User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
nhansinhhaxuahn
Tranh Hoàng Nga
 
Hữu duyên thiên lý lai tương hội
Nhân sinh hà xứ bất tương phùng
 
Con bé bảo mẹ còn cái valise mang qua lần trước. Rồi xoay lại bảo chồng mang lên lầu cho mẹ. Mở ra. Cái valise đựng toàn quần áo mùa đông. Cái nào cũng dày và nóng đến phát điên giữa mùa nắng gắt hơi. Nàng cười, nói thảo nào chúng không được “hồi hương” về Nam bán cầu năm ngoái. Con bé lại hỏi mẹ cần con phụ giúp gì không. Đáp không. Nhưng rồi con bé cũng vào giúp mẹ soạn đồ đạc. Lần này, hành trang nàng mang theo chỉ gồm hai valise, một quần áo, một thức ăn đông lạnh mang lên từ Bolsa. Tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống mới ở nơi đây, nàng đã chuyển sang từ những lần đi từ trước. Nàng nói với con, mẹ còn để dưới kia một mớ album và sách vở, khi xuống lấy, chắc là mẹ sẽ mang thêm thức ăn lên. Con bé bật cười, bắt đầu từ bây giờ mẹ bắt đầu giống bà già nhà quê, đi chơi xa, sẽ lục đục tay xách nách mang, khệ nệ đủ thứ đồ ăn thức uống về nhà cho bõ tiền vé máy bay.
 
Nàng cười theo con. Con bé nói tiếp, nhưng bắt đầu từ bây giờ, giữa hai mẹ con mình sẽ không còn cảnh chia tay và đợi chờ. Nàng gật đầu đáp, vì vậy mẹ đã mang đi hết tất cả những gì còn lại ở bờ bên kia. Nàng chậc lưỡi, mẹ mập ra, quần áo vất đi gần hết, đồ đạc cũng không mua sắm thêm nhiều trong thời gian ở đó, và cũng bỏ vô số thứ riêng tư khác vậy mà hành trang vẫn nặng trĩu. Con bé quay lại nheo mắt, thế mẹ có vất hình cưới và hình ảnh có dính dáng đến bố không. Nàng cười, phải để lại cho vui chứ con. Và tiếp, giờ mẹ thương bố như thương một người đáng tội nghiệp.
 
Con bé lấy một món đồ từ valise nàng ra, đặt xuống giường, ngước lên nhìn mẹ. Mẹ tội nghiệp bố như thế nào? Nàng nhìn lại con. Mẹ tội nghiệp bố suốt đời cứ thèm khát bờ cỏ xanh bên kia chân đồi, chẳng biết đến bao giờ mới vỡ ra được ý niệm sống là phải chiến tranh cật lực ngay cả với chính mình mới có hạnh phúc. Con bé thở ra, khi có con rồi, con cũng thấy tội nghiệp và thương bố giống hệt như vậy. Đôi lúc con có cảm tưởng bố tựa như một người chưa trưởng thành. Nàng gật đầu. Bố đúng là một người như vậy thật.
 
Con bé nhắc lại thời gian mẹ con nàng còn ở lại quê nhà. Nàng chép miệng. Cái khoảng cách sáu năm xa nhau, khiến bố không tưởng tượng được con lớn như thế nào, ngày gặp lại, bố cứ cư xử với con như con vẫn một, hai tuổi. Con bé chớp mắt, sáu năm xa nhau, kể cũng lâu, phải không mẹ? Nàng ừ. Ngày đó không có skype, không internet. Cũng không điện thoại. Thư từ thì không thể tỏ bày hết nghĩ suy và tâm tình của hai bên, nên khi gặp lại mẹ và con, bố không biết phản ứng thế nào cho đúng. Con bé bật cười. Nhưng ngay cả đến lúc con lấy chồng, nói chuyện với bố, con thấy vẫn thế. Nàng cười theo. Con bé nói, con tội nghiệp bố vì chính bố đã không biết học cách để thích nghi với những thay đổi.
 
