User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

43nam

Rút Bỏ Quân Đoàn I/ Vùng I Chiến Thuật

Biến cố Tháng 3/1975                                                                        

LNV: Khi biến cố tháng 3/1975 xảy ra, người viết đang phục vụ tại Phòng3/Quân Đoàn I(P3/QĐI). Người viết xin ghi lại những sự kiện quan trọng của QĐI/Vùng I Chiến Thuật (V1CT) trong thời gian trên. Chắc chắn trí nhớ cũng bị xói mòn với thời gian, nên không sao tránh khỏi những sơ suất. Xin quý độc giả thông cảm.

Thất Thủ Hay Bỏ Ngõ?

Từ trước tới nay, khi nói đến biến cố tháng 3/1975, nhiều phóng viên trong nước lẫn ngoài nước như VOA và BBC lúc bấy giờ, thường dùng chữ “thất thủ” để chỉ một tỉnh lỵ hay thành phố lọt vào tay địch. Thật ra đối với tình hình lúc đó, từ “thất thủ” chỉ chính xác khi đề cập đến Tỉnh Phước Long và Thị xã Ban Mê Thuột, vì tại đây Quân đội ta cố giữ mà không giữ được... Riêng các thành phố Pleiku, KonTum, Huế, Đà Nẵng, Chu Lai, Quân đội ta “rút bỏ” các nơi đó theo kế hoạch lui binh, tái phối trí lực lượng cho thích hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ, xin được dùng từ “bỏ ngõ” cho chính xác hơn.

Động Lực Thúc Đẩy Quyết Định Tái Phối Trí

Động lực nào khiến Tổng Thống Thiệu, Tổng Tư Lệnh tối cao quân đội có quyết định táo bạo rút bỏ QĐI/V1CT và QĐII/V2CT cùng lúc gây hiệu ứng Domino, làm sụp đổ toàn cả miền Nam chỉ vỏn vẹn trong 50 ngày phù du, với biết bao hy sinh xương máu và nước mắt của toàn dân, đã gian khổ chiến đấu suốt 20 năm qua. Đây là câu hỏi mà mọi người muốn biết. Mãi đến sau nầy, chúng ta mới biết sự thật. Tham khảo  cuốn “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” của Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, có 2 động lực chính khiến Tổng Thống Thiệu đi đến quyết định trên:

1/ Quân Viện: Vì Quốc Hội Mỹ cắt giảm quân viện bất ngờ và quá nhanh, nên Tướng Murray, Tùy Viên Quân Sự Mỹ tại VN, người thay thế Tướng Creighton Abrams, khuyên Tổng Thống Thiệu nên thu hẹp lãnh thổ. Quân viện nhiều thì giữ đất nhiều. Quân viện ít thì bỏ bớt đất. (Sđd tr41).

2/ Cố Vấn: Theo lời Cố Vấn của Chuẩn Tướng người Úc Ted Sarong, chuyên gia về chiến tranh du kích, phân tích tình hình quân sự thời điểm tháng 1/1975 có khuyên Tổng Thống Thiệu nên rút bỏ QĐI/V1CT trong 2 tuần, nếu không, 5 Sư đoàn (SĐ) hiện diện lúc ấy gồm SĐ1, 2, 3 Bộ Binh (BB), SĐ Dù, SĐ Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) sẽ bị CS tiêu diệt gọn (sđd tr45). Tổng Thống Thiệu lúng túng, nếu rút QĐI/V1CT trong khi CS chưa tấn công, thì làm sao trả lời với quốc dân. Đến đầu Tháng 3/1975, Tướng Sarong đi đến kết luận, vì không nghe theo lời ông, nên cuộc chiến kể như đã kết thúc!! (sđd tr47).

Nguyên Nhân Đưa Đến Quyết Định Rút Bỏ QĐI/V1CT

Ngày 13/12/1974. Tỉnh Phước Long thất thủ, QLVNCH không có quân để tổ chức hành quân tái chiếm. Tổng Thống Thiệu theo dõi phản ứng của Chính Quyền và Quốc Hội Mỹ. Họ hoàn toàn im lặng!

Ngày 10/3/1975. Ban Mê Thuột lại thất thủ. QLVNCH cũng không có quân để tái chiếm. Đồng thời cùng ngày Quốc Hội Mỹ từ chối tái cấp khoản 300 triệu Mỹ Kim bổ sung mà VNCH khẩn khoản yêu cầu. Đến lúc nầy Tổng Thống Thiệu mới nhận thấy lời Cố Vấn của hai Tướng Sarong và Murray là đúng. Ông mất bình tĩnh, tinh thần hoảng loạn, ra lệnh rút bỏ QĐI/V1CT và QĐII/V2CT cùng một lúc. Thực hiện chiến lược “đầu bé đít to” mà Ông đã thai nghén kể từ khi quân viện bị cắt giảm trầm trọng.

