User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

ly thua vinh img 8684

Không phải đến năm 1975 chúng ta mới có tên gọi Thuyền Nhân (Boat People), danh từ dùng chỉ những người bỏ quê hương ra đi tị nạn nước ngoài bằng thuyền khi trong nước có nạn hay những biến cố như thay đổi chính quyền cai trị. Bên Trung Hoa, thời nhà Thanh đánh bại nhà Minh năm 1644, hàng vạn con cháu nhà Minh bỏ chạy ra khỏi nước bằng thuyền đến các nước Đông Nam Á lánh nạn. Tại Việt Nam, thời Trịnh Nguyễn phân tranh, rất nhiều quan quân Đàng Ngoài không thuận với Chúa Trịnh dong thuyền vào Nam thuần phục và chịu làm tôi cho Chúa Nguyễn. Cũng trong thời này, đám người Hoa tị nạn được gọi là người Minh Hương (người trung thành với nhà Minh), cũng đến xin cự ngụ Đàng Trong với Chúa Nguyễn, trong số đó có những người nổi tiếng đã xin làm tôi thần, giúp chúa Nguyễn an định vùng đất lục tỉnh như Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu. Sau đó đến thế hệ thứ hai, cha Hoa, mẹ Việt, như Mạc Thiên Tứ (con Mạc Cửu), và Trần Đại Định (con Trần Thượng Xuyên), cả hai đã giúp sức đắc lực cho nhà Nguyễn Gia Long đánh bại nhà Tây Sơn. Cả hai đều qua đời trước khi Nguyễn Ánh làm chủ Đại Việt năm 1802.

Câu Chuyện Lý Long Tường

Cuối đời Nhà Lý, năm 1225, một biến cố lịch sử xảy ra trên nước Đại Việt ta nên cũng có những thuyền nhân bỏ nước ra đi vì họa diệt vong. Khi vua Lý Anh Tông mất năm 1175, ông không có con trai nối dõi, truyền ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng. Trần Thủ Độ lúc đó đang nắm chức Thái Sư, với quyền hành tuyệt đối trong tay, ông thông dâm với bà Hoàng Hậu Trần Thị Dung, cướp ngôi  nhà Lý bằng cách thu xếp cho Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, cháu trai của mình. Trần Thủ Độ nắm được triều chính liền ra tay tàn sát và tận diệt con cháu nhà Lý bằng khẩu hiệu “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Muốn được sống yên, người họ Lý đổi hết sang họ Nguyễn và một số sợ bị giết phải bỏ nước ra đi. Năm 1226, Hoàng Thân Lý Long Tường (cháu 6 đời của vua Lý Thái Tổ) cùng với 6000 quan quân thân thuộc nhà Lý bỏ trốn khỏi đất Đại Việt bằng thuyền từ Thanh Hóa ra biển Nam Hải. Sau hơn một tháng long đong trên biển, đoàn thuyền của họ Lý tấp vào đảo Đài Loan tránh bão. Tại đây chừng 200 người xin ở lại tị nạn, số còn lại hướng thẳng về phương Bắc. Chừng một tháng sau đoàn người họ Lý đến được cảng Hae-ju của Hàn Quốc (hải cảng này nằm trong tỉnh Hwanghae, sau chiến tranh Triều Tiên 1950, chia đôi lãnh thổ Nam-Bắc, tỉnh Hwanghae cũng bị chia đôi). Tương truyền nhà vua Hàn Quốc là Kojong của triều đại Goryeo (1192-1259) lúc bấy giờ, đêm nằm mộng thấy có một con chim Phượng Hoàng (Phoenix) từ phương Nam bay đến đậu ở vùng núi phía Tây nước Hàn. Nghe tin có một đoàn thuyền chở người tị nạn từ Đại Việt cập bến, vua Kojong ra lệnh cho các quan địa phương trong tỉnh Hae-ju trải thảm đỏ đón tiếp những người tị nạn thật trọng thể. Đoàn người Việt tị nạn dưới sự chỉ đạo của Lý Long Tường được giúp an cư, lập thành làng, sống bằng nghề đánh cá và chăn nuôi. Họ mở trường dạy văn, võ cho con cháu và dân địa phương.

