Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Trong thời gan gần đây, nhiều người đã đọc và biết qua những bài báo cho rằng Tổng Thống José Alberto Mujica Cordano là “Tổng Thống nghèo nhất thế giới”, vì ông đã từ chối dinh thự dành cho ông, để về sống tại ngôi nhà và khu vườn của vợ ông cùng với số tiền lương bình thường của cả hai vợ chồng ông.
Qua cuộc sống bình dị của ông José Alberto Mujica Cordano, nhiều người đã viết về ông là vị “Tổng Thống nghèo nhất thế giới”.
Điều này cũng không sai, vì khi người ta chỉ cần đưa mắt nhìn về đất nước Việt Nam, để thấy những “ông to”, “bà lớn” của đảng Cộng Sản, từ cũ cho chí mới; sau khi cướp trọn nước Việt Nam Cộng Hòa cho tới nay, thì những tên như Lê Khả Phiêu, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng .v…v…, thì ai cũng thấy những cuộc sống giàu sang tột đỉnh của cả gia đình và con cháu, con rể, con dâu của những kẻ nắm quyền cai trị đất nước. Những kẻ này đã tận tình vơ vét nhằm hưởng thụ cảnh giàu sang, xa xỉ trên những đồng tiền xương máu của toàn dân, những tài sản này gồm những tài nguyên của quốc gia, từ chính sách buôn dân, bán nước. Trong số đó, kể cả 16 tấn vàng của chính phủ Đệ Nhị Cộng Hòa để lại sau Ngày Quốc Hận 30/4/1975. Số vàng này, đã được đảng Cộng Sản Việt Nam đem chia chác với với nhau, để bỏ vào tài sản riêng, để cùng nhau hưởng thụ trên những mảnh đời lầm than, đói rách của người dân nghèo khổ, không nhà, không cơm ăn, không áo mặc, bệnh tật không được chữa cứu chữa.
Nên biết, từ sau ngày 30/4/1975, chế độ Cộng Sản Việt Nam đã được Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới cấp cho những số tiền lớn, được gọi là “viện trợ hậu chiến”, hoặc “viện trợ để xóa đói, giảm nghèo – viện trợ xóa nạn mù chữ …”.
Thế nhưng, gần 40 năm qua, sau khi cưỡng chiếm đất nước Việt Nam Cộng Hòa, cho tới hôm nay, đã có biết bao nhiêu người, chỉ cần nhìn qua thế hệ sinh sau ngày 30/4/1975, theo như chính các báo chí “lề phải” trong nước, lớp người này, đã có rất nhiều người hoàn toàn mù chữ, và một số người đã không được học hết bậc Tiểu học, không có nghề nghiệp để tự mưu sinh, nên họ đã sống trong cảnh đói rách triền miên, con cái họ sinh ra rồi cũng phải kéo lê cuộc đời nghèo khổ như cha mẹ của chúng!
Như vậy, thì rõ ràng những số tiền viện trợ của Liên Hiệp Quốc và của các quốc gia trên thế giới, cùng 16 tấn vàng của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa để lại đã lọt vào những khối tài sản riêng của gia đình của những “cán bộ cao cấp” của đảng Cộng Sản Việt Nam.
Trở lại với câu chuyện Tổng Thống José Alberto Mujica Cordano là “Tổng Thống nghèo nhất thế giới”. Vậy nếu đem so sánh với Người đã khai sáng nền Cộng Hòa Việt Nam: Tổng Thống Ngô Đình Diệm, thì chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm mới quả thật là vị tổng thống nghèo nhất thế giới.
Chúng ta hãy cùng nhau so sánh hai cuộc sống hoàn toàn khác nhau:
Tổng Thống José Alberto Mujica Cordano ngủ trên giường nệm, gối êm.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm chỉ ngủ trên chiếc phản gỗ, với chiếc gối mây!
Tổng Thống José Alberto Mujica Cordano ăn uống những thức ăn, thức uống như mọi người, kể cả như chúng ta những người Việt tị nạn Cộng Sản tại hải ngoại cũng có cuộc sống hơn hẳn cuộc đời khổ hạnh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm nữa!
