User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Bệnh đậu khỉ (monkeypox) là một bệnh hiếm gặp do nhiễm vi rút đậu khỉ. Virus đậu khỉ thuộc giống (genus) Orthopoxvirus trong họ (family) Poxviridae. Chi Orthopoxvirus cũng bao gồm vi rút variola (gây bệnh đậu mùa/smallpox), vi rút vaccinia (được sử dụng trong vắc xin đậu mùa) và vi rút đậu bò (cowpox virus).
 
monkeypoxvirus
Hình 1: Poxvirus là loại virus hình viên gạch hoặc hình bầu dục với bộ gen DNA sợi đôi lớn (large double stranded DNA genome). Poxvirus tồn tại khắp nơi trên thế giới và gây bệnh cho người và nhiều loại động vật khác. Nhiễm trùng Poxvirus thường dẫn đến việc hình thành các tổn thương, nốt sần trên da hoặc phát ban lan tỏa. Ví dụ: Virus bệnh đậu khỉ (monkeypox, trái), bệnh Orf (giữa) (bệnh lở miệng ở súc vật như cừu và dê, đôi khi lở da tay ở con người do tiếp xúc với miệng thú vật). Bên phải: Truyền đơn cổ võ chích ngừa chống bệnh đậu mùa. (Nguồn CDC)
 
Bệnh đậu khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 khi hai đợt bùng phát (outbreak) bệnh tương tự như thủy đậu xảy ra trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là 'bệnh đậu khỉ’ (monkeypox).Trường hợp bệnh xảy ra trên người được ghi nhận lần đầu tiên năm 1970 tại Cọng Hòa Dân Chủ Congo (DRC) trong một thời kỳ tăng cường nổ lực để loại bỏ bệnh đậu mùa. Kể từ đó, bệnh đậu mùa ở khỉ đã được báo cáo ở dân một số quốc gia Trung và Tây Phi khác: Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Côte d’Ivoire, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo và Sierra Leone. Phần lớn các ca nhiễm trùng là ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
 
Các ca bệnh đậu khỉ đã xảy ra bên ngoài châu Phi liên quan đến du lịch quốc tế hoặc động vật nhập khẩu, bao gồm các ca bệnh ở Hoa Kỳ, cũng như Israel, Singapore và Vương quốc Anh.
 
Các ổ chứa tự nhiên (natural reservoir) của bệnh đậu khỉ vẫn chưa được biết đến. Tuy nhiên, các loài gặm nhấm châu Phi và các loài linh trưởng không phải người (non-human primates, ví dụ như khỉ) có thể chứa vi-rút và lây nhiễm sang người.
 
Chúng ta chưa hiểu được tại sao bây giờ đậu khỉ lại xuất hiện nhiều nơi trên thế giới. Có ba giả thuyết:
 
- Có biến thể (variant ) virus đậu khỉ mới?
 
- Có những hoàn cảnh mới thuận tiện cho nó xuất hiện?
 
- Do bệnh đậu mùa bị tiêu diệt nên người ta không chích ngừa đậu mùa nữa, cho nên bệnh đậu khỉ không bị ức chế bởi thuốc chích ngừa đậu mùa như trước?
 
Thuật ngữ y học: monkeypox, smallpox và chickenpox:
 
Trong bài này, tác giả sẽ gọi “monkeypox” là bệnh “đậu khỉ” mà không dịch là “bệnh đậu mùa ở khỉ” (smallpox in monkeys) vì monkeypox là một bệnh riêng biệt khác với smallpox (đậu mùa), và bệnh đậu mùa có thể xảy ra ở con khỉ mặc dù khó xảy ra.
 
(“Một ổ chứa bệnh đậu mùa tự nhiên ở các loài linh trưởng không phải con người được cho là khó xảy ra mặc dù các nghiên cứu sâu hơn vẫn cần thiết vì các cuộc khảo sát cho thấy một số loài khỉ có thể bị nhiễm bệnh đậu mùa và những con khỉ bị nhiễm bệnh có thể truyền bệnh cho những con khác.” Arita and Henderson. Reference 5).
 
