User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
nguoigia1
 
"Không hối tiếc quá khứ
Chẳng chờ đợi tương lai
Sống ung dung hiện tại
Sắc thân đẹp sáng ngời"
 
Ðây là bức thư họa của Vũ Hối viết cho bố mẹ của nhà tôi vào năm 2003 khi họ còn sống an bình tại khu chung cư của người già ở Westmingster. Rồi một hôm bà mẹ bị một xe hơi lùi trong khu đậu xe chợ Việt Nam tông nhẹ vào bà và bà bị té đầu chạm sân, lúc đầu tưởng không sao nhưng năm sau bất thình lình bà mẹ mất đi và ông bố sống đơn độc trơ trọi và sức khoẻ dần dần suy kém. Chủ nhà thấy ông sống như vậy bèn không cho ông mướn nữa nên ông phải dọn ra sống với cô con gái lớn. Trong khi dọn nhà tôi xin được bức thư họa đơn giản này mang về đóng khung và bây giờ ngồi ngẫm nghĩ và thấm thía được ý nghĩa của dòng chữ đầy nghệ thuật này.
 
Quay lại quá khứ sau khi bỏ tất cả sự nghiệp và di tản sang Mỹ vào ngày cuối cùng của Saigon ông bà đã ráng gây dựng lại cuộc sống mới tại Atlanta bằng cách kiếm việc làm thích hợp và hậu thuẫn khuyến khích đàn con học hành. Kết quả là năm trai gái tốt nghiệp tại trường kỹ thuật nổi tiếng Georgia Tech tại Atlanta.
 
Tôi là người may mắn được trao nhẫn cưới cho cô con gái út sau bao tháng ngày quen biết. Sau ngày lễ tốt nghiệp là lễ vu qui và tôi đưa nàng về dinh ở Minnesota. Hai ông bà thấy thảnh thơi và dọn nhà về hưu tại California sau đó.
 
Họ dù tuổi đã cao nhưng vẫn ghi danh học tại trường đại học cộng đồng Goldenwest để trau dồi thêm kiến thức, giúp họ cảm thấy cuộc đời còn lại hãy còn giá trị và có thêm niềm vui trong tuổi hạc. 
 
Ðây là bài thơ có tựa đề Lão Bà Học Vẽ do bà sáng tác với biệt danh "Lão bà Cali" in trong tập thơ Quê Hương được in ra cho người thân và bạn hữu xa gần:
 
Hôm nay cắp sách đến trường
Lão tôi vui vẻ lên đường ra đi
Anh Văn, muộn, chẳng kịp ghi
Thôi thì học vẽ, có chi nản lòng!

Một tuần ba buổi thong dong
Bạn cùng lớp trẻ cũng không mấy buồn
Gặp người đồng xứ hỏi luôn:
"Cụ" đi đâu đấy, trường Golden này?

Thưa tôi đi học hôm nay
Học gì thưa "cụ" và thầy là ai?
Rằng tôi học vẽ chẳng sai
Một thầy thật giỏi, rất tài vẽ tranh...
 
Trong khi bà làm thơ dí dỏm xâu sắc thì ông tạc tượng để đời. Ông đã là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng ở Saigon nay học thêm ngành điêu khắc và sáng tạo thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật bằng đá công phu và đầy giá trị. Ngoài việc chăm chỉ đi học ông bà thường xuyên đi bơi trong khu chung cư và hoạt động cho cộng đồng tại Nam Cali.
 
Họ đã làm cho những năm vàng còn lại trở nên có ý nghĩa và lành mạnh đáng cho chúng ta noi gương. Ông bà đã làm đúng lời của bức thư họa không nhờ cậy ai nhiều, sống ung dung bên nhau cho đến tuổi quá chín mươi họ mới giã từ con cháu.
 
Ðọc bức thư họa của ông bà để lại coi cũng như là một khải đạo cho tôi trong tuổi xế chiều. Sau bao nhiêu năm miệt mài với đàn con trẻ như nghề dạy học của tôi tuy đầu óc hãy còn minh mẫn, chân tay chưa run rẩy nên khi gần tới tuổi về hưu tôi  không còn muốn nấn ná mang cái thiên chức này nữa nên quyết định giã từ nghề giáo trước khi ông hiệu trưởng người Hmong hăm he mời tôi về nhà đuổi gà cho vợ. Gần cuối năm tôi dọn phòng học, tặng sách vở và vật liệu cho đồng nghiệp và học sinh. Gom lại gia tài nhà giáo chỉ vỏn vẹn nằm trong thùng giấy mang về nhà với cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Nghiệp đoàn giáo chức sau đó làm một buổi tiệc tiễn đưa và trao một giấy ban khen với 36 năm dạy học. Vậy là xong kiếp gõ đầu trẻ!
 
