User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
maynangthu
 
Tôi đang ở giữa chặng đường cuối cuộc đời, chẳng biết ngày nào sẽ đi đến đích. Vậy mà, không hiểu sao trái tim già khô héo trong tôi vẫn còn rung cảm mạnh mẽ vì nàng. Ôi, nhảm nhí quá phải không bạn? Tôi đã là một ông già ngoài sáu mươi rồi! Oái oăm thay, chữ tình đã không tha tôi ở tuổi này, lúc tơ vương thì nặng lòng khi buông xuống thì đã quá buồn đau đơn độc. Những đêm mưa gió lạnh lẽo nằm cô đơn trong căn phòng tối, tôi nhớ nàng tha thiết, nhớ giọng nàng nói, nhớ tiếng nàng cười, nhớ đôi mắt to với cái nhìn như lúc nào cũng ngạc nhiên, nhớ bờ môi luôn ướt mọng hồng hồng. Từ nỗi nhớ lảng vảng đầy tâm tư đó, hình bóng nàng nhè nhẹ đưa tôi về những buổi chiều thu kỷ niệm. Hai chúng tôi cùng đi dạo dưới hàng cây vàng lá, gió thổi vài chiếc rơi trên áo tôi, những chiếc lá khác lượn lờ đậu trên tóc nàng, chúng tôi kể cho nhau nghe mọi chuyện trên đời, cùng ngắm ánh nắng chiều nhạt dần sau đám mây thay màu hồng tim tím phía trời Tây.

Nàng không phải tên Thu nhưng với sự mơ tưởng của tôi, nàng như một mùa thu êm dịu trong thời tiết mát lạnh. Dù nàng rất giản dị không trang điểm phấn son, đài các, tôi vẫn thấy nàng tươi thắm như những lá vàng rực trên cành. Nàng nhỏ bé như con chim sâu, líu lo, huyên thuyên với tôi khi bàn về một đề tài gợi hứng. Nàng yêu thiên nhiên, yêu mùa thu và thường thích chụp hình cảnh thu. Tôi là một gã khô khan, quê mùa, chẳng để ý gì mấy đến việc thưởng ngoạn cảnh vật chung quanh. Nhờ ở bên nàng mà tôi đã dần dà bị quyến rũ bởi sắc thu. Rồi... Một ngày cuối thu, lúc nắng đã tắt, lá chết khô ngập đầy trên đường, cây gầy trơ thân xơ xác. Mây đen kéo đến che khuất nửa mảnh trăng buồn, che cả những ngôi sao xa tít mờ... thì cũng là lúc tôi... đã... mất nàng. Tôi khóc trong giấc mơ, tôi buồn đến lịm người, tôi say, tôi cười điên vào định mệnh trớ trêu. Tôi gào tên nàng. Tôi đau đớn vì nàng đã bỏ tôi đi mãi mãi…

