Lần đầu gặp nhau Trân hỏi. Anh là nhà văn hả? Không trả lời, tôi chỉ nhớ nghe vậy. Rồi về sau, không biết bao lần, chúng tôi lại gặp. Không phải ở Trân có nét gì đặc biệt, để tôi đề cập. Ðiều tôi cần là cần một chỗ ngồi. Một chỗ ngồi thường lệ, có người đối diện, có người kể nhau nghe. Bởi ở vào tuổi nầy, tôi không thích ngồi một mình lãng mạn như tuổi đời mới lớn ngày nào. Hãy thử đi, đâu cần cảnh trí bày biện, chỉ cần một chỗ lặng lẽ, có tiếng nói, có sự gần gũi thân quen. Có phải đó là hạnh phúc, dù lẻ loi, nhưng có còn hơn không. Trân là mẫu người với tính khí bất mãn trong cuộc sống. Mặc dầu đã có tuổi, nhưng giọng Trân sắc, đi kèm ánh mắt, miệng lưỡi trả treo với người đối diện nhiều hơn.
– Anh viết văn là viết chuyện thật hay đặt điều.
Thay vì dùng từ hư cấu cho cách dựng truyện, cô nàng lại dùng cái từ không mấy thiện cảm đó.
– Theo Trân thì là thật hay tưởng tượng?
– Nếu là thật thì anh có bao nhiêu năm để nói hết cái thực.
– Hết rồi thì sao? Tôi hỏi lại
– Lúc đó anh là nhà văn hay nhà ăn?
– Tôi không có tâm hồn ăn uống, nên không biết lựa chọn bên nào.
– Vậy là anh sắp xếp điều thật giả trộn lẫn, thêm vào gia vị tình ý?
– Cứ coi như tác phẩm tôi đến là vậy, ưng hay không thì tùy.
– Anh có thấy một điều người ta đến với anh, ở vai trò của người cầm bút, chứ không phải đến với chính bản thân anh?
Câu nói của đàn bà, tôi tưởng là tầm thường đó, lại là nỗi ám ảnh để nhìn lại chính mình. Có thật là tôi viết lẫn lộn hư cấu, để người đọc coi đó là thật cho chính đời sống họ? Vậy thì tôi ở đâu trong hai bờ thực giả nầy.
Nhớ ở tháng năm đầu sống đời quân ngũ. Tôi mang theo trong tôi không khí văn chương, lý tưởng đi vào đơn vị. Bây giờ nghĩ lại tôi cũng không hiểu sao hồi đó tôi chịu ép mình ngồi viết lách được vậy. Hành quân sáu tháng mới được về hậu cứ nghỉ dưỡng quân. Chỉ có mấy ngày ngắn ngủi yên thân. Ngày thì anh em ở phố, đêm về tôi lại làm bổn phận của người cầm bút như trước kia. Tôi chỉ có một đêm thôi, viết tay cho xong một truyện ngắn, không tẩy xoá (để khỏi phải chép lại) và sáng hôm sau gởi bưu điện về Sài Gòn. Ðó là thời gian đầu, về sau cuộc chiến leo thang, sư đoàn lưu động di chuyển liên miên, phải đành thúc thủ.
Tôi là người lính tác chiến, nhưng trong tôi vẫn có tâm tình lãng mạn ở người cầm bút. Chung quanh tôi là tình đồng đội, sống chết với nhau trên chiến trường. Còn ở phố thị, trên mặt sách báo tôi vẫn là người viết văn như ngày nào. Như vậy có phải hai nhiệm vụ trong tôi song hành. Tôi vẫn sống với chữ nghĩa ở đó và con người thực tôi ở đây.
Hỏi sao hồi đó tên tuổi không xuất hiện thường vậy. Thú thật, tôi có ở Sàigòn, có ở văn phòng đâu, để an toàn và có thì giờ ngồi viết. Ðâu ai biết trong gian khổ sống chết, tôi vẫn dành cho con người trong đời sống tôi chút thủy chung. Anh em khác, ở thành phố có thời gian ngồi nhà, có thời gian tưởng tượng, hay nghe kể lại để thành chuyện tưởng như thật. Còn cái thực ở truyện tôi viết dẫu bên hiểm nguy, dưới mắt người đọc, có khác gì điều thường tình hiển nhiên.
Cho đến sau ngày mất nước. Là người tù binh trong trại tập trung, tôi vẫn viết, dù lén lút thiếu thốn hiểm nguy. Bài văn không thể viết dài, thì viết bằng thơ.
