User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Thuở còn thơ, cứ đầu tháng Mười âm lịch, gió chướng non ùa về. Văng vẳng bên tai tiếng tụng kinh của Chùa người Chăm ở Châu Giang vọng lại. Mấy đọt xoài nhú bông… Luá vàng hương cốm mới đã đầy sân đầy bồ, khi hoa mai vàng đã ngập ngừng hàm tiếu hứng sương, tôi  nôn nao bồi hồi nghe tiếng chim cu: “cúc cu.. cu... cu.. cúc...” rộn rã vang lên trong không gian yên ắng nghe mộc mạc mà sâu lắng, giòn giã thúc giục liên hồi, lòng nao nao nhớ đến lời ru của Má mỗi trưa nằm võng ru tôi ngủ:
 
"Cu kêu ba tiếng cu kêu
Cho mau tới Tết dựng Nêu ăn chè
..."
 
Bọn trẻ chúng tôi chỉ mong mau đến Tết. Tiếng cu càng thúc, lòng con trẻ nôn nao đêm không ngủ được. Thuộc lòng câu ca dao trên, tuổi thơ chỉ hiểu cây nêu, còn ăn chè là sao thì chưa hiểu kịp. Lớn lên tìm hiểu, mới biết biết là nấu chè cúng đưa ông Táo về trời ngày 23 âm lịch.
 
Ngày 23 âm lịch, Cúng đưa ông Táo về trời:
 
Theo thông lệ hàng năm, sáng 23 tháng Chạp âm lịch, Má tôi đi chợ sớm mua đồ chuẩn bị nấu chè, cùng bánh mứt cúng ông Táo.
 
Chiều 23 chạng vạng tối, tôi phụ tiếp Má bày biện lễ vật cạnh bên “hỏa lò”, đốt nhang đèn cúng vái. Má tôi dạy tôi khấn niệm: “Kính cầu mong ba vị vua bếp (một bà hai ông) về trời báo cáo với Ngọc Hoàng việc làm tốt lành của nhân gian, trong đó có gia đạo của chúng tôi. Cầu ơn trên phù hộ gia đình tai qua, nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ. Gia đình gặp nhiều may mắn. Sau đó, đem bếp cũ ra bờ sông đập bể. Thay bếp mới, “hỏa lò” mới.
 
Thuở đó, bếp còn sử dụng lò bằng đất nung, có 3 đỉnh giữ vững đáy nồi niêu, xoong chảo… chụm củi hoặc than. Nên phụ nữ thời buổi đó, ngoài việc rửa chén bát… còn phải ra công chùi rửa nồi niêu, xoong chảo… rất công phu. Nhà có nữ, nhà trai đi xem mắt, còn giả vờ hỏi thăm đi ra phía sau để ý nồi niêu, xoong chảo có sạch bong không. Đáy nồi còn vướng chút muội đen, nhà trai lịch sự một đi không trở lại!
 
Nhà tôi và các nhà phụ cận thấy gia đình nào cũng nấu chè, cúng “bánh thèo lèo, c…chuột” (một loại bánh truyền thống người Hoa làm bán), nhang đèn. Không thấy tục cúng cá chép như miền Bắc.
 
Có lẽ dần về Phương Nam, do  hình thành trên một vùng đồng bằng sông nước và trên một vùng đất đa tộc người, văn hoá Nam Bộ có sự tiếp biến các yếu tố văn hoá của người Chăm, người Khmer, người Hoa vào văn hoá Việt trong vùng; mà tục cúng có cá chép đơn giản dần?
 