Một ngày hội ngộ khoá Không Quân ở San Jose, California, tôi là thân hữu được mời tham dự. Giữa lúc mọi người đang say sưa với điệu nhạc khiêu vũ bên trong, tôi lang thang ra ngoài hành lang vắng đốt hơi thuốc ấm. Ở đó, nơi một góc sáng mờ mờ, tôi đã gặp nàng đứng một mình ngước mắt nhìn lên mảnh trăng non. Sau cái giật mình từ tiếng động do tôi gây ra, nàng quay về phía tôi và sự xã giao chào hỏi mở đầu. Tôi vẫn có lối nhìn chăm bẳm vào mặt phụ nữ một cách háo hức, nhưng lần này sự háo hức đó không hiện hữu trong tôi vì khuôn mặt nàng bình thường chẳng có gì nổi bật, trông nàng còn trẻ mà thật khó đoán tuổi. Tôi ước chừng lúc tôi vào lính thì nàng hãy còn đang học Tiểu Học. Tôi bắt chuyện với nàng về thời tiết gió mưa rồi âm nhạc. Cũng như tôi, nàng là một thân hữu tham dự buổi tiệc và không biết khiêu vũ, song về lãnh vực âm nhạc nàng có vẻ biết nhiều lắm. Giọng nói miền Nam thanh thanh nhỏ nhẹ dễ thương đã giữ tôi ngồi lại trò chuyện với nàng. Tôi nghe nàng nói về trăng, những đêm trăng khuyết, trăng tròn, những ngôi sao tí teo xa thăm thẳm gợi cho nàng một nỗi nhớ quê hương tha thiết. Rồi tự nhiên nàng hỏi tôi về biển, chao ôi, nghe nàng nhắc đến biển, tim óc tôi cũng tràn ngập lên sự nhớ thương miền biển Đại Lãnh quê tôi. Tôi nhớ lắm màu xanh như ngọc bích của biểncó hàng phi lao chạy dọc bên bờ nghiêng bóng mát. Nhớ thời còn đi học Trung Học, vào những ngày nghỉ, tôi được theo cha đi kéo lưới ngoài khơi từ sáng sớm tinh mơ. Âm thanh xình xịch của chiếc thuyền máy vang trong buổi sáng im vắng thuở đó vẫn còn văng vẳng trong tôi từ bao nhiêu năm qua. Tôi thích nhất là lúc mặt trời vừa hé mắt ở phía xa xa, tạo nên một đường chân trời vàng nhạt chạy dài thẳng tắp trên biển. Thỉnh thoảng, tôi đi lưới cá vào những đêm trăng, thấy ánh vàng chiếu rõ trên mặt nước những đốm sáng lấp lánh thật đẹp!.. Vừa xong Trung Học, tôi chưa kịp dự định một tương lai nào, cũng chẳng có nhiều thời giờ để dạo hết cảnh đẹp trên quê mình thì phải ra đi làm bổn phận người trai thời chinh chiến. Sau bốn tháng thụ huấn căn bản Bộ Binh giai đoạn 1 ở Thủ Đức, tôi chuyển sang trường Pháo Binh Dục Mỹ học căn bản Sĩ quan Pháo Binh, rồi về Quân Khu 4 làm tác xạ, lăn lóc bước chân đi đóng súng tứ phương trong trận mạc nên càng ngày tôi càng xa quê hương. Ngày tàn cuộc chiến, tôi lết tấm thân đầy thương tích trở về “báo hại” cha mẹ. Vừa dưỡng sức được hơn một tháng thì tôi phải vào tù đến tám năm sau mang thân tàn về khóc bên mộ phần song thân mình. Lúc đó, dù đã ra tù, tôi vẫn không được phép ở lại quê biển của tôi một ngày nào để an phận làm ăn sinh sống. Tôi phải đi đến một vùng kinh tế mới xa lạ khác trồng trọt kiếm miếng ăn dưới sự kiểm soát của chính quyền địa phương, cho tới khi tôi thật sự rời khỏi Việt Nam qua Mỹ theo diện H.O. Thời chiến tranh, tôi xa quê vì bổn phận người lính, thời “hoà bình”, quê hương vẫn mãi ở xa tôi vời vợi vì tôi là người tù tội. Bây giờ thì không những quê mình đã quá xa mà đường về thì còn xa hơn nữa... Tôi buồn bã kể, nàng chăm chú nghe... Câu chuyện cuộc đời và quê hương đã kéo khoảng cách hai chúng tôi gần lại với nhau trong sự đồng điệu của phận người lưu vong. Tiệc tan, tôi chia tay nàng để ra về, cuộc gặp gỡ xã giao tưởng như chìm vào quên lãng.

Buổi sáng tôi dậy sớm, nhìn ra ngoài trời thấy mây âm u, gió thổi mạnh làm những cành cây chạm vào mặt kính tạo thành tiếng kêu khô khốc. Nhìn lá đã vàng trên vài nhánh cây, tôi ngơ ngẩn, buột miệng thốt lên: Ồ, thu đến rồi! Mùa thu làm tôi thêm nhớ nàng ray rứt, một nỗi đau xót quặn lên trong lòng, cổ họng tôi nghẹn đắng. Lúc này, tôi chợt thấy thèm rượu... nhưng thôi, tôi phải lái xe xuống phố uống cà phê vậy. Uống một mình, à không, uống với Phước, một người bạn quen thân từ hồi còn trong đơn vị. Phước và tôi cùng hoàn cảnh mồ côi vợ, tôi sống một mình lâu hơn Phước tới mười mấy năm. Phước chỉ cô đơn chừng hơn sáu năm nay thôi. Tôi lái xe trên con đường quen thuộc, đường đến nhà Phước đây mà, Phước bây giờ yếu lắm, đã ở luôn trong nhà dưỡng lão rồi không còn như buổi sáng hôm nào tôi đã đến rủ Phước đi uống cà phê. Phước lúc đó bị tê cái chân bên trái sau một cơn stroke nhẹ phải đến phòng tập “Therapy” ở một viện dưỡng lão ba ngày một tuần. Nhân dịp đến chơi, tôi rủ bạn đi uống cà phê rồi chở giúp Phước đến phòng tập. Nơi đây, tình cờ tôi đã gặp lại nàng nhờ nhận ra vóc dáng nho nhỏ và cũng vì nàng là người Việt Nam duy nhất đang làm việc trong phòng tập này. Ôi chao, khuôn mặt trẻ con không có gì đặc biệt của nàng tối hôm nào khi cùng tôi trò chuyện đã không làm tôi chú ý lắm mà bấy giờ trong ánh sáng ban ngày, tôi mới thấy nàng thật dễ thương. Tôi càng ngưỡng mộ khi biết nàng là một Therapist Assistant, lòng tôi tự nhiên hồi hộp lẫn với chút vui vui. Tôi không bắt chuyện được với nàng bởi nàng đang bận giúp một bà lão Mỹ trắng tập với tay trên những nấc gỗ như nấc thang gồm mười bậc nhỏ treo trên tường. Tôi theo dõi từng động tác nàng hướng dẫn cho bà lão, nàng bảo bà với thêm lên nấc gỗ thứ sáu, trong khi bà chỉ chạm được tới nấc thứ năm. Bà hạ tay xuống, lắc đầu than mệt, nàng vui vẻ để bà nghỉ vài phút rồi nói bà sẽ tiếp tục khi nào bà muốn. Nàng khuyến khích dỗ dành bà như dỗ trẻ con, rằng bà sẽ chạm được nấc gỗ thứ sáu, thứ bảy, thứ tám và tay bà sẽ hoạt động lại bình thường, chỉ cần bà cố gắng một chút. Nàng tin rằng bà sẽ làm được. Tôi thầm thán phục cho sự kiên nhẫn và thái độ nhẹ nhàng của nàng với bệnh nhân, mắt tôi không rời khỏi nàng cho đến khi Phước lên tiếng hỏi:

