.
Sau cuộc viễn chinh Bắc Kỳ lần thứ hai (20/02/1884-13/02/1885), giai đoạn 1885-1897 được thực dân Pháp coi là cuộc chiến “bình định” Bắc Kỳ, dù vẫn dữ dội và gay cấn. Công cuộc “bình định” được tiến hành trên hai mặt trận. Một mặt, thực dân Pháp tiếp tục đưa quân đàn áp các cuộc nổi dậy, như cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Đề Thám, và các băng cướp ẩn náu tại vùng núi phía bắc. Mặt khác, chính quyền tiến hành nhiều chính sách “ôn hoà” về mặt văn hoá-xã hội nhằm xoa dịu một phần nỗi đau của người dân địa phương.
Có lẽ vì vậy, các quan Toàn quyền và Thống sứ Bắc Kỳ trong giai đoạn này thường cố thể hiện là người có tư tưởng tự do, là người bảo hộ các thể chế và phong tục địa phương còn chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc và tư tưởng Nho giáo.
Trong giai đoạn này, nhiều nhà máy quan trọng được xây dựng để phục vụ bộ máy cai trị của chế độ thuộc địa. Giới doanh nghiệp tư nhân Pháp cũng nhanh chóng nhận thấy cơ hội vàng để đầu tư vào Bắc Kỳ. Năm 1888, thực dân Pháp xây dựng nhà máy xẻ gỗ đầu tiên và là tiền thân của nhà máy diêm ở Hà Nội được thành lập năm 1903.
Năm 1892, ông Affred Hommel, một người Pháp xuất thân ở vùng Alsace nổi tiếng về sản xuất bia, mở xưởng nấu bia “Brasserie de Hanoi” trên đường đê Parreau, nay là Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) trên đường Hoàng Hoa Thám. Nhiều lời đồn cho rằng bia Hommel nổi tiếng khắp Bắc Kỳ thời thuộc địa nhờ khoan được nguồn nước có chất lượng phù hợp với việc nấu bia. Chỉ một thời gian sau, bia Hommel gặp phải một đối thủ cạnh tranh mới. Anh em nhà Larue mở một chi nhánh sản xuất đá và nước uống có ga tại Hà vào năm 1893, sau khi chinh phục được thị trường Sài Gòn, và dần lấn sang sản xuất và kinh doanh bia Larue.
Đại-Nam đồng-văn nhật-báo, quảng cáo trên tờ Annuaire administratif năm 1899. Ảnh: Thu Hằng
Đại-Nam đồng-văn nhật-báo, công báo truyền bá của chính quyền thuộc địa
Tính đến thời điểm này, nhà in của François-Henri Schneider đã hoạt động được 6 năm. Năm 1885, ông trở thành ông chủ nhà in thương mại tư nhân đầu tiên tại Bắc Kỳ, chỉ hai năm sau khi được thuyên chuyển cùng với Nhà in Chính phủ (Imprimerie du Gouvernement) từ Sài Gòn ra Hà Nội. Ông F. H. Schneider còn là nhà cung cấp giấy viết độc quyền và thầu in ấn mọi văn bản của bộ máy cai trị Bắc Kỳ.
Việc phát hành một tờ báo bằng chữ Hán hiển nhiên phải nằm trong chương trình truyền bá của chính quyền thuộc địa. Trong một bức thư gửi Thống sứ Bắc Kỳ đề ngày 19/03/1891, ông chủ nhà in F. H. Schneider đã thông báo ý định thành lập một tờ báo và xin chính quyền thuộc địa hỗ trợ.
Thực ra, kế hoạch xuất bản một tờ công báo bằng chữ Hán tại Bắc Kỳ đã được Toàn quyền Đông Dương Paul Bert (19/10/1883-11/11/1886) đề xuất và đã cho tiến hành. Ông còn dự định giao cho Hàn lâm viện Bắc Kỳ (Accadémie tonkinoise, thành lập ngày 03/07/1886) dịch tờ báo này sang chữ quốc ngữ nhằm phổ biến loại chữ viết mới này. Do đột ngột qua đời vào năm 1886, mọi hoạt động liên quan tới dự án đều bị ngừng lại.
