Mở lịch Việt Nam ra, thấy đề ngày tết Nguyên Đán sắp tới là ngày Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2023. Thử xét lại xem có thật đúng như vậy không, ngộ nhỡ năm nay cũng rơi vào trường hợp Tết Việt Nam đến trước Tết Trung Hoa một ngày như đã có lần xảy ra trước đây. Biết đâu chừng năm nay mùng Một Tết Trung Hoa lại là Chủ Nhật January 22, nhưng Tết Việt Nam là thứ Bảy January 21? Quyển lịch đang dùng biết là nó được tính theo múi giờ Trung Hoa hay múi giờ Việt Nam?
Xin mời nhìn vào cách các nhà soạn Âm lịch xác định ngày Tết tùy theo múi giờ địa phương.
(Quy Ước: Dưới đây, các tháng Âm lịch viết bằng chữ, như tháng Hai, Ba, hay Giêng, Chạp. Các tháng Dương lịch viết bằng số, như tháng 2, 3, hay January, December).
Thưa, họ dùng 2 nguyên tắc chính:
1. Nguyên tắc thứ nhất: Ngày Mùng Một của mỗi tháng phải là ngày chứa điểm sóc
Điểm sóc là thời điểm lúc mặt trăng nằm thẳng hàng giữa mặt trời và trái đất. Vào thời điểm ấy chị Hằng quay mặt, hay phần sáng, về phía mặt trời, và phần tối về phía trái đất, nên từ trái đất nhìn lên không trông thấy mặt trăng. Điểm sóc rơi vào ngày nào thì ngày đó là ngày sóc, và được quy ước là ngày đầu tháng, tức Mùng Một Âm lịch. (Ngày sóc còn được biết đến trong tiếng Anh là ngày New Moon. Còn ngày Full Moon là ngày Rằm, hay ngày vọng.)
Muốn định chính xác ngày Mùng Một là ngày nào thì phải xem ngày giờ của điểm sóc. Điểm sóc sắp tới xảy ra lúc 20 giờ lẻ 53 phút giờ quốc tế UTC, thứ Bảy, 21 tháng 1, 2023.
Lúc bấy giờ là mấy giờ ở Texas, mấy giờ ở Việt Nam, mấy giờ ở Trung Hoa? Thưa lấy giờ UTC trừ đi 6 là ra giờ Texas, cộng với 7 thì ra giờ Việt Nam, và cộng với 8 thì ra giờ Trung Hoa.
Giờ Texas (CST) = 20:53 – 6:00 = 14:53, thứ Bảy 21 tháng 1.
Giờ Việt Nam = 20:53 + 7:00 = 27: 53, hay 3:53 ngày hôm sau, Chủ Nhật 22 tháng 1.
Giờ Trung Hoa = 20:53 + 8:00 = 28:53 hay 4:53 Chủ Nhật 22 tháng 1.
Vậy thì năm nay Tết Việt Nam và Tết Trung Hoa giống nhau: Mùng Một ở cả hai nước đều là ngày Chủ Nhật 22 tháng 1, 2023. Chúng ta không phải lo bị dùng sai lịch. (Chỉ vào những trường hợp điểm sóc xảy ra vào lúc giữa 11 và 12 giờ tối ở Việt Nam thì lúc đó ở Trung Hoa cộng thêm một giờ đã quá nửa đêm nên rơi vào ngày hôm sau. Trường hợp đó, Tết của họ đến trễ hơn Tết của chúng ta một ngày. (Cần phải biết ngày giờ điểm sóc mới có thể biết chính xác ngày tháng Âm lịch theo giờ địa phương của mỗi nơi. Công thức để tính ngày giờ sóc rất phức tạp, phải đổi ngày Gregory ra ngày Julian, v.v… Nhưng trên website của các đài thiên văn ngày nay đều có đăng đầy đủ ngày giờ New Moon của các tháng, năm khác nhau, rất tiện dụng.)
Nhưng đối với những ai sống ở Mỹ hay Âu Châu thì sao? Thưa điểm sóc xảy ra lúc 20:53 UTC. Lúc bấy giờ ở Texas là 14:53 CST, thứ Bảy 21 tháng 1. Vì thế, nếu tính theo múi giờ ở Mỹ (và hầu hết Âu Châu) thì Mùng Một Tết năm nay là ngày thứ Bảy 21 tháng 1.
