Năm 1973 tôi ra trường và được làm việc tại thành phố Dalat. Tôi sinh ra tại Sàigòn. Tôi học tại Dalat. Bây giờ lại được làm việc tại thành phố ngàn hoa và ngàn thông này nữa thì đúng là… đời đẹp như mơ.
Sau một tháng làm việc, tôi xin nghỉ phép bốn ngày về Sàigòn thu gom đồ đạc để dọn về ở hẳn tại thành phố Dalat. Chiều nay Chúa Nhật, tôi phải đi chuyến xe đò nhỏ chạy đêm để kịp trở về nhiệm sở vào sáng ngày mai thứ Hai, tiếp tục công việc. Tôi bước vô ngồi cạnh cửa sổ. Chỗ tôi ngồi cách ba hàng ghế sau lưng anh tài xế; theo sự chỉ dẫn của anh lơ xe. Đây là chuyến xe cuối cùng trong ngày chạy từ Sàigòn lên Dalat. Thời gian này quốc lộ từ Sàigòn lên Dalat tương đối an ninh vì đơn vị Công Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mới vừa làm lại con đường mà Việt Cộng đã phá hoại năm trước vào “Mùa Hè Đỏ Lửa”.
Tôi mở túi xách lấy ra cái áo len mỏng rồi để cái túi xách xuống dưới gầm ghế chỗ tôi đang ngồi. Vì là xe đò nhỏ nên không có cái kệ để hành lý mà thông thường cái kệ được đặt phía trên đầu của khách. Tôi nói thầm với nhiều tiếc nuối: “Bốn ngày nghỉ qua mau quá”. Tôi tiếc nuối quãng thời gian quá ngắn ngủi được trở lại thăm nhà thăm thủ đô Saigon và thăm bạn bè… qua quá mau. Đêm nay vào khoảng mười giờ hoặc mười một giờ tôi sẽ có mặt ở thành phố mà tôi yêu thích nhất. Từ ngày mai tôi sẽ làm việc cho đến bao lâu mà công việc còn phải làm. Nghĩ đến ngôi nhà mới mua ở cái thành phố ngàn thông có nhiều sương mù và nhiều loại hoa tuyệt đẹp, tôi thật sự yêu cái thành phố đầy hoa và thơ mộng đó. Tôi hy vọng sẽ tạo dựng được một cuộc sống êm ấm cùng gia đình ở cái thành phố đó. Và, tôi sẽ sống ở đó cho đến hết cuộc đời.
Nhìn vô đồng hồ đeo tay, bây giờ là bốn giờ ba mươi lăm phút chiều. Tôi đảo mắt nhìn quanh trong xe. “Xe còn nhiều chỗ trống quá.” Tôi nghĩ vậy và bụng thì không khỏi bồn chồn lo lắng, mặc dù theo chương trình thì xe sẽ rời bến đúng năm giờ chiều. Tôi lo sợ là nếu vì vắng khách mà xe phải khởi hành trễ thì rất có thể sẽ gặp mấy ‘Ông Ba Mươi’ ở đoạn đường đèo Chuối và đèo Bảo Lộc.
Sau khi nhà cầm quyền miền Bắc ra nghị quyết phải đánh và “giải phóng” cho bằng được miền Nam Việt Nam dù có phải san bằng dãy núi Trường Sơn, các thành phố của miền Nam đã không còn yên tĩnh nữa.
Việt Nam Cộng Hòa vì có ruộng lúa ‘cò bay thẳng cánh’ nên những người của cái tổ chức do miền Bắc hỗ trợ gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” thường ra chận xe vào ban đêm để thu thuế, để tiếp nhận thực phẩm và thuốc men cũng như sẽ bắt những quân nhân công chức đi lẻ tẻ. Nghĩ đến những người mà đa số người của miền Nam không gọi là Việt Cộng mà gọi là ‘Ông Ba Mươi’, làm cho tôi càng thêm lo thêm sợ. Việt Cộng hay ‘Ông Ba Mươi’ là một. Họ rất tàn ác vì không có trái tim của con người.
Tôi chưa bao giờ gặp Việt Cộng. Nhưng, tôi rất sợ Việt Cộng vì tôi có biết qua lịch sử về cái quân đội đó trong những ngày còn ngồi ở giảng đường, mà, theo như trong các tài liệu thì đó là một tổ chức cuồng tín do nhà cầm quyền Hà Nội dựng lên. Tổ chức cuồng tín này quyết “giải phóng” miền Nam bằng mọi giá, cho dù có phải tàn sát các người già, phụ nữ và trẻ em… những người không hề có vũ khí trong tay để chống lại.
Tôi là công chức, nhưng tôi bị mất hai ngón tay ở bàn tay phải trong một lần đi cắm trại lúc tôi mười bốn tuổi, nên tôi được miễn thi hành quân dịch. Nhưng, tôi vẫn lo sợ, liệu những người của mặt trận có tha cho tôi không, nếu chẳng may tôi gặp họ đêm nay. ‘Thà bắt lầm hơn bỏ sót’, là chủ trương của tổ chức cuồng tín và khủng bố này.
