Minh họa: daria-rom-unsplash
Việt Cộng thả tôi ra, đúng lúc Hoa đi lấy chồng. Ngày cưới, tôi trốn mất biệt. Tôi cáo bệnh, đóng cửa kín mít, từ chối bất cứ sự mời mọc nào của dân làng. Tôi biết, nếu chường mặt ra, họ sẽ thay nhau phục rượu đến quắc cần câu, rồi đè tôi ra mạt sát đủ điều. Nếu không tìm cách nhịn nhục, chắc chắn sẽ mang đầu máu chạy về, làm phiền đến vợ con.
Thiếu tôi, Hoa nhất định không chịu, nên vài ngày sau, nàng dắt chồng tới thăm. Người chồng ốm nhách như cây cuốc, nghe nói làm tới chức đội trưởng đội sản xuất của một tập đoàn nào đó ở Bến Tre. Ông ta lầm lì, ít nói, chỉ lom lom ngó tôi, như sẵn sàng đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra, từ một tên “ngụy” vô danh tiểu tốt.
Ngược lại, Hoa cười nói líu lo. Nàng tự hào về chồng, lúc nào cũng cường điệu thổi chồng đến tận mây xanh. Ngó cách vui mừng của Hoa, tôi biết nàng đang tràn ngập hạnh phúc. Thứ hạnh phúc của cô gái quê đang khao khát tình yêu, lần đầu gặp trai thành ngọt ngào đường mật. Hoa khoe chồng một lúc, mới bắt đầu vào chuyện với tôi.
– Sao anh không dự đám cưới của em? Quên em rồi ư? Quên cô em gái đồng khô cỏ cháy này rồi.
Tôi lắc đầu.
– Anh mới ra tù. Mệt lắm! Với lại, ngày vui của em, anh mang bộ vó đưa đám đến đó, làm gì?
Gã chồng chợt ngó tôi, cười gằn.
– Ở tù, đói khát. Nhân cơ hội cưới hỏi, ăn uống cho đã. Bỏ qua, uổng quá!
Tôi cũng cười gằn.
– Đói khát thì… chắc chắn đói khát rồi. Nhưng bụng dạ chỉ có một cỡ. Làm sao ăn uống cho đã được, sư huynh?
Hoa hòa giải.
– Các anh thực tế quá, mích lòng nha! Hãy vui vẻ làm quen với nhau đi.
Gã chồng nhất định không chịu làm quen. Gã căm căm bỏ đi, để cho Hoa phải chạy theo, kêu vang ơi ới. Từ đó, Hoa bặt tăm. Hoa về thành sống với chồng. Bỏ lại miếng đất cỏ cháy đồng khô. Mùa mưa, khuya lắc, chỉ còn mình tôi bắc võng đong đưa, nghe tiếng nhái bầu râm ran, nhớ bạn.
Thời gian trôi qua lặng lẽ, dân làng bắt đầu phá ruộng lên vườn. Những mảnh vườn mọc lên từ đồng khô cỏ cháy. Từ đó, lũ nhái bầu cũng tuyệt tích, không còn kêu râm ran khi mùa mưa trở về. Tôi cũng cụt hứng, không còn mượn cảnh sinh tình, không còn cơ hội để làm thơ nhớ bạn. Và tôi quên Hoa, dễ dàng như quên tiếng kêu ai oán của lũ nhái bầu.
Mảnh vườn non nớt, lêu khêu vài ngọn cây mới lớn, chẳng đủ huê lợi cho dân làng sinh sống. Tôi thất nghiệp dài dài. Chẳng ai mướn vác lúa, nhổ cỏ, cấy mạ… Chỉ còn nước chạy ra chợ xã, lãnh vài trăm vé số, hàng ngày lang thang bán dạo, kiếm gạo. Tôi lang thang như một tên thất chí, bị trời hành.
