User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
tamlytuoimoilon
Hình ảnh: https://www.wur.nl/
 
Như bài trước chúng tôi đã trình bày về đặc trưng tâm lý tuổi dậy thì, gồm những điểm lưu ý:
 
- Tính khép kín và cảm giác cô độc
 
- Tính đối kháng và tính phục tùng
 
- Tính độc lập và tính ỷ lại
 
- Lý trí và tình cảm
 
Trong bài viết này, chúng tôi trình bày những thay đổi tâm lý nổi bật ở tuổi mới lớn để quý vị tham khảo cho việc uốn nắn, dạy bảo con trẻ được hiệu quả.
 
* Tâm lý bất an
 
Những thay đổi mạnh mẽ về sinh lý đã dẫn đến tâm lý bất an ở tuổi dậy thì. Nếu được trang bị kiến thức trước thì sự bất an bộc lộ ít và nhanh chóng qua đi. Còn nếu, không có sự hiểu biết nào trước khi đón nhận những sự thay đổi trong cơ thể thì sự bất an trở nên nghiêm trọng hơn. Thậm chí có nhiều bạn gái thấy kinh lần đầu tiên lại lo lắng cho rằng mình đang mắc một bệnh nguy hiểm nào đó mà không dám thổ lộ với ai. Hoặc bạn trai ngủ dậy vào sáng hôm sau bỗng dưng thấy quần mình lại bị ướt và có một ít chất nhầy trên đó thì lo sợ, không hiểu chuyện gì đã xảy đến với mình. Để xảy ra điều này là một sai lầm đáng trách của các bậc phụ huynh. Tâm lý bất an, luôn lo lắng sẽ có ảnh hưởng xấu đến việc học tập và hình thành nhân cách của các em sau này. Tuy nhiên đó là nói ở mức độ nghiêm trọng. Còn nói chung, đến tuổi dậy thì, đa phần các em đều có chung nét tâm lý này, nhưng vì được giáo dục trước, chúng sẽ dần bình tĩnh lại và chấp nhận những gì mới mẻ một cách tích cực.
 
* Tâm lý thoát ly
 
Đặc điểm lớn nhất về phát triển ý thức ở tuổi mới lớn là tâm lý thoát ly, nghĩa là hình thành cảm giác trở thành người lớn, muốn thể hiện tác phong và khí phách của người lớn. Hay nói đúng hơn là tâm lý mong muốn tự do, thoát khỏi sự kiểm soát của người lớn, được suy nghĩ và hành động theo ý mình. Thời kỳ này, việc tự ý thức đã phát triển thêm một bước, biểu hiện có thể độc lập, tự giác theo mục tiêu và chuẩn tắc nhất định để tự đánh giá phẩm chất và năng lực của mình. Về ý thức đạo đức, hành vi đạo đức ngày được tăng cường, về tình cảm thì không dựa vào bố mẹ, thường giấu kín trong nội tâm, chúng thích tự ý thức phát triển còn ở giai đoạn chưa thành thục, khả năng phân tích đánh giá còn ở mức độ hạn chế, chưa sâu sắc, thậm chí còn chưa ổn định.
 
Tuổi mới lớn là một bước nhảy vọt, một bước chuyển biến mãnh liệt đầy hứa hẹn. Giống như mầm non khi vừa mới nhú khỏi mặt đất đã có nhu cầu thoát ly ngay. ở đây, thoát ly không phải là từ bỏ cái cũ để đến với cái mới, mà là giống như sự lột xác của loài tôm hùm, rời khỏi cái vỏ quá chật hẹp để bước vào thế giới bao la, rộng lớn với biết bao điều mới mẻ mà ở đó chúng thực sự được tự do. Suy nghĩ đó hầu hết chế ngự trong tâm trí các bạn trẻ mới lớn. Chúng thấy mình không còn là những đứa trẻ thơ ngây thời thơ ấu làm gì cũng chịu sự kiểm soát của cha mẹ. Đến lúc này, chúng thấy mình lớn lên, tưởng như mình đã trưởng thành và cho rằng mình có thể tự lập. Từ những sinh hoạt hàng ngày trong cách ăn mặc, ngủ nghỉ chúng cũng muốn làm theo ý mình, không còn thích sự gò bó vào thời gian hay quy định của bố mẹ. Nhất là trong suy nghĩ, tình cảm riêng tư chúng mong muốn bố mẹ, người lớn tôn trọng chúng, coi chúng như thực sự đã trưởng thành. Những sự rầy la, chửi mắng của cha mẹ chỉ càng làm chúng ức chế và cho rằng mình đang bị coi thường. Đây là vấn đề nhạy cảm nhất trong việc giáo dục tâm lý con cái ở tuổi mới lớn, đòi hỏi cha mẹ phải hết sức thận trọng để tránh xảy ra những bất hòa trong quan hệ gia đình.
 
