User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Giáo Sư Phạm Văn Hải đặt ra những câu hỏi: “Không biết có bao giờ chúng ta nghĩ đến vấn đề chữ Việt của người Việt không?,” “Không biết có bao giờ chúng ta thắc mắc chữ viết của người Việt có từ bao giờ không?”
 
DP Pham Van Hai chu viet 1
Giáo Sư Phạm Văn Hải thuyết trình đề tài “Trước thời Bắc thuộc, người Việt đã có chữ viết chưa?” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
 
Theo ông, đặt những câu hỏi như thế và tìm câu trả lời, là những kỳ công và tâm huyết của người tự hỏi, và cũng không phải dễ trả lời.
 
Trong khán phòng Viện Việt Học, Westminster, trưa Chủ Nhật, 25 Tháng Chín, với một số lượng vừa phải người tham gia buổi hội luận “Trước thời Bắc thuộc, người Việt đã có chữ viết chưa?” do Giáo Sư Phạm Văn Hải trình bày, ai nấy đều nhận xét đây là một đề tài hết sức sâu sắc, thú vị với những ai còn nặng lòng với chữ quốc ngữ và sử dụng hằng ngày.
 
Giáo Sư Phạm Văn Hải, với tấm lòng yêu tiếng Việt, từ Virginia về, giải thích và chứng minh mỗi một việc là ngôn ngữ, chữ viết của người Việt và Tàu là hoàn toàn khác nhau, mặc dù có những lúc vay mượn, để phong phú thêm trong kho tàng văn chương chữ nghĩa Việt Nam. Nhưng phải nhận biết là người Việt đã có chữ viết từ xa xưa, trước cả thời Bắc thuộc.
 
Giáo Sư Hải cho rằng mỗi khi bàn đến chữ viết của người Việt, nhiều người nghĩ ngay tới thứ chữ theo mẫu tự La Tinh do các giáo sĩ Tây phương và Đại Việt sáng chế vào thế kỷ 17, được gọi là “chữ quốc ngữ.” Như vậy trước chữ quốc ngữ, người Việt có chữ viết không?
 
Bằng những cứ liệu trình bày, diễn giả cho rằng tất nhiên không thể nói chữ Hán là chữ viết của người Việt được, dù rằng người Việt đã phải dùng chữ Hán làm văn tự quốc gia từ khi giành được độc lập cho tới đầu thế kỷ 20.
 
Như vậy, trước chữ quốc ngữ là chữ Nôm.
 
Diễn giả đặt tiếp câu hỏi “Vậy chữ Nôm có từ bao giờ? Trước chữ Nôm, người Việt có chữ viết không? Trước thời Bắc thuộc, người Việt đã có chữ viết chưa?” Đó lại là vấn đề bàn cãi chưa xong!
 
Còn trước chữ Nôm, người Việt có chữ viết không? Trước thời Bắc thuộc, người Việt đã có chữ viết chưa? Giáo Sư Hải cho rằng đó là vấn đề gần như vô tưởng, như việc mò trăng đáy nước!
 
Ông cho rằng căn cứ vào một số sách dùng làm tài liệu giáo khoa trong mấy thế hệ trước 1975 thì thấy nhiều học giả Việt Nam đã bảo rằng người Việt trước thời Bắc thuộc còn ở trình độ bán khai, người Việt đã được người Tàu khai hóa. Thành ra, chẳng ai còn dám nghĩ đến vấn đề chữ viết của người Việt trước thời Bắc thuộc nữa.
 
DP Pham Van Hai chu viet 2
Quang cảnh buổi hội luận “Trước thời Bắc thuộc, người Việt đã có chữ viết chưa?” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
 
Giáo Sư Hải nói: “Sự thật không phải vậy. Nếu người Việt còn ở trình độ bán khai thì không thể giải thích được tại sao đã bị đô hộ hơn ngàn năm mà người Việt vẫn không bị đồng hóa. Nhìn vào sách vở của người Việt vào đầu thế kỷ 20, Vương Duy Trinh khi viết đến trang cuối cuốn ‘Thanh Hóa Quan Phong’ đã tin chắc trước thời Bắc thuộc, người Việt đã có chữ viết rồi.”
 
Đến đây thì một câu hỏi được đặt ra, như vậy thì chữ viết của người Việt cổ là thứ chữ gì?
 
