Đầu óc tôi đang suy nghĩ vẩn vơ bực tức, thì một đám bạn bè lít nhít cùng lứa tuổi với tôi, cãi cọ ồn ào, xô đẩy nhau, giành chỗ đứng dưới ngọn đèn ấm áp. Chúng lấn lướt, băng ngang, băng dọc, đạp lên cả người tôi để đi qua lại, cắn mổ nhau chí choé. Họ nhốt chúng tôi trong một chuồng rộng mênh mông, nhưng vì số gà quá nhiều nên chúng tôi chỉ có được một diện tích nhỏ hẹp để di chuyển quanh quẩn tới máng thức ăn, nước uống cũng như tới ngọn đèn sưởi ấm. Bây giờ chúng tôi còn nhỏ, thành thử chuồng tương đối còn rộng rãi, nhưng càng ngày chúng tôi càng lớn, chúng tôi phải sống chen vai thích cánh, chật chội vô cùng.
Căng thẳng và buồn chán quá, chúng tôi sẽ trở nên nóng nẩy, quạu cọ, hơi xích mích, mất lòng nhau một chút, thay vì thương yêu nhường nhịn, hoặc nhờ bố mẹ phân xử, thì chúng tôi trở nên hung tợn, chẳng còn biết tình anh em đồng loại là gì cắn mổ nhau tới chết mới thôi. Tôi rất buồn cho số phận. Bạn bè bên cạnh kể cho tôi nghe họ nuôi chúng tôi chừng vài tháng, đủ lông, đủ cánh, có da, có thịt, họ sẽ đem xử tử. Cuộc đời ngắn ngủi như thế, mình không hưởng cũng uổng. Đạo đức lắm thì chết cũng ra ma.
Tôi hỏi ‘’Chúng mình có tội lỗi gì đâu, mà đem xử tử.’’ Các bạn tôi nhao nhao trả lời ‘’Ai biết đâu. Kiếp gà của chúng mình là vậy. ‘’ Tôi giải thích: “Chúng mình sanh ra không đúng chỗ. Tội lỗi từ tiền kiếp của mình có lẽ quá nặng, mới xui khiến ra nhu vậy. Nếu ít tội lỗi hơn, thì tuy cũng sinh kiếp gà, nhưng được sinh ra tại các nông trại nhà quê. Họ để chúng ta tự do chạy nhảy rong chơi, theo mẹ chúng ta đi kiếm ăn. Bới đất nhặt cỏ, đói thì ăn, mệt thì nằm ngủ, không ai hành hạ chúng mình cả. Khi lớn lên không may cũng có con bị làm thịt cho người ăn, cũng có con may mắn, đẻ trứng, nuôi con, gây dựng gia đình, sống đời hạnh phúc tới già.’’
Các bạn tôi còn kể, ở Mỹ có nhiều dụng cụ ghê gớm lắm, khi chúng tôi đến tuổi choai choai, cân nặng vừa đúng mức để làm thịt, họ đẩy mình hàng loạt vào máy làm thịt, cắt tiết vặt lông mổ bụng, moi gan với vận tốc cả trăm con một phút, rồi rửa sạch, chuyển sang máy khác để cắt xén, gói ghém, khi xong, mang ra siêu thị. Ôi chu cha, tôi nghe nói mà sởn lông gáy, tưởng tượng tới một ngày nào đó, số kiếp tôi cũng thảm thê như vậy, lìa bỏ cõi đời trong tuổi thanh xuân, còn yêu đời phới phới. Nghe xong tôi sợ và khóc thầm, cầu Trời Phật run rủi cho kiếp sau đừng bị đày đọa làm thân gà ở xứ Mỹ mà làm chó mèo được người tưng tiu chiều chuộng cho sướng tấm thân. Đang chuyện trò cùng bạn bè thì ào ào một toán nhân công kéo vào, bê từng khay gà mới nở là bọn chúng tôi ra ngoài. Nơi đây chúng tôi còn đang hãi hùng co rúm, túm tụm vào nhau thì nhanh như máy, một người tướng mạo hung dữ, đen thui, ngồi trên ghế cao, tay thoăn thoắn dùng một thanh gỗ mỏng, phân loại chúng tôi thành hai nhóm, một nhóm trai và một nhóm gái. Đám gà con gái thì bị đẩy giạt sang một bên, lùa sang khay khác. Đám gà con trai thì bị gạt xuống khe, rơi vào chiếc túi nylong phía dưới. Tôi thò đầu ra thành khay nhìn xuống, thấy đám bạn bè con trai xấu số chen chúc nhau trong túi, ngộp thở la thất thanh cầu cứu, chẳng bao lâu tiếng kêu nhỏ dần rồi tắt ngấm vì tất cả đã chết. Thì ra đây là trại nuôi gà đẻ chứ không phải trại nuôi gà thịt, đám con