Năm 1232, quân Nguyên Mông, sau khi chiếm được toàn bộ Trung Nguyên, đem thủy lục quân tấn công Hàn Quốc. Tướng quân Lý Long Tường (Yi Yong Sang) anh dũng chỉ huy quân Hàn chống lại và thắng lớn, đánh tan đại quân Mông Cổ xâm lược. Khi ra trận, ông luôn đi đầu, cỡi con ngựa trắng, mình mặc áo giáp trắng, nên vua Hàn gọi ông là tướng Lý Bạch Mã. Năm 1253, dù tuổi đã ngoài 70, danh tướng gốc Việt Lý Bạch Mã lại một lần nữa oanh liệt đánh bại quân Mông Cổ xâm lược lần thứ hai và cũng là lần chót vào đất Hàn. Khi ông mất, Vua Hàn thương tiếc cho chôn cất trọng thể dưới chân núi Di A gần Bàn Môn Điếm ngày nay. Để tưởng nhớ công lao ông, trên đỉnh núi nơi họ Lý thường quỳ gối hướng mặt nhìn về phương Nam nơi nước Việt tổ tiên ông, vua Hàn cho dựng đền thờ và đặt tên là Đồi Vọng Quốc (Peak of Nostalgia) với một tượng đồng cao hướng mặt về phương Nam. Ngày nay dân Hàn vẫn quen gọi đây là Đồi Bạch Mã .

Câu Chuyện Lý Xương Căn

Tính đến năm 1995, hậu duệ của Lý Long Tường ở Bắc Hàn có khoảng 1500 hộ gia đình và 600 hộ ở Nam Hàn. Trong họ tộc có rất nhiều người thành công trong quan trường cũng như thương trường. Trong số đó có những người rất nổi tiếng như Tổng Thống Nam Hàn Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee), vị Tổng Thống đầu tiên của Nam Hàn sau chiến tranh Triều Tiên và nước Hàn chia đôi. Vào những năm 1960, TT họ Lý có liên lạc với TT Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng Hòa nhờ giúp đỡ tìm lại tông tích của tổ tiên ông. Tổng Thống Diệm nhận lời, đặc cách một vị Bộ Trưởng dưới thời giúp TT Nam Hàn tìm lại cội nguồn. Rủi thay đó là thời chiến tranh Việt Nam, mộ phần vua quan nhà Lý nằm ở miền Bắc, cho mãi đến sau khi chiến tranh kết thúc họ Lý mới có cơ hội tìm về nguồn cội.