Tôi nghĩ: “Có lẽ nên đi chuyến xe sáng sớm ngày mai thì an tâm hơn.” Nghĩ vậy nên tôi lấy cái túi xách dưới gầm ghế và định đi ra cửa thì, tôi ‘chạm’ ngay khuôn mặt của cô gái còn rất trẻ và rất khả ái, đang tươi cười nhìn tôi và chuẩn bị bước vô chỗ ngồi cạnh tôi. Người phụ nữ tuy đang bị lúng túng với cái túi xách khá lớn, nhưng vẫn luôn nhìn tôi cười rất tươi. Tôi vội vàng đỡ lấy cái túi xách cho cô. Sau khi hành lý của cô đã được tôi để dưới ghế chỗ cô ngồi, cô mới bước vô ngồi cạnh tôi. Cô nói thật nhỏ hai tiếng cám ơn chỉ vừa đủ cho tôi nghe. Nếu như bây giờ tôi muốn xuống xe thì tôi lại phải xin cô nàng bước xuống để tôi có lối đi ra. Tôi thấy ngại nên vẫn ngồi yên. Tôi đoán cô nàng cũng sinh sống ở cái thành phố hoa mộng Dalat vì da mặt của cô nàng quá mịn màng và hây hây đỏ không một chút phấn son. Dáng người cô… có da có thịt một chút và lại cao ráo mà theo sách tướng, thì tướng của cô là tướng ‘mệnh phụ phu nhân.’
“Có lẽ… cũng không đến nỗi nào”. Tôi nghĩ vậy để trấn an sự sợ hãi vẫn còn lởn vởn trong đầu, và, tôi ngồi yên tại chỗ. Lúc này những bạn hàng buôn bán rau cải từ xứ lạnh về thành phố cũng lác đác bước lên xe và vui cười trò chuyện với nhau về những việc mua bán. Tôi quay qua người phụ nữ và bắt chuyện làm quen.
- “Cô… cô ... cũng ở Dalat?”
- “Dạ.”
Người phụ nữ nhìn tôi vẻ e thẹn. Tôi cảm thấy thật vui vì được ngồi cạnh người phụ nữ phải nói là rất đẹp và có nụ cười rất xinh. Tôi không muốn bỏ qua cơ hội làm quen nên tôi liền giới thiệu tên:
- “Tôi tên Nghiệp. Tôi mới đến làm việc ở thành phố Dalat.”
Nàng cũng tự giới thiệu tên với tôi:
- “Em tên Phượng. Lữ Túy Phượng.”
- “Cô Phượng cũng làm việc trên đó hay…?”
Tôi muốn nói thêm hay là làm nội trợ. Nhưng, tôi ngại. Cô Phượng như hiểu ý của tôi nên cô hỏi lại:
- “Anh định hỏi hay là em… làm việc nhà phải không?
- “Cô Phượng... hay quá.”
Bất ngờ cô Phượng đua ra một đề nghị mà tôi rất muốn nhưng còn ngại:
- “Anh cứ gọi tên em hoặc gọi là em cho thân mật cũng được mà.”
Và như muốn cho tôi biết về cuộc sống còn độc thân của mình, cô Lữ Tuý Phượng nói tiếp:
- “Trước đây em làm thư ký cho một hãng buôn lớn. Bây giờ em phụ buôn bán với mẹ em. Nhà chỉ có hai mẹ con thôi. Nhà em ở khu Mả Thánh. Anh chắc biết khu đó chứ?”
- “Biết! Khu đó… anh có nghe nói nhưng chưa đến lần nào.”
Ngay khi đó người tài xế bước lên xe và cho máy xe nổ nhưng chưa cho xe chạy. Nói chuyện với người phụ nữ đẹp như Lữ Tuý phượng làm cho tôi thấy trong lòng thật vui. Trong phút chốc tôi đã quên đi nỗi lo sợ về những bất trắc có thể xảy ra trên đường. Tôi nhớ lại ngày tôi đến Dalat nhận việc, tôi được người bạn mới quen biết nói sẽ giới thiệu cho tôi một người phụ nữ thạo công việc để giúp tôi trong thời gian đầu. Nếu tôi nhớ không lầm thì hình như người bạn mới quen đó có nói tên cũng là… Phượng. Sau đó thì người bạn nói lại là người phụ nữ đó bị tai nạn xe nên sẽ không đến giúp tôi được. Vì bận rộn với công việc mới nhận nên tôi chưa làm quen được người phụ nữ nào cả.
Cô Lữ Túy Phượng có vẻ nhút nhát khi nói chuyện. Mỗi lần trả lời những câu tôi hỏi mặt của cô lại đỏ ửng lên.Tôi muốn gợi chuyện nói cho vui nhưng thấy cô như vậy nên tôi cũng không muốn làm cho cô ngại ngùng. Cô Tuý Phượng nhìn qua tôi và cười mỉm nên tôi hỏi:
- “Cô… Em Tuý Phượng sao đi chuyến xe chiều… trễ vậy?”
- “Mỗi lần em trở về Dalat em thường đi những chuyến xe chiều cuối ngày như vầy. Em thích đi như vậy vì khi xe chạy được một quãng là em sẽ ngủ một giấc đến chừng tỉnh dậy là tới nơi khỏi phải nghĩ ngợi gì hết. Còn anh?”
- “Vì anh muốn ở chơi với bạn bè thêm đôi giờ nên anh phải đi chuyến xe này cho kịp ngày mai vô làm việc. Đi… như vầy anh cũng lo quá. Không biết dọc đường có chuyện gì xảy ra không?”
Lữ Túy Phượng vẫn với nụ cười thật tươi trên môi và nàng nói rất tự nhiên nhưng tôi nghe điều nàng nói lại làm cho tôi sợ hơn.
- “Dọc đường không có cướp đâu, anh đừng sợ. Chỉ ở chỗ có mấy cái đèo là thường hay có Việt Cộng ra đón xe để thu thuế và nhận thuốc men cũng như thực phẩm thôi. Nếu mấy người đó mà thấy đàn ông hay thanh niên như... mà có lẽ cũng không có gì đâu… anh.”