Nhận thấy cần phải có một cơ quan tuyên truyền bằng tiếng địa phương, nên đề xuất của Schneider nhận được sự chấp thuận có lẽ bằng miệng (vì không có bất kỳ tài liệu hay bản nháp nào liên quan) của Toàn quyền Đông Dương Jean-Marie de Lanessan mới tới nhậm chức (1891-1894). Ngày 30/08/1891, ông chủ nhà in typo phát hành số thứ nhất của tờ Đại-nam đồng-văn nhật-báo. Đây cũng là tờ báo đầu tiên tại Bắc Kỳ và được viết bằng chữ Hán. Ngoài một số bản được in như báo thường, chính quyền Pháp còn in thành loại một mặt để dán lên tường.
Có nhiều ý kiến cho rằng giữa người đứng đầu chính quyền thuộc địa và ông chủ nhà in phải có một mối quan hệ cá nhân thân mật thì bản thoả thuận thương mại mới diễn ra một cách nhanh chóng, và đặc biệt, là không có giao kèo “giấy trắng mực đen”. Ngoài ra, cũng cần nói thêm là ngay với chính quyền thuộc địa và quan lại địa phương, F. H. Schneider luôn duy trì được mối quan hệ tin tưởng và tôn trọng cho tới khi ông rời Đông Dương về Pháp. Bắt đầu từ thời điểm này, sự nghiệp của ông thăng hoa và dần lấn sang nhiều lĩnh vực khác, như sản xuất giấy (ông là người thành lập nhà máy giấy đầu tiên tại Bắc Kỳ) hay khai thác mỏ…
Vì là “hợp đồng miệng” nên ngay năm 1905, phủ Thống sứ Bắc Kỳ không tránh khỏi rắc rối và tốn giấy mực khi có soạn lại hợp đồng in Đại-nam đồng-văn nhật-báo với nhà in typo F. H. Schneider. Phủ Thống sứ Bắc Kỳ chỉ lưu lại các hợp đồng về sau này (19/08/1892, 24/04/1893, 01/09/1893, 06/01/1894) liên quan tới giá báo và số lượng đặt hàng của chính quyền. Trong giai đoạn này, các hợp đồng thường được ký với thời hạn ba năm, và có thể sửa đổi nếu cần.
Cũng vì không có hợp đồng viết và do số đầu thất lạc nên có rất nhiều tranh luận về ngày phát hành số đầu tiên của tờ báo. Tuy nhiên, căn cứ vào quảng cáo của nhà in F. H. Schneider trong cuốn Annuaire administratif năm 1899, chúng tôi khẳng định chắc chắn là số đầu tiên của tờ báo được in ngày 30/08/1891 (xem hình minh họa). Dù tên báo ghi rõ là tờ nhật báo nhưng thực ra Đại-nam đồng-văn nhật-báo là một tờ tuần báo.
Nhà in F. H. Schneider chỉ đảm trách công việc in ấn và phân phối tờ công báo tới các cơ quan, địa phương hay cá nhân mà phủ Thống sứ Bắc Kỳ đã liệt kê địa chỉ trước. Phòng Sự vụ địa phương chịu trách nhiệm soạn thảo mọi thông tin hành chính-chính trị và các bài báo liên quan đến tình hình nông nghiệp, thương mại và công nghiệp của Bắc Kỳ, sau đó gửi tới nhà in.
Mục đích truyền bá của tờ báo gặp thất bại
Khi cho phát hành tờ báo, chính quyền thuộc địa Pháp nhằm một mục đích chính: phổ biến thông tin và chính sách truyền bá của nhà nước bảo hộ. Tuy nhiên, các “quan Tây” nhanh chóng thất vọng về hiệu quả truyền bá của tờ báo. Nguyên nhân thứ nhất là do “mánh” tham nhũng của quan lại địa phương người Việt. Trên lý thuyết, tờ báo được phát miễn phí tới các thôn xóm để dán tại nơi có nhiều người qua lại (như đình làng) nhằm truyền bá thông tin. Thế nhưng, khi báo về tới các tỉnh hay huyện, những người phụ trách công việc phân phát buộc các làng phải đóng một đồng tiền Đông Dương (piastre) để nhận báo.
Nguyên nhân thứ hai là do phần lớn “dân đen” không biết đọc biết viết vì chữ Hán là chữ của thánh hiền và chỉ các nhà Nho hay quan lại mới biết. Và cuối cùng, chính là sự sao lãng của các công chức phụ trách bản tin. Các thông tin đăng trên báo ngày càng thưa dần và không có ích lợi đối với người dân.
