Vào gần cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 xuất hiện hai bài ký sự lý thú có thể hữu ích cho những người muốn tìm hiểu văn chương quốc ngữ trong giai đoạn phôi thai. Qua đó chúng ta cũng có thể thấy được sự khác biệt văn hoá ở mỗi miền của đất nước trong thời gian đầu tiếp xúc với văn minh phương Tây, theo hoàn cảnh riêng của mỗi miền.
“Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi 1876” của Trương Vĩnh Ký tuy không phải là một tác phẩm văn học xưa nhất được viết bằng chữ quốc ngữ, nhưng có lẽ là bài ký sự đầu tiên trong văn học Việt Nam được viết bằng thứ chữ này. Tác giả là một người sống ở Nam Kỳ, lần đầu tiên ra đất Bắc, ghi lại những nhận xét của mình trong suốt chuyến đi dài ba tháng. Hơn 40 năm sau, lại xuất hiện một ký sự khác của một người sinh trưởng ở đất Bắc: “Một Tháng Ở Nam Kỳ” của Phạm Quỳnh.
Theo Henri Cordier [1], “Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi 1876” do nhà in Guilland et Martinon ấn hành lần đầu tiên năm 1881 tại Saigon, năm năm sau chuyến đi của Trương Vĩnh Ký. Tuy nhiên bản in hiện có thể dễ dàng tìm thấy là do Hội Nghiên Cứu Đông Dương in năm 1929 trong Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises tại Saigon [2]. Sau phần quốc ngữ còn có phần dịch ra Pháp ngữ của người con trai út của Trương Vĩnh Ký, ông Nicholas Trương Vĩnh Tống [3].
Ký sự của Phạm Quỳnh được đăng trong Nam Phong Tạp Chí qua ba số 17, 19, và 20, được ấn hành lần lượt vào tháng 11 năm 1918, tháng giêng năm 1919, và tháng 2 năm 1919 [4],[5],[6]. So sánh văn phong và tính cách của mỗi ký sự chúng ta có thể rút ra vài nhận xét lý thú về con người và cách viết văn quốc ngữ ở hai thời kỳ.
Trong bài viết này, khi cần trích dẫn lại hai bản văn trên, chúng tôi giữ nguyên cách viết của tác giả, kể cả những chữ có cách viết khác với cách viết thông dụng của chúng ta hiện nay.
Hành trình của Trương Vĩnh Ký
Đề tựa của ký sự của Trương Vĩnh Ký ghi rõ năm mà Ông thực hiện chuyến đi. Tuy nhiên đây lại là điều làm một số người có chút kiến thức về âm dương lịch thắc mắc. Năm 1876 là năm Bính Tý, tại sao là Ất Hợi?
Ngay đoạn mở đầu, Trương Vĩnh Ký viết:
Năm Ất Hợi (1876), bãi trường tham-biện vừa xong, vùng tính đi ra Bắc chơi một chuyến cho biết. Trong bụng muốn cũng đã lâu; nên xin với quan trên, nhơn diệp chiếc tàu Duchaffaud đi mà đi. Về sấm hòm-rương áo quần. Rủ thầy ba Hớn với ông sáu Thìn, nguyên một người ở tỉnh Bắc Ninh, một người ở Sơn-Tây mà vào trong Nam Kỳ đã lâu, đi theo trước là cho có bạn, sau nữa là cho họ về thăm quê-quán.
Qua ngày 18 Tháng Chạp đề-huề xuống tàu. Sớm mai giờ thứ 9 rưỡi nhổ neo. Vợ con đi đưa, ngồi xe đi rảo trên bờ cho đến tàu quày trở rồi riu-ríu chạy xuống đồn Cá-trê, mới về. Xế giờ thứ hai ra cửa Cần-giờ, chỉ mũi chạy ra mũi Né.
Tới Cửa Hàn
Ngày 21 vô vũng Hàn 1 vừa giờ thứ 5 chiều. Vô đó mà đưa ông Nguyễn-hữu-Độ, là quan triều sai vô, lên mà về kinh. 2 Đậu ngủ đó một đêm.
Chạy hai ngày rưỡi nữa, vô thân trong Cát-Bà đậu lại đó (ngày 25 hồi giờ thứ 10). Đến giờ thứ nhứt rưởi 3 qua tàu Aspic mà lên Hải-phòng (đồn Ninh-hải).
Tới Hải-Phòng
Lên bờ đi thăm quan lãnh-sự (M. Turc), rồi qua bên kia sông tới trọ nhà chú Khách Wan-sing. Sáng bữa sau lại qua ăn cơm nơi quan lãnh-sự, rồi đi thăm các thầy làm việc ở đó cho luôn.
(Chú thích:
1. Sông Hàn ở Đà Nẵng.
2. Nguyễn Hữu Độ là quan của triều đình Tự Đức, được cử vào Nam Kỳ thương lượng với Pháp, nay trở về kinh đô Huế trên cùng chiếc tàu Duchaffaud với Trương Vĩnh Ký.
3. Đây có lẽ là lỗi của nhà in, vì trong câu trên Trương Vĩnh Ký viết “rưỡi”.)
Như vậy đã rõ. Ông khởi hành ngày 18 tháng Chạp Ất Hợi nhằm ngày 14 tháng 1 năm 1876, trên chiếc tàu Duchaffaud. Ngay ở trang đầu, tác giả đã cho chúng ta biết nhiều chi tiết. Thuở ấy, tàu thuỷ đi từ Saigon đến Đà Nẵng (Cửa Hàn) mất gần ba ngày rưỡi. Đi thêm hai ngày rưỡi nữa thì đến đảo Cát-Bà, Hải Phòng. Sau đó Ông phải đổi tàu để đi từ đảo Cát Bà lên cảng Hải Phòng. Như vậy chuyến tàu từ Sài Gòn đi Hải Phòng kéo dài hơn sáu ngày.
Để dễ hình dung, chúng ta thử vẽ lại hành trình của Trương Vĩnh Ký trong chuyến đi này. Chúng tôi dùng ngày dương lịch thay cho ngày âm lịch mà tác giả ghi trong bài.
- 01.1876: Xuống tàu Duchaffaud.
- 01.1876: Đến Đà Nẵng.
- 01.1876: Đến Cát-bà, đổi sang tàu Aspic đi Hải Phòng, từ đó đi đường bộ bằng võng cáng.
