Vỹ Dạ, mùa lũ lụt năm 2023
Vừa thức giấc thì nghe em tôi la: “Lụt! Lụt!” Tôi vội vàng vùng dậy ra khỏi phòng thấy nước lênh láng đầy sân rồi. Xuống nhà bếp thấy cô cháu đang vo gạo. Cháu bảo: “Con nấu nồi cơm trước khi cúp điện.” Tôi cũng vội vàng tìm cái nồi nấu cháo oatmeal cho buổi sáng. Cơm, cháo mới sôi thì điện vụt tắt! Cháu biết mỗi khi bão lụt là không có điện. Bây giờ là hơn 6 giờ sáng ở Huế. Nhà nhà đã dậy bắt đầu sinh hoạt cho một ngày mới từ lúc 5 giờ, mặt trời chưa lên. Cháu phải chuyển gạo qua nồi thường để ra nhà sau nấu với bếp gas.
Nước lên rất mau trong nỗi lo sợ của mọi người. Em tôi vội gọi điện nhờ ba người đàn ông trong xóm đến bê máy móc ở phòng xét nghiệm lên chỗ cao, rồi họ bê gạch nâng hai chiếc xe hơi lên kẻo sợ nước vô máy. Hai việc quan trọng này xong thì cũng tạm bớt được một mối lo. Cậu em tôi và con trai đo mực nước và sợ hãi thấy chỉ còn mấy phân là tràn vào nhà. Nước đã xấp xỉ liếm bậc thềm vào phòng khám và phòng đợi của dãy phòng xét nghiệm!
Và thôi rồi! nước đã tràn vào rồi, may mà những dụng cụ quan trọng đã được đưa lên cao. Nước vẫn tiếp tục vào nhà. Nghe đâu có xả lũ nên lụt nhanh bất ngờ. Nước vẫn tiếp tục dâng cao, chỉ còn ba ly là vào phòng khách, cậu em báo cáo. Nước vào phòng khách tức là sẽ xâm phạm hai phòng ngủ thì sẽ rất “khô hỏi”! Em nói chưa bao giờ nước vào đến đây kể từ sau trận lụt năm 1999.
May tôi có cây đèn pin em Phương, GL ở VA gởi tặng khi tôi về Huế. Cây đèn tròn nhỏ xinh xắn mà sáng lắm. Cô em cứ nhắc hoài: “Cám ơn cô học trò của chị.” Cám ơn em Phương. Đây là lần thứ hai cây đèn nhỏ thật hữu dụng. Lần đầu là bị cúp điện vài giờ vào tháng trước.
Tôi gọi hỏi thăm Bình Phú xem nhà bạn có bị lụt không thì người nhà bảo nước ngập đường thôi và chị Cam, cư dân VA về Huế được hai năm, cũng ở trên đường Lý Thường Kiệt cho biết nước chỉ đến thềm nhà. Chị nói đây là cơn lụt lớn đầu tiên chị chứng kiến từ khi về Huế, trận lụt sau cùng mà chị biết là năm 1953. Khi trận lụt lớn năm 1999 xảy ra thì chị xa Huế rồi và trận lụt 2020 cũng làm Huế khốn khổ thì chị chưa về.
Bữa cơm lụt gồm cơm nguội (cơm nấu từ 6 giờ sáng), trứng tráng (gà nhà đẻ), cá hộp, muối sả chay vậy mà thằng cháu nội xít xa khen: “Cơm ngon quá.” Thường ngày hắn rất kén ăn. Bữa ăn nào, mẹ hắn cũng năn nỉ hắn mỏi miệng!
Thấy mưa đã ngớt, ai cũng mừng chắc nước sẽ rút nhưng mực nước vẫn lên dù rất chậm làm mọi người hồi hộp cho đến chiều tối. Mưa thì chỉ từng cơn và rất may là không có gió nên không sợ cây đổ kéo theo giây điện. Đến chiều tối, tuy cơn mưa đã dứt mà nước vẫn không rút. Cậu em bàn với con trai là hai cha con ngủ ở phòng khách canh mực nước. Rất may đến 12:30 thì nước bắt đầu rút nên hai cha con không cần thức canh nước nữa. Tôi thì lên giường lúc 7:30 vì 5:30 là ăn cơm chiều rồi! 12:30 thức giấc mới biết hai cha con vừa được đi ngủ.