Chính vì vậy, năm 1900, chính quyền quyết định cải tổ tờ công báo để hình ảnh của người Pháp gắn chặt hơn vào mảnh đất Bắc Kỳ và để truyền tải một số tiến bộ kỹ thuật và nông nghiệp tới người dân. Tờ Đại-nam đồng-văn nhật-báo, phát hành vào thứ Bẩy hàng tuần, được chia thành hai phần riêng biệt, như các tờ công báo sau này, gồm: "Phần chính thức" (Partie officielle) gồm các thông tin hành chính và trích lược một số bản báo cáo kinh tế do các tỉnh cung cấp hay các bản thống kê nông nghiệp và thương mại…
Phần thứ hai, được gọi là phần “Tạp sự” (Divers), giành đăng các vụ việc không mang tính chính trị. Mục đích chính là thu hút sự tò mò và tính hiếu kỳ của người dân bằng những tin “giật gân” (cháy nổ, tai nạn, trộm cắp…), một số chuyện khoa học hay những phát minh mới có ích và có thể áp dụng được vào các ngành nông nghiệp, thương mại và công nghiệp… Chính quyền thuộc địa quyết định tự lên danh sách những địa phương và đơn vị nhận báo. Nhà in F. H. Schneider trực tiếp gửi tới từng địa chỉ được giao.
Lần cải cách này mang lại cho F. H. Schneider khá nhiều lợi nhuận. Vì năm 1903, chính quyền tăng số báo cần mua từ 5.000 bản với giá là 1 đồng Đông Dương (piastre) (theo các hợp đồng từ năm 1891 đến 1902) lên thành 10.000 bản với tổng số tiền là 40.000 franc (có nghĩa là 4 franc/số, tương đương với 1,6 đồng Đông Dương/số). Như vậy, mỗi năm F. H. Schneider thu về thêm được 6.000 đồng Đông Dương.
Hợp đồng độc quyền của Schneider với chính quyền thuộc địa kéo dài tới năm 1905, khi một chủ nhà in khác yêu cầu đấu thầu công việc xuất bản tờ công báo. Ông Ernest Babut, chủ tờ Đại-Việt tân-báo (l’Annam, 05/05/1905-25/05/1908), là người duy nhất giành được hợp đồng phát hành công báo từ tay Schneider. Đại-Việt tân-báo được in cả bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ nên có thể thu hút được nhiều độc giả hơn nhờ chữ quốc ngữ đã được phổ biến khá rộng rãi trong giai đoạn này.
Thành công của ông Ernest Babut cũng phá vỡ sự độc quyền của nhà in Schneider trong gần 15 năm. Đồng thời, cứ ba năm một lần, chính quyền Pháp buộc phải đưa ra đấu thầu công việc in ấn công báo. Tuy nhiên, quyết định trên chỉ mang tính hình thức và thủ tục vì với mối quan hệ mật thiết với chính quyền, cùng với trang thiết bị và cơ sở hạ tầng mà Schneider đã gây dựng được, ông dễ dàng vượt qua được các đối thủ để giành hợp đồng.
Song song với tờ công báo chính thức, chính quyền Đông Dương tiếp tục đăng ký báo của Schneider cho tới ngày 28/03/1907. Sau đó, Đại-Nam đồng-văn nhật báo trở thành một tờ báo tư nhân, với tên gọi mới là Đăng-cổ tùng-báo, song vẫn tiếp tục đánh số thứ tự theo tờ Đại-Nam đồng-văn nhật báo (số đầu tiên là 793).
Vì là tờ báo tư nhân, nên mỗi số phải chịu sự kiểm duyệt của chính quyền trước khi được phát hành. Chính F. H. Schneider cũng yêu cầu nhân viên không được tự động cho in một bài viết nếu không có sự kiểm tra và đồng ý của ông. Tuy nhiên, bất chấp mọi lời cảnh cáo, Đăng-cổ tùng-báo trở thành diễn đàn kêu gọi canh tân của biên tập viên trẻ Nguyễn Văn Vĩnh và cơ quan ngôn luận của hội “Đông Kinh nghĩa thục” (03-11/1907) cùng với nhiều bài báo mang tính chính trị và chống Pháp. Chính vì vậy, ban điều hành nhà in Viễn Đông (Imprimerie d’Extrême-Orient, tên mới thay cho nhà in typo F. H. Schneider) quyết định đình bản tờ báo chỉ sau vài tháng phát hành. Số cuối cùng (số 826) ra ngày 14/11/1907.
Thu Hằng