Lời giới thiệu: Diễn Đàn Thế Kỷ nhận được loạt bài nghiên cứu “Về một số ngộ nhận liên quan đến nhân vật lịch sử Lê Văn Duyệt” của tác giả Lê Nguyễn gửi từ Sài Gòn.
Lê Nguyễn là bút danh của Lê Văn Cẩn, sinh năm 1944, tốt nghiệp khóa 10 Học viện Quốc gia Hành chánh, Sài Gòn (1965), một cây bút quen thuộc của nhiều tờ báo, tạp chí trong nước như Kiến thức Ngày Nay, Thế giới Mới, Khoa học phổ thông, Khoa học và Đời Sống…, là tác giả của khoảng hơn 10 đầu sách đã xuất bản, phần lớn là sách biên khảo lịch sử thời Lê–Nguyễn và thời Pháp thuộc.
Loạt bài này sẽ được đăng làm 3 kỳ. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.
***
6) Mối Quan Hệ Giữa Vua Minh Mạng Và Tả Quân Lê Văn Duyệt Lúc Sinh Tiền
Phần 1- Những ân thưởng xứng đáng dành cho một bề tôi
Về mối quan hệ giữa Tả quân Lê Văn Duyệt và vua Minh Mạng, điều đáng tiếc là nhiều cây bút đã cố vẽ ra những tình huống không có thật để tạo nên sự xúc động cho người đọc. Họ vin vào ít nhất ba sự kiện, một là chuyện trao ngôi Thái tử cho hoàng tử Đảm (sau là vua Minh Mạng) vào năm 1816, hai là chuyện xử tử Phó Tổng trấn Gia Định Thành Huỳnh Công Lý mà họ nhấn mạnh là “cha vợ vua Minh Mạng”, và ba là chuyện vua Minh Mạng và triều thần kết án Lê Văn Duyệt về 9 tội chết sau sự biến ở thành Phiên An (1833–1835), sau khi vị cố Tả quân họ Lê đã mồ yên mả đẹp được ba năm rồi.
Một chân dung khác của Tả quân Lê Văn Duyệt
Về sự kiện một, trong một bài trước, chúng ta đã thấy rằng, căn cứ vào chính sử (hai bộ Đại Nam Thực Lục và Đại Nam liệt truyện), không hề có chuyện Lê Văn Duyệt ngăn cản việc vua Gia Long tấn phong Thái tử cho hoàng tử Đảm; về sự kiện hai, cũng không hề có chuyện ông Duyệt “tiền trảm hậu tấu”, chém đầu Huỳnh Công Lý trước khi có lệnh triều đình cho giải về kinh; về sự kiện ba, đó là điều có thật, nhưng đã xảy ra ba năm sau cái chết của ông Duyệt.
Những cây bút dựng lên sự bất đồng sâu sắc giữa hai nhân vật lịch sử này đã bỏ quên gần như hoàn toàn những gì đã diễn ra trong 12 năm, từ khi vua Minh Mạng lên ngôi (1820) đến khi Tả quân Lê Văn Duyệt qua đời (1832).