- “Anh chỉ sợ...Việt cộng thôi chứ không sợ cướp. Gặp cướp thì bất quá mất tiền và tài sản chứ mạng sống thì còn. Nếu gặp Việt Cộng thì kể như… tiêu tùng rồi.”
Lữ Tuý Phượng nói cho tôi đừng lo:
- “Coi vậy chứ xui xẻo lắm mới gặp Việt Cộng anh à. Anh không phải là lính thì có gì mà sợ. Có sợ chăng là chỉ sợ ông tài xế ngủ gục rồi xảy ra tai nạn thôi. Anh Nghiệp biết không, khoảng ba tháng trước và đúng vào ngày thứ Sáu Mười Ba tây có một chiếc xe chạy cuối cùng trong ngày đã bị rớt xuống đèo Bảo Lộc, nhưng, xui xẻo là chỉ có một người phụ nữ trẻ bị thiệt mạng thôi. Số người còn lại thì bị thương tích nhưng lại không quá nặng. Nghe đâu là ông tài xế ngủ gục nên mới xảy ra tai nạn đó anh.”
- “Anh rất thích đi xe ban đêm nhưng… lo quá.”
Lữ Tuý Phượng và tôi cùng lúc hướng mắt nhìn ra bên ngoài. Lúc này xe đã chạy đến ngã tư Thủ Đức nên tôi cũng không còn muốn đổi ý nữa. Tôi không muốn người phụ nữ đồng hành với tôi phải lo lắng chung về cái lo của tôi, và, tôi cũng muốn cho Lữ Túy Phượng biết về cuộc sống của tôi nên tôi nói:
- “Anh muốn mời em đến nhà anh cho biết. Nhà của anh cũng khá rộng và đẹp vì có vườn hoa đẹp, nhưng hơi bề bộn vì là nhà mới mua.”
- “Nếu anh có lời mời thì em sẽ đến cho biết nhà anh… khi nào em rảnh.”
Chiếc xe đò nhỏ ba mươi lăm chỗ tăng dần tốc độ khi qua khỏi ngã ba Dầu Giây. Bên ngoài trời bây giờ đã tối, trong xe dĩ nhiên cũng tối. Lữ Tuý Phượng ngả đầu hơi nghiêng về phía tôi và rồi một khoảnh khắc sau đầu của nàng đã dựa hẳn vô vai tôi. Tóc của người con gái tỏa ra một mùi hương rất quen thuộc mà từ rất nhiều năm qua, bây giờ tôi mới được ngửi lại mùi hương này. Mùi hương mà lúc nhỏ tôi vẫn thường thấy mẹ tôi sử dụng mỗi khi bà gội đầu; đó là mùi của trái Bồ Kết.
Chiếc xe bỗng lắc mạnh vì tránh cái ổ gà. Sự đụng chạm xác thịt với người phụ nữ khá xinh đẹp gây cho tôi cái cảm giác lâng lâng. Lữ Tuý Phượng vẫn nhắm mắt như đang ngủ nhưng tôi nghĩ là nàng chưa thể ngủ được. Những người trẻ không thể dễ dàng đi vô giấc ngủ mau lẹ như vậy được. Qua trao đổi một vài câu nói với Lữ Túy Phượng, tôi nhận biết Tuý Phượng cũng có cảm tình nhiều với tôi, nhất là qua ánh mắt nhìn của nàng mỗi khi cái đầu của nàng hơi nghiêng về một bên để nhìn tôi. Tôi nhích thật nhẹ cái vai về phía trước một chút để cho cái đầu của Túy Phượng nằm giữa phía sau vai tôi và chỗ để dựa lưng. Ngồi ở thế này lâu sẽ rất mỏi, nhưng, nếu Lữ Túy Phượng không bị thức giấc thì tôi muốn được ngồi ở cái thế này cho đến khi xe về tới Dalat.
Tôi muốn nhắm mắt một chút để khỏi suy nghĩ nhiều nhưng không làm sao nhắm mắt được. Xe đã chạy qua Phương Lâm - Định Quán từ lâu rồi, và, có lẽ cũng sắp đến đèo. Nghĩ đến cái đèo làm trái tim tôi bị co thắt lại như bị ai đó bóp mạnh vô. Thời gian không lâu trước đây toàn miền Nam thật thanh bình và thật vui. Các loại xe có thể di chuyển cả đêm lẫn ngày từ mũi Cà Mau ra đến cầu Hiền Lương mà không hề bị cướp hay bị khủng bố đe dọa. Chỉ đến khi đám Cộng phỉ miền Bắc tạo dựng lên một tổ chức khủng bố tại miền Nam thì không còn những chuyến xe chạy về miền Trung ban đêm nữa. Saigon – Dalat chỉ khoảng hơn ba trăm cây số và vì quân đội miền Nam thường hiện diện trên đèo, nên ít khi bị Việt Cộng ra chận đường vì vậy mà vẫn còn những chuyến xe đò nhỏ tiếp tục chạy như chuyến xe đêm nay.
Tôi đưa tay lên làm dấu thánh và lẩm nhẩm đọc kinh. Chiếc xe đang lao về phía trước với vận tốc bảy, tám mươi cây số giờ thì bỗng từ từ giảm tốc độ. Người tài xế nói thật lớn để mọi người trong xe tỉnh giấc:
- “Có ‘quân giải phóng’ đón xe cô bác ơi. Xin cô bác chuẩn bị cô bác ơi.”