- 01.1876: Lên Hải Dương, gặp Phạm Phú Thứ, Nguyễn Doãn.
- 02.1876: Đến Hà Nội, thăm Chùa Nguyễn Đăng Giai, Hồ Hoàn Kiếm,1 Đền Kỉnh Thiên, Cột Cờ, Đền Công, Chùa Trần Võ Quan,2 Chùa Một Cột, Hồ Tây, Văn Thánh Miếu.
- 02.1876: Dự tính đi Bắc Ninh, nhưng tờ mờ sáng hôm đó quan thượng (có lẽ là Tổng Đốc Hà Nội–Ninh Bình Trần Đình Túc) mời sang gặp ông đại thần dưới Hải Dương lên (có lẽ là Phạm Phú Thứ). Trương Vĩnh Tống dịch “quan thượng” sang Pháp ngữ là “le Tông-Dôc”, còn “ông đại thần” được dịch là “le grand mandarin”.
- 02.1876: Rời Hà Nội trở lại Hải Dương, đến Hải Dương ngày 14.02.
- Đến đoạn bút ký này Trương Vĩnh Ký dừng việc ghi chép về chuyến đi và dành nhiều trang giấy để viết về Hà Nội và Hải Dương, từ nguồn gốc lịch sử đến địa lý, thành quách, khí hậu, phong tục, con người.
- 02.1876: Rời Hải Dương đi Hải Phòng, đến Hải Phòng 4g30 chiều ngày hôm sau 17.02. Đến nơi thì chiếc tàu mà Trương Vĩnh Ký định đón để trở về Nam Kỳ đã rời đi từ buổi trưa cùng ngày. (Cần nhớ là Ông đi đường bộ bằng võng cáng.) Như vậy dự tính ban đầu của Ông chỉ ở Bắc Kỳ một tháng. Ông ở lại Hải Phòng thêm mười ngày, rồi tiếp tục đi các nơi khác.
- 02.1876: Nhờ người mướn đò đi Nam Định. Ngày 28.02 qua Thái Bình, rồi đến Nam Định ngày 29.02.
- Đến đây Trương Vĩnh Ký lại dành hơn ba trang giấy để viết về Nam Định, như cách Ông miêu tả Hà Nội và Hải Dương.
- 03.1876: Rời Nam Định đi Ninh Bình để viếng Phát Diệm. Đến Phát Diệm ngày 03.03, thăm cụ Sáu xứ chính sở tên Trần Triêm, mà triều đình Huế gọi là Trần Lục. Tại đây Trương Vĩnh Ký đi viếng các nhà thờ, hang đá.
- 03.1876: Rời Phát Diệm đi Thanh Hoá, viếng Lã Vọng, Hang Thị, Động Từ Thức, Hang Dơi.
- 03.1876: Đến Thanh Hoá. Trương Vĩnh Ký lại viết đầy đủ về địa lý và đất đai xứ này.
- 03.1876: Đi Tam Điệp, Ninh Bình. Đến đây Ông lại có phần mô tả về Ninh Bình.
- Ở Ninh Bình 3 ngày, Ông trở về Hà Nội. Trên đường đi ghé Hưng Yên. Lại viết chi tiết về Hưng Yên. Ông có ghé thăm Nhứt Dạ Trạch,3 làng gốm Bát Tràng.
- 03.1876: Về tới Hà Nội.
- 03.1876: Lên đường đi Hải Phòng, đến 24.03 tới Hải Phòng thì lại trễ chuyến tàu l’Indre đi Gia Định, đã rời bến trước đó 3 tiếng. Lần này Trương Vĩnh Ký ở lại Hải Phòng chờ 21 ngày mới đón được tàu Surcouf về Nam. Trong thời gian này Ông thăm viếng, đọc sách, viết lách, dự tiệc và chơi hát nhà trò do các quan địa phương thết đãi. Khoảng một tuần lễ trong thời gian này, Ông thay mặt ông tham biện Cư để hành xử việc quan. Đúng lúc đó xảy ra việc ba cô gái bị bọn giặc Ngô (Tàu) bắt cóc giam trên thuyền. Ông nhờ viên chức Pháp làm thương chánh (quan thuế) ra lịnh cho lính khám xét thuyền của giặc Ngô, cứu thoát các cô gái, bắt giam bọn Ngô đem về Hải Dương trị tội. Ông được gặp lãnh sự Anh quốc (Hồng-mao), và được mời xuống thăm tàu Egeria của họ.
- 04.1876: Lên tàu rời Hải Phòng, về đến Saigon ngày 20.04.1876. Chuyến đi của Trương Vĩnh Ký dự định xảy ra trong hơn một tháng đã kéo dài hơn ba tháng.
(Chú thích:
1. Trương Vĩnh Ký viết là Hồ Hoàn Gươm.
2. Tức Trấn Vũ Quán hay Đền Quán Thánh. Bức tượng ông thánh đồng đen mà Trương Vĩnh Ký mô tả là tượng Huyền Thiên Trấn Vũ.
3. Nhứt Dạ Trạch: Đầm Một Đêm hay Đầm Dạ Trạch: Nơi quân của Triệu Quang Phục ẩn náu khi bị quân nhà Lương vây đánh. Theo truyền thuyết đây là nơi thành quách của Chử Đồng Tử và Tiên Dung biến mất sau một đêm. Trương Vĩnh Ký chỉ ghi vắn tắt “Nhứt-dạ-trạch thuở xưa”.)
Hành trình của Phạm Quỳnh
Chuyến đi của Phạm Quỳnh vào Nam diễn ra 42 năm sau đó, nhưng khác với bài bút ký của Trương Vĩnh Ký, chúng ta phải đợi đến trang thứ hai mới được biết tác giả rời Hà Nội đi Hải Phòng bằng xe lửa ngày 21 tháng 8 năm 1918, rồi lên tàu ngày 22 tháng 8 để vào Nam. Đoạn mở đầu của Phạm Quỳnh khá dài dòng:
Làm trai đã đáng nền trai,
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng.
