User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Copy of chuttersnap iQVn40PdwW0 unsplash 460x259
Minh họa: chuttersnap-unsplash
 
Bà cụ Văn đang ở San Francisco. Cụ xuống thăm con trai, con dâu và hai đứa cháu nội. Trời Cali dù gần Tết có dịu đi một chút nhưng cụ vẫn thấy khó thở quá. Chả bù với vùng Tây Bắc nơi cụ ở đã mấy chục năm qua. Cây cối lúc nào cũng xanh mướt, khí hậu mát mẻ cứ như ở Đà Lạt mình. 
Đạt, con trai út của cụ, cũng lớn lên ở đất Seattle, ra trường đi làm nhiều năm rồi được lên chức mới đổi xuống đây. Cụ đã ngăn con: “Thôi trên này có đông anh chị em, tối lửa tắt đèn có nhau, các cháu thì còn nhỏ. Mẹ già rồi, đâu có mỗi lúc đến thăm cháu được”. Ấy thế mà rồi vợ chồng con cái chúng nó cũng cứ dọn đi. Có khi cũng tại con vợ Mỹ của nó, con Sara, ham chồng tăng nhiều lương, càng khỏi đi làm. 
Nghĩ đến con dâu cụ càng bực bội. Cụ đâu có muốn con cụ lấy vợ “ngoại quốc”. Thằng con út của cụ, tính tình dễ dàng, hiền hậu, công việc lại tốt, lấy ai chẳng được mà nó lại ưng con nhỏ Sara này.
 
Các em cụ thì mấy người đã có dâu, có rể Mỹ, đều khuyên cụ: “Chị ơi mình đã ở xứ này, tụi trẻ chúng nó gặp nhau, thương nhau thì mình nên vì hạnh phúc của chúng nó mà thôi. Vả lại con bé Sara này nó có học, đẹp người, nó cũng không quá cao lớn, rất xứng với cháu Đạt. Chúng nó thương yêu nhau, Sara lại biết chiều chồng, chị chẳng nên buồn phiền”. 
 
Sao cụ không biết vậy. Nhưng cụ còn có nỗi khổ tâm khác. Các em của cụ đâu có hiểu. Cụ đã ngoài 80 tuổi, các bạn già trên chùa, họ có con cái lấy vợ lấy chồng từ hồi còn ở bên Việt Nam, họ đâu có nhìn sự việc dễ dàng như thế. 
 
Bữa nọ trong lúc nói chuyện, cụ Thọ đã mát mẻ: “Cụ Văn thì lo gì các cô các cậu lấy vợ lấy chồng ngoại quốc, cụ đã là giáo học, tiếng Pháp tiếng Anh gì cụ nói với dâu với rể mà chả được.” Cụ lặng người, không trả lời. Cụ Thọ nói bóng gió cụ Văn đã có một con rể người Pháp, nay lại có dâu Mỹ. 
 
Cô con gái lớn của cụ nhiều năm trước, được học bổng du học bên Pháp. Tốt nghiệp xong cô lại được một việc làm tốt, chưa kịp trở lại Việt Nam thì chính quyền cũ sụp đổ, cô ở lại và kết hôn với một giáo sư người Pháp, là một bạn học cũ của cô. Hồi đó cụ ông còn sống, ông cụ rất giận. “Cho nó ăn học tốn bao công của, bây giờ lại đi phục vụ cho thằng Tây”. Cụ ông cấm cả nhà không ai được sang Pháp dự lễ cưới. Năn nỉ mãi cụ mới cho phép một cô em gái đi sang dự đám cưới chị.
   
Lúc nào nghĩ tới chuyện đó cụ cũng thấy xót xa trong dạ, thế mà nay cụ Thọ nỡ lòng mỉa mai đến chuyện dâu rể ngoại quốc của cụ.
 