Google translate dịch monkeypox là 猴痘 (hầu đậu) hay đậu khỉ (hầu=con khỉ). Tiếng Pháp: variole du singe.
 
Không nên nhầm lẫn monkeypox với bệnh chickenpox, hay varicella, tiếng Việt gọi là bệnh thủy đậu, bệnh trái rạ do một virus hoàn toàn khác gây ra, và cũng là nguyên nhân gây bệnh herpes zoster (bệnh giời ăn, bệnh zona); hầu hết trẻ em ở Mỹ được chủng ngừa bệnh chicken pox (thuốc vaccin tên Varivax, chích hai lần lúc 12 tháng và 4 tuổi) . Bệnh chickenpox nhẹ hơn nhiều, ra ban (eruption) làm nhiều đợt, trên thân mình, ngực bụng và lưng, ít khi trên bàn tay bàn chân; bệnh đậu mùa mọc cùng một đợt, trên mặt và tay chân, bàn tay bàn chân, hướng về ngoại vi thân thể.
 
Bệnh đậu khỉ (monkeypox) hiện nay ở Hoa Kỳ và các nơi khác
 
Các trường hợp đậu khỉ ở Hoa Kỳ rất hiếm. Bệnh đậu khỉ không xảy ra một cách tự nhiên ở Hoa Kỳ, nhưng các trường hợp đã xảy ra liên quan đến việc đi du lịch quốc tế hoặc nhập khẩu động vật từ các khu vực mà bệnh phổ biến hơn.
 
Các nhà khoa học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đang hợp tác với Bộ Y tế Công cộng Massachusetts để điều tra trường hợp một người dân Hoa Kỳ xét nghiệm dương tính với bệnh đậu khỉ vào ngày 18 tháng 5 sau khi từ Canada trở về Mỹ.
 
CDC cũng đang theo dõi nhiều cụm (clusters) bệnh đậu khỉ đã được báo cáo vào đầu tháng đến giữa tháng 5 ở một số quốc gia thường không báo cáo là có bệnh đậu khỉ, bao gồm cả ở Châu Âu và Bắc Mỹ.
 
Cho đến ngày 22 tháng 5, 2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận 92 trường hợp trên 11 quốc gia, phần lớn ở Châu Âu nhưng cũng có ở Hoa Kỳ và Canada. Thêm hàng chục trường hợp đậu khỉ đang được xem xét trên toàn cầu nhưng vẫn chưa được xác nhận,
 
Không rõ làm thế nào những người trong các cụm đó tiếp xúc với bệnh đậu khỉ nhưng các trường hợp bao gồm một số người tự nhận là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
 
Mylène Drouin, giám đốc y tế cộng đồng của Montreal, Canada cho biết (5/19/22) rằng các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu khỉ đầu tiên trong khu vực đã được báo cáo vào ngày 12 tháng 5 bởi các phòng khám chuyên về các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD, hay “ bệnh hoa liễu”), mặc dù các triệu chứng đã bắt đầu nhiều tuần trước đó. Các trường hợp nghi ngờ là nam giới trong độ tuổi từ 30 đến 55 đã quan hệ tình dục với những người đàn ông khác. Hầu hết các trường hợp đều không nặng và lây khi tiếp xúc gần gũi (through close contact), qua da, niêm mạc (mucosa) của mắt và mũi. Nhiều ca cũng được ghi nhận ở người đồng tính (gay) hay lưỡng tính dục (bisexual) ở Vương quốc Anh (UK)(theo BBC).
 