Cứ theo lời ca dao đó thì tôi đây có lẽ cũng đã đủ tư cách làm một “nền trai” đất Nam Việt vậy. Mùa xuân năm nay đã trải qua mười ngày ở Huế, mùa thu này lại từng ở một tháng Nam Kỳ, … không kể trong ngoại hai mươi năm trời đã sinh trưởng ở chốn Thăng Long đô cũ, trong khoảng sông Nhị núi Nùng; nếu có thế mà đủ làm trai Nam Việt, thì tôi đây thật đã thập phần xứng đáng rồi. Nhưng mà đoái nghĩ: nghề làm trai ở đời, nhất là làm trai nước Nam này, há phải dung dị lắm rư? Lời ca dao kia há có thiển nghĩa thế ru? Ôi! đương buổi Quốc Triều gây dựng cơ đồ, đánh Nam dẹp Bắc, thiếu gì những kẻ tang bồng hồ thỉ, chí khí nam nhi, nay tòng quân ở Thuận Hoá, mài viễn thú đất Đồng Nai, vào sinh ra tử chốn sa tràng, mong lập công danh cùng xã tắc: lời ca dao kia là tả cái chí của những bậc vô danh anh hùng đó, chớ có đâu lại hợp với cái cảnh một kẻ thư sinh nhỏ mọn như bỉ nhân đây, thừa lúc trong nước còn hiếm người mới ra lạm một phần ngôn luận với quốc dân, nghĩ mình lắm lúc đã thẹn thay, có đâu lại mê cuồng đến đem lời khen của cổ nhân mà tự gán cho mình! …
Song
Đi cho biết đó biết đây,
Ở nhà với mẹ đến ngày nào khôn,
ca dao lại cũng có câu như thế, thì tuy ở Huế mười ngày, Nam Kỳ một tháng, chưa đủ làm được “nền trai” Nam Việt, mà cũng đủ học “khôn” được ít nhiều.
Rồi với một giọng văn tương tự, Ông tỉ tê kéo dài gần hai trang giấy mới đến đoạn thuật lại việc Ông lên xe lửa từ Hà Nội xuống Hải Phòng để đáp chuyến tàu Porthos của công ty Hằng Hải Á Đông (Cie des Messageries Maritimes). Khác hẳn với câu văn ngắn gọn, đơn giản như văn nói của Trương Vĩnh Ký, câu văn của Phạm Quỳnh dài dòng hơn, bóng bẩy hơn, như vẫn còn chịu ảnh hưởng của lối văn biền ngẫu ngày trước. Hơn nữa, tuy tựa bài là “Một Tháng Ở Nam Kỳ”, nhưng Ông dùng hơn bốn trang đầu để triết lý về cuộc sống và tả cảnh Hải Phòng.
Phạm Quỳnh cũng cho chúng ta biết chuyến tàu Ông đi từ Hải Phòng vào đến Vũng Tàu mất hai ngày ba đêm, do phương tiện tốt hơn, ngắn hơn chuyến đi của Trương Vĩnh Ký hơn 40 năm trước. Cách Ông mô tả sự lộng lẫy của chiếc tàu Porthos mà Ông gọi là “kềnh-nghê bằng gỗ sắt” (kình ngư bằng gỗ sắt) khiến chúng ta liên tưởng đến những chiếc cruises đi du lịch vòng quanh thế giới hiện nay. Hãy nghe Ông tả:
Hai giờ trưa ngày 22 dọn đồ xuống tàu. Tàu to lớn thay! Thật như một cái thành thả trên mặt nước vậy. Bề dài ước một trăm rưởi thước tây, bề rộng ở giữa đến 25, 30 thước. Vào trong không quen như mê-li, chẳng biết đường nào vào đường nào, phải có người dẫn mới tìm thấy buồng. Sau đi dạo qua một lượt các hạng các từng mới biết cách sắp đặt thật là khéo, thật là chỉnh-tề, thật là có ngăn-nắp mà rõ ra đâu vào đấy, nghĩ người nào vẽ ra cái qui-mô ấy thật cũng tài thay. Có ba hạng, hạng tư là đi trên “boong”. Hạng nhất, nhì, ba đều có buồng ăn buồng ngủ, chỗ ngồi chơi chỉnh-đốn lắm, mà hạng nhất thì thật là lịch-sự: các buồng trang-sức cực đẹp, đồ gỗ bóng lộn, pha-lê trong suốt, mặt gương lấp-loáng, màn đệm trắng bong, bồi khách ăn-bận sạch-sẽ, nhất-loạt đầu trọc, áo trắng, quần táo-tầu, hầu-hạ rất có phép-tắc, thật là nghiễm-nhiên như một nhà khách-sạn thượng-hạng ở Hà-nội hay Sài-gòn vậy.
Câu văn của Phạm Quỳnh, như đã thấy, khá dài dòng. Rất tiếc Trương Vĩnh Ký đã không viết rõ hơn về chiếc tàu Duchaffaud, Aspic, và Surcouf mà Ông đi hơn 40 năm trước Phạm Quỳnh để chúng ta có thể so sánh.
Chính vì cách viết tản mạn, việc vẽ lại hành trình thăm Nam Kỳ của Phạm Quỳnh có khó khăn. Có thể tóm tắt chuyến đi của Ông như sau:
- 08.1918: rời Hà Nội đi Hải Phòng.
- 08.1918: lên tàu Porthos rời Hải Phòng đi Saigon.
- Sau hai ngày rưỡi ba đêm tới Vũng Tàu. Sáng ngày thứ tư đến Saigon.
- Dạo chơi đường Catinat mà Ông gọi là “con đường có tiếng nhất Saigon”. Ông ghi lại cảnh xe hơi tấp nập:
Trên đường thì xe hơi không biết mấy trăm mấy chục mà kể, tiến lên êm như ru, như vô-số những làn sóng tự ngoài xa đưa lại, rạt cả bên bờ nhà “Đại-lục khách-sạn” (Hôtel Continental).
- Ông đánh giá Saigon, cái “hạt báu của Á-đông” (la perle de l’Extrême-Orient), hơn hẳn Hongkong và Singapore, tuy Ông thú nhận là chưa đến hai nơi này.
- Chiều tối Ông cùng với Chủ nhiệm “Nam-kỳ tân-báo” là Bùi Quang Chiêu và Nguyễn Phú Khai vào Chợ Lớn dự tiệc kỷ niệm ngày báo được đầy năm. Tại đây Ông gặp nhiều nhà báo của nhiều tờ báo khác ở Nam Kỳ. Nhờ vậy Ông có dịp so sánh sự phát triển của báo chí ở Nam và Bắc, khen có chê có.
