Năm 1943, một phụ nữ ở Peoria, được gọi là "Mary mốc," đã cung cấp cho nhóm nghiên cứu một quả dưa lưới bị mốc. Trên quả dưa này, họ tìm thấy một chủng Penicillium sản xuất lượng penicillin cao gấp sáu lần so với chủng ban đầu của Fleming. Phát hiện này mở đường cho việc sản xuất hàng loạt penicillin. Nhờ vậy, hơn 80 triệu người trên thế giới đã được cứu sống.
It ai biết rằng, ngoài những nhà khoa học nổi tiếng, những phụ nữ ít được ghi nhận đã đóng vai trò quan trọng không kém trong việc phát triển penicillin, loại kháng sinh cứu sống hàng triệu người trên toàn thế giới.
Một bài báo có tựa đề "Những Cô Gái Penicillin" Đã Làm Nên Một Trong Những Khám Phá Cứu Người Vĩ Đại Nhất Thế Giới”" trên tạp chí Smithsonian đã tóm tắt lại câu chuyện của những phụ nữ đã đóng góp quan trọng trong việc phát triển penicillin mà ít ai biết đến công sức của họ.
"Những Cô Gái Penicillin"
Năm 1928, Alexander Fleming, một nhà vi khuẩn học người Scotland, đã phát hiện ra nấm Penicillium notatum có khả năng kiềm chế sự phát triển của vi khuẩn Staphylococcus aureus. Phát hiện này được thực hiện tại phòng thí nghiệm của ông ở Trường Y St. Mary, London. Fleming đặt tên chất này là "penicillin." Tuy nhiên, việc tinh chế và sản xuất penicillin để sử dụng trong y học là một thách thức lớn.
Năm 1940, một nhóm nghiên cứu tại Đại Học Oxford, bao gồm Howard Florey, Ernst Chain và Norman Heatley, đã thành công trong việc cô lập và tinh chế đủ lượng penicillin để cứu sống bốn con chuột trong các thử nghiệm. Đây là bước đột phá quan trọng, nhưng việc sản xuất đủ lượng thuốc để điều trị cho con người vẫn là vấn đề nan giải.
Nhóm nghiên cứu thử nghiệm nuôi cấy nấm trên nhiều bề mặt khác nhau, từ các vật dụng như bô vệ sinh đến bồn tắm. Họ cũng phát triển các thùng lên men đặc biệt để tối đa hóa diện tích nuôi cấy nấm. Trong quá trình này, một nhóm sáu nữ kỹ thuật viên, thường được gọi là "những cô gái penicillin," đã đảm nhiệm công việc nuôi cấy và thu thập penicillin cho các thí nghiệm và thử nghiệm lâm sàng. Mặc dù làm việc không ngừng nghỉ, lượng penicillin thu được vẫn rất ít.
Năm 1941, Florey và Heatley mang mẫu nấm của Fleming đến Hoa Kỳ với hy vọng cải thiện sản lượng penicillin. Họ đến Peoria, Illinois, nơi nhóm hợp tác với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Tại đây, họ phát hiện ra rằng nuôi cấy nấm trong các bể sâu chứa dung dịch tinh bột có thể tăng sản lượng đáng kể. Tuy nhiên, chủng nấm của Fleming không phát triển tốt trong điều kiện này, buộc nhóm nghiên cứu phải tìm kiếm các chủng Penicillium hiệu quả hơn.
Năm 1943, một phụ nữ ở Peoria, được gọi là "Mary mốc," đã cung cấp cho nhóm nghiên cứu một quả dưa lưới bị mốc. Trên quả dưa này, họ tìm thấy một chủng Penicillium sản xuất lượng penicillin cao gấp sáu lần so với chủng ban đầu của Fleming. Phát hiện này mở đường cho việc sản xuất hàng loạt penicillin. Nhờ vậy, hơn 80 triệu người đã được cứu sống.
Năm 1945, Alexander Fleming, Howard Florey và Ernst Chain nhận giải Nobel vì những đóng góp quan trọng của họ trong việc khám phá và ứng dụng penicillin. Đến năm 1953, Fleming tặng một mẫu nấm Penicillium gốc cho Viện Smithsonian. Hiện mẫu này đang được trưng bày trong triển lãm "Do No Harm" tại Bảo tàng Lịch sử Hoa Kỳ Smithsonian.
Câu chuyện về "những cô gái penicillin" nhắc nhở rằng những phát minh vĩ đại không chỉ đến từ các nhà khoa học nổi tiếng mà còn từ những nỗ lực chung của rất nhiều người, kể cả những người không bao giờ được biết đến.