- Nè, làm gì mà ngó con người ta tới nổ con mắt ra vậy? Có quen không?

Tôi giật mình gật nhẹ:

- Ừ, thấy con bé đó quen quen, gặp ở đâu rồi, nó làm ở đây lâu chưa?

Bạn tôi nói:

- Em mới chuyển qua phòng tập ở đây mấy tháng nay thôi. Mày tưởng tượng ra gặp em ở đâu vậy hả thằng khỉ già?

Tôi đấm vai bạn:

- Tao gặp em thiệt mà, em trông cũng ngộ đó chứ hả, có đều hơi nhỏ con.

- Nhỏ vầy mà khoẻ lắm nha mày, em kéo bệnh nhân cái một à. Rồi bạn tôi đổi giọng phàn nàn -mày đến thăm tao bữa nay chưa hỏi tao câu nào mà sao hỏi em hoài vậy, không tới phần mày đâu nha, dù em còn độc thân đó, chịu phận già cô đơn cho hết đời đi.

- Tao mới chỉ nói là em nhìn quen quen thôi mà mày đã chặn đầu, chặn đuôi tao rồi. Mày có phần mơ tới em trong đầu không đó?

Phước cười giòn tan:

- Nhìn bản mặt mày là thấy chữ dê to tướng hiện lên rồi, giấu chỗ nào được. Em coi bộ còn ‘măng’ quá, mơ với mộng làm gì ở tuổi này hả mày. Sức tao không còn khoẻ mấy để gặm cỏ non, thôi nhường sự mơ đó cho mày. Tôi nhìn nụ cười của bạn, chợt vui lây với cái vẻ khoe khoẻ của bạn hôm ấy. Phước vẫn giữ được lối sống lạc quan, hay đùa và nói chuyện tếu với bạn bè. Tôi không trả lời Phước, vẫn quay sang ngó nàng, mong cho nàng đến gần bên Phước hỏi han để tôi có dịp bắt chuyện nhưng Phước lại không thuộc nhóm bệnh nhân của nàng, vì thế, vừa cho bà Mỹ trắng nghỉ xong là nàng đã biến ngay sau cánh cửa phòng bên cạnh. Tôi đoán chắc nàng phải bận rộn lắm, ngồi chờ Phước tập đi với sự hướng dẫn của một anh chàng Therapist khoảng một tiếng, tôi chỉ nhìn thấy nàng trở lại phòng tập có vài phút. Đôi mắt tôi tê theo cái nhìn trộm và tôi phát giác ra tâm hồn mình như có chút gì thay đổi. Đêm ấy tôi bắt đầu mơ đến nàng, một người đàn bà cho riêng tôi.

Tôi mua hai ly cà phê và hai ổ bánh mì thịt nguội mang đến cho Phước. Tôi gặp ngay Phước ngồi bên cửa sổ gần hành lang, bất động. Tôi gọi bạn, Phước quay lại nhìn tôi mỉm cười, nụ cười như mếu trên cái miệng méo xẹo sau lần stroke thứ hai. Phước nói ấp úng không ra được nguyên câu, tôi hiểu bạn mình muốn gì. Tôi kiếm một chiếc ghế ngồi xuống bên bạn, mở ly cà phê đưa cho Phước. Bạn tôi nháy mắt hỏi tôi sẽ làm gì cho ngày hôm nay, tôi lắc đầu chưa biết. Phước đưa tay vẽ lên không, ngọng nghịu nói:

- Sao mày không viết đi?

Tôi ngạc nhiên:

- Viết à? Viết gì?