- Sau hai tuần thăm viếng nhiều nơi ở Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn, Ông sửa soạn đi lục tỉnh. Ông không mô tả nhiều về các nơi Ông đến thăm, ngoại trừ một đoạn ngắn về Lăng Ông và Lăng Cha Cả.
- Phần hai dài 13 trang, nhưng Phạm Quỳnh không viết gì về chuyến đi của mình mà dành hầu hết bài này cho những lời tự sự. Mở đầu Ông viết:
Các anh em quen biết cũng thường khuyên: “Ông đã về tới đây, nên dạo chơi cho khắp, cho biết đó biết đây, kẻo không có mấy khi cất ra đi được. Vả có đi Lục-tỉnh mới biết dân-tình phong-tục trong này, ở những chốn phiền-hoa như Sài-gòn thì lại biệt ra một cảnh-tượng khác. Ông cứ đi, dân Lục-tỉnh đã có tiếng là dân mến khách, có qua mới biết cái lòng trung-hậu của bạn đồng-bang trong này.”
Trong bụng đã muốn đi, lại được anh em khuyên nhủ như vậy, cầm lòng sao được? Chỉn ngại mình là người xa lạ, chửa quen biết ai, cất chân ra đi một mình như vậy, có nhiều nỗi không tiện chăng. Nhưng trong bọn anh em có ông quá yêu, thấy mình du-dự, cười mà đọc câu tống-biệt trong Đường-Thi:
Mạc sầu tiền-lộ vô tri-kỷ …
Tuy tự xét mình có đâu đã xứng đáng lời thơ của cổ-nhân mà nghĩ lại trong ngót hai năm trời nay nhờ ngọn gió Nam đưa khắp mọi nơi có lẽ ở chốn chân trời nơi góc bể cũng được một vài người tri-kỷ, biết đâu?
Ý Phạm Quỳnh muốn nhắc đến bài thơ tứ tuyệt “Biệt Đổng Đại” của Cao Thích đời Đường, hai câu cuối là “Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ, Thiên hạ thuỳ nhân bất thức quân” (Đừng buồn vì đường phía trước không có tri kỷ, Trong thiên hạ có ai là không biết đến anh). Vì sức khoẻ, Ông không thể đi ngay được nên dành khá nhiều trang giấy để viết về ý nghĩ và hiểu biết của mình về mảnh đất Nam Kỳ.
- 09.1918: đi xe lửa xuống Mỹ Tho.
- Phần ba, Phạm Quỳnh cho biết từ Mỹ Tho Ông đi xe kiếng (xe hòm chung quanh có cửa kính, do ngựa kéo) về Chợ Giữa.
- Trở về Mỹ Tho, Ông ngược sông Tiền đi Long Xuyên. Sau đó Ông đi Cần Thơ, Sa Đéc, Vĩnh Long, rồi trở về Sài Gòn.
- 10.1918: Phạm Quỳnh lên tàu trở về Bắc. Chuyến đi của Ông kéo dài hơn một tháng.
Câu văn và chữ dùng
Trương Vĩnh Ký dùng nhiều từ ngữ của Nam Kỳ Lục Tỉnh (mầng-rở = Mừng rở, coi hát bội cho no, nghỉ chơn, mỏi chơn mỏi cẳng, chê rang, hư tệ) trong khi Phạm Quỳnh dùng phương ngữ miền Bắc (lĩnh canh = Tá điền, xem tuồng = Xem hát). Tuy nhiên một điểm đáng chú ý là Phạm Quỳnh viết “xe hơi” thay vì “ô tô”, “xe lửa” thay vì “tàu hoả”.
Trương Vĩnh Ký có khuynh hướng viết câu ngắn gọn, câu văn đơn giản như văn nói. Ví dụ trên đoạn đường từ Hải Phòng qua Hải Dương để lên Hà Nội, Ông viết:
Lên Hải Dương
Tối lại, đi theo thuyền ông thương biện Lương 1quen khi đi sứ bên Tây năm 1863 mà lên tỉnh Hải Dương, 27 tới tỉnh. Vào thành ra mắt quan lớn là ông Phạm-phú-Thứ 2 làm thương chánh đại thần kiêm tổng-đốc tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng-yên, có quen thuở đi sứ bên Tây. Người mầng-rở lắm. Nội ngày cũng tới viếng ông Tuần Phủ Nguyễn Doãn, nguyên trước có quen khi người vô giao hoà lần sau tại Gia Định.
Đi Lên Hà Nội
Các quan cầm ở lại đó chơi, ăn tết rồi hãy lên Hà Nội, khi ấy là mùa đông, trời rét lạnh nên ăn ngon cơm lắm. Mấy bữa ấy, hội các quan lớn nhỏ cả tỉnh đủ mặt; khi ăn khi uống chuyện-vản cả đêm cả ngày. Quan đại lại bày làm rạp hát cho ba bữa luôn, coi hát bội cho no, rồi lại hát nhà-trò. Vui-vầy với nhau thể ấy cho tới mồng 6 tết, chiều giờ thứ nhứt mới lên võng lên cáng mà đi đường bộ lên thành Hà-nội. Trước hết nghỉ chơn tại cái chùa kia. Qua cung sau, nghỉ Ngạt-kéo, mặt trời chen lặn tới huyện Cẩm-giàng. Ông huyện tên là Dương-Xuân ra rước vô nhà ngủ đó. Sáng, cơm nước rồi giờ thứ 8 từ-giã ra đi.
(Chú thích:
1. Lương Văn Thể, viên quan tháp tùng phái đoàn Phan Thanh Giản, tòng ngũ phẩm (theo tài liệu của Hervé Bernard phổ biến trên internet năm 2015. http://ecole.nav.traditions.free.fr/pdf/rieunier_cochinchine.pdf).
2. Phạm Phú Thứ là Phó sứ trong phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp năm 1863 để xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Trương Vĩnh Ký được Thống Đốc Nam Kỳ cử đi chung với phái đoàn, với tư cách thông ngôn.)
Tuy nhiên văn chương quốc ngữ thời kỳ phôi thai có đôi khi khó hiểu cho người Việt hiện nay. Ví dụ câu sau đây trong đoạn mở đầu (đã trích dẫn bên trên)
Qua ngày 18 tháng chạp đề-huề xuống tàu. Sớm mai giờ thứ 9 rưỡi nhổ neo.