Tổng Thống Ngô Đình Diệm lúc sinh thời thường chỉ ăn cơm hoặc cháo với món cá kho mặn, rau luộc chấm mắm ruốc, hoặc cái bánh bao.
Tổng Thống José Alberto Mujica Cordano có nhà riêng, sống với đồng lương của hai vợ chồng ông. Còn Tổng Thống Ngô Đình Diệm lúc sinh tiền không có một ngôi nhà nhỏ, không có một mảnh vườn riêng, mà chỉ ăn ngủ trong một căn phòng nhỏ, cũng là phòng làm việc của vị tổng thống kiêm tổng tư lệnh Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa!
Nên nhớ, căn nhà tại Huế không phải là nhà riêng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, mà là căn nhà của Cha Mẹ ông, mà một thời trẻ tuổi Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã sống chung cùng các bào huynh, bào đệ của Người.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã sống một cuộc đời thanh bạch, liêm khiết. Sau khi bị bọn giết mướn sát hại, người ta lục lọi trong thi thể của Người, chỉ tìm được một chuỗi Tràng Hạt và nửa gói Bastos xanh. Ngoài ra, không có một thứ gì nửa cả!
Sự thật đã quá rõ ràng như thế, nhưng đảng Cộng sản Việt Nam và bọn tay sai vì phải triệt hạ uy danh của Thổng Thống Ngô Đình Diệm, nên đã gian trá khi cố tình viết ra những câu chuyện hoàn toàn bịa đặt, đã vẽ vời ra rằng Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã “nghiện” những thứ “cao lương mỹ vị” như “ông hoàng thời phong kiến”, để bôi nhọ, miệt thị Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Những điều này, có lẽ rồi đây sẽ có những người sẽ lên tiếng một cách vô tư, làm sáng tỏ tất cả, để cho các thế hệ sau này được biết về những sự thật về tấm gương liêm khiết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm!
Kết luận:
Nếu đem so sánh với cuộc sống của Tổng Thống José Alberto Mujica Cordano, thì Tổng Thống Ngô Đình Diệm; Người sống không có một căn nhà nhỏ, không có được một mảnh vườn riêng. Những điều đó, đã chứng minh rằng chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm mới thực sự là vị “Tổng Thống nghèo nhất thế giới”
Tuy nhiên, dù là vị “Tổng Thống nghèo nhất thế giới” nhưng Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã để lại cho hậu thế cả một di sản vô giá:
Đó là thể chế Việt Nam Cộng Hòa do chính Người đã khai sáng trên đất nước Việt Nam – Người đã hết lòng yêu nước, thương dân. Và cuối cùng, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã sống vì Tổ Quốc – Dân Tộc; và đã chết vì Tổ Quốc và Dân Tộc Việt Nam!
Cao Lân Anh Quốc, 31/10/2014
Cuộc sống thường nhật của Tổng Thống Ngô Đình Diệm qua lời kể của ông Cao Thế Dung và bác sĩ Trần Kim Tuyến:
Sau ngày đảo chánh, một số đông các sĩ quan thuộc Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống đều bị bắt giữ. Mấy Sĩ Quan Tùy Viên đều phải trả lời một số câu hỏi như: "Có thấy những người đàn bà nào vào phòng riêng của Tổng Thống Diệm? Tổng Thống Diệm có "giao du’’ với Bà Nhu không?’’ Đại Úy Lê Công Hoàn, một Sĩ Quan Tùy Viên phục vụ bên cạnh Tổng Thống Diệm 5 năm đã trả lời trên giấy tờ: "Tôi quả quyết không bao giờ có chuyện như vậy nếu có mà tôi bảo là không tôi xin chịu mất đầu’’.
Vậy thì sự tương quan trong nếp sống gia đình thường nhật giữa vợ chồng Ông Nhu và Tổng Thống Diệm ra sao?
Tổng Thống Diệm ở trong một căn phòng riêng, ngủ trên tấm đi văng gỗ.
