Trong những bài viết về ký ức tuổi thơ, tôi thường hay nhắc đến “tuổi thơ êm đềm” trong thời gian gia đình sống tại Sài Gòn. Thế nhưng tại Đà Nẵng anh em chúng tôi – nhất là tôi- mới thật sự được hưởng cuộc sống của “tuổi thần tiên”.
Gia đình chúng tôi đổi ra Đà Nẵng năm 1957 theo nhu cầu công vụ của bố tôi sau khi ông đi du học tại Pháp về. Cư xá “Lữ Đoàn Bác Ái” là nơi cư ngụ đầu tiên của gia đình tại Đà Nẵng và Phan Thanh Giản là ngôi trường tôi bắt đầu vào học lớp Ba. Những tháng đầu tiên, ba anh em tôi thật khổ sở với môn Chính Tả vì không nghe quen những từ, ngữ và cách đọc dấu giọng rất lạ của các thầy cô người miền Trung.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó gia đình tôi dọn vào ở trong cư xá Thanh Lịch. Đây mới chính là giai đoạn “bắt bướm hái hoa” đúng nghĩa. Chung quanh các dãy nhà cho gia đình các Sĩ Quan ở trồng đầy hoa tươi nên một trong những trò chơi của tôi và cô em kế là nhẹ nhàng đi đến các đóa hoa để tìm bắt những chú bướm đang mải mê hút nhụy, tóm lấy đôi cánh, bỏ vào lòng bàn tay rồi thả ra để ngắm chú bướm tung cánh bay lên như trong bài hát “Kìa Con Bướm Vàng”. Qua khỏi hàng rào sơ sài là những bãi cỏ đầy hoa dại và những luống khoai, sắn mà đã có lần ba chị em cùng lũ bạn đào trộm mấy củ khoai lang nhỏ như ngón chân cái. Về nhà nhờ chị giúp việc nướng cho ăn thì bị bà ngoại tôi bắt gặp và lời khuyên của bà lúc nào cũng có câu kết là: ”Đừng làm vậy, phải tội chết con ạ!”. Bà ngoại lại có biệt tài đã giúp chữa lành cho rất nhiều người các thương tích như gãy xương, bong gân rất hay. Tôi là đứa cháu chuyên giúp bà ghi tên các toa thuốc để bà đi mua tại các tiệm thuốc bắc. Tài nghệ này được truyền lại từ mấy đời. Rất tiếc đến đời mẹ tôi đã bị thất truyền!
Thời gian sống trong cư xá Thanh Lịch là bước khởi đầu cho tài nghệ vẽ vời của cậu em trai. Vào lúc đó đề tài về các nhân vật trong những tranh hoạt họa như Hercule, Tarzan, chàng cao bồi Lucky Luke rất được trẻ con say mê theo dõi. Mấy chị em tôi sau giờ học là tập họp đám con nít gần nhà lại để cậu em vừa vẽ trên nền xi măng vừa thuyết minh câu chuyện giả tưởng về các nhân vật trên đây rất hào hứng. Những mẩu phấn trắng thu lượm từ lớp học không đủ, chúng tôi phải tìm nhặt các cục đá sỏi trắng nhỏ đem về cho họa sĩ minh họa. Một lần cả đám đang sưu tầm đá sỏi trắng dọc đường, thấy ngay mấy cục trắng trắng trước mặt, giành nhau chụp vội lấy. Ai ngờ đó là chất thải đã bị khô lại của mấy chú cún!
“Tuổi thần tiên” của chúng tôi được bảo bọc trong sự yêu thương của bố mẹ. Tôi còn nhớ mẹ tôi đã thuê xích lô chở bốn anh em tôi đi xem một trong những bộ phim hoạt họa của WalDisney rất nổi tiếng thời bấy giờ là phim về chú nai “Bambi”. Tuy nhiên mẹ còn bận công việc nội trợ. Anh cả lại cũng không thích xem phim mấy nên chỉ có tôi là đứa con được bố cho đi xem phim nhiều nhất. Các bộ phim đã giành được vị trí cao trong nghệ thuật phim ảnh như “Gone With the Wind, Dr. Zhivago, Cleopatre, Ben Hur, War and Peace, Seven Samurai, The Longest Day, The Kwai River…” cùng một loạt tập phim Hercule, Tarzan tôi đã được đi xem cùng với bố tại Đà Nẵng. Sau này khi vào lại Sài Gòn thậm chí là đến lúc sắp lập gia đình tôi cũng vẫn còn đi xem với bố hai bộ phim tại rạp Rex là “My Fair Lady” và “Chân Trời Tím”.