Chữ “Sớm mai” có nghĩa buổi sáng ngày 18 tháng chạp hay sáng ngày hôm sau (ngày mai)? Khi dịch sang Pháp văn, Trương Vĩnh Tống chỉ dịch ngắn gọn
Le bateau leva l’ancre à neuf heures et demie. (Tạm dịch: Tàu nhổ neo lúc 9 giờ rưỡi.)
Nghĩa là theo Trương Vĩnh Tống “Sớm mai” là buổi sáng cùng ngày 18 tháng chạp Ất Hợi, tức ngày 14 tháng 1 năm 1876. Tuy nhiên trong báo cáo mật gửi Thống Đốc Nam Kỳ, Trương Vĩnh Ký viết 1
Parti de Saigon le 15 janvier sur le croisseur Duchapaud,2 nous touchâmes Tourane pour y déposer deux fonctionnaires annamites ; quelques jours d’après nous arrivons à Haiphong où je quittait le bord.
Tạm dịch:
Khởi hành từ Sài Gòn ngày 15 tháng 1 trên tàu tuần dương Duchapaud, chúng tôi ghé Tourane để hai viên chức An Nam 3 xuống bến; vài ngày sau tàu cập bến Hải Phòng, tôi rời tàu.
Xin nhắc lại, ngày 18 tháng chạp Ất là ngày 14.01.1876. Như vậy chúng ta nên hiểu chữ “Sớm mai” là sáng ngày hôm sau (sớm ngày mai).
(Chú thích:
1. Trương Vĩnh Ký viết bản báo cáo này ngày 28 tháng 4 năm 1876, 8 ngày sau khi Ông về lại Sài Gòn. Jean Bouchot đã sưu tầm và in lại bản báo cáo này trong quyển “Petrus J.-B. Trương-Vĩnh-Ký, Un Savant et un Patriote Cochinchinois”, in tại nhà in Nguyễn văn Của, Sài Gòn, năm 1927, từ trang 34 đến trang 41.
2. Chúng tôi không biết đây là lỗi có sẵn trong báo cáo của Trương Vĩnh Ký, hay lỗi trong quyển sách của Jean Bouchot. Đúng ra là “croiseur” (tàu tuần dương), và tên chiếc tàu trong quyển “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi” là Duchaffaud chớ không phải Duchapaud. Thử tìm trên mạng internet, chúng tôi tìm được chi tiết: vào cuối thế kỷ 19 Pháp có chiếc tàu chiến Duchaffaud.)
3. Trong bài bút ký “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi” Trương Vĩnh Ký viết tàu ghé Tourane (Đà Nẵng) để quan triều đình Nguyễn Hữu Độ trở về Huế.)
Một ví dụ khác, trong đoạn viết về Văn Thánh Miếu, Trương Vĩnh Ký viết
Rằm quan thượng trong tỉnh cho mời vô thì cơm với người. Người cho đi bắn cò chim về uống rượu, lại hối bà lớn và các cô làm mắm rươi hai ba thứ cho mà ăn thử với thịt kẻo chưa biết.
Người ham hỏi chuyện và nói chuyện lắm, cả ngày coi sách coi vở luôn-luôn. Người ăn-học lịch-lãm đã nên là có công.
Những chữ “đã nên là có công” trong câu cuối rất khó hiểu đối với người Việt chúng ta hiện nay! Trương Vĩnh Tống dịch ra Pháp ngữ:
Sa solide instruction prouvait qu’il avait été studieux. (Tạm dịch: Kiến thức vững chắc của ông chứng tỏ ông rất chăm chỉ học hỏi.)
Vì vậy câu “Người ăn-học lịch-lãm đã nên là có công” có lẽ được hiểu theo cách viết của chúng ta hiện nay là “Vốn kiến thức và nét lịch lãm chứng tỏ người rất chịu khó (tốn công) học hỏi”.
Trái với Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh dùng nhiều sáo ngữ và thường viết câu rất dài, câu văn vẫn còn phảng phất âm hưởng của lối văn biền ngẫu ngày trước. Tả cảnh đi trên chiếc tàu Porthos từ Hải Phòng vào Sài Gòn, Ông viết:
Đêm đã khuya, trăng đã tà, gió đã lạnh, mới xuống phòng nằm nghỉ. Trong tàu bấy giờ đã vắng kẻ đi người lại, lắng tai nghe như có tiếng rền-rĩ âm-thầm tự đâu dưới đáy bể đưa lên, lại có lúc như tiếng diều sáo kêu tự đâu trên mấy từng mây vẳng xuống: vo-vo, ve-ve, hu-hu, hi-hi, văng-vẳng xa nghe như não như nùng, như ai như oán, như mấy muôn vàn cái oan-hồn vừa than vừa khóc trong khoảng trời nước mênh-mông. Đêm khuya thanh vắng, nghĩ mà rùng mình, tưởng-tượng như đó là oan-hồn của những kẻ tử-trận bên Âu-Châu, thừa lúc đêm đã gần tàn, trời sắp sang sáng, thoát-li chốn chiến-trường hôi-hám mà bay bổng trong khoảng rộng thanh-cao, thân-ngâm nỗi biệt-li sinh-tử mà kinh-hoàng giấc mộng tàn của lũ người đời say tỉnh.
Một điểm đáng chú ý khác là Phạm Quỳnh dùng rất nhiều từ Hán-Việt, trong đó có nhiều từ hiện nay không còn thông dụng. Ví dụ: kỷ-thuật (tự kể lại, chú ý “kỷ-thuật”, không phải “kỹ-thuật”), tự-lệ (tự khuyên, tự khích lệ), một-thú (hết còn hứng thú, “một” như trong chữ “mai một”), thực-dân (di dân đi nơi khác kiếm sống), phì-liệu (chất làm cho đất phì nhiêu, phân bón).