Diễn Tiến Các Sự Kiện Lịch Sử:

Ngày 13/3/1975. Tổng Thống Thiệu gọi Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh QĐI/V1CT, vào họp tại Dinh Độc Lập và chỉ thị: “Nghiên cứu kế hoạch rút bỏ QĐI/V1CT ngay. Cố gắng bảo toàn lực lượng chính quy. Riêng các lực lượng Địa Phương Quân (ĐPQ), Nghĩa Quân (NQ) và các chính quyền địa phương, cứu được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Lệnh phải giữ bí mật tuyệt đối, không cho các Tư Lệnh Sư Đoàn, Không Quân và Hải Quân biết cho đến phút chót”. Sau nầy có nhiều nguồn tin khác nhau, nhưng Tướng Trưởng vẫn xác nhận và quả quyết với người viết: “Tôi được lệnh rút bỏ QĐI/V1CT còn sớm hơn Tướng Phú”.

Ngày 14/3/1975. Lệnh rút bỏ QĐI/V1CT ngay, làm cho Tướng Trưởng quá ngỡ ngàng. Tuy nhiên Ông chần chừ không chịu thi hành. Về lại Quân Đoàn ngày hôm sau (14/3) Ông chỉ thị P3/QĐI nghiên cứu kế hoạch lui binh. Phòng 3 trình lên Ông hai đường lối hành động:

1/ Đường bộ: Rút bằng đường bộ trên Quốc lộ1 độc đạo từ Huế về Qui Nhơn với trì hoãn chiến, nếu thời điểm đó đèo Hải Vân và Tỉnh Quảng Tín không bị cắt đứt.

2/ Đường biển: Co cụm tại ba khu vực:

- Sư đoàn 1BB và các đơn vị tăng phái về Thuận An (Huế)
- Sư đoàn 3BB và các đơn vị tăng phái về Hội An (Đà Nẵng)
- Sư đoàn 2BB và các đơn vị tăng phái về Chu Lai (Quảng Tín)

Sau khi kế hoạch co cụm hoàn tất, tàu Hải Quân sẽ vận chuyển lực lượng Bắc Hải Vân và Chu Lai về Đà Nẵng. Giai đoạn cuối cùng là rút bỏ Đà Nẵng cũng bằng tàu Hải Quân xuôi Nam. Kế hoạch thứ 2 được Tướng Trưởng chấp thuận. Người viết lúc đó với chức vụ Phụ Tá Trưởng P3/QĐI, phụ trách hành quân, trách nhiệm thiết lập kế hoạch nói trên.

Vì kế hoạch tối mật, nên chiều hôm đó người viết cho phép các Sĩ Quan trong phòng Hành Quân về sớm và chính người viết thiết lập kế hoạch một mình. Kế hoạch được thiết lập thẳng trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 và chỉ có một bản duy nhất, không phổ biến. Có 4 tuyến với 4 màu khác nhau. Tuyến 1 (xa nhất) là tuyến chúng ta đang đối đầu với CS, chạy dài từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Tuyến 2 thu hẹp hơn, nối các cao điểm cũng từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Tuyến 3 và 4 do các nơi liên hệ tập trung lực lượng vào những khu vực như đã trình bày ở phần trên. Để giảm áp lực địch từ tuyến 1 và 2, Quân Đoàn sẽ chỉ huy các nơi lui binh cùng một lúc. Từ tuyến 3 và 4 các nơi liên hệ thiết lập lệnh chi tiết. Tuy thiết lập kế hoạch kỹ lưỡng như vậy, nhưng Tướng Trưởng muốn “câu thời gian” chưa thi hành ngay.

Ngày 16/3/75. Khi đoàn xe Quân và Dân của QĐII/V2CT chưa lăn bánh rời Pleiku, thì ở QĐI/V1CT lại có tin tuyên truyền của Cộng sản (CS): “Chính phủ sẽ cắt đất nhường V1CT cho MTGPMN”. Thế là dân Huế (Thừa Thiên), có thừa kinh nghiệm tàn ác của CS trong biến cố Tết Mậu Thân (1968) và dân Quảng Trị với thảm sát ở đại lộ kinh hoàng (1972), ồ ạt di tản về Đà Nẵng. Tinh thần chiến đấu của các lực lượng quân sự phía Bắc đèo Hải Vân bắt đầu dao động.

Ngày 18/3/1975. Dân chúng di tản từ Quảng Trị và Thừa Thiên tràn ngâp thành phố Đà Nẵng. QĐI/V1CT trình về Trung Ương xin giúp đỡ công cuộc tạm cư. Thủ Tướng Khiêm hướng dẫn phái đoàn Chính Phủ ra thẩm định tình hình. Trong lúc chờ đợi Thủ Tướng Khiêm đến, Tướng Trưởng nhắc nhở các Tư Lệnh Sư Đoàn, các Tỉnh Trưởng: “Ai có điều gì khó khăn thì trình bày thẳng với Thủ Tướng để giải quyết luôn”. Trong dịp nầy Đại Tá Đỗ Kỳ, Tỉnh Trưởng Quảng Trị, nêu câu hỏi: ”Hiện nay có nhiều ĐPQ + NQ bỏ ngũ về lo di tản gia đình. Vậy phải giải quyết như thế nào?” Vì chủ trương của Chính Phủ lúc ấy là chỉ rút các lực lượng chính quy, nên Thủ Tướng Khiêm lúng túng, không trả lời thẳng vào câu hỏi và lảng sang chuyện dân di tản. Ông Khiêm khuyên Tướng Trưởng hôm sau vào trình thẳng Tổng Thống Thiệu.