Theo tục lệ đàng ngoài, để cúng Táo quân, người ta chuẩn bị ba con cá chép cho ba vị vua bếp. Tại sao không chọn loài vật khác mà lại dùng cá chép? Vì theo tích xưa của người Hoa, trong cuộc thi vượt vũ môn do Ngọc Hoàng tổ chức, chỉ có mỗi mình cá chép thi thành công. Do vậy, Ngọc Hoàng cho cá chép hóa thành rồng. Tích cá chép hóa rồng muốn nói lên việc các sĩ tử cố gắng thi đỗ Trạng Nguyên ra làm quan giúp đời. Người Việt khi tiếp nhận văn hóa phương Bắc thường cố ý làm khác đi hoặc ngược lại. Chẳng hạn, người phương Bắc mặc áo cài nút bên phải, người Việt cài nút bên trái; họ để răng trắng, người Việt nhuộm răng đen; họ cạo đầu để đuôi sam, người Việt để tóc dài và búi tó… Nơi hàng ba của đền vua Lê ở Hoa Lư có bức chạm thông phong hình cá rô hóa rồng. Trong cuộc sống, chẳng ai thấy cá chép phóng lên cao khỏi mặt nước bao giờ, nhưng cá rô thì có. Các loại cá rô, chép trê, cá lóc có cấu tạo mang khá đặc biệt. Trong mang có lớp tổ ong có thể giữ ẩm và hấp thu phần nào hơi nước trong không khí, vì thế chúng có thể sống trên cạn khá lâu. Những khi cần di chuyển sang nơi khác, các loài cá này thường phóng lên bờ và nhảy đi. Cá rô ở Hoa Lư, Ninh Bình sống trong hang núi đá vôi, rất to và khỏe. Tích cá rô hóa rồng cũng có ý nói người nông dân vẫn có thể lên làm quan hay làm vua. Chẳng hạn, Đinh Bộ Lĩnh là con nha tướng của thứ sử Hoan Châu, Dương Đình Nghệ. Cha ông mất sớm, hai mẹ con phải về quê sống nương nhờ người chú. Sau này, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua – Đinh Tiên Hoàng Đế. Lê Hoàn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được một vị quan đem về nuôi, sau này trở thành vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê – Lê Đại Hành.
 
Ngoài cá chép, người ta còn đốt mũ áo bằng hàng mã để ba vị vua bếp có trang phục mới chầu trời. Tục đốt hàng mã này của đạo giáo, không phải của Nho giáo hay Phật giáo. Mặc dù ở các chùa đều có bể hóa vàng (ô xi măng để người ta đốt hàng mã), nhưng đó chẳng qua vì sợ tín hữu bất cẩn gây hỏa hoạn, chứ nhà chùa không cổ xúy cho việc ấy.
 
Bếp của người Việt xưa chỉ có ba ông đầu rau (ba cục gạch để kê nồi):
 
Mẹ già bước chân vào nhà
Thò tay mở cửa 
Nắm củi ở giữa
Ông Táo ba bên
Bắc nồi cơm lên
Cơm sôi sùng sục… (ca dao.).
 gocbepquengheo
(Ảnh minh họa, Nguồn: trên net)

Sau một năm, các cục gạch kê bếp thường bị nứt bể, người ta thường thay bằng gạch mới. Sau này khi có bếp lò, người Việt cũng giữ thói quen ấy, cuối năm đem bếp cũ ra bờ sông đập bể và lấy đất bờ sông về nhà nặn bếp mới – tựa như đổi nhà mới cho vua bếp vậy. Tục này người Hoa không có.[1]
 
Ngày 25 âm lịch, “Rẩy (giẩy?) mả” ông, bà
 
Hằng năm, mỗi độ Xuân về, lòng tôi nôn nao nhớ  thuở còn thơ chờ đợi dịp đi ‘Rẩy mả” ông, bà vào dịp cuối năm. Cứ sau lễ đưa ông Táo về trời 23 âm lịch, khoảng từ 20 đến 25 tháng Chạp cho đến hết năm - Bác Hai cùng Ba, …  chở anh em chúng tôi, … đến khu nghĩa địa Đồi Bạch Vân, Vĩnh Tế, Châu đốc, An giang để làm “rẩy” (giẩy) mả ông, bà. Bây giờ, khu nghĩa địa này không còn nữa. Chánh Quyền Sở Tại đã “giải tỏa” khu vực này bằng phẳng. Từ vách núi Đồi Bạch Vân, tạc tượng Phật ngồi  thiền định, cao nhất nước (?). Nhằm thu hút khách du lịch, tăng ngân sách địa phương!!!
 