Năm 1994, hậu duệ của nhà Lý ở Nam Hàn là Lý Xương Căn (Lee Chang Kun) và Lý Tùng Tuấn (Lee Sang Joon)  về Việt Nam đến viếng mộ tổ tiên nhà Lý tại làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và làm lễ cúng bái tổ tiên ở đền Lý Bát Đế. Họ cũng bỏ tiền ra tu sửa lăng mộ, đền thờ tám vị vua nhà Lý. Hai ông họ Lý đã ghi vào sổ lưu niệm tại đền Lý Bát Đế: ”Cháu chắt xin thề nguyện không làm gì tổn thương đến vong linh tổ tiên bằng cả tinh thần và sứ mệnh trách nhiệm”. Lý Xương Căn sinh năm 1958 tại Hán Thành (Seoul) là hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ và là thứ 26 của Hoàng Thúc Lý Long Tường. Năm 2010 ông Căn quyết định đem cả gia đình mình hơn 50 người về Bắc Ninh sinh sống, lập cơ sở kinh doanh sản xuất và xin gia nhập quốc tịch Việt Nam. Ông Căn có một người con trai sinh năm 1997 được đặt tên là Lý Việt Quốc. Ông cho biết: “Tôi luôn tự hào là người con của quê hương Việt Nam, tìm lại đất mẹ với tâm nguyện sẽ góp hết sức mình cho sự nghiệp phát triển của quê hương và cho sự hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc”. Ông cũng chứng tỏ tinh thần trách nhiệm bằng cách xin tình nguyện làm Đại Sứ du lịch của Việt Nam tại Hàn Quốc để quảng bá, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam đến với người Nam Hàn. Năm 1967 nhà báo nổi tiếng Nam Hàn Kang Moo Hak có viết một cuốn sách tiểu thuyết lịch sử có tựa Due Yi Yong Sang ( Hoàng Thúc Lý Long Tường), cuốn sách  này được dịch ta tiếng Việt năm 1996 và cho ra mắt tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Năm 1995, công ty Việt Lý miền Trung do ông Căn làm giám đốc đã đầu tư lớn vào khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam) trong lãnh vực tái chế nhựa. Sau đó công ty mở rộng ra địa bàn TP Đà Nẵng với các lãnh vực thương mãi, du lịch, sân Golf và ông  đưa một số gia đình từ Bắc Ninh vào Đà Nẵng sinh sống. Nay ông Căn nói tiếng Việt thông thạo, cả nhà ông lấy tên Việt và học ngôn ngữ Việt. Khi một phóng viên hỏi ông: “Điều gì để ông chọn Đà Nẵng làm nơi sinh sống và làm việc?”, ông không ngần ngại trả lời: “Cuộc chiến VN trước đây do Nam Hàn đứng về phía của đồng minh Mỹ dẫn đến một số người Nam Hàn bị cuốn vào cuộc chiến đó. Giờ đây người Hàn quốc phải chịu một phần trách nhiệm với mảnh đất miền Trung là giúp tái thiết, xây dựng lại, và hàn gắn vết thương…”

Câu chuyện của tôi và một người Hàn họ Lý

Khi nghe ông Lý Xương Căn nhắc đến câu “… một số người Nam Hàn bị cuốn vào cuộc chiến đó…” là tôi biết ông muốn nói về điều gì. Không phải chỉ là một số người như ông nói mà có đến 50 ngàn thanh niên tuổi còn rất trẻ đã được đưa đến nơi này. Mới đây, ngày 6 tháng 6 năm 2017, đương kim TT Nam Hàn, ông Văn Tại Dần (Moon Jae-in) có bài phát biểu vinh danh những người lính Hàn Quốc đã tham gia chiến tranh Việt Nam bên cạnh lực lượng Mỹ và lính Việt Nam Cộng Hòa, đã làm cho Hà Nội tức giận. Cũng như Tổng Thống Obama trong bài diễn văn nhậm chức năm 2008 có nhắc đến những người lính Mỹ đã hy sinh tại Khe Sanh, miền Trung Việt Nam. Trong số những người lính Nam Hàn được vinh danh này có người bạn của tôi tên Teak Young  Lee ( Lý Hoàng Tất) mà tôi hay gọi thân mật là T Y Lee. T Y được đưa đến Nam Việt Nam tham chiến từ những năm 1968-1972. T Y làm lính tình báo trong Sư Đoàn Lục Quân Mãnh Hổ đóng quân tại vùng núi Vân Sơn, xã Phước Thành, quận Tuy Phước, tỉnh Bình Định quê tôi. Ngoài Sư Đoàn Mãnh Hổ, Nam Hàn còn gởi sang Miền Nam một Sư Đoàn Bộ Binh Bạch Mã (White Horse, lấy tên vị tướng Lý Bạch Mã), và một Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Thanh Long (Rồng Xanh-Blue Dragon). Các lực lượng này đóng quân dọc duyên hải miền Trung từ Quảng Nam đến Nha Trang.