Các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, sự thay đổi này là bước tiến trong sự phát triển sự tự ý thức của con mình. Những gì chúng nghĩ ban đầu là hoàn toàn không sai, nhưng nếu không có sự can thiệp của người lớn thì rất có thể chúng sẽ đi lệch hướng. Sự can thiệp không phải bằng cách chế ngự tình cảm của con mình, mà phải chia sẻ với chúng những gì chúng đang ấp ủ. Khi đó, chúng xem cha mẹ như người bạn thân và chúng sẽ không giấu giếm những gì chúng nghĩ. Lúc này sẽ là thích hợp để các bậc phụ huynh phân tích lý lẽ hơn thiệt và chỉ cho chúng thấy con đường đi đúng đắn.
 
Nói chung, tâm lý thoát ly ở tuổi mới lớn là bước đầu hình thành ý thức tự lập trong mỗi con người. Chúng mong muốn bố mẹ, thầy (cô) giáo không quá nghiêm khắc hạn chế hành động của chúng. Chúng muốn tự do chi phối thời gian, bảo vệ quan điểm của mình và tiêu chuẩn đánh giá của mình. Chính vì thế, chúng thường trái ý bố mẹ và thầy cô giáo. Nhưng đó là do người lớn chưa thật sự hiểu sự thay đổi về tâm lý của lứa tuổi này. Để có kết quả giáo dục tốt cả về học tập và nhân cách con người của lứa tuổi mới lớn, các bậc phụ huynh và thầy cô giáo nên bắt đầu từ giáo dục tâm lý. Khi chúng nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ người lớn, chúng sẽ trở nên dễ bảo và ngoan ngoãn.
 
* Tâm lý hổ thẹn
 
Tâm lý xấu hổ thường thấy ở tuổi mới lớn được nhiều người ví như đóa hoa đầu mùa. Nó rực rỡ, tràn đầy nhựa sống và khao khát vươn xa nhưng lại rất thẹn thùng hé nụ trước nắng xuân. Trong lòng chất chứa bao khát vọng mãnh liệt nhưng hãy còn rất e dè. Ngoại hình cũng không ngừng thay đổi, đôi khi có những người phát triển cơ thể không cân đối cũng là nguyên nhân xấu hổ ở tuổi mới lớn. Xấu hổ vì không nhận ra vóc dáng cũ của mình nữa trong khi hãy còn ngượng ngịu, lóng ngóng với vóc dáng mới. Xấu hổ về những sự thay đổi đột ngột bên trong cơ thể khi bạn gái thấy kỳ kinh nguyệt đầu tiên và bạn trai thấy bối rối trong lần xuất tinh đầu tiên. Và khi đó, không chỉ xấu hổ với riêng mình, chúng còn thấy ngượng nghịu với những người xung quanh và những người thân trong gia đình. Chính những sự thay đổi mạnh mẽ về sinh lý đã khiến các em bắt đầu có những khao khát về tình dục nhưng giấu kín trong lòng. Vì chúng chẳng hiểu gì cả, chỉ thấy trong người rạo rực, nôn nóng, có cảm giác thích thú lạ lùng khi đến kỳ kinh ở bạn nữ hay những lần xuất tinh ở bạn nam. ở lứa tuổi này, các em cũng có nhiều niềm mơ ước, khao khát và chúng nghĩ là “không tưởng”. Chúng thấy mình tuyệt vời với bao mơ ước to tát, lớn lao nhưng lại sợ người khác cười vào mũi mình vì cho đó là điều không thể thực hiện được. Chúng đang dần khám phá cơ thể, khám phá những điều mới lạ, chúng không hiểu và khó hiểu. Chúng mong muốn hiểu được cái thế giới mới lạ của người lớn, nhưng lại thắc mắc rằng mình đã đến tuổi để biết đến những điều ấy chưa, chúng cũng chẳng biết hỏi ai mà nói đúng hơn là chúng ngại ngùng không dám hỏi. Chúng cũng chẳng biết có phải những khát vọng của mình có là điều phù phiếm hay không. Chúng tự đặt ra những câu hỏi tò mò, như những bài toán khó mà chúng không thể tự mình giải đáp, chúng cũng rất xấu hổ nếu phải đi hỏi người lớn và vì thế chúng đâm ra hổ thẹn với chính mình. Nếu chỉ để chúng chìm ngập trong tâm lý xấu hổ này sẽ ảnh hưởng không tốt trong việc học tập của chúng. Vì chúng e ngại không dám hỏi người lớn những điều chúng thấy mới lạ, nên cha mẹ cần phải là người chủ động giải tỏa cho con khỏi tâm lý xấu hổ này. Hãy nói với chúng rằng, mỗi con người đều phải trải qua thời kỳ này, đó là sự thay đổi tự nhiên không có gì đáng xấu hổ cả. Cuộc đời ai cũng có những ước mơ, hoài bão và nó có thể trở thành hiện thực nếu chúng ta luôn cố gắng phấn đấu trong học tập vì niềm mơ ước đó.
 