Nàng gật đầu. Mẹ còn nghĩ sự đòi hỏi những điều hoàn mỹ làm bố khổ. Con bé nói. Con cũng có cảm giác bố không biết cái thế giới của mình ở đâu. Nàng im lặng. Con bé im lặng theo, cho đến lúc nhìn thấy một tấm hình rơi ra từ mớ giấy tờ cũ của nàng. Con bé tần ngần cầm lên xem. Chau mày, và rồi cao giọng, ngạc nhiên. Ủa, con đây sao? Bố đây sao? Nàng nghiêng mặt ghé mắt nhìn vào tấm hình. Ừ, con đấy, bố đấy. Con bé kêu lên. Ơ buồn cười nhỉ. Và giọng đổi sang như reo. Buồn cười thật đấy, con giống bố đến sợ mẹ ạ. Nàng cười. Ừ, giống đến sợ thật. Nhiều người không biết bố, thoạt nhìn hình con, cứ bảo con có nụ cười giống mẹ, nhưng đến khi biết bố hoặc nhìn thấy hình bố thì lại khẳng định con không giống mẹ tí nào.
 
Nàng nói thêm, nửa đùa nửa thật, giống lắm đấy, nhưng mẹ mong là con đừng quá lạnh giống như bố nhé. Và nàng ngước lên nhìn con, cười, con nhé, đừng lạnh quá nhé. Con bé cười đáp, sau cái chậc lưỡi và lắc đầu. Mẹ biết rồi, con bình thường vẫn lạnh mà. Nàng bảo, ừ lạnh thì lạnh, nhưng đừng quá lạnh. Mẹ lạnh, bố lạnh, sống với nhau buồn quá con ạ.
 
Vừa nói nàng vừa nghĩ đến kỷ niệm ngày đầu tiên nhận được món quà sinh nhật từ người con trai yêu nàng ngày xưa. Cái món quà... Một chiếc vỏ ốc trắng thật lớn. Thật đẹp. Nằm lấp lánh giữa miếng giấy thấm màu đỏ sậm, đựng trong chiếc hộp giấy tự làm từ mảnh carton nào đó. Cái món quà..., không được mua bằng tiền, cũng không có giá trị gì, nhưng nàng nhớ nàng đã thích vô cùng. Bởi thời thơ trẻ nàng sống tại một thành phố biển. Những ngày hè ngập nắng của nàng lao xao sóng vỗ. Hắn cũng sống ở một thành phố biển. Không cùng thành phố của nàng nhưng cũng có những ngày hè lửa trại thâu đêm để nghe tiếng sóng rì rào vỗ vào ghềnh đá. Hắn và nàng đã yêu nhau bắt đầu từ những gần gũi, quen thân ấy.
 
Nhưng cái món quà, lẽ ra khi mở ra, hiểu cạn tâm tình hắn dành cho mình, nàng phải nói một điều gì đó. Không cần lãng mạn, không cần tình tứ. Nhưng lẽ ra, thay vì ân cần, trân trọng, chẳng hiểu sao nàng lại bật ra câu hỏi, tại sao lại là vỏ ốc.
 
Tại sao lại là vỏ ốc. Một câu hỏi thật tầm thường, thật lạnh nhạt. Thật quái đản. Vậy đó, mà nàng đã hỏi, đã nói ra. Nhưng hắn, thuở hai người còn xưng hô với nhau là cậu, tớ ấy, đã đáp lại, để cậu nghe tiếng sóng vỗ, tiếng đại dương ngoài khơi xa. Về sau này, nhất là khi không còn chung đôi nữa, nàng vẫn tự hỏi, không biết có phải vì hắn là người luôn luôn thích đi xa, ước ao được đi xa, khi nghe những từ ngữ sóng vỗ, đại dương, lẽ ra thay vì xúc động, nàng lại không cảm thấy yên lòng, nên nàng đã phản ứng khờ dại như vậy hay không. Và nàng cũng tự hỏi, không biết có phải cái thế giới chung quanh hắn và nàng thuở đó quá chật hẹp, quá bé nhỏ, cuộc sống lại quá khó chịu, nên tình yêu của hắn và nàng ngay từ đầu đã èo uột như một đứa trẻ thiếu dinh dưỡng như vậy hay chăng.
 