Mồ hôi lạnh bỗng tuôn ra và chảy dài theo sống lưng làm cho tôi phải chồm lẹ về phía trước để nhìn... quân giải phóng cho biết. Vì quá sợ mà tôi không để ý nên làm cho cái đầu của Lữ Tuý Phượng bị mất chỗ dựa. Nàng ú ớ hỏi:
- “Có chuyện gì vậy… anh Nghiệp?”
Vì quá sợ nên tôi bỗng bị nói lắp:
- “Có… có… có... Việt… Việt… Việt Cộng… em… em ơi.”
Lữ Túy Phượng thấy tôi quá sợ nên nói lắp. Vì vậy, thật tự nhiên, nàng nắm chặt lấy bàn tay tôi và nói nhỏ:
- “Anh bình tĩnh. Có em đây mà, đừng sợ!”
Lúc này tôi không còn tâm trí nào để ý đến câu nói của Lữ Tuý Phượng nữa. Nếu như bình thường mà tôi được nghe câu nói đó phát ra ở cửa miệng một người phụ nữ đẹp như Lữ Tuý Phượng, có lẽ tôi sẽ ngượng nhiều lắm. Đèn trong xe đã được mở sáng từ lâu. Tôi quay đầu thật nhanh nhìn khắp trong xe để xem có người đàn ông nào cùng cảnh ngộ như tôi không. Tôi cảm nhận là mồ hôi lạnh đang tuôn dài theo sống lưng nhiều hơn khi tôi thấy trong xe chỉ có một mình tôi là khách đàn ông; ngoại trừ người tài xế và anh lơ xe. Tôi quay đầu nhìn ra phía ngoài và thấy lố nhố người đang bao quanh chiếc xe. Nhưng, tôi không thể nhìn thấy họ ăn mặc và võ trang như thế nào. Ngay khi tôi còn đang trố mắt nhìn ra phía ngoài qua khung cửa kiếng thì có một người đàn ông bước lên xe và đảo mắt nhìn khắp mọi người. Người này mặc đồ ka ki màu xanh đậm và có đeo cây súng ngắn bên hông mà tôi nghĩ ông ta là người chỉ huy. Sau khi nhìn khắp mặt mọi người trong xe, người đeo cây súng ngắn lên tiếng thăm hỏi rất ngọt ngào:
- “Chào tất cả bà con cô bác. Bà con cô bác đi xe có mỏi mệt lắm không ạ? Chúng tôi là quân đội cách mạng về đây để đánh đuổi bọn Mỹ xâm lược và bọn Ngụy tay sai bán nước. Ai là quân nhân công chức nhà nước xin mời xuống xe cho chúng tôi kiểm tra giấy tờ.”
Tất cả mọi người trong xe đều im lặng. Một sự im lặng nặng nề bị bao trùm bởi nỗi sợ hãi và chết chóc. Tôi không có can đảm để nhìn ngay mặt người có đeo cây súng ngắn vì khi nói chuyện ông ta tuy có cố nở nụ cười, nhưng ánh mắt và gương mặt của ông thì rất nghiêm trông chẳng khác nào... Ông ba mươi vậy. Trong khi tôi còn đang quá sợ hãi và luống cuống thì bất chợt Lữ Túy Phượng ngã đầu vào sát ngực tôi như tìm nơi tôi một sự che chở. Người chỉ huy quân cách mạng lên tiếng phá tan cái không khí ngột ngạt đến nghẹt thở khi chỉ tay ngay tôi và nói:
- “Anh kia! Mời anh xuống xe.”
Một mệnh lệnh kèm theo gương mặt thật lạnh như nước đá và cái nhìn nghiêm nghị làm đôi chân của tôi không sao nhấc lên được. Tôi ấp úng cố nói nhưng không sao ra lời:
- “Tôi… tôi… bị… tật… tật… tôi… tôi… không… không… phải…”
Tôi cố gắng nói nhưng chưa nói hết câu thì liền bị... Ông ba mươi ngắt ngang:
- “Tôi yêu cầu anh xuống xe cho chúng tôi kiểm tra giấy tờ.”
Tôi run rẩy quay qua Lữ Tuý Phượng và ghé sát vào tai nàng nói nhỏ:
- “Anh… anh… anh gởi… em… cái… cái…túi…túi xách... nhé.”
Lữ Tuý Phượng nhìn tôi và như để tôi có thêm can đảm nên nàng… mỉm cười. Lữ Tuý Phượng cười đưa hai hàm răng trắng muốt và, tuy không phát thành tiếng nhưng tôi thấy nụ cười của Lữ Tuý Phượng trong lúc này thật là… vô duyên. Trong khi tôi đang luống cuống và đang sợ quá, thì, Lữ Tuý Phượng lại không có vẻ gì sợ sệt cả là làm sao. Lữ Túy Phượng như đọc được tư tưởng của tôi nên nàng kéo cái đầu tôi xuống thấp và nói nhỏ vô tai tôi:
- “Anh bình tĩnh đi. Không có gì mà anh phải sợ cả! Có em đây mà, anh sợ cái gì chứ.”
Nói xong Lữ Túy Phượng... hôn nhẹ vào má tôi. Trong nỗi sợ hãi tột cùng nhưng tôi cũng cảm nhận được nụ hôn đó. Trước khi bước chân qua khỏi người Lữ Tuý Phượng để xuống xe, tôi nói nhỏ với nàng:
- “Cám ơn em nhiều lắm. Em thật đẹp và thật dễ thương!”
Lữ Túy Phượng gật đầu cười mỉm và đồng thời nàng bóp nhẹ bàn tay tôi như khuyến khích tôi can đảm.
