Quần áo vải vóc ngày nay được rao bán khắp nơi, từ cửa hàng đến liên mạng. Người mua rinh về xài khó lòng đoán biết sản phẩm ấy thực sự chế biến, sản xuất từ nguyên liệu gì. Nhãn hiệu ghi “100% cotton” nhưng chưa hẳn là như thế. Người sành sỏi có thể đoán biết sau khi dùng một vài lần vì cotton “thấm” mồ hôi nên mình mẩy khô ráo, không nhớp nháp khó chịu như khi mặc áo quần nylon (các loại polymer khác nhau) nhất là vào lúc trời nóng nực.
Năm 2016, Công ty Target của Huê Kỳ cắt hợp đồng với nhà sản xuất vải vóc Welspun India sau khi khám phá ra rằng 750,000 tấm trải giường và bao gối ghi nhãn hiệu “Egyptian cotton” là hàng giả, không phải là loại cotton xuất phát từ Ai Cập.
Ai Cập nổi tiếng về việc sản xuất và xuất cảng loại cotton tốt, sợi cotton dài và mịn nên mềm tay và bền bỉ so với cotton từ các nơi khác. Dễ hiểu là cotton Ai Cập có bảng giá cao hơn, và người tham lợi bắt đầu lừa dối khách hàng. Sau khi chuyện Welspun vỡ lở, hiệp hội Cotton Egypt Association công bố kết quả tìm hiểu của họ là 90% số lượng cotton [dán nhãn] Ai Cập trên thị trường thế giới là hàng giả.
Không phải chỉ cotton Ai Cập bị dán nhãn giả mạo mà gần đây, theo tổ chức Global Organic Textile Standard (hay “Gots” chuyên việc thẩm định phẩm chất của cotton), trên 20,000 tấn cotton Ấn Ðộ [cũng là nơi sản xuất cotton cung cấp cho thị trường thế giới] cũng bị dán nhãn “nhầm”, bị kiểm nhận sai lạc là “organic cotton”). Năm 2017, một công ty Việt Nam, Khaisilk, dù quảng cáo là “lụa Việt” nhưng đã phải “nói lại” rằng thực sự lụa [của họ] được sản xuất từ Hoa Lục. Ngược lại, năm 2018, vài công ty bán sỉ tại Anh đã phải thu hồi sản phẩm dán nhãn “lông giả” (“Faux” fur) [để tránh sự phản đối và tẩy chay bởi hội Bảo Vệ Thú Vật] nhưng lại là lông thú thật! Nôm na là món vải vóc có nhãn hiệu thực / giả lẫn lộn tùy theo mục đích của người bán!
Người mua thường chọn lựa hàng hóa theo ý muốn riêng tư. Kẻ chọn món “Organic”, nguyên liệu từ thiên nhiên như bông gòn, vì muốn bảo vệ môi sinh hay duy trì công việc làm cho người địa phương, với mục đích rõ ràng dù phải trả nhiều tiền hơn, “responsible purchases”. Người ưa cotton vì mặt vải mềm và bền bỉ. Khi người bán giả trá như trường hợp Welspun và một vài công ty khác trong kỹ nghệ sản xuất vải vóc thì người mua thua lỗ, thua vì phải trả giá cao cho một món hàng không tương xứng.
Chuyện giả trá của cotton “thiên nhiên” là câu chuyện tròng tréo, qua nhiều chặng của chuỗi sản xuất; từ nông gia trồng trọt và thu hoạch bông gòn [từ cây gòn] đến các hãng xưởng chế biến bông gòn thành sợi, se chỉ rồi dệt vải và sau cùng là dán nhãn hiệu của công ty mua/bán sau cùng. Ở giai đoạn sản xuất nào, người ta cũng có thể “giả” một chút hoặc “giả” nhiều phần như pha chế thêm ít nhiều sợi nylon. Với nhiều “chặng” sản xuất như thế, lại buôn bán qua nhiều quốc gia với luật lệ khác nhau nên không lạ là chuyện dán nhãn ‘lầm lẫn’ (mislabelling) đã xảy ra và việc nhận diện nguồn gốc vô cùng khó khăn. Ðiển hình là câu chuyện của chiếc áo bán tại một cửa hàng Luân Ðôn: bông gòn thu hoạch từ Ai Cập được đưa sang Ấn Ðộ để đánh tơi và se thành chỉ; ở một cơ xưởng khác, những cuộn chỉ được nhuộm màu, được dệt thành vải rồi chuyển sang Portugal để cắt và may thành áo. Một chặng đường gồm năm sáu “trạm” chế biến, mỗi nơi một công đoạn trong chuỗi sản xuất. Bà Kathleen Rademan, của tổ chức Fashion for Good, cho rằng hầu hết các nhà thời trang công ty bán sỉ quần áo đều không rõ nguồn gốc của vải vóc vì sản phẩm đã qua quá nhiều “Trạm” trước khi cái áo, chiếc quần đến tay người tiêu thụ.
Việc giả trá trên nhãn hiệu vải vóc không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu thụ mà còn ảnh hưởng đến môi sinh.
Nguyên liệu “thiên nhiên’ đã vậy thì nguyên liệu do con người chế biến cũng không ngoại lệ. Theo công ty Waste2Wear, chuyên việc thử nghiệm vải vóc tái chế từ chai nhựa phế thải, khoảng 60% lượng vải dán nhãn “tái chế’ [từ chai lọ phế thải] thực ra là từ hóa chất nguyên thủy. Nhãn hiệu “tái chế” được sử dụng để thu hút người mua muốn bảo vệ môi sinh, và dễ bị “gạt”.