Phước đặt ly cà phê lên thành cửa sổ, run run nắm lấy bàn tay tôi rồi dùng ngón trỏ viết chữ “em” vào lòng bàn tay ngầm hỏi nhớ không, chỗ này? Tôi gật đầu cười không ra tiếng, nỗi đau lại muốn trỗi dậy. Làm sao quên được, nơi đây, cả ba chúng tôi đã từng đứng nhìn xuống ngọn đồi phía trước nhà dưỡng lão tán chuyện. Phước đã chuyển sang nhóm tập “Therapy” với nàng. Lần nào tôi đến thăm Phước cũng gặp nàng tập cho Phước đi bộ quanh hành lang, nàng bấm giờ và đếm từng bước chân của Phước, nàng thường dừng lại bên cửa sổ này cho Phước nghỉ mệt một lúc. Bây giờ ngồi bên Phước, tôi cảm tưởng như bóng nàng hãy còn thấp thoáng quanh đây... Tôi vỗ vai Phước hỏi thăm sức khoẻ của bạn để quên đi nỗi nhớ đang dâng lên trong lòng. Phước đã thay đổi nhiều từ ngày vào đây, sự lạc quan không còn nữa, tôi biết Phước buồn không kém gì tôi vì sự ra đi đột ngột của nàng, một người cán sự tập luyện tốt cho bệnh nhân. Tôi gợi chuyện hồi còn trong đơn vị với nhau. Phước có vẻ vui khi nghe tôi nhắc tên những người bạn cũ, tuy nói chuyện cho bạn vui lòng, tôi không khỏi lo nghĩ đến thân mình, không biết tôi sẽ còn khoẻ được bao lâu trước khi vào hẳn viện dưỡng lão như Phước. Tôi không có một đứa con nào, người vợ của tôi đã mất mười mấy năm nay bỏ tôi cô độc trong căn nhà vắng lặng. Tôi cũng không có người thân nào ở gần để những hôm tối lửa tắt đèn có nhau. Phước may mắn hơn tôi là còn có đứa con trai, con dâu và ba đứa cháu nội. Thằng con trai không đến nỗi tệ lắm, vợ chồng con cái vẫn đến thăm Phước hàng tuần vào mỗi chiều thứ Bảy. Thỉnh thoảng có thêm vài người bạn nữa trong số đó có cả tôi là người đến với Phước rất thường xuyên... Ngồi với bạn gần hết một buổi sáng, tôi từ giã Phước ra về, hẹn bạn ngày hôm sau gặp lại. Phước đưa tay viết lên không ấp úng:

- Viết đi... cho... đỡ buồn.Tôi gật đầu vỗ vai bạn rồi quay đi. Tôi định lái xe xuống khu Lion Plaza mua một ít thức ăn rồi lại thôi. Lái xe quanh quanh thành phố một lúc, tôi chợt nhớ đến vườn Nhật, nơi tôi và nàng vẫn thường ghé chơi. Tôi vội vã quay xe chạy về hướng Senter...

Tôi bước chậm rãi trên lối đi dẫn đến một hồ nước trong vắt, dọc theo hai bên là đủ loại cây cao ngang tầm nhìn đang ngả màu vàng, đỏ. Một chiếc cầu ngắn vắt ngang hồ, phía sau có lùm cây to xoè lá vàng rực. Tôi dừng lại ngắm chiếc cầu tưởng như bóng dáng nàng đang đứng ở đó trong nhiều tư thế để tôi chụp hình. Nàng nghiêng đầu làm dáng, nàng chống tay trên thành cầu mỉm cười, nàng vịn một nhánh cây quay người lại nháy mắt với tôi, ôi, trông nàng duyên dáng quá! Và cũng ở chốn này, nàng đã hướng dẫn tôi đứng đủ kiểu, đi đủ chỗ để nàng lấy cảnh chụp, nàng chụp kỹ hơn tôi, ngắm nghía rất lâu, đôi lúc làm tôi ngượng ngùng. … Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần tôi và nàng đã đến đây, chúng tôi cứ tản bộ vòng hết khu vườn, cứ chụp hình và ngồi nói chuyện. Nàng hỏi về đời sống riêng của tôi rất nhiều, tôi lại là người thích nói về mình nên đây là dịp cho tôi tha hồ tâm sự và “khoác lác” với nàng. Được ngồi gần trò chuyện và ngắm nàng, tôi mới nhận ra trên khuôn mặt nàng là một nét đẹp tiềm ẩn, càng nhìn càng say. Nàng có đôi mắt to đen lay láy dưới hàng mi rậm, sống mũi thon thon, làn da trắng mát dễ bắt nắng khiến cho khuôn mặt thường ửng hồng. Khi nàng cười phô hàm răng trắng đều rất quyến rũ, đặc biệt nàng có mái tóc dày, đen mun và mềm mại. Mái tóc ngắn ôm lấy khuôn mặt xương xương, chải lệch đường ngôi về bên phải với những sợi tóc con loà xoà trên trán. Nhìn mái tóc phồng phồng tự nhiên của nàng làm tôi nhớ đến kiểu tóc của cô ca sĩ Pháp Sylvie Vartan vào thập niên sáu mươi cùng bài hát La Plus Belle Pour Aller Danser đã say mê lòng tôi thuở đó.