Theo tục lệ quê tôi, trước khi làm lễ đón ông bà vào ngày 30 tháng Chạp âm lịch, cũng như hầu hết người Việt Nam Bộ vẫn giữ tập quán giẩy mả vào ngày 25 tháng Chạp. Con cháu gia đình chúng tôi  tề tựu làm cỏ, sửa sang, quét dọn, cúng kiếng mồ mả ông bà, cha mẹ… . gọi là “Rẩy (giẩy) mả”, chứ không gọi là Tảo mộ (vào dịp Thanh Minh, phong tục của người Hoa)
 
Trước tiên, đến mồ mả Tổ, rồi mới tới các mả kế cận. Nhìn dãy mồ mả nằm lặng im dưới ánh nắng ban mai, không ít người xúc động bùi ngùi, nhớ lại những kỷ niệm với người thân, giờ không còn nữa!. Đúng là “TRăm năm còn có gì đâu. Chẳng qua một đám cỏ khâu xanh rì” Khi nguôi thương tiếc, bắt đầu chia nhau làm công việc dọn dẹp, tu sửa.
 
Có lẽ điều kiện kỹ thuật lúc bấy giờ, xây mả đá trộn, mật mía, vôi bột, cát..., chứ chưa xây được mả đá- xi măng như bây giờ. Nên mưa nắng nhiều ngày làm đất trên mả, mồ sụt lở, cây cỏ mọc um tùm, chen chúc. Bác Hai, Trưởng tộc- chỉ huy chúng tôi đắp đất cho mộ thêm cao, nhổ bỏ hết những bụi cỏ dại và xua đuổi rắn mối quanh quẩn. Việc đào đất từ xa, khuân chuyển đến vun đấp nền mả rất vất vả, công phu, do những người  khoẻ đảm nhiệm…; phụ nữ và trẻ con chúng tôi dùng dao tỉa những cành cây lòa xòa che khuất mặt mộ bia, chặt cây cỏ um tùm xung quanh. Ai cũng nhuễ nhoại mồ hôi… Nhưng mà vui lắm! .. Niềm tin nội tâm ông bà linh thiêng về chứng kiến, truyền thêm sức mạnh cho con cháu, nên không thấy mệt, thấy chán. Lại thêm, khu nghĩa địa vào thời điểm đó đông đúc và nhộn nhịp; ai nấy cũng làm như mình.. Khói nhang bay cuồn cuộn, giấy tờ vàng, bạc đốt bay tung toé
 
Lúc đó, tôi không hiểu hết ý nghĩa của việc làm này, sau này lớn lên, mới thấu hiểu với tâm ý vun đấp mồ, mả ngày càng to, mộ phát thì con cháu thịnh vượng, làm ăn phát đạt, cửa nhà bề thế…. Thường dọn sạch Minh đường là phần đất thấp phía trước mả cho bằng phẳng, tiện đường đi lại – bày biện đồ cúng;  và tôn cao ụ Huyền Vũ (gò đất hình rùa) phía sau mả, tạo thành một ngọn núi nhỏ làm chỗ dựa cho mả. Trên mả trồng lại nhiều loài hoa như mẫu đơn, nguyệt quế, cây Đinh lăng… vừa để trang trí cho mộ phần thêm đẹp vừa là mong ước về tuổi trẻ, hạnh phúc, tài lộc, trường thọ (đinh lăng). Cũng trồng xen kẽ các loại hoa có màu sắc, mà chịu được khô hạn của mùa nắng, lại vừa có tác dụng trị liệu như: cây dừa cạn màu trắng (giải độc cơ thể), cây hoa sứ (bông sứ)…. Bác tôi cũng giải thích thêm, kiêng kị trồng những cây có rễ cắm sâu lòng đất, xâm phạm hài cốt người quá cố là điều tối kị!.
 
Dọn dẹp xongtrong khi chờ đợi người lớn bày lễ cúng kiến, lũ trẻ chúng tôi chạy tung tăng hái những cây trái xung quang vùng Đồi Bạch Vân. Thuở đó, có trái cơm nguội (giờ không còn nữa), tròn tròn như trái nho, mọng chín nước ngọt, trẻ con chúng tôi hái cho vào miệng ngọt lịm; hái những cây dại bông kết chùm tủa gai, gọi là cây “ngưu ma Vương” đùa giỡn chiến đấu với nhau.
 