Dưới nhà lại có tiếng đổ vỡ, hai đứa bé gái lại cãi nhau chí choé. Cụ thở dài. Sara bụng đã vượt mặt, chắc chỉ vài tuần nữa là sanh. Đạt từ ngày được công việc mới này, hơn lương, nhưng phải đi hết nơi này nơi kia kiểm tra, họp hành, vắng nhà thường xuyên. Con dâu gần tới ngày nằm ổ, cụ phải xuống ở với chúng nó xem có đỡ đần gì được chăng.
 
Nhưng cụ chỉ làm được những việc lặt vặt hoặc coi chừng hai đứa bé. Sara xem ra cũng chịu khó chăm con và trang hoàng nhà cửa, mùa nào thức nấy rất đẹp mắt. Nhưng dĩ nhiên cô ta tiêu vào những vụ này không phải ít. Chỉ chết tiền con cụ. Người Mỹ họ quen với đời sống an bình, không lo loạn lạc, không biết tiết kiệm như người Việt mình. Cụ chỉ nghĩ trong lòng. Già rồi cụ không muốn nói nhiều, mang tiếng ác.  
 
Cô con dâu Mỹ của cụ từ ngày lấy chồng, bằng cấp bỏ xó, không đi làm kiếm ra một đồng xu, mà ôi thôi Tết nhất, Giáng Sinh, sinh nhật sinh nguyệt gì là quà bánh la liệt hoa cả mắt. Chỉ tội con trai cụ đi làm ngày làm đêm mang tiền về mà tiêu pha thế thì chắc gì đã dành dụm được bao nhiêu. Thằng này vợ sanh đến nơi mà cứ bay hết tỉnh này đến tiểu bang nọ, hôm nào mới được nghỉ đây. Cụ lại thở dài.   
 
Hôm Đạt đem Sara về giới thiệu với gia đình, cụ cố tình tỏ ra lạnh nhạt để cô gái Mỹ biết là cụ không chấp nhận, nó sẽ rời xa con cụ. Thế mà rồi nó có tha đâu, mà cái thằng Đạt bị bùa mê thuốc lú ra sao mà rồi vì nó năn nỉ quá, chẳng đặng đừng, cụ phải làm một lễ hỏi ra mắt bà con họ hàng. Tuy vậy cụ vẫn hy vọng con gái Mỹ lòng dạ hay thay đổi, chắc gì…
 
Thế rồi có một bữa cụ gọi bà em út, giọng sầu não:
 
– Này cô có biết không, thằng Đạt nhà tôi với con Sara chúng ra toà làm hôn thú rồi đấy. Chắc nó sợ tôi không bằng lòng. Sao mà tôi chán đời quá.
 
Rồi hai cháu nội của cụ lần lượt ra đời. Sara khôn khéo, lần nào sanh cũng xin mẹ “đặt tên cho cháu.” Cụ đặt tên cho đứa đầu là Quỳnh, đứa sau là Giao. Ra ý một nhà như thể cây quỳnh cành giao. Con trai và con dâu cụ ra vẻ vui mừng, nhưng sau lưng cụ chúng nó vẫn gọi hai đứa bé là Nikki và Susie. Xu với chả Ních. Chẳng ra nghĩa lý gì. Mấy đứa này không có văn hóa. Cụ lại nghĩ thầm.
 
Sara không nói được tiếng Việt, nhưng trong nhà ai nói chuyện tiếng Việt với nhau cô ta cũng hiểu. Cô gọi cụ bằng “Mẹ” nhưng đối thoại vẫn chỉ bằng tiếng Mỹ. Thông minh thế mà không học được tiếng Việt. Thế thì thông minh nỗi gì. Cụ bực bội nghĩ thầm. 
 
Trông Sara gần đến ngày sanh, cụ Văn cũng thấy tội nghiệp. Sao lần này bụng nó to quá. Đứng ngồi cũng khó khăn. Suốt ngày chạy theo hai đứa con nhỏ, lại chở chúng đi học, trông Sara gầy rộc hẳn đi. Mẹ của Sara còn trẻ hơn cụ gần hai chục tuổi, bà ta còn đang đi làm nên khó lòng xuống ở giúp con dâu được. 
 