Ngày 19/3/1975. Tướng Trưởng mang kế hoạch lui binh mà P3/QĐI thiết lập ngày 14/3/1975 vào trình Tổng Thống và được chấp thuận. Thay vì co cụm ở Thuận An và Chu Lai xong, tàu Hải Quân sẽ vận chuyển các đơn vị  vào Đà Nẵng, nhưng vì nặng tình với Huế, nên Tướng Trưởng xin cố thủ Huế, luôn cả Chu Lai. Tổng Thống Thiệu đồng ý và nói: “Mặc dù lịch sử phán xét tôi như một thằng imbecile {ngu}, nhưng vì lòng tôi đối với đất nước, tôi đồng ý” (sđd tr76). Nhưng có lẽ nhớ lại lời khuyên của Tướng Ted Sarong, Tổng Thống Thiệu giật mình và chiều tối 20/3/75 Tướng Trưởng lại nhận được mật điện số 2238 của Bộ Tổng Tham Mưu (BTTM) với nội dung: ”Vì không đủ khả năng giữ 3 nơi như đã định. Tư Lệnh Vùng 1 được tùy nghi, tùy theo tình hình an ninh và áp lực địch, phối trí quân về để giữ Đà Nẵng mà thôi.” (sđd tr78). Quá sững sờ, lại thêm ưu phiền về lệnh lạc bất nhất, thuận cố thủ Huế, rồi bỏ Huế, nên Tướng Trưởng không nén được nỗi giận phúc đáp công điện thượng dẫn như sau; ”Tôi ngại không thi hành nổi lệnh nầy. Xin Đại Tướng tìm người thay thế tôi“ (sđd tr79). Tướng Trưởng cũng thừa biết Đại Tướng Viên cũng chẳng có quyền hành gì! Ông chỉ xin theo hệ thống quân giai cho có lệ. Ngoài công điện trên, Tướng Trưởng cũng điện đàm thẳng cho Tổng Thống Thiệu với yêu cầu như trên. Về sự kiện nầy, Tướng Trưởng có tâm sự với người viết. Tổng Thống Thiệu khẩn nài: ”Trong giai đoạn khó khăn nầy anh cố gắng giúp tôi”. Tổng Thống Thiệu dư biết có gắn thêm “một sao” cũng không ông Tướng nào dám nhận nhiệm vụ khó khăn nầy nên mới xuống nước, nài nỉ.

ditan

NGÀY21/3/1975 (lệnh bỏ Huế). Đại Tướng Viên gởi công điện cho Trung Tướng Trưởng theo lệnh của TT Thiệu: “Tình hình hết sức khẩn trương, Trung Tướng liệu mà làm” (sđd tr79). Tướng Trưởng hết sức chán nản. Mới hôm qua còn nghe Tổng Thống Thiệu tuyên bố “cố thủ Huế’ trên đài phát thanh, mà hôm nay lại nhận lệnh gián tiếp bỏ Huế! Tôi có hỏi Tướng Trưởng, có phản ứng gì khi bỏ Huế, ông chia sẻ: “Tôi muốn cố thủ Huế với bất cứ giá nào như giai đoạn Tết Mậu Thân, lúc đó Thành phố Huế bị CS chiếm hơn 20 ngày. BTL/SĐ1BB bị bao vây ở thành Mang Cá. Trong tình thế tuyệt vọng như vậy, Bộ TTM có gửi Đại Tá Thọ, Trưởng P3/BTTM ra khuyên tôi: Liệu giữ không nổi thì rút bỏ đi”. Được mở lời như vậy, nhưng ông không phải Tướng hèn, nên xin ở lại cố thủ, dù phải chết với Huế. Nếu bỏ Huế lúc đó, không biết tình hình đất nước đã đi về đâu.

Ngày 22/3/1975. Được lệnh bỏ Huế, Tướng Trưởng điện thoại cho Tướng Lâm Quang Thi (Tư Lệnh Tiền Phương QĐI) thi hành theo kế hoạch lui binh, đã ban hành, thu hẹp khu vực phòng thủ về Thuận An. Về sự kiện nầy Tướng Trưởng có chia sẻ với người viết: “Tướng Thi phản đối và nói tình hình ngoài nầy vẫn yên, chưa đến lúc phải rút”. Tướng Trưởng khẩn khoản: “Anh rút gấp giúp tôi. Đây là lệnh trên!”