Tôi bắt đầu làm bạn với nàng là do sự sắp xếp của Phước, thoạt đầu cả hai chúng tôi mời nàng đi ăn chung nhưng nàng đã từ chối, những lần sau thì lần nào nàng cũng có lý do bận để khất lại ngày khác. Sau đó, không biết Phước viết thư năn nỉ thế nào mà làm nàng cảm động và đã nhận lời đi ăn cùng chúng tôi với tính cách bạn bè. Nàng nói, nàng rất vui khi quen được hai người bạn lớn là cựu chiến sĩ VNCH, trước kia cha và anh nàng cũng là lính. Ở bên nàng tôi vui lắm, nói đủ chuyện tào lao nên tôi đã quên không hỏi về cha và anh nàng thuộc binh chủng nào. Nàng gọi hai chúng tôi là chú và xưng tên rất lễ phép, chính sự lễ phép đó mà tôi phải đóng cho trọn vai một người chú khả kính trong mắt nàng. Còn Phước thì vẫn tự nhiên đùa giỡn, kể chuyện tếu lâm, nhờ vậy Phước đã tạo được không khí thân thiện vui vẻ trong lần đầu tiên đi ăn chung. Rồi cả ba chúng tôi tiếp tục gặp nhau như thế được vài lần thì Phước rút lui chỉ còn lại tôi với nàng. Theo thời gian, tình bạn giữa chúng tôi đã nẩy nở, nàng có vẻ tin tưởng và cảm phục tôi rất nhiều. Riêng tôi thì càng ngày càng yêu mến nàng, sự yêu mến cuồng nhiệt âm thầm chỉ giữ được trong lòng với những mơ ước sâu kín về nàng, vì như tôi đã nói, do cách xưng hô tôi phải đóng trọn vai một ông chú, dù tuổi tác giữa nàng và tôi không chênh lệch quá nhiều. Đôi lúc tôi tự hỏi khoảng cách mười sáu năm như thế có xa lắm không, để tạo một tình cảm không bị mang tiếng là “trâu già thích gặm cỏ non” như bạn bè và ngay cả Phước cũng chế giễu tôi. Tuy chọc giễu tôi như vậy, Phước vẫn khuyến khích tôi bày tỏ tình cảm với nàng, Phước nói chẳng có gì sai trái khi nàng và tôi đều là hai kẻ độc thân, và dù nàng có trẻ hơn tôi mười mấy tuổi đi chăng nữa cũng không thể gọi nàng là “cỏ non” vì nàng đã ở ngưỡng cửa năm mươi rồi. Biết là thế, nhưng sự mặc cảm tự ti trong lòng tôi quá lớn nên yêu nàng, tôi phải nén những cảm xúc của tôi trong im lặng. Ròng rã gần hai năm trời quen nhau, tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để tỏ bày cùng nàng. Tôi nhớ nhất vào một buổi chiều nàng đến thăm tôi lúc tôi bị ốm. Hôm ấy nàng ở lại chơi với tôi rất lâu, nàng nấu cháo cho tôi ăn, pha sữa cho tôi uống, thoa dầu nóng vào đầu cổ, tay chân tôi cho ấm. Nàng săn sóc tôi tự nhiên như một người thân trong gia đình khiến tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Nàng thu vén những áo quần dơ của tôi đem vào máy giặt, quét dọn và lau cái bếp bừa bộn của tôi thật sạch sẽ. Vừa làm nàng vừa cằn nhằn tôi:

- Trời ơi, chú sống có một mình mà sao bừa bãi quá, chú phải kiếm một partner về đỡ đần cho chú việc clean up đi.

Tôi mỉm cười với nàng:

- Tôi biết kiếm ai bây giờ hay Mây kiếm giùm tôi đi.

Nàng lắc đầu quầy quậy:

- Thôi chuyện này khó lắm, Mây không dám tìm giùm chú đâu, chú phải tự tìm cho chú, phải chủ động lên chú à.

Tôi đứng dậy, bước chậm đến gần nàng hỏi:

- Chủ động như thế nào hả Mây? Mây không nghe lời tôi hỏi, vẫn cúi xuống kỳ cọ những vết dầu bám vàng bên trong cái lò, miệng lẩm bẩm một mình: Dơ quá đi thôi... Tôi đã đứng sát bên Mây ngắm nhìn mái tóc dày của nàng, một mùi thơm nhè nhẹ toát ra từ mái tóc, trong khoảng cách gần gũi đó, tôi đã muốn dang cánh tay ôm Mây vào lòng rồi nói với nàng rằng: “Tôi yêu Mây, tôi mong Mây sẽ là người partner của tôi mãi mãi.” nhưng, mùi thơm của tóc đã thôi miên đôi mắt tôi đắm đuối từ trên tóc qua bờ vai nhỏ bé, đến sống lưng thon chạy dài xuống cặp mông tròn trịa. Con quỷ dục vọng chợt hiện ra xúi giục tôi, chỉ một cái quàng tay ôm và siết chặt thân hình nhỏ nhắn này, Mây sẽ phải chịu thua cái sức vóc bệ vệ của tôi... Tôi nhắm mắt lại, dang rộng cánh tay sẵn sàng trong tư thế ôm lấy Mây thì vừa lúc nàng quay lại giật mình hốt hoảng:

- Ý trời ơi, chú làm Mây hết hồn à. Sao chú đứng đây?