CDC đang kêu gọi giới y tế ở Hoa Kỳ cảnh giác với những bệnh nhân mắc chứng phát ban (rash) liên quan đến bệnh đậu khỉ, bất kể họ có đi du lịch hay không, hay có các yếu tố nguy cơ hay không, cụ thể đối với bệnh đậu khỉ và bất kể giới tính hay khuynh hướng tình dục.
 
monkeypoxvirus a
Hình 2: Trẻ em bị bệnh đậu khỉ (monkeypox) (nguồn CDC)
 
Dấu hiệu và triệu chứng
 
Ở người, các triệu chứng của bệnh khỉ tương tự nhưng nhẹ hơn các triệu chứng của bệnh đậu mùa (smallpox). Bệnh đậu khỉ bắt đầu với sốt, nhức đầu, đau nhức cơ và kiệt sức. Sự khác biệt chính giữa các triệu chứng của bệnh đậu mùa và bệnh đậu khỉ là bệnh đậu khỉ làm cho các hạch bạch huyết sưng lên (adenopathy, nổi hạch) trong khi bệnh đậu mùa thì không (nên nhớ hiện nay bệnh đậu mùa đã bị tiêu diệt). Thời gian ủ bệnh (incubation period/thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi có triệu chứng) đối với bệnh đậu khỉ thường là 7-14 ngày nhưng có thể từ 5-21 ngày.
 
Bệnh bắt đầu với:
 
Sốt (1-2 ngày trước khi phát ban)
- Đau đầu
- Đau cơ (bắp thịt)
- Đau lưng
- Sưng hạch bạch huyết (dưới hàm, cổ, nách, háng, một bên hoặc hai bên) (lymphadenopathy)
- Ớn lạnh
- Kiệt sức
 
Trong vòng 1 đến 3 ngày (đôi khi lâu hơn) sau khi xuất hiện sốt, bệnh nhân phát ban, thường bắt đầu ở mặt sau đó lan ra các bộ phận khác của cơ thể.
 
daukhi
Hình 3: Các giai đoạn thay đổi của tổn thương ngoài da của bệnh đậu khỉ, đi từ vết sần, mụn nước, mụn mủ, khô và tróc vảy. (Nguồn: BBC)
 
Tổn thương tiến triển qua các giai đoạn sau trước khi tự khỏi:
 
- Vết lở trong miệng, trên lưỡi
- Vết ban ngoài da (macules) sau đó: trên mặt, tứ chi, bàn tay chân,lòng bàn tay chân, tỏa ra trong vòng 24 giờ; phần lớn ở ngoại biên (centrifugal distribution)
- Vết sần (papules) (2 ngày)
- Mụn nước (vesicles)(5-7 ngày)
- Mụn mủ (pustules)( 5-7 ngày)
- Vảy, “mày” (scabs) (7 ngày)
 
Bệnh thường kéo dài trong 2-4 tuần. Ở Châu Phi, bệnh đậu khỉ có thể gây tử vong cho đến 1/10 số người mắc bệnh.
 
monkeypoxvirus c
Hình 4: Học sinh trung học bị bệnh đậu khỉ do “chó đồng” (prairie dog) là thú cưng (pet) của bệnh nhân truyền qua (hình chụp năm 2003). Prairie dog là một loài sóc (squirrel) ở các đồng cỏ lớn và vùng núi Hoa Kỳ, sống trong những đường hầm dưới đất, dễ lây bệnh của người, được nuôi như “pet”và từng là một trong những nguyên nhân gây ra dịch monkeypox ở Mỹ năm 2003. Prairie dog là thú cưng ở Mỹ bị lây monkeypox từ các loài gặm nhấm (rodent) nhập khẩu từ Châu Phi.
 
Chữa trị đậu khỉ:
 
Theo CDC, cho đến nay, không có phương pháp điều trị cụ thể nào cho nhiễm trùng đậu khỉ (monkeypox), nhưng các đợt bùng phát bệnh đậu khỉ có thể được kiểm soát.
 