* Nhu cầu kết bạn thân
 
Thời thơ ấu, bạn bè cũng là một nhu cầu không thể thiếu nhưng chỉ mang tính chất là bạn chơi cùng. Nhưng đến tuổi dậy thì, có biết bao sự thay đổi choáng ngợp từ thể xác cho đến tâm tư, tình cảm mà chỉ với những người bạn cùng trang lứa mới hiểu và chia sẻ dễ dàng với nhau. ở tuổi này, các em thấy ở gần bố mẹ rất gò bó, ngột ngạt và thích gần gũi bạn bè hơn. Đặc biệt là muốn kết thân với một người bạn nào đó để có thể tâm sự và chia sẻ tình cảm, suy nghĩ với mình là nhu cầu cấp bách. Cảm giác được che chở an toàn ở mẹ thời thơ ấu giờ đây chúng lại tìm thấy ở người bạn kết thân. Sự độc đoán, khắt khe của bố mẹ giờ đây được thay thế bằng những qui ước trong một nhóm bạn mà chúng tự đặt ra.
 
Các bậc phụ huynh không nên coi thường vấn đề này mà phải hết sức thận trọng, quan tâm đến việc kết giao bạn bè của con mình. ở tuổi này, chúng dễ bị ảnh hưởng bởi những hành vi, tính cách của bạn bè và nhất là ở người bạn thân. Có một câu nói rất hay: “Bạn hãy nói cho tôi nghe về những người bạn của bạn, tôi sẽ biết bạn là người như thế nào”. Thế nên, các bậc phụ huynh đừng bỏ mặc con muốn chơi với ai thì chơi, cũng không nên cấm đoán con kết bạn, cũng không nên ép buộc chúng phải chơi với người này mà không được chơi với người kia. Đó là sự áp đặt, mà giáo dục con ở tuổi này bằng cách áp đặt sẽ không thu được kết quả như mong muốn. Ngay lập tức chúng sẽ phản kháng mạnh mẽ, vì chúng cho rằng chúng có quyền tự do trong việc lựa chọn bạn bè, chúng thích làm bạn với người này mà không thích làm bạn với người kia. Nếu luôn quan tâm đến con ngay từ ban đầu cha mẹ sẽ không phải khó khăn trong việc giáo dục con kết bạn.
 
Một điều mà các bậc phụ huynh phải hết sức chú ý trong việc kết bạn thân của con mình, đó là nhu cầu kết thân bạn khác giới. ở lứa tuổi này, tâm tư tình cảm của chúng đã nhiều thay đổi, tuy nhiên không ổn định. Rất có thể con bạn đem lòng yêu mến một người bạn khác giới và kết thân với người đó. Đây được coi là tình cảm trong sáng nếu nó phát triển lành mạnh, không làm ảnh hưởng đến học tập. Nhưng phụ huynh phải hết sức để ý và uốn nắn để tình cảm của chúng không đi quá xa cái gọi là tình bạn thân. Đã không ít những trường hợp các em nữ đã mang thai khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, cũng là bắt đầu từ một tình bạn thân khác giới rồi hình thành cái lờ mờ gọi là tình yêu. Đó là điều nguy hại đến sức khỏe và tương lai của các em sau này. Bởi ở lứa tuổi này, mọi việc chúng làm, chúng nghĩ đều rất đơn giản và nông nổi, chúng chưa thể chịu trách nhiệm trước những hành vi của mình và hậu quả của những quyết định sai lầm là vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, khi thấy con mình có biểu hiện đi xa hơn trong mối quan hệ tình bạn khác giới, cha mẹ phải hết sức nghiêm khắc nhưng cũng cần khuyên bảo từ từ để các em hiểu ra vấn đề đúng, sai mà sửa chữa.
 