Bố rất chiều các con. Thời đó các bản nhạc còn được thu vào những đĩa nhựa, khi thấy tôi cứ hát nghêu ngao bài “Ai Về Sông Tương” mà không thuộc lời, bố đã kiên nhẫn ngồi nghe đi nghe lại để ghi xuống bài hát đó cho tôi. Tuổi thơ của tôi thấm đậm tình yêu văn chương, thi ca và âm nhạc từ nơi người cha thân yêu. Mặc dù Đà Nẵng cũng là thành phố biển với những bãi biển đẹp như Thanh Bình, Mỹ Khê, Tiên Sa nhưng cũng còn xa nơi cư ngụ. Cho nên khi thấy cô em gái thứ năm của tôi cứ gầy yếu, xanh xao, bố liền thu xếp công việc để đưa cả nhà ra Nha Trang trong một tuần lễ tại một ngôi nhà chỉ cách bãi biển một con đường, do chính phủ Pháp để lại làm nơi nghỉ mát cho gia đình các Sĩ Quan. Nhờ vậy cô bé sau này hay ăn chóng lớn hẳn ra.
Bên cạnh những trò chơi ở ngoài sân, vào trong nhà chúng tôi còn có những trang sách báo thiếu nhi để đọc. Đây cũng là những đề tài truyền cảm hứng cho cậu em sáng tác các truyện kể bằng tranh vẽ dành cho các bạn thính giả và độc giả nhí của mình. Đọc chán những sách báo này tôi còn lục lọi để đọc những sách viết của bố tôi. Tôi nhớ mãi một lần khi các bản thảo viết tay được bố cất lên ngăn sách trên cùng. Thế mà cũng bị tôi bắc ghế trèo lên lôi xuống làm đổ tung tóe ra nhà. Tôi sợ lắm, hồi hộp chờ đợi sự trừng phạt. Thế mà bố chỉ nhẹ nhàng trách mắng. Nhìn bố ngồi hàng giờ đọc để xếp lại và cẩn thận viết số thứ tự từng trang, tôi cảm thấy ân hận và thương bố quá!

(Trường Sao Mai Đà Nẵng 1959 – 1975)
Trường Trung Tiểu Học Sao Mai khởi đầu do Linh Mục Lê Văn Ấn (sau này ngài làm Giám Mục địa phận Long Khánh) làm Hiệu Trưởng là ngôi trường thân yêu nơi tôi theo học tại đó trong ba năm và đã cùng các bạn trong đó có hai bạn thân nhất là Anh Lan và Hạnh. Bộ ba chúng tôi đã trải qua những kỷ niệm đẹp nhất: từ những buổi tham gia văn nghệ Tết dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Khắc Tuần là người đã sáng tác bản ”Sao Mai Hành Khúc” với lời mở đầu: ”Sao Mai trường thân yêu bên dòng sông soi bóng. Đây bức tranh muôn màu, hoa lá như tươi cười, chan chứa một niềm vui…” Cho đến những lần đi cắm trại tại núi Non Nước, Ngũ Hành Sơn. Sao Mai cũng là ngôi trường mà bố đã nhận dạy môn Việt Văn cho hai lớp Đệ Nhất và Đệ Nhị trong một niên khóa.
Chúng tôi lại cùng trong đội dâng hoa trong tháng Đức Mẹ tại nhà thờ Hòa Vang. Bên cạnh nhà thờ Hòa Vang, mẹ đã mở trường Tiểu Học Thánh An Tôn.
Tuy nhiên kỷ niệm hồn nhiên, dễ thương nhất khi gia đình tôi dọn về căn nhà mà do công lao mẹ tôi đã chi tiêu hết sức tiết kiệm dành dụm để xây dựng một cơ ngơi gồm một ngôi nhà khang trang và nhiều mẫu đất ngay bờ sông Hàn gần cầu Trịnh Minh Thế. Tại đây sau giờ tan học, Hạnh và Anh Lan đạp xe đến nhà tôi đem theo trên xe đạp của mình hai ống lon sữa bò được cột dây vào hai bên một cành cây làm thành cái đòn gánh nhỏ. Ba đứa chúng tôi đều có cái gánh toòng teng hai ống lon trên vai, xắn cao ống quần qua đầu gối cùng nhau ra bờ ao bên cạnh nhà để bắt cá. Một lần đang hăng say nhảy xuống ao để bắt cá thì mấy con đỉa tung tăng xuất hiện. Ba đứa bị đỉa rượt vất cả mấy ống lon trôi lềnh bềnh lo chạy thoát thân!