Tôi không có trí nhớ tốt để học thuộc lòng, giữ lấy trong đầu, nên thơ tôi viết rời từng câu, từng đoạn trên bất cứ giấy báo gói, giấy tay, món đồ nào, được lén trao đổi đem ra lúc thăm nuôi. Biết ý, vợ tôi về nhà ghép, chép lại trọn vẹn thành bài. Những bài thơ được viết trong tù, những ý tình tư tưởng đều phải lựa câu chữ, không thường tình để nếu bị phát hiện, người đọc vẫn không rõ ý. Sau nầy đọc lại tôi vẫn không tưởng mình viết được, bởi đó chính là những rung cảm chân thật, bằng đau khổ, bằng tủi nhục khốn cùng xót đau. Ở đó là nỗi tuyệt vọng, hố sâu chôn lấy cuộc đời danh dự, sống dở chết dở. Ở đó là không gian đích thực cách chia địa ngục, trần gian. Không ở hoàn cảnh nầy, không thể viết được. Cho dù có tưởng tượng, nghe kể lại để viết, thơ vẫn không có đủ hình ảnh, âm thanh, giai điệu thiết tha, hay tiếng gào tuyệt vọng từ nỗi đau thực sự, lặng câm chôn kín.
Qua Mỹ, tôi viết trở lại. Ðến năm 1999 tôi có ý in sách. Theo phong trào lúc bấy giờ ở hải ngoại, cần có người viết lời bạt, cho khuôn mặt chân ướt chân ráo làm quen ở xứ người. Qua giới thiệu của nhà văn, hoạ sĩ Phạm Thăng (Canada). Anh hứa sẽ nói chuyện với nhà văn Xuân Vũ. Khoảng tuần sau, khi liên lạc xong. Anh gọi lại tôi, giọng e dè. Anh kể là bạn bè bộ ba, anh rất thân với Xuân Vũ và nhà văn Hứa Hoành. Nhưng lần nầy không biết có trật đường rầy không. Anh nói tôi ở đơn vị tác chiến, anh Xuân Vũ là người tập kết ra miền Bắc 1954. Sau đó tham gia chiến trường Miền Nam (trước khi anh Xuân Vũ hồi chánh 1968 với chánh phủ miền Nam Việt Nam). Cả hai người đều ở chiến trường không biết có đụng độ, ân oán gì xương máu, hay tư tưởng đối chọi không. Nhưng đã lỡ nói qua với anh Xuân Vũ rồi, biết sao, chờ thôi.
Tuần sau đó anh Xuân Vũ từ San Antonio (Texas) gọi nhắn tôi gởi tập bản thảo xuống, anh đang chờ. Ðược mấy ngày anh gởi bản viết tay lời bạt cho sách. Qua điện thoại cho thấy nhà văn Xuân Vũ rất dễ mến trong tình cảm anh em văn nghệ. Anh sanh năm 1930, người xứ Bến Tre. Câu chuyện với anh nội dung vẫn là chuyện viết lách, không khí văn nghệ ngày xưa và hôm nay ở xứ người. Anh nói, nhiều người nhờ anh viết lời bạt, nhưng anh không nhận, anh vừa mới viết giới thiệu cho nhạc sĩ Phạm Duy (sách Phạm Duy, còn đó nỗi buồn). Ðọc em rồi, anh vừa ý để viết giới thiệu cho em. Phải nói chữ viết tay của nhà văn Xuân Vũ rất tháo, dù chữ to, và khó đọc. Tôi đánh máy lại không thêm bớt và gởi lại cho anh ấy để so với bản viết tay từ anh. Với anh, cho đến chuyện vãn sau nầy, tôi thấy anh hoàn toàn không nhắc gì đến chuyện chiến tranh hai miền. Có lẽ bảy năm qua trước ngày mất nước. Anh cũng đã nhìn thấy đời sống thực tế ở miền Nam, để anh cầm bút tiếp theo từ đó, với một số sách xuất bản ở Sài Gòn, tạo được tiếng tăm. Trong lời bạt anh có nhắc lại, khuyên là cứ viết theo phong cách của tôi, một lối riêng cho chính mình. Theo anh tôi viết không giống ai và không ai viết giống mình.