Mấy tháng trước lên Seattle thăm gia đình, Sara ôm hôn mẹ chồng:
 
– Con xin lỗi mẹ. Bác sĩ đoán lần này lại con gái, mẹ ạ. Con biết mẹ muốn cháu nội trai. Chúng con xin lỗi mẹ.  
 
Còn con trai cụ chỉ đứng cười cười, chẳng nói gì.
 
Con dâu cụ từ nhà dưới bước lên.  
 
– Người làm vườn chắc sắp tới đó mẹ. Ông ta người Việt, mẹ nói chuyện giùm con. Lúc con gọi, họ có vẻ không nói được tiếng Anh nhiều.
 
Cụ ừ. Con cụ cần mướn người dọn vườn. Cái vườn sau nở hậu, rộng quá mà không có ai để mắt tới từ hồi mùa Hè. Tết nhất tới nơi, cây khô cành héo, không thể không làm. Tìm qua mấy chỗ quảng cáo, cụ bảo con dâu nên gọi “Mr. Huề” này, người Việt hẳn chịu khó mà chắc giá nới hơn. Con dâu cũng chiều ý cụ. Sara gọi, hẹn với họ 4 giờ chiều nay sẽ đến xem vườn và ra giá.
 
Có tiếng xe đỗ ngoài cửa. Mr. Huề có chiếc truck giống như những chuyên viên cắt cỏ làm vườn khác. Đằng sau xe có mấy cái thùng đựng lá cây, mấy cái cào cỏ dựng thẳng lên trời như những dấu hiệu đặc thù quảng cáo cho cái business của ông ta.
 
Ông xuống xe:  
 
– Chào bác, té ra đây là nhà người Việt, cháu nghe gọi lại tưởng nhà Mỹ.  
 
Ông ta tò mò nhìn Sara và hai đứa bé đang chơi ở sân sau. “Cô ấy là con bác à?”
 
Cụ Vân cau mày:  
 
– Không. Cô ấy là con dâu tôi.
 
– Ủa, anh ấy đâu. Sao không làm vườn? Đi làm xa hả?
 
– Phải.  
 
Cụ nghĩ thầm. Hỏi gì vớ vẩn. Người ta bận mới có việc làm cho nhà ông chớ.  
 
“Mr. Huề” lại nói:
 
– Nhà lớn đẹp hỉ?
 
Chẳng đợi cụ trả lời, ông ta xồng xộc chạy vào phòng khách. Hình Đạt, Sara và hai con tươi cười trên mặt chiếc Piano.  
 
– Anh ấy đây hả. Bảnh trai thế mà sao lại đi lấy Mỹ. Con gái Việt thiếu gì mà lại đi lấy “con Mỹ” này?
 
Không biết nói sao, cụ cắt ngang:
 
– Ông ra coi vườn đi rồi cho biết giá bao nhiêu. 
 
Ông Huề bước ra vườn, trề môi:
 
– Sao mà cây cỏ bừa bộn ngổn ngang thế nì? Chắc từ bữa có bão tới giờ chưa dọn đây.  
 
Hai con bé Quỳnh, bé Giao chạy đến ôm chân bà nội, chúng chào ông khách lạ “Hi”. Ông Huề nhìn hai đứa bé:  
 
– Hai đứa nhỏ ni có nói được tiếng Việt không vậy bác?
 
Cụ gượng gạo:
 
– Cũng ít ít thôi.
 
– Rứa là hỏng rồi! Mất gốc, mất gốc hết!
 
Cụ Văn thấy váng vất một bên đầu. 
 
– Thôi ông cứ coi vườn đi, tôi phải vào nhà. Tôi hơi mệt. Ông ra giá bao nhiêu thì nói với cô chủ nhà này. (Cụ nhấn mạnh mấy chữ cô chủ nhà này). Tôi chỉ là khách đến thăm con cháu thôi. 
 
Trời cuối năm mau tối. Sara đã cho lũ trẻ tắm táp xong. Trông con dâu bụng to, mồ hôi mướt mải cụ cũng thấy thương. Sara nhăn mặt xuýt xoa, tay quài ra đàng sau vỗ vỗ lưng.
 