Vắc xin đậu mùa (smallpox vaccine; ngày xưa gọi là “trồng đậu”), thuốc kháng virus cidofovir, ST-246 và globulin miễn dịch tiêm chủng (VIG/vaccinia immune globulin) có thể được sử dụng để kiểm soát đợt bùng phát bệnh đậu khỉ.
 
a) Thuốc chủng ngừa bệnh đậu mùa và bệnh đậu khỉ
 
Một loại vắc xin, JYNNEOS (còn được gọi là Imvamune hoặc Imvanex), đã được cấp phép tại Hoa Kỳ để ngăn ngừa bệnh đậu khỉ và bệnh đậu mùa. Vì virus đậu khỉ có liên quan mật thiết với vi rút gây bệnh đậu mùa, nên vắc xin đậu mùa cũng có thể bảo vệ mọi người khỏi bị bệnh đậu khỉ. Dữ liệu trước đây từ châu Phi cho thấy vắc xin đậu mùa có hiệu quả ít nhất là 85% trong việc ngăn ngừa bệnh đậu khỉ. Hiệu quả của JYNNEOS đối với bệnh đậu mùa khỉ được kết luận từ một nghiên cứu lâm sàng về khả năng sinh miễn dịch của JYNNEOS và dữ liệu hiệu quả từ các nghiên cứu trên động vật. Các chuyên gia cũng tin rằng việc tiêm phòng sau khi tiếp xúc với bệnh đậu khỉ có thể giúp ngăn ngừa bệnh hoặc làm cho bệnh bớt nghiêm trọng hơn.
 
Một vaccin khác, ACAM2000 (của hãng Sanofi Pasteur Biologics Co), có chứa một loại vi rút vaccinia sống (vaccinia là virus dùng trong vaccine đậu mùa, phát riển từ virus đậu bò/cowpox), được cấp phép để tiêm chủng ở những người từ 18 tuổi trở lên và có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh đậu mùa. Nó có thể được sử dụng cho những người tiếp xúc với bệnh đậu khỉ nếu được sử dụng dưới hình thức điều tra nghiên cứu thuốc mới (investigationalnew drug protocol).
 
Thuốc chủng ngừa đậu mùa hiện không được cung cấp cho công chúng. Trong trường hợp một đợt bùng phát bệnh đậu khỉ khác ở Hoa Kỳ, CDC sẽ đề ra các hướng dẫn giải thích những ai nên được chủng ngừa.
 
b) Các thuốc kháng virus: Cidofovir và Brincidofovir (CMX001)
 
Không có dữ liệu về hiệu quả của Cidofovir và Brincidofovir trong việc điều trị các trường hợp mắc bệnh đậu mùa ở người. Tuy nhiên, cả hai thuốc này đều đã được chứng minh hoạt động chống lại poxvirus trong các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm (in vitro).
 
Người ta vẫn chưa biết liệu một người bị bệnh đậu khỉ nặng có được hưởng lợi từ việc điều trị bằng thuốc kháng vi-rút hay không, mặc dù việc sử dụng chúng có thể được cân nhắc trong những trường hợp như vậy. Brincidofovir có thể an toàn hơn Cidofovir (ví dụ về một số adverse reactions hay độc tính đối với thận).
 
c) Globulin miễn dịch chống virus vaccinia (VIG; vaccinia immune globulin)
 
Không có dữ liệu về hiệu quả của VIG trong điều trị các biến chứng đậu khỉ. Việc sử dụng VIG được thực hiện theo chế độ khảo nghiệm thuốc mới (IND, investigational new drug) và không có lợi ích nào được chứng minh trong điều trị các biến chứng đậu mùa. Người ta vẫn chưa biết liệu một người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ nặng có được lợi khi điều trị bằng VIG hay không, tuy nhiên, việc sử dụng nó có thể được xem xét trong những trường hợp như vậy.
 
VIG có thể được xem xét để sử dụng dự phòng cho người bị phơi nhiễm bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng trong chức năng tế bào T (tình trạng này không cho phép họ được tiêm phòng bệnh đậu mùa sau khi họ tiếp xúc với bệnh đậu mùa khỉ).
 
