User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
chu hieu
Hình: istockphoto, Hadynyah.
 
Tôi vẫn mường tượng nhớ rằng, theo người xưa, ba tội bất hiếu lớn nhất là:

1) Không có con trai nối dõi như trong câu “bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại” (tuy có người cho rằng hiểu như thế là sai;
 
2) Cha mẹ già không phụng dưỡng;
 
3) Đi xa lúc cha mẹ già.

Biển học mênh mông, đi vào internet để tìm hiểu thêm thì có rất nhiều ý kiến khác nhau về “chữ hiếu” và 'tội bất hiếu' theo quan điểm Khổng giáo. Dù sao thì trong xã hội ngày nay, các điều trên có lẽ đã hết hợp thời.

Nhưng dù ở đâu, hiểu theo kiểu nào, tôn giáo nào, chữ Hiếu vẫn là một yếu tố then chốt của đời sống mọi người.

Phật dạy: “Này các tỳ kheo! Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ….Các thầy phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế, mà biết ân đó khó trả.”
 
Trong mười điều răn của Thiên Chúa Giáo, điều thứ 5: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi. (Honour thy father and thy mother).”
 
Và dĩ nhiên, Việt Nam chúng ta thì:
 
Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
   
Nhắc đến chữ Hiếu, chúng ta nghĩ đến số phận của người già hay ngược lại, thấy thân phận của một số người già chúng ta nghĩ đến chữ hiếu, vì phần đông người già nào lại chẳng có con cái.

Người đàn ông Nhật trong những năm sau thế chiến thứ hai làm việc đầu tắt mặt tối cho công ty, ít có thì giờ cho gia đình, và cũng nhờ họ mà xây dựng được phép mầu là kinh tế Nhật cuối thế kỷ thứ 20. Qua thập niên 1990, xuất hiện "hội chứng ông chồng về hưu" (Retired Husband Syndrome). Bao năm, mạnh ông chồng đi làm, mạnh bà vợ nội trợ ở nhà nuôi con. Sau năm 1990 ông chồng đến 60 tuổi càng bị bắt buộc về hưu non, vì không còn đi làm, cuộc sống cô lập nhiều hơn trước. Từ lúc còn nhỏ họ đã được giáo dục để can đảm chịu đựng một mình, không phiền lụy người khác.

Bỗng nhiên ông chồng có mặt ở nhà suốt ngày. Vợ chồng xa lạ, cha con xem như người dưng, ông chồng sanh ra chứng áp huyết cao, loét dạ dày, nổi mẩn da, trầm cảm. Bà vợ bực bội, muốn ly dị nhưng trở ngại vì sẽ không được hưởng hưu bổng của chồng, bèn đi sưu tầm teddy bear, hay chạy theo hâm mộ làm "fan" của các tài tử nổi tiếng. Sự cô đơn của người đàn ông Nhật sau khi về hưu dẫn đến tình trạng càng ngày càng nhiều người già ở Nhật chết một mình tại nhà mà không ai hay.

Hiện tượng Kodokushi (Cô độc tử) hay cái chết cô đơn, được mô tả lần đầu tiên vào những năm 1980, nói về người già ở Nhật chết một mình và không được khám phá trong một thời gian dài. Kodokushi đã trở thành một vấn đề đang gia tăng ở Nhật Bản, do những khó khăn kinh tế và dân số ngày càng cao tuổi của Nhật Bản. Trường hợp đầu tiên được loan tải trên toàn nước Nhật vào năm 2000 khi xác chết của một người đàn ông 69 tuổi được phát hiện ba năm sau khi ông qua đời; tiền thuê nhà và các chi phí tiện ích hàng tháng của ông ta đã được rút tự động khỏi tài khoản ngân hàng và chỉ sau khi rút hết tiền tiết kiệm của ông ta, cơ thể của ông ta đã bị giòi bọ ăn mất, chỉ còn lại bộ xương của ông ta được phát hiện tại nhà.

Hiện nay ở Nhật có chừng 32,000 người chết theo kiểu này mỗi năm. Một phần ba dân số Nhật trên 65 tuổi, dân số Nhật càng ngày càng nhỏ hơn vì tỷ lệ sinh sản rất thấp, không đủ để thay thế người chết. Ngay nhà cửa của những người già cô độc tử cũng bị mất giá trị đi nhiều do cái chết của họ, và lắm khi người ta phá hủy luôn căn nhà sau khi độc tử xảy ra.

Theo báo Korea Times (2024), Hàn quốc cũng theo gót người Nhật trong thảm họa này: “Hàn Quốc chứng kiến 3.378 cái chết cô đơn vào năm 2021, tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 8,8% trong 5 năm qua. Đó là hơn chín trường hợp mỗi ngày. Đàn ông đông hơn phụ nữ theo tỷ lệ năm trên một. Tất cả những điều này cho thấy đàn ông trung niên hoặc cao tuổi Hàn Quốc ngày nay, bị mất việc làm và nhà cửa, là nhóm dễ bị tổn thương nhất.
 
Người Hàn Quốc không thích người Nhật, nhưng vài thập kỷ sau họ vẫn đi theo con đường giống như những kẻ thực dân trước đây của họ. Ở Nhật Bản, karoshi (chết vì làm việc quá sức) và kodokushi (cái chết cô đơn) là những vấn đề xã hội vào những năm 2000. Những từ ngữ tương đương trong tiếng Đại Hàn hiện nay là gwarosa và godoksa. Tuy nhiên, các tộc trưởng Hàn Quốc mất khả năng tài chính sớm hơn so với các tộc trưởng Nhật Bản, rơi vào những thói quen xấu như uống rượu và bị đuổi ra khỏi gia đình hoặc bỏ rơi họ.”