Ngày 23/3/1975. Tướng Trưởng gọi Tướng Thi và Tướng Điềm (Tư lệnh SĐI BB) về nhận chỉ thị tại BTL/QĐ. Tướng Thi bận việc điều quân lui binh, nên cử Đại Tá Lê Ngọc Hy TMT thay mặt. Đêm hôm đó BTL/TP/QĐI lên tàu ở cửa Thuận An. Đồng thời tuyến Sông Bồ, cách Huế 20 cây số về phía Bắc do Lữ Đoàn 147 TQLC trấn giữ và SĐ1BB ở Tây Nam Huế cũng thu hẹp phòng tuyến.

Ngày 24/3/1975. Cả 2 đơn vị LĐ/147 TQLC và SĐ1BB  di hành đêm đến khu vực tập trung. Để tránh tập trung quá đông vào một nơi, LĐ/147 TQLC và các đơn vị tăng phái về Thuận An, SĐ1BB về cửa Tư Hiền.

Ngày 25/3/1975. Lệnh chính thức bỏ Huế được ban ra. Tổng Thống Thiệu chỉ thị cho Đại Tướng Viên gởi công điện cho Tướng Trưởng thi hành 3 điều:

- Thứ nhất: Bỏ Huế
- Thứ hai: Phải làm cho lẹ       
- Thứ ba: Tử thủ Đà Nẵng.

Theo suy luận của người viết, chắc lúc ấy Tổng Thống Thiệu bị ám ảnh về lời khuyên của Ted Sarong, sợ các lực lượng chính quy bị tiêu diệt, nên phải ra lệnh “rút cho lẹ” để bảo toàn lực lượng. Lui binh mà rút cho lẹ, không tổ chức được trì hoãn chiến, đạp lên nhau mà chạy, thì thiệt hại khó lường được.

Trong khi các lực lượng ở Bắc Hải Vân đang trên đường lui binh, thì Tổng Thống Thiệu lại thay đổi lệnh: “Nếu bây giờ tôi ra lệnh trở lại Huế, thì có thi hành được không”. Tướng Trưởng đáp: “Họ đang trên đường rút lui, tôi không thể kêu họ lại được.”(sđd tr81).

Sư Đoàn 1BB Rã Ngũ?                                            

Theo quyển “Decent interval” của Frank Snapp có viết về Tướng Trưởng cho phép binh sĩ về lo cho gia đình như sau: “Trong lúc Trung Tướng Ngô Quang Trưởng trình bày với Tổng Thống Thiệu về kế hoạch của Ông, số quân mà Ông cần để thi hành, thì nay lại tan rã. Đó là lỗi do ông ta một phần, vì lòng thương của vị Tư Lệnh đối với binh sĩ, nên mấy ngày trước Ông đã cho quân nhân dưới quyền về lo an toàn cho gia đình“.

Rất tiếc người viết không biết chuyện nầy, nên không xác nhận được với Tướng Trưởng và Tướng Điềm khi hai vị nầy còn tại thế. Tuy nhiên người viết cũng có hỏi Đại Tá Hy (TMT-BTL/TP) và được Ông góp ý như sau: ”Không biết Tướng Thi hay Tướng Trưởng có cho phép như vậy không. Nhưng theo tôi, đứng về phương diện chỉ huy không ai cho phép như vậy cả.”

Thật ra, hầu hết quân nhân nào là người địa phương đều vắng mặt bất hợp pháp, về lo an ninh gia đình. Riêng SĐ/TQLC, ngoài một số rất ít có thân nhân người địa phương, quân số Sư Đoàn còn đầy đủ.

Ngày 26/3/1975. Vì lệnh phải rút quân cho lẹ nên kế hoạch bị xáo trộn như khi khởi thảo. Số tàu dùng để chuyển quân rất hạn chế. Vả lại hôm đó sóng to và biển cạn, nên tàu không cập bờ được. Chỉ bốc được vài chuyến ở bãi Thuận An. Số quân còn lại, đa số bị bắt làm tù binh. Riêng tại cửa Tư Hiền, Công Binh không làm cầu nổi kịp. Phần lớn Lực Lượng SĐI BB thoát về được Đà Nẵng nhờ ghe thuyền của dân chài. Về Lực Lượng phía Nam Đà Nẵng, SĐ2BB và các đơn vị tăng phái tập trung ở Chu Lai và được Hải Vận ra cù lao Ré (đảo Lý Sơn) thay vì về Đà Nẵng, như kế hoạch đã định. Quân số SĐ1BB về đến Đà Nẵng còn khoảng 1/3, nhưng cũng không tập họp lại được. Còn SĐ3BB tình trạng rã ngũ cũng giống như SĐ1BB mấy ngày hôm trước. Chiều cùng ngày, người viết có gặp Tướng Điềm tại P3/QĐ1, Ông nghẹn ngào trong ngấn lệ: ”Không đánh được trận nào ra hồn, bây giờ mang danh bại Tướng”. Kế đến Đại Tá (Nguyễn Kim?) Hường, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh than: “Đánh đấm (mẹ) gì mà cứ chạy không”. Người viết xin chia sẻ nỗi uất ức của 2 vị trên. SĐ1BB tan rã, nên Tướng Trưởng cử Tướng Điềm làm Quân Trấn Trưởng Đà Nẵng. Sau đó Ông tử nạn ở Quảng Ngãi trên đường di tản bằng Trực Thăng. Thời gian nầy tình trạng dân tị nạn ở Đà Nẵng quá hỗn loạn. Ngoài số dân tị nạn Thừa Thiên, Quảng Trị, bây giờ lại thêm Quảng Ngãi, Quảng Tín. Tình trạng an ninh mất kiểm soát. Những vụ cướp giật xảy ra ban ngày. Thấy tình trạng quá xấu, nên BTL/QĐI có gởi công điện xin BTTM biệt phái một Chiến Hạm để làm BTL “nổi”, điều khiển cuộc lui binh theo kế hoạch khi cần.