Mỗi tối, ông già Ẩn chăng màn, sáng sớm lại tháo gỡ. Tổng Thống Diệm thường dùng bữa ngay trong phòng ăn này. Ông vẫn ăn một mình trong suốt 9 năm, trừ những buổi tiệc tùng dạ hội.
Đối với gia đình Ông Nhu thì Tổng Thống Diệm sống một thế giới riêng. Rất ít khi Tổng Thống Diệm ăn cơm chung với gia đình Ông Nhu. Hoặc khi sang phòng Ông Nhu dùng cơm thì Tổng Thống Diệm dùng món ăn riêng của ông. Trong Dinh có hai đầu bếp. Một đầu bếp của vợ chồng Ông Nhu. Một đầu bếp của Tổng Thống Diệm. Đầu bếp của Tổng Thống Diệm thì rất nhàn hạ. Sáng ông điểm tâm bằng cháo trắng với dưa chua hoặc cá thu kho mặn. Trưa ông Tổng Thống không mấy khi ăn cơm mà chỉ dùng trái cây hoặc rau xà lách trộn dầu hoặc súp lơ, cải bắp luộc. Bữa chính của ông là bữa tối. Thứ cơm mà ông dùng là gạo lứt đỏ.
Món ăn của ông không thay đổi qua mấy món như mắm ruốc, dưa thịt kho, cá kho, cải xào. Tóm lại ông ăn uống như người trung lưu của xứ Quảng Bình hay Huế.
Thông lệ, mỗi sáng Sĩ Quan Tùy Viên đem vào phòng một xấp báo đủ loại. Ông vừa đọc vừa ăn điểm tâm.
Thỉnh thoảng, có gì đặc biệt lắm ông mới sang phòng của vợ chồng Ông Nhu ngồi uống nước, chuyện lan man. Theo Sĩ Quan Tùy Viên Lê Công Hoàn cũng như Đại Úy Bằng, ông già Ẩn thì Ông Diệm và Ông Nhu không mấy khi anh em hàn huyên tâm sự. Ông rất kính trọng Đức Cha Thục theo quan niệm ‘’Quyền huynh thế phụ’’.
Trước khi qua Rome, dự Cộng Đồng Vatican II Đức Cha Thục vào Dinh ở lại vài ngày. Như thường lệ, Đức Cha Thục vào chào ông em Tổng Thống.
Theo Sĩ Quan Tùy Viên Hoàn thì anh em Tổng Thống Diệm rất giữ lễ với nhau chứ không suồng sã tự nhiên. Khi về đến Dinh, Đức Cha Thục thường dùng cơm với ông Bà Nhu và mỗi lần như vậy, Tổng Thống Diệm ghé qua phòng ông em nhân tiện đáp lễ ông anh. Đức Cha Thục nói gì Tổng Thống Diệm nghe không vừa ý, Tổng Thống Diệm chỉ thở dài, cau có và hết sức bẳn gắt với Sĩ Quan Tùy Viên. Cũng không mấy khi ông Bà Nhu vào phòng riêng của Tổng Thống Diệm trừ mấy đứa con trai của Ông Nhu.
Căn phòng riêng của Tổng Thống Diệm vừa là phòng ngủ, vừa là chỗ làm việc, bao giờ cũng có hai cận vệ gác ở ngoài với một Sĩ Quan Tùy Viên túc trực suốt ngày đêm (thay phiên như làm việc theo từng ca). Bất kỳ một ai viếng thăm về phía Quân Sự đều qua tay Sĩ Quan Tùy Viên (sự sắp xếp do Tham Mưu Biệt Bộ). Sự thăm viếng về dân sự và Ngoại Giao Đoàn đều do Nha Nghi Lễ đảm trách.
Không kể Đỗ Thọ đã chết, 3 Sĩ Quan Tùy Viên còn sống (trong đó có Đại Úy Lê Châu Lộc) cùng với Đại Úy Bằng hầu cận đều cho biết: "Họ không hề bị ông Bà Nhu chi phối. Gặp ông bà ấy thì chào hỏi vậy thôi. Họ làm việc trực tiếp với Tổng Thống Diệm và làm việc theo kiểu "người nhà’’ phi nguyên tắc luật lệ. Vào phòng ông Tổng Thống lúc nào cũng được và cửa phòng ông không bao giờ khóa mà chỉ khép. Người được coi là ngang ngược và hay gây gổ với Bà Nhu là ông Đại Úy Bằng. Thế giới của Tổng Thống Diệm là thế giới tình cảm’’.