Khoảng một tháng sau, anh Xuân Vũ điện thoại bảo tôi gởi gấp cho anh một bài truyện mới để anh giới thiệu trên báo do anh làm chủ bút. Anh có ý giới thiệu mười tác giả anh lựa chọn ở hải ngoại. Không hiểu sao tôi từ chối, một phần vì quá bận rộn trong sinh kế, phần không có thì giờ. Tôi muốn dành thì giờ nghỉ ngơi, ở đây tôi cũng quá bận với bài vở tạp chí mình cộng tác, đèo bồng thêm nữa tôi nghĩ mình không xuể. Tôi thường viết về đêm sau khi đi làm về, cho đến gần sáng, cố gắng dù mệt mỏi.
Vậy đó Trân thấy không. Cái viết đến và sống trong tôi từ thời gian ở tuổi học trò rồi đi liền, viết không ngừng nghỉ cho đến hôm nay.
– Nhưng thấy anh không giống như những văn nghệ sĩ khác
– Cần gì phải giống ai? có gì khác lạ?
– Anh không có đời sống nghệ sĩ, la cà bè bạn để người ta biết đến.
– Ðúng, tôi chỉ là một người bình thường ít ai biết đến ở đám đông. Không giống như các nhà văn, thơ của một thời đi trước.
– Còn Trân, anh thấy không. Trân cần ồn ào, rõ nét, danh xưng.
Ở chốn nầy đây. Trân ngồi đó. Tôi ngồi đây. Một chỗ ngồi quen thuộc. Một người khách bạn. Một chân tình đã bao lâu gắn bó, không hẹn.
– Trân là một kịch sĩ mà, anh biết phải không?
– Tôi có coi Trân diễn trước đây.
– Anh là người sáng tác, lấy đời sống tưởng tượng, tạo nhân vật, cho người đọc tưởng như là thực?
Ngừng lại một chút, đôi mắt tư lự nhìn ở khoảng không trước mặt, giọng Trân trầm xuống. Ðã lâu rồi nhưng Trân nhớ. Ngày đó Trân học diễn, học đủ trò để ra sân khấu mua vui. Cũng từ định mệnh anh ạ. Anh có biết ở thời mới lớn, Trân đã cắt tóc, ở chùa nương náu? Thật vậy sao? Tôi hỏi. Ừ thì sau ngày ở miền Trung di tản vào, mẹ Trân mất, buồn quá, không chốn dung thân nên vào nơi đó mà sống. Tưởng yên thân, cho đến ngày mất nước. Cuộc sống đổi thay, xã hội xáo trộn, cuộc đời ly tán, mỗi người một nơi không biết đâu mà tìm. Ðời sống khó khăn lắm. Cho đến ngày có ông chú, nhà gần chùa. Thấy Trân mồ côi không có thân nhân. Ông gởi gắm cho đi học trường ca múa. Ông ta có chức phận thế nào, làm gì cũng không rõ, chỉ nghe kêu chú Ba, chú Tư. Lúc nầy ai cũng có quyền hết. Không biết đâu là thực, giả. Súng đạn mang theo, quyền uy đầy đường. Với Trân lúc nầy chỉ cần được ở lại để khỏi bị lùa đi vùng kinh tế mới, hay bị hô hào theo kiểu thanh niên xung phong. Anh nghĩ coi, hình dáng mình lúc đó mà xung phong cái nỗi gì. Cái cần trước là có miếng ăn, có sự sống trước đã.
Tôi nhìn Trân, ngậm ngùi trước một đời sống bên ngoài. Còn bên trong anh em chúng tôi cùng thời điểm đó, có khác gì. Mỗi phận người, có khác nhau cũng cùng chung phận số trong cuộc đổi đời. Tất cả mất hết, cuộc sống suy vong, tạm thời hay tệ hại hơn nữa. Ðâu ai biết ngày sau. Chỉ còn tiếng thở dài chung, theo định mệnh an bài.
Ngừng lại một chút. Trân tiếp, nghĩ lại cũng buồn cười phải không. Ðôi khi nhìn lại chính mình rồi tự hỏi. Là mình sao phải đóng vai làm người khác. Có quá nhiều nhân vật vai diễn, cũng chỉ là mình. Vai diễn giả, nhưng phải làm như thật. Ðể làm gì? Ðể cho người khác coi, phê phán. Họ thích mình khóc cười nhập vai. Cái nghệ thuật bắt con người mình sống giả dối để lừa người trước mặt, cái vai giả mình phải làm như thật để sống cùng đời sống chính mình. Có khác nhau không anh, trên sân khấu, trên võ đài, thiên hạ bỏ tiền ra đứng coi người võ sĩ đánh nhau. Anh thấy không, bên bi thương hay tàn bạo, ở về phía nào cũng có tầng lớp người ủng hộ, làm khán giả.