Ngày 27/3/1975. Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Đà Nẵng có thuê 4 chiếc Phi Cơ Dân Sự TWA và Không Quân cũng điều động Phi Cơ Vận Tải C-130 ra Đà Nẵng để di tản dân tị nạn. Dân chúng hoảng loạn, không duy trì được  trật tự, chen lấn lên phi cơ ngay khi phi cơ còn lăn bánh trên phi đạo! Nhân viên Phi Hành phải dùng đến bình cứu hỏa để ngăn chận. Chỉ bốc được 2 chuyến thì kế hoạch hủy bỏ.

rangu

Ngày 28/3/1975. BTTM lại cử Trung Tướng Lê Nguyên Khang ra Đà Nẵng thẩm định tình hình lần cuối. Ông hứa khi về Sài Gòn sẽ điều động tối đa Phi Cơ của Không Quân và Tàu Hải Quân ra di tản dân tị nạn và gia đình binh sĩ, để anh em an tâm chiến đấu. Thế mà…. tình hình lại đột biến một cách quá nhanh chóng. Khoảng 8 giờ tối, địch ở vị trí Nam Ô, dưới chân đèo Hải Vân pháo kích vào BTL/Vùng 1 Duyên Hải ở Tiên Sa và Phi Trường Đà Nẵng do SĐ1 Không Quân trấn giữ. Kiểm điểm lại quân số dưới quyền lúc đó, chỉ còn lại SĐ/TQLC (-) và SĐ/3BB què quặt, Tướng Trưởng nhận định không thể giữ được Đà Nẵng và xin Tổng Thống Thiệu cho di chuyển bằng đường biển theo kế hoạch đã trình và ưu tiên cho SĐ/TQLC. Trong cuộc điện đàm khẩn cấp nầy, Tổng Thống Thiệu không trả lời thẳng theo yêu cầu của Tướng Trưởng. Ông chỉ hỏi: ”Nếu rút thì rút được bao nhiêu quân về nơi an toàn”.(ĐT Viên sđd tr172-173).

Ngày 29/3/1975. Tưởng rằng Tổng Thống Thiệu thuận cho rút quân, nên sáng ngày này Tướng Trưởng lội biển ra tàu Hương Giang (HQ 404) với anh em TQLC ở bãi biển Non Nước. Vì không đủ tàu để chở quân và dân tị nạn nên một số lớn chết thảm do hỗn loạn, giành lên tàu và do đạn pháo kích của địch. Với thảm kịch nầy, người viết thắc mắc: kinh nghiệm qua cuộc rút quân của TQLC và SĐ1BB ở Huế, tại sao BTTM không điều thêm tàu Hải Quân từ Vùng 3 và 4 tăng cường cho Vùng 1 DH?

Trên đường xuôi Nam, Tướng Trưởng  lại nhận được Công Điện tối mật từ Trung Ương: “Lệnh của Tổng Thống. Lệnh tử thủ Đà Nẵng vẫn còn hiệu lực. Mọi sự bỏ tuyến đều sẽ quy trách nhiệm cho Tư Lệnh và Đơn Vị Trưởng.” (Trích can trường trong chiến bại của Đề Đốc HVKT tr239-257). Tướng Trưởng phúc đáp bằng công điện như sau: “Tất cả anh em đã ở trên tàu xuôi Nam. Tôi không còn lực lượng trên bộ để trở lại Đà Nẵng“. Tất cả đó là chia sẻ của Tướng Trưởng với người viết sau nầy.

Tại Sao Tổng Thống Thiệu Muốn Giữ Đà Nẵng?

Về sự kiện nầy, sau nầy Tướng Trưởng có chia sẻ với người viết như sau: “Họ (các Tướng Lãnh) suy luận Ông Thiệu muốn giữ Đà Nẵng để làm đầu cầu cho Quân Mỹ may ra đổ bộ cứu VN, như Tướng Mac Arthur đã làm ở chiến tranh Triều –Tiên (1950-1953) bằng cách đổ bộ lên cảng Incheon”. TT Thiệu muốn thí quân để nuôi một hy vọng viển vông. Cũng may Tướng Trưởng đã không đem SĐ 2BB về Đà Nẵng. Nếu không thì sự thiệt hại trong ngày 29/3/75 còn to tát hơn nhiều. Đó là quyết định vô cùng sáng suốt.

