
Việt Nam có nhiều tôn giáo: Đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão, đạo Thiên Chúa... là những đạo du nhập bên cạnh những đạo đã có sẵn từ bao đời được người Việt tin theo. Trong phạm vi trình bày ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến những tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng đến lối sống của người Việt thể hiện qua tục ngữ ca dao.
1- Đạo Trời: Trong phần triết học Việt Nam, chúng tôi đã nói do từ suy nghĩ về nguồn gốc của vũ trụ, con người và sự vật mà người ta đi đến kết luận có một đấng quyền năng tối cao tạo dựng ra muôn loài, muôn vật. Đấng ấy người Việt gọi là Ông Trời.
Người ta tin rằng Trời là đấng thiêng liêng, có quyền năng, có thể giáng họa cho những kẻ độc ác và ban phúc cho những người ăn ở ngay lành nên mỗi khi ốm đau hay gặp điều không may người ta cầu Trời cho tai qua, nạn khỏi. Từ niềm tin chung đó, người Việt có đạo Trời:
– Dù ai nói ngược, nói xuôi,
Thì ta vẫn giữ đạo Trời khăng khăng.
Người ta hết lòng trông cậy vào Trời:
- Trăm sự nhờ trời.
– Đối phúc cùng trời. (Câu nói khi ở trong tình trạng tuyệt vọng).
– Nghiêng vai khấn vái Phật Trời,
Đương cơn hoạn nạn độ người trầm luân.
Trời biết kẻ dữ, người lành; kẻ gian, người ngay và phân xử: trừng phạt kẻ dữ, ban thưởng cho người lành. Những kẻ dữ đừng mong trốn thoát:
– Bay cao thì mặc bay cao,
Lưới trời lồng lộng thoát nào được đâu.
– Đạo Trời báo phục chăng lâu,
Hễ là thiện ác đáo đầu chẳng sai.
Những người hiền lành sẻ được ban thưởng:
– Ở hiền thì lại gặp lành,
Những người nhân đức Trời dành phúc cho.
Đạo Trời là đạo tự nhiên biểu hiện trong luân thường, đạo lý của con người, phải ăn ở sao cho hợp đạo lý:
– Cứ trong đạo lý luân thường,
Làm người phải giữ kỷ cương mới mầu.
Đừng cậy khoẻ, chớ khoe giàu,
Trời kia còn ở trên đầu còn kinh.
– Mặc ai trác lợi, mua danh,
Miễn ta học được đạo lành mà thôi.
Bên Trung Đông có truyền thuyết Chúa tạo dựng nên trời đất muôn vật, trong đó ông Adon và bà Eva là tổ tiên của loài người. Người Do Thái gọi Trời là Jehova và lập ra đạo Do Thái thờ đức Chúa Trời, người Ả Rập gọi là Allah, lập ra đạo Hồi cũng thờ đức Chúa Trời.
Hai tôn giáo này có những tín điều nghiêm ngặt bắt buộc người theo đạo phải tin và có cả một hệ thống giáo sĩ chuyên lo giảng dạy đạo, kiểm soát giáo dân.
Đạo trời của Việt Nam không có giáo sĩ, còn tín điều là sự ngay lành, lẽ phải, chân thật, thương yêu, hoà thuận... có sẵn trong lòng mọi người, biểu hiện ra trong xã hội là đạo đức, luân lý. Từ đạo đức, luân lý ảnh hưởng đến cách ăn ở tạo ra phong tục tập quán. Đó là lòng thương người hoạn nạn, lòng hiếu thảo với cha mẹ, ăn ở hoà thuận...:
– Thương người như thể thương thân.
– Lá lành đùm lá rách.
– Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
– Lời nói không mất tiền mua,
Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Bất cứ xã hội nào cũng tôn trọng những nguyên lý đạo đức tự nhiên đó, và các tôn giáo khi thành lập cũng lấy những nguyên lý ấy làm căn bản cho tôn giáo của mình.
2 – Đạo thờ ông bà: Cũng là đạo tự nhiên không có giáo sĩ, không có tín điều bắt buộc phải theo. Người ta tin rằng sau khi chết, linh hồn ông bà, cha mẹ vẫn quanh quẩn bên con cháu để phù hộ và che chở.
Mồ mả ông bà là nơi thiêng liêng nên được săn sóc cẩn thận:
– Sống về mồ, về mả,
Chẳng ai sống về cả bát cơm.
