User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
trangvocu
Trang vở cũ – Tranh Hoàng Thanh Tâm
 
Tôi nhận được điện thư với tựa đề: Quang Ngai –  IVS (International Voluntary Services) English School – Trường ông Dave. Tôi rất ngạc nhiên, nhưng thật vui. Tên người gởi là Nguyễn Văn Kông. Tôi nhớ ngay đến thầy giáo Kông của IVS Quảng Ngãi. Mở thư đính kèm, thấy mình được hân hạnh trong vài chục người đầu tiên trong danh sách, cùng với em tôi. Tôi vội vàng chuyển thư đến anh chị của tôi, những người cũng một thời học trò “trường ông Dave”.
 
Tôi ngỡ như mình đang nhẩn nha xem cuốn phim đen trắng, ghi lại ngày tháng cách đây hơn ba thập niên.
 
Tôi kết thúc chương trình Tiểu Học với phần thưởng ưu hạng, tức là hạng nhì của lớp 5B. Lên Trung Học, tôi đinh ninh mình sẽ tiếp tục làm quà cho Ba Mạ với những Bảng Danh Đự xanh đỏ. Nhưng, khi nhìn kết quả Đệ Nhất Lục Cá Nguyệt của mình trong năm đầu tiên ở Trung Học, tôi buồn và thất vọng não nề. Mặc cho các môn Toán, Lý Hóa có điểm khá, điểm thấp trong môn Anh Văn đã đẩy tôi ra khỏi top ten của lớp Sáu Bốn, Nữ Trung Học. Trong chương trình “cứu nguy”, anh tôi lãnh trọng trách dẫn tôi đến ghi danh ở “trường ông Đê”. Lúc đó, thầy Đặng Quỳ là Hiệu Trưởng của trường.
 
Bây giờ, cũng lạ, tôi không hề nhớ đến một nam sinh nào trong lớp. Hình như lớp của tôi đa số là nữ sinh, lại là nữ sinh mỹ nhân. Bông hoa rực rỡ nhất lớp trong mắt tôi thuở ấy là chị KH. Chị có vẻ rất à-la-mốt, để tóc “xì tôn”. Cặp mắt to, đúng điệu mắt nai vàng ngơ ngác. Tôi không biết Tây Thi bên Tàu ngày xưa diễm lệ cỡ nào, mà làm cho “trầm ngư”, chớ chị KH ở IVS đã làm không biết bao nhiêu Quảng-Ngãi-công-tử “lạc nhạn”. Có lần, chàng nào từ Sài Gòn ra Quảng Ngãi, đem tặng chị trái táo. Có lẽ chị mắc cỡ, nên sẵn có nhãi ranh ngồi cạnh, bèn đưa cho nó luôn. Vậy là tôi được bổng lộc bất ngờ. Ngoài ra, có cô Bắc Kỳ nho nhỏ VTL cũng xinh xắn lắm. Nếu thời đó nhạc phẩm Tháng Sáu Trời Mưa đã ra đời, hẳn tôi đinh ninh nhạc sĩ đang ca tụng làn da của chị VTL,  Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng... Chị nói chuyện nhỏ nhẹ, dễ thương. Tôi “mết” chị và bí mật chấm điểm cao cho chị, chờ cơ hội thuận tiện làm mai cho ông anh của tôi. Tiếc là, anh tôi lại nhờ tôi gò chép mấy câu thơ của Nguyên Sa, Gặp một bữa anh đã mừng một bữa, Gặp hai hôm thành nhị hỉ tâm hồn, rồi sai tôi đi “dâng” cho nàng thơ khác ở tiệm vải Phúc Thịnh gần chợ Quảng Ngãi. Tan trường, khi rời khỏi con hẻm nhỏ, bên cạnh nhà may cô Yến, tôi có thể quẹo phải, về tiệm sách Kim Mai ở Phan Bội Châu, hoặc quẹo trái về nhà, Café Uyên, ngoài ngã tư chính. Nhớ chị XM, có lần trời chạng vạng, tôi đứng gần chị trước cửa lớp chờ vào học. Chị nói: “Con nhỏ Thúy có cặp mắt tình ghê.” Chị XM lúc đó học giỏi có tiếng. Được người “nổi tiếng” khen, làm con nhỏ lật đật ghim vào tâm khảm, nhớ miết tới bây giờ.
 