Tôi được mấy ‘Ông ba mươi’ dẫn đi ngay vô trong rừng mà không cho tôi một cơ hội để trình giấy tờ và giải thích về việc tôi được miễn đi quân dịch. Lúc này tự nhiên trong người tôi như có một sức mạnh vô hình làm cho tôi mạnh dạn thêm, và tôi cảm nhận là tôi không còn một chút gì sợ hãi những con người đang đi với tôi. Tôi vừa bước theo đám người bắt tôi vừa nghĩ về người con gái đồng hành trên chuyến xe chiều cuối ngày đã có ít ra là hai lần khuyên tôi bình tĩnh đừng sợ, thay vì chính tôi phải khuyên nàng. “Lữ Túy Phượng đã… yêu mình?” Tôi vui nhiều khi nghĩ về cái hôn mà Lữ Tuý Phượng đã ban tặng cho tôi. Tôi chợt khám phá ra là, khi tôi nói với Lữ Túy Phượng lời cám ơn kèm lời khen nàng đẹp và dễ thương, thì tôi không bị nói lắp như có một phép lạ đã đến với tôi để tôi nói được trôi chảy câu nói đó.
***
Tôi bị dẫn đi trong rừng đã hơn ba tiếng đồng hồ liên tiếp không ngừng nghỉ. Tôi không còn biết bây giờ là mấy giờ vì cái đồng hồ của tôi, tôi đã tháo ra và để trong cái túi xách. Tôi nghĩ đến chiếc xe đò nhỏ chở người con gái mà tôi vừa quen biết và làm tôi trở nên mạnh dạn hơn. Giờ này chiếc xe đò nhỏ đã chạy đến đâu rồi? Dù sao thì chiếc xe cũng sẽ đưa Lữ Túy Phượng và mọi người về đến nơi thôi. Tôi mong Lữ Túy Phượng đừng vì lịch sự mà phải mở ngay cái túi xách của tôi ra và rồi nàng sẽ thấy xâu chìa khóa nhà và biết địa chỉ nhà của tôi, cũng như địa chỉ nơi tôi làm việc để thông báo về tai nạn của tôi.
- “Nằm xuống mau!”
Tôi bị mấy người Việt Cộng nhấn mạnh vai đè tôi nằm xuống. Tôi vừa mệt vừa khát và vừa sợ hãi, nhưng tôi cũng cố ngước mặt lên nhìn về phía trước thì... hình như tôi thấy Lữ Tuý Phượng đang đứng giữa đường và trừng trừng hai con mắt nhìn đám người áp giải tôi. Tôi đưa tay dụi mắt thật mạnh. Tôi nghĩ có lẽ vì phải bị đi liên tiếp không được nghỉ nên tôi mệt và bị hoa mắt, hay cũng có thể vì tôi nhớ Lữ Tuý Phượng nên thấy nàng chăng? Nhưng, hiện tại trước mặt tôi không có... Lữ Túy Phượng. Mấy người Việt Cộng ngồi bao quanh tôi đang xầm xì với nhau như sợ hãi và tay người nào cũng ghìm chặt cây súng đưa thẳng về phía trước như sẵn sàng nhả đạn. Một người Việt cộng ngồi cạnh tôi hỏi:
- “Anh… anh có thấy gì không?”
Tôi thành thật nói:
- “Tôi thấy một cô gái…”
- “Đúng rồi! Tôi cũng nhìn thấy có người… trừng mắt nhìn chúng mình.”
Tôi nhìn mấy người Việt Cộng và tự hỏi: “Giữa đêm khuya trong khu rừng vắng, và, tuy có ánh trăng nhưng làm sao mà họ thấy được hai con mắt nhìn trừng họ chứ.”
Một người có lẽ là chỉ huy lên tiếng:
- “Chúng ta nghỉ ở đây đêm nay rồi sáng mai lên đường sớm.”
Nói rồi mấy người lính Việt Cộng quay lưng lại với nhau tạo thành cái vòng tròn. Tôi ngồi cạnh một người mà từ lúc đầu đến giờ luôn theo sát bên tôi như có nhiệm vụ canh giữ.
Thật may mắn cho tôi khi hồi chiều, lúc vừa bước lên xe tôi đã lấy ra cái áo len mỏng nên giờ đây tôi cũng đỡ bị lạnh. Tôi co người lại và nằm xuống đám cỏ mà tôi cũng không cần biết là cỏ có sạch hay không. Một khoảnh khắc sau tôi cũng đã chìm vào giấc ngủ chập chờn và đầy ác mộng.