trai coi như vô dụng nên bị tước đoạt mạng sống một cách dã man. May mắn thay, tôi là gái nên sống sót, nhưng tương lai cũng chẳng sáng sủa gì, tôi sẽ trở thành cái máy đẻ sau này. Chưa hết cơn kinh hoàng, lũ chúng tôi bị đám người trai trẻ túm lấy từng con một đưa qua máy đốt mỏ. Chỉ nghe cái xèo, thanh dao điện nóng bỏng đã đốt cháy chất sừng nơi mỏ chúng tôi, chỉ còn một nửa, để sau này chúng tôi vẫn ăn được thức ăn mềm chế tạo sẵn, nhưng không thể cắn mổ nhau được nữa. Tôi đau thấu trời xanh, tá hỏa tam tinh, thấy cả ngàn sao trước mắt, mũi ngửi thấy mùi sừng bị đốt, khét mù. Ngón chân cũng bị cắt trụi đau điếng. Rồi qua khu chích ngừa. Một người mặc áo blouse trắng xiên chiếc kim to tướng chích cho chúng tôi, người khác còn bóp mỏ chúng tôi rỏ vào họng một giọt thuốc cay xè. Trên đường về chuồng, lũ gà sống sót chúng tôi vừa đau vừa hoảng, lông lá xơ xác, nằm la liệt.
Tôi vừa tỉnh thức sau một cơn mê, run sợ và hồi hộp. Toàn thân uể oải nóng sốt bừng bừng vì cái đau nơi mỏ, nơi chân, lại bị phản ứng vì thuốc ngừa. Nghĩ buồn cho thân phận mình. Một chút tĩnh tâm, tôi hồi tưởng lại từ một kiếp trước, tôi cũng là một con gà con được nuôi dưỡng trong một gia đình khá giả tại làng quê Việt Nam. Tôi được cô chủ nhỏ cưng chiều nhất trong đám mười mấy anh chị em chúng tôi. Cô bế tôi trên tay, nâng niu vuốt ve, lại nói chuyện cùng tôi, dành riêng cho tôi những thức ăn ngon nhất. Nhưng vì chiến cuộc cô phải theo cha mẹ sang Mỹ, để lại mẹ con tôi với ông bà của cô. Khi vắng cô tôi rất nhớ, cảm thấy cô đơn. Mỗi lần nghe ông bà của cô tụng kinh cầu cho gia đình cô được an lành, tiếng chuông mõ vang ra ngoài vườn là tôi lén mẹ và anh chị tôi, chạy vào trong nhà để nghe, vì lẫn trong lời kinh là tên cô tôi, khiến lòng tôi ấm áp sung sướng chen lẫn bồi hồi cảm động. Tôi cũng khấn nguyện cho kiếp sau được tái sinh trên đất Mỹ để gặp lại cô tôi. Tôi tưởng tượng đất Mỹ cũng giống như làng tôi, chắc là dễ tìm ra cô tôi. Tôi tiếp tục sống trọn kiếp gà, lớn lên ấp trứng sanh con, rồi một ngày kia, già cỗi, tôi qua đời bình yên nơi bụi chuối thân quen trong vườn. Thần thức tôi nhớ lời nguyện xưa, bay bổng lên không trung đi tìm cô tôi. Nào ngờ đâu, đường bay xa xôi diệu vợi, bão tố, tuyết lạnh, thành phố, xứ sở mênh mông, người đông như kiến cỏ, biết đâu mà tìm. Nhưng rồi tôi cũng tìm ra cô, chắc nhờ nghiệp duyên linh cảm hướng dẫn. Nhưng bây giờ cô tôi nghèo quá, lại ở tận cao ốc 10 tầng, nhà cửa chật chội, không thấy có ổ gà nào đang ấp trứng làm tôi thất vọng vô cùng. Bay vơ vẩn trong cõi mịt mù, như con chim lạc loài trong giông bão, cố tìm một điểm nương thân, thì thấy một trại gà nơi ngoại ô. Chịu sự cuốn hút vô hình của nghiệp lực, thần thức tôi sa xuống. Tôi cứ nghĩ vô xưởng này mình sẽ được sướng vì không phải đi kiếm ăn. Họ nuôi mình khoẻ re, chỉ ăn rồi ngủ không phải lo lắng vất vả một sương hai nắng như ở Việt Nam, tạm chờ khi chuyển sang kiếp khác sẽ đi tìm cô chủ tôi một lần nữa. Ai ngờ những điều tôi mơ ước đều trái ngược hẳn. Tuy được ăn no, sưởi ấm, nhưng tôi là con gà mồ côi, biết bao giờ tôi khôn ngoan được đây để thoát ra khỏi kiếp gà. ‘’Gà lạc mẹ thì lâu khôn’’ mà. Hiện nay tôi sống kiếp tù đày, chung thân khổ sai chờ ngày lên đoạn đầu đài.