Theo trí nhớ còn lưu lại, gia đình sửa soạn một lúc hai mâm cúng. Một mâm đặt ở ban thần linh hay miếu âm phần  để cúng các vị sơn thần, thổ địa, thủy bá, linh thú, linh xà, linh điểu cai quản vùng đất và nghĩa trang; mà tôi thường nghe khi khấn vái là: “Đất đai Dương trạch, thần hoàng bổn cảnh…về đây cảm ứng chứng miêng”.; lễ vật thường có giấy tiền vàng bạc, rượu, trà, hoa, trái cây…
 
Mâm thứ hai cúng tại mả là phẩm vật do con cháu làm được bao nhiêu, sắm được bao nhiêu thì đều dâng lên  tổ tiên, thường thấy là một bộ đồ mả bằng giấy gồm: áo quần, giầy dép, mũ nón… Luôn có những món ăn, có ý nghĩa tượng trưng và là mong muốn của con cháu đối với người quá cố là bộ “tam sên” gồm: thịt heo để mong vong hồn được sung sướng - an nhàn; trứng gà để được nhanh nhẹn, con cháu đầy đàn; tôm luộc để được thăng tiến- dư dật nơi chín suối…
 
Bác Hai, Ba tôi… cũng không quên dạy chúng tôi, nên cắm nhang, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mả vô chủ, không người thăm viếng. Chúng tôi vui vẻ vâng lời, mỗi đứa cầm nhang, vàng mã đến ‘cúng” những ngôi mả này.
 
Bày lễ xong, Bác Hai đứng ra dâng nhang, cúng tế anh linh trước, sau đó tới con cháu trong dòng họ. Lúc bấy giờ, chúng tôi còn nhỏ, không rành rẽ câu khấn vái, chỉ nghe loáng thoáng lời khấn vái lõm bõm trong miệng người lớn. Phần chúng tôi đựoc dạy khấn vái: “Cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu dồi dào sức khoẻ, tật bệnh tiêu trừ, học hành thành đạt…”. Còn nhiều nữa, với trí nhớ tuổi thơ, không nhớ hết..
 
Sau vài tuần trà và đợi nhang cháy hết, gia đình hạ mâm cỗ cúng, thụ lộc và ăn uống tại mả với ý nghĩa cả nhà đoàn kết, cùng ăn, cùng làm, cùng xây dựng đại sự. Trong khi ăn uống, Bác Hai, các Chú tôi… vừa kể chuyện về ông bà tổ tiên cho các con cháu nghe. Trẻ con chúng tôi ngồi quây quần, xúm xít  nghe những câu chuyện về ông bà với tâm trạng thán phục:
 
“Bác hai tôi kể lại những kỷ niệm về dòng họ Nguyễn của tôi có lẽ xuất phát từ miền Trung, theo phò Chúa Nguyễn vào miền Nam lập nghiệp. Nên hằng năm có lệ cúng “Vật lễ” ngày Mồng Bảy Tết. Lễ vật gồm có cá lóc nấu “cháo ám”, để trong chiếc thuyền kết bằng bè chuối, cúng xong, đưa thuyền này xuống sông để  thuận buồm lướt gió về miền Trung. Bà cố nội tôi họ Mai, ngày xưa khai khẩn đất đai Làng Vĩnh Tế, Núi Sam “cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi”. Tuy là nữ giới, nhưng sống trong vùng đất “đầu nguồn châu thổ”, sát biên giới, thường xuyên bị nạn thổ phỉ tràn qua biên giới cướp bóc tài sản, nên phải học “nghề võ” để  bảo vệ gia đình. Có lần, thổ phỉ tràn xuống Làng Nhà Neo, Núi Sam,Vĩnh Tế- nơi tổ tiên tôi sinh sống – đốt nhà, cướp bầy bò… bà cố nội tôi cầm “roi” tả xung hữu đột chống trả mãnh liệt, bọn thổ phỉ phải bỏ của chạy lấy người !”
 
