.
Quần sơn Dương Xuân là một vùng đồi núi nhấp nhô bao la nằm ở phía Tây Nam thành phố Huế, gồm 140 ngọn đồi, gối đầu lên nhau trong một khu vực rộng khoảng 60ha. Độ cao từ 60m-125m cách mặt nước biển, điểm cao nhất là ngọn Thiên An và đồi Dương Xuân.
Qua khỏi ngã ba Cầu Lim về hướng nam chừng 1Km là đồi Dương Xuân, trên đồi có chùa Trúc Lâm, thoai thoải phía nam sườn đồi qua một khe nước là chùa Hồng Ân. Chùa Hồng Ân là chùa sư nữ; tổ khai sơn của chùa là sư bà Diệu Không, chùa tọa lạc trên một khoảnh đất khá bằng phẳng, về phía nam chủa là nếp gấp địa chất tạo thành sườn đồi cao khoảng 50m. Trên có chùa Liên Tịnh, khu lăng mộ cùa ngài Khánh Mỹ Quận Công Hồ Đắc Trung, thượng thư bộ Học (1861-1941) và Từ Đường họ Hồ Đắc Làng An Truyền Tông đồ 12, phía tây cùa đồi Dương xuân là đồi Thiên An trên có Đan viện Thiên An là một dòng tu khổ hạnh Thiên chúa giáo.
Đại Hiếu Môn & Khu Lăng Mộ Ngài Khánh Mỹ Quận Công
Khu lăng mộ của Khánh Mỹ Quận Công được xây dựng từ năm 1941 bên cạnh một biệt thự cổ có trên đồi Dương Xuân. Đồi Dương Xuân và Thiên An cách đây hơn 150 năm là một rừng thông dày kín bao quanh 2 khu. Rừng thông ở đây có nhiều gốc thông trên 100 năm với diện tích 100 ha, vào mùa đông rừng thông thay lá, thảm lá thông dần dần ngả sang màu nâu từ mua thu đến nay rụng đầy dưới gốc, đầu lá thông nhọn hoắc và khô cứng, quả thông rơi đầy mặt đất, dưới thảm lá thông là hàng triệu triệu bào tử nấm thông. Qua mùa đông đến đầu xuân, các bào tử này nẩy mầm cho ra một loại nấm mà cư dân ở đây gọi là nấm thông, một loại nấm đặc biệt chỉ có ở các rừng thông, vị ngọt và đắng, màu nâu, mùi thơm đặc trưng, tai nấm có đường kính khoảng 20 đến 30cm. Chúng chỉ nở rộ sau một cơn mưa xuân hay những lúc sương sa xuống nhiều, qua đến mùa hạ là mùa đẹp nhất của rừng thông Dương xuân – Thiên an, mùa của phấn thông vàng, mùa của rừng thông vừa chín, mùa các cơn gió, những cơn gió từ phía tây Trường sơn thổi đến xuyên qua hàng ngàn hàng vạn nhánh thông, gió mang theo những nhuỵ vàng của phấn thông bay đầy trời như là một trận mưa, phấn thông bay lẫn trong nắng mủa hạ lấp lánh thật đẹp.
Khu vực đồi Dương Xuân này đã được vua Gia Long ban cho gia đình ông Hồ Đắc Nghi trong hôn lễ của bà Nguyễn Phúc Công Nữ Lê là cháu nội của Hoàng đế với quan Ngự Y Hồ Đắc Hóa hiện nay vẫn còn rành rành với nét khắc sắc sảo trên văn bia đặt trước khu lăng mộ, còn khu biệt thự sang trọng được xây dựng từ năm 1933 với một phòng khách cực lớn và 16 phòng với khu hành lang vòng cung nhìn xuống 2 cái hồ dưới chân đồi. Hồ phía tây hình chữ nhật và hồ phía đông hình bán nguyệt hiện nay trên bản đồ vệ tinh vẫn còn thấy dấu tích của 2 hồ này, còn căn biệt thự đã bị phá hủy hoàn toàn trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến vì quân đội viễn chinh Pháp muốn chiếm khu biệt thự để làm căn cứ án ngữ phía tây thành phồ Huế.
Bảy mươi năm sau khi khu lăng mộ của ngài Khánh Mỹ Quận Công được xây cất, các hậu duệ của ông mới xây dựng bức tường thành bao quanh với một cái cổng đi vào mang tên Đại Hiếu Môn.
