User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
sach tucngucadaovietnam
 
Sự tiến hoá của các dân tộc đều giống nhau. Giai đoạn đầu là săn bắn, hái lượm rồi đi đến trồng trọt mà chúng ta gọi là nông nghiệp. 
 
Trừ Nhật Bản, hầu hết các nước ở châu Á như Ấn Độ, Tàu, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia… cho đến cuối thế kỷ 20 đều lấy nghề nông làm căn bản và có tới khoảng 90% hay hơn 90% dân số sống bằng nghề này.
 
Xã hội Việt Nam thời xưa phân ra làm 5 hạng, từ trên xuống là sĩ, nông, công, thương, binh. Sĩ là những người thuộc tầng lớp cao nhất học đạo Nho và đậu đạt ra làm quan, có quyền hành và lương bổng do triều đình cung cấp.
 
Tuy các triều đại có lệ tập ấm, tức cho con các quan được bổ làm quan nhưng chỉ được truyền một hoặc hai đời nên phần lớn những người được bổ dụng là do triều đình tuyển chọn qua thi cử.
 
Bất cứ ai, không phân biệt con quan hay con dân, giàu hay nghèo – trừ con của những người làm nghề ca hát hay làm mõ – đều được tham dự các kỳ thi do triều đình tổ chức vài năm một lần và nếu thi đậu Cử Nnhân, Tiến Sĩ thì được làm quan. 
 
Cụ Nguyễn Khuyến đậu Tam Nguyên khi võng lọng về làng trong lúc bà mẹ đang cấy lúa bên cạnh con đường đoàn rước đi qua hoặc một ông cử thi cùng khóa với thi sĩ Trần Tế Xương, bà mẹ đang gánh gánh bún riêu nghe con đậu Cử Nhân mừng quá, lính quýnh làm “Đổ cả riêu cua xuống vũng lội “(Trần Tế Xương). 
 
Làm quan là mơ ước của người nông dân Việt Nam vì chỉ có con đường đó mới thoát khỏi đời sống vất vả, chân lấm tay bùn và không bị áp bức. Nhưng không phải ai đi học cũng thi đỗ ra làm quan vì ngày xưa số người làm quan rất ít. Mỗi tỉnh gồm một quan đứng đầu và một hai vị phụ tá, mỗi huyện có một quan tri huyện. Cả tỉnh nhiều lắm có khoảng 15, 20 ông quan, cả nước tùy theo mỗi đời tổ chức gồm chừng 40, 50 tỉnh thì có độ năm, bảy trăm cộng với các quan ở kinh đô, con số ấy nhiều lắm là trên dưới 1.000 người cho cả nước.
 
Chỉ khi nào có một số các quan về hưu hay chết triều đình mới thi tuyển vài ba năm một lần  thay thế. Khắp nước có hàng trăm ngàn người theo học chữ nho và mỗi kỳ thi có hàng chục ngàn người tham dự, nhưng nhiều lắm lấy độ 200 hay 300 người. Số còn lại đành dở dang, quan không phải quan, dân không phải dân vì bao nhiêu năm theo đuổi việc học nên không quen việc cày cuốc, chỉ “Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm”.  
                                       
Tầng lớp thứ hai là nông dân, đông đảo nhất, lực lượng sản xuất chính của xã hội. Họ sống thành từng làng, trồng lúa, ngô, khoai và các loại hạt đậu, nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt… để cung cấp nguồn thực phẩm cho gia đình và xã hội. Người nông dân ý thức được vai trò quan trọng của họ trong đời sống nên tự hào:
 
 – Nhất sĩ nhì nông,
Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ. 
 
Tầng lớp thứ ba là công nghiệp, đúng hơn là tiểu thủ công nghiệp vì hầu hết làm bằng chân tay và ở mức độ nhỏ do cá nhân làm hay sản xuất trong gia đình, không có nhà máy, hãng xưởng như ở các nước phương Tây. Tầng lớp này chiếm một phần nhỏ dân số, thường sống rải rác trong xóm làng, làm ra hàng hoá tiêu thụ tại chỗ. Chỉ có ở thủ đô Thăng Long (Hà Nội) vào các đời Lý, Trần, Lê… những người làm cùng ngành nghề tập trung thành phường.
  