– Có vậy mới làm nên cuộc đời chứ. Tôi nói chen vào.
Trân cười, miệng cười, môi nhếch lên như đồng tình. Tôi nói ở chỗ nầy chúng ta quen nhau. Một tình bạn bâng quơ, chuyện tầm phào thay cho trống vắng. Ðến và gặp nhau như chuyện tình cờ, lúc có lúc không. Không hẹn hò trước, như một thói quen trong tháng. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết về Trân, ngoài hình ảnh một diễn viên trước đây.
– Anh muốn hỏi về đời sống gia đình?
– Ðại khái thôi.
– Ở đây, khởi đi từ chính chỗ nầy, là một chỗ rất riêng của tôi chứ không là của hai người, tôi với anh. Trân làm ra vẻ nghiêm trọng.
Khi nói Trân không nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Ðầu hơi nghiêng, thân mình cúi xuống. Tôi có cảm giác như một thói quen ở người kịch sĩ nầy. Giọng cô với hơi thở nhẹ, tựa như cảnh đời thực với giọng của người chuyển âm.
Anh biết không. Trân mở đầu như thường lệ, với câu anh biết không. Những năm tháng còn ở bên nhà. Anh ấy làm người quét dọn, đôi khi thêm cái việc dẫn chỗ chỉ ghế cho khán giả. Lần đầu gặp anh ấy Trân có cảm giác không giống như những người làm trước đây. Anh ấy có học thức, nói năng nhẹ nhàng chịu đựng. Ðời sống thiếu thốn, rất nghèo vì ở tù cải tạo ra. Anh biết mà, mình sống lớn lên từ thời trước, gặp người phe ta thì dễ đồng cảm lắm.
Lúc nầy ai cũng kiếm sống, cái gì cũng làm, không cần mặt mũi, danh giá gì cả. Cả nước bấy giờ, người dân miền Nam ai cũng bị bạc đãi phân loại, không cho làm cái nầy, không cho học chuyên môn cái kia. Cũng may cho mình, và cũng nhớ ơn chú Ba, chú Tư gì đó, cái ông đứng ra làm cái giấy tay nhận mình là con cháu của người đi kháng chiến, để vào trường cho có cái nghề nuôi thân.
Rồi Trân còn liên lạc với ông ấy sau đó không? Tôi hỏi. Trân lặp lại. Sau đó hả? Hình như ông ấy nghỉ việc, Trân chỉ nghe nói vậy. Nhà nước cấp giấy ghi công, cho thêm mấy công đất, mấy con bò về Hốc Môn hay đất Bình Chánh nghỉ hưu. Nghĩ cũng tội, mấy người như chú ấy thật thà và không biết ăn hối lộ đâu. Nghe nói, ai cho tiền ông ấy còn mang trả lại. Thật là khó tin, nhất là thời buổi bây giờ ở đất nước mình.
Sợ Trân say sưa với thành quả lúc giao thời. Tôi tốp Trân để quay lại, bằng cách nhắc Trân uống nước. Như chợt nhớ câu chuyện tình lý thú dở dang. Trân trở lại vào đề. Anh ấy là sĩ quan, lúc ở tù thì vợ con vượt biên rồi, không liên lạc được, nhất là bây giờ nhà trước kia một nơi, gia đình anh chị chỗ khác. Không có giấy tờ hộ khẩu gì hết. Nghe anh ấy nói mà cảm động. Trân cũng muốn giúp anh ấy lo cái giấy cư trú cho xong. Nghề nghiệp của mình lúc đó, có khán giả thương, có người quen nhờ vả, để không hao tốn nhiều.
Nghe Trân kể, tôi hiểu tình cảnh của anh em lúc ở tù về. Lòng thương hại của người thân quen có đó. Bà con thì sợ liên hệ, sanh vạ lây với người chế độ cũ. Người ta sợ mình. Mình cũng nghi ngờ người chung quanh. Bao năm trong tù xa cách đời sống bên ngoài, giờ trở ra mọi sự đã khác. Người dân họ tập sống như thể nghèo khổ, e dè họp hành, kiểm điểm, kiểm thảo. Ðời sống phân chia giai cấp Bắc-Nam, cũ mới rõ rệt.
