*Hỏi: Xưa nay một năm tôi bị ho ít nhất cũng năm bảy đợt, có lúc bác sĩ nói là do cảm, có lúc bác sĩ nói là do dị ứng, có lúc bác sĩ nói là do trào ngược bao tử. Ngoài ra ung thư cũng gây ho, lao phổi cũng làm ho, nghe nói một số thuốc trị bệnh cũng có thể làm ho. Trong thời buổi đại dịch này, sợ nhất là bị dính Covid. Làm sao để biết là tại sao mình ho? Ho đó có nguy hiểm không, có phải là do Covid hay bệnh khác? Phải chữa như thế nào? Khi nào phải đi bác sĩ?
Nếu bị ho kéo dài vài tuần, hoặc tạo ra đàm bất thường hoặc các chất nhầy có máu, thì cần gặp bác sĩ sớm. (Hình: uq.edu.au)
- Đáp: Ho là phản ứng của cơ thể đối với sự kích thích ở cổ họng hay đường thở.
Sự kích thích này kích hoạt các đường thần kinh để gởi các tín hiệu đến não. Sau đó não ra lệnh các bắp thịt ở ngực và bụng co thắt để đẩy không khí từ phổi ra, nhằm đánh bật các chất kích thích này ra khỏi cơ thể.
Thỉnh thoảng bị ho, khi có gì kích thích (sặc, khói, thức ăn gây kích thích) là phản ứng bình thường và tốt để bảo vệ cơ thể.
Nếu bị ho kéo dài vài tuần, hoặc tạo ra đàm bất thường hoặc các chất nhầy có máu, thì ta cần gặp bác sĩ sớm.
Ho đôi khi có thể rất dữ dội. Ho dữ dội, kéo dài có thể kích thích phổi ra làm cho ho ngày càng nặng hơn. Ho như vậy có thể làm cho ta kiệt sức, có thể gây ra mất ngủ, chóng mặt, xỉu, nhức đầu, són tiểu, ói mửa, thậm chí làm gãy các xương sườn.
Thỉnh thoảng ho có thể là phản ứng lành mạnh của cơ thể để tự bảo vệ. Nếu ho kéo dài, thì đó có thể của bệnh nào đó. Có rất nhiều nguyên nhân có thể làm ta ho. Dựa theo thời gian bị ho là bao lâu, mà các chuyên gia phân loại:
- Ho cấp tính, nếu ho kéo dài dưới ba tuần. Các nguyên nhân thường gặp nhất là:
+Cảm (common cold).
+Cúm (influenza-flu).
+Covid 19 (cần chú ý trong đại dịch Covid 19 này).
+Hít các chất kích thích họng hay đường thở, như khói, bụi, chất hóa học, vật lạ (như các em bé nuốt các đồ chơi nhỏ).
+Viêm phổi.
+Ho gà.
- Ho mạn tính (chronic cough) nếu ho kéo dài trên tám tuần. Các nguyên nhân thường gặp nhất là:
+Dị ứng.
+Suyễn (thường gặp hơn ở trẻ em).
+Viêm phế quản (bronchitis).
+Trào ngược từ bao tử (Gastroesophageal reflux disease -GERD).
+Dịch nhầy ở mũi chảy ngược vào phía sau mũi đi vô cổ họng (postnasal drip).
Nếu ho kéo dài, thì đó có thể của bệnh nào đó. (Hình: health.asu.edu)
- Các nguyên nhân khác không thường gặp bằng các nguyên nhân kể trên: Viêm xoang cấp tính hay mạn tính (acute or chronic sinusitis), bệnh giãn phế quản (bronchiectasis), bị sặc (cần cấp cứu ngay), viêm tiểu phế quản (bronchiolitis), bệnh tắc nghẽn phổi (COPD-chronic obstructive pulmonary disease), bệnh xơ nang phổi (cystic fibrosis), khí phế thủng (emphysema), suy tim, viêm thanh quản (laryngitis), ung thư phổi (lung cancer), do thuốc chữa cao huyết áp thuộc nhóm gọi là angiotensin-converting enzyme (ACE) inhibitors, một số bệnh về thần kinh cơ làm suy yếu sự phối hợp giữa đường thở trên và các bắp thịt liên quan đến việc nuốt, bệnh nghẹt động mạch phổi (pulmonary embolism), lao phổi… [qd]
Thân mến
BS Nguyễn Trần Hoàng
(714) 531-7930, This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/