Đến mùa mưa, có lần sau cơn mưa lũ, nước từ sông Hàn dâng lên mấp mé nền nhà. Mấy anh em cùng chị giúp việc lội nước để vớt cua rạm. Cua rạm tươi được mẹ giã nát, nấu canh với rau sam hay rau đay ăn chung với cà ghém muối. Cùng với tô canh nóng hổi, cua rạm tươi rang mặn hay sốt cà chua là những món ăn ngon tuyệt trong kỷ niệm tuổi thơ của tôi.
Ngôi nhà này vừa xây xong là bố tôi được đi du học một năm tại Mỹ và đây cũng là nơi “chôn nhau cắt rốn” của cô em thứ sáu. Những ngày mùa đông lạnh lẽo chúng tôi ngồi ủ mình trong chăn êm, cùng đọc kinh tối với mẹ và bà ngoại rồi êm đềm đi vào giấc ngủ. Lòng mộ đạo của tôi gắn liền với những lần cùng mẹ đi lễ, đi hành hương tại thánh địa La Vang. Nhất là những buổi tối đọc kinh gia đình cùng với những bài vè ”Hạnh Các Thánh” mà bà ngoại vẫn đọc thuộc lòng cho tôi nghe.
Ôn lại những kỷ niệm tuổi thơ của bản thân tôi thấy một đứa trẻ để có được một tuổi thơ thần tiên hay bất hạnh tùy thuộc vào ba yếu tố: gia đình, học đường và xã hội. Trong đó gia đình là yếu tố căn bản hình thành phẩm hạnh và nhân cách của một con người. Chúng tôi vô cùng may mắn đã có được hai đấng sinh thành đã hết lòng săn sóc và yêu thương. Chúng con luôn ghi khắc trong tâm khảm hình ảnh người mẹ rất mực đảm đang, tháo vát đã tảo tần buôn bán để phụ giúp vào đồng lương thanh bạch của bố. Trong những năm tháng dài tăm tối, mẹ đã nhịn ăn, để dành từng tán đường, từng miếng thịt kho mặn, từng lát bánh mì phơi khô. Mặc dù bị mất hẳn một chân do đạn pháo kích ngày 30 tháng Tư 1975 mẹ vẫn lặn lội đi thăm nuôi bố trong sáu năm trời bị tù đầy tại trại Suối Máu. Mẹ đã cặm cụi nấu từng bữa cơm cho các con ăn sau những giờ vất vả miệt mài làm nghề sơn, vẽ bằng bút điện trên guốc mộc. Nghề này do cậu em khởi xướng đã giúp cho kinh tế gia đình đứng vững trong thời gian lao tù của bố tôi.
Sau khi được trở về nhà, thấy tôi vẫn còn bị trầm luân khổ ải, một mình nuôi con, bố thường xuyên qua thăm các cháu và khuyến khích tôi. Bố luôn nhắc đến điển tích “Tái Ông Mất Ngựa” để cho tôi được thêm lạc quan và ông đã quả quyết rằng ”Nếu người Pháp khi rút lui khỏi Đông Dương vẫn lo cho nhân viên của họ, thì thế nào người Mỹ cũng sẽ can thiệp để cho những người tù nhân được trở về và hy vọng là sẽ được ra đi.” để cho tôi có thêm hy vọng mà vui sống.
Quả nhiên bố có những suy đoán rất đúng. Thảm cảnh của những tù nhân trong các trại “cải tạo” và những câu chuyện cùng với cái chết bi thương của hàng triệu người dân Việt liều thân đi tìm sự sống trong nỗi chết đã làm rúng động lương tâm nhân loại. Chính phủ Mỹ đã phải kiên nhẫn điều đình với chính quyền cộng sản VN trong suốt tám năm trời (1982 – 1989) mới đưa được những tù nhân là các sĩ quan, viên chức VNCH ra khỏi các trại khổ sai để được đi định cư tại Hoa Kỳ.
Ra khỏi tù không bao lâu thì bố tôi bị giải phẫu để cắt đi 2/3 dạ dày do bệnh ung thư bao tử. Ung thư tái phát trong thời gian chờ để được đi định cư. Tuy vậy với ý chí quyết duy trì sức sống mãnh liệt, bố đã chống chọi với tử thần để đưa được đàn con qua Mỹ với thân hình như bộ xương khô!
Trách nhiệm đã hoàn thành, bố tôi ra đi sau khi đến được Mỹ chỉ vài tháng!
Công ơn cha mẹ kể sao cho xiết, chúng con chỉ biết tạ ơn Thiên Chúa vì đã được làm con của bố mẹ. Và muôn đời chúng con ghi nhớ “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra .”
Lê Phương Lan