Ngày 30/3/1975. Trên hành trình xuôi Nam, BTTM có lệnh cho các Hạm Trưởng: “Đổ lực lượng TQLC xuống Cam Ranh và tiếp tục hành quân. Sẽ có lệnh chi tiết sau. Chỉ chở Tướng Trưởng về một mình”. Nhận thấy anh em với tinh thần chiến đấu suy sụp, Tướng Trưởng can thiệp: ”Anh em TQLC cần phải được chỉnh trang lại. Nếu đổ (thả) anh em xuống Cam Ranh thì tôi cũng xuống và chiến đấu với anh em”. Cuối cùng thì BTTM nhượng bộ và tiếp tục chở TQLC về Vũng Tàu để chỉnh trang. Nếu biết được sự thật nầy chắc anh em TQLC kính trọng và cám ơn Ông rất nhiều.

Ngày 1/4/1975. Tướng Trưởng về đến Sài Gòn được đón tiếp niềm nở. Vì xúc động mạnh, nên Ông vào dưỡng bệnh ở Tổng Y Viện Cộng Hòa.

Kỷ Luật Các Tướng Lãnh.

Sau cuộc lui binh thất bại của hai Quân Đoàn I&II, một số giới chức trách nhiệm bị kỷ luật, quản thúc trong Bộ TTM (người viết xin miễn nêu danh vì tế nhị), ngoại trừ Tướng Trưởng. Bàn về sự kiện nầy, Tướng Trưởng có chia sẻ với người viết như sau: “Hồi đó Ông Trần Văn Đôn ở Pháp mời về tham chính, giữ chức Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Quốc Phòng trong chính phủ Nguyễn Bá Cẩn. Ông Đôn không biết lệnh bỏ ngõ hai Quân khu trên của Tổng Thống Thiệu nên kỷ luật một số giới chức trách nhiệm để răn đe các Tướng Lãnh khác”. Người viết không dám hỏi lại Tướng Trưởng, thế tại sao Ông không bị kỷ luật, mà chỉ suy diễn: có lẽ cũng có lời yêu cầu của Tổng Thống Thiệu!

Đà Nẵng - Nỗi Niềm Luyến Tiếc.

tuongtruong

Tướng NQ Trưởng & tác giả

Chuyện chinh chiến đã qua. Nhưng trong một lần mạn đàm với Tướng Trưởng, Ông có tâm sự với người viết: ”Giá lúc đó mình cố giữ Đà Nẵng, có khi bây giờ vẫn còn đánh nhau”. Ông nói thế chứ giữ làm sao được khi quân viện không có và đạn dược chỉ còn một tháng tồn kho. Thấy Ông nuối tiếc bỏ Đà Nẵng, người viết im lặng, tôn trọng “hoài niệm” của Ông. Suy diễn về lời than tiếc của Ông phải bỏ Đà Nẵng, người viết có cảm  nghĩ có điều gì bí ẩn, chỉ riêng mình Ông biết. Nếu lực lượng của ta yếu, xin rút lui để bảo toàn lực lượng, thì Ông đâu có nuối tiếc như vậy. Do đó khi sắp lìa đời, Ông trăng trối với gia đình, thay vì chôn cất ở nghĩa trang địa phương như dự trù, Ông muốn được hỏa táng và tro cốt đem về rải rắc ở đỉnh đèo Hải Vân. Ngày xưa Ông không được chết với Quân Dân của Ông ở bãi Thuận An, cửa Tư Hiền (Thừa Thiên) và Mỹ Khê, Non Nước (Đà Nẵng), thì bây giờ Ông cũng về nằm gần họ trong tình huynh đệ. Thật đáng quý và khâm phục!

Lực Lượng Đảo Chánh

Khi Tổng Thống Thiệu rút SĐ/Dù và sau đó định rút tiếp SĐ/TQLC về Nam, trong khi QĐI đang bị áp lực mạnh của Cộng quân, cần phải được tăng viện. Nhiều người suy đoán Ông Thiệu sợ đảo chánh nên rút 2 SĐ nầy về để bảo vệ. Thực sự, Ông muốn dùng 2 Sư Đoàn trừ bị nầy để trám vào phòng tuyến Sài Gòn của QĐIII, phòng khi bị chọc thủng. Trong quá khứ rất nhiều lần đảo chánh, hai lực lượng nầy cùng với Thiết Giáp Binh là thành phần nòng cốt. Vị Tướng được Tổng Thống Thiệu tín nhiệm chống đảo chánh là Trung Tướng Nguyễn văn Minh, nguyên Tư Lệnh QĐIII/V3CT. Sau nầy Ông Minh được điều động về làm Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, kiêm Tổng Trấn Sài Gòn-Gia Định để bảo vệ Ông.