Cái đau âm ỷ nơi mỏ làm đầu óc tôi như mê đi. Tôi im lặng một hồi lâu, Các bạn tôi nhao nhao đòi tôi kể tiếp. Tôi ráng tĩnh tâm, hồi nhớ lại tiền kiếp. Ở Việt Nam tôi được sinh trưởng trong một gia đình giàu có như đã nói. Ông bà có được hai người con trai. Ông con cả tu tại gia không lấy vợ. Ông ăn chay trường, mỗi buổi tối đều quỳ trước bàn thờ Phật miệt mài tụng niệm. Người con thứ lập gia đình, sinh được một người con gái đó là cô chủ của tôi đấy các bạn ạ. Cô tôi kể cho tôi nghe, khi mẹ tôi sinh được 15 trứng, cô xin với mẹ đừng bán để mẹ tôi ấp trứng nở thành gà con nuôi thêm cho vui.
Cô làm cho mẹ tôi một cái ổ bằng chiếc rổ cũ, lót rơm cho êm, trong đó đặt 15 trái trứng. Mẹ tôi dùng thân hình để ủ nóng chúng tôi. Bà nằm ấp liên miên cả ngày, chỉ nghỉ chốc lát để đi uống nước. Sau 21 ngày vất vả với lũ chúng tôi, mẹ tôi gầy xơ xác vì bà không ăn được nhiều. Lông bà sù to để giữ nhiều hơi ấm, rất cần thiết cho sự nẩy nở của chúng tôi. Mỗi ngày bà dùng mỏ trở lộn đám trứng ba lần để chúng tôi khỏi bị sát vỏ. Cô chủ cũng ra thăm ổ trứng đều đều ra chừng sốt ruột lắm. Gần đến ngày trứng nở, cô lấy chậu nước đầy, lần lượt bỏ từng quả vào, hễ trứng nào nổi lên mặt nước là trứng đang tượng hình tốt và sắp đến ngày nở.
Một ngày kia anh chị em tôi lần lượt phá vỏ chui ra chào đời. Sung sướng lắm các bạn ạ. Tôi còn nhớ là tôi là đứa nở sau cùng. Khi tôi dùng mỏ cứng khẩy vỏ, quằn quại thân mình cố trườn ra, mở mắt nhìn ánh sáng rực rỡ, chói lòa. Mẹ tôi và các anh chị tôi đã có mặt đầy đủ, vỏ trứng nằm ngổn ngang trong ổ rơm. Cô chủ cũng có mặt. Cô reo lên mừng rỡ vì cô bảo tôi có bộ lông vàng óng mịn như tơ, đầu tôi có một vòng lông mầu cam, như chiếc vương miện. Tôi lại có cả cái mào nhỏ tí xíu mầu hồng. Tôi là út nhưng lại đẹp hơn tất cả anh chị tôi. Cả nhà đều sốt ruột, xúm xít quanh tôi, chờ tôi cứng cáp, khô lông, khô cánh đi lại vững vàng là mẹ tôi rời tổ, dẫn đàn con ra sân. Bác Ngan, bác Ngỗng, cô Dê, chú Lợn, chị Vịt cùng họ hàng nhà Gà xúm lại chào đón mẹ con chúng tôi. Dĩ nhiên ai cũng trầm trồ nói tôi đẹp hơn cả. Tôi hãnh diện lắm, nhưng còn thẹn. Còn mẹ tôi, ôi thôi khỏi nói, bà sung sướng như đi trên mây, tuy nhiên bà không quên lấy cánh che bớt tôi lại, sợ người ta quở quang nhiều quá, đâm xui. Bà úm chúng tôi dưới cánh cho bớt lạnh. Sợ còn quá yếu ớt để theo mẹ tôi đi đó đây, lại chưa đủ khôn ngoan để tránh nguy hiểm, cạm bẫy của kẻ ác làm hại, được một lúc, cô chủ lấy chiếc nơm, úp mẹ tôi lại. Nơm đan bằng tre, có những khe nhỏ khiến bọn tôi có thể chạy ra chạy vào dễ dàng, nũng nịu cùng mẹ tôi. Bọn tôi chỉ quanh quẩn bên chiếc nơm, hễ mẹ gọi là chạy ùa về núp dưới cánh bà, chờ khi hết nguy hiểm mới chui ra. Cô chủ rắc gạo thóc hoặc ngô để mẹ tôi ăn cho lại