User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
chichvaccinthuhai
Hình minh họa
 
Nếu quý vị đã nhận mũi tiêm vaccin Covid-19 đầu tiên trong hai mũi, xin chúc mừng — quý vị đang trên hành trình được bảo vệ khỏi vi-rút corona. Nhưng để hoàn toàn có được sự miễn dịch, quý vị nhất định phải tiêm mũi thứ hai.

Trên cả nước, một số người đang rơi vào tình trạng lộn xộn khi cố gắng nhận mũi tiêm thứ hai vì nhiều lý do khác nhau. Nếu cuộc hẹn của quý vị bị hủy, đừng chờ ai đó gọi cho quý vị — hãy chủ động sắp xếp lại lịch tiêm mũi thứ hai, theo lời khuyên của Bác Sĩ Y Khoa William Schaffner, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Vanderbilt University Medical Center ở Nashville, và là Giám Đốc Y Tế của National Foundation for Infectious Diseases (Quỹ Quốc Gia Phòng Chống Bệnh Truyền Nhiễm).

Khi nói đến vaccin Moderna và Pfizer hai liều hiện đang được sử dụng ở Hoa Kỳ, ông cho biết: "Chúng tôi đã thông báo đến tất cả mọi người rằng những loại vaccin này có hiệu quả 95%. Nhưng chúng chỉ đạt được hiệu quả 95% nếu quý vị thực sự tiêm liều thứ hai".

Dưới đây là một số điều cần biết về liều thứ hai:

1. Tác dụng phụ có thể sẽ mạnh hơn

Nhiều người gặp phải rất ít phản ứng hoặc không gặp phải bất kỳ phản ứng nào với liều vaccin đầu tiên hiện cho biết rằng liều thứ hai có tác động rất mạnh — khiến ngay cả những người dành cả đời để nghiên cứu vaccin cũng phải ngạc nhiên.

Bác Sĩ Y Khoa Greg Poland, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Phòng Khám Mayo ở Rochester, Minnesota, và là Giám Đốc nhóm nghiên cứu vaccin của Mayo, chỉ gặp các triệu chứng nhẹ sau khi tiêm mũi đầu tiên. Nhưng mũi thứ hai khiến ông run lên vì ớn lạnh và nhiệt độ là 101.
 
Không có vi-rút sống trong vaccin, vì vậy quý vị không thể bị nhiễm Covid-19 khi tiêm vaccin.

Trong thử nghiệm lâm sàng của Pfizer, 31% người tham gia từ 18 đến 55 tuổi báo cáo bị sốt sau liều thứ hai, trong khi chỉ 8% bị sốt sau liều đầu tiên. Mệt mỏi, ớn lạnh, nhức đầu và đau cơ/khớp cũng phổ biến hơn sau khi tiêm mũi thứ hai đối với cả hai loại vaccin.

Tin tốt là từ dữ liệu chỉ ra rằng người lớn tuổi có khả năng ít gặp phản ứng với vaccin hơn. Trong số những người từ 55 tuổi trở lên trong thử nghiệm Pfizer, 22% bị sốt sau liều thứ hai và 3% bị sốt sau liều đầu tiên.
2. Quý vị nên tránh uống thuốc giảm đau trước khi tiêm

Nếu đã nghe qua về tác dụng phụ của liều thứ hai, quý vị có thể sẽ muốn uống thuốc giảm đau trước lịch hẹn tiêm.

Theo CDC, đó không phải là một ý kiến hay, trừ khi quý vị được bác sĩ của mình khuyến nghị thực hiện điều đó. Theo Poland và Schaffner, sử dụng thuốc giảm đau trước khi tiêm có thể làm giảm hiệu quả của vaccin.

Tuy nhiên, quý vị có thể sử dụng Acetaminophen (Tylenol) hoặc các loại thuốc như Advil hoặc Motrin sau khi tiêm vaccin để điều trị các tác dụng phụ như đau, sốt, ớn lạnh hoặc đau đầu.
 