Thăng Long có 36 phố nghề, mỗi phố sản xuất ra bán một mặt hàng:
 
- Rủ nhau chơi khắp Long Thành,
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay 
Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giày,
Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn...  
Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre,
Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà 
Quanh đi  đến phố hàng Da,
Trải xem hàng phố thật là cũng xinh...
 
Ở địa phương có những làng nghề nổi tiếng nhưng chỉ có một phần nào dân số trong làng sống bằng nghề ấy, phần còn làm nghề nông, như lụa Hà Đông sản xuất ở làng Vạn Phúc thuộc tỉnh Hà Đông, đồ sành sứ ở Bát Tràng, Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc Hà Nội:
 
– Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng 
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.
 
Tương làng Bần Yên Nhân, tỉnh Hưng Yên nổi tiếng ngon, được nhiều người biết tiếng qua thành ngữ:
 
– Nát như tương Bần
 
Hay:
 
– Em đi trăm quán, ngàn cầu,
Hải vị cũng thuộc, sơn hào cũng quen 
Mà sao em vẫn cứ thèm
Đĩa rau muống luộc lại thêm tương Bần!
 
Nước mắm ngon khởi đầu làm ở làng Vạn Vân, Bắc Ninh (Vạn Vân là làng sản xuất ra nước mắm cá sông. Người xã Cát Hải, Hải Phòng học được nghề ở đó và khi làm ra nước mắm cá biển lấy tên hiệu là Vạn Vân):
 
Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét. 
 
Tuy công nghiệp được coi là ngành nghề bảo đảm cho cuộc sống vì “Ruộng bề bề không bằng một nghề trong tay“ nhưng công nghiệp không mấy phát triển và phần nhiều được coi như một nghề làm phụ khi người nông dân rảnh rỗi “Ngày Ba tháng tám” hay trong lúc chờ vụ gặt hoặc vào mùa ngập lụt thì đánh cá, nuôi tằm, kéo tơ...   
 
Có nhiều lý do làm cho ngành công nghiệp không phát triển:
 
– Trước hết, các triều đại chỉ chú trọng đến nông nghiệp, không khuyến khích công nghiệp.
 
– Thứ hai, đường giao thông bộ không được mở mang, đường sông thì miền Bắc và bắc Trung Phần ít sông ngòi và sông ngòi không có hệ thống liên lạc với nhau như sông ngòi miền Nam làm cho sự chuyên chở hàng hóa không thuận tiện.
 
– Thứ ba, xã hội Việt Nam gồm những cộng đồng kinh tế tự túc. Trong làng phần lớn là nông dân với nghề cày cấy là chính nhưng cũng có các nghề phụ như nuôi tằm, dệt vải, làm bánh, kẹo, nuôi gia súc heo, gà, vịt, thợ may, thợ mộc, thợ xây... sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ cung cấp gần đầy đủ cho người tiêu thụ trong làng.  
 
Ba lý do trên hạn chế sự sự sản xuất ở qui mô lớn.
 
– Thứ bốn, công nghiệp là ngành đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật, đầu óc sáng tạo... nhưng ngày xưa đi học là học chữ Nho mong ra làm quan, nghề nghiệp bị người có học coi rẻ.
 
– Thứ năm, người ta giấu nghề, chỉ dạy cho người trong gia đình, còn người ngoài nếu có dạy cũng không dạy hết vì sợ bị cạnh tranh làm cho nghề nghiệp bị thui chột hoặc biến mất nếu không có người thừa kế.  Nhiều làng nghề người ta không truyền nghề cho con gái vì sợ khi đi lấy chồng sẽ đem nghề sang họ khác hoặc làng khác nên đàn bà, con gái phải ra đồng cày ruộng còn đàn ông ở nhà dệt vải, quay tơ. 
 
Người phương Tây không quá giấu nghề như vậy và họ biết đem những sáng kiến, những khám phá về toán học, khoa học áp dụng vào công việc sản xuất nên đã tạo ra một nền công nghiệp tiến bộ vượt bực.
 
Tầng lớp thứ bốn là buôn bán hay thương mại: Ngoài kinh đô Thăng Long, không nơi nào có những khu phố buôn bán tấp nập, đông đúc vì như đã nói ở trên, căn bản sinh hoạt của xã hội Việt nam xưa là làng xã. Về kinh tế, đó là những đơn vị khép kín và tự túc. Mua bán trao đổi có chợ làng vài ba ngày họp một lần với rau cỏ, thịt, cá, ngô, gạo, vải vóc... hầu hết được sản xuất trong làng đem ra trao đổi.
 