sức sau những ngày vất vả ấp trứng. Thức ăn của bọn tôi thì cô chủ xay nhỏ hơn để chúng tôi có thể ăn được. Cô chủ lấy hai tay ôm tôi nhè nhẹ, vuốt ve tôi, cọ nhẹ má cô vào lớp lông vàng tơ của tôi mà cô thích lắm. Tôi cũng mến cô chủ. Mỗi lần được nâng niu như thế, tôi lại tò mò ngắm hình bóng tôi phản chiếu trong cặp mắt mơ màng của cô. Được đâu một tuần, bọn tôi đã khỏe mạnh, nhanh nhẹn, cô chủ mở nơm thả mẹ tôi ra để bà dẫn chúng tôi đi kiếm ăn trong vườn.
Mỗi lần cô chủ cho ăn, cô gọi “túc túc túc túc, chích chích chích chích.” Dù mẹ con tôi ở đâu cũng chạy vội về. Tôi luôn luôn đến gần để cô bắt lên cưng chiều và nói chuyện cho tôi nghe. Cô bảo mẹ: “Mẹ ơi, con thích con gà này quá, mẹ cho con nuôi đừng giết thịt nó nghe.” Mẹ cô cưng cô con gái, mắng yêu: “Gớm lớn rồi mà còn nũng nịu. Ừ đấy, mẹ để dành nó cho con nuôi, nhưng phải chăm học cho giỏi nghe không.” Cô mừng, cười rạng rỡ, và tôi cũng sung sướng hết sức, vì sẽ không bị làm thịt. Khi cho chúng tôi ăn, bao giờ cô cũng chọn những hột ngon, ném về phía tôi để tôi nhặt. Đôi lúc đám anh chị em chúng tôi tranh ăn đánh đá nhau (ăn tham đấy các bạn ạ) cô nổi tức la lên, đôi khi còn rượt đánh. Lúc này sao cô dữ quá, như bà chằng lửa, mồm miệng chu chéo chân tay múa may. Cô rượt một đứa, nhưng anh em chúng tôi cũng sợ lây, bỏ chạy toán loạn, thức ăn bỏ lại bừa bãi. Lợi dụng dịp may, đám chim sẻ đói ăn sà xuống lượm sạch. Mỗi lần như thế đám chim sẻ mừng lắm. Chắc chúng nó cũng cám ơn chúng tôi lắm đấy.
Các bạn ạ, các bạn ở đây không được diễm phúc theo mẹ đi kiếm ăn. Mẹ kiếm được món gì ngon, mẹ kêu các con lại nhường cho ăn. Khi bắt được con giun, con dế là mẹ kêu cục cục, anh em chúng tôi vươn vai sải cánh, chạy như bay về để giành ăn trước. Các anh chị tôi thích ăn giun, dế nên đua nhau giành giựt, mỗi người cắn một đầu con giun, kéo mạnh, chẳng ai nhường ai. Kéo quá mạnh nên con giun đứt phựt làm hai khúc, khiến hai anh tôi mất đà ngả bổ chửng, quay lơ, nhưng vẫn không quên nuốt vội miếng mồi ngon. Riêng tôi gớm lắm, thích ăn ngũ cốc hơn. Buổi trưa, sau khi kiếm ăn no nê, mẹ tôi tìm chỗ bóng mát, dẫn cả gia đình đến đó nằm nghỉ. Khi còn bé tôi hay leo lên lưng mẹ nằm khi mùa hè. Mùa đông lạnh giá, chúng tôi chui rúc dưới bụng mẹ. Bà dang hai cánh phủ hết chúng tôi vào cho ấm. Bọn tôi cười đùa rúc rích xô đẩy nhau, nhiều đứa bị đùn ra ngoài lạnh kêu chí chóe, cố lấn vào. Mẹ tôi thật nhân từ, thương con rất mực, không la mắng lấy một lời. Nhưng không phải bà hiền đâu. Một hôm, chúng tôi đang quanh quẩn kiếm ăn, thì từ trên cao một bóng đen lao xuống, tiếng kêu rít lên như xé gió. Mẹ tôi la thất thanh, báo động. Linh cảm được tai biến nguy hiểm, theo bản năng sinh tồn, chúng tôi hốt hoảng chạy tán loạn vào bụi rậm