Chính vì thói quen thích dùng từ Hán-Việt, Phạm Quỳnh tỏ ra coi nhẹ văn chương quốc ngữ Nam Kỳ. Ông nhìn nhận báo giới Nam Kỳ phát triển nhanh hơn Trung và Bắc Kỳ, người dân trong Nam ham đọc sách báo hơn, chịu bỏ tiền mua sách báo hơn, nhưng Ông chê trách trí thức Nam Kỳ:
Song có một điều nên chú-ý, là báo nhiều như thế, sách nhiều như thế, mà bán được chạy, có nhiều người mua, thời cũng là một cái chứng rằng dân Nam-kỳ có tính ham đọc sách và có tiền thừa mua sách. Như vậy mà nếu có những báo thiệt tốt, sách thiệt hay cho mà đọc thì ích-lợi biết bao nhiêu. Chẳng bù với dân Bắc-kỳ Trung-kỳ, trăm người chưa được một người đọc thông chữ quốc-ngữ, mười người đọc thông chữ quốc ngữ chưa được một người thích xem văn quốc-ngữ, lại thêm dân nghèo, bỏ ra mấy đồng bạc mua báo một năm đã lấy làm một món tiền nặng; đến những bậc sĩ-phu thì phần nhiều những quẩn-quanh trong vòng danh-lợi mà sao nhãng những việc văn-chương; nghề làm báo làm sách thật không được đủ điều tiện-lợi như Nam-kỳ. Cho nên khá tiếc thay cho những bậc trí-thức trong Lục-châu không biết khéo lợi-dụng cái cơ-hội tốt ấy mà đặt để ra những sách vở hay có ích cho phong-hoá, nỡ để cho cái lòng ham đọc sách, ham mua sách của người dân ấy ngập vào những sách vở hoặc vô-vị, hoặc tầm bậy không ra gì, thật uổng quá.
Nay nhân nói về nghề làm báo làm sách, nên xét qua cái tình-trạng văn quốc-ngữ ở Nam-kỳ thế nào. Chữ quốc ngữ thì đã thông-dụng lắm rồi, đàn bà con trẻ thường biết đọc biết viết cả: nhưng đến văn quốc-ngữ thì xem ra chưa được phát-đạt lắm. Trừ mấy nhà văn-sĩ có tiếng, còn thì cái trình-độ quốc-văn đại-để hãy còn kém. Sự kém đó là bởi nhiều lẽ. Thứ nhất là Nam-kỳ bỏ nho-học đã lâu, bao nhiêu cái văn-điển cũ đã hầu mất hết không còn. Mà văn quốc-ngữ ngày nay muốn cho thành văn-chương, muốn cho phát-đạt được, phi nương-tựa, phi tổ-thuật 1 cái văn-điển cũ ngày xưa thì không thể nào được.
(Chú thích: 1 tổ thuật (祖 述): noi theo)
Ông bênh vực cho chủ trương học chữ nho để tinh thông chữ quốc ngữ:
Xưa học chữ nho là vị chữ nho mà học chữ nho, nay học chữ nho là vị quốc-văn mà học chữ nho. Cái mục-đích đã khác, cái phương-pháp cũng không giống. Xưa phải rùi mài kinh-sử, từng trải thiên-kinh vạn quyển mới thi đậu được một chân đại-khoa, mới làm nổi được một nhà văn-sĩ có tiếng. Nay chỉ học cho đủ sự cần-dùng về quốc-văn mà thôi, chỉ học cho đủ hiểu hết một quyển Kim-Vân-Kiều hay một quyển Lục-vân-Tiên mà thôi, thì có khó gì? Trước trăm phần nay không được một phần. Nhưng cái một phần ấy rất cần, không biết thời không thể nào cầm ngọn bút mà viết thành bài văn quốc-ngữ được, dẫu tài-giỏi khôn khéo đến đâu cũng không làm thế nào ra cái “hơi” văn An-nam được, vì cái “hơi” ấy là tự mấy mươi đời truyền lại cho ta, không thể tự mình mà đặt lấy ra được.
Ông chủ bút Nam Phong còn bàn về việc học chữ nho trong nhiều số Nam Phong Tạp Chí khác. Nhân đây chúng tôi muốn nhắc lại bức “Thư ngỏ cho chủ-bút Nam-Phong” của một độc giả Nam Kỳ ký tên Ng.-H.-V. Trong quyển sách biên khảo “Hồ sơ về Lục Châu học” [7], Nguyễn Văn Trung khẳng định độc giả đó là Nguyễn Háo Vĩnh, nhưng không đưa ra chứng cứ. Trong bức thư khá dài gửi Phạm Quỳnh, đăng trên Nam Phong Tạp Chí [8], ông Ng.-H.-V. viết: (chúng tôi giữ nguyên cách viết kể cả những lỗi chính tả của tác giả)
Cái mục-đích của Nam-Phong muốn tỏ cho bọn quan lại và các nhà nho ở Trung-Kỳ và Bắc-Kỳ biết rằng ngoài cái văn-học cũ của Tàu còn có nhiều cái văn-học khác, nhiều cái khoa-học khác nữa, đã gần đạt được rồi. Còn cái ước ao mở-mang trí-dân mà chẳng biết chữ Hán, chỉ biết chữ quốc-ngữ hay là tiếng Langsa mà thôi, ở trong cõi Đông-Dương thì chẳng một chút xiếu gì thành hình được!
Bởi sao vậy?
Là vì các bài quốc-ngữ, Chủ-Bút Nam-Phong cùng các người phụ-bút dùng nhiều chữ Hán quá, nên coi khó hiểu lắm — có chổ chẳng hiểu các ngài muốn nói cái chi chi! Coi mà chẳng hiểu thì có ích lợi gì đâu — lần lần người ta ngã lòng trông cậy, chẳng còn muốn coi nữa!
Các ngài làm như thế thì hình như các ngài là người Tàu qua lấy nước Annam, muốn đem tiếng của nó qua mà thế cho tiếng nước ta vậy. Tôi cảm-ơn các ngài, tôi chẳng cần các ngài làm việc ấy! Trải ngoài nghìn năm, người Tàu đã làm đều ấy rồi! Chúng nó đem chữ Hán mà thồn mà nhét, mà ém, mà nhận vô trong tiếng của ta đến đổi tiếng của ta chẳng có thể tiêu-hoá nó được nên phải phát ách: đau lâu, trải ngàn năm cái xát phải chết, cái hồn phải tan phải nát.
Khi nhà nước Langsa qua giao-thông với nước ta thì trong cõi Nam-Kỳ nổi lên một người là ông Trương-vĩnh-Ký mượn cái xát Latin mà đựng cái hồn của tiếng Annam còn sót lại. Cái xát Latin ấy là chữ quốc-ngữ bây chừ!