Anh biết không. Thời gian hơn một năm sau Trân sống chung với anh ấy. Trân có con cái gì không? Tôi hỏi. Không được đâu. Trân đáp. Phải giữ gìn chứ, Trân còn nghề nghiệp, phải kiếm tiền trước đã. Khán giả có biết Trân lập gia đình? Không đâu, em giấu hết mọi sự. Anh ấy khó chịu lắm, nhất là mấy màn ôm ấp yêu đương, tình lỡ, tình phụ. Anh ấy không cảm thông cho mình.Trên sân khấu chứ phải thật đâu. Ðôi khi anh ấy còn nghi ngờ tình yêu là không thật, bởi ở nhà hay trước khán giả, ở đâu em cũng có thể làm như thực, khó mà hiểu được. Nghe anh ấy nói vậy, có nhiều đêm không ngủ. Trân muốn nhìn lại mình, thật sự là mình còn đó hay đánh mất bản thân? Có lần gây gổ nhau, Trân khóc với nước mắt cho thân phận, nghề nghiệp mình. Nhưng trước bàn phấn trang điểm, nhìn trong gương thấy không phải là mình. Lòng Trân tự nhủ, bỏ hết mọi chuyện. Quên hết đi, đừng khóc. Còn có nghệ thuật, còn có khán giả. Học thuộc vai trò diễn, như lời kinh cầu đọc hàng đêm, phải gắng lên.
Trông Trân lúc nầy có vẻ mệt mỏi, như phải chịu đựng lâu ngày. Anh thấy đó con đường đi qua, đâu phải là không gian truân, trơn tru mọi việc. Lúc ban đầu đâu ai cho mình nhận vai, bước ra sân khấu, chỉ đứng ở cánh gà nhìn ra học hỏi kinh nghiệm. Cả tháng trời như vậy, cho đến ngày có cơ may, có người bệnh, mình mới có cơ hội thay thế. Rồi thời gian từng bước đi lên, cái vòng xoay theo kiểu nghề dạy nghề, tích tụ kinh nghiệm từ người khác qua bản thân, trước khi thành danh. Ðiều quan trọng là phải có niềm đam mê đeo đuổi, và cái tâm chân thật ở mình.
– Trân có tìm thấy hạnh phúc không? Tôi hỏi giọng nhỏ đủ nghe.
– Có chứ anh, vợ chồng mà hôm trước gây nhau, hôm sau làm hoà trở lại.
Rồi cũng yêu thương, tình yêu phải có sự chịu đựng bao dung.
Câu chuyện ở Trân không phải được tải đi một mạch liền lạc. Thật ra những ý tứ nầy được tôi góp nhặt nhiều ngày để viết lại. Chuyện đối đáp ở những bất chợt không đắn đo, chuẩn bị ý tứ. Tất cả như một sự tình cờ.
Tôi không thể trải rộng cuộc đời Trân ra, làm nặng lòng người đọc. Nhưng với Trân thì khác. Cô nàng khóc thật, hay khóc giả vẫn có giọt nước mắt để khán giả lặng lẽ khóc theo. Chắc một điều là, thân phận một người đàn bà vượt qua bao nhiêu nghịch cảnh, chịu đựng sự khốn cùng lẻ loi, trong lòng Trân ắt hẳn cơn sầu thảm đã sẵn chực hờ, để khi cần thì có nước mắt rớt rơi. Cô ấy phải chuẩn bị tâm trạng, bao nhiêu là khổ lụy đời sống cá nhân, có khi là cái chết của người thân để lòng mình rung theo tiếng nấc. Ðó là điều tôi nghe được ở tháng ngày nầy, từ một tâm tình rất thực.