Để giúp các bậc phụ huynh có cách giáo dục đúng đắn đối với con cái ở tuổi mới lớn trong việc kết giao bạn bè, những đặc trưng tình bạn thanh thiếu niên sau đây ít nhiều có ích với các bậc phụ huynh.
 
* Muốn được giao tiếp
 
Tình bạn là một phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Bạn bè có thể chia vui cùng nhau, san sẻ nỗi buồn cho nhau. Chính vì thế, đến lứa tuổi dậy thì, nhu cầu kết giao bạn bè là một mong muốn cần thiết. Lúc này, hứng thú vui đùa, chia sẻ với ông bà, cha mẹ ngày càng giảm đi và nguyện vọng được kết bạn cùng lứa, cùng học ngày càng đòi hỏi mạnh và nhất là nhu cầu kết bạn thân.
 
* Cởi mở trong giao tiếp
 
Khi ở tuổi nhi đồng, mọi việc thường được bố mẹ hướng dẫn và dạy dỗ. Đến thời dậy thì, ý thức tự chủ của chúng ngày càng chín muồi, bắt đầu thoát ly khỏi sự kiểm soát, hướng dẫn của bố mẹ và không chịu ràng buộc bởi quan niệm và phong tục tập quán truyền thống trong giao tiếp. Điều đó thể hiện rất rõ ở tính cởi mở trong ý thức giao tiếp. Chúng đều muốn được kết thân bạn bè cùng lứa, kết bạn với nhiều người càng tốt.
 
* Phạm vi giao tiếp rộng rãi
 
Thời nay, thanh thiếu niên không chỉ dừng lại ở việc giao tiếp với người cùng giới tính, người cùng lớp, cùng cấp học mà có xu thế mở rộng sự giao tiếp. Chúng không chỉ kết bạn với người cùng giới mà còn có nhu cầu kết bạn khác giới và không chỉ kết bạn với những người cùng học, cùng trang lứa mà kết giao với những người hơn tuổi mình, học cấp cao hơn.
 
* Phương thức giao tiếp đa dạng
 
Thời nay, thanh thiếu niên có điều kiện tiến hành sự giao tiếp qua nhiều hình thức. Như, liên hệ với nhau qua các môn học, qua những sinh hoạt xã hội chung, qua học và chơi thể thao, qua báo ảnh, chụp hình, qua sưu tập tem, tranh ảnh… Ngoài ra, còn có một hình thức giao tiếp hiện đại là qua mạng Internet. Có thể nói, đây là hình thức giao tiếp, kết bạn phổ biến nhất và hầu hết các em đều biết cách sử dụng. Tuy nhiên, đây là hình thức giao tiếp có ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn tích cực đối với lứa tuổi mới lớn. Đã có không ít câu chuyện thương tâm xảy ra cũng vì làm quen qua mạng Internet. Thậm chí, chúng có thể kết bạn với nhau, đem lòng yêu thích nhau qua mạng mà chưa một lần gặp mặt. Các bậc phụ huynh cần phải giáo dục con cái mình tránh xa hình thức kết bạn qua mạng, vì suy nghĩ và hành động của các em còn rất nông nổi và thiếu mục đích rõ ràng.
 
* Nội dung giao tiếp phong phú
 
Thanh thiếu niên thời hiện đại có tầm nhìn rộng, đầu óc thông minh, nhanh nhẹn hơn nên trong các cuộc nói chuyện thì nội dung được để cập đến cũng phong phú hơn nhiều. Từ chuyện trong nước cho đến những sự kiện ngoài nước, rồi chuyện chính trường, chuyện thể thao, văn hóa, xã hội … được đề cập sôi nổi. Trong câu chuyện của chúng, một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng, một ca sĩ nổi tiếng hay một cầu thủ bóng đá lừng danh sẽ trở thành chủ đề và thi nhau nhận xét, đánh giá.
 
* Tính sâu sắc trong giao tiếp
 
Trong giao tiếp, kết bạn của tuổi mới lớn đã bắt đầu có sự phân biệt giới tính rõ nét và có khác biệt. Thường thì con gái có yêu cầu giao tiếp sâu đậm và mật thiết sớm hơn con trai, còn yêu cầu kết bạn của con trai không tế nhị, sâu sắc như ở con gái mà thực tế, thô ráp hơn. Đến thời kỳ này, kết bạn đã có sự lựa chọn. Chúng bắt đầu biết coi trọng sự đồng cảm về tâm hồn, hiểu thế nào tình bạn thân mật, cởi mở và chân thành. Trong quá trình giao tiếp, chúng sẽ để tâm lựa chọn người bạn ý hợp tâm đầu. Với chúng, người bạn ý hợp tâm đầu là hiểu nhau, thông cảm, tôn trọng lẫn nhau và phải biết khoan dung tha thứ cho nhau, giúp nhau cùng tiến bộ.
 