Tôi mở mắt ra choàng tỉnh, ngượng ngùng:

- À... à..... thấy Mây chùi bếp kỹ quá, tôi lén lại nhìn thôi.

Nàng đẩy tôi về phía cái nệm dài:

- Thôi chú lại kia ngồi nghỉ đi, chùi bếp có cái gì mà chú phải dòm, Mây làm sắp xong rồi.

Tôi bước đi vài bước rồi chợt xoay hẳn người lại, nắm chặt hai cánh tay Mây kéo lại gần, tim tôi đập nhanh, môi tôi mấp máy ... Mây, Mây, rồi thu hết can đảm tôi đặt một nụ hôn lên trên vầng trán nàng... Tôi lắp bắp:

- Cám ơn ... Cám ơn... Mây đã đến giúp tôi.

Nụ hôn bất ngờ làm Mây sững người ngước lên nhìn tôi. Đôi mắt đen nhánh trong veo, ngạc nhiên, bất động, chỉ vài giây đã thấy những giọt nước long lanh quanh viền mắt. Khuôn mặt Mây gần sát bên môi tôi, tôi nghe được hơi thở nhanh của nàng... Lúng túng ... Mây cúi xuống, giọng đầy xúc động:

- Chú... Chú làm Mây nhớ... ba Mây quá à.

Tôi mỉm cười:

- Sao thế?

- Lần cuối cùng Mây gặp ba Mây ở trại tù, ba cũng hôn lên trán Mây như vậy.

Tôi cười buồn, nói bâng quơ:

- Thế hả... Ô... Khi Mây ra đời thì tôi chỉ mới là một thiếu niên mười sáu tuổi thôi, tôi chưa đủ lớn để có con cỡ Mây. Tôi không ngờ đã làm cho Mây nhớ đến bác.

Mây không nói gì, trở lại công việc đang làm dở... Khi ra về, nàng dặn tôi phải uống thuốc ho, giữ ấm ngực, thoa thêm dầu vào bàn chân trước khi đi ngủ... Nàng đi để lại cho tôi nỗi luyến tiếc dày đặc trong lòng.

Có một thời gian nàng vắng mặt ở chỗ làm rất lâu, tôi tưởng nàng đi Vacation như vài người y tá đã nói. Không gặp nàng, tôi nhớ quá, bèn gọi phone cho nàng nhiều lần mà nàng không trả lời. Tôi đâm ra chán nản, thầm nghĩ rằng chắc nàng đã có người mới dắt đi chơi. Nàng còn trẻ hơn tôi đến mười mấy tuổi thì cơ hội gặp gỡ người khác là chuyện thường. Hơn nữa nàng thường nói giữa tôi với nàng chỉ là tình bạn, một tình bạn đẹp như mùa thu. Ngày gặp lại nàng sau một thời gian dài, thấy tóc nàng cắt ngắn như kiểu con trai lởm chởm, tôi tưởng nàng thích cắt tóc kiểu mới. Dù tôi rất thất vọng về mái tóc ngắn của nàng, tôi vẫn không dám hỏi lý do vì sao nàng cắt tóc. Trông nàng gầy và xanh xao lắm, tôi vui mừng lẫn lo lắng hỏi han về sự sa sút của nàng. Trong dáng điệu buồn bã, mệt mỏi, nàng chỉ nói với tôi rằng, nàng sẽ phải đi xa. Tôi có gặng hỏi nàng đi đâu, nhất định nàng không nói.

Rồi, nàng bất ngờ thay đổi một cách bí mật, kỳ lạ. Nàng đổi số phone mà không báo cho tôi biết, nàng không liên lạc với ai trong chỗ làm việc. Hỏi thăm mọi người về nàng cũng một câu trả lời, không biết. Tôi nóng lòng đứng ngồi không yên, chạy đến nhà nàng tìm thì chỉ thấy nhà đóng cửa im ỉm, không biết nàng đã đi đâu. Nỗi lo và nhung nhớ nàng ngày đêm đã dìm tôi vào những cơn mộng du hãi hùng... Tôi đến thăm Phước mỗi ngày mong có dịp gặp lại nàng. Cả Phước và tôi đều hy vọng rằng nàng sẽ trở lại làm việc một ngày không xa. Ngày theo ngày, chúng tôi đều thêm buồn rầu vì sự biến mất đột ngột của nàng. Cho đến khi cô y tá Therapy mới đã thay thế nàng để tập cho Phước, thì chúng tôi mới biết tin nàng đã nghỉ việc...

