Năm mèo, theo thông lệ chúng ta hãy bàn về con mèo trong y khoa. Một phần ba gia đình ở Mỹ có nuôi mèo.Trước hết là hai bệnh có thể tránh được mà mèo có thể truyền qua người, bệnh “mèo quào” do vi khuẩn và bệnh do ký sinh mà qua phân mèo có thể truyền qua người, nhất là người có thai và gây những triệu chứng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh; và sau cùng là một bệnh di truyền làm đứa trẻ sơ sinh có tiếng khóc giống tiếng mèo kêu với nhiều dị tật quan trọng.
Cat Scratch Disease (CSD)
Trước hết là một bệnh do mèo đem lại gọi là “Bệnh mèo quào” (Cat Scratch Disease, CSD), do một vi khuẩn tên Bartonella henselae gây ra (1). Người ta đã tìm thấy một vi khuẩn trong hạch của người bệnh từ thập niên 1950, nhưng mãi đến thập niên 1990 TS Diane Hansel mới xác định được con vi khuẩn này, do đó phần thứ nhì tên nó mang tên bà ( Bartonella: tên genus, do BS Barton ở Nam Mỹ khám phá ra giống vi khuẩn này gây bệnh sốt và tử vong do các con sandfly truyền qua người; bệnh CSD khác, trong B. henselae, species là henselae). Vi khuẩn hình que cong, rất khó nuôi cấy và đợi đến 2-6 tuần mới mọc nên định bệnh chính xác bằng nuôi cấy (culture) rất khó (2).
Dịch học:
Thường nhất ở trẻ em dưới tuổi 15. Ở Mỹ, phổ biến hơn ở vùng đông nam (ví dụ các tiểu bang Carolina), nhưng có thể hiện diện trên toàn nước Mỹ. Tại Mỹ, hầu hết các trường hợp CSD xảy ra vào mùa thu và mùa đông. Bệnh xảy ra nhiều hơn sau mùa Giáng sinh, lúc người ta tặng các con mèo con làm quà cho các đứa trẻ. Mèo đi lạc (stray cat) hay mèo hoang có nhiều khả năng nhiễm vi trùng hơn thú cưng (pet) bị nhiễm B. henselae. Mỗi năm có trên 12 ngàn trường hợp và chừng 500 trường hợp phải nhập viện (3).
Hình 1: Bọ chét mèo chứa vi khuẩn Bartonella trong phân, vi khuẩn sẽ nhiễm vào vết thương của mèo làm mèo nhiễm vi khuẩn; người bị nhiễm lúc mèo liếm vào vết quào hay vết cắn trên người hoặc từ phân của bọ chét.
Quá trình lây truyền
Người bệnh bị nhiễm Bartonella henselae từ mèo nhà hoặc mèo hoang, đặc biệt là mèo con. Mèo có thể có bọ chét (fleas) mang vi khuẩn B. henselae. Những vi khuẩn này có thể lây truyền từ một con mèo sang một người khi một vết trầy/ xước bị dính phân bọ chét. Những con mèo bị nhiễm bệnh liếm hoặc cắn vết thương hở của một người có thể cũng lây lan vi khuẩn. Có dấu hiệu cho thấy rằng những vi khuẩn có thể lây trực tiếp sang người do vết cắn của bọ chét sống trên con mèo và bọ chét này có nhiễm vi khuẩn, nhưng điều này chưa được chứng minh.
Triệu chứng
● Sốt nhẹ
● Các hạch bạch huyết (lymph node) sưng to, mềm, phát triển từ 1–3 tuần sau khi tiếp xúc với mèo
● Mụn sẩn (papule) hoặc mụn mủ (pustule) ở vị trí vết quào, trầy.
● Trường hợp hiếm: nhiễm trùng mắt, gan, lá lách, não, xương hoặc van tim. Một nhiễm trùng này xảy ra chủ yếu ở những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như những người bị nhiễm HIV (liệt kháng) vào giai đoạn cuối.
● Viêm nội tâm mạc (endocarditis): Cũng như nhiều loài Bartonella khác, B. henselae đôi khi có thể gây nhiễm trùng van tim, được gọi là viêm nội tâm mạc (viêm màng lót phía trong của lòng tim, endocarditis). Nhiều các trường hợp, cấy máu (một trong những test dùng định bệnh nhiễm trùng nội mạc tim) có thể âm tính (gọi là viêm nội tâm mạc nuôi cấy âm tính/culture-negative endocarditis)), khó chẩn đoán hơn.