ẩn núp. Mẹ tôi tức khắc xông đến con diều hâu ác điểu đang đứng trên mặt đất, mắt sáng quắc như tóe lửa, ngó dáo dác tìm bọn tôi, để xé xác ăn thịt. Mẹ tôi xù lông, dang cánh, xông tới đập mạnh con ác điểu. Thật nguy hiểm vì với mỏ sắc, móng nhọn, nó chỉ mổ vài cái là mẹ tôi lâm nguy, vì sức đàn bà yếu đuối lại thêm không có mỏ sắc, móng nhọn như nó. Nhưng mẹ tôi tới tấp xông tới. Con ác điểu hốt hoảng, nhảy lùi ra sau để né. Ai ngờ chân nó không dùng để đi trên mặt đất được vì có móng cong, nên loạng choạng mất đà, té xuống. Mẹ tôi thừa thế nhảy tới đập cánh vào mặt nó túi bụi. Con ác điểu hoảng sợ trước sức tấn công như vũ bão, lấy đà bay vụt lên cao. Mẹ tôi còn đang hăng máu, muốn nhảy theo để quyết tử chiến với kẻ thù, nhưng bà chợt nhớ đàn con đang hãi sợ ẩn nấp đâu đây, nên bà thu cánh, lên tiếng gọi bọn tôi. Bọn tôi chưa hết kinh hoàng, từ từ tiến ra, mắt ngó dáo dác lên cao, tìm bóng con ác điểu. Nhưng nó đã bay mất dạng. Mẹ tôi lại trở lại chức năng của người mẹ dịu hiền. Bà nằm ôm lấy chúng tôi, thở hào hển. Một lúc sau chừng đã hoàn hồn và hết mệt, mẹ tôi lại dắt chúng tôi đi kiếm ăn, như không có chuyện gì xảy ra.
Tôi kể đến đây, các bạn xung quanh tôi ùn ùn nói ra những lời thèm khát, tại sao họ không được hưởng cuộc đời sung sướng như vậy. Tội lỗi gì mà họ phải đọa đày nơi đây, ăn cho béo để cung cấp thịt cho loài người làm thức ăn. Mất cả quyền sống một cuộc đời bình thường hạnh phúc.
Chờ cho những lời than thở ồn ào của chúng bạn dịu xuống, tôi kể tiếp: các bạn ạ, các bạn có biết kiếp luân hồi không? Khi mình chết đi đâu phải là hết. Mình còn hóa nhiều kiếp đến khi nào tội lỗi mình làm đã trả sạch, mình mới được hóa sinh vào cảnh giới khác tốt đẹp hơn. Cảnh người, cảnh trời chẳng hạn, sung sướng hơn. Các bạn tôi nhao nhao hỏi:
- “Thế cảnh người ra sao? Cảnh trời ra sao? Làm người sướng hơn làm gà sao? Sao mình chỉ thấy lũ người ở đây hung ác quá, hành tội mình, bắt giết mình không à? Rồi chết họ về đâu? Chắc phải làm gà như mình để đền tội quá. Mình là gà, ngày đêm chỉ đứng im trong lồng thì tội gì nhỉ? Làm sao mình hết tội lỗi được.’’
Tôi trả lời:
- “Một lời nói gian cũng có tội. Không biết nhường nhịn, cắn mổ, gây gổ nhau như các bạn cũng có tội. Mình nghe nói ở xưởng này, vì bị nhốt chật chội, nhiều bạn cắn mổ nhau đến chết phải không?”
- Đúng vậy, nhưng vì các bạn đây buồn phiền, bực tức quá độ mà nên chứ đâu phải mình muốn như vậy đâu?
- Không phải thế. Sát sanh là có tội, không thể bào chữa được. Tại các bạn không kềm chế được thân tâm của mình. Chẳng qua vì nghiệp báo tiền kiếp mà chúng ta kiếp này phải trả nợ, sống đời khốn khổ mà thôi. Người ta giam giữ chúng mình như tù tội, nhưng không vì thế ta gây nên nghiệp mới, rồi biết kiếp nào trả cho hết.