Lệnh Lạc Của Tổng Thống Thiệu

Không rõ vì bị ám ảnh lời khuyên của Tướng Ted Sarong hay sao, mà Tổng Thống Thiệu hành động từ sai lầm nầy đến sai lầm khác. Ông sợ sau nầy bị lịch sử lên án, nên lệnh lạc của Ông luôn luôn có một ”khoảng trống” dùng làm lối thoát để biện minh. Lệnh của Ông tiền, hậu bất nhất, thay đổi như chong chóng, không dứt khoát, thiếu rõ ràng… Nhóm từ “liệu mà làm” được Ông thường dùng khi ra lệnh, là cái cớ, để đổ lỗi khi thất bại! Những gì mà TS Nguyễn Tiến Hưng viết trong cuốn “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” chỉ là mặt nổi, còn đối tượng thi hành mới biết bí ẩn ở mặt sau.

Xin Dẫn Chứng Rút Bỏ Pleiku - Kontum (Đổ Lỗi)

Ông sợ mất 2 Sư Đoàn 22BB và 23BB nên ra lệnh rút ngay tức khắc. Việc rút bỏ một Quân đoàn không phải là chuyện đơn giản. Cuộc rút quân gấp rút, thiếu chuẩn bị nên thất bại. Ông đổ lỗi cho BTTM thiếu giám sát.

Rút Bỏ Huế – (Lệnh lạc bất nhất ”liệu mà làm”). Ngày 19/3/75, Ông thuận theo lời thỉnh cầu của Tướng Trưởng, xin cố thủ Huế. Hôm sau, Ông lại chỉ thị cho BTTM gởi Công Điện cho Tướng Trưởng: ”Tình hình hết sức khẩn trương, Trung Tướng liệu mà làm”. Đây là lệnh gián tiếp bỏ Huế và Tướng Trưởng thi hành lệnh cho lui binh. Trên đường rút lui, Tướng Trưởng lại nhận được lệnh của Ông: “Nếu tôi ra lệnh trở lại Huế, có thi hành được không?”.

Rút Bỏ Đà Nẵng (Lệnh không dứt khoát). Khi phi trường Đà Nẵng và BTL/Vùng 1 Duyên Hải bị pháo kích, Tướng Trưởng nhận định không thể giữ Đà Nẵng với lực lượng hiện có và xin rút lui bằng đường biển như kế hoạch đã trình. Ông Thiệu không dứt khoát hay rõ ràng khi ban lệnh “thuận cho rút hay ở lại cố thủ” mà chỉ hỏi: ”Nếu rút thì bảo toàn được bao nhiêu quân”. Theo thiển ý người viết, đó là một lệnh gián tiếp cho phép rút quân. Thế mà hôm sau, trên con tàu xuôi Nam HQ404, Tướng Trưởng lại nhận được Công Điện tối mật từ Trung Ương: ”Lệnh của Tổng Thống: Lệnh tử thủ Đà Nẵng vẫn còn hiệu lực. Mọi sự bỏ tuyến, đều sẽ qui trách nhiệm cho Tư Lệnh và Đơn Vị Trưởng.”(sđd tr97).

Tổng Thống Thiệu sợ lịch sử phê phán Ông sau nầy nên ra phản lệnh vào phút chót khiến Tướng Trưởng không sao thi hành được không ngoài mục đích đổ lỗi để chối bỏ trách nhiệm!

Phân Tích Và Phê Bình Cuộc Lui Binh Của QĐI/V1CT

rutquan

So sánh sự thiệt hại của QĐI và QĐII, thì QĐI thiệt hại nhiều hơn. Lý do QĐI/V1CT quân số và dân cư đông hơn. QĐII chỉ bị tổn thất nặng nề ở sông Ea Pha. QĐI thiệt hại ở cả 2 nơi Huế và Đà Nẵng. Nhìn vào sự thiệt hại lớn lao đó, nhiều người đã khắc khe lên án. Phạm Huấn đã viết trong quyển “Những uất hận trong cuộc chiến mất nước 1975”. Đề cập đến cuộc lui binh của QĐI/V1CT, Ông viết: ”Triệt thoái vội vã và không có kế hoạch, lịch trình, sự phối hợp Không Quân và Hải Quân lỏng lẻo và Tư Lệnh Quân Đoàn thiếu khả năng điều động một BTM hỗn hợp.” (trang 75). Người viết không đồng ý với nhận xét và phê phán nầy của Phạm Huấn. Xin đơn cử, chính người viết là người đã soạn thảo kế hoạch lui binh với hai đường lối hành động theo chỉ thị của Trưởng P3/QĐI từ ngày 14/3/75.  Người viết biết rõ thời điểm lúc QĐI lui binh là lúc Ông đang ở Nha Trang với Tướng Phú. Ông viết theo suy diễn chứ Ông không hề là chứng nhân tại chỗ. Xin hỏi “nhỏ” Ông: “Về sự hiểu biết và khả năng quân sự của Ông đạt đến đâu mà dám phê phán một Tư Lệnh Quân Đoàn thiếu khả năng”.