Còn vài chuyện đáng nhớ nữa, nhưng chắc tại tôi hồi đó ưa “tôn thờ” mấy người lớn, nên cất kỹ trong đầu. Chớ mấy chị, chắc đâu ai còn vấn vương chi mấy chuyện lắt nhắt, lít nhít đó. Nói chung, trong lớp IVS đó, tôi không nhớ đến những bạn cùng trang lứa để mày tao, mà chỉ nhớ đến các chị.
 
Thầy giáo chính của lớp chúng tôi là thầy Vương Đình Quý. Thầy Quý phát âm giọng mũi, nghe rất Mỹ. Tôi nói vậy cho oai, chứ tới thời của tôi, tôi không có dịp nghe giọng Mỹ. Vì các thầy giáo người Mỹ lúc đó đã thôi không dạy ở trường nữa. Tôi còn nhớ bài đọc về con hươu cao cổ của thầy Quý, The giraffe has long, thin legs and a very, very long neck.  Chữ giraffe thầy Quý phát âm nghe sang chi lạ.
 
Những giờ học với thầy Võ Thành Chương thật thoải mái. Thầy Chương rất hiền. Thầy chẳng rầy la ai bao giờ. Thầy nói rất nhỏ. Không chừng có thêm cái quạt mo, là thầy Chương có thể biểu diễn hoạt cảnh của nhạc phẩm Ngậm Ngùi, (các) em (học trò) ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây, ngủ đi, mộng vẫn bình thường... Mộng bình thường của tôi lúc đó là làm sao chống mắt cho kỹ, kẻo ngủ gục rồi không đọc theo tấm chart thầy Chương dạy, The musician is calm, the singers are talented...
 
Vào mùa hè, thỉnh thoảng chúng tôi được các thầy “lão thành”, những anh lớn đã vào đại học ở Huế, Sài Gòn, ghé qua dạy. Tôi còn nhớ rõ ngữ điệu của bài đàm thoại khi vào tiệm ăn:
 
– Are you ready to order?
 
– Yes, I'd like steak, please.
 
– How do you want it? Well-done, medium or rare?
 
– I'd like it rare, please.
 
– …
 
Nói riết thành phản xạ. Cứ hễ vô nhà hàng là ăn steak, mà ăn steak là ăn sống... Thầy Phạm Công Hiệu đọc trước, cả lớp đọc theo. Vì lẽ gì đó, lớp chúng tôi không lặp lại liền ngay sau khi thầy đọc, mà chúng tôi nghỉ chừng vài giây. Thầy bảo: “Mấy em làm tôi đau tim quá.” Rồi thầy kể câu chuyện vui. Có cậu sinh viên ở trọ trên căn gác. Một cụ già ở tầng dưới. Cậu sinh viên có tật về đến nhà là cởi giày ra, vứt xuống gầm giường cái rầm, gây tiếng động, làm bà cụ giật mình. Bà đã đôi lần phàn nàn với cậu và yêu cầu để ý. Chiều đó, về đến phòng, cậu sinh viên quen tay, ném ào một chiếc giày. Xong, cậu chợt nhớ lời bà cụ, nên nhè nhẹ cởi chiếc thứ hai để xuống cạnh giường. 10 phút sau, có tiếng bà cụ gõ cửa, cậu sinh viên chắc mẩm bà lên khen cậu tiến bộ. Ai dè, bà cụ mặt mày xanh mét, thều thào: “Cậu này! Sao cậu không ném chiếc giày thứ hai cho rồi. Già chờ nãy giờ, hồi hộp quá, mệt cả tim.” Thầy Hiệu nói: “Đó! Mấy em thấy chưa! Mấy em đừng để tôi đau tim nghe”. Qua thầy Trần Văn Hải, tôi được biết những điều khái quát của thái dương hệ, dải ngân hà, được nghe đến những địa danh thật huyền bí, xa xôi. Có lẽ nhờ đôi giờ học hiếm hoi với các “cao nhân", mà mới đây, tôi đã giải đáp được câu đố mẹo (Thân mời quí Sư Huynh, and Sư Tỷ giải bài zăn sau đây: M V E M J S U N next alphabet (after N)???)
 