Năm 1992, ông Lý Nguyên Căn đưa gia đình về Bắc Ninh nhận tổ tiên họ hàng thì tại Hán Thành tôi gặp lại T Y. Nói là gặp lại cũng không đúng vì thời T Y đến VN tôi còn quá nhỏ, mới 15 tuổi, chỉ biết T Y và một số bạn lính của anh thường hay đến nhà tôi thăm Bố và họ bút đàm với nhau hàng giờ. Sau đêm định mệnh 1/11/63, TT Diệm bị lật đổ và sát hại, quê tôi bị quân đội Cộng Sản chiếm đóng trong mấy năm liền. Cả nhà tôi bị kẹt trong vùng tạm chiếm, sống dưới quyền kiểm soát của Việt Cộng sau một thời gian dài rồi chúng tôi cũng thoát ra được đến vùng quốc gia, nhờ có quân đội đồng minh phản công chiếm lại. Tôi về sống vùng tự do và được tiếp tục đi học lại Tiểu Học tại Diêu Trì. Trong một bài thơ viết về tuổi thơ giai đoạn này, tôi tâm sự:

Con lớn lên giũa phố đông người thiếu bạn
Sống trong hẻm nghèo thương nhớ xóm làng xưa
Đồng lúa xanh, giếng nước ngọt, cau, dừa
Nhớ chiều trời mưa bong bóng nở đầy sân nhỏ

Khi tôi thi đậu và theo học trường Trung Học Cường Để Qui Nhơn thì T Y là những người lính đầu tiên có mặt trong Sư Đoàn Mãnh Hổ, được đưa đến quê tôi, chiếm lại vùng quê nghèo khổ, sát chân núi, từ tay quân đội Cộng Sản và họ đã lập ở đó một hậu cứ to lớn cho Sư Đoàn gần 20 ngàn lính viễn chinh đóng quân. Từ nhà tôi đến hàng rào kẽm gai quân đội không dài hơn 1 cây số. Những người lính Hàn thường ra khỏi trại, đến nhà dân thăm hỏi, cho quà, làm quen và tìm hiểu dân tình. Họ không biết ngôn ngữ của nhau nên T Y thường trò chuyên với bố tôi qua cách viết chữ Hán qua lại. Vô tình, Bố tôi nhờ biết chữ Hán mà trở thành một thông dịch viên bất đắc dĩ, và tôi cũng học được dăm ba câu chào hỏi tiếng Hàn, học cách đếm số, học hát bài ca Arirang và học võ Thái Cực Đạo. Vị Thiếu Tướng chỉ huy quân đội Đại Hàn tại Việt Nam tên Trần Đồng Hoán  (Chun Doo-hwan) sau khi về nước liền tham gia chính trị. Năm 1980 ông được đưa lên làm Tổng Thống Nam Hàn trong hai nhiệm kỳ. Thời ở Việt Nam ông cũng thường ghé Qui Nhơn thăm trường nơi tôi học và giúp đỡ trường xây một hội trường lớn theo lối kiến trúc cổ rất đẹp.