Nàng nhớ lại thuở hai người chưa cưới nhau, rất nhiều lần hắn ngước mặt lên hàng cau nói bâng quơ, “cuộc sống này...”.
 
“Cuộc sống này...”. Hắn chỉ nói như vậy rồi ngưng ngang. Hắn không có thói quen bày tỏ, nhưng câu nói ngưng ngang ấy đã nói lên rất nhiều. Hắn không hài lòng cuộc sống. Không hài lòng bất cứ điều gì chung quanh cái đời sống ấy.
 
Bất giác nàng bỗng bật cười một mình. Không hài lòng bất cứ điều gì... Nàng chợt nhớ đến khi hắn và nàng lưng chừng vào tuổi ba mươi, thỉnh thoảng hắn cũng còn lập lại ý ấy, và cũng ngưng ngang như thế. Hắn đúng là không hài lòng bất cứ điều gì thật. Mùa đông trơ trụi, mùa thu tàn tạ, đất trời thay đổi đâu có phải là lỗi của hắn, hắn vẫn héo hon, phiền muộn. Khi còn trẻ, lúc còn ở tại quê nhà, hắn không hài lòng cuộc sống vì cho rằng người chiến thắng đã giết chết những giấc mộng thời thơ ấu của hắn; nhưng lúc thoát ra khỏi đất nước, có trong tay nhiều điều có thể thực hiện đưọc mơ ước của mình, chừng như hắn vẫn không thấy đời mình vui hơn...
 
Nàng ngước mắt lên nhìn con. Nói:
 
- Cũng có thể là mẹ đã làm bố bị tổn thương. Cũng có thể mẹ không phải là người đàn bà đứng sau lưng bố để giúp bố bước đi vững chãi hơn.
 
Con bé nhìn lại nàng:
 
- Hôn nhân thất bại, chưa bao giờ con nghe mẹ đổ hết lỗi cho bố.
 
Nàng cười. Thì hẳn mẹ cũng phải chịu trách nhiệm phần nào đó chứ con. Con bé im lặng một lúc. Rồi hỏi:
 
- Thời gian về sống ở miền Nam bán cầu, có bao giờ mẹ nghĩ đến chuyện đi thăm bố?
 
Không. Nàng đáp. Con bé nhìn nàng:
 
- Thế mẹ có ở gần chỗ bố?
 
Nàng lắc đầu:
 
- Không biết nữa.
 
Nàng bật cười, mẹ đâu có biết chỗ của bố ở. Và nàng thêm:
 
- Nhưng hình như là bố đã ở gần đâu đó thì phải. Có một người quen của bố biết mẹ, đã nói như thế.
 
Con bé nhướng mắt:
 
- Con có biết người đó không?
 
- Không.
 
Không. Nàng trả lời con như trả lời bài học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức. Yes, No. Oui, Non. Ja, Nein… Con bé trầm ngâm. một hồi:
 
- Thế ra đường mẹ không trông thấy bố bao giờ sao?
 
Nàng lại “không”.
 
- Không trông thấy nhau bao giờ dầu ở gần, ở cùng một thành phố sao?
 
Nàng lắc đầu cười:
 
- Chắc tại mẹ xấu đi, và bố thì già đi. Nên không nhận ra nhau.
 