***
Ánh nắng mặt trời rọi thẳng vô mặt nên tôi lấy tay che ngang mắt cho đừng chói. Tiếng chim và tiếng hú của các loài thú đã làm tôi hoàn toàn tỉnh hẳn, nhưng, tôi không vội ngồi dậy ngay mà vẫn nằm im cố hồi tưởng lại chuyện đêm qua. Một lúc sau tôi quay đầu qua lại hai bên nhưng tôi không còn thấy bóng dáng một người Việt Cộng nào cả. Tôi ngồi dậy nhìn dáo dác chung quanh và lắng tai nghe ngóng nhưng tuyệt nhiên tôi chỉ nghe được tiếng hót của các loại chim mà thôi. Tôi nghĩ những người Việt Cộng phải đi đâu đó và rồi họ sẽ quay lại nên tôi vẫn ngồi tại chỗ. Tôi không muốn bỏ trốn vì bây giờ chính tôi lại cần có những người Việt Cộng bên cạnh. Không có họ chắc chắn tôi sẽ chết dần trong khu rừng này chứ làm sao mà biết đường về nhà. Một lúc sau tôi nghe như đâu đây có tiếng nước chảy. Tôi đứng lên và lần đi đến nơi có tiếng nước. Cách chỗ tôi và những người Việt Cộng nằm nghỉ đêm qua khoảng hơn trăm thước, có một con suối nhỏ. Tôi bước xuống con suối vốc nước trong lòng bàn tay và rửa mặt. Khi tôi còn đang khom mình rửa mặt, tôi nghe thật rõ ràng tiếng nói thì thầm của Lữ Tuý Phượng bên tai tôi là, “Anh hãy đi theo hướng con suối chảy.” Tôi đứng thẳng người lên nhìn quanh quất mà gai ốc nổi đầy mình. Không thể nào là mơ hồ được vì tôi nghe rất rõ ràng tiếng nói của Lữ Tuý Phượng nói với tôi. Tôi nhận ra có một điều lạ là, tuy ánh mặt trời đã rọi sáng nhưng chung quanh tôi vẫn còn đầy sương mù của núi rừng ban mai mà tuyệt nhiên sao tôi không hề thấy lạnh. Tôi vẫn chưa biết có nên quyết định làm theo tiếng nói mà tôi nghĩ đó là tiếng nói của Túy Phượng hay là tôi phải chờ những người Việt Cộng quay lại. Nhưng, ngay khi tôi còn đang do dự thì tôi như bị một sức mạnh vô hình thúc cho hai chân của tôi phải bước đi theo hướng con suối chảy. Tôi không hiểu tại sao những người Việt Cộng lại có thể bỏ quên tôi trong khi họ muốn bắt tôi.
Tôi đi theo giòng suối mà có lúc tôi lội dưới suối có lúc đi trên bờ. Đi khoảng hơn ba cây số thì trước mặt tôi hiện ra một vườn chuối hoang và có rất nhiều buồng chuối chín. Tôi nhìn vườn chuối hoang và không một chút chần chừ, tôi bẻ những trái chuối và tôi đã ăn một bụng thật no nê. Khi đã no bụng và chuẩn bị đi tiếp, tôi lại nghe tiếng của Lữ Tuý Phượng nói văng vẳng vô tai tôi:
- “Anh hãy rời con suối và đi theo hướng tay trái. Anh cứ đi thẳng hoài dù có gặp chướng ngại vật trên đường đi nhưng anh cứ đi theo hướng thẳng trước mặt.”
Tôi bước đi theo tiếng nói như người bị mộng mị. Tôi nghĩ mình vì quá sợ nên tưởng mình nghe tiếng nói thật, chứ làm sao lại có chuyện… Nhưng tôi đã làm theo tiếng nói và tin là của Lữ Túy Phượng.
Mặt trời đã bắt đầu xuống dần từ phía xa xa. Tôi nhìn quanh để tìm một chỗ qua đêm. Tôi thật sự ngạc nhiên là chỉ có sáu trái chuối vô bụng mà đến giờ này tôi vẫn chưa thấy đói. Tôi cảm thấy cô đơn và nhớ Lữ Túy Phượng vô cùng. Tôi nghĩ, nếu tôi được an toàn về đến nhà, tôi sẽ xin hỏi cưới Lữ Túy Phượng ngay. Tôi nhìn quanh khu rừng và tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại đi theo tiếng nói mà tôi tin đó là tiếng nói của Lữ Tuý Phượng. Những chuyện thuộc về thế giới vô hình thế giới tâm linh tôi hoàn toàn không tin. Nhưng, có lẽ vì chỉ có một mình giữa rừng hoang nên tôi phải cố tin đó là tiếng nói của Lữ Tuý Phượng để mạnh dạn hơn mà thoát ra khỏi đây. Tôi thật sự nghĩ vậy nên tôi yên chí nằm xuống đám cỏ và rồi chẳng bao lâu tôi lại chìm vô giấc ngủ. Trong giấc ngủ tôi mơ thấy Lữ Tuý Phượng đem hộp cơm gà quay thật ngon đến bên tôi và cùng ngồi ăn với tôi. Lữ Túy Phượng an ủi tôi cũng như khuyên tôi đừng sợ hãi vì có nàng luôn ở bên cạnh tôi. Tôi vui mừng và xúc động cầm lấy bàn tay Lữ Tuý Phượng lên hôn và ngỏ ý muốn cưới nàng. Lữ Tuý Phượng nhìn tôi không trả lời và một lúc sau bỗng nàng ôm mặt khóc nức nở rồi nàng đứng lên và bỏ chạy. Tôi hốt hoảng chạy theo gọi lớn tên nàng:
- “Lữ Tuý Phượng! Lữ Tuý Phượng, đừng bỏ anh, đừng bỏ anh Lữ Tuý Phượng... e… m… ơi.”