Hình 2: Vết mèo quào trên lưng bàn tay và hạch bạch huyết sưng trong nách.(Nguồn CDC)
Phòng ngừa
● Tránh để mèo quào, cắn và liếm, đặc biệt là mèo con hoặc mèo hoang. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
● Rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với mèo.
● Trao đổi với bác sĩ thú y về các sản phẩm ngăn ngừa bọ chét cho mèo của bạn.
● Không bao giờ sử dụng các sản phẩm có chứa permethrin trên những con mèo.Permethrin thường được dùng để kiểm soát côn trùng trên cây lương thực, thức ăn chăn nuôi, bãi cỏ, gia súc và vật nuôi. Permethrin an toàn đối với nhiều loài động vật, nhưng nó lại có độc tính cao đối với mèo. Một số thuốc trị bọ chét cho chó, dầu tắm gội chó (shampoo), thuốc xịt ruồi, bột trừ kiến KHÔNG an toàn khi sử dụng cho mèo
Chẩn đoán và xét nghiệm
- Nhiễm trùng B. henselae có thể được chẩn đoán lâm sàng (không cần thử nghiệm) ở những bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng điển hình và bệnh sử thích hợp như bị mèo quào, cắn hay tiếp xúc với mèo hay lịch sử có bị phơi nhiễm (exposure).
- B. henselae là một loại vi khuẩn khó tính, phát triển chậm. Môi trường nuôi cấy nên được giữ trong tối thiểu 21 ngày. Bác sĩ cần cho phòng thí nghiệm biết là mình tìm B. henselae.
- Huyết thanh học (tìm kháng thể) có thể hỗ trợ chẩn đoán B. henselae, mặc dù phản ứng chéo với các loài Bartonella khác có thể hạn chế việc kết luận chẩn đoán. Xét nghiệm huyết thanh học không phân biệt một cách đáng tin cậy giữa các loài Bartonella và kết quả dương tính có thể tồn tại trong nhiều năm ngay cả sau khi điều trị hiệu quả.
- DNA của B. henselae có thể được phát hiện bằng xét nghiệm phân tử (molecular essay) của dịch hút hạch bạch huyết hoặc máu. Tuy nhiên, thường không cần chọc hút hạch bạch huyết trừ khi cần giảm đau và sưng nghiêm trọng hoặc trong trường hợp chẩn đoán không rõ ràng.
- Bệnh nhân bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng đôi khi có van tim bị hư hỏng cần được phẫu thuật thay thế. Mô van tim đã cắt bỏ có thể được kiểm tra bằng xét nghiệm phân tử để xác nhận nhiễm B. henselae.
Trị liệu:
Việc sử dụng kháng sinh để rút ngắn quá trình CSD đang được tranh luận. Hầu hết các trường hợp tự khỏi mà không cần điều trị, mặc dù một số bệnh nhân có thể phát triển các biến chứng do bệnh lan toàn cơ thể (disseminated).
Kháng sinh Azithromycin (Zithromax) đã được chứng minh là làm hạch bạch huyết teo nhỏ lại nhanh hơn so với bệnh nhân không điều trị. Liều đề xuất của azithromycin cho CSD là:
Người lớn và trẻ em > 45,5 kg: 500 mg vào ngày đầu tiên, tiếp theo là 250 mg trong 4 ngày.
Trẻ em ≤ 45,5 kg: 10 mg/kg vào ngày đầu tiên, tiếp theo là 5 mg/kg trong 4 ngày
Toxoplasmosis
Toxoplasmosis là một bệnh có thể truyền qua người đàn bà có thai từ phân của mèo nhất là mèo con.
Toxoplasmosis (4) là một bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng đơn bào có tên là Toxoplasma gondii gây ra. Toxoplasma được tìm thấy trên khắp thế giới, và nhiễm hơn 40 triệu người ở Hoa Kỳ. Toxoplasma có thể tồn tại trong thời gian dài trong cơ thể người (và các động vật khác), thậm chí có thể tồn tại suốt đời. Các đường nhiễm toxoplasma:
● Ăn thịt chưa nấu chín, bị ô nhiễm (đặc biệt là thịt lợn, thịt cừu và thịt nai) hoặc động vật có vỏ (shellfish) (ví dụ: hàu, trai hoặc hến).