Tôi đến nhà nàng thêm vài lần để hỏi thăm tin tức, có khi tôi ngồi cả ngày chờ nàng ngoài cửa, có khi lái xe tới lui mấy lượt quanh nhà nàng mà vẫn chẳng thấy bóng dáng nàng đâu. Một ngày, tôi đánh bạo hỏi người hàng xóm thì được biết nàng đã trả nhà lại cho chủ và dọn về ở với người em gái để chữa bịnh... Chữa bịnh? Tôi ngạc nhiên nghe hai chữ chữa bịnh rồi tự hỏi nàng đã bịnh gì mà sao phải trốn tránh tôi? Người hàng xóm không biết gì hơn ngoài tin ấy.Tôi buồn rầu về nhà lòng không nguôi suy nghĩ đến nàng. Tôi bắt đầu bị mất ngủ hay thức khuya và trở lại với thói quen hút thuốc mà tôi đã vì nàng bỏ gần cả năm...

Một buổi chiều, nắng tàn mau, trên bầu trời mây xanh xám ngả màu đậm dần và buông màn tối. Trong khu vườn nhà tôi hôm ấy, dưới ánh trăng hạ tuần lá rụng đầy lấp cả lối đi, cây lê, cây đào đã trơ cành trông thật buồn thảm. Tôi ngồi ủ rũ trên chiếc ghế băng hút thuốc liên tục, vừa thả hồn mình vào làn khói bay lên và mơ đến nàng, thì có tiếng chuông gọi cửa, tôi ra mở cửa. Một người phụ nữ trẻ xuất hiện rất giống nàng khiến tôi giật mình suýt bật lên tiếng: Mây. Sau khi hỏi tên tôi, cô ta giới thiệu tên cô là Trúc, em gái của Mây. Tôi mừng rỡ mời cô vào nhà và rối rít hỏi cô về Mây, tôi nhìn chăm chăm vào khuôn mặt Trúc, nôn nóng chờ câu trả lời. Trúc im lặng vài giây, rồi lấy trong túi xách ra một phong thư dày cộm, Trúc run giọng nói ngập ngừng:

- Chị Mây... mất rồi... chú à..

Tôi giật mình kinh ngạc và cảm thấy đầu óc choáng váng, tôi lắp bắp trong sự bàng hoàng:

- Trời ơi, Mây... mất... khi nào... tại sao? Và như không cầm được xúc động, Trúc oà lên khóc... Tôi mất hết bình tĩnh, hốt hoảng nắm vai Trúc lắc lia lịa:

- Tại sao, chuyện gì đã xảy ra cho Mây? Mây có vướng mắc gì mà phải trốn tránh tôi cho đến khi nhắm mắt. Trúc có biết tôi lo lắng và đau khổ biết chừng nào khi bặt tin Mây không? Trời ơi, tại sao, tại sao không cho tôi nhìn thấy em trước khi em đi chứ... Cao xanh ơi, tôi điên rồi, mất em tôi điên, tôi điên...

Trúc quệt nước mắt, khoát tay nức nở:

- Chú Hoàng... Chị Mây... bị ung thư não đã đến thời kỳ cuối. Chị mất được một tuần rồi. Trước khi mất, mắt chị đã không còn nhìn thấy gì được nữa... Trong thời gian chị bị bịnh và nhất là những giờ phút cuối, chị Mây lúc nào cũng nhắc đến chú, chị không muốn chú thất vọng khi biết chị bị bịnh nan y này. Tôi đau đớn hỏi:

- Tại sao Mây lại muốn giấu tôi chuyện quan trọng như vậy, bịnh nan y thì đã sao. Nếu tôi biết Mây bịnh, tôi phải là người ở bên cạnh để chăm sóc Mây như Mây đã từng chăm sóc tôi những lúc tôi bị ốm. Mây vô tình đã làm cho tôi thành người vô ơn với Mây rồi. Mây ơi, Mây ơi.

Tôi vừa nói, vừa đấm đấm vào bức tường rồi gục đầu trên hai nắm tay mình. Từng lời nức nở của Trúc là từng mũi kim đâm vào tim tôi đau buốt..

- Chú Hoàng biết không, chị Mây hay kể chuyện về chú cho Trúc nghe, nhắc đến chú lúc nào chị cũng khóc. Trúc có an ủi chị và khuyên chị nên báo cho chú biết để chú đến thăm, nhưng chị Mây không cho Trúc làm vậy. Chị nói thà chị đau khổ một mình còn hơn thấy chú đau khổ vì sự đau ốm của chị... Chị có nhờ Trúc gửi cho chú lá thư này, chị dặn chỉ trao cho chú sau khi chị đã đi xa... Chú đọc thư chị Mây viết đi rồi chú sẽ hiểu... Trúc để chị Mây trong chùa Kỳ Viên, nếu có dịp nào chú đến chùa thì thắp cho chị ấy nén nhang...