Qui tụ quanh ông, phái cao cấp là ông Võ Văn Hải, gần ông Tổng Thống là Bí Thư Trần Sử rồi 4 viên Sĩ Quan Tùy Viên, ông già Ẩn, Đại Úy Bằng và mấy người thân cận khác. Tìm hiểu cuộc sống riêng tư và tâm tình của một Tổng Thống không gì bằng tìm hiểu ngay những người thân cận quanh ông và nếp sống thường nhật. Tại một nước cộng sản, cá nhân lãnh đạo chưa phải là yếu tố quan hệ bậc nhất. Tập thể lãnh đạo mới là điều quan hệ và chi phối toàn thể. Tại các quốc gia Tây Phương có một cơ chế cai trị vững chắc và một truyền thống dân chủ thì một cá nhân lãnh đạo cũng chưa phải là một yếu tố quan trọng bậc nhất. Nhưng ở Việt Nam thì lại khác. Con người quốc gia ở miền Nam lại hoàn toàn khác hẳn.
Cá nhân lãnh đạo trở thành yếu tố quan trọng bậc nhất và chi phối toàn thể, cho nên đời song riêng tư và tâm tình của một Tổng Thống lãnh đạo trở thành nguyên động lực tiềm ẩn chi phối con đường lãnh đạo và cai trị vào đời sống riêng tư ấy tự nó đã có giá trị để nhận định con người lãnh đạo quốc gia. Thói quen hút thuốc lá, ăn cơm Tây uống rượu mạnh, hay thú trăng hoa hoặc hay ưa nói bậy, thích tuyên bố lăng xăng thì tự nó đã lập thành bản chất và sự lãnh đạo quốc gia cũng như uy quyền và danh dự của nhà lãnh đạo cũng tùy thuộc vào bản chất này. Vận mệnh và danh dự quốc gia cũng lại tùy thuộc vào bản chất này.
Bởi vậy viết về giai đoạn lịch sử 1955-1963 không thể bỏ qua phần tìm hiểu con người Tổng Thống Ngô Đình Diệm để từ đó soi sáng một tâm lý chính trị. Tâm lý chính trị này là một phần căn bản giúp cho Sử Gia dễ dàng phân tích và dẫn giải các sự kiện lịch sử qua hướng đi của nó qua sự chèo lái của nhà lãnh đạo.
Tổng Thống Diệm thích làm thơ. Tất nhiên là thơ Đường Luật. Ông còn biết vẽ và nét vẽ rất đẹp. Bức vẽ cuối cùng của ông là ngôi Thánh Đường dự định sẽ xây cất ở Khu Phượng Hoàng. Ông đã có ý định không ra ứng cử Tổng Thống nhiệm kỳ 1965 và sẽ lui về sống an dưỡng ở Khu Phượng Hoàng.
Trước đó, đã có một dự án chỉnh trang toàn thể Khu Cồn Hến tại Huế để làm nơi Tổng Thống Diệm trở về vui thú điền viên. Khu này được coi là một trong mấy nơi thơ mộng nhất của Huế cách thôn Vĩ Dạ chỉ một con sông. Khi dự án được trình lên, ông Tổng Thống không vừa ý và cho dẹp bỏ. Rồi tự tay ông phác họa Khu Phượng Hoàng. Ngôi Thánh Đường cũng tự tay ông vẽ.
Tổng Thống Diệm ưa thích đánh cờ tướng nhưng lại không phải là tay cao cờ. Nhiều lần, trong lúc cao hứng, ông cho gọi Đại Úy Bằng và Ngô Đình Trác vào phòng riêng của ông bảo hai người đánh cờ để ông ngồi ông xem, ông có thể ngồi như vậy trong một, hai giờ liền.