3. Thời gian giữa các liều không cần chính xác
 
Mũi tiêm vaccin Pfizer thứ hai dự kiến sẽ được tiêm 21 ngày sau mũi đầu tiên; đối với Moderna, khoảng cách giữa các liều khuyến cáo là 28 ngày. Tuy nhiên, CDC cho phép điều chỉnh một khoảng thời gian, nếu quý vị không thể sắp xếp lịch hẹn vào đúng ngày đó. Mặc dù cơ quan này khuyến cáo nên cố gắng duy trì khoảng cách thời gian được đề xuất, nhưng cũng cho biết liều thứ hai có thể được tiêm cách đến sáu tuần sau liều đầu tiên.
 
4. Liều thứ hai phải từ cùng một nhà sản xuất với liều đầu tiên quý vị đã tiêm
 
Các bác sĩ từng nghe bệnh nhân hỏi liệu họ có thể tiêm liều thứ hai từ một nhà sản xuất khác hay không, lý do thường là vì họ nhận thấy loại vaccin khác được cung cấp ở một địa điểm thuận tiện hơn. Nhưng CDC khuyến cáo không nên làm như vậy: CDC thông báo rằng vaccin Moderna và Pfizer “không thể thay thế cho nhau hoặc thay thế cho các sản phẩm vaccin Covid-19 khác. Hiện chưa có đánh giá về tính an toàn và hiệu quả của việc tiêm các mũi tiêm từ những nhà sản xuất khác nhau”.
 
5. Phát ban tại vùng tiêm không phải là lý do để quý vị bỏ qua liều thứ hai
 
Theo CDC, nếu quý vị bị phát ban tại vùng tiêm từ 3 đến 10 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, điều đó không nên là lý do cản trở việc quý vị tiêm mũi thứ hai và CDC khuyến nghị nên tiêm ở cánh tay còn lại. 

Rất ít người gặp triệu chứng phát ban như vậy sau khi tiêm, đôi khi được gọi là "cánh tay Covid". Trong hướng dẫn được công bố vào ngày 10 tháng 2, CDC cho biết phản ứng này không được coi là nguy cơ khiến phản ứng dị ứng trầm trọng hơn khi quý vị tiêm liều thứ hai.
 
6. Quý vị nên tạm thời tránh tiêm tất cả các loại vắc-xin khác
 
Có thể đã đến lịch tiêm vaccin phòng zona hoặc Tdap, nhưng quý vị nên dừng lại nếu đang trong thời gian tiêm vaccin Covid-19. Do hiện không có dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của vaccin Covid được sử dụng cùng lúc với các vaccin khác, CDC khuyến nghị nên tránh các loại chủng ngừa khác trong hai tuần trước và sau cả hai liều. Việc tạm dừng cũng giúp tránh nhầm lẫn về nguyên nhân gây ra phản ứng nếu quý vị gặp phải.
 
7. Không có tác dụng miễn dịch đầy đủ ngay lập tức
 
Phải mất hai tuần sau liều thứ hai, cơ thể quý vị mới có khả năng miễn dịch đầy đủ với vi-rút. Sau đó, quý vị sẽ gần như không có nguy cơ bị bệnh nặng nếu tiếp xúc với người nhiễm Covid-19, Bác Sĩ Schaffner cho biết. CDC cũng cho biết quý vị không còn phải cách ly kiểm dịch nếu tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 — miễn là quý vị đáp ứng các tiêu chí sau: không có triệu chứng và chưa quá ba tháng kể từ lần tiêm vaccin mũi thứ hai.
 
8. Quý vị vẫn cần đeo khẩu trang
 
Các chuyên gia đều cho rằng quý vị nên tiếp tục đeo khẩu trang và thực hiện giữ khoảng cách ở nơi công cộng. Có một điều là vẫn có khả năng quý vị có thể bị ốm dù đã được tiêm phòng. Ngoài ra, cũng có khả năng quý vị vẫn có thể mang vi-rút và âm thầm truyền sang những người khác chưa được tiêm phòng, ngay cả khi quý vị không có các triệu chứng.

Bác Sĩ Schaffner cho biết, cho đến khi cả nước đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng — thời điểm mà tỷ lệ lớn của toàn bộ dân số có khả năng miễn dịch với một căn bệnh — điều quan trọng là mọi người phải đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút.
 
 

Tìm các bài ĐỜI SỐNG & SỨC KHỎE khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com