Theo chính sử, vào tháng 12 AL năm Kỷ Mão, nhằm vào tháng 1 dương lịch năm 1820, biết mình không qua khỏi, vua Gia Long đã triệu tập Hoàng thái tử, các Hoàng tử tước công và hai đại thần Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng vào hầu để nhận di chiếu. Dù sử không nêu rõ hai đại thần trên có là cố mệnh lương thần không, song với việc chỉ họ có mặt trong giờ phút lâm chung của vua Gia Long cũng nói lên tầm quan trọng của họ, ít nhất là uy tín đối với tân quân. Vì thế ngay khi vừa lên ngôi, vua Minh Mạng đã viết thư khen, đóng ấn ngọc tỷ ban cho ông Duyệt, đến tháng 4 AL 1820 lại cử ông làm Tổng hộ sứ, điều khiển chung lễ an táng vua Gia Long tại lăng Thiên Thọ (Đại Nam liệt truyện – Tập hai – Quyển 22, mục XIX, NXB Thuận Hóa, Huế 2006)
Tháng 5 AL, nhà vua “lấy Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt lãnh Tổng trấn thành Gia Định (đúng ra phải là Gia Định Thành – chú thích của Lê Nguyễn). Phàm truất thăng quan lại, hưng lợi, trừ hại, tất cả việc thành và việc biên cương đều cho tùy nghi mà làm”. (Đại Nam Thực Lục – Tập hai, NXB Giáo dục 2004, trang 62). Như vậy, hầu như nhà vua đã giao cho Tả quân trọn quyền đối với mảnh đất Gia Định Thành bao gồm 5 trấn, từ Bình Thuận vào đến Hà Tiên.
Chân dung vua Minh Mạng (1791–1841) – Tranh John Crawfurd 1828
Trong suốt 12 năm miệt mài cho việc gìn giữ trật tự trị an và phát triển kinh tế vùng đất Gia Định Thành rộng lớn, Tả quân Lê Văn Duyệt luôn giữ đạo quân thần, dù được nhà vua dành cho nhiều quyền hạn, song từng chuyển biến nhỏ trong địa hạt của mình, ông đều tâu về triều. Qua lịch sử, chúng ta thấy rằng vua Minh Mạng nhiều lần ban thưởng chẳng những cho bản thân ông Duyệt mà còn cho cả thân phụ và thân mẫu ông nữa.
Tháng 8 AL năm 1820, nhà vua truy thăng cha ông Duyệt là cố Chưởng cơ Lê Văn Toại (tòng nhị phẩm) lên hàm Thống chế (chánh nhị phẩm). Tám năm sau, tháng 12 AL 1828, một lần nữa, nhà vua truy thăng ông Toại lên chức Đô thống, hàm tòng nhất phẩm, mẹ ông Duyệt là Nguyễn thị được phong Nhất phẩm phu nhân (Đại Nam Thực Lục –Tập hai – sđd, trang 90 và trang 690).
Về phần Tả quân Lê Văn Duyệt, ngoài việc dành cho một quyền hạn rộng rãi trong việc cai trị Gia Định Thành, nhà vua không bỏ sót một lần ân thưởng nào mỗi khi vị công thần và thuộc hạ làm được những điều ích quốc lợi dân. Tháng 4 AL 1822, nhà vua gửi vào Gia Định Thành cho Tả quân một cái ống điếu bằng pha lê bịt vàng, một chén ngọc liệu màu xuân thanh bịt vàng, một chén ngọc liệu màu mỡ cắt bịt vàng, một cái chậu pha lê, với lời dụ đầy cảm mến.
Tháng 6AL 1824, sau khi về kinh bệ kiến, tâu trình một số việc, Tả quân Lê Văn Duyệt quay về Gia Định Thành, vua Minh Mạng cử binh đi theo, và:
“Duyệt đương trên đường, vua sai trung sứ mang một cái ống điếu bằng pha lê màu biếc bịt vàng là đồ thượng phương và dụ bảo rằng:’Từ sau khi khanh bệ từ, lòng trẫm băn khoăn chẳng lúc nào quên, khanh nên giữ gìn khi đi lúc nghỉ, chớ để nắng gió cảm nhiễm mà làm lo cho trẫm’” (Đại Nam Thực Lục – Tập hai – sđd, trang 363). Sự ưu ái của bậc quân vương đối với một lão thần đến mức đó là cùng!
Ngoài những việc như thế, tháng 1 AL 1824, nhà vua còn gả con gái là công chúa Ngọc Ngôn cho con thừa tự của Tả quân là Kiêu kỵ Đô úy Lê Văn Yến, vốn là con của Lê Văn Phong, em ruột ông Duyệt, được ông nhận làm con thừa tự. Với sự kiện này, Tả quân Lê Văn Duyệt trở thành thông gia với nhà vua! Bản thân Lê Văn Phong lúc ấy cũng đang là Phó Tổng trấn Bắc Thành.