● Vô tình nuốt phải các món ăn trên sau khi xử lý chúng và không rửa tay kỹ (Toxoplasma không thể hấp thụ qua da nguyên vẹn) hay qua dao, đồ dùng, thớt và các thực phẩm khác đã tiếp xúc với các món ăn trên đã bị ô nhiễm.
● Nước uống bị nhiễm Toxoplasma gondii.
● Vô tình nuốt phải ký sinh trùng do tiếp xúc với phân mèo có chứa Toxoplasma lúc làm sạch khay vệ sinh của mèo khi mèo thải Toxoplasma trong phân của nó; chạm vào hoặc ăn bất cứ thứ gì tiếp xúc với phân mèo có chứa Toxoplasma; hoặc vô tình nuốt phải đất bị ô nhiễm (ví dụ: không rửa tay sau khi làm vườn hoặc ăn trái cây hoặc rau chưa rửa sạch từ vườn).
● Lây truyền từ mẹ sang con (bẩm sinh).
● Nhận cấy ghép nội tạng bị nhiễm bệnh hoặc truyền máu bị nhiễm bệnh, mặc dù trường hợp này rất hiếm.
Hình 3: Chu kỳ sống của ký sinh trùng Toxoplasma
Mèo là vật chủ cuối cùng của Toxoplasma (definitive host).
Nan noãn (oocyst)(1) thải ra trong phân con mèo, sau quá 24 giờ có khả năng gây bệnh (infective stage) và có thể đi vào cơ thể người qua đường miệng hoặc do truyền máu bị nhiễm (mũi tên màu xanh). Ở vật chủ là người, ký sinh trùng hình thành các nang mô (tissue cysts), phổ biến nhất ở cơ xương, cơ tim, não và mắt; những u nang này có thể tồn tại trong suốt cuộc đời của vật chủ. Toxoplasma có thể đi từ mẹ qua thai nhi (9). Chẩn đoán thường đạt được bằng huyết thanh học, mặc dù u nang mô có thể được quan sát thấy trong các mẫu sinh thiết nhuộm màu (10). Có thể chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng bẩm sinh của thai nhi bằng cách phát hiện DNA của T. gondii trong nước ối (amniotic fluid) bằng các phương pháp phân tử như PCR (11). (Hình CDC)
Triệu chứng:
Rất ít người bị nhiễm có triệu chứng vì hệ thống miễn dịch của người khỏe mạnh thường đủ sức ngăn không cho ký sinh trùng gây bệnh.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai và những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương (đề kháng yếu) nên thận trọng; đối với họ, nhiễm trùng Toxoplasma có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Bệnh toxoplasma nặng, gây tổn thương não, mắt hoặc các cơ quan khác, có thể phát triển từ một đợt nhiễm trùng Toxoplasma cấp tính hoặc một bệnh đã xảy ra trước đó trong đời và hiện đang tái hoạt động. Bệnh toxoplasmosis nặng có nhiều khả năng xảy ra ở những người có hệ thống miễn dịch yếu, mặc dù đôi khi, ngay cả những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh cũng có thể bị tổn thương mắt do bệnh toxoplasma.
Hầu hết trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh khi còn trong bụng mẹ không có triệu chứng khi sinh, nhưng chúng có thể phát triển các triệu chứng sau này khi lớn lên. Một tỷ lệ nhỏ trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh bị tổn thương mắt hoặc não nghiêm trọng khi vừa mới sinh như sinh non, phát triển chậm trong bụng mẹ, vàng da lúc mới sinh, sưng gan, lá lách, viêm cơ tim, viêm phổi.
Câu hỏi người có bầu nhưng thích nuôi mèo thường đặt ra;
Hỏi: Tôi có phải từ bỏ con mèo của mình nếu tôi đang mang thai hoặc dự định có thai không? (5)
Trả lời: Không. Bạn nên làm theo những lời khuyên hữu ích sau đây để giảm nguy cơ tiếp xúc với Toxoplasma trong môi trường:
● Tránh thay cát vệ sinh (chỗ mèo đi cầu) cho mèo nếu có thể. Nếu không ai khác có thể làm việc này, hãy đeo găng tay dùng một lần rồi bỏ và rửa tay bằng xà phòng và nước sau đó.