5:30 sáng nghe lao xao bên ngoài. Hai vợ chồng cô em và con trai đang quét bùn ra khỏi phòng khám bệnh, lùa bùn ra khỏi sân. Cô cháu dâu lo làm đồ ăn sáng ngoài bếp sau, chỉ mình tôi được ngủ no mắt! Ăn sáng xong, hai vợ chồng cháu vội lội bộ về nhà ngoại giúp dọn lụt! Nhà ngoại cháu ở nơi thấp, đường còn ngập nước nên không đi xe được. Hai cháu mặc quần ngắn lội bộ về giúp ngoại. Dễ thương chưa! Nhà đèn vừa báo cho biết chưa có điện lúc 10 a.m. như dự báo mà hẹn đến 6 giờ chiều. Vậy là cậu em tôi chở thằng cháu nội lên nhà thờ charge phone vì trên đó vừa có điện.
Sáng nay vừa quét bùn ra khỏi sân, em tôi nói sẽ có một trận mưa xối bùn nên chỉ cần dọn sạch sân nhà thôi mà không cần lo cho con đường nhỏ dẫn ra đường cái. Em nói ông bà ta nói gì cũng đúng. Sau cơn lụt, thế nào cũng có trận mưa xối bùn làm sạch sẽ đường phố chứ có ai dọn dẹp đường phố đâu! Tôi ngạc nhiên thấy em tin chắc nịch như vậy. Và lạ thay trời đang nắng, sáng bỗng âm u rồi mưa nhỏ giọt và hạt mưa lớn dần. Em cười bảo: “Chị thấy chưa! Ông bà mình nói chi cũng đúng cả!” Tôi cũng cảm thấy vui và lòng dặn lòng sẽ viết về trận lụt này cho bà con ở bên kia, cho các em Gia Long -- có em chưa từng về Huế -- biết đôi nét về xứ Huế của tôi.
Mưa chỉ vài phút, không đủ quét sạch bùn ra khỏi ngõ. Cậu em nói thế nào cũng còn mưa nữa, cho đến khi hết bùn ở trên các đường phố! Dân ở Huế tuy sợ lụt nhưng cũng mong có lụt vì họ biết rằng sau cơn lụt, đất đai màu mỡ hơn, cây cối tốt tươi hơn. Ông bạn đồng khóa có mấy cây măng cụt ở vườn nhà cho biết năm nào không lụt là mất mùa măng cụt. Nước đọng một hai ngày làm chết côn trùng sống dưới đất như rắn, rít, những con kiến cánh, con mối, v.v. Có năm không lụt, mối trồi lên gậm nhấm rườn nhà, hư hại nhà cửa nếu không khám phá kịp thời. Cầu trời cho lụt nhỏ thôi cho dân Huế được nhờ. Sự thật thì ngày nay Huế không còn bị hành cơn lụt mỗi năm như Phạm Duy tả trong bài Tiếng Sông Hương nhưng mỗi lần lụt đến cũng “khiến đau thương thấm tràn ngập Thuận An...” Rất nhiều văn thơ thương xót miền Trung “mùa Đông thiếu áo, mùa Hè thiếu ăn”, lại bị mưa lụt hành hạ. Tôi mời quý bạn thưởng thức bài thơ Thiên Tai của tác giả Hằng Nhỏ tôi lượm từ trên mạng, diễn tả được cảnh đời cơ cực của dân Huế vào mùa lũ lụt:
Cảnh mưa gió màn trời chiếu đất
Thương miền trung cửa mất nhà tan
Dân trong bối cảnh hoang mang
Cứ nơm nớp sợ lang thang suốt đời
Mong vật đổi sao dời một bước
Để dân ta có phước trời ban
Thôi đành chấp nhận không than
Xin trời thấu hiểu lời van dân lành
Đất đã khóc mong nhanh nước rút
Đan miền trung tim buốt, dạ đau
Xin trời hãy bớt mưa mau
Dân lành thoát cảnh lao đao không nhà
Cho xả lũ sẽ là thảm cảnh
Nước đà dâng kiêu hãnh Thủy Tinh
Nghìn năm say ngủ Sơn Tinh
Hãy mau mà dậy dân sinh... kêu trời!