7) Mối Quan Hệ Giữa Vua Minh Mạng Và Tả Quân Lê Văn Duyệt Lúc Sinh Tiền.
Phần 2 – Vua Minh Mạng hành xử như thế nào trước những vấn đề phát sinh tại Gia Định Thành
Bên cạnh lòng ưu ái thể hiện qua việc vua Minh Mạng ân thưởng bản thân Tả quân Lê Văn Duyệt và cha mẹ, chúng ta còn thấy cung cách xử sự của nhà vua trước một số vấn đề phát sinh tại Gia Định Thành trong thời gian ông Duyệt giữ chức vụ Tổng trấn.
Minh Mạng thông bảo, một đồng tiền thời vua Minh Mạng (1820–1841)
Cho dù là quan đại thần nhất phẩm triều đình, Tả quân luôn tỏ ra khắt khe, nghiêm cẩn với chính mình. Năm 1825, một viên chức thuộc tào Binh tại Gia Định là Bùi Phụ Đạo lỡ tay đóng triện ngược trong sổ binh dâng về triều, vua Minh Mạng giao cho đình thần nghị xử, cho dù sơ suất đó không có gì là lớn lao. Được tin này, Tả quân cho rằng đó là lỗi mình không trông nom nên dâng biểu xin nhận tội. Vua Minh Mạng đã miễn trách và ban dụ rằng :” …Duyệt là bậc đại thần ở nơi bờ cõi, phàm trong hạt việc lợi thì làm, việc hại thì bỏ, người có tài thì tiến lên, người không tài thì bãi đi, khiến quan lại được xứng chức, nhân dân được yên nghiệp, như thế thì quan to sợ phép, quan nhỏ giữ liêm, ai là không biết khuyên răn, phép làm cho quan lại trong sạch như thế chẳng là đẹp tốt sao ? Điều mà trẫm đòi ở Duyệt là ở đó, mà Duyệt làm được xứng chức cũng là ở đó…” (Đại Nam thực lục – tập 2, NXB Giáo Dục 2004, trang 464).
Câu chuyện nói lên tính khảng khái của người làm quan, sẵn sàng nhận trách nhiệm trước sai sót của thuộc cấp mình.
Tuy là nhà cai trị tài giỏi và công tâm, nhưng không phải là Tả quân Lê Văn Duyệt không có sai lầm hoặc những việc làm trái ý nhà vua. Tháng 8 AL 1827, người dân Chân Lạp bị đói rất nhiều, ông tự tiện phát chẩn 15 ngàn phương gạo rồi làm sớ tâu lên vua. Nhận được sớ, vua Minh Mạng dụ rằng:”Cứu giúp tai nạn, triều đình cố nhiên là không tiếc của, duy Chân Lạp là nước thuộc phiên, so với dân ta có khác, nếu nước ấy mất mùa đói kém mà phát chẩn thì đợi tâu cũng chưa muộn. Nay tạm cho biên vào sổ tiêu, về sau không được viện làm lệ” (Đại Nam Thực Lục – tập 2 – sđd, trang 663).