Vậy thì giao thừa là lúc nào? Thưa nó còn tùy cách ta định nghĩa giao thừa. Hiểu theo nghĩa thông thường thì giao thừa là lúc nửa đêm ngày 30, hay là lúc 0 giờ sáng ngày mùng Một ÂL.
Theo nghĩa ấy thì giao thừa ở Việt Nam năm nay là lúc 11:59:59 đêm thứ Bảy hay 0 giờ ngày Chủ nhật 22 tháng 1, 2023.
Nhưng ở Mỹ hay Âu Châu thì giao thừa là lúc nửa đêm thứ Sáu, hay là lúc 0 giờ thứ Bảy 21, tháng 1, giờ địa phương. Xin lưu ý: không phải là nửa đêm thứ Bảy, 0 giờ Chủ Nhật.
Còn những ai ở Mỹ, Âu, hay Úc Châu, nếu muốn cúng giao thừa cùng một lúc với gia đình, ông bà, cha mẹ đang cúng ở Việt Nam, thì lấy 17:00 UTC rồi cộng hay trừ đi số giờ UTC của địa phương mình.
Nhưng có một phương án khác. Nếu hiểu cho thật chính xác thì giao thừa có nghĩa là trao cho (giao 交) và nhận lãnh (thừa 承), tức là lúc năm cũ chấm dứt phận sự, giao trách nhiệm lại cho năm mới kế thừa. Lúc ấy, khi mà hai bên bắt tay chuyển trách nhiệm cho nhau, theo tôi, chính là lúc thời điểm sóc. Như đã nói ở trên, điểm sóc ấy năm nay là 20:53 UTC, ở Luân Đôn là 8:53 p.m., ở Houston là 2:53 p.m., ngày 21 January, và ở Việt Nam là 3:53 a.m. sáng 22 January. Các nơi khác thì lấy 20:53 trừ đi hoặc cộng thêm giờ UTC của địa phương mình. Theo cách ấy thì người Việt Nam ở khắp nơi trên giới có thể cúng giao thừa cùng một lúc với nhau. Thử tưởng tượng cảnh cùng một lúc khắp nơi trên thế giới, người Việt cùng chắp tay cầu nguyện cho quốc thái dân an trong giờ phút thiêng liêng lúc năm cũ đang nhường bước cho năm mới.
Nhưng nói là nói vậy thôi. Mọi chuyện chỉ là tương đối, tùy ở niềm tin của mỗi người vào các đấng thiêng liêng. Tôi không có ý khuyên ai nên cúng Giao Thừa theo giờ Việt Nam, giờ địa phương, hay giờ giấc nào. Điều duy nhất đáng kể là lòng thành của mỗi chúng ta.
Bây giờ xin nói đến nguyên tắc thứ hai. Nếu nguyên tắc thứ nhất là cách lấy điểm sóc để xác định ngày đầu tháng, thì nguyên tắc thứ hai là cách xác định ngày đầu năm, tức là ngày Mùng Một Tết. Trong một năm có đến những mười mấy tháng, phải lấy tháng nào làm tháng đầu tiên? Lấy điểm sóc nào để ấn định ngày Mùng Một Tết?
2. Nguyên tắc thứ hai: Ngày Đông Chí phải nằm trong tháng Mười Một
Nói cách khác, điểm sóc ngay sau điểm Đông Chí rơi vào ngày nào thì ngày đó là ngày Mùng Một tháng Chạp. Và ngày chứa điểm sóc kế tiếp là ngày Mùng Một tháng Giêng, ngày đầu năm, hay ngày Tết Nguyên Đán (Đán = buổi sáng, nguyên = đầu tiên).
Điểm Đông Chí rơi vào ngày 21 hay 22 của tháng 12. Năm Âm lịch vì thế bắt đầu bằng ngày new moon thứ nhì sau ngày 21 hay 22 tháng 12 Dương lịch. Tại sao ngày đầu năm Âm lịch lại phải tùy thuộc vào ngày Dương lịch?