Quả thực, kết bạn là điều không thể thiếu trong cuộc sống và học tập ở tuổi dậy thì. Kết bạn thân là sự kiện lớn của đời người, tình bạn tri âm đó sẽ là ngọn đèn trong cuộc sống. Khi có được người bạn tri kỷ, hiểu mình, có thể chia sẻ với mình những niềm vui nỗi buồn thì sẽ giúp ích cho việc học tập và cuộc sống của mình theo chiều hướng tích cực, đó là điều hạnh phúc. Nếu một người không có bạn không được ai chia sẻ, giúp đỡ thì giống như con thuyền chơ vơ ngoài biển cả. Nhưng để có một tình bạn tốt, cha mẹ cần phải giúp đỡ con mình biết lựa chọn trong khi kết bạn, để tránh con kết giao với những người bạn xấu. Những người bạn tốt giúp đỡ nhau trong học tập, chia sẻ tình cảm vui buồn cùng nhau có tác dụng nhanh hơn giữa cha mẹ và con cái.
 
Cha mẹ không nên nghĩ rằng, con mình cần phải chọn những người bạn học giỏi để chơi, còn những bạn học kém sẽ làm ảnh hưởng đến học tập của con. Trên thực tế, có nhiều em học giỏi nhưng tính khí hung hăng, bạo ngược. Tuy nhiên, có những em học bình thường nhưng lại hiền lành, tốt bụng, hay giúp đỡ người khác, được thầy yêu bạn mến. Con trẻ tìm bạn thường có hướng chọn người có những điều chúng thấy thích, thấy phù hợp. Khi đến tuổi dậy thì, con cái coi như đang bắt đầu trưởng thành, chúng có quyền quyết định chọn ai là bạn của mình. Đương nhiên, cha mẹ có quyền tham gia nhưng quyết định nên dành cho con trẻ. Nếu cứ bắt con phải tìm một người bạn hoàn hảo thì chẳng bao giờ có bạn, nhưng không phải vì thế mà để con chơi với bất cứ người bạn nào.
 
Hãy cho phép con giao du với bạn bè nhưng trong chừng mực mình có thể làm được. Đừng lúc nào cũng cho là con mình còn bé, cần phải giữ chặt trong nhà vì sợ chúng giao du với bạn bè xấu. Thật ra, đó không phải là cách giáo dục hiệu quả để tách chúng khỏi cái xấu. Mà cần phải dạy con cái biết phân biệt và tránh xa cái xấu. Muốn như vậy phải cho chúng cơ hội giao tiếp với bạn bè. Các nhà giáo dục chỉ ra rằng, trong quá trình xã hội hóa, nếu các em nắm được những kinh nghiệm và quan hệ xã hội, thì trong tương lai các em có thể phát triển tốt mối quan hệ giao tiếp. Trong giao tiếp xã hội, quần thể xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến cá nhân, trong đó có những yếu tố có lợi; còn yếu tố có hại. Chúng ta dễ dàng phát hiện thấy một điều có thể con mình rất hoạt bát, vui vẻ ở trong nhà, nhưng khi ra ngoài thì cái gì cũng sợ, thiếu khả năng tự bảo vệ mình. Đó là do đứa trẻ đó ít được giao tiếp với thế giới bên ngoài, thiếu kinh nghiệm giao tiếp và khả năng thích ứng với hoàn cảnh. Nếu con bạn thiếu kinh nghiệm giao tiếp sẽ làm hạn chế sự phát triển trí lực ở chúng. Chính vì vậy, cha mẹ nên để con cái được giao lưu với bạn bè để nâng cao tố chất tâm lý, sống trong tập thể sẽ tạo cơ hội tốt và là cơ sở tốt cho mối giao tiếp trong tương lai của chúng. Nếu cứ giữ chặt con trong nhà, chúng sẽ càng ngày sống khép mình hơn. Nếu các bậc cha mẹ hiểu rằng, con người là động vật cao cấp có tính xã hội thì nên để con cái tự do giao lưu với bạn bè, như vậy chúng sẽ nhanh trưởng thành hơn. Tuy nhiên, cha mẹ phải hết sức lưu tâm đến những người bạn của con mình và không để cho chúng tự do quá đà.
 
Vũ Thị Hương Mai
 

Tìm các bài ĐỜI SỐNG & SỨC KHỎE khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com