Rồi sau đó một ngày như mọi ngày đi ra đi vô trong nhà không có việc gì làm, cảm thấy như hụt hẫng mất một cái gì đáng quí.  Thật là chán nản cho kiếp người trong giai đoạn này như cái đồng hồ xưa chạy gần hết pin nằm chổng chơ không ai thèm ngó ngàng tới. 
 
Nhưng thật ra trong khi về hưu chúng ta có cái lợi là chúng ta tuy không phải là triệu phú của tiền bạc mà là triệu phú của thời gian, ngày nào cũng là thứ bẩy và chủ nhật, tha hồ bay nhẩy để tìm kiếm hạnh phúc. Các bạn cùng học của tôi trong lớp Đại Học Sư Phạm- ban Anh văn gọi tuổi này là "Tuổi Hồi Xuân" hay nôm na dịch sang tiếng Anh là "Age of Refilling". Xin đừng nghĩ lộn là tuổi của mấy ông bà xồn xồn ham vui làm chuyện lăng nhăng mà là lớp tuổi trung niên kéo dài được nhiều tự do, không còn vướng bận con cái, không còn tham vọng tranh đấu kiếm ngồi chỗ tốt trong nghề nghiệp và có nhiều cơ hội thực hiện các ý thích họ mong ước từ lâu. Đó là lúc đồng hồ cũ mèng được lắp thêm pin mới và bắt đầu một chương trình hoạt động mà chúng ta bỏ bê khi chúng đi làm. Chúng ta phải nghĩ rằng chúng ta về hưu với công việc nhưng chúng ta không về hưu trong cuộc sống "Retire from work, but not from life" theo như ông M.K. Soni, giáo sư người Ấn độ và viện trưởng của C.R. State College of Engineering đã viết.
 
Có ba lãnh vực chính mà người tuổi hạc chú trọng tới:  đó là Sức Khoẻ, Tiền Bạc và Bản Thân.
 
Sức khoẻ
 
Quả thiệt cách sống về già ngày nay khác hẳn với cách sống hồi xưa. Chúng ta sống thọ hơn và có sức khỏe tốt hơn. Ngày nay tại Mỹ không những chúng ta sống thêm nhiều năm mà còn làm cho tuổi trung niên dài thêm. Ngày nay người có số tuổi sáu mươi hay cao hơn nhiều hơn số trẻ em mười lăm hay trẻ hơn.
 
Chả bù cho thế hệ của ba mẹ tôi khi còn ở Việt nam không có các chương trình y tế đầy đủ dành cho dân chúng nói chung và cho người già nói riêng. Đi khám bác sĩ hay nha sĩ là một điều bất đắc dĩ. Ba tôi bị đột qụy bất thình lình vào tuổi hơn bẩy mươi. Nếu hồi đó mà biết trước với kỳ khám sức khỏe thường niên thì ông  chắc sẽ sống thọ hơn.
 
Có câu nói rằng bí quyết sống lâu và khỏe mạnh là nhờ cách bạn chọn bố mẹ tốt. Nhưng ngày nay chúng ta biết rằng chỉ có 20% sức khoẻ con người tùy thuộc vào di truyền và 20% tùy thuộc vào dịch vụ y tế. Còn 60% còn lại tùy thuộc vào các yếu tố xã hội, hành vi và môi trường của bạn. Đó là các chọn lựa thức ăn ham ăn rau cỏ trái cây hay chỉ thích steak và khoai chiên, tập thể dục thường xuyên  hay xuốt ngày ngồi xa lông coi phim bộ Đại Hàn biến thành "couch potato",  sống ở thành phố lớn nhộn nhịp hay miền quê an bình, chọn xứ Cali có nắng ấm quanh năm, giá nhà đắt như tôm tươi hay xứ Minnesota miệt vườn với tuyết lạnh mùa đông, có gia đình nheo nhóc hay sống độc thân an phận cô đơn, nghề nghiệp về trí óc hay tay chân, có hút sách hay không...
Nay nhờ các dụng cụ y khoa tối tân để thâu thập và phân tích các dữ kiện và giúp chúng ta quyết định làm sao giữ sức khoẻ tốt để sống lành mạnh cho thể xác lẫn tinh thần.
 