Có những căn cứ có thể dựa vào đó, Giáo Sư Hải trả lời như sau:
 
1- Trước hết, căn cứ vào việc nghiên cứu của ngành khảo cổ trong khoảng 100 năm gần đây, có rất nhiều trống đồng và chiêng đồng đào được ở vùng đất của người Việt bây giờ, cũng là vùng đất của người Việt ngày xưa.
 
Trống đồng đã được thế giới biết đến từ lâu, nhưng vì không rõ xuất xứ nên ít người chú ý. Năm 1889, tại Hội Chợ Đấu Xảo Quốc Tế Paris, một cái trống đồng mang tên Moulié, do một người Pháp làm phó sứ tỉnh Hòa Bình (Bắc Việt Nam) lấy ở nhà một vị quan lang người Mường tại vùng sông Đà, tỉnh Hòa Bình. Sau đó, rất nhiều người nước ngoài tới miền Bắc nước Việt để tìm trống đồng. Tới năm 1900, hơn 150 cái đã được khám phá.
 
Cho đến nay, hai cái trống đồng luôn được đề cập tới là trống đồng Ngọc Lũ và Trống Đồng Hoàng Hạ. Trống đồng Ngọc Lũ do dân làng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam, đào được vào khoảng 1883-1884, để ở đình làng. Qua sự dàn xếp của viên công sứ Phủ Lý, được đưa về nhà Bác Cổ Viễn Đông Hà Nội. Sau này dân làng đào thêm được mấy cái trống đồng nữa, nên cái đầu tiên này được gọi là trống đồng Ngọc Lũ I. Còn trống đồng Hoàng Hạ đào được năm 1937.
 
Nhưng trống đồng có liên quan gì đến chữ viết của người Việt? Giáo Sư Hải giải thích: “Đến năm 1980, chúng tôi có đầy đủ tài liệu để chứng minh được thực sự, chứ không phải tin chắc nữa, là trước thời kỳ Bắc thuộc, người Việt đã có chữ viết trước đó 23 thế kỷ.”
 
“Trống đồng có ở trên đất của người Việt bây giờ và cả ngày xưa, và còn ở nhiều nơi khác nữa, tuy nhiên trống đồng trên đất người Việt bao giờ cũng đẹp hơn, kỹ thuật cao hơn trống đồng ở các nước lân cận,” giáo sư nói tiếp.
 
DP Pham Van Hai chu viet 3
Giáo Sư Trần Huy Bích giới thiệu tập tài liệu quý “Sự Hình Thành và Phát Triển Chữ Việt Cổ.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
 
“Trên trống đồng, có nhiều hình ảnh diễn tả nếp sống của người Việt, quần áo, thuyền, đồ vật, cầm thú, được mô thức hóa và trừu tượng hóa, chứng tỏ cuộc sống của người Việt trong thời đại đồ đồng khá phức tạp. Ở trình độ này tất nhiên phải có chữ để ghi chép, có thể có chữ viết ngay trên trống đồng, nhưng vì thứ chữ ấy không giống chữ Hán của Tàu, không tương tự theo mẫu tự La Tinh nên chưa nhận ra được,” giáo sư phân tích.
 
Trong hơn một ngàn năm xâm chiếm bóc lột, hà hiếp giết chóc, đàn áp, người Tàu tiêu diệt văn minh và văn hóa của người Việt, để truyền bá văn hóa của họ. Bao nhiêu tài liệu quý, sách vở của người Việt đã bị tịch thu, trong đó có trống đồng. Mã Viện, viên tướng Tàu thắng Hai Bà Trưng năm 43, đã tịch thu trống đồng của Lạc Việt, trong đó có thể có chữ viết, cho đem đúc thành hình ngựa, con vật mà hắn yêu thích, cũng là cách tiêu diệt văn minh của người Việt. Để đối phó, người Việt đã chôn giấu nhiều trống đồng, và có thể một số người Việt biết đúc đồng trốn ra nước ngoài.
 
2- Tiếng Việt xưa gần giống tiếng Mường, khi vào đầu thế kỷ 20, Vương Duy Trinh khi viết đến trang cuối cuốn “Thanh Hóa Quan Phong” đã cho rằng người Mường và người Việt là anh em. Người Việt do ở đồng bằng, được tiếp xúc với nhiều giống người lui tới nên khôn ngoan lanh lợi hơn. Thế là người Mường có chữ viết thì người Việt xưa cũng có chữ viết, chính là chữ Mường. Khi quân Tàu xâm lấn nước Việt, người Mường tránh lên miền núi nên còn giữ được chữ viết.
 
