các Em rồi lặng lẽ ra đi… Em Tý, đứa con trai Út của Ba từ California báo tin dữ làm con lạnh người, bồi hồi nhớ lại những ngày thơ ấu sống với Ba và hai em. Con biết Ba ra đi là thân xác Ba không còn bị đau đớn. Con cũng cầu mong một sự ra đi của Ba nhẹ nhàng và thanh thản… Nhưng khi tin Ba không còn nữa, lòng con lại đau đớn, mất mát vô cùng…
 
Ba ơi! có phải con là con đã làm cho Ba buồn nhiều khi Ba là Thầy giáo của con. Con ham chơi lại không thông minh như những học trò khác của Ba. Con biết Ba không rầy la trách mắng vì không nở trách mắng đứa trẻ mồ côi Mẹ mới 10 tuổi đầu. Có những lần Ba đi chơi khuya, ba anh em một mình trong căn nhà thênh thang vừa sợ và mong Ba về. Nhưng lúc đó Ba cũng còn quá trẻ vừa mới trên 30 tuổi, Ba còn có những niềm vui bên ngoài… Các con của Ba lại chạy qua ông Nội và cô Ấm tìm nguồn an ủi, chở che…
 
Bắt đầu vào tuổi lớn, từ Trung Học đến Đại Học rồi đi lính, vào tù cải tạo Ba và Con không còn thời gian nào chung sống dưới một mái nhà cho đến hôm nay, Ba gần trăm tuổi và con đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy!
 
Ba ơi! Con biết con có lỗi nhiều với Ba không gần gũi chăm sóc Ba, tất cả những trách nhiệm ấy vợ chồng em Khoa, em Cúc, em Tý và các cháu phải gánh chịu. Vợ chồng con đã cố gắng đền bù nhưng con biết không bao giờ đủ.
 
Nhân dịp này, vợ chồng anh cám ơn vợ chồng hai em Khoa – Lan. Vợ chồng em Đồng đã chăm sóc Ba thay anh cho đến ngày cuối cuộc đời Ba. Bác và Cậu cám ơn các cháu đã lo lắng cho ông Nội, ông Ngoại những lúc đau yếu khó khăn. Xin cám ơn tất cả anh chị Bê, anh Khanh, chị Ánh, anh Hùng, chị Thanh, anh Định, em Huệ và các cháu… đã lo lắng và chu toàn chương trình cũng như nghi thức Lễ tang của Ba.
 
Vợ chồng con xin cầu nguyện Ba sớm siêu thoát về cõi vĩnh hằng
 
Con trai cả của Ba
Thái Hóa Lộc
…………………………………………………………………………………….
Ba ơi! Ba ơi!
 
Thế là đã đến lúc sinh ly tử biệt rồi! Ba ra đi về cõi vĩnh hằng để lại cho em, con, cháu và người thân thiết biết bao thương nhớ ngậm ngùi.
 
Ba ơi! những ngày tháng dài đằng đẳng, nơi quê nhà hẻo lánh, con cháu phải tha phương cầu thực, để lại trong lòng Ba nhiều nỗi xót xa. Nhớ các con cháu quá chừng. Khi một mình lững thững nhìn sau trước vắng tanh. Ruột thắt chẳng đặng dừng.
 
“Nhớ các cháu lạ thường – Khi thơ thẩn trong vườn”
Nhìn sau trước chẳng ai – Ruột nóng mãi không dừng
“Cảnh nhà quạnh quẽ ngoài trong – Mong sao các cháu sớm về cùng Ông”
 
Rồi khi gặp lại con cháu, Ba buồn vui khôn xiết.
 
“Xuân vui, vui quá nhỉ – Tết đầu năm Mậu Tý – Khoa & Lan về có cả Uyên, Quang. Thêm gặp Gia Huy cháu cố – Tạo cảnh nhà hoan lạc bội phần vui. Thầm ước sao thời gian chầm chậm. Để thỏa lòng thương nhớ lẫn nhau. “Canh Dần Tết đến thật vui ghê. Từ Mỹ xa xăm Út Tý trở về, Phụ Tử trùng phùng vui khó tả, Thỏa lòng thương nhớ những ngày qua.
 
Trong cuộc sống hàng ngày, với thân bằng quyến thuộc, cùng hàng xóm láng giềng, Ba đã để lại cho mọi người, nhiều thương, yêu và kính mến. Chính bản thân Ba cũng không muốn hờn giận ai. Ba đã tự khuyên bản thân mình: “Khuyên chớ buồn ai, chớ giận ai. Buồn giận người ta chẳng ích mình. Không khéo vướng thêm vài nghịch ý – Làm cho tâm trí mất an vui!
 