Ngoài việc chữa trị bệnh tật còn có việc quan trọng nữa là phòng ngừa bệnh tật. Nếu chúng ta dù có khoẻ mạnh không đau ốm nhưng cũng nên đi khám sức khoẻ thường niên, chích ngừa cúm vào mùa thu và tập thể dục thường xuyên. Ngày nay các hãng bảo hiểm sức khoẻ  của nơi làm việc hay Medicare có chương trình SilverSneakers giúp bạn tập thể dục miễn phí hay lệ phí thấp tại khắp nước Mỹ. Chúng tôi thường xuyên dắt diù nhau đi bơi lội tại Lifetime Fitness mà không phải trả thêm đồng nào.
 
Tài chính
 
Ngoài vấn đề sức khoẻ của dân tuổi hạc mà họ còn phải đương đầu với vấn đề tài chính.
 
Chúng ta hẳn đã nghe những câu như: "Các dân lão thành sẽ khánh tận nước Mỹ. Trong hai mươi năm toàn ngân sách quốc gia sẽ chi tiêu toàn bộ cho các chương trình dành cho người già. Người đi làm sẽ bị tăng thuế để hổ trợ cho lớp người về hưu" khi nhắc tới Chương Trình An Ninh Xã Hội và Medicare. Làm cứ như người già là gánh nặng cho xã hội. Họ có thể là những người thiện nguyện làm công việc từ thiện, người trông nom bố mẹ hay con cháu, người làm việc bán thời gian cho công sở hay tư nhân... và họ cũng là 106 triệu người tiêu thụ hàng hóa hơn 7 nghìn tỷ đô la ($7.1 trillion) trong năm. Họ chính là những người đóng góp cho xã hội.
 
Chúng ta sống năng động có tuổi thọ hơn cha ông chúng ta hai mươi đến ba mươi năm và vì vậy chúng ta cần nhiều tiền tài hơn. Ngày nay người có số tuổi sáu mươi hay cao hơn nhiều hơn số trẻ em mười lăm hay trẻ hơn. Do đó dân tuổi hạc chúng ta lo sợ nhất là tài chính eo hẹp khi lâm bệnh không đủ tiền nuôi chính mình và sẽ làm khổ cho con cháu và là gánh nặng cho xã hội.
 
Ðó là sự thật phũ phàng khi biết hơn một nửa số người sắp về hưu không có quỹ tiết kiệm và chỉ nhờ vào tiền An Ninh Xã Hội. Họ không có tiền để dành cho tuổi về già và họ quá bận rộn với cuộc sống chỉ lo việc cho tuần tới mà không màng lo việc sẽ xảy ra ba mươi, bốn mươi hay năm mươi năm sau. Có thể là họ viện cớ không  có thì giờ thảo kế hoạch cho tương lai hay không có khái niệm gì để tính toán cho cuộc sống về hưu. Nhiều người nghĩ: Ngày mai tôi sẽ tính. Và ngày mai đã đến rồi và họ đã sẵn sàng đối phó chưa?
 
Nếu họ chưa có đầy đủ tài chính nên họ sẽ phải làm việc nhiều giờ hơn và hoãn việc về hưu, và có khi về hưu rồi lại đi làm lại nếu may mắn kiếm được việc mới. Rồi họ phải giảm chi tiêu và phải nhờ vào chương trình phúc lợi của chính phủ. Và cuối cùng phải vay nợ nhà băng và họ hàng bạn bè, dùng hết mức tiền tín dụng để có thể ráng sống trong những năm còn lại của cuộc đời.
 
Khi nói tới việc đầu tư và tiết kiệm cho tương lai, ông John Diehl, Phó Giám Đốc của hãng Hartford Funds đưa ra ba câu hỏi giản dị cho khách hàng:
 
1. Ai sẽ là người thay bóng đèn cho bạn?
2. Bạn đi bằng phương tiện gì khi muốn ăn kem?
3. Bạn sẽ ăn cơm trưa với ai?
 
Ba câu hỏi có vẻ ngờ nghệch giản dị nhưng đã được thảo ra kết hợp với Phòng Thí Nghiệm Tuổi Già (Age Lab) của Đại Học Kỹ Thuật Massachussetts (MIT) về cách sống dành cho cho các dân tuổi hạc.
 
