Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Nguy cơ xảy ra đột quỵ gia tăng theo tuổi, tăng gấp đôi cứ mỗi 10 năm sau 55 tuổi, xấp xỉ 28% đột quỵ xảy ra dưới 65 tuổi.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ điển hình phải kể đến như: cholesterol cao, thừa cân, hút thuốc, sử dụng rượu nhiều (đặc biệt là uống quá độ), thuốc tránh thai, liệu pháp thay thế hormone với estrogen, nhiễm lạnh…
Đột quỵ là tình trạng tổn thương não cấp tính. (Hình: chestercountyhospital.org)
Đột quỵ là tình trạng tổn thương não cấp tính. Có hai dạng đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não. Tuy nhiên, trên thực tế, đột quỵ thiếu máu não là dạng đột quỵ thường gặp hơn.
Đột quỵ thiếu máu não xảy ra khi có cục máu đông do mảng xơ vữa tại mạch máu não hoặc từ nơi khác theo dòng máu di chuyển đến não gây tắc nghẽn mạch máu. Tế bào não thiếu oxy và dưỡng chất nên bị tổn thương, nếu để lâu tế bào sẽ chết. Trong khi đó, đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu bị vỡ. Mức độ nghiêm trọng của đột quỵ tùy thuộc vào diện tích vùng não bị tổn thương và thời gian tế bào não không được cung cấp máu đầy đủ.
Các yếu tố gây nguy cơ đột quỵ
Theo Health.harvard.edu, các yếu tố rủi ro liên quan đến tuổi tác, giới tính, gene, cân nặng khi sinh và chủng tộc hoặc dân tộc của bạn.
Một người đàn ông Mỹ gốc Phi 60 tuổi, nặng chưa đến 5.5 pound khi sinh và cha bị đột quỵ có nhiều khả năng bị đột quỵ trong 10 năm tới hơn một phụ nữ Châu Á 45 tuổi nặng 8 pound khi sinh và người không có tiền sử gia đình bị đột quỵ. Mặc dù bạn không thể thay đổi những yếu tố này, nhưng chúng vẫn có những rủi ro cho bạn. Điều quan trọng là phải kiểm soát những thứ bạn có thể thay đổi.
Các yếu tố có thể sửa đổi là những thứ ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ mà bạn có thể kiểm soát được. Bao gồm từ huyết áp cao và tiểu đường đến hút thuốc và chế độ ăn mặn.
Nhiều yếu tố rủi ro mới nổi lên đang được điều tra, bao gồm chứng đau nửa đầu, chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (nín thở khi ngủ, sau đó là ngáy), bệnh nướu răng, các dấu hiệu máu như lipoprotein (a) và nhiễm trùng.
Dấu hiệu F.A.S.T có nguy cơ bị đột quỵ từ 90-95%. (Hình: columbiamemorial.org)
Làm sao biết bị đột quỵ?
Theo Stroke.org, một trong ba nhóm dấu hiệu sau xuất hiện đột ngột thì nguy cơ bị đột quỵ từ 90-95%, đó là dấu hiệu F.A.S.T:
1- Liệt mặt (Face): Miệng bị lệch sang một bên, nếp nhăn mũi-má mờ.
2- Yếu, liệt tay (Arm) hoặc chân: Không thể cầm, nắm, đi lại.
3- Rối loạn ngôn ngữ (Speech): Đột ngột rối loạn lời nói, không nói được hoặc lời nói không rõ… như bình thường trước đó.
4- Thời điểm phát bệnh (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.
“Giờ vàng” cứu người đột quỵ
Theo thống kê được Christopherreeve.org nêu ra trong một bài viết về đột quỵ:
- 10% những người qua được cơn đột quỵ gần như phục hồi hoàn toàn.
- 25% phục hồi và có những suy yếu nhỏ.
- 40% trải qua những suy yếu từ trung bình tới nghiêm trọng và cần chăm sóc đặc biệt.
- 10% cần chăm sóc tại cơ sở điều dưỡng hoặc các cơ sở chăm sóc dài hạn khác.
- 15% tử vong ngay sau khi bị đột quỵ.
Não bộ có khả năng đền bù đối với tổn thương do đột quỵ hoặc não quỵ gây ra. Một số tế bào não có thể chỉ bị tổn thương tạm thời, chứ không bị tiêu diệt và có thể phục hồi chức năng. Trong một số trường hợp, não bộ có thể tự tổ chức lại hoạt động chức năng của mình. Đôi khi, một vùng của não bộ đảm nhận chức năng cho một vùng bị đột quỵ làm tổn thương. Những người chống chịu được qua cơn đột quỵ đôi lúc có cảm thấy những phục hồi rõ ràng ngoài dự tính mà không thể giải thích được.
Theo hướng dẫn của Hiệp Hội Đột Quỵ Thế Giới (WSO), “giờ vàng” của bệnh nhân đột quỵ là 4.5 giờ. Tốt nhất bệnh nhân bị đột quỵ cấp cần được đưa đến các bệnh viện trong vòng 30 phút, được xem là thời gian “kim cương.”
Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói. (Hình: fairview.org)
Nếu phát hiện người nhà hoặc ai đó có dấu hiệu đột quỵ, phải làm sao?
“Méo cười, ngọng nói, xuội tay/ Mau gọi cấp cứu, đi ngay đừng chờ.”
Điều trị sớm có thể cứu sống bệnh nhân đột quỵ và mang đến nhiều cơ hội hồi phục.
Các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện người có các dấu hiệu đột quỵ, cần xử trí đúng cách bằng cách:
- Đỡ người bệnh để không bị té ngã gây chấn thương.
- Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói. Móc hết đàm, nhớt để bệnh nhân dễ thở.
- Gọi 911 để đưa người bệnh đến nhà thương gần nhất, càng nhanh càng tốt để có thể cứu sống kịp thời các phần não đang bị thiếu máu chưa chết, đang bị sặc, bị chèn ép.
Người Việt có thói quen khi thấy ai bất tỉnh, ngã quỵ, thì đè ra cạo gió. Lưu ý, đối với bệnh nhân đột quỵ, không được tự ý điều trị như bấm huyệt, châm cứu, cạo gió (những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị). Bên cạnh đó, không cho bệnh nhân ăn uống và đề phòng nôn trào ngược, không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp. (Đ. Trang)
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/