Năm 90 công ty đề cử tôi về Á Châu làm việc, lãnh đạo các dịch vụ thương mãi trong vùng. Văn phòng chính tại Singapore và mỗi quốc gia trong số 14 nước tôi chịu trách nhiệm đều có một người địa phương cầm đầu (country manager) và một nhóm nhân viên lo công việc nhập khẩu các loại hóa chất của công ty tôi sản xuất, dùng trong lãnh vực kỹ nghệ và nông nghiệp. Lần đầu tôi đến thăm văn phòng đại diện thương mại ở Nam Hàn, tại Hán Thành, T Y đã là xếp lớn ở đây hơn 10 năm. Sau khi nghe tôi tự giới thiệu tên, biết là người Việt nên T Y hỏi thăm quê quán ở đâu. Khi biết tôi người gốc Bình Định, nhà ở gần nơi hậu cứ Sư Đoàn Mãnh Hổ, anh ta liền lấy trong ví ra một tấm hình trắng đen đã mờ qua năm tháng và hỏi tôi có biết người đàn ông chụp chung với anh trong tấm hình này là ai không? Tôi sững sờ, nước mắt rơi nhanh và tay run, ôm chầm lấy T Y, nói người đó đúng là Cha tôi và chúng tôi cùng khóc vui mừng sau hơn 20 năm gặp lại. T Y chỉ vào tôi và nói lớn trong nước mắt ràn rụa vì cảm động với những đồng nghiệp: “đây là người con trai của ông cụ mà tôi thường nói với các bạn tôi đã quen từ 20 năm trước ở Việt Nam, và chàng bé học trò ngày xưa này bây giờ là xếp của tất cả chúng ta đấy”. Tôi nhìn kỹ người đang đứng trước mặt, sau 20 năm, bây giờ là một trung niên chững chạc, tóc điểm bạc, dáng bệ vệ hơn, khác rất nhiều so với người trong hình thời tuổi còn thanh niên 20 thanh mảnh. Còn tôi không khỏi xúc động đựơc nhìn thấy hình người Cha đã qúa cố năm 87, lúc không về được để chịu tang. Gần 20 năm trước T Y đã thường đến nhà tôi bút đàm với Bố, chắc một phần là để điều tra tìm hiểu về dân tình. Tôi trọ học ở xa, mỗi tuần đạp xe hơn 20 km về thăm nhà một lần rồi vội vã trở lại thành phố. Từ năm 65 trở đi, quê nhà tôi bình yên, người dân tản cư đi xa đã quay trở lại. Ruộng lúa, ruộng mía lại đơm bông trong cảnh làng xóm vui sống thanh bình như những 10 năm đầu đời (1953-1963) tuổi thơ tôi đã sống qua. Nhờ có quân đội Nam Hàn giữ an ninh, người dân làng không còn sợ bất an, tôi viết:

Quê nhà bình yên mẹ con trở về nơi vài năm trước
Vài năm sau còn lại đám rừng hoang
Con dựng nhà, mẹ gầy lại mảnh vườn
Mùa Tết quê hương vàng hàng hoa điệp nở

Sau năm 72, sau trận chiến khốc liệt mùa hè đỏ lửa, chính sách Việt Nam Hóa chiến tranh bắt đầu áp dụng và từ từ quân đội đồng minh như Nam Hàn, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Thái Lan, Phi Luật Tân… theo chân quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam, bỏ lại một miền Trung đã tan hoang vì bom đạn, và để lại trách nhiệm giữ đất, chống giặc cho những người lính Cộng Hòa. Năm 72, tôi rời Qui Nhơn lên Dalat theo học Đại Học. Năm 75 theo tàu Hải Quân ra khỏi nước, đến Mỹ. Tôi không ngờ có một ngày được đưa về lại Á Châu làm việc và gặp lại một người quen của gia đình trên quê hương anh.

Nhờ có kinh nghiệm sống và làm việc ở Việt Nam trong thời chiến, trước khi về hưu năm 2010, T Y được công ty Samsung mướn về Bắc Ninh làm Giám Đốc địa phương một thời gian. Từ thời Việt Nam có chính sách đổi mới, mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài năm 1986, Hàn Quốc là nước đầu tư nhiều nhất vào một đất nước với hơn 94 triệu dân, một lực lượng nhân công đông, trẻ và rẻ. Riêng công ty Samsung, với 3 nơi sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh, Tuyên Quang và Saigon, đã đóng góp 36 tỉ đô la, bằng 22.7% trong tổng số hàng xuất khẩu của Việt Nam năm 2016. Có ai ngờ hai nước đã từng là thù địch trong thời chiến lại có ngày sát cánh bên nhau trong lãnh vực kinh tế thời bình. Trong thời gian làm việc tại Bắc Ninh, qua tìm hiểu kỹ về gia phả, T Y cũng biết ông tổ của mình đến từ vùng đất này. Anh vui mừng gọi điện thăm tôi năm 2013, kể cho tôi biết tin này. Anh nói trong xúc động: “Thảo nào mình rất mến người Việt, vì trong máu của mình cũng có dòng máu của Việt tộc”. Tôi cười nói đùa với anh ta: “Biết đâu hai ta chẳng là người từ một dòng họ. Họ Lý qua được Hàn quốc vẫn giữ gốc họ Lý, còn tổ tiên tôi không thoát được phải đổi thành  họ Nguyễn…”