Mãi khi người da trắng từ phương Tây đem hàng vào buôn bán mới thấy nói đến một nơi buôn bán có tiếng nữa là phố Hiến ở tỉnh Hải Dương:
 
– Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến.
 
Nền thương mại không phát triển vì nghề buôn bán bị coi thường – đàn ông không làm, chỉ có đàn bà buôn bán lặt vặt, vì thị trường khép kín, vì giao thông không được mở mang và nhất là người Việt Nam không có đầu óc kinh doanh, buôn bán như người Nhật, người Tàu.  
 
Từ xưa tới nay, ở trong cũng như ở ngoài nước các quyền lợi về kinh tế trong các cộng đồng Việt Nam  không nằm trong tay người Việt.
 
Tầng lớp thứ năm là binh sĩ: Triều đại nào cũng cần có quân đội để bảo vệ ngai vàng của dòng họ và bảo vệ đất nước. Nhưng quân sĩ lại không được tôn trọng, bị coi là ít học, võ biền.
 
Ngay các quan trong triều đình, quan võ bị xếp dưới hàng quan văn và bị coi thường:
 
– Văn thì cửu phẩm đã sang,
Võ thì tứ phẩm còn mang gươm hầu.
 
Dưới quan võ là cai, đội bề ngoài mang quân hàm đẹp đẽ nhưng cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc:
 
– Cậu cai nón dấu lông gà,
Cổ tay đeo nhẫn gọi là cậu cai.
Ba năm được một chuyến sai,
Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê! 
 
Thành phần binh lính bắt từ người dân để phục vụ quan quyền thì đói khát, cực nhọc:
 
– Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan
Chém tre, đốn gỗ trên ngàn
Ăn uống kham khổ biết phàn nàn cùng ai?
Phàn nàn cùng trúc, cùng mai,
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng!
Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng.
 
Người lính cảm thấy thân phận trói buộc của mình khi nhìn con cá tung tăng bơi lội nơi giếng nước trong. Và người vợ lính tiễn biệt chồng đã tạo ra nhiều nước mắt, nhiều nỗi thống khổ vì phải xa chồng, vì phải vất vả nuôi cha mẹ già, con thơ và lo làm sao có đủ tiền, gạo nuôi chồng nơi phương xa:
 
– Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non 
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non kịp người 
Cho kịp chân ngựa, chân voi
Cho kịp chân người kẻo thiếu việc quan  
 
– Lính vua, lính chúa, lính làng
Nhà vua bắt lính cho chàng phải ra 
Giá vua bắt lính đàn bà
Để em đi đỡ anh và bốn năm 
Bởi vua bắt lính đàn ông
Tiền lưng, gạo bị sắm trong nhà này!
 
Dưới chế độ quân chủ phong kiến, đất nước và dân chúng thuộc quyền sở hữu của vua chúa tất phải tuyệt đối theo mệnh lệnh của nhà vua, không có con đường nào khác. Các triều đại của Việt Nam ngày xưa dốc lòng theo đạo Khổng vì chủ nghĩa của Khổng là chủ nghĩa tôn quân có lợi cho cho việc bảo vệ ngai vàng. Người dân muốn vươn lên, muốn thoát khỏi thân phận tôi đòi chỉ còn cách cố gắng học hành, thi đỗ để tham gia vào chính quyền do vua làm chủ.
 
Vì thế, bao nhiêu tinh hoa miệt mài vào việc học chữ Nho với những kinh sách từ chương, ngoài việc dùng làm quan thì không dùng vào việc gì có lợi cho cá nhân hay xã hội cả. 
 
Cho mãi đến giữa thế kỷ thứ 19, trong khi người phương Tây mở mang việc học với những môn thực dụng cho đời sống  như toán học, thiên văn, vật lý, hóa học... để phát triển thì từ vua chúa cho đến sĩ dân Việt Nam vẫn bị mê hoặc bởi Tứ Thư, Ngũ Kinh, trong đó đầy những giáo điều viển vông, không hợp thời do Khổng Tử biên soạn từ hơn 2.000 năm trước. 
 
Hậu quả là dân trí thấp kém, đất nước suy bại, không theo kịp người trên con đường công nghiệp  như Minh trị Thiên Hoàng đã làm cho nước Nhật trở thành giàu mạnh.
 
 
Phạm Hy Sơn
 
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com