Em tôi mới cho xem cảnh lụt lội ở vài đường phố nước ngập cao, người ta phải dùng thuyền cứu hộ. Một con thuyền trên đường Bà Triệu bềnh bồng tưởng chừng như đang ngược dòng trên con sông có sóng! Nghe đâu có nơi thuyền chở một gia đình tám người bị lật và bà mẹ đã không được cứu kịp. Ở vùng này khá cao nên chúng tôi không thấy cảnh dùng thuyền cứu lụt, không biết bao nhiêu gia đình phải khốn đốn.
Sau khi nước rút hết, cậu em cho xe dạo một vòng thấy nhà nhà còn quét dọn, nhiều khu phố vắng vẻ, không có hàng rong. Quán ăn bên đường đóng cửa, người đi thưa thớt. Một vài chị bán hàng bày tôm cá trên vỉa hè vì chưa họp chợ được. Những lúc trời hành cơn mưa lụt, người nghèo nghèo hơn, người buôn gánh bán bưng cực khổ hơn, thương lắm! Cầu mong đây là trận lụt cuối cùng của năm Quý Mão.
Vừa viết xong thì được đọc bài thơ Huế Trong Mưa Lụt của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Dương mới tức cảnh thành thơ! Chắc chị có ở Huế mới biết nhiều ngõ ngách của Huế như ri, biết cả chuyện người ta đem xe hơi lên tỵ nạn trên cầu Đông Ba! Xin phép Thanh Dương cho tôi chép lại bài thơ ở đây để bà con được biết tấm lòng của chị.
Huế Trong Mưa Lụt
Không hẹn, chẳng chờ gió mưa vẫn đến,
Như bao lần làm khổ Huế tang thương,
Mưa xuống từ trời, gió thổi muôn phương,
Dòng sông ngập và dâng đầy nước lũ.
Trời mây xám, đâu sông Hương núi Ngự?
Đâu con thuyền thơ thẩn một đêm trăng?
Cầu Tràng Tiền ướt át lạnh mưa giăng,
Đưa ai kịp về trong ngày mưa gió?
Sông Hương cuộn nước, chôn thành phố Huế,
Điện Thái Hòa hoang lạnh đứng bơ vơ,
Ngập Chi Lăng, đường Bà Triệu, Nguyễn Du,
Ngập Ngã Sáu và trung tâm thành phố.
Nhà dân sát gần nhau mà cách trở,
Nước tràn sông lai láng chẳng bến bờ,
Cây ngả nghiêng, cành lá tạt phất phơ,
Như vẫy gọi để tìm người quen biết.
Phố cổ Bạch Đằng, phố mênh mông nước,
Phố cổ Bao Vinh cũng ngập nước rồi,
Chợ Bao Vinh thuyền ai đậu chờ ai?
Nghẹt cầu sắt Đông Ba xe tránh lũ.
Chuyến xe lửa nằm ụ sân ga Huế,
Sân ga vắng người, chờ nước rút đi,
Hành khách nằm đây với nỗi nhớ nhà,
Bên ngoài lạnh, lạnh tâm hồn phố lạ.
Đường rầy ngập nước, đất đường sụp lở,
Nước xoáy tròn như thác lũ đổ về,
Ở đường rầy xã Hương Chữ, Hương Trà.
Đường sắt Huế đã tạm thời tê liệt.
Sông Hương hỡi, xin thôi đừng lũ lụt,
Nước sông An Cựu đừng ngập nhà dân,
Đập Đá đừng nước chảy xiết lạnh lùng,
Trong cơn lụt bao người dân đau khổ.
Mong ngày nắng mau lại về thành phố,
Để o nghèo tất tả gánh hàng rong,
Để chuyến tàu ghé ga Huế sẽ đông,
Nếp sống Huế lại bình thường êm ả.
Nguyễn Thị Thanh Dương
Nguyên Ngọc Hoàng Thị Quỳnh Hoa