Không như tôi, tôi chỉ là một người, nhà văn hay gọi là người cầm bút, gọi gì cũng được. Tôi không bị áp lực, bởi vì trước mắt không có độc giả đang theo dõi. Sự thôi thúc ở đây chính là nhân vật, là câu chuyện tôi đang dẫn dắt bạn đọc. Ý tưởng thành hình và thói quen ngồi trước bàn viết, phải viết cho xong. Ðôi khi không biết viết gì? Cứ ngồi xuống, viết ra những điều không biết viết. Khi đã bắt đầu thì sẽ có kết thúc. Cứ thế như một thói quen. Tôi đã đeo đuổi từ tháng năm còn ngồi ghế nhà trường. Ban đầu tôi không biết cái gì gọi là đam mê. Chỉ thực tế một điều là tiền. Tôi muốn kiếm ra tiền, Tôi muốn chứng tỏ với người chung quanh, dù ở tuổi học trò trung học tôi vẫn có thể làm ra tiền. Dĩ nhiên tôi không có tham vọng lớn, không biết làm giàu ở tuổi trẻ chưa bước ra cuộc đời. Nhưng ít ra số tiền trả nhuận bút, cho công lao lấy bớt thì giờ học tập, cũng giúp tôi trang trải cho sinh hoạt bản thân mình, cho mình chút niềm vui. Tôi phải làm người lớn dù ở tuổi chưa có căn cước. Tôi phải đọc sách nhiều, bất cứ loại sách nào, tạo cho mình kiến thức, hiểu biết. Không có trường lớp nào dạy tôi tập viết. Không có đàn anh nào giới thiệu tôi bước vào văn đàn, viết được trả tiền. Ðời sống tự thân tôi lo liệu. Có thiếu thốn có khổ đau, có nghịch cảnh tạo ra mình như thế nào, tôi sống như thế đó, vươn lên. Sự thành công có được từ trải nghiệm chính mình. Viết với tôi như một thói quen. Cái thói quen lâu ngày, thường xuyên đó, phải chăng là nghiệp, từ ngữ mà người tu học thường hay dùng. Nhưng nếu có phải chọn lựa, thì chắc tôi không chọn lựa nghiệp văn chương. Chính nó tự đến và ở lại.
Tôi cảm nhận một điều là cuộc đời của người cầm bút dài lâu, đi qua nhiều khổ đau, bất hạnh. Tôi không có khả năng làm giàu, phong phú cho cuộc sống gia đình, họ hàng, so với những người tài giỏi khác. Nhưng nếu chối bỏ thì cũng có chút đắn đo, bởi ở thế giới nầy, chúng tôi có một đời sống tinh thần, có bạn bè cầm viết, có độc giả, dù không có dịp gặp, nhưng rất thân tình quen biết, qua chữ nghĩa ở một không gian trải rộng. Dĩ nhiên ở lãnh vực nào cũng có tốt xấu, như bàn tay với hai bề trên dưới. Có phe đảng, có gièm xiểm, có chia cắt tình thân, có buồn vui, có vừa ý hay không thuận lòng. Bên những mọi sự không tốt lành xảy ra, trong tôi, tôi vẫn có niềm an vui với chính mình, bởi ngoài cái khả năng đang có, tôi không có cách sống nào hơn, để biến nó thành thi vị cuộc đời.
Anh nầy. Trân gọi tôi, gây sự chú ý trước khi cô nàng hỏi.
– Người viết văn có nước mắt như người diễn viên không anh?
– Làm người ai không có cảm xúc.
– Vậy thì có lãng mạn không?
– Lãng mạn qua tâm tư chính mình để người ngoài khó nhìn thấy, tốt hơn, chứ ngông quá, trông lố bịch. Theo tôi dù nhà văn, nhà thơ có nổi tiếng đến độ nào đi nữa, nhân cách vẫn là điều để tôi kết bạn.
– Vậy là anh khó tánh hả?
– Ðiểm nầy thì tôi cũng không biết trả lời.
– Anh nầy, không nói ra nhưng chắc chúng ta cùng một trường hợp đến xứ người ?
– Tôi cũng nghĩ vậy.
– Cũng ngộ anh hả? Người Mỹ bỏ rơi mình, rồi chính họ lại cứu vớt kiểu nhân đạo nầy, trong đó có Trân được ăn theo.
Câu nói Trân được ăn theo, là việc Trân theo chồng, người đàn ông có hôn thú với Trân, tháng năm sau khi ra tù. Vậy mà hàng bao lâu tôi không được gặp người đàn ông đó lần nào nơi chốn nầy. Lúc đến đây Trân vẫn một thân một mình, mang ly cà phê sang chào và ngồi đối diện, nói chuyện mưa nắng. Quán nước nầy có thể là nơi gần chỗ với công việc Trân? Ðời tư nhau tôi không tiện hỏi, xen vào chia sớt. Chỉ có lần vui miệng Trân kể thôi.