Chỉ cách đây hai thế hệ, Hàn Quốc còn là một xã hội nghèo nhưng giàu lòng nhân ái. Giờ đây nó đã trở thành một nơi giàu có nhưng tàn bạo, nơi “các cá nhân bất hạnh và cô đơn nhất trên toàn thế giới.”

Một hiện tượng khác nhưng liên hệ, tuy phần đông xảy ra cho phụ nữ. Người già vì cô đơn, không người săn sóc, cố tình phạm pháp để được đem vào tù, ở đó họ có người khác để bầu bạn... cho vui và họ được săn sóc đùm bọc tốt hơn. Theo NHK World-Japan: “Đối với những người cao tuổi không có gia đình gần gũi, viễn cảnh sống một mình và chết một mình có thể rất đáng sợ. Nhưng một số người cao niên ở Nhật Bản đang khám phá họ có thể được chăm sóc và có được tình bạn khi họ bị nhốt trong tù." Một số phụ nữ sống trong nghèo khó, có thể có những triệu chứng của bịnh lẫn (dementia), cô đơn, không liên lạc với con cái, không bạn bè và lọt ra khỏi mạng lưới an sinh xã hội. Một yếu tố đằng sau sự gia tăng hành vi phạm tội của phụ nữ cao tuổi là sự gia tăng các hộ gia đình độc thân. Tại Nhật Bản, hơn 4 triệu phụ nữ cao tuổi đang sống một mình, gấp đôi số đàn ông cùng hoàn cảnh. Xu hướng này dự kiến sẽ tăng lên, do tuổi thọ của phụ nữ dài hơn nam giới và cũng vì số phụ nữ đã ly hôn hoặc chưa từng kết hôn đang gia tăng.

Trong số các tội phạm của phụ nữ từ 70 tuổi trở lên, ăn cắp đồ trong tiệm chiếm tới 82,5%. Nếu bao gồm ăn cắp hành lý, hơn 90 phần trăm là trộm cắp. Nhà tù Kasamatsu (Gifu prefecture) có hàng mấy trăm phụ nữ như vậy, vào tù đa số vì tội ăn cắp hàng các tiệm bán đồ hoặc ăn cắp hành lý của người khác, và thường "vào tù ra khám" nhiều lần. Trong tù, họ được học cách sinh hoạt tự túc hàng ngày (occupational therapy) và những người tương đối còn mạnh khoẻ được học về chăm sóc điều dưỡng như một phần của việc đào tạo nghề và đồng thời giúp đỡ các bạn tù khác. Lúc ra khỏi tù, nếu cần họ được giới thiệu với các cơ quan trợ tá xã hội để theo dõi, canh chừng tiếp.

Chuyện này phổ biến tại Nhật cũng như tại Hàn Quốc, là nơi có đời sống kinh tế cao nhất vùng Châu Á trong thế giới chịu ảnh hưởng của Khổng giáo. Theo báo The Telegraph của Anh, Hàn quốc, trên 14% dân số già hơn 65 tuổi (so với 16% ở Mỹ, 26% ở Nhật), và gần nửa số người già này sống trong nghèo khó (so với 9% ở Mỹ), một số người già Hàn Quốc sống trong những căn hộ (cubicles) nhỏ đến mức đêm nằm không đủ chỗ để duỗi chân.

Trung Quốc, xứ sở nguồn gốc của chữ Hiếu thì đã qua thời kỳ Cách Mạng Văn Hoá cố tình xóa bỏ tàn tích xã hội "phong kiến", tôn giáo và các giá trị truyền thống. Tuy vậy, năm 2013, Trung Quốc cũng có luật bảo vệ quyền và lợi ích của người cao tuổi (Elderly Rights Law), buộc con cái phải thăm viếng cha mẹ già, thỏa mãn các nhu cầu về tâm linh của các cụ, không được ức hiếp cha mẹ già. Đa số người trẻ chỉ xem luật này như là một thông điệp giáo dục, tuy vậy, trong những trường hợp cùng cực, có thể dùng như cơ sở pháp lý để cha mẹ đem con cái ra tòa nếu bị ngược đãi.

Nhưng Nhật và Hàn Quốc là hai nước có truyền thống Khổng giáo, “bảo hoàng hơn vua”, mà chữ Hiếu cũng đến nước này thì nghe qua cũng thấy... quá bi thảm. Trong 60 năm qua, từ vị trí nước nghèo, Nhật và Hàn Quốc trở nên giàu có, cuộc sống thuộc loại cao nhất thế giới. Năm 2019, lợi tức đầu người (per capita income) ở Nhật là 39,286 đôla/năm so với 479 đô la năm 1960), Hàn Quốc là 31,362 (tăng 200 lần so với 158 đô la năm 1960), so với Việt Nam là 4,284 đô la (2023). Có vẻ như trong vòng "sáu mươi năm cuộc đời", khá đông trong số người từng hy sinh xây dựng cho đất nước họ đứng vào hàng ngũ tiên tiến thế giới lại bị bỏ rơi đằng sau, sau khi họ hết đóng góp cho xã hội.

Chuyện này nhắc nhở người trẻ hãy nhớ đến bậc sinh thành của mình. Người già cũng nên nhớ xếp lại chuyện cũ, quên bớt những hiềm khích nhỏ nhặt với con cháu, dẹp bớt tự ái, dùng email, facetime, ‘Viber’ hay ‘Zalo’, rộng mở vòng tay "welcome" chúng trở về.
 
Bác Sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 13 tháng 2 năm 2024
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com