Không thấy nhau. Không nhận ra nhau. Lúc mới yêu nhau, nàng tặng hắn tấm thiệp, gồm một lọn tóc của nàng cột bằng sợi dây ruban đỏ cộng thêm mấy câu thơ nàng làm cho hắn. Hắn cảm động. Lấy nhau xong, hắn vẫn còn giữ. Nàng nhớ cũng đã cảm động và rất ngạc nhiên. Hỏi, còn giữ sao. Hắn ậm ờ, thì giữ chứ. Nhưng vài năm sau thì nàng không còn thấy nữa. Không biết hắn nghĩ gì, và làm gì với tấm thiệp cùng lọn tóc ấy. Riêng phần nàng, nàng tự ái, nên cũng không hỏi lại. Tấm thiệp, lọn tóc... Sau này nhiều tuổi hơn lên, nàng nghĩ “cuộc sống này”..., và “đồng cỏ ở bên kia” đã làm gãy vụn được cả trăng sao thì huống hồ gì mớ đồ vật của hắn và nàng cho nhau.
 
Bất chợt nàng nhớ đến cây trâm cài tóc hắn làm cho nàng, có lần giận hờn, hắn tự tay bẻ nát. Và chiếc vỏ ốc được tặng năm nào, một lần bực bội, nàng cũng đã quăng vào bếp lửa. Những dấu tích đẹp đẽ, đáng yêu thời yêu nhau và thời chung sống cùng nhau đã tựa như những mảnh vụn rơi xuống mặt hồ. Biến mất. Như những tro tàn. Bay mất hút vào không gian. Hoàn toàn không còn để lại chút dấu vết nào trong tâm khảm.
 
Không ngước lên nhìn con, nhưng nàng tự hỏi thầm, có hình ảnh nào giữ lại được trong ký ức sau những điều vụn vặt lẫn to lớn như thế xảy ra trong cuộc sống để mà còn nhận ra nhau? Có những kỷ niệm nào còn gìn giữ được sau những vết chém nghiệt ngã, đau đớn bổ xuống cuộc đời nhau như thế hay chăng?
 
Nàng nói với con, nguời đời gọi như thế là hết duyên, con học tiếng Hoa chắc hiểu câu hữu duyên thiên lý… Con bé nhìn chằm chằm vào nàng. Lạ nhỉ, dẫu gì cũng đã từng có nhau một quãng đời. Nàng bật cười. Thì dẫu gì cũng đã từng xa nhau nhiều quãng đời.
 
Con bé làm thinh. Lát sau mới chậc lưỡi:
 
- Mong là con sẽ không bao giờ phải trải qua những kinh nghiệm buồn bã đó.
 
Nàng lắc đầu:
 
- Không, con sẽ không, chắc chắn sẽ không.
 
Con bé gật. Như tự nói với chính mình. Chắc chắn là sẽ không.
 
Rồi đột ngột con bé hỏi:
 
- Ở đây, mẹ có thấy bình an?
 
Nàng treo một chiếc áo vào tủ, nói:
 
- Ngày xưa bằng tuổi con bây giờ, mẹ đã phải nuôi con một mình. Chắc con hẳn chưa quên những ngày dài mẹ vội vã ra khỏi nhà từ mười giờ sáng, đến nửa khuya mới về tới cửa. Những năm tháng mẹ chỉ có được một sáng thứ Bảy và một sáng Chúa Nhật trong tuần để được cùng ăn với con miếng cơm. Những ngày mẹ làm việc với người thân cận nhất của mẹ khi trời lạnh cắt da, tuyết đổ dầm dề cũng phải chạy ra đường tìm điện thoại công cộng gọi về cho con vì mật mã điện thoại chỗ làm được giấu kín...
 
Nàng cười buồn:
 
- Ngày mà điện thoại cầm tay chưa được phát minh… Mẹ đã sống như một người không còn biết mặt trời lên màu gì, nắng đổ hay mưa tuôn ra sao, chỉ vì mẹ không muốn con cực khổ cũng như không muốn rời xa con. Những ngày, những tháng, những năm... Những buồn tủi, những tổn thương... Những đớn đau. Trong đó có cả lần suýt bị làm nhục.
 
Nàng mím môi:
 
- Qua rồi. Những giọt nước mắt trong cuộc đời của mẹ như thế đã qua rồi. Qua rồi!
 