Tôi giật mình thức giấc và thấy mồ hôi đã toát ra khắp người. Tôi không thể tiếp tục nhắm mắt được nữa vì cứ suy nghĩ về giấc mơ .Tôi cảm nhận rằng, từ nay tôi sẽ không thể sống thiếu Lữ Tuý Phượng được. Tôi đã thật sự yêu nàng. Tôi đưa tay áo lên lau mồ hôi trán và mặt. Tay áo tôi như bị dính một thứ nước gì đó có mùi chiên xào. Tôi đưa tay áo lên mủi hửi thì đó là mùi của một loại nước sốt. Tôi lại bắt đầu run và nhìn quanh hốt hoảng. Tôi co người lại. Hai cánh tay của tôi ôm tròn hai cái đầu gối và… tiếp tục run. Tôi muốn chạy khỏi chốn này mà không biết chạy đi đâu, hơn nữa hai cái chân của tôi cứ run lên mà không làm sao cho nó ngưng lại được. Tôi nghĩ về giấc mơ và không thể hiểu nổi thứ nước sốt kia từ đâu đã dính vô mép miệng tôi. Có phải đó là thứ nước sốt của dĩa cơm gà mà tôi đã thấy trong giấc mơ? Nếu đúng như vậy thì quả là tôi đã gặp ma trong giấc ngủ mà tôi lại thấy là nàng tiên của tôi. Tôi đưa tay xoa xoa vô cái bụng. Cái bụng tôi đang căng phồng lên vì quá no. Tôi không biết hiện giờ tôi đang ở đâu và sẽ đi tiếp theo hướng nào. Chung quanh tôi chỉ toàn là bóng tối. Quá sợ hãi và thất vọng nên cái đầu của tôi đã căng thẳng đến nỗi một lúc sau tôi như bị mê man và không còn biết gì nữa. Tôi lại thấy Lữ Tuý Phượng đến và nói với tôi: “Anh hãy đi thẳng hướng trước mặt. Anh sắp về đến chỗ ở của em rồi.”
Tôi thức giấc và ngồi dậy thật nhanh nhìn về hướng trước mặt lúc này ánh bình minh đã bắt đầu lên. Tôi cố gắng lắm và cuối cùng tôi cũng đứng dậy được và bước thẳng về hướng trước mặt… mà tôi tin là lời nói của Lữ Túy Phượng.
Khoảng giữa trưa tôi đi đến một một khu đất trống và thấy có một căn nhà lá. Mừng quá tôi chạy thật nhanh đến đó và tôi đẩy cửa bước vô thì… căn nhà hoàn toàn trống trơn không có người và đồ đạc. Tôi đi vòng quanh nhà thì thấy có trồng bốn cây cà chua và sáu cây đu đủ. Tất cả các cây đều có trái chín.Tôi hái đu đủ xuống ăn thật no và trước khi lên đường tôi hái đem theo một số cà chua.
Mặt trời đã lên cao. Tôi đứng dậy vươn vai và cảm thấy thật sảng khoái vì tôi đã ngủ qua một đêm thật ngon giấc và không một chút mộng mị. Văng vẳng phía trước mặt, tôi nghe như có tiếng người con gái đang hát một bài hát mà tôi rất yêu thích. Bài, ‘Mùa Thu Cho Em.’ “Anh có nghe mùa Thu mưa giăng lá đổ. Anh có nghe nai vàng hát khúc yêu đương. Và anh có nghe khi mùa thu tới. Mang ái ân mang tình yêu tới. Anh có nghe nghe hồn Thu nói mình yêu nhau nhé...” Đây là bài hát mà trong bất cứ bữa tiệc vui nào hễ được yêu cầu là tôi hát bài này ngay. Sáng hôm nay, giữa khu rừng vắng vẻ sao lại có tiếng người con gái hát bài này, như vậy là tôi đã sắp thoát ra khỏi khu rừng rồi. Nghĩ vậy nên tôi bước nhanh về hướng đã phát ra tiếng hát.
Trời đã quá trưa và tiếng hát mà tôi nghe được khi sáng giờ đã im từ lâu. Tôi vừa bước đi vừa vỗ vỗ vô cái đầu, tôi nghĩ có lẽ tại tôi vừa sợ vừa cô đơn nên tưởng tượng ra chứ không thể có chuyện… huyền bí đến như vậy được. Nhưng, rõ ràng là tôi nghe có tiếng hát. Tôi ngạc nhiên là hôm nay tôi cũng không còn nghe tiếng nói của Lữ Tuý Phượng chỉ phương hướng cho tôi nữa. Nhưng, tôi vẫn bước theo hướng thẳng như đi từ ngày hôm qua đến giờ mà tôi không hề để ý tới.
Mặt trời đã xuống giữa lưng chừng và chỉ trong một vài tiếng đồng hồ nữa là một đêm lại đến với tôi. Tôi cảm thấy buồn và cô đơn quá nên tôi lại nghĩ về Lữ Túy Phượng. Tôi biết tôi đã yêu nàng thật rồi, nên tự trong lòng tôi bỗng nổi lên sự hờn giận vô cớ vì Lữ Tuý Phượng đã bỏ tôi và chạy đi trong giấc mơ.
Tôi vừa bước đi vừa cười thật lớn như người điên. Tôi không ngờ lại có ngày tôi tệ hại đến nỗi lại hờn giận một người trong giấc mơ.
Tôi vẫn bước đi trong lúc vẫn vừa cười vừa nói một mình.
Từ phía xa tôi nhìn thấy xuất hiện nhiều ngôi nhà nhỏ màu trắng. “Thoát rồi” tôi nghĩ vậy và cố chạy thật nhanh về hướng có những căn nhà màu trắng đó. Tôi bước chậm lại và ngỡ ngàng nhìn những căn nhà màu trắng nhỏ mà bây giờ lại gần hơn thì mới biết đó là những căn nhà mồ được dựng lên như những căn nhà thật. Có lẽ đây là những cái mồ của những gia đình giàu có. Phía sau hàng dài những căn nhà mồ là cái nghĩa trang với những nấm mộ bình thường nằm ngay ngắn từ chỗ những căn nhà mồ trãi dài cho tới tận chân đồi. Và, tôi cũng thấy rải rác có nhiều cái mộ nằm trên lưng chừng đồi. Phía xa xa về hướng tay trái của tôi có một xóm nhà.