Nắng hay mưa đều có mặt trên từng cây số. Lộ làng ngoằn ngoèo như con rắn. Cỏ dại mọc um tùm. Cầu khỉ cao lêu nghêu, nhưng chỉ có một cây tre bắc ngang, đi quàng xiên trên đó, y hệt như diễn xiếc. Tôi bỏ dép, lội chân trần cho tiện. Tôi lê la khắp nơi, chui đến tận nẻo cùng, ngõ kiệt… để bán cho được những tờ vé số chưa có người trúng bao giờ.
Một hôm, ngang qua nhà Hoa, tôi chợt dừng chân. Hình như có tiếng ai thút thít trong nhà. Hình như thấy bóng dáng tôi, tiếng khóc đã cố nén lại. Tôi ngạc nhiên, vì từ ngày Hoa về nhà chồng, thím Chín chỉ sống một mình, hẩm hiu với nương rẫy. Chẳng lẽ thím khóc. Thím đang có chuyện buồn? Nghĩ vậy, tôi lao vào nhà. Và tôi khựng lại. Phía sau cái bàn gỗ quen thuộc, là Hoa. Tóc rối tung như người điên, nước mắt chảy dài, trên tay đang cầm ly chất lỏng, sóng sánh một cách kỳ lạ.
– Hoa. Sao em khóc? Em về hồi nào? Sao em có vẻ đau khổ như vậy?
Hoa ngước lên nhìn tôi, rồi từ từ đặt ly nước xuống bàn, rồi úp mặt vào lòng đôi tay, khóc nức nở.
Tôi chạnh lòng, tiến về phía Hoa, vỗ vai nàng.
– Nín khóc đi em! Em có chuyện buồn phải không? Từ từ kể anh nghe, biết đâu sẽ vơi đi…
Hoa lại nức nở lên. Nước mắt tuôn trào xuống, ướt đẫm ngực áo.
– Chồng em bỏ em rồi anh ơi! Ảnh đi theo tiếng gọi của người con gái khác.
Tôi bối rối, lúng túng thật sự trong lúc này. Làm sao tôi dám tham dự vào một chuyện tình bi thương như vậy, khi kẻ phản bội là kẻ khác chiến tuyến với mình. Cuối cùng, tôi chỉ nhỏ nhẹ, an ủi Hoa.
– Hoa ơi! Em đừng đau khổ nữa. Hãy cố gắng quên đi chuyện buồn. Thời gian sẽ bôi xóa tất cả. Rồi đây em sẽ tìm được hạnh phúc khác. Không khó khăn lắm đâu!
Hoa vò đầu bứt tóc, một cách vật vã.
– Nhưng em yêu ảnh. Ảnh là mối tình đầu của em. Mất ảnh, em chỉ có nước chết.
Tôi ngậm ngùi, im lặng và chua xót ngó Hoa một cách lặng lẽ. Hoa tiều tụy rõ rệt. Nét thanh xuân tươi thắm ngày nào đã không còn nữa. Giờ đây, nàng như một cánh hoa sắp sửa phai tàn. Tôi chợt nhớ tới ly chất lỏng lạ kỳ mà nàng đã nâng lên tay, khi tôi vừa bước vào nhà. Vói tay cầm cái ly, sinh nghi, tôi đưa lên mũi. Một mùi chua chua, oi nồng, muốn bốc lên tới óc. Tôi hoảng hốt.
– Trời ơi! Acid. Em uống acid để tự tử, phải không Hoa?
– Vâng. Em muốn kết liễu đời em như vậy.
Tôi kinh hoàng, hất mạnh ly acid ra sân.
– Em đừng đùa. Acid không dễ uống đâu. Tại sao em chọn cái chết một cách kỳ quặc như vậy?
Hoa bình thản.
– Anh an tâm. Em đã pha đường và nặn một ít chanh cho dễ uống. Chỉ cần nốc một hơi. Thế là xong. Em chọn cái chết đau đớn như vậy để trả giá cho một tình yêu tưởng chừng hạnh phúc nhất, từ thuở ban đầu.
Bỗng dưng, tôi chợt nóng lên, lớn tiếng, sôi nổi.