Cụ hỏi:
 
– Con mỏi lưng hả. Ngồi xuống mẹ xoa lưng cho.  
 
Sara ôm vai cụ:
 
– Con cám ơn mẹ đã giúp chúng con và các cháu. Má con phải đi làm, lại không ở gần, chúng con chỉ nhờ có mẹ. Mẹ ăn gì bữa chiều để con nấu.
 
– Thôi đừng để tâm đến mẹ. Cứ chăm cho mấy đứa bé đi.
 
– Con đã gọi sang em Nguyệt bên Fremont. Nguyệt nói gần nhà có tiệm thực phẩm Việt Nam. Nguyệt nói sẽ mang thức ăn đến, hay mai con sẽ đưa mẹ sang bên đó đi chợ cho vui. 
 
Cụ Văn gạt đi:
 
– Mẹ đã nói đừng có lo cho mẹ mà. À, ông Huề tính bao nhiêu tiền dọn vườn?
 
– Ông ta đòi $1500. Đắt quá. Mà tức cười, ông ta hỏi con là Mỹ hả, làm như nhìn con, ông ta không biết là Mỹ. Rồi ông ta còn nói sao Mỹ mà “short” vậy? Chẳng cao lớn hơn người Việt Nam bao nhiêu.  
 
Cụ biết Sara cố ý không chê trách ông Huề vì ông là người Việt Nam giống như những người trong gia đình chồng cô. Cụ nói ngắn gọn “Người Việt cũng có người này người khác, con ạ.”
 
Sara đang sửa soạn nấu nướng gì trong bếp. Tiếng nồi xoong lịch kịch. Cụ đang nói chuyện điện thoại với bà em út gọi xuống hỏi thăm và thông báo tình hình trên Seattle, việc chùa chiền, các vụ quan hôn tang tế. Sara thò đầu lên hỏi cụ gì đó, chắc là mời cụ xuống ăn cơm. Cụ xua xua tay ra ý cứ ăn đi, đừng chờ. Cứ nghĩ đến các món ăn Mỹ cụ đã chán ngán rồi. Già được bát canh, trẻ được manh áo mới, cụ lại nhớ đến mùi vị bát canh rau mồng tơi với mướp hương, không thì ít ra cũng bát canh đậu phụ cà chua.
 
Xong cú điện thoại thì trời tối mịt. Lũ trẻ xem chừng đã ăn uống xong, đang ngồi xem tivi. Cụ hỏi:
 
– Mẹ cháu đâu? Hai đứa chà răng chưa?
 
Con Quỳnh nắm tay bà nội, thì thào “Mẹ đang ở trong phòng, mẹ đang khóc.”
 
Chắc lại đau lưng nữa rồi. Cụ nhớ ngày xưa lúc gần tới ngày sanh mỗi đứa con, bụng to hơn người, cụ cũng không đi thẳng lưng được, đêm nằm phải ngủ nghiêng, gối chặn bụng, dằn lưng. Đấy không kể là ở Việt Nam còn có người giúp việc. Còn bên Mỹ này thì…
 
Cụ đến cửa phòng con dâu, Sara ngồi trên giường, quay lưng ra ngoài, trước mặt ngổn ngang mấy cuốn sách.   
 
Đã đau mà còn lôi ra lắm thứ thế kia. Cụ lại nghĩ trong bụng. 
 
– Đau lưng nữa hả? Để mẹ xoa lưng cho.
 
Sara quay lại, khuôn mặt xinh đẹp đầm đìa nước mắt, trước mặt cô là mấy cuốn sách dạy nấu ăn Việt Nam. Thì ra con dâu tưởng cụ dỗi, đã xua tay không muốn ăn cơm với cô, nên Sara cố tìm trong sách món ăn vừa ý cụ.
 
Cô thổn thức: “Con biết mẹ thèm món ăn Việt Nam, mà con không biết nấu sao cho vừa ý mẹ.”
 
Cụ ôm lấy con dâu, rơm rớm nước mắt.
_____________ 
(Dựa trên chuyện thật)
Nguyễn Đặng Bắc Ninh

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com