Bức thư của Ng.-H.-V. có phần kém nhã nhặn. Để trả lời (gián tiếp), Phạm Quỳnh viết khá trịch thượng (xem [9]):
Bản-báo mới tiếp được cái thư ngỏ sau này của ông Ng.-H-V, người Nam-kỳ, trong thư hết sức bài-bác cái lối văn của bản-báo, bài-bác cả cái hán-học cũ của nước ta. Tuy lời-lẽ có lắm chỗ quá-đáng — nôm na cha mách qué — song bản-báo cũng vui lòng mà đăng, để cho các bạn đọc báo biết cái dư-luận người Nam-kỳ thế nào.
Đối với đánh giá của Ng.-H.-V. về Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh viết trong một ghi chú ở cuối trang 199 (của cùng số báo Nam Phong Tạp Chí) như sau:
Chưa từng thấy ai nói ông Trương-vĩnh-Ký là người đặt ra chữ quốc-ngữ. Ông Trương chẳng qua là một nhà làm sách giáo-khoa thường cho con nít học mà thôi, đã có công-nghiệp gì với tổ-quốc, đã từng bao giờ đem cái xác “la tinh” mà đựng cái hồn “Nam-Việt”? Chẳng dám khinh gì người trước, nhưng những bậc danh-sĩ nước Nam cứ như ông Trương cả thì cũng không lấy gì làm vẻ-vang cho nước lắm.
Quả là một đánh giá vội vã thiếu khiêm cung của Phạm Quỳnh! Bức thư của Ng.-H.-V. gây tranh cãi nhiều kỳ trên trang báo Nam Phong năm đó.
Thiên chất khảo cứu của Trương Vĩnh Ký và khuynh hướng tự luận, triết lý của Phạm Quỳnh
Qua bản văn 32 trang, Trương Vĩnh Ký đã cho người đọc thấy được nhiều nét về lịch sử, địa lý, văn hoá, phong tục tập quán của các tỉnh mà Ông đi qua: Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hoá, Ninh Bình, Hưng Yên. Với tinh thần của một người ham học hỏi, khảo cứu, Ông ghi lại một cách khách quan những điều mắt thấy tai nghe, cả những chi tiết lịch sử lẫn truyền thuyết (như chuyện chiếc gươm vàng của vua Lê Lợi). Đối với các nhà khảo cứu muốn tìm hiểu về xã hội Việt Nam ở miền Bắc cuối thế kỷ 19, bài bút ký của Trương Vĩnh Ký là một nguồn tài liệu đầy giá trị.
Theo Nguyễn văn Trung trong “Hồ sơ về Lục Châu học” [8, trang 390] những dữ liệu mà Trương Vĩnh Ký thu thập được trong chuyến đi này không chỉ được Ông trình bày trong bài bút ký “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876)”. Những gì Ông sưu tầm và ghi chép được là nguồn tài liệu để Ông viết nhiều tác phẩm khác, như quyển “Chuyện Khôi Hài” xuất bản năm 1882 trong đó có những chuyện tiếu lâm về Tú Xuất, về các nhà tu Thiên Chúa giáo. Hay những bài vè, bài thơ mà Ông đã ghi lại trong các bản thảo chưa được xuất bản.
Bài bút ký của Phạm Quỳnh thiếu những dữ liệu và quan sát khách quan như bút ký của Trương Vĩnh Ký. Ông không ghi chép nhiều để người đọc hiện nay có thể hiểu hơn về xã hội Nam Kỳ đầu thế kỷ trước. Trái lại Ông dành nhiều trang giấy cho những lời tự sự, triết lý của cá nhân Ông. Bản thân Ông cũng biết đây là một khuyết điểm, như Ông viết ở phần hai [5, trang 21]:
Người viết đây cũng có cái tật nghĩ quẩn nghĩ quanh như vậy, nên mỗi khi cầm bút viết hình như bao nhiêu câu hỏi ở đâu xô lại, đáp mãi không cùng, thành ra một lối văn chiền-miên không dứt, phản-phúc không dời, lắm khi làm xa-lạc cả đầu-bài; cũng tự biết là một sự thiên-lệch của mình, nhưng sao được?
Một đặc tính khác thường thấy trong bút ký của Phạm Quỳnh, nhưng không thấy trong bản văn của Trương Vĩnh Ký, là sự so sánh giữa các miền. Chắc chắn là học giả họ Trương thấy được sự khác biệt giữa hai xã hội Nam–Bắc, nhưng Ông không viết ra. Trái lại, Phạm Quỳnh thường xuyên so sánh. Về phương diện vật chất Ông trầm trồ khen ngợi những tiến bộ của Sài Gòn, của Nam Kỳ đang là thuộc địa của Pháp, và tỏ ý thất vọng với những khiếm khuyết của Hà thành, dù Hà Nội là thủ phủ của Đông Dương lúc đó:
Mà phủ Toàn-quyền ở đây, qui mô cũng đẹp hơn ở Hà-nội. Phủ Toàn-quyền Hà-nội tựa-hồ như một đống gạch xếp vuông, trông có vững-vàng bền-chặt mà nặng-nề biết bao nhiêu! Ở Sài-gòn thì như hình chữ đinh, nét ngang trên là chánh dinh, nét sổ dưới là các tơ-tào….
Sài-gòn còn nhiều những dinh-thự cùng các nhà công-sở đẹp lắm, như nhà giây-thép, toà-án, dinh quan Thống-đốc Nam-kỳ (tức trong ấy gọi là dinh Phó-soái), nhà hát tây, v.v…. Chẳng bì với nhà Đốc-lý Hà-nội ta, thật so-sánh mà thẹn thay. Mà Hà-nội lại là nơi thủ-đô của Đông-dương! ….
Nói tóm lại, cái hình-thức của thành-phố Sài-gòn sánh với thành-phố Hà-nội còn hơn nhiều. Từ cách đặt đường phố cho đến cách dựng cửa nhà, từ cách thắp đèn điện cho đến cách đặt máy nước ở các nhà, cho đến cách tuần-phòng vệ-sinh trong phố-xá, nhất-nhất đều có tiến-bộ hơn Hà-thành ta cả.