Trong nhà người ta lập bàn thờ thờ ông bà, cha mẹ:
– Ngó lên trời thấy cặp cu đương đá,
Ngó ra ngoài biển thấy cặp cá đương đua.
Đi về lập miếu thờ vua,
Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha.
Ngày giỗ người ta mời ông bà về ăn uống cùng với con cháu. Tết Ngyên Đán người ta làm lễ đón ông bà về trước 1 hay 2 ngày và sẽ tiễn ông bà sau ngày Mồng 4 tết, tùy từng gia đình.
Trong nhà có bất cứ công việc gì thay đổi như cưới gả con cái, làm nhà mới, mua trâu bò... ông bà cũng được con cháu làm lễ kính báo.
Người ta nghĩ rằng sau khi chết, linh hồn sum họp với ông bà, cha mẹ ở bên kia thế giới.
Cho đến bây giờ, dù đã có nhiều tôn giáo hoạt động ở Việt Nam, nhiều người vẫn tự nhận mình theo đạo thờ cúng ông bà và người ta vẫn đi lễ chùa, hay cúng vái ở các đền miếu. Cũng cần nói thêm là người Việt Nam dù theo đạo Phật,Thiên Chúa, Cao Đài, Hòa Hảo... thì vẫn luôn luôn bên cạnh bàn thờ Phật, bàn thờ Chúa có bàn thờ ông bà, tổ tiên để tôn kính, phụng thờ:
– Khôn ngoan nhờ đức cha ông,
Làm nên phải nhớ tổ tông phụng thờ.
Đạo làm con chớ hững hờ,
Phải đem chữ hiếu phụng thờ cho nghiêm.
3 – Đạo Phật: Đạo Phật được đưa vào Việt Nam hơn hai ngàn năm trước. Một số các nhà nghiên cứu cho rằng các nhà sư người Ấn truyền đạo này sang nước ta trước nhất, sau đến người Trung Hoa khi đất Việt bị Tàu đô hộ và vì vậy đạo Phật ở Việt Nam theo phái Đại Thừa cùng với người Tàu.
Đạo Phật phát triển nhất vào thời nhà Lý và đầu đời nhà Trần, sau đó bị đạo Nho lấn lướt và dần dần loại đạo Phật cũng như đạo Lão ra khỏi chính quyền. Người ta nhớ lại vào đời nhà Lý, nhà Trần, triều đình mở các kỳ thi tam giáo để chọn những người theo 3 tôn giáo trên ra làm quan.
Không một tôn giáo nào được nói đến nhiều trong tục ngữ ca dao như đạo Phật. Điều đó chứng tỏ đạo Phật được phổ biến sâu rộng và ảnh hưởng của đạo Phật hiện diện trong nhiều khía cạnh của đời sống người dân.
Trước hết là những thành ngữ dùng để diễn tả ý nghĩa của lời nói qua đạo đức và các sinh hoạt của đạo Phật:
– Hiền như Bụt.
– Muốn ăn của Bụt cho thơm.
– Nhà rách có Bụt vàng.
– Ngồi như Bụt mọc.
– Bụt chùa nhà không thiêng.
– Nhè ông sư mà mượn lược.
– Nhờ thầy tăng ăn trộm.
– Lắm sãi không đóng cửa chùa.
– Trúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết... .
Những câu nói khuyên người ta ăn ở ngay lành, không nên độc ác, làm hại người khác và cứu giúp người hoạn nạn:
– Ác giả, ác báo. (Thuyết nhân quả của nhà Phật)
– Đời xưa quả báo còn chầy,
Đời nay quả báo một giây nhãn tiền.
– Tham thì thâm,
Bụt đã bảo thầm rằng chớ có tham.
– Dù xây chín bực phù đồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một người.
Cũng như các tôn giáo khác, không phải tất cả những người theo Phật đều sống theo những lời Phật dạy, đó là những người đạo đức giả:
– Khẩu Phật, tâm xà.
– Nam mô một bồ dao găm, một trăm khẩu súng, một thúng lựu đạn... .
4- Đạo Khổng: Đạo Khổng được đưa tới Việt Nam vào thời kỳ người Tàu xâm lăng nước ta. Trong một thời gian dài đạo Khổng cũng phát triển bình thường như đạo Phật, đạo Lão nhưng từ đời nhà Trần trở đi vua chúa Việt Nam thấy đạo này chủ trương tôn quân rất có lợi cho việc củng cố ngai vàng nên công nhận đạo Khổng như là tôn giáo chính thức.