Tháng 10 AL năm ấy, Lê Văn Duyệt về Kinh, vào chầu, nhà vua triệu lên điện và cho ngồi, nhắc thêm chuyện phát chẩn cho người Chân Lạp: “Trước đây Chân Lạp kêu đói, khanh tiện nghi phát chẩn, không phải là việc nhỏ đâu. Quyền nghi thông biến ở khanh thì còn được, chứ người khác thì phải cẩn giữ pháp độ”. Lời nói vừa nghiêm cần vừa rộng lượng với bậc công thần! Có lần nhà vua nói riêng với hai quan lại Trần Văn Năng và Tống Phước Lương: “Người ta nói Duyệt tính bướng, nay trẫm xem ra là người trung thuận, cái nghĩa bề trên có sẵn lúc ngày thường…” (Đại Nam Thực Lục – tập 2 – sđd, trang 671)
Một hình ảnh trong lăng Minh Mạng – Ảnh LN
Tháng 6 AL 1828, một sự kiện làm rúng động Gia Định Thành. Một viên Tham tri bộ Hộ là Trần Nhật Vĩnh (ngang với Thứ trưởng Bộ ngày nay), trong thời gian được phái đến Gia Định Thành, được ông Duyệt tin dùng. Không ngờ Vĩnh ỷ thế, làm nhiều điều phi pháp như ăn của đút, cướp vợ người, chiếm đoạt tài sản của người. Dân chúng trong vùng sợ bị trả thù nên không dám tố giác.
Chỉ một tháng sau khi Vĩnh được đưa ra Bắc Thành, dân chúng nộp đơn kiện rất nhiều. Tả quân Lê Văn Duyệt thụ lý tất cả các đơn, xin giải Trần Nhật Vĩnh về Gia Định để đối chất, tâu xin vua Minh Mạng phái quan ở kinh về để cùng hội xét. Rồi ông làm tờ tấu nhận tội mình đã tin dùng người làm bậy.
Biết rõ sự việc, vua Minh Mạng cách chức Trần Nhật Vĩnh, bắt trói giải về kinh đợi xét tội. Với Lê Văn Duyệt, nhà vua dụ rằng: “Trước kia khanh nghe lầm tà thuyết của Trần Nhật Vĩnh, nhiều việc sai bậy, những chương sớ tâu lên có nhiều điều không hợp, trẫm nghĩ công lao ngày trước của khanh mà không trách mắng. Nay khanh đã đến lúc bóng dâu buổi chiều, còn biết hối lỗi trước, đem Trần Nhật Vĩnh nghiêm tham trừng trị và tâu xin nhận tội, tình từ thống thiết, trẫm đã hiểu hết lòng khanh. Có lỗi mà biết đổi, thánh nhân còn tha, nữa là trẫm đối với khanh à! Việc khanh xin nghị xử thì gia ân miễn cho. Vậy ban dụ này ân cần chỉ bảo cho được yên lòng…” (Đại Nam Thực Lục – Tập 2 – sđd, trang 745).
Những lời nói chí tình ấy cho thấy cách hành xử của vua Minh Mạng thật ưu ái và rộng lượng với người dưới, mặt khác Tả quân Lê Văn Duyệt cũng rất biết đạo vua tôi. Nếu giữa hai người có những bất đồng trầm trọng thì chỉ với vụ Trần Nhật Vĩnh thôi, nhà vua đã thừa sức xuống tay rồi.
Phần mộ Tả quân Lê Văn Duyệt và Phu nhân trong khuôn viên Lăng Ông Bà Chiểu
Như vậy, chúng ta thấy rõ trong suốt thời gian Tả quân Lê Văn Duyệt còn tại thế, không hề có những mâu thuẫn hay bất đồng ngấm ngầm nào giữa ông và vua Minh Mạng. Đáng tiếc là sau khi ông mất đi, chỉ vì cơn giận dữ sau sự biến thành Phiên An do con nuôi ông Duyệt là Lê Văn Khôi gây ra mà vua Minh Mạng và cả triều đình nhà Nguyễn đã giận cá chém thớt, trả thù người nằm dưới mộ đã được ba năm rồi. Vụ án Lê Văn Duyệt và Lê Chất, những công thần hàng đầu dựng nên triều Nguyễn, là một vết nhơ khôn rửa sạch của triều Minh Mạng, nó làm mất đi phần nào ý nghĩa của thời kỳ mà nhà vua và quần thần đã làm được nhiều điều ích quốc lợi dân.
Lê Nguyễn