– Anh lấy quyền con người, cấm em làm điều này. Em quá dại dột, hèn nhát chọn cho mình một cái chết lãng nhách như thế. Em biết không? Khi em nằm xuống, chẳng phải chỉ em yên thân. Thím Chín sẽ đau khổ không nguôi. Gia đình em sẽ tiếc thương biết chừng nào. Hoa! Em hãy bình tâm suy xét, cố gắng làm lại cuộc đời. Kể từ ngày mai, anh qua đây thường xuyên với em. Có anh, cầu mong em sẽ phôi pha chuyện cũ, không còn buồn nữa.
Ngày mai, như đã hứa, tôi tiếp tục qua nhà Hoa khuyên lơn, sau khi lội hàng chục cây số bán những tờ vé số chết tiệt. Và ngày qua ngày, tôi cứ tiếp tục như thế, hy vọng kéo Hoa trở về đời sống cũ năm xưa. Tôi tập Hoa lấp khoảng trống thời gian bằng cách nghiên cứu về trồng trọt. Mang cho nàng mượn những sách truyện lịch sử, đồng quê. Gợi ý cho nàng làm thơ, nghe nhạc, phân tích các vấn đề thời sự…
Một trong những cuốn sách Hoa thích nhất, là cuốn Đồng Quê của nhà văn Phi Vân. Nàng nói nhờ cuốn này, nàng đã yêu làng quê trở lại. Chỉ có làng quê là núm ruột thiêng liêng gắn bó với con người từ lúc chào đời, cho tới khi lìa đời. Rồi một hôm, nàng mò đến nhà tôi, trong lúc chỉ có tôi ở nhà một mình. Nói là nhà cho oai, thật ra chỉ là một căn chòi nhỏ, kê vừa đủ một cái vạt tre, một cái bàn và ba cục gạch dành cho những lúc nấu nướng.
– Em qua nhà anh đường đột, anh có phiền không?
Tôi lưỡng lự một lát, mới trả lời nàng.
– Anh rất vui được tiếp em. Em tự nhiên nha!
Hoa tự nhiên thật. Nàng ung dung cởi dép, ngồi bó gối trên vạt, đưa mắt ngó khắp căn chòi.
– Đúng là một túp lều tranh hai quả tim vàng. Anh chị sống với nhau rất hạnh phúc.
Tôi cười cười, âm thầm quan sát Hoa. Nàng bây giờ tươi thắm hơn trước nhiều, mặc dù đôi mắt, hình như vẫn còn dàu dàu đau khổ.
– Em qua đây để xin anh cuốn Đồng Quê. Cuốn sách thật tuyệt vời. Nhờ nó mà em đã thay đổi dần cách sống.
– Vâng. Anh tặng em đấy! Hãy giữ làm kỷ niệm.
– Phi Vân. Tác giả quá xa lạ. Nhưng văn viết rất hay. Anh có biết gì về tác giả này không?
– Anh chỉ biết đại khái ông ta là một nhà báo trước năm 1954. Chỉ có vài tác phẩm được in thành sách. Nổi tiếng là Đồng Quê.
Nghe đến đó, Hoa bỗng sụt sùi.
– Em có lỗi với quê hương mình quá anh ạ! Em đã bỏ làng để theo người xa lạ. Và rồi trở về đây với tấm thân tàn.
– Thì bây giờ em làm lại cuộc đời. Thương làng quê. Thương thím Chín. Thương gia đình… đâu có muộn.
Bỗng dưng Hoa nhìn tôi, rồi vụt ré lên, nức nở.
– Anh ơi! Làm sao có thể trở lại thời ban đầu, hỡi anh?
Hoa khóc ngon lành. Khóc như mưa rơi. Làm tôi lúng túng như gà mắc đẻ, chạy tới chạy lui tìm cho nàng cái khăn để lau nước mắt. Cuối cùng, tôi phải đến gần nàng, vỗ vai, năn nỉ.
– Nín đi em. Em có biết tiếng khóc của em sẽ làm cho hàng xóm chú ý. Và họ sẽ hiểu lầm, đàm tiếu một cách sai lệch về chúng ta. Em phải nghĩ đến anh, anh đang trong tình trạng quản chế.
