Nếu là người nấu nướng thường xuyên, nhà bếp sẽ là nơi bạn dành nhiều thời gian nhất để chế biến ra những món ngon cho bạn và gia đình. Tuy nhiên, đây cũng là nơi dễ gây mùi nhất trong nhà, cho dù bạn đã chùi rửa kỹ càng, bạn vẫn nghe đâu đó thoang thoảng mùi gây khó chịu trong bếp.
Dưới đây là bảy vị trí nhà bếp dễ có mùi mà bạn vô tình bỏ qua, theo trang mạng Well + Good.
Nhà bếp rất dễ có mùi nếu như không lau chùi đúng cách. (Hình: Roam In Color/Unsplash)
1. Đường kẻ giữa tường và bếp gas
Khi chúng ta dùng lò bếp để nấu, đôi khi dầu mỡ, thức ăn sẽ văng ra bên ngoài, dính lên tường và các đường kẻ giữa tường và lò bếp. Thông thường, chúng ta sẽ chà rửa phần tường nhưng lại bỏ qua những đường khe ở giữa, dần dần những mạnh vụn nhỏ, dầu bắn tung tóe hay nước dính vào đó từ ngày này qua ngày khác, dẫn đến mùi hôi khó chịu.
Theo ông James Conner, hiện đang công tác tại công ty dịch vụ chà rửa MollyMaid, bạn nên chú ý làm sạch các đường kẻ trước vì nơi đây chứa nhiều cặn bẩn.
Cách đơn giản nhất để làm sạch đường khe hở là cho một chiếc khăn ẩm và quấn quanh một con dao dùng để cắt bơ, sau đó nhét nó vào đường khe càng sát tường càng tốt và kéo nó vì phía bạn, giúp cho các mảnh vụn không rơi xuống sàn.
Sau khi lướt dao quấn khăn ẩm trên đường khe hai, ba lần, bạn cho khăn vào bồn rửa, rửa sơ lại, rồi đổ thêm một chút giấm, tiếp tục quấn lại con dao và chà thêm vài lần để loại bỏ các phần dính cứng đầu.
2. Lò vi sóng
Đây là dụng cụ được sử dụng nhiều nhất trong nhà nhưng lại ít được bảo quản sạch sẽ nhất, dần dần, lò vi sóng sẽ tạo ra mùi hôi, không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Một mẹo đơn giản và dễ làm mà bạn có thể thực hiện để lau chùi microwave là cho một chén đầy nước hâm nóng trong lò vi sóng khoảng 2 phút. Sau khi hâm, hãy để cái chén đó trong microwave khoảng 10 phút để hơi nước có thể giải phóng các mảnh thức khô bám dính trong lòng microwave. Tiếp đến, bạn vắt một ít chanh vào nước để khử trùng, rồi bỏ chén ra, và dùng khăn ẩm có pha giấm lau chùi sạch sẽ lò vi sóng.
3. Thùng rác
Thùng rác sẽ rất nặng mùi nếu như bạn không dọn dẹp và đổ nó đi thường xuyên. Đôi lúc, khi chúng ta đem bịch rác trong thùng ra đổ thường dễ bị rơi rớt lại một số rác vụn bám vào nắp thùng rác mà ít để ý đến.
Để lau chùi thùng rác, bạn có thể mua bình xịt khử trùng dành riêng cho thùng rác. Bạn chỉ cần xịt lên nắp và thùng sau đó thì để khô. Và nhớ là bạn nên chọn sản phẩm có tính tiêu diệt vi khuẩn và khử trùng cao.
Máy rửa chén không thể tự rửa sạch bên trong lòng máy mà bạn phải có cách bảo quản nó. (Hình: cottonbro/Pexels)
4. Máy rửa chén
Chúng ta thường hay nghĩ rằng máy rửa chén khi rửa chén thì sẽ tự rửa luôn cả bên trong nhưng thực tế lại không phải vậy. Môi trường ẩm ướt trong máy rửa chén là nơi hoàn hảo để tạo ra mầm móng cho mùi hôi và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở.
Để giảm thiểu mùi trong máy rửa chén, trước tiên, bạn phải luôn rửa sơ qua chén dĩa sau khi ăn xong và trước khi bỏ vào máy. Làm điều này sẽ giúp cho mùi thức ăn cũ không đọng lại trong máy sau mỗi lần rửa.
Một điều nữa là bạn đừng đóng máy rửa chén suốt ngày, mà hãy mở ra để nó tránh tích tụ hơi ẩm, mùi hôi và vi khuẩn.
5. Lò nướng
Đối với lò nướng, bạn nên rửa sạch, lau chùi bên trong lò mỗi tháng một lần, đặc biệt là khi bạn dùng nó mỗi ngày. Việc lau sạch các chất tràn ra ngoài khi nướng sẽ giúp lò nướng sạch sẽ hơn, đồng thời cũng giảm mùi và khói trong nhà bạn.
Bạn hãy dùng một cây cọ chuyên dùng cho lò nướng, nhúng đầu cọ với nước ấm và giấm, sau đó nhẹ nhàng lau chùi bên trong. Nếu không thích mùi nồng của giấm, bạn có thể chọn chanh thay thế.
Sau đó, bạn dùng một chiếc khăn sạch và khô, lau lại một lần nữa.
6. Tủ đông
Không chỉ dọn sạch tủ lạnh ở ngăn mát mà cả ngăn đông lạnh cũng nên thường xuyên lau chùi sạch sẽ, nếu không mùi thực phẩm đông lạnh lâu ngày sẽ bốc mùi hôi.
Bạn chỉ nhúng miếng bọt biển vào nước nóng có pha xà phòng hoặc không cần pha cũng được, rồi lau tủ đông, bảo đảm phần freezer sẽ không còn mùi mà còn sạch sẽ. (KD)