Ba ơi! chúng con rất tự hào về Ba. Ba chúng con rất nhân từ và mẫu mực. Ba luôn là tấm gương sáng của chúng con và các cháu.
 
Ba ơi! Ba ơi! giờ thì hết rồi phải không Ba, cảnh cũ còn đây mà cha hiền đã ra đi biền biệt:
 
Bàng hoàng thay phút phân ly
Sụt sùi kẻ ở người đi vĩnh hằng
Âu đành sanh ký tử qui
Nhục thân tử đại vô vi chọn về
Vĩnh viễn ra đi là vĩnh biệt rồi
Số trời đã định phải đành thôi
Ba về Tiên Cảnh mong siêu thoát
Kẻ ở dương gian luống ngậm ngùi
 
Ba ơi!
 
Cuộc đời là một giấc mơ
Tỉnh ra muôn sự thành hư ảo rồi
Ước cầu Ba được siêu sinh
Về miền Phật quốc, tịnh bình kiếp nhân
 
Ba ơi! Ba ơi! Một nén hương lòng chúng con và các cháu dâng lên Ba, Ông với tất cả lòng thương nhớ vô vàn; Ba thanh thản an lòng ra đi về nơi non Bồng nước Nhược.
Vĩnh việt Ba! Vĩnh biệt Ba!
 
Thái Hóa Khoa
………………………………………………………………………………………
Ba kính thương yêu!
 
Lần đầu cầm bút viết cho Ba cũng là lần cuối tiễn Ba về với cõi vĩnh hằng.
 
Vẫn biết Sinh, Lão, Bệnh, Tử là qui luật cõi đời. Sống là cõi tạm, mất là trở về mái nhà xưa. Nhưng sao lòng của chúng con cứ mãi xốn xang, ray rứt. Bao nhiêu tính toán phút chốc tan vỡ. Nhân định không bằng Thiên định. Giờ phút tiễn đưa Ba lần cuối lại không có mặt của chúng con.
 
Nhưng Ba ơi trong tâm trí của chúng con luôn có sự hiện hữu của Ba. Là con Út trong một gia đình nhiều mặt con, là cái nôi sum họp của gia đình. Con nhận sự yêu thương của Ba Má và các Anh Chị thật nhiều. Cũng vì lẽ gần gũi Ba nhiều hơn các Anh Chị nên từ những ngày ấu thơ đến lúc trưởng thành con đã học được nhiều ở Ba những đức tính “Khiêm – Hòa –Ái” . Hiểu được những vui buồn của Ba và có nhiều kỷ niệm mà con không bao giờ kể hết.
 
Từ ngày chập chững bước vào Mẫu Giáo ở Chùa Phật gần nhà, Ba phải nhờ Thầy Mai chăm sóc cho con. Đến khi học lớp 8 Cường Để đêm đêm vẫn ngủ chung mùng với Ba. Khi theo Ba ngủ lúc trực đêm ở Sở Học Chánh Bình Định, thiếu Ba là con đã cảm thấy buồn và lo sợ.. Thế mà giờ đây, chúng con đã vĩnh viễn xa Ba mãi mãi.
 
Trong gia đình Ba là người con hiếu kính với Ông Bà, Cha Mẹ, hòa thuận với anh chị em. Là người Cha, Bác, Cậu, người Ông khả kính để con cháu noi gương. Ngoài học đường xã hội, Ba là một người Thầy tận tụy mẫu mực để môn đệ học hỏi, tu thân. Về tín ngưỡng là một đệ tử thành tâm gìn giữ những di sản của ông cha để lại như Văn Miếu An Bình, Chùa Ông Xuân Quang Trang, Chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu…
 
Đối với xóm làng, Ba là người bạn  chân thành cùng với cô bác lớn tuổi, hòa đồng vui vẻ với lớp trung niên và gần gũi với các cháu nhỏ. Ba sẵn sàng giúp đỡ hòa giải bất đồng mâu thuẫn tạo sự bình yên đoàn kết cho mọi gia đình.
 