● Đảm bảo rằng khay vệ sinh cho mèo được thay hàng ngày. Ký sinh trùng Toxoplasma không trở nên lây nhiễm cho đến 1 đến 5 ngày sau khi nó thải ra phân mèo.
● Cho mèo ăn thức ăn khô hoặc đóng hộp thương mại, không phải thịt sống hoặc chưa nấu chín.
● Giữ mèo trong nhà.
● Tránh mèo đi lạc/ mèo hoang, đặc biệt là mèo con. Đừng nhận nuôi một con mèo mới trong khi bạn đang mang thai.
● Đậy kín các hộp cát ngoài trời.
● Đeo găng tay khi làm vườn và khi tiếp xúc với đất hoặc cát vì nó có thể bị nhiễm phân mèo có chứa Toxoplasma. Rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi làm vườn hoặc tiếp xúc với đất hoặc cát.
(Chú ý: câu trả lời trên là của CDC, có ý hướng bảo vệ người mẹ có thai nhưng cũng có ý bảo vệ các con mèo theo tinh thần nhân đạo rất quan trọng ở Mỹ. Mỗi người có thể hành xử theo hoàn cảnh của mình)
Hội chứng tiếng mèo kêu:
Cuối cùng chúng ta sẽ bàn tới một bệnh trong đó tiếng em bé khóc nghe như tiếng mèo kêu, cho nên bác sĩ người Pháp Jerome Lejeune năm 1963 mô tả nó đầu tiên trong y văn đã đặt tên bệnh này là “cri du chat”, từ đó tiếng Anh: Cri du Chat Syndrome, hay “hội chứng tiếng mèo kêu”.
Hội chứng Cri du chat ảnh hưởng đến phái nữ nhiều hơn nam giới. Tỷ lệ mắc bệnh dao động từ 1-15.000 đến 50.000 ca trẻ sơ sinh. Một số trường hợp hội chứng cri du chat có thể không được chẩn đoán, gây khó khăn cho việc xác định tần suất thực sự của chứng rối loạn này trong dân số nói chung.
Hình 4: Chromosome 5 deletion: bên phải, một trong hai nhiễm thể số 5 bị mất một đoạn của cánh ngắn.
Hội chứng Cri du chat (CdCS hoặc 5p-) là một rối loạn di truyền hiếm gặp trong đó một phần biến đổi của nhánh ngắn nhiễm sắc thể số 5 bị thiếu hoặc bị xóa (đơn nhiễm sắc thể, monosomic). Trong đại đa số trường hợp nhiễm thể bị bất thường đến từ người cha và phần thiếu sót của nhiễm thể số 5 xảy ra lúc tinh trùng được tạo nên trong dịch hoàn (spermagenesis) tuy người cha vẫn bình thường.
Các triệu chứng rất khác nhau tùy theo từng trường hợp tùy thuộc vào kích thước và vị trí chính xác của vật liệu di truyền bị xóa. (6)
Hình 5: Trẻ sơ sinh mắc hội chứng tiếng mèo kêu (Nguồn: MedlinePlus)
Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
● Tiếng khóc đặc biệt chói tai, cao vút giống như tiếng mèo kêu trong mấy tuần đầu, sau đó thì giảm đi.
● Các đặc điểm trên khuôn mặt, mặt tròn, hai mắt xa nhau (hypertelorism), nhân trung ngắn; lúc lớn lên thì mặt teo lại, dài một cách bất bình thường, tai thấp.
● Chậm lớn.
● Tật đầu nhỏ (microcephaly, chu vi vòng đầu nhỏ hơn so với dự kiến đối với lứa tuổi và giới tính của trẻ sơ sinh).
● Trẻ em bị ảnh hưởng cũng thể hiện sự chậm trễ trong việc tiếp thu các kỹ năng đòi hỏi sự phối hợp của các hoạt động cơ bắp và tinh thần (khuyết tật tâm thần vận động; psychomotor disability) và khuyết tật trí tuệ (intellectual disability) từ trung bình đến nặng.
● Các triệu chứng khác ảnh hưởng đến các hệ thống cơ quan khác nhau của cơ thể cũng có thể xảy ra (tim, dịch hoàn ẩn…)
Tham khảo:
BS Hồ Văn Hiền
Ngày 7 tháng 1 năm 2023