– Thật ra thời gian đầu mới sang, dù cực khổ để bắt đầu làm lại, nhưng hạnh phúc còn đó. Anh ấy đi làm, Trân cũng kiếm việc khác, con đường kịch nghệ thỉnh thoảng có thôi, làm bổn phận người vợ lo việc nhà thì nhiều. Gần mười năm sau, tuổi đời anh ấy cũng đã lớn. Anh biết không ở tuổi trung niên, tuổi tác không thấy chênh lệch bao nhiêu, nhưng qua rồi giai đoạn đó, thể xác và tinh thần sức khoẻ khác nhau rõ rệt. Anh ấy hầu như đổi tính, trầm lặng ít nói, ghen tuông thì không có, nhưng lạnh lùng nhiều hơn, ngồi lâu hàng giờ như có điều khó xử. Linh tính ở người đàn bà, vai trò người sống với kịch bản cho phép em tiên đoán có điều gì sắp xảy ra.
Ðó là cái hôm anh ấy dẫn về một trai, một gái nói là con anh ấy. Trân sững sờ, nhưng cũng dằn lòng tiếp chuyện. Anh biết không, như vậy cả năm nay anh ấy âm thầm tìm lại người đàn bà năm xưa và đám con lưu lạc của anh ấy. Hoá ra điều khó xử là bây giờ anh ấy muốn quay về với gia đình cũ, ở đó anh có đàn con, có người đàn bà năm cũ trở lại. Ngày xưa, ở trong tù ra anh oán hận vì bị phụ bạc, còn bây giờ lúc về hưu anh ấy muốn có đời sống thanh bình, bỏ hết, tha thứ hết, để có lại tất cả. Khi mà lúc nầy, tình nghĩa bảo bọc vẫn là ngôi nhà trống lạnh, người đi người về gặp nhau qua điện thoại. Anh ấy lại sống nhiều với ký ức ngày cũ, ở một thời còn chất liệu anh hùng, được trọng vọng. Còn đến với Trân là những ngày gian khổ, chịu đựng, cúi đầu mà sống. Biết là không thể cản trở, chỉ còn nước yên lặng, lớn chuyện chỉ thêm gây gổ. Anh ấy lớn tuổi có suy nghĩ để lựa chọn hạnh phúc, tùy anh ấy. Phần mình, lòng Trân cũng nguội theo thời gian chịu đựng. Hồi trước mình sống với cái tôi của mình và cái tôi ở vai diễn, nhưng vẫn là một lúc nguyên hình. Còn anh ấy bây giờ chia ra trong tuần đi về hai chỗ hai nơi. Vẫn là một con người, nhưng thật tự nhiên ở hoàn cảnh tương phản đối xứng. Anh ấy đâu cần diễn, anh sống với tuổi về chiều, như người qua đường dừng chân nơi quán trọ. Phải chăng tuổi tác, suy sụp tinh thần khiến anh ấy muốn tìm về đời sống đã mất trước kia. Trân mỗi ngày, mỗi tháng phải nhìn anh ấy diễn thầm lặng, tự nhiên từ một kịch bản tái hiện nhàm chán. Trước đây Trân làm khán giả khóc cho mình. Còn bây giờ nước mắt người diễn viên khóc thật, khóc uất ức, khóc vì bị hờ hững, khóc từ đáy sâu tâm hồn.
Sự chịu đựng nầy kéo dài được bao lâu, khi mà cánh cửa khép lại. Ngôi nhà thuê nhiều năm qua, vẫn là nơi chốn cũ. Ở đó có mối tình sau cuộc chiến, của người chiến binh trở về, tương lai mất hết. Người đàn bà bên rèm kia là người nữ của tuổi thơ một thời chạy giặc nhà tan cửa nát, ly tán gia đình. Cái đời sống khốn cùng, hạnh phúc nhỏ nhoi được mang qua xứ người để vươn mầm, cho đến cuối đời. Nhưng không, thực tế ngày sau lại khác. Người đàn ông không bỏ đi. Anh ấy chỉ quay lưng, đơn độc nhìn về một hướng. Ngôi nhà cửa mở, nhưng rèm vẫn buông, đèn đêm vẫn thắp sáng âm thầm.
Hôm nay Trân không thấy đến. Nhớ lại chuyện qua tôi tưởng như Trân đang có mặt. Với nguyên tắc là không hẹn, nên không thể biết lúc nào. Từ lúc sang đây Trân ít khi làm diễn viên. Trân chuyển qua nghề chuyển âm, để một lúc có thể giữ nhiều vai hơn. Tôi biết thêm chi tiết nầy.