3- Chữ viết của người Việt xưa còn được gọi là chữ “Khoa Đẩu,” viết giống như con nòng nọc đang bơi nên còn gọi là chữ “nòng nọc.” Diễn giả cũng nhắc đến chữ Khoa Đẩu, trong “Việt Nam Văn Minh Sử Lược Khảo – Tập Thượng – Từ Nguồn Gốc Đến Thế Kỷ Thứ X (Sài Gòn: Trung Tâm Học Liệu, 1972) trang 32, chép: “Năm thứ năm đời vua Nghiêu (năm 2353 Trước Công Nguyên), người Việt Thường đến chầu, phải hai lần thông ngôn dâng rùa lớn sống ngàn năm, vuông non ba thước, trên mai có dấu chữ Khoa Đẩu.” Con rùa của vua nước Việt biếu vua Tàu, tất nhiên phải đem từ đất Việt sang Tàu, vậy chữ viết trên mai rùa phải là chữ Việt của người Việt. Tuyệt đối không phải “chữ Tàu đời cổ.”
4- Hơn nữa, sự khác biệt giữa tiếng Tàu và tiếng Việt được thấy qua việc phái đoàn sứ giả Việt Thường phải qua chín lần thông ngôn qua nhiều thứ tiếng, hai bên mới hiểu nhau. Hai thứ tiếng khác nhau như vậy, nhất định hai thứ chữ Tàu và chữ Việt không thể giống nhau được.
DP Pham Van Hai chu viet 4
Buổi hội luận vẫn tiếp tục sôi nổi, dù đã hết giờ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
 
“Tóm lại, không còn nghi ngờ gì về thứ chữ trên mai rùa do vua Việt biếu vua Tàu. Đó là chữ viết của người Việt, thứ chữ ấy hình giống như nòng nọc. Nếu so sánh với các thứ chữ ngày nay, chữ viết của người Việt ngày xưa trông giống như chữ Thái, chữ Lào, chữ Mường…” Giáo Sư Hải nói.
 
Trong buổi hội luận có hai vị am tường tiếng Hán và tiếng Việt, đó là Giáo Sư Trần Huy Bích và Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng, tác giả cuốn “Tự Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt,” cũng cho biết trong công trình nghiên cứu này, ông chứng minh được rất nhiều tiếng Việt có cùng nguồn gốc với tiếng Mường, tiếng Thái, tiếng Mã Lai, nói và viết giống hệt nhau.
 
Đôi dòng về Giáo Sư Phạm Văn Hải
 
Đã theo học ở các bậc Trung Học: Trường Dũng Lạc, Hà Nội; Trường Hồ Ngọc Cẩn, Gia Định; và Trường Chu Văn An, Sài Gòn.
 
Đại Học: Trường Khoa Học và Trường Văn Khoa Sài Gòn.
 
Trường Ngữ Học và Ngôn Ngữ, Viện Đại Học Georgetown, Washington, DC.
 
Sách đã xuất bản:
 
- Quốc Văn Lớp Đệ Tứ (1966)
 
- Quốc Văn Lớp Đệ Nhị (1970)
 
- Đối chiếu tiếng Hán Việt và tiếng Bắc Kinh (1967)
 
- Vần Tiếng Việt (1976)
 
- Ảnh hưởng Trung Hoa trong tiếng Việt (1976)
 
- The Influence of T’ang Poetry on Vietnamese Poetry Written in Nôm Characters and in The Quốc-Ngữ Writing System (1980)
 
- Sách Vỡ Lòng (1981)
 
- Sơ lược về Thể Lục Bát (1994)
 
- Đàn Bà (1994)
 
- Đi Tìm Một Đường Lối Viết Truyện Ngắn (1994)
 
- Thơ Tình (1995)
 
- Vietnamese I For College Students, 1996 (Tiếng Việt I dành cho sinh viên Đại Học)
 
- Vietnamese II For College Students, 1997 (Tiếng Việt II dành cho sinh viên Đại Học)
 
- Vietnamese III For College Students, 1997 (Tiếng Việt III dành cho sinh viên Đại Học)
 
- Vietnamese IV For College Students, 1998 (Tiếng Việt IV dành cho sinh viên Đại Học)
 
- Viết Lại Truyện Đời Xưa: Mưu Trí Đàn Bà (1997)
 
- Tiếng Kèm (1998)
 
- Chữ Hán và Tiếng Hán-Việt (2004)
 
Văn Lan/Người Việt

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com