Thưa, như đã có lần giải thích trước đây, khi nói về cách tính xem mùa Thu trong ÂL bắt đầu lúc nào, rằng lịch Ta mà người Việt và Trung Hoa sử dụng không phải là lịch thuần Âm (Lunar calendar), như lịch của người Hindu hay Islam vốn chỉ dựa vào chuyển động của mặt trăng quanh trái đất. Lịch của chúng ta là Âm Dương lịch (Lunisolar calendar), dựa vào chuyển động của cả mặt trăng lẫn chuyển động của trái đất quanh mặt trời. Khí hậu và thời tiết trên trái đất tùy thuộc vào vị trí của trái đất trên cái quỹ đạo ấy. Phải dựa như thế thì mùa màng, thời tiết mới ăn khớp với năm tháng. Cái mốc để giữ cho Âm lịch không bị sai lệch với mùa màng là điểm Đông Chí, hay winter solstice. Đó là thời điểm lúc mà trục quay của trái đất ở phía Bắc Bán Cầu chếch xa khỏi mặt trời nhất, thời điểm mà trái đất đang ở vị trí 270 độ trên quỹ đạo quanh mặt trời.
Điểm Đông Chí, xin được nhắc lại, thường rơi vào ngày 21 hay 22 tháng December. Thời điểm ấy không phải là do Dương lịch mà có. Người xưa soạn Âm lịch không biết gì đến Dương lịch của Âu châu, nhưng hiểu biết thiên văn và có thể định được các thời điểm khí tiết khác nhau như Xuân Phân, Đông Chí, Thanh Minh, Sương Giáng, Lập Đông v.v. Cái mốc Đông Chí được dùng để cột vào đầu năm Âm lịch, không cho nó chạy xa điểm ấy.
Ngày Mùng Một Tết có thể đến sớm nhất so với Dương lịch là ngày January 21. Trường hợp này chỉ xảy ra nếu điểm sóc đến sau ngày Đông Chí một ngày, tức là rơi vào ngày 22 hay 23 December. Theo nguyên tắc thứ hai, thì ngày sóc hôm ấy sẽ là ngày Mùng Một tháng Chạp, và ngày sóc kế tiếp, 29 hay 30 ngày sau đó, tức là ngày 21 hay 22 January, sẽ là ngày Mùng Một tháng Giêng. Đây chính là trường hợp của năm nay, Quý Mão. Vì thế Tết năm nay đến rất sớm so với mọi năm.
Trường hợp ngược lại, Tết có thể đến khá trễ so với Dương lịch. Ngày trễ nhất là ngày 20 tháng February. Điều này chỉ xảy ra nếu ngày sóc đến vào đúng ngày Đông Chí, 21 hay 22 December, sớm hơn trường hợp ở trên một ngày. Khi ấy, ngày new moon này sẽ là Mùng Một tháng Mười Một thay vì là Mùng Một tháng Chạp, bởi lẽ nguyên tắc thứ hai buộc ngày Đông Chí phải nằm trong tháng 11. Và do thế, tháng Giêng sẽ phải dời lại thêm một tháng, đến ngày 20 Febrruary.
Tháng năm Âm lịch nhờ thế, nhờ bị cột vào ngày Đông chí, cho nên Mùng Một Tết Âm lịch không khi nào cách ngày Mùng Một Tết Dương lịch quá xa, chỉ loanh quanh khoảng 20 đến 50 ngày, và rơi vào khoảng giữa của hai thời điểm ngày January 21 và February 20. Nhờ thế, năm tháng Âm lịch không bị sai lệch với thời tiết, mùa màng. Ngày đầu tiên của mùa Xuân theo Âm lịch là ngày Lập Xuân, ngày February 4, ngay chính giữa 2 thời điểm trên. Đây là lý do vào ngày Tết người ta thường hát “Xuân vừa về trên bãi cỏ non…” Ở Việt Nam thì nghe thú vị lắm, nhưng ở Mỹ thì đa số các nơi đều còn lạnh cóng. Lịch Tây phương thì chọn thời điểm Xuân Phân thay vì Lập Xuân, cách đó 45 ngày, ấm áp hơn, là ngày March 21, làm ngày bắt đầu cho mùa Xuân.