Nhưng về phong hoá, Ông chê các bậc trí thức ở Nam Kỳ bị Tây hoá nhiều quá:
Coi đó thì biết các bậc thượng-lưu trong Nam-kỳ tây-hoá đã sâu lắm, hầu như không còn chút gì là cái phong-thể An-nam nữa. Về đường đó thì ngoài Bắc-kỳ Trung-kỳ còn kém Nam-kỳ nhiều. Đến cách nghị-luận cũng đường-đột mãnh-liệt, trực mà không có những lối khép-mở xa-xôi như các nhà cựu-học ngoài ta. Hai cái tâm-lý khác nhau biết dường nào! Cái nào là hơn? Khó mà quyết được. Song thiết-tưởng nếu điều-hoà được cả hai thì hơn nhất. Nhưng sự điều-hoà ấy có thể thành được không? Đó là cái vấn-đề rất quan-trọng cho cuộc tiến-hoá dân ta sau này vậy.
Về văn chương Ông tỏ ra xem thường văn quốc ngữ ở Nam Kỳ, như đã nói ở phần trên. Tuy nhiên Ông cũng trung thực kể lại buổi nói chuyện với một cụ có nho học, từng đi du lịch buôn bán ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ:
Ngồi nói chuyện với cụ lâu lắm, cụ nói nhiều lời xác-đáng, nhiều câu dĩnh-ngộ. Bàn về cá tính-tình người Bắc người Nam cụ phán-đoán mấy lời rằng: “Người Bắc có khôn-khéo hơn chúng tôi thật, nhưng có cái tính duy-kỷ, người nào chỉ biết phận người nấy mà thôi, đối với người ngoài hay biến-báo, không được thật-thà như người trong này. Tôi đi lại buôn bán với các ông nhiều, tôi đã từng nhận biết. Nhà này thiếu thức hàng này, biết rằng nhà láng giềng có, nhưng không hề mách bảo cho người mua biết bao giờ. Chúng tôi thì không thế: chúng tôi nhẹ dạ và thật-thà hơn các ông. Nhà tôi có vườn bầu vườn bí, nhà láng giềng thiếu cứ việc sang cắt mà ăn; khi khác tôi có cần đến trái gì trong vườn họ tôi cũng cứ việc sang mà bứt lấy, tự-nhiên như vậy, không ai quan tâm gì về sự đó. Cái bụng “của anh của tôi” nó không có cách-biệt nhau lắm như ngoài các ông. Chúng tôi được cái tính đó hơn người Bắc.”. Trưởng-giả kinh-lịch đã nhiều, phán-đoán như vậy, tôi cũng xin vâng, không biết đáp lại thế nào. Có lẽ người Bắc cũng có cái lòng duy-kỷ mạnh hơn người Nam thật: đã khôn-khéo thì hay biến-báo, đã biến-báo thì biết suy hơn suy thiệt, đã suy hơn suy thiệt lắm thì chỉ biết vị lợi mình mà cái bụng “của anh của tôi” tất thịnh-hành; bấy nhiêu cái đặc-tính nó liên-tiếp nhau mà làm nhân-quả cho nhau vậy.
Một điểm đáng nói khác là rải rác trong ba phần của bài ký sự là mối ưu tư của Phạm Quỳnh đối với tình hình của đất nước, và sự thống trị về phương diện kinh tế của Trung quốc đối với Việt Nam, cái mà Ông gọi là “chi-na hoạ” (le péril chinois).
* * *
Tất nhiên tầm vóc của Phạm Quỳnh không thể so sánh được với thanh danh quốc tế của Trương Vĩnh Ký. Khi Chủ bút Nam Phong Tạp chí viết “Ông Trương chẳng qua là một nhà làm sách giáo-khoa thường cho con nít học mà thôi”, Ông đã biết gì về những đóng góp của nhà bác ngữ học họ Trương trên văn đàn học thuật thế giới? Điều đó chúng ta không được rõ, nhưng nhìn vào sự phát triển của chữ quốc ngữ hiện nay, chúng ta thấy rõ tầm nhìn xa rộng của học giả họ Trương, hơn hẳn cái nhìn thủ cựu của họ Phạm. Trái với khẳng định của học giả họ Phạm, văn chương quốc ngữ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 đã phát triển vững vàng mà không cần phải noi theo văn điển cũ ngày xưa.
Cũng như Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh mang nặng mối ưu tư về sự lạc hậu của đất nước, và mong muốn sự thay đổi nhờ vào tiến bộ của phương Tây. Lo ngại của Phạm Quỳnh đối với cái “Chi-na hoạ” cũng là nguyên nhân khiến Trương Vĩnh Ký dồn tất cả nỗ lực của đời mình để làm gạch nối cho hai nền văn hoá Đông–Tây, mong dùng văn minh phương Tây thay đổi xã hội Việt Nam đang trì trệ bởi ảnh hưởng của Trung Quốc. Mối ưu tư của hai ông cũng là mối ưu tư của nhiều người Việt hôm nay.
Trần Thạnh
Viết xong tại Sydney 3 tháng 3 năm 2019,
Chỉnh sửa ngày 15 tháng 11 năm 2019.
Tài liệu tham khảo
[1] Cordier, H. (1900). Nécrologie – Petrus Trương Vĩnh-Ký, T’oung Pao, Vol. 1, No. 3, 261–268.
[2] Trương Vĩnh Ký, Voyage au Tonkin en 1876, Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876). Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises. (1929) Nouvelle Séries, Tome IV, No 1, 4–35.
[3] Trương Vĩnh Ký, Voyage au Tonkin en 1876. Traduit en français par N. Trương-Vĩnh-Tống. Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises. (1929) Nouvelle Séries, Tome IV, No 1, 37–76
[4] Phạm Quỳnh (1918). Một tháng ở Nam Kỳ (Phần 1), Nam Phong Tạp Chí, Quyển 3, Số 17, 268–285.
[5] Phạm Quỳnh (1919). Một tháng ở Nam Kỳ (Phần 2), Nam Phong Tạp Chí, Quyển 4, Số 19, 20–32.
[6] Phạm Quỳnh (1919). Một tháng ở Nam Kỳ (Phần 3), Nam Phong Tạp Chí, Quyển 4, Số 20, 117–140.
[7] Nguyễn Văn Trung. (2014). Hồ Sơ Về Lục Châu Học, Nhà xuất bản Trẻ.
[8] Nam Phong Tạp Chí (1918) Quyển 3, Số 16, 198–209.