Vậy ai sẽ là người thay bóng đèn cho bạn? Hầu hết chúng ta sống ở nhà vậy bạn có làm lấy được một mình hay phải nhờ hàng xóm/ bà con? Hay bạn phải thuê người đến làm, giá cả bao nhiêu? Tôi có một người thân cao tuổi sống một mình trong townhome khi máy báo động hỏa hoạn hết pin kêu tít tít suốt ngày nhưng bà ta không biết thay pin làm sao. Sau bao nhiêu ngày ông hàng xóm chắc điếc tai mới lò mò sang hỏi và thay giùm pin cho bà ấy!
 
Vậy bạn dùng phương tiện đi đứng gì khi thèm ăn kem hay một tô phở? Bạn hãy còn làm chủ chiếc xe và lái một mình đến tiệm hay xe đã bán vì bằng lái đã bị thâu hồi vì tuổi già không còn nhanh trí? Hay bạn phải dùng phương tiện chuyên chở công cộng nếu có? Hay bạn phải nhờ bạn bè, con cái hay kêu Uber? Trường hợp nào cũng có cái giá của nó.
 
Và cuối cùng ai là người ăn cơm trưa với bạn? Có phải là những người bạn thân thiết tại quán cà phê bạn thường hay la cà, bạn tại chùa/nhà thờ  hay bạn cũ hồi còn cắp sách đi học hay các con cháu mà hãy còn nhớ đến bạn. Hay là phải lủi thủi ăn trưa một mình trong căn phòng trống vắng?
 
Ðó là sự chọn lựa của bạn.
 
Nói chung để có thể sống thoải mái chúng ta phải nhờ đến bốn nguồn tài chính quan trọng: (1) tiền An Ninh Xã Hội, (2) tiền hưu bổng cộng thêm tiền tiết kiệm, (3) tiền bảo hiểm sức khoẻ và (4) tiền lương đi làm.
 
1. Tiền An Ninh Xã Hội là nguồn tài chính đầu tiên của gần nửa số dân Mỹ có số tuổi sáu mươi lăm hay cao hơn và tiền tuỳ thuộc vào năm làm việc, tiền lương và số tuổi khi bắt đầu nhận phúc lợi này. Các bạn đừng có lo. Ngân qũi này sẽ cung cấp phúc lợi đầy đủ cho đến năm 2034. Sau đó sẽ trả 79% phúc lợi và 73% cho tới năm 2089. Ngoài tiền trợ cấp này còn có một nguồn nữa được gọi là Lợi Tức An Ninh Bổ Xung (Supplemental Security Income) hay SSI mà chúng ta gọi nôm na là Tiền Già dành cho người có quốc tịch Mỹ và sinh sống tại Mỹ, có lợi tức kém, có khuyết tật, mù hay có tuổi 65 hay cao hơn. Chắc độc giả biết nhiều về trợ cấp này nên tôi không dám viết thêm.
 
2. Nhưng hai nguồn tài chánh nêu trên chỉ đủ tiêu pha dè xẻn nên bạn phải có thêm tiền hưu bổng và tiền để dành. Cách khôn ngoan nhất là phải để dành tiền ngay từ ngày đầu tiên đi làm.
 
Tôi may mắn làm trong hệ thống giáo chức có chương trình hưu bổng nên mỗi kỳ lương bị bắt buộc khấu trừ 7,5% dành cho quỹ hưu bổng của mình. Tiền đóng của giáo sư cộng với tiền đóng của khu học chính cho Hội Hưu Trí Giáo Chức (Teacher Retirement Association) giúp hội này dùng tiền để đầu tư. Trước khi về hưu họ có công thức để tính tiền hưu trí tùy theo số tuổi, số năm dạy học và tiền lương trung bình trong năm năm cuối cùng dạy học.
 
Bây giờ nhiều hãng tư nhân không còn chương trình hưu bổng và thay thế bằng các chương trình tiết kiệm như 401(k) hay IRA (Individual Retirement Account) giúp người làm việc tiết kiệm không bị đóng thuế. Tiền này hãng dùng để đầu tư và khi rút ra mới bị đóng thuế liên bang và tiểu bang. Khi người đóng được 70 ½ tuổi họ phải rút một phần trong quỹ này hằng năm.
 
