Mùi thơm của từng chén cơm mà tinh hoa thực dưỡng luôn trọn vẹn sự hóa thân của sức lao động, mồ hôi, nước mắt. (Hình: Pille-Riin Priske/Unsplash)
Thật không phải đạo khi thiên hạ đồng lòng vinh danh các món ngon Việt Nam mà quên để cho khẩu vị mở cảm xúc hướng về chén cơm trắng, cội nguồn sự sống, chủ thể mọi thực phẩm trên mâm cơm của từng người Việt hiện hữu trong lòng nền văn minh lúa nước.
Người miền Nam, trước sau vẫn là cộng đồng đa sắc dân, chọn các vùng đồng bằng trồng lúa nước để góp phần làm nên non sông gấm vóc. Cứ mỗi năm vào mùa gặt hái lúa mùa, không chỉ con người mà cả thần linh, tổ tiên, ông bà cùng tất cả người khuất mặt đều hiện về trong ánh nắng chói chang trên cánh đồng vàng rực màu lúa chín.
Trời mây xanh ngắt, các thửa ruộng, bờ mương phủ đầy các loài hoa hòa quyện thơm lừng mùi lúa mới. Vào những ngày đó, dù bạn chưa đói bụng cũng đầy trong mắt hân hoan hình ảnh chén cơm trắng bới vun, và hẳn đâu chỉ những người đang sống và cả bao người khuất mặt cũng hiện ra để hương linh được hưởng thụ hương gạo trắng, cơm mới.
Người miền Nam từ gốc cội đều là những người Việt con nông dân, từ ruộng lúa chúng ta vô bếp nhà của má, của bà và từng bước chân lập đi lập lại đoạn đường tưởng chừng ngắn nhưng chính đó là đoạn đường của sự sống cả cuộc đời. Sống để cảm nhận an lành mùi thơm của chén cơm, từng chén cơm mà tinh hoa thực dưỡng luôn trọn vẹn sự hóa thân của sức lao động, mồ hôi, nước mắt, có khi cả máu được truyền đời xuyên suốt ý thức của dân tộc nông dân.
Bếp nhà người miền Nam xưa với cái gac-măng-rê quen thuộc được bày trong một hội chợ nông nghiệp ở Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng)
Nhưng nếu bây giờ tôi kể cho bạn về chuyện ai đó chỉ coi việc có chén cơm qua hành động nhấn nút nồi cơm điện thì bạn sẽ cho đó là quy luật phát triển tất yếu, băn khoăn làm gì. Ừ, tôi hay bạn giờ đây khi ngồi quanh mâm cơm chú ý đến thức ăn là chính, ít khi để ý đến cơm. Cơm với chúng ta ngày nay chỉ là thứ chất bột được chọn cho khẩu phần ăn. Tôi không muốn quay ngược bánh xe thời gian trở về những năm tháng thiếu ăn thèm cơm đến gặp ác mộng, hay mở lại ký ức về những ngày no đủ để phát hiện rằng, ngày xưa bên trong tôi có phần ham muốn ăn chén cơm nấu từ loại gạo ngon thượng phẩm.
Thật lòng, tôi chỉ ao ước được cùng bạn một lần vào tận bếp quê nghèo của nhà ai đó, hay được trịnh trọng ngồi mâm trên nhà giàu để cùng hít thở mùi cơm chín thơm lừng, thơm đến mức chừng như cả vạn vật quanh không gian bếp nhà đều đang hân hoan thưởng thức hương vị ngon ngọt cơm chín từ loại gạo Nàng Hương.
Người ta nói rằng, con người dễ bị các điều xấu ám ảnh nhưng cũng cho rằng chính các ký ức tốt cũng thường xuyên khiến họ trăn trở với nỗi nhớ. Tôi nhớ về nồi cơm, chén cơm của má mình! Nhà tôi ngày đó chung quanh là ruộng lúa, mùi mạ non, mùi lúa ngậm đồng đồng, mùi lúa chín, đó là không gian tôi hít thở hằng ngày, nhưng chỉ khi má nấu cơm gạo mới thì đầu óc và tâm hồn trẻ thơ mới nhận thức rõ là cuộc đời quá đáng sống, đáng để ngửa mặt lên trên mà reo lên: Cơm ngon quá má ơi!
Gạo từ lúa sáu tháng của nhà tôi ngày đó cũng có loại thượng phẩm. Bây giờ thì tôi biết tên nhiều loại gạo quý nhưng tôi chỉ muốn nhớ hoài một tên gạo Nàng Hương. Mỗi lần có ai hỏi Gò Công có gạo nào ngon thì lập tức tôi mường tượng quanh tôi bao gương mặt người thân thích với miệng cười cởi mở để cùng bộc lộ với tôi một điều. “Gạo xứ mình, cơm quê mình ngon khỏi nói!” Bạn cũng có thể nói ý như vậy về gạo, về cơm quê hương bạn, bởi vì chỉ có sự phóng khoáng của tinh hoa lúa gạo mới trao cho chúng ta cái nền giá trị bền vững, để chính đáng hãnh diện nói cho người lạ biết tên riêng của quê hương bản quán của mình.