Thú lớn nhất của ông là chụp hình. Thỉnh thoảng cao hứng ông lai đưa bọn con Ông Nhu ra chụp vài "pô’’ hay chụp mấy viên Sĩ Quan Tùy Viên.
Tướng Lê Văn Kim được coi là "người bạn’’ của Tổng Thống về phương diện chụp hình và rửa hình. Một lần vào năm 1961, vợ chồng Bác Sĩ Trần Kim Tuyến đang coi ciné ở Đại Nam thì có thuộc viên đến tìm, cho biết: "Tổng Thống điện thoại gọi Bác Sĩ vào Dinh gấp’’ Hai vợ chồng bỏ dở xuất ciné trở vào Dinh. Bà vợ ngồi dưới xe chờ chồng từ 10 giờ sáng đến gần 2 giờ chiều mới thấy chồng trở ra. Nhân chứng được ông Tổng Thống tiếp gần 4 giờ liền không ngoài việc máy ảnh và chụp hình. Vì ông mới mua một cái máy Canon cho nên gọi nhân chứng vào để chỉ cho cách sử dụng. Mỗi lần như thế Ông Diệm rất vui tươi cởi mở.
Đặc biệt Tổng Thống Diệm không uống được rượu, chỉ cần làm một hớp nhỏ, mặt ông đã đỏ gay... Tuy vậy trong phòng ông cũng có một chai rượu nho, thỉnh thoảng ông nhấm nháp đôi chút và những lần như vậy giới hầu cận đều biết ngay là Tổng Thống gặp chuyện vui. Đầu bếp trong Dinh phải chế tạo riêng một loại "xâm banh". Loại "xâm banh" này chỉ là nước ngọt cho vào chai đúng "marque champagne’’ hảo hạng và khi mở cũng nổ chát xùi bọt như "xâm banh" thực.
Khi có tiệc lớn cùng dự với các Đại Sứ và Quốc Khách thì ông Thổng Thống dùng "xâm banh" loại này. Tổng Thống Diệm ăn uống không có giờ giấc nào cả. Bữa cơm chiều có thể là 8 giờ hoặc 10 giờ... Khi gặp ai vui chuyện, Tổng Thống Diệm có thể mạn đàm lan man cả 2, 3 giờ liền. Ông hay dùng pate chaud ở Bưu Điện và ông cho là ngon tuyệt hạng. Giá mua 5 đồng một cái nhưng Bà Nhu dặn bồi bếp nói cụ hỏi bao nhiêu thì phải nói là 1 đồng. Bà Nhu giải thích: "Nói như thế để ông Cụ được vui’’. Tổng Thống Diệm vẫn tấm tắc khen ngợi: "Pâté chaud 1 đồng, mà ngon quá bay ơi! Như vầy thì lương lính nó được 900 đồng, vợ con nó cũng sung sướng quá hỉ?’’
Như trên đã viết Ông Diệm rất kính trọng và vâng lời các anh. Ông lại luôn luôn sống xa mẹ. Sau khi từ chức Lại Bộ Thượng Thư triều đình Huế (1933) ông không về sống ở Phú Cam mà về ở trong một ngôi nhà của ông Ngô Đình Khôi tại Vĩnh Điện, Quảng Nam. Ngôi nhà đó chỉ có Ông Diệm và ông Bằng lo việc cơm nước, quần áo và mọi sự cho ông Thượng Thư, một vài tuần ông lại về Phú Cam một buổi. Vài tháng ông lại vào Nam. Từ dạo đó, ông đã sống một đời khép kín, đi hay về không ai hay biết. Khi ông Ngô Đình Khôi bị giết năm 1945, Đức Cha Thục trở thành người có ảnh hưởng nhất đối với Tổng Thống Diệm. Qua tập Album của gia đình họ Ngô ta thấy Đức Cha Thục và Ông Diệm hay cùng nhau chụp ảnh, hai người tỏ ra tương đắc.
Như vậy, bức hình gia đình Ông Bà Cố Vấn này, nhiều phần là do chính tay Ngô Tổng Thống chụp.