Tính ra, tôi học với thầy Nguyễn Văn Kông nhiều giờ nhất. Thầy Kông cao, gầy, thư sinh bạch diện, nghiêm nghị lắm lắm. Thầy Kông đi dạy, hay mặc đồng phục của trường Trần Quốc Tuấn, áo trắng, quần xanh, rất chỉnh tề. Không biết sao, tôi lọt vào lớp rất nhiều chị lớn, nên tự nhiên thành hàng em út. Thuở đó, biết phận mình chưa nhổ giò, tôi đâu dám... trèo cao. Nên tôi đành lủi thủi nghe mấy chị “mộng ngoài cửa lớp”: Nào là thầy Kông học giỏi, nói tiếng Anh hay và nhất là mái tóc thầy Kông, bềnh bồng dợn sóng. Ấy, chẳng phải là hàng nhân tạo như mái tóc uốn ép sấy gội nhuộm của các kép Minh Vương, Minh Phụng đâu. Tóc thầy Kông nghe đâu được cầu chứng tại tòa là tóc “quen” tự nhiên. Nghe mấy chị rù rì với nhau, mấy chàng tóc quăn thương vợ lắm. Tôi chỉ nhớ được chừng đó thôi, nhưng tiếc không nhớ chị nào đã có lời bàn nào, để bây giờ “méc” lại với thầy Kông.
 
thaykong
Thầy Kông –  Hình minh họa Nguyễn Đức Tuấn Đạt 

Người xưa có dạy rằng, muốn... mình hay chữ phải... yêu kính thầy. Mấy chị dành “thầu” phần yêu. Còn tôi, hạng em út, vừa qua giai đoạn thò lò mũi xanh chưa lâu, phải “khoán” phần kính. Nếu thuở đó, Tom Cruise đã tiếng tăm ở Hồ Ly Vọng, trường phái Bút Tre đã lẫy lừng trên thi đàn, chắc mấy chị trong lớp đã ngâm nga:
   
Thầy Kông thẩy rất nghiêm tràng (trang),
Nhưng thầy đẹp trái (trai) ngang hàng Tôm Cui.
 
Mấy chị lại ưa màn “ghép đôi” thầy Kông với chị Liễu. Có lần, chị nào lén viết trên bảng Peacock + Willow. Thầy Kông vào lớp thấy vậy, mặt mày hầm hầm, vừa xóa bảng vừa “giũa te tua” đám học trò rắn mắt. Tôi, lúc đầu cũng thày lay, tính cười ké theo mấy chị. Đến khi thấy thầy nộ khí xung thiên, rét quá, im thin thít. Tôi nhớ, thầy Kông có dạy bài Phật Khóc rất hay. Trời lụt, một người đi đường nghe hai tượng Phật nói chuyện với nhau. Tượng Phật gỗ nói: “Tội nghiệp cho bạn quá! Bạn là đất, khi nước dâng lên, bạn sẽ vữa ra và tan biến mất. Tôi may mắn hơn bạn nhiều, tôi bằng gỗ, tôi sẽ nổi lên mặt nước và trôi đi tìm chỗ nào cao hơn, khô ráo.” Tượng Phật đất trả lời: “Không đâu bạn ạ, tôi mới là người may mắn. Tôi đến từ đất, tôi sẽ trở về đất. Còn bạn, bạn sẽ bị trôi giạt đến nơi đâu bạn chẳng rõ, biết đâu bạn mãi mãi tha hương không có ngày trở về...”
 
Ngoài những bài học anh văn, tôi còn rất “ngưỡng mộ” chữ viết của thầy Kông. Thầy Kông viết chữ rất đẹp. Chữ f thầy kéo đường vòng. Trông từa tựa dáng con ve. Khi thầy viết chữ of, tôi nhìn, liên tưởng đến con ve đang cầm trái bong bóng. Hồi đó, tôi bắt chước thầy Kông cũng viết chữ f như vậy, mà không xin bản quyền. Chắc thầy Kông không kiện cáo gì, bắt tôi đáo tụng đình vì tội vi phạm copy right. Tiếc là thi ca tiếng Việt không có chữ f, hoặc rất hiếm, nếu có, chỉ là danh từ riêng, tên họ... cho nên tôi không có dịp “thư pháp” chữ f.
 