Lũ trẻ chúng tôi nghe qua lòng cảm thấy bùi ngùi cảm kích tổ tiên nhà mình đã chịu biết bao gian lao, cực khổ để giữ gìn gia sản cho con cháu, thấm thía với câu: “Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn đổ ra
 
Bác Hai, Ba tôi  thường để lại bên mả một số thức ăn không mang về, trong đó có gạo, muối… Sau này, tôi mới hiểu đó là  một nghi lễ phúng sinh cho chim thú, côn trùng cũng được hưởng lộc chung vui. Cũng luôn có vài thẻ nhang và bao diêm đặt trên mả cho ai đó đi rẩy mả nếu lỡ không mang lửa hoặc thiếu nhang thơm lấy đó mà thắp, nhân tiện hảo tâm thắp cho phần mộ gia chủ. Cũng gửi biếu ban quản lý nghĩa trang một phần quà, cảm ơn những người hàng ngày đã cất công dọn dẹp, chăm non phần mồ mả gia tộc. Ngoài ăn cơm tại mả, khi về  nhà,  gia đình còn tổ chức “bữa cơm” thân mật cúng trên ban thờ, và rồi chia đều cho con cháu lấy lộc và đem biếu hàng xóm, thể hiện tình cảm ruột rà, tình nghĩa xóm giềng.
 
Sửa sang  mồ mả ông bà, cha mẹ… cùng những nghi thức cúng kiến có ý nghĩa nhân văn, mỗi dịp Tết đến, Xuân về đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Tạo nên những giá trị đạo nghĩa làm người, nếp nhà, gia phong, và bảo tồn được hồn thiêng của văn hoá dân tộc Việt Nam!.
 
Chiều 30 tháng Chạp, dựng Nêu, đón Tết:
 
Ngày xưa, gần như đã thành tục lệ, cứ đến gần ngày 30 tháng Chạp hàng năm, quan làng đều truyền đạt giờ dựng nêu (cũng gọi lên nêu) cụ thể (do Khâm thiên giám chọn giờ lành) để dân chúng khắp nơi theo đó mà trồng trước nhà một cây nêu.
 
Do “giờ lành” mỗi năm đều khác nhau nên việc chấp hành nghiêm túc không thể không gặp những việc trở ngại nhất định, vì vậy triều đình đành làm ngơ, coi như nội nhật ngày 30 Tết, tất cả các nha môn, dinh thự, đền chùa và nhà dân… lên nêu vào giờ nào cũng được. Cho đến năm Tự Đức thứ 29 (1876) vua chuẩn định lệ giờ dựng nêu thống nhất với giờ hạ nêu ngày mùng 7 Tết, là vào giờ Thìn, tức khoảng từ 7 giờ sáng theo đồng hồ ngày nay.
 
Nêu được làm bằng cây tre cao, còn tươi, trảy bỏ hết các nhánh, chỉ chừa lại phần đọt (có lá), trên ấy treo một số vật tượng trưng, gọi là “bùa nêu” để trừ tà quỷ.
 
Cây nêu ngày Tết
Ảnh minh họa, nguồn: https://www.dienmayxanh.com
 
Cây nêu chính là khát vọng hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Cây nêu từ xưa vẫn được xem là tín hiệu của một mùa xuân mới. Vế sau của câu đối xưa: “Đào phù vạn hộ cánh tân xuân” (nghĩa: Bùa đào – nêu – muôn nhà thêm xuân mới) đã xác định rõ điều đó.
 
Sau, nhằm mục đích truyền nhau tín hiệu tâm tư sâu kín về ý nghĩa thiêng liêng của cây nêu, người ta đã khéo cách điệu, chuyển tự dạng của “tứ tung ngũ hoành” sang một hình thức khác (dứt bỏ hẳn cách hiểu mê tín dị đoan rằng, nêu không phải để trừ tà quỷ theo nghĩa đen, mà để nhắc nhau hãy quyết tâm tẩy trừ bọn phá rối – thù trong giặc ngoài, như đã có nói ở trên), bằng cách lấy cái rế (vật đan bằng tre hoặc trúc dùng để lót nồi trách cho khỏi dính lọ – gần giống loại bùa “tứ tung ngũ hoành”) treo lên cùng với mấy miếng trầu cau têm sẵn và xâu vỏ ốc sơn vôi trắng (thay những khánh đất nung) tượng trưng xâu chuỗi bồ đề (có lẽ vào thời Phật giáo hưng thịnh). Khánh đất hoặc “xâu chuỗi bồ đề” buộc trên ngọn cây nêu, gió thổi, chúng khua nhau, chẳng những tạo nên âm thanh vui tai mà còn là tiếng động nhắc nhở bọn “tà quỷ” phải kinh sợ uy quyền của Thần Phật, tức biểu trưng cho sức quật khởi mãnh liệt sâu kín của dân tộc ta.
 