Tết Quý Mão năm nay không những đến nhiều ngày sớm hơn mọi năm, mà Quý Mão năm nay lại còn là năm nhuận, có 2 tháng Hai. Năm nhuận trong Dương lịch thì chỉ thêm một ngày vào tháng February. Năm nhuận trong Âm lịch thì thêm những một tháng, thành ra là có 13 tháng. Tại sao vậy? Thưa chu kỳ của mặt trăng quanh trái đất là 29.5 ngày. Trong một năm nếu có 12 chu kỳ thì vị chi tổng cộng là 29.5 x 12 = 354 ngày, thiếu mất hơn 10 ngày so với chu kỳ 365 ngày của trái đất. Vậy thì để cho vừa lòng mặt trăng lẫn mặt trời, người xưa để dành cái hơn mười ngày còn thiếu ấy, gom chung lại với nhau, sau 3 năm thì được hơn 30 ngày, cho chúng vào tháng thứ 13, và gọi đó là tháng nhuận. Vì thế cứ 3 năm thì Âm lịch lại nhuận một lần. Nhưng làm như thế vẫn còn dư ra mấy ngày lẻ nên có khi thì chỉ 2 năm lại nhuận. Làm thế nào để biết năm nào là năm nhuận, và làm thế nào để biết trong một năm nhuận ta phải lấy tháng nào làm tháng nhuận? Thưa, một cách là mở lịch ra xem. Một cách khác là có thể bấm đốt tay mà suy tính theo công thức sau đây 2, 3, 3, 2, 3, 3, 3. Nhưng bài viết này cũng đã khá dài. Xin để dịp khác sẽ nói về cách tính năm nhuận.
Còn bây giờ xin trả lời câu hỏi của một người quen: Tại sao năm Mão là năm con mèo đối với người Việt, mà đối với người Trung Hoa lại là năm con thỏ?
Trước khi trả lời tại sao mão lại là mèo, xin xét vế sau trước, tại sao mão lại là thỏ?
Thưa tôi không biết. Và có lẽ cũng không ai biết. Tìm khắp sách vở không thấy ở đâu giải thích cái huyền thoại về 12 con giáp thập nhị sinh tiếu trong cổ lịch Trung Hoa do đâu mà được chọn và gọi như thế. Do đâu mà không có con cá, con dơi, con dế. Chỉ biết là như thế đã lâu lắm rồi.
Mười hai con giáp, hay thập nhị chi là: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Hán tự là 子 丑 寅 卯 辰 巳 午 未 申 丣 戌 亥. Các chữ này hoàn toàn không có nghĩa gì dính dáng đến tên gọi các loài vật như chúng đã được gán trong khoa chiêm tinh: Chuột, Trâu, Cọp, Thỏ, Rồng, Rắn Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Lợn. Muốn nói đến chuột thì chữ Hán là thử 鼠, trâu là ngưu 牛, cọp là hổ 虎, thỏ là thố 兔, lợn là trư 豬 v.v. Chứ các chữ Tý, Sửu… không những không có nghĩa gì liên quan đến súc vật, mà hầu như cũng chẳng có nghĩa nào khác. Thảng hoặc nếu có nghĩa thì cái nghĩa ấy chẳng liên hệ gì. (Như chữ tý 子 gán với con chuột, cũng viết như thế nhưng đọc là tử thì có nghĩa là con hay ông, như phụ tử là cha con, Lão tử là ông Lão... Hay chữ mùi 未, được gán với con dê, viết cùng một chữ nhưng đọc là vị, thì có nghĩa là chưa, như vị lai là chưa đến.) Mười hai chữ zodiac ấy có từ thời cổ đại bên Tàu, ngày nay chẳng còn biết gốc tích của chúng ở đâu ra, chẳng biết tại sao các chữ ấy lại được gán vào tên 12 con vật như vậy. Không riêng gì không biết tại sao mão là thỏ, mà cả mười một con vật kia cũng đều không biết lý do tại sao tý lại là chuột, ngọ là ngựa, tỵ là rắn, tuất là chó v.v.. Chỉ biết là tự lâu lắm rồi, lịch cổ đại đã chọn mười hai con vật ấy, với các tên gọi ấy, các tên gọi chẳng hề được dùng ở đâu khác.
Các dân tộc khác như Nhật, Đại Hàn, Trung Hoa đều gán Mão với thỏ. Tại sao Việt Nam lại gán với mèo. Thưa, tôi cũng không biết, nhưng xin đoán là hai chữ 卯 và 貓,hai chữ ấy theo âm Quan thoại đều đọc là [māo], giống nhau. Rất có thể là ai đó đã nghe lầm [māo] 卯 này ra [māo] 貓 kia. Âm Hán Việt của 貓 lại là miêu, nghĩa là con mèo.
Mà cũng rất có thể là cố tình. Con mèo mày trèo cây cau chẳng là gần gụi với người Việt chúng ta hơn ư? Đã có chó thì cũng nên có mèo mới phải!
Tô Thẩm Huy
(Tiết Tiểu Hàn, Nhâm Dần, 2023)