Hoa giật mình. Tội nghiệp, nàng nín khóc ngay. Nhưng nước mắt vẫn tuôn lã chã trên khuôn mặt đầy ủ dột. Tự dưng, Hoa đưa cánh tay lên lau nhanh nước mắt, rồi chạy vụt ra cửa. Tôi ngỡ ngàng, ngó theo. Cho đến khi chỉ còn thấy bóng dáng của nàng thấp thoáng trên đường đê – nơi ngày xưa có cánh đồng khô khan cỏ cháy, có tiếng kêu ai oán của lũ nhái bầu, khi mùa mưa bắt đầu trở lại.
Sau năm năm quản chế như một tên tù giam lỏng, cuối cùng, tôi được định cư ở Mỹ nhờ chương trình HO. Biết tôi sắp rời xa quê hương, thoát cảnh tù đày, Hoa mừng rỡ và vui vẻ khôn xiết. Những ngày cuối, nàng gặp tôi thường xuyên. Nàng mơ màng ngày tôi trở về thật huy hoàng: Ngựa, xe, võng, lọng… Tôi phì cười.
– Em cứ mơ những điều không có. Anh chưa biết, bên đó, anh sẽ sống ra sao? Có việc làm không? Có hòa đồng được với mọi người? Ở đó mà mơ huy hoàng?
– Còn em. Từ ngày có anh, em đã thay đổi rồi. Và cứ thế tiếp tục tiến tới. Em hứa, em sẽ là một cô thôn nữ tuyệt vời, suốt đời gắn bó với mảnh vườn của gia tộc. Thêm một điều nữa, suốt đời ghi ơn anh đã cứu thoát em ra khỏi cái chết.
…..
Tôi đến El Camino Memorial Park nhiều lần trong những dịp tiễn đưa linh hồn những người quen về thế giới khác. Nghĩa trang rất rộng lớn, nằm ở vùng Sorrento Valley thuộc San Diego. Hôm nay tôi đến đây, với một người bạn. Anh ta đến thăm mộ đứa con gái, cách đây mấy năm đã đột tử trên bàn học, vì chứng bệnh hiểm nghèo. Nhìn ngôi mộ khang trang của cháu, tôi bỗng nhớ đến Hoa. Hoa cũng chết trẻ.
Lúc Hoa mất, nàng cũng trạc tuổi với cô gái này. Hoa đã không giữ lời hứa với tôi, sau vài năm tôi sang Mỹ, trong một lúc cuồng trí, nàng đã nốc cạn ly acid để tự kết liễu đời nàng. Mối tình đầu mãnh liệt thật! Vết thương lòng vỡ ra, và không bao giờ lành. Hoa chẳng chịu nổi những đớn đau dày vò, và xé nát đến tận tâm can của một nhân duyên, tưởng chừng như hạnh phúc.
Anh bạn lom khom thắp hương trước ngôi mộ. Hương thơm ngát một vùng, và theo gió, từ từ bốc thẳng lên trời. Anh bạn lâm râm cầu nguyện. Tôi khoanh tay, lòng nghe tiếng thì thào từ một nơi nào đó, rất xa. Anh bạn ngưng cầu nguyện, chỉ tay về những sợi khói đang bay xa.
– Anh biết không? Khi tôi thắp hương cho con gái, những sợi khói tung cao như vậy. Tôi tưởng tượng hình bóng của con tôi đang theo khói bay thẳng lên trời. Và ở nơi xa xôi đó, tôi hy vọng con tôi sẽ sống bình an đời đời, trong vòng tay đầy yêu thương của Đấng thiêng liêng.
Nghe bạn nói, tôi bỗng có ý nghĩ muốn gởi hình bóng Hoa theo khói lên trời. Biết đâu cảnh tượng này là một sự mầu nhiệm có thật. Trong cõi vĩnh hằng đó, nàng sẽ thật sự bình an. Còn hơn ở chốn nhân gian này, nàng luôn luôn sống đớn đau bởi một vết thương, chẳng bao giờ lành.
Phạm Hồng Ân