Việc làm ấy là tuân theo lời di huấn của quan Đại thần Hồ Đắc Khải đã để lại: “Nền văn hóa của nước ta rất coi trọng luân lý gia tộc, niềm vui của cha mẹ lúc còn sống là được thấy con cháu đoàn tụ, sớm tối phụng dưỡng chăm sóc bên cạnh. Chẳng phải đó là một điều đáng mừng hay sao? Sau là đến chuyện chăm sóc thờ phụng, chuyện mồ mả của tổ tiên, chuyện lo cho người sống cũng như người chết đó là những việc làm đại hiếu”.
Và cũng tại sao các hậu duệ của ngài Quận công chọn chủ đề chữ Hiếu để làm mục đích trong việc thiết kế xây cất.
Chữ Hiếu là cội rễ luôn đứng đầu trong mọi đức tính của con người, chữ Hiếu đã thành Đạo: đạo hiếu, đạo làm con, đạo làm người.
Theo cách viết chữ Hán, Hiếu là do hai chữ Tử và Lão kết thành. Chữ Lão phía trên, chữ Tử phía dưới, nghĩa là làm con phải đối xử tốt với cha mẹ gọi là hiếu thuận. Như vậy có thể hiểu Hiếu là tình cảm và bổn phận của con cái dành cho cha mẹ, không thể dành cho ai khác ngoài cha mẹ. Hiếu là một bản tính, nhiều người không cần học cũng biết, cũng nhìn thấy.. Hiếu không phải chỉ là tình cảm tự nhiên của bản năng sinh tồn mà còn được nhận thức cao hơn là bổn phận và trách nhiệm. Nho giáo, Phật giáo hay Thiên chúa Giáo đều xem chữ Hiếu là trọng, là đạo làm người.
Lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ phát xuất từ sự biết ơn đối với những bậc sinh thành đã chăm lo nuôi dưỡng và giáo dục mình nên người. Khi cha mẹ còn sống, con cái bày tỏ lòng hiếu thảo qua việc: yêu mến, tôn kính, vâng lời, chăm sóc và giúp đỡ cha mẹ. Tôn kính cha mẹ trong tư tưởng, lời nói, việc làm.
Trong tư tưởng, ta thực tình nhìn nhận cha mẹ đáng trọng kính, vì đã sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ, hướng dẫn, gây dựng hạnh phúc cuộc đời cho ta.
Trong lời nói, ta lựa cách xưng hô và chuyện trò thật khiêm cung, êm ái, không bao giờ dùng những lời nói cứng cỏi, nóng nảy đối với cha mẹ.
Trong việc làm, ta năng thăm viếng, hoặc thư từ, hỏi han, bày tỏ lòng yêu mến bằng quà biếu, tìm cách làm cho cha mẹ được vui.
Khi cha mẹ qua đời, con cái tỏ lòng hiếu kính bằng cách lo an táng chu đáo, phụng dưỡng cha mẹ khi người sống cũng như khi người đã qua đời. Anh chị em cần hoà thuận yêu thương nhau, noi gương cha mẹ để làm nên điều lành.
Phải thông hiểu lịch sử về gia đình, phải quan tâm bảo tồn gia phả và những kỷ vật của ông bà cha mẹ đã qua đời, phải quan tâm lưu giữ những hình ảnh và giấy tờ quan trọng của gia đình để các thế hệ sau có sử liệu.
Phải hiểu mối tương quan với họ hàng gia tộc là điều quan trọng. Phải yêu mến và học cách cư xử với tất cả mọi người trong giòng họ hai bên, như ông bà, chú bác, cô dì, cậu mợ và anh chị em.
Cần sống tình gia tộc bằng cách năng lui tới viếng thăm nhau.
Và cuối cùng phải biết báo ân cha mẹ, ông bà tổ tiên.
Đại Hiếu là hiếu quảng đại, hiếu chân chính, hiếu với khắp thiên hạ, nên xem tất cả cha mẹ trên đời đều là cha mẹ của mình.
Chính vì thế mà các hậu duệ mới lấy chữ Hiếu làm đầu trong việc thực hiện di huấn mong muốn của quan đại thần Hồ Đắc Khải khi xây dựng Đại Hiếu Môn.
Thật Hạnh Phúc cho những ai đã có một lần bước chân vào Đại Hiếu Môn để càm nhận rằng bên trong cổng là tình gia tộc, là máu mủ ruột thịt Hồ Đắc, là cha mẹ, ông bà tổ tiên giòng họ, là niềm kiêu hãnh và tự hào của các thế hệ mai sau.
Đại hiếu môn lối vào khu Lăng Mộ
Ngôi từ đường an vị họ Hồ Đắc
Hồ Đắc Duy