Thử nhìn lại một số cuộc lui binh trong lịch sử chiến tranh cận đại. Xin một đơn cử: cuộc lui binh lịch sử trong trận chiến Triều Tiên. (1950-1953). Từ tờ mờ sáng 26/6/1950 quân Bắc Triều Tiên, với chiến xa, trọng pháo, bất ngờ xâm lăng Nam Triều Tiên. Chúng tiến nhanh, vượt qua Thủ đô Hán Thành và chiếm gần hết lãnh thổ Nam Triều Tiên. Thống Tướng (5 sao) Mac Arthur, một vị Tướng lừng danh của Hoa Kỳ thời Đệ Nhị Thế Chiến, lãnh đạo quân Mỹ, sau đổi thành Lực lượng LHQ, táo bạo đổ bộ lên cảng Incheon, sau tuyến đầu của Địch, phản công đánh đuổi quân Bắc Triều Tiên đến tận sông Áp Lục (ranh giới giữa Trung Hoa và Bắc Triều Tiên), tưởng đã thống nhất được cả nước! Lúc đó quân đội Trung Hoa CS dưới sự chỉ huy của Tướng Bành Đức Hoài, vũ khí thô sơ hơn quân đội LHQ, dùng chiến thuật biển người, một chiến thuật cổ điển của CS, kể cả CSVN, mà có lần Tướng Wesmoreland của Mỹ, phê phán Tướng Giáp là dùng chiến thuật vô nhân đạo, bất chấp thiệt hại về nhân mạng. Nhờ dùng chiến thuật biển người nầy mà quân Tàu đẩy lui quân LHQ về dưới Vĩ tuyến 38! Trong cuộc lui binh nầy, quân đội LHQ cũng bị hỗn loạn, không kịp tổ chức trì hoãn chiến. Đến nay vẫn còn nhiều quân nhân LHQ chết và mất tích tại đó, không tìm được xác. Quân LHQ là quân đội viễn chinh, hành quân trên đất nước lạ, tự do điều động, không vướng bận vào đồng bào của họ. Quân đội CS Bắc Việt cũng là đoàn quân “viễn chinh nội địa”. Họ chỉ tuân theo quy luật của chiến trường: ”Giết hoặc bị Giết”. Còn người lính VNCH, trong lúc hành quân họ còn lo cho sự an nguy gia đình, vợ con và đồng bào… nên nhiều đơn vị rã ngũ trước khi lui binh. Đó là thực tế!

Sự thật về khả năng của Tướng Ngô Quang Trưởng, ngoài những thành tích mà Ông đã có qua suốt chiều dài cuộc chiến cho đến trước những ngày Tháng Tư đen/1975; theo nhận xét của Sir Robert Thompson, chuyên gia du kích chiến người Anh, được trọng dụng từ thời Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho đến Tổng Thống Thiệu. Ông nhận xét Tướng Trưởng,  khi Ông làm Tư lệnh SĐ1BB “Tướng Trưởng có khả năng chỉ huy một sư đoàn quân đội Hoàng Gia Anh”. Còn Tướng Norman Schwargkops, có thời làm Cố Vấn cho Tướng Trưởng, người hùng vùng Vịnh thời TT Bush (cha) phát biểu: ”Tôi áp dụng chiến thuật học hỏi từ Tướng Trưởng vào chiến dịch nầy, nên mới thắng nhanh.” Mặc dù đây là lời khen tặng khiêm tốn của một vị Tướng Mỹ, nhưng trong số các Tướng Lãnh VNCH, có mấy ai được đề cao và kính trọng như thế.

Lời Kết

Nhắc lại chuyện xưa 40 năm qua, chúng ta ai cũng ngậm ngùi, tâm tư lắng đọng, thương cho những quân nhân và đồng bào đã chết trên đường di tản. Ở bên kia thế giới, chắc họ cũng uất ức. Ước gì được sống lại, cầm súng đánh một trận để đời với Cộng quân, rồi chết lại cũng thỏa lòng.

Suy cho cùng, không sớm thì muộn, chúng ta cũng sẽ là người thua cuộc vì sự phản bội của người bạn Đồng minh. Dù lịch sử đã sang trang, nhưng cho tới tận hôm nay, người viết vẫn còn trăn trở về cấp Lãnh đạo, về đồng bào và đồng đội của mình. Thật phũ phàng và cay đắng làm sao!!!

Dù gì thì chúng ta cũng đã mất nước, mất quê hương, sống tha phương. Quy trách nhiệm cho ai đây? Không có ai can đảm đứng ra nói: ”Tôi làm tôi mất nước”, như nhà văn Lê Văn Phúc đã giễu cợt, tự xỉ vả và ngay như Tổng Thống Thiệu, với việc ra lệnh rút bỏ Pleiku, Kontum với tổn thất lớn lao cũng đã nói ”Je suis responsable, mais pas coupable” (tôi chịu trách nhiệm nhưng không có tội). Nước mất, trách nhiệm về ai? Tùy nhận định của mỗi người và lịch sử sau nầy sẽ nói thay chúng ta.

Tháng 3/ 2016

Hiệu chính tháng 5/ 2017

Bảo Tuấn

 

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com