- Sao bạn lý thuyết như bà cụ non vậy. Kiếp trước bạn có tội gì mà nay cũng vào đây?
- Chắc là có các bạn ạ. Tôi còn nhớ tôi lén qua nhà hàng xóm, ham nhảy lên bắt con bướm, làm gãy cành hoa, tôi ăn cắp luôn cành hoa đem về khoe với anh chị em tôi. Mẹ tôi biết được la quá xá, bắt tôi đem cành hoa trả lại và bắt tôi hứa phải làm điều tốt để chuộc tội. Nhưng tôi đâu có chừa, nhiều bữa tôi sang nhà hàng xóm, nhập bầy kiếm ăn, nhưng tôi ỷ lớn, giành hết của chúng còn đá mổ chúng túi bụi. Mẹ tôi đánh mắng nhiều lần, cho nhiều trận đòn nên thân, còn dọa nếu tôi tiếp tục hoang đàng như thế, trốn sang nhà hàng xóm, người ta sẽ bắt cóc tôi làm thịt ăn nữa kìa. Tôi tởn luôn, không dám hư hỏng nữa vì sợ bi giết.
Ghê sợ lắm các bạn ơi, tôi đã thấy ngưới ta giết gà rồi. Hôm đó nhà cô chủ có giỗ, bố mẹ cô chủ định bắt tôi mang làm thịt. Cô chủ khóc, không chịu vì cô thương tôi hơn cả. Cô mếu máo: “Mẹ đã hứa với con rồi mà, con gà này để con nuôi, sao bây giờ lại định làm thịt.” Tôi quên chưa kể cho các bạn nghe là lúc mới nở ra tôi có 15 anh chị và tôi, lớn lên chỉ còn 12, một bị bệnh chết, một bị chồn cáo bắt đi, một đi lạc đâu không biết. Số còn lại bị bố mẹ cô chủ đem ra chợ bán dần, cuối cùng chỉ còn bốn chị em chúng tôi vì màu sắc tươi đẹp và đẻ trứng nhiều nên bà chủ giữ lại nuôi. Cuối cùng mẹ cô chủ chọn người chị thứ 10 của tôi. Chị tôi linh cảm có gì chẳng lành, la bai bải chạy trốn nháo nhào trong chuồng, làm bọn tôi cũng sợ hãi run rẩy. Khi được thả khỏi chuồng tôi lẻn đi theo coi xem số phận của chị tôi ra sao. Người ta cắt tiết, vặt lông làm thịt chị tôi. Khi bị cắt cổ, có lẽ chị tôi không đau đớn vì tôi thấy chị tôi mở mắt thao láo, máu trong cổ phụt ra cho đến hết, chị tôi mới nghẻo đầu nhắm mắt. Tôi cũng mừng cho chị tôi ra đi nhẹ nhàng, không khổ sở. Tôi nghe mẹ cô chủ đọc cho chị tôi bài kinh siêu thoát “Sống cắt tai, mái cắt cổ, hóa kiếp cho mày, theo Phật Thích Ca, đừng làm kiếp gà, người ta cắt cổ.” Người ta luộc chị tôi chín vàng ươm rồi bày lên bàn thờ, khói hương nghi ngút, lâm râm khấn vái. Hóa ra bố mẹ cô giết gà không phải vì thù ghét mà coi gà là vật quí dâng lên tổ tiên chứng giám lòng thành của con cháu.
Như thế kể ra, thân làm gà của mình cũng có ích lợi đôi chút, âu cũng là giảm bớt nghiệp báo của mình để hóa sinh kiếp khác sung sướng hơn.
Riêng phần tôi, gia đình cô chủ nuôi tôi đến già. Tôi sinh con cháu đầy đàn. Khi đã hết tuổi thọ, tôi già yếu hẳn ăn uống không ngon lành, đi đứng không vững, thân thể lạnh lẽo run rẩy. Một hôm tôi nằm ngủ ngoài vườn rồi thiếp đi, thần thức bay ra lúc nào không hay. Vì vướng mắc chút ước mong là gặp lại cô chủ nên nghiệp lực dẫn dắt tôi bay sang Mỹ quốc, tình cờ lại làm gà thêm một kiếp nữa. Nhưng than ôi, kiếp gà Mỹ khốn khổ vô cùng, các bạn ơi.
Hoa Mùa Thu