Về phương diện tôn giáo, chuỗi bồ đề nhắc tích (truyền) rằng, xưa, do lũ quỷ thường quấy nhiễu nên dân ta kêu cầu và được đức Phật giáng lâm, bắt lũ quỷ ấy. Chúng van lạy xin tha và hứa không dám quấy nhiễu trên phần đất của Phật. Do quá kinh sợ nên quỷ hỏi rõ dấu hiệu nơi Phật ở để tránh. Phật bảo, nơi nào có bóng cây thì không được bén mảng (bóng cây đổ đến đâu, quỷ phải nhớ mà lùi xa chỗ ấy). Từ sự tích này, chúng ta nhớ câu đối Tết của một nhà sư:
 
Lá phướn phất ngang trời, bốn bề đều trông nêu Phật;
Tiếng chuông kêu dậy đất, mười phương cùng tưởng pháo sư.
 
Đức Phật còn cho quỷ biết, nơi nào có rắc vôi trắng cũng là đất Phật. Do đó ở nông thôn, người ta thường bắt chước các sư ở chùa, rắc vôi bột quanh nhà thành hình “tứ tung ngũ hoành” hoặc chữ thập (Nho) trên những gốc cây to, lu nước, chuồng súc vật… hoặc hình cung tên bắn ra tứ phía. Họ cũng sơn vôi trên xâu vỏ ốc, cái rế, cái giỏ (đựng trầu cau và bùa nêu), treo cao khỏi đọt cây, để quỷ không đến quấy nhiễu được bằng “đường hàng không” hoặc xô té người leo cây.
 
Ít nghe chuyện té cây, nhưng đã có người đi dưới đất bị vấp cây nêu
 
Tối Ba Mươi nghe pháo Giao Thừa: Ờ Tết!
Rạng Mùng Một vấp nêu Nguyên Đán: À Xuân!
(Câu đối của Nguyễn Công Trứ)
 
Dần dần đất chật người đông, nhà cửa sát khít, nền đất đã tráng xi măng hoặc lót gạch, Tết đến muốn dựng nêu thật gian khó, không khéo nêu ngã, chẳng những gây tai nạn nguy hiểm mà còn xem như điềm xui, rất hệ trọng trong năm mới nên, thay vì dựng và treo đủ các loại ấy trên cây nêu, người ta treo ngay cửa nhà, cho tiện.
 
Có lẽ như vậy, nên theo Ký ức tuổi thơ còn lưu lại, không thấy Ba tôi dựng cây nêu trước nhà. Thay vào đó, sau khi cúng Giao Thừa xong, Ba tôi để trầu cau, bùa nêu, giấy tờ vàng bạc… vào xâu. Rồi treo lên mái nhà, cùng với đôi chân gà ngày Mồng Ba.
 
Các nhà chòm xóm, ở xóm tôi cũng vậy, không thấy còn hình ảnh dựng cây Nêu nữa. Mà có nhà thay vào đó, treo trước cửa nhà  xâu vỏ ốc sơn vôi, cái rế, cái giỏ (đựng trầu cau và bùa nêu).
 