Con bé chép miệng:
 
- Cuộc đời mẹ thật chẳng có gì vui, con mong Chúa bồi đắp cho mẹ một đời sống bình an ở nơi đây.
 
Nàng cười:
 
- Ở đây mẹ nhàn hạ. Các con cho mẹ sự nhàn hạ và Chúa cho mẹ sự bình an.
 
Con bé nhìn nụ cười của nàng đọng lại trên môi một lúc rất lâu. Vẻ yên tâm hiện ra trong mắt. Ngồi với nàng thêm một hồi rồi xuống nhà.
 
Trời nóng. Nắng trong vắt ngoài cửa sổ. Nàng mở rèm, đứng lắng nghe tiếng chim hót trên nhành dâu. Nghe tiếng cười thơ trẻ của hai con bé nhóc ngoài vườn. Nàng nhớ lại câu nói lúc nãy của mình, mẹ bình an, cảm thấy sự thanh thản, an lành thật sự đang dâng đầy trong lòng mình.
 
Quay trở lại xếp nốt mớ đồ đạc lặt vặt vào tủ, bỗng dưng chạm phải một vật kha khá cứng cuối đáy valise, nàng lấy ra. Một chiếc hộp da màu nâu thật đẹp đựng cây viết khá đắt tiền. Tần ngần, nàng cầm lên nhìn. Món quà cuối cùng của hắn ngày nàng rời miền Nam bán cầu lần trước. Lần sang Âu Châu năm ấy, nàng có nói với hắn, có thể là nàng sẽ trở lại mà cũng có thể không bao giờ. Hắn hỏi nếu không trở lại thì thế nào. Nàng không đáp.
 
Món quà cuối cùng của hắn, nàng đã dùng để ký tờ đơn ly dị. Và không còn bao giờ gặp hắn nữa cho dẫu nàng đã trở lại, sống tại thành phố hắn đang sống đến hơn bốn năm.
 
Hơn bốn năm. Nàng ngẩn ngơ tự hỏi, có bao giờ trong suốt thời gian ấy, nàng đã từng có lần chạm mặt hắn đâu đó, từng có lần đối diện hắn ở một chỗ nào đó, trên đường phố, trong quán hàng. Hơn bốn năm, có bao giờ nàng đã từng đứng cạnh hắn trên chuyến xe lửa về nhà, từng ngừng lại bên phố hỏi hắn chỉ giùm một con đường, hoặc từng ngồi chung với hắn trong một rạp ciné... Hoặc vân vân. Mà nàng đã không hề nhận ra hắn hay chăng?
 
Nhìn ra ngoài cửa sổ lần nữa, nghĩ đến hai câu ngạn ngữ cổ của Trung Hoa, “hữu duyên thiên lý lai tương hội, nhân sinh hà xứ bất tương phùng”, nàng chợt nhớ lại buổi tối trước ngày cưới của mình, hắn và nàng đang ngồi với nhau bỗng cùng hát lên câu “số kiếp hay sao không cho bắc cầu, thì xin sông nước sẽ cho gần nhau” (Phạm Duy). Nàng bỗng bật cười. Nhân sinh hà xứ... Nhân sinh hà xứ bất tương phùng. Trong niềm tin của nàng thì nàng sẽ về với Chúa khi nàng qua đời, còn hắn thì không. Như vậy chắc chắn sẽ chẳng có chuyện hắn và nàng gặp nhau ở cõi thiên thai.
 
Nhưng còn cõi người, cõi người ở nơi này? Có bao giờ không nhỉ, có một chỗ nào không nhỉ, ở thế gian này, mà còn khiến hắn và nàng gặp lại một lần nào đó hay chăng?
 
Xếp chiếc hộp màu nâu lại, đặt vào góc tủ, nàng mỉm cười. Tự nói với mình, từ nay, khi không còn lang thang từ nước này sang nước nọ, không còn Châu nọ Châu kia, chắc chắn nàng sẽ đặt nó ở một chỗ, một chỗ thật tối, để yên vị.
Hoàng Nga

(ngày trở lại Sioux Falls)

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com