Phòng ngừa
 
Có một số biện pháp có thể được thực hiện để ngăn ngừa nhiễm vi rút đậu mùa khỉ:
 
- Tránh tiếp xúc với động vật có thể chứa vi-rút (bao gồm động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu khỉ).
 
- Tránh tiếp xúc với bất kỳ vật dụng nào, chẳng hạn như khăn trải giường, đã tiếp xúc với động vật bị bệnh.
 
- Cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh với những người khác có thể có nguy cơ nhiễm bệnh.
 
- Thực hành tốt vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với động vật hoặc người bị nhiễm bệnh. Ví dụ, rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn.
 
- Sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (PPE) khi chăm sóc bệnh nhân.
 
Theo trang tin tức của BBC, một số nước mới đây khuyến váo khuyên nên cách ly 3 tuần cho các người bị bệnh đậu khỉ (Belgique) hoặc bị phơi nhiễm ( tiếp xúc, exposed) với bệnh này. (UK).
 
Đối với Mỹ, theo tin mới nhất từ Tokyo, ngày 23 tháng 5 , 2022, Tổng thống Biden “không tin rằng biện pháp cách ly (quarantine) để ngăn chặn bệnh đậu khỉ tại Hoa Kỳ sẽ là cần thiết, nói rằng có đủ liều vaccin trong tay để chiến đấu bất cứ bộc phát nghiêm trọng của bệnh này”
 
Kết luận:
 
Chính quyền Mỹ đang quan tâm đến bệnh đậu khỉ ở mức cao nhất trong khi vấn đề Covid-19 vẫn chưa giải quyết xong. Theo The Washington Post: “Hôm Chủ nhật (5/22/22], Tổng thống Biden cho biết các quan chức liên bang đang theo dõi tiềm năng lan rộng (potential spread) của bệnh đậu khỉ. Ông nói: "Điều đáng lo ngại là nếu nó lan ra, nó sẽ gây ra hậu quả quan trọng (consequential)."
 
Thông thường bệnh đậu khỉ truyền từ thú vật qua người. Nhưng nhiều trường hợp gần đây ở Vương quốc Anh, Pháp và các nơi khác không có liên kết du lịch đến những nơi thường xuyên bị bệnh đậu mùa ở khỉ cho thấy vi rút có thể lây lan qua cộng đồng (spreading through the community). Vấn đề chính là các ca bệnh đang xuất hiện ở một số quốc gia cùng một lúc - với dấu hiệu của sự “lây truyền được duy trì” (sustained transmission) ở người. Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học lưu ý rằng bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan, các đợt bùng phát thường nhỏ và vắc xin đậu mùa hiện có có thể giúp bảo vệ mọi người nếu cần và tại thời điểm này, rủi ro chung đối với công chúng được coi là “rất, rất thấp”.
 
Chúng ta cần có nhiều thời gian hơn nữa để theo dõi và tìm hiểu thêm về tầm quan trọng của bệnh đậu khỉ này nếu tình hình dịch bịnh thay đổi.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1) Phần lờn các dữ kiện về bệnh monkeypox trong bài này dựa trên trang tin tức mới nhất (5/23/22) của Trung tâm Kiểm Soát Bệnh (CDC) Hoa Kỳ về monkeypox và smallpox.
(President Biden said Monday that he did not believe a quarantine to prevent the spread of monkeypox in the United States would be necessary, saying there are sufficient vaccine doses available to combat any serious flare-up of the disease). (The Washington Post)
5) Smallpox and monkeypox in non-human primates
I. Arita and D. A. Henderson
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2554549/#:~:text=A%20natural%20reservoir%20of%20smallpox,can%20transmit%20infection%20to%20others.
Anyone at the highest risk of having caught monkeypox should isolate for 21 days, UK official guidance says
 
BS Hồ Văn Hiền
Ngày 23 tháng năm năm 2022
 

 

Tìm các bài ĐỜI SỐNG & SỨC KHỎE khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com