Cây nêu, một biểu tượng cực kỳ độc đáo của tiền nhân trong chí hướng quyết tâm giữ đất, trừ gian. Cũng là một cách nêu cao tinh thần quật khởi, giành giữ lấy chủ quyền và nền độc lập dân tộc. Nhìn cây nêu, chúng ta không thể không bàng hoàng trầm tư suy nghiệm sức sống mãnh liệt của cha ông ngày trước phải đương đầu với biết bao loài quỷ dữ (bọn giặc xâm lược); và cả đến điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên để tự tồn.[2]
 
Cây nêu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam còn có đặc điểm khá đa dạng tùy thuộc địa phương, phong tục, dân tộc, giai cấp xã hội v.v. Có cây nêu mang tính nguyên sơ, không gắn liền với lễ hội mà hình thức cổ xưa nhất còn thấy ở cộng đồng người nông dân, với tục dùng cành tre dài cắm trên ruộng sau khi gặt.
 
Khi thấy dấu hiệu này, người ta biết là chủ ruộng giữ lại mầm lúa cho mùa năm sau, không thể tuỳ tiện thả trâu bò vào ăn. Riêng đối với dân tộc thiểu số, cây nêu loại này xuất hiện ở những vùng rẫy thuộc sở hữu cá nhân chưa khai hoang. Người chủ rẫy tìm bốn cây cao to, chặt đứt ngang thân, dựng ở bốn góc rẫy như bốn cái trụ và gọi đó là cây nêu.
 
Những cây nêu gắn liền với các lễ hội như ngày Tết, hội làng, có hình thức cầu kỳ hơn. Cây nêu thường sử dụng một số loại cây họ tre như tre, bương, lồ ô, có độ cao khoảng 5-6 mét, chặt sạch các nhánh và lá tre, chỉ để lại trên ngọn tre có nhánh lá.  Trên ngọn cây treo một vòng tròn nhỏ, vòng tròn này buộc nhiều thứ khác nhau (tùy phong tục địa phương) như: lá phướn, những chiếc khánh (chuông gió) để những khánh đó va đập nhau kêu leng keng trong gió. Chiếc khánh, đồng âm với “khánh” có nghĩa là “phúc”: năm mới đem lại hạnh phúc cho gia đình…
 
Trong những ngày Tết cổ truyền, vào buổi tối trên cây nêu có nơi còn treo một đèn lồng nhằm chỉ đường cho tổ tiên biết đường về ăn Tết với con cháu.
 
Trong đêm Trừ Tịch cũng như ngày Mồng Một Tết, ngày xưa khi chưa cấm đốt pháo, người dân còn treo bánh pháo tại cây nêu đốt đón mừng năm mới, mừng tổ tiên về với con cháu, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành.[3].
 
Tiếng pháo nổ đì đùng, xác pháo bay tung tóe. Bọn trẻ chúng tôi xúm nhau giành giựt từng quả pháo chưa nỗ văng ra ngoài.

Dù có tiếng pháo nổ, nhưng tôi vẫn nhớ kỷ niệm  thi nhau làm “ống lói”, đốt “ống lói” nổ bùm, bùm. Trước đêm 30 vài ngày, tôi thường lẽo đẽo xách cây “rựa” đi theo Ba  tìm các bụi tre già. (tình làng nghĩa xóm, chọn được cây tre nào vừa ý, lên tiếng với chủ nhân một tiếng. Là vào chặt. Không trả tiển gỉ cả!) Lựa cây tre già, “mắt đốt” tre mọc nhiều rễ. Làm “ống lói” là chắc chắn, châm lửa nổ lớn tiếng; không nỗ toét ống. Cây tre già chọn phần gốc, cưa ra một đoạn, hai nhánh chừa lại làm chân, giống như họng pháo. Khoét ruột, chừa một cửa đổ “khí đá” vào, đổ một chút lạnh vào, trộn lẫn dung dịch, châm lửa đốt. Nổ bùm bùm, như đạn pháo binh thật. Đêm 30, giờ Giao Thừa, các “ống lói” đua nhau nổ. Các cụ cao niên trong xóm là Ban Giám Khảo. “Ống lói” nhà nào nổ lớn nhất, không bị toét ống tre là chiếm giải nhất. Các pháo thủ vui vẻ nhận phần thưởng tượng trưng, rồi xúm nhau tiệc tùng ba ngày Xuân, vui lắm.!!!

Phạm Văn Rớt
Số 10, đường Lê Lai (Sân Vận Động cũ), thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.VN
 
Tài liệu tham khảo:
 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com