Nói chung, lớp chúng tôi, hay đúng hơn là tôi, tình cờ có sự sắp xếp các thầy rất hợp lý cho tôi. Bởi, nếu, thầy nào cũng speak softly love như thầy Chương, tôi ngủ hoài trong lớp, làm sao về nhà còn ngủ được. Còn, nếu thầy nào cũng khó đăm đăm như thầy Kông, thì căng thẳng trường kỳ, e rối loạn hệ thần kinh não tủy.    
 
Tôi hơi tiếc là trường IVS phải đóng cửa, lúc tôi vẫn chưa đủ tuổi để xao xuyến, bâng khuâng khi học các ông thầy đẹp trai, học giỏi... Sau năm 1975, tôi mất liên lạc với thầy bạn cùng lớp của trường ông Dave. Mãi đến năm 1979, tôi gặp lại chị KH trong khuôn viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Tôi là lính mới khoa Ngoại Ngữ. Chị là sĩ quan sắp ra trường khoa Hóa Sinh. Tôi thấy chị vẫn tươi thắm như xưa. Còn chị nhận xét: “Ủa! con Thúy, chớ mấy năm rồi mà sao mày hỏng lớn thêm chút nào vậy?” Vào trường IVS thời gian ngắn, tiếng Anh của tôi tiến bộ thấy rõ. Từ lớp Bảy cho đến lớp Chín Nữ Trung Học tôi lấy lại phong độ và chỉ quẩn quanh trong top five cho đến năm 1975.
 
Sau này, khi vào học Marie Curie Sài Gòn, tiếng Anh của tôi vẫn không chịu thua “thằng Tây” nào, bất kể là đầm thiệt hoặc đầm dỏm. Có thể, nhờ căn bản tiếng Anh ban đầu, tôi luôn thấy niềm vui và dễ dàng khi học thêm ngoại ngữ mới. Bây giờ, trong công việc làm, tôi đã có dịp nói tiếng Anh ở những địa danh không hẳn xa, nhưng đôi khi rất lạ như Tel Aviv, Vilnius, Almaty, Kiew, Abu Dhabi, Ljubljana... Khi tình cờ bấm nhầm nút điện thoại, nghe giọng đọc của mình trong máy, tôi không nín cười được. Trời đất! Nói tiếng Anh mà sao nghe như... hò Huế. Giọng đọc của tôi, dù với accent nước mắm, tôi vẫn luôn tự tin khi khi phát âm s, sh, th, z... Đó, chắc chắn có phần đóng góp dạy luyện giọng của các thầy qua các bài tập như She sees the seashell at the seashore, hoặc I know two boys...
 
Mấy tháng nay, nhờ bầu nhiệt huyết và trái tim không ngủ yên của thầy Kông, những IVSer từ khắp năm châu bốn bể đã tìm gặp lại nhau sau nhiều thập niên thất lạc tin tức. Hội ngộ trên mạng, trên điện thoại, những họp mặt nho nhỏ, trung trung và đến hội ngộ lớn.
 
Tôi bắt chước vài anh chị lớp lớn, xuất khẩu thành thơ... bút tre: 
 
Brà-vô Ai-ví-Ét-Xờ/
Thầy Kông cồ-nét, mình giờ gặp nhau.
 
Người xưa có dạy, nhất tự vị sư, bán tự vị sư. Mấy chục năm trước, tôi học các thầy bao nhiêu là chữ. Các thầy vẫn là thầy, dù các thầy đã vui vẻ bảo, gọi anh cũng được. Bây giờ gặp lại nhau, thầy trò đa số đã bước qua ngưỡng cửa tri thiên mệnh, nhắc lại tích xưa, chốn cũ, người này, chuyện kia... Cũng là dịp cho tôi, hay cho những ai là đã từng là học trò của “trường làng xưa”, nói lời cám ơn đến thầy cô. Ý đã mang trong tâm mấy chục năm qua, nay nói được thành lời. Cám ơn trường lớp, thầy cô, bạn bè đã vẽ thêm những nét tuyệt vời trong bức tranh kỷ niệm thời niên thiếu của tôi.
 
Hoàng Quân

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com