Tôi vẫn ngồi đây. Lặng lẽ không tiếng nói bao quanh. Ánh nắng buổi trưa hắt vào soi nghiêng. Bóng chiếc ghế cũng theo đó kéo dài.Tự dưng tôi thèm nghe tiếng nói, giọng điệu cũ. Nhưng trước mặt, cái ghế Trân ngồi không ai. Cái khoảng trống trước mặt, nhìn xa vào khoảng không, gợi lại chút hắt hiu nỗi niềm cũ. Bắt đầu từ lúc vào truyện là tiếng nói của Trân. Tiếng nói mà giờ đây nếu cần mở lại bộ phim là có. Nhưng không phải là Trân với một đời sống riêng dành cho người đối diện, một nhân vật trong tác phẩm tôi. Ở lại gần bên, tôi sẽ dành cho Trân tiếng cười, bù đắp những ngày thơ ấu xưa, phai đi hình ảnh chết chóc trong cuộc di tản kinh hoàng. Như tôi cũng sẽ không nhớ những thương tích trong trận đánh, không giữ lại hận thù năm xưa. Tất cả sẽ quên như Trân nói. Căn nhà xưa đóng lại. Mối tình dang dở sẽ không còn là nỗi đau, khi đàng sau thực tế hiển hiện vẫn là mình, là ngày xưa đâu có ai bên cạnh để chở che. Danh vọng bao năm được người ngưỡng mộ, thật ra người ta cảm thông đau xót, thương yêu, chỉ là con người trong vai trò buổi diễn, chứ không cho chính ta, đừng hoang tưởng mọi người tôn kính mình.
Truyện tôi viết không cần bối cảnh, hình tượng. Chỉ có tiếng vọng âm thanh, để người nhận rõ vai trò, vị trí. Trân phê phán vậy. Tất cả chỉ có nội tâm, tiếng nói từ đó, làm người đối thoại. Không có cách giải quyết khi kết thúc. Tôi không bắt người đọc phải coi đó là đời thực tôi đang viết. Có thấy có tưởng mình trong hoàn cảnh, nhân vật đó là mình, chỉ là điều bình thường. Ðiều tôi muốn là sự cảm động qua câu chữ, qua ánh chiều của sự cảm thông, qua lẫn lộn được nhìn thấy ở mỗi người nghĩ khác nhau.
Tôi đưa Trân vào truyện, cho Trân thấy ở đó có tính thực hay hư cấu, như ở nghi vấn đặt ra đời sống của người cầm bút lẫn trong cuộc sống đời thường. Có khác gì trên màn hình điện ảnh, nó đổi thay thoáng chốc, như năm tháng không chờ ai, hay ở lớp lang trình diễn, tự hiểu khi cánh màn khép lại.
Có phải khi tôi đứng lên, lay động cái ghế ngồi nầy. Mọi việc sẽ khác. Cứ giả dụ người đàn ông vẫn sống trong ngôi nhà cũ, ra đi và trở lại trong tuần, chia đôi cái tình không ghét không thương. Nhưng Trân không chịu vậy. Trân muốn sự trọn vẹn, và Trân biến đi.
Tôi vẫn nghe giọng Trân ở phần chuyển âm, là vai cô gái ngây thơ mới bước vào đời. Truyện tôi cũng bắt đầu bằng sự giản đơn chân thật, rồi đi vào cái vòng lẩn quẩn đó. Cuộc đời đứng lại, trụ chân, nhưng ở tôi, ở Trân ở nhân vật, là sự xoay quanh không ngừng nghỉ. Dẫu có lặng lẽ thế nào, bên ngoài cái hào nhoáng khó hiểu đó, ở trong, ở nội tâm chính mình vẫn có tiếng khua, tiếng va chạm, tiếng thổn thức. Không ai hiểu hơn chính mình, không ai chia sẻ được nỗi đau. Không ai khóc giùm giọt nước mắt, ngăn lại không rớt rơi. Nếu phải so sánh ở người diễn viên với người cầm bút. Nếu phải cảm nhận sự sống trong cuộc sống nầy, không ai nhìn thấy, dù mọi sự cũng như nhau, để rồi qua đó là sự hờ hững không bận tâm.
Có thể ngày mai tôi sẽ không ngồi ở vị trí nầy. Chỗ ở đây là tháng ngày êm đẹp của Trân và người đàn ông dở dang. Chỗ ngồi của tôi sẽ thay bằng người khách lạ, biết đâu còn có thêm nỗi buồn phiền khác.
Hoài Ziang Duy