Tuy nhiên đạo Khổng chỉ ảnh hưởng nhiều đến những người theo học Nho, nhất là tầng lớp quan quyền chứ không ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng, do đó chỉ có một số câu nói về học sinh hoặc ca tụng vua chúa được coi là mẫu mực trong việc trị dân, hoặc lề luật phải sống theo:
– Làm trai học đạo thánh hiền,
Năm hằng chẳng trễ, bốn giềng chớ sai.
Dạy người đàn bà phải chính chuyên với chồng, dù người chồng có năm, bảy vợ:
– Trai khôn năm bảy vợ,
Gái chính chuyên một chồng.
Ca tụng vua chúa:
– Mừng thay có chủ Thuấn, Nghiêu,
Gió nhân, mưa huệ trải đều muôn dân.
Đối với người bình dân, học hành chữ Nho mà không đỗ đạt để được làm quan thì chẳng có ích lợi gì. Họ chế nhạo:
– Hơi đâu mà lấy học trò,
Dài lưng tốn vải, ăn no lái nằm.
Ngay cả những người đậu đạt cũng không được hoàn toàn kính nể:
– Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng. (Như vậy ông nghè là người hống hách)
– Tôi là con gái đồng trinh,
Tôi đi bán rượu qua dinh ông nghè.
Ông nghè sai lính ra ve... .
5- Đạo Lão: Đạo Lão cũng được đưa vào Việt Nam trong thời kỳ người Tàu đô hộ. Đạo này khởi thủy là triết lý của Lão Tử và Trang Tử sau biến thành mê tín dị đoan lên đồng, lên cốt và dùng bùa ngải để trừ ma quỷ, bệnh tật... . Lão Tử được các ông đồng, bà cốt tôn là Thái Thượng Lão Quân và thờ trong các am do họ lập ra.
Bùa ngải, đồng cốt... tuy được một số người tin theo nhưng trong tục ngữ ca dao, người bình dân liệt những thứ ấy vào loại mê tín dị đoan và bài bác, chế nhạo:
– Khoẻ thì thầy cứu người ta,
Đến khi thầy ốm chẳng ma cứu thầy.
– Gió đập cành đa,
Gió đánh cành đa,
Thầy nghĩ là ma,
Thầy vùng thầy chạy.
Ba thằng ba gậy,
Đi đón thầy về!
6- Đạo Thiên Chúa: Trong các tôn giáo du nhập vào nước ta, đạo Thiên Chúa đến chậm nhất, khoảng hơn bốn trăm năm nay. Đạo này bắt nguồn từ đạo Do Thái, tin rằng Thiên Chúa tạo dựng ra trời đất và muôn vật cùng với con người. Đạo này có những điều răn nghiêm ngặt buộc những người theo đạo phải tin và tuân theo lề luật của đạo. Những sinh hoạt tôn giáo chỉ giành riêng cho các tín đồ trong nhà thờ, không mở rộng cửa cho công chúng như đạo Phật trong những ngày lễ tết nên giáo lý của đạo không được phổ biến rộng rãi và có ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người bình đân. Do đó chỉ có một vài câu ca dao có liên quan đến đạo này:
– Nhà thờ có Chúa Ba Ngôi,
Tôi lấy được vợ, tôi thôi nhà thờ.
– Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội, bối rối xem đám ma, bỏ cửa bỏ nhà đi rước cụ đạo.
– Của Chúa mất một đền mười,
Chúa hãy còn cười, Chúa chửa lấy cho.
Câu ca dao này có lẽ nói về đạo Phật rồi biến ra bản thứ hai nói về đạo Thiên Chúa:
– Của Bụt mất một đền mười,
Bụt hãy còn cười, Bụt chửa lấy cho.
Ý nói nên không xâm phạm đến tài sản của nhà thờ hay của nhà chùa.
Người Việt Nam từ ngàn xưa luôn luôn mở rộng thu nhận các tôn giáo từ xa đến vì đạo Trời bao gồm những tất cả những nguyên lý chính của các tôn giáo nên không có xung khắc đưa đến kỳ thị hay chiến tranh tôn giáo.
Phạm Hy Sơn