1. Hiện nay chúng ta càng cao tuổi thì tiền chăm sóc sức khoẻ cũng leo thang. Ngay cả với sự trợ giúp chương trình Medicare người già vẫn còn phải trả tiền túi cho sức khoẻ của mình. Vì thế đạo luật Obamacare (Affordable Care Act) được ban hành để nâng cao sức khoẻ của dân chúng cho những người không đủ điều kiện mua bảo hiểm tối thiểu cho cá nhân và gia đình. Nhưng đạo luật này không được tổng thống đương nhiệm hài lòng cho lắm vì có chữ Obama và sẽ được thay đổi.
 
2. Gần nửa số người làm việc có số tuổi từ bốn mươi lăm cho đến bẩy mươi hoạch định họ làm việc cho đến khi bẩy mươi hay hơn. Nhiều người coi đó là sự chọn lựa, người khác nghĩ là điều bắt buộc phải làm. Có thể là làm bán thời gian, mở tiệm riêng hay làm nghề tự do. Tôi phải phục người dù đã đến tuổi về hưu, lưng đã còng vẫn ham làm việc dù tài chánh quá đầy đủ.
 
Bản thân
 
Dù đã về hưu mấy năm nay, thay kính cận kính lão bao nhiêu lần, tóc mầu muối nhiều hơn mầu tiêu vậy mà tôi khi ra đường vẫn được kêu là chú. Chả bù cho thời ba tôi còn sống trạc bằng tuổi tôi bây giờ họ gọi ông bằng cụ chắc vì chức vụ cao và đạo mạo hơn tôi. Ðúng là tôi đang tuổi trung niên kéo dài!
 
Mới đây tôi được lên chức ông... nội đầu tiên. Anh chàng cóp con trai tôi Giáng Sinh vừa qua tặng cho tôi cái mũ baseball có in chữ "Grandpa since 2019" hay "Ông Nội từ năm 2019"!
 
Bạn bè tôi gửi lời chúc mừng và mong chúng tôi có dịp làm vú em hay "grandbabysitter". Không dám đâu! Bây giờ thế hệ của tuổi millennial tức là chúng sinh vào cuối thế kỷ 20 chúng không có dễ dàng cho ông bà nội ngoại làm việc đó nữa! Khi con dâu có bầu thằng con hỏi bố mẹ có chích ngừa đầy đủ chưa. Rồi khi sanh xong trước khi bế cháu bà nội phải rửa tay đàng hoàng, ông nội không được phép đăng hình cháu lên Facebook đấy nhé! Ngay cả bên Việt Nam khi chúng tôi đi cùng chuyến thăm Bali nghe kể có ông từ Bắc vào Nam thăm cháu nội mà thằng con bưng một chậu nước cho ông nội rửa tay trước khi bế cháu làm cho ông nội chửi cho một mách! Tôi có anh bạn chỉ được phép bế cháu ngoại khi nó được một tuổi. Chắc tụi millennial học cùng một sách nuôi con!
 
Thay vì trông cháu chúng tôi có dịp du lịch khắp nơi thỏa trí tang bồng, làm thiện nguyện để truyền bá văn hoá Việt nam và tôi đã dạy học không công môn ESL cho các người tị nạn lớn tuổi, vẽ tranh hay viết báo. Trong niên học tới  tôi có thể trở lại việc dạy học lai rai một lớp tiếng mẹ đẻ dành cho học sinh Việt nam tại trường mà con trai tôi từng theo học. Đây là một cách trả ơn cho khu học chính đã giúp cho con tôi thành đạt mà lương lậu không có bao nhiêu.
 
Như trong văn chương tuổi hạc hay tuổi vàng dành cho người cao niên có kinh nghiệm sống đáng làm cho chúng ta noi theo như bức thư họa đã diễn tả. Chúng ta ráng sống không than vãn, không nuối tiếc quá khứ, không thù hận vẩn vơ sẽ làm cho chúng ta cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng và êm đềm như cảnh hoàng hôn sau khi mặt trời sắp lặn, đẹp biết bao, mát mẻ biết bao và sáng ngời biết bao! Rồi bỗng chốc màn đêm buông xuống báo hiệu xong một ngày hay một đời người ngắn ngủi đến rồi đi vào thinh không đầy sao sáng. 
 
Đặng Hà Nội
 
danghanoi
 
Tác giả tên thật  Đặng Thống Nhất,  là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt  Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ tại Brooklyn Park, Minnesota. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và  nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017.

Tìm các bài ĐỜI SỐNG & SỨC KHỎE khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com