Tôi cảm giác đầu mình mỗi lúc một nặng không nhấc lên nổi, một khoảng trắng xoá rồi chuyển sang đen ngòm đang nhấp mháy trước mắt tôi. Trong khoảng mịt mùng sáng tối đó, hình ảnh Mây hiện ra mờ ảo với mái tóc rất ngắn, lởm chởm, khuôn mặt xanh xao, hốc hác. Mây đứng đó nhìn tôi một lúc... Tôi vẫy Mây, lại đây, Mây làm sao mà trông tiều tụy vậy?... Vẫn đứng yên không nhúc nhích, Mây đưa tay lên vẫy tôi tạm biệt nói nhỏ, Mây sẽ phải đi xa, đi xa lắm. Tôi tiến đến bên nàng hỏi; sao Mây cắt tóc ngắn vậy? Rồi đưa tay lên định vuốt mái tóc nàng nhưng bước chân tôi tê cứng, cánh tay đưa lên rồi hụt hẫng trong màn trắng, bóng Mây vụt mất. Tôi nghe tiếng Trúc trả lời bên tai mà như vẳng lại từ đâu xa lắm. Chị Mây bị rụng tóc vì phải chạy chemo. Tôi gào lên, từng tiếng đứt quãng- Mây... Mây... tội cho em quá. Tiếng gọi của tôi lạc đi trong căn phòng vắng... Khi tôi định thần lại thì Trúc đã đi từ lúc nào. Trên chiếc bàn nhỏ, Trúc để lại phong thư dày cộm, tôi hối hả mở ra xem, đó là một lá thư cùng những tấm ảnh nàng và tôi chụp cho nhau ở vườn Nhật bên những cây lá vàng đỏ rất đẹp. Tôi ngắm một bức hình nàng đứng trên cầu, nụ cười tươi tắn và đôi mắt long lanh như chứa cả một mùa thu vàng thắm. Tôi nghe tiếng nàng đang đọc cho tôi từng chữ đánh máy trong thư:

Chú Hoàng yêu dấu,

Mây xin lỗi đã không đành lòng nói lời chia tay với chú và chú Phước trước khi Mây đi xa. Biết làm như thế là không phải, vì dầu sao chúng ta đã là bạn, Mây biết, sự vắng mặt đột ngột của Mây đã làm cho chú rất buồn và cả Mây cũng đau đớn không ít. Ông trời chỉ cho phép Mây gặp chú được bấy nhiêu thời gian thôi, đó là quãng thời gian Mây đã có được một sự sống vui, đẹp trong khoảnh khắc tạm bợ. Giờ đây, mọi vật chung quanh Mây đều mờ ảo, huyền bí, nhưng Mây vẫn cảm nhận được tiếng gió thổi mạnh lên những cây khô đang rụng lá rất nhiều mỗi ngày và trên mặt đất lá chết đã trải dầy như thảm. Đến một ngày, Mây cũng bay theo gió như lá thôi. Nghĩ về số phận người và lá, Mây ngậm ngùi nhớ đến câu chuyện:“The Last Leaf” của O. Henry, sẽ không có một Behrman thứ hai nào vẽ chiếc lá cuối cùng cho Mây để Mây được nhìn ra một niềm hy vọng cho sự sống. Thôi thì, mỗi người một phần số, ai cũng phải đi xa không sớm thì muộn. Phải đi sớm hơn chú, khi tâm tư Mây còn nặng trĩu một nỗi niềm không dám thổ lộ, Mây buồn và ray rứt lắm. Chỉ là ba chữ đơn thuần mà sao cả gần hai năm trời Mây không can đảm nói ra được. Mây đã nhân ba chữ này lên làm hai, làm ba, làm bốn, làm năm kín hết cả mấy mặt giấy đọc mãi, lảm nhảm mãi cho chính mình nghe thôi. Cuối cùng, sự chịu đựng đã vỡ ra từng mảnh vụn, Mây nhặt những mảnh vỡ này ghép lại với nhau. Trước giờ ra đi để lòng mình được thanh thản nhẹ nhàng, Mây xin gửi lại cho chú mảnh ghép với ba chữ giản dị này:Mây yêu chú! Không biết Mây có còn tái sinh ở kiếp sau không để hẹn gặp lại chú. Thôi, Mây mệt quá rồi, phải dừng lại ở đây. Chúc chú luôn dồi dào sức khoẻ và luôn tìm được niềm vui cho những ngày còn lại.
Vĩnh biệt chú yêu dấu.
Hoa Mây


...Trời đang tối dần, một mảnh trăng non vừa xuất hiện giữa đám mây mờ xám. Tiếng gió rít mạnh trên hàng cây lá đỏ vàng làm tôi giật mình... Tôi đã đứng ở góc vườn này, ngắm chiếc cầu hết một buổi chiều rồi sao? Ô kìa, trên tay tôi đã cầm lá thư của Mây từ bao giờ. Lá thư này tôi luôn để trong bóp mình như một lá bùa hộ mệnh, tôi mở ra đọc không biết bao nhiêu lần, mỗi lần đọc là mỗi lần thấy nàng hiện về trong hàng chữ cùng lời nói êm nhẹ của nàng trong gió: “Mây yêu chú” và tôi cũng thả hồn theo gió để thì thầm với nàng: “Tôi yêu Mây, tôi yêu Mây...”

Thiên Lý ngày 5/3/ 2017

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com