Năm 1993 một cơn tai biến úp đến bất thường, Ba bị bán thân bất toại, nhờ sự săn sóc của gia đình và sự kiên trì tập luyện Ba đã trở lại sinh hoạt nhưng không còn như trước phải dùng nạng gỗ đỡ đần. “Tàn mà phế”. Con đã chứng kiến Ba đã tận dụng sự hiểu biết và khả năng của mình viết từng chữ trên bàn thờ cho những người đã mất trong thôn xóm khi người thân của họ nhờ. Những bài văn tế phúng điếu của Ba đã làm xúc động biết bao nhiêu thân quyến của các gia đình có người vừa mới ra đi…
 
Năm Tân Tỵ 2001, làm Chay tại Chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Năm 2002 Lễ Mừng Thượng Thọ 80, Ba còn đứng ra tổ chức và tự làm bàn thờ Mừng Thọ..
 
Cuộc sống lặng lẽ trôi qua, ngày Má ra đi rồi nỗi buồn trong Ba ngày càng chồng chất. Chị Cúc, Anh Quốc, Dũng, Hy cũng vội vàng xa khuất. Chúng con cảm nhận ngày xa Ba mỗi lúc một gần. Ngày 13 tháng Giêng Canh Tý, ngày vía Ông Quan Thánh, ngày con vừa tròn tuổi đáo Hồi Cung cũng là ngày Ba dứt bỏ ra đi vĩnh biệt cõi trần.
 
Chúng con cùng Anh Chị Hai Lộc-Dinh xin cám ơn các Anh Chị, Con Cháu đã chăm sóc cho Ba trong những ngày cuối. Cám ơn Quý Thầy, Đạo Hữu bổn đạo của Chùa. Cám ơn bà con hàng xóm, những người thân, thông gia, bạn hữu xa gần  đã hỏi thăm viếng, tiễn đưa Ba đến nơi an nghỉ cuối cùng.
 
Vĩnh biệt Ba. Cầu mong Ba Siêu Sanh nơi lạc quốc
 
Nam Mô A Di Đà Phật  
Nam Mô A Di Đà Phật 
Nam Mô A Di Đà Phật 
 
Con trái Út – Thái Hóa Thị
……………………………………………………………………………………….
damtangthl
 
Hôm nay ba đã thật sự nằm yên dưới lòng đất lạnh bên cạnh của ông bà Nội, Má cùng em Mai là con gái Út của ba đã ra đi trước năm 1955, lúc vừa tròn 5 tuổi! Cho đến bây giờ ba vẫn giữ mãi im lặng, ba chưa trách mắng con bao giờ ngay khi ba là thầy giáo của con. Con còn cơ hội nào để được hiểu ba nhiều hơn:
 
“Tấm lòng ba một đời con đâu hiểu
Bởi tình ba luôn lắng dịu ngọt ngào
Tuy giá băng nhưng sâu thẳm dạt dào
Cho mà chẳng mong chút nào đền đáp”.
 
Là thầy giáo ba luôn sâu sắc và tinh thế mỗi khi chúng con có những nỗi buồn vui riêng dù ở xa hay ở gần bên cạnh ba nhưng con biết lúc nào ba cũng bao dung rộng lượng:
 
“Buồn hay vui ba cũng không để dạ
Khóc hay cười ba để cả trong tim
Như đại dương lòng biển cả lặng im
Trong sâu thẳm tiềm tàng nhiều bí ẩn”.
 
Khi tin ba mất, nhiều người từ xa cũng như gần chưa bao giờ biết là con còn có ba trong đời; họ xin lễ cầu nguyện ở Nhà Thờ, ở Chùa hay Thánh Thất. Mọi người cùng hướng lòng theo tín ngưỡng riêng của mình cầu nguyện cho linh hồn ba đến một cảnh giới thanh thản, nhàn hạ an vui… Con không muốn dùng tờ báo của con để nhận phân ưu hay chia buồn tin ba ra đi. Con không muốn nhận phúng điếu một cách gián tiếp qua hình thức này, con phải mang nợ bao giờ mới trả hết! Mong quý ông bà và anh chị đã ngỏ ý chia buồn trên báo Người Việt Dallas xin thông cảm và tha thứ.
 
Một lời chia sẻ chân tình cũng đủ để cảm nhận tấm lòng thương mến và ưu ái của quý vị, chúng tôi nghĩ như vậy là thể hiện sự quan tâm mà chúng tôi phải cúi đầu biết ơn. Vì lẽ đó, tôi cố gắng ghi lại tất cả phương danh quý vị dù có thể thiếu sót nhưng môt cách trân quý như một lời cảm tạ chân thành nhất.
 
Thái Hóa Lộc
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com