“Đây là đâu?” Tôi tự hỏi. Với khí hậu thật lạnh về chiều và nhiều sương mù như thế này thì có lẽ đây là Dalat rồi. Nhưng, cái nghĩa trang này tên là gì? Mặc dù tôi học ở Dalat nhiều năm, nhưng vì bận rộn với bài vở nên tôi cũng chưa có nhiều dịp đi thăm hết các nơi của thành phố, nên tôi không biết đây là đâu. Đang còn phân vân suy nghĩ, thì một tiếng nói phát ra từ phía sau lưng làm cho trái tim tôi như muốn ngừng đập:
- “Có phải ông đang đi tìm cái túi xách không?”
Tôi quay nhanh người lại nhìn người đàn ông già đang nhìn tôi. Tôi nhìn thật nhanh xuống chân ông để thấy đôi chân của ông có tiếp giáp với mặt đất. Tim tôi vẫn đang đập loạn xạ trong lồng ngực nên một lúc sau tôi mới có lại sự bình tĩnh. Tôi hỏi lại:
- “Tìm cái túi xách à? Túi xách như thế nào thưa ông?”
- “Cái túi xách màu vàng có hai cái quai màu đen... có phải là của ông không?”
Đúng là tôi có cái túi xách có màu như ông ta vừa nói. Nhưng, cái túi xách đó đã được Lữ Túy Phượng giữ giùm tôi rồi. Thấy tôi như suy nghĩ nên ông nói:
- “Tôi là người quản lý nghĩa trang Mả Thánh này. Vừa rồi có một cô gái trẻ đến nói với tôi là ông để quên cái túi xách ở đằng kia và nhờ tôi đến báo cho ông biết.”
- “Báo cho tôi à? Cô gái nào vậy ông?”
Ông quản lý nghĩa trang quay mặt nhìn quanh có lẽ để tìm cô gái. Từ phía xa có một cô gái đang ngồi trên phiến đá với vẻ buồn như chờ đợi người nào đó, hoặc, cũng có thể là cô đang ngồi nghỉ chân. Ông quản lý nghĩa trang nói như vui mừng:
- “Đúng rồi. Đúng là cô gái đó đó.”
Nói rồi ông bước đi đến chỗ có cái túi xách. Tôi bước theo sau ông như người vô hồn. Tôi không hiểu và cũng không muốn tìm hiểu gì nữa vì lúc này cái đầu của tôi lại bắt đầu quay cuồng làm tôi xây xẩm đến bước đi lảo đảo như người say rượu. Đến trước một ngôi mộ còn mới tinh, ông già quản lý nghĩa trang cầm cái túi xách lên và hỏi tôi:
- “Có phải túi xách này của ông không?”
Tôi nhìn đến sững sờ cái túi xách của mình và xác nhận:
- “Đúng rồi, cái túi xách này là của tôi… đây mà.”
Tôi nhìn vô bảng tên được gắn trước hàng dây kéo của cái túi xách và thấy hàng chữ: Tôn Thất Nghiệp. Địa chỉ.... Tôi rùng mình nhìn xuống ngôi mộ chưa bị cỏ phủ đầy, rồi thật lẹ làng, tôi bước đến trước tấm bia và đọc thấy hàng chữ: Lữ Túy Phượng bị tai nạn xe mất ngày thứ sáu 13 tháng 06 năm 1973.
Tôi nhìn về phía phiến đá có cô gái ngồi khi nãy. Nhưng, cô gái không còn ngồi chỗ đó nữa. Thấy tôi nhìn về hướng phiến đá nên ông quản lý nghĩa trang cũng nhìn theo rồi buột miệng hỏi:
- “Ơ… Cô ấy… biến đi đâu mà nhanh quá vậy?
Ông quản lý nghĩa trang đảo mắt khắp một vòng và hỏi:
- “Ông có thấy cô ấy đi hướng nào không?”.
Tôi chỉ nhìn ông và lắc đầu chứ không thể trả lời được vì trái tim tôi đang đập nhanh và đập mạnh quá. Trước khi bước chân đi, ông nói cho tôi hiểu về người đang nằm trong mộ:
- “Cô gái này tôi nghe nói là rất đẹp. Người tài xế của chuyến xe đò cuối ngày ngủ gục nên xe bị rớt xuống đèo Bảo Lộc, và, xui xẻo là chỉ có một mình cô ta bị chết thôi. Chết mới đây thôi hà, chết đâu chừng khoảng… ba tháng thôi. Tội nghiệp cổ quá đi.”
Tôi từ từ quỳ xuống và gục đầu lên ngôi mộ. Hai hàng nước mắt cứ tự nhiên tuôn ra ướt đầm đìa cả khuôn mặt. Tôi khóc như chưa bao giờ được khóc.
Lần đầu tiên trong đời tôi đã khóc và khóc thật nhiều. Tôi cứ quỳ và tiếp tục khóc. Tôi không sợ để mà bỏ đi mặc dù chỉ còn một mình tôi trong nghĩa trang. Tôi tin Lữ Túy Phượng biết chuyến xe tôi đi sẽ gặp nguy hiểm cho bản thân nên nàng đã đến và cứu tôi. Tôi xem Lữ Túy Phượng đã là người vợ xấu số của tôi. Kể từ ngày 13 tháng Sáu năm 1973, xem như là ngày tôi đã để tang cho người… vợ mà tôi yêu quý nhất trên đời.
Topa (Hòa Lan)