Năm 1975 Miền Bắc xua quân xâm chiếm Miền Nam, hàng trăm ngàn người Việt lại liều chết bỏ nước ra đi vì sợ bị tắm máu, tù tội. Danh từ Thuyền Nhân Việt Nam được thế giới nhắc đến nhiều. Họ đâu biết trước đó 750 năm cũng đã có những thuyền nhân ra đi tị nạn vì thù oán chính trị sau khi triều đình đổi ngôi. 765 năm sau, con cháu những thuyền nhân người Việt đầu tiên đó đã quay về đất tổ. Kẻ thù ra tay giết hại dòng họ Lý năm xưa giờ cũng chỉ còn tên trên những bia danh và cổ sử. Nhưng nay, 43 năm sau, những người của chế độ mới ra tay đàn áp, tù đày, cướp bóc và bạc đãi người miền Nam năm 1975 thì vẫn còn ngồi đó nắm quyền sanh sát. Chẳng lẽ phải chờ hàng trăm năm sau, con cháu chúng ta, những thuyền nhân ra đi tị nạn, mới thấy yên tâm trở về quê nhà?

Nhớ lại năm 1963, năm quê nhà tôi bị Việt Cộng chiếm đóng, nhà thơ đất Quảng Nam mệnh yểu Nguyễn Nho Sa Mạc, mất năm 20 tuổi, đã viết những lời thơ như tiên tri:

Tôi khôn lớn nhìn nỗi buồn đất nước
Một giòng sông biên giới hai loài người
Nỗi đau đớn chất chồng cao bằng núi
Ôi Sài Gòn, ôi Hà Nội  cháy trong tôi

Đó là thời chiến tranh đất nước còn chia đôi, Hà Nội còn quá xa lạ với Sài Gòn. Nay hòa bình đã qua gần 43 năm mà sao những câu thơ trên nghe như thi sĩ mới viết hôm qua. Tôi đã nhiều lần về thăm  nhà, dạo phố Sài Gòn, du lịch Hà Nội, nhưng trong tôi hình như giòng sông biên giới của nhà thơ NNSM vẫn còn chảy mãi. Nhớ lại một ngày đầu tháng 3 năm 75, chào từ giã gia đình đi vào Nam lánh nạn, Bố tôi ôm tôi vào lòng dặn dò con trai dù đi xa, sống xa nhà tôi phải ráng sống làm người lương thiện. Hôm nay, viết bài này, tôi chợt nhớ những câu thơ cũ, cũng của nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc, anh viết như lời dặn của Cha tôi lúc chia ly:

Xã hội vẫn chồng cao từng đống rác
Đất nước mình khói lửa ngót nhiều năm
Cần những bàn tay giữ giống da vàng
Cần những tâm hồn biết thương và biết khóc
Nụ hôn nào ngày xưa vừa chớm mọc
Lần đầu tiên Ba đã hôn tôi
Đất nước tôi đang thiếu những con người
Con phải sống nhưng không vì cơm áo

Vâng thưa Cha, cho dù sống ở nơi nào, dù không là quê cha đất tổ, con cũng ráng sống như lời Cha dặn. Và những thế hệ con cháu của những người tị nạn về sau, trên xứ người sẽ đạt được những  thành công lớn và làm rạng danh dân tộc Việt. Nhưng điểm chính là phải sống làm người lương thiện, sống không vì cơm áo, sống để giữ giống da vàng, sống biết thương biết khóc để chờ một ngày thuận lợi quay về, như Lý Xương Căn, Lý Tùng Tuấn và bạn tôi Lý Hoàng Tất đã quay về với quê Cha đất Tổ. Ngày đó sao thấy còn xa quá!

Nguyên Lương

 

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com