Polyester từ chai nhựa tái chế tạo ra một lượng carbon thấp hơn so với polyester từ dầu thô. Theo Textile Exchange, trong năm 2019, chỉ khoảng 14% sợi polyester dùng trong kỹ nghệ vải vóc xuất phát từ chai lọ tái chế; để đạt mục đích bảo vệ môi sinh, kỹ nghệ sản xuất vải vóc sẽ cần sử dụng ít nhất 45% chai nhựa phế thải.
Cotton thiên nhiên (organic) khi dùng để chế tạo vải vóc cũng tạo ra một lượng carbon thấp hơn vì nông gia không dùng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu (so với cách trồng trọt ‘bình thường’). Phân bón hóa học, chất trừ sâu… này khi thấm vào đất đai, thoát ra nguồn nước và có thể gây ô nhiễm môi sinh.
Tại sao lại có chuyện cotton thật / giả? Trăm điều cũng vì tiền, bạn ạ! Cotton thật thì bảng giá cao, quần áo giá cao thì khó thu hút người mua, khó bán. Cotton pha chế thì rẻ hơn, và cotton giả thì rẻ hơn nữa. Chất liệu rẻ, may thành quần áo chăn mền… thì giá thành của sản phẩm sẽ rẻ hơn, bán nhanh và bán chạy.
Khi món hàng thật và giả chen chân nhau trên thị trường thì người mua biết làm sao? Dùng tiêu chuẩn nào để chọn lựa? Tiền nào của ấy? Chưa chắc bạn ạ! Người bán cứ quảng cáo kịch liệt và gắn cái nhãn hiệu “100% cotton” thì ai biết đâu mà lần? Chỉ khi mua về xài thử mới nhận ra? Cotton thật thì thấm nước [mồ hôi] và “thoáng” hơn trên cơ thể khi nóng nực trong khi hàng giả thì “bí hơi” và “chẹp nhẹp” khi ta chạy bộ được vài vòng? Nhưng lúc ấy thì hơi muộn rồi, phải không bạn? Món hàng đã dùng thì làm sao trả lại được nữa?
Làm thế nào để người tiêu thụ “tin tưởng” vào người bán? Tai tiếng quá nên kỹ nghệ vải vóc kia đã đặt ra các tiêu chuẩn chung để các công tay sản xuất theo đó mà làm ăn kẻo bị tẩy chay?! Họ dùng các kỹ thuật phân chất để nhận diện tính chất của sợi gòn, phân tích “di tính” của thuốc nhuộm xem súc vải kia xuất phát từ đâu… rồi từ đó mà “tính sổ” với hãng xưởng cung cấp vật liệu.
Dù gặp khá nhiều trở ngại trong việc thử nghiệm vì số lượng vải vóc quá nhiều, khó lòng thử nghiệm đủ mọi mặt hàng nhưng Textile Exchange, một tổ chức không vụ lợi, vẫn công bố kết quả của các cuộc thử nghiệm phẩm chất của vải vóc [xem bài bản quảng cáo có chính xác không] hằng năm. Tổ chức này liên kết với các công ty bán sỉ để trợ giúp người mua qua việc duy trì phẩm chất của sản phẩm. Ðại khái là các công ty làm ăn trong kỹ nghệ sản xuất vải vóc, quần áo đang “dùng” [tài trợ] Textile Exchange để giám sát các hãng xưởng chế biến vải vóc để họ làm ăn tử tế hơn, thật thà hơn hầu lấy lại niềm tin từ người tiêu thụ.
Ði xa hơn, các công ty bán sỉ còn đòi hãng xưởng cung cấp hàng hóa phải chứng minh rằng họ không làm ăn với những “lò” sản xuất thuê mướn nhân công vị thành niên, nhân công bị ép buộc (tù nhân từ các trại tù Tân Cương] …; một hình thức “tẩy chay” các chủ nhân lạm dụng sức lao động của trẻ em / tù nhân.
Một vài quốc gia trên thế giới cũng bắt đầu áp dụng luật pháp tương tự. Pháp đòi các công ty vải vóc phải cung cấp chi tiết về nguồn gốc của sản phẩm kể cả nơi xuất phát của các cuộn sợi, nơi dệt vải, nhuộm vải, lượng nguyên liệu tái dụng là bao nhiêu và phải ghi rõ trọng lượng của phần sợi nhân tạo. Tại Huê Kỳ, đạo luật the Uyghur Forced Labor Prevention Act ban hành tháng Sáu năm 2022 đòi các công ty nhập cảng vải vóc phải kiểm nhận gốc gác của sản phẩm, nếu xuất phát từ Xinjiang Uyghur Autonomous Region của Hoa Lục đều cần chứng minh là sản phẩm không do tù nhân sản xuất.
Nhìn chung, người tiêu thụ ngày nay đã bắt đầu nhìn ngắm sản phẩm khi mua bán, không chỉ đo lường thẩm định phẩm chất mà còn băn khoăn về ảnh hưởng trên môi sinh của sản phẩm ấy. Món hàng nào tốt và “sạch” thì sẽ hiện diện trên thị trường lâu dài hơn?
Trần Lý Lê