Phục dựng bếp và các dụng cụ làm bếp xưa để cổ động sử dụng thực phẩm nông nghiệp sạch đang thu hút người đô thị. (Hình: Trần Tiến Dũng)
Có lẽ, trong những thứ mà con người đáng lưu giữ nhứt với thời gian, để họ luôn có cái ngợi ca về tánh bất diệt của sự sống, thứ đó phải là gạo, nhất là các giống gạo quý trao cho họ chén cơm thơm ngon. Tại sao phải gạo quý, cơm thơm ngon? Mọi loài động vật đều tìm tới món ăn ngon hơn và ngon hơn nữa, các giống gạo quý riêng tặng cho chúng ta điều đó. Nhưng vì sao ngày nay, các giống gạo quý của chúng ta lại sắp tuyệt chủng, và chén cơm ngào ngạt hương thơm trên mâm cơm Tết nhà nghèo, mâm tiệc nhà sang đang dần thuộc về dĩ vãng.
Ai đó nói Việt Nam không còn lúa sáu tháng, không còn loại gạo quý thì nhập cảng từ Thái, Ấn, Cambodia… cũng được. Có chắc thời nay có tiền muốn gì mà chẳng có không? Nếu thưởng thức một chén cơm từ gạo mắc tiền nhập cảng, nếu bạn là người sâu sắc và chân thật thì bạn sẽ biết ngay trong chén cơm đó không thể có được hương thơm của cánh đồng, nguồn nước, không khí… như chén cơm từ gạo quê nhà.
Có thể không nói lúa có tánh dân tộc, nhưng chắc chắn từng giống lúa loại gạo quý luôn có đất mẹ riêng. Lúa cũng không khác con người. Nếu con người là kết tinh từ thể và hồn sông núi thì chén cơm từ giống lúa quý cũng mang tâm hồn của đất mẹ. Hẳn bạn vẫn có lúc nói. Ông ta, cô ta… từ nước khác là người khác, thậm chí có khi cho rằng người cùng một nước do sinh trưởng ở vùng miền khác nhau nên có tánh khác với mình. Vậy thì chén cơm của đất mẹ chính là loại thực thảo dưỡng thiêng liêng mà chỉ cộng đồng cùng chôn nhau cắt rún trên đất mẹ mới nhận biết hết sự kết tinh từ mọi nguồn tinh hoa từ đất mẹ.
Trong nhiều dịp đi về đồng quê miền Tây, tôi thường gọi là đi về với nơi chốn máu thịt và tâm hồn mình, lúc đó, đi đến đâu cũng được thưởng thức các món ngon từ bình dân đến cao sang. Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long ngày nay dù sản vật tự nhiên có ít hơn ngày xưa, nhưng bù lại luôn có nguồn thực phẩm nuôi trồng phong phú. Sự khám phá hay sáng tạo các món ngon cũ và mới ở miền Tây là vô song! Đúng là ai sống ở miền Tây hay đến thăm miền đất này được ban tặng chén cơm ngon thật có phúc biết chừng nào.
Trời mây xanh ngắt, các thửa ruộng, bờ mương phủ đầy các loài hoa hòa quyện thơm lừng mùi lúa mới. (Hình: Joel Vodell/Unsplash)
Nhưng những người có phúc ấy bỗng giật mình hốt hoảng, vì chén cơm họ đang ăn từ thứ gạo được cho là ngon nhất ngày nay, thứ gạo nấu thành cơm chỉ còn đượm chút hương vị lợt lạt. Nguồn hương cơm thơm từng trải qua hàng thế kỷ quyến rũ nay đã không còn hiện hữu với niềm vui sống của con người!
Tôi nhớ khoảng cuối thập niên 1970 của thế kỷ trước, vào thời ngăn sông cấm chợ, lúc đó tôi có dịp đi về miệt U Minh Thượng, vào một buổi chiều khi tàu đò vừa cập bờ. Tôi lên bờ kinh Miệt Thứ Bảy, bỗng bắt gặp hương cơm chín thơm lừng trong gió chiều. Là người Sài Gòn, lúc đó phải ăn độn khoai, bo bo, mì sợi… tôi thấy hạnh phúc vô bờ khi được nguồn hương cơm chín quyến rũ.
Tôi đi theo nguồn hương cơm về phía một ngôi nhà lá tươm tất, nhưng thật ra đó là một chuồng nuôi heo, tôi không thể tin vô mắt mình khi biết nguồn cơm thơm phức đó bốc lên từ nồi cơm bự của một người đàn bà nấu cho heo ăn. Tôi lại gần nồi cơm hơn nữa để nhìn tận mắt hột cơm trắng tinh, mình cơm dài chỉ nở hơn hột gạo một chút. Làm sao bạn có thể ngờ được những con heo của nhà này, miệt này được ăn cơm nấu từ loại gạo ngon nhứt hạng của Đồng Bằng Sông Cửu Long, đó là gạo có tên là gạo Trắng Tép.
Tôi không cần nói lý do loài heo ở miệt này được ăn cơm nấu từ gạo Trắng Tép, bởi vì ai cũng biết đó là hệ quả của một thời bao cấp – ngăn sông cấm chợ. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một ý là: Ngay thời điểm này, đất nước đệ nhị cường quốc xuất cảng gạo mà ở một vùng đồng bằng trồng lúa nước phì nhiêu nhất, bạn hay tôi tìm đâu ra được nồi cơm nấu từ gạo Trắng Tép để bới từng chén, ăn từng hột còn nguyên hình hột gạo dài, cơm thơm bát ngát.
Đã đến lúc chúng ta nhắc nhau rằng, trở về với ý thức sâu sắc về chén cơm cho dù chỉ để no bụng hay chén cơm gạo ngon để hân thưởng cuộc sống, điều đó đâu có phải là việc đơn giản. Nhưng trên hết chúng ta luôn nhớ, đã sống ở miền Nam, đã đến với miền Nam, được ban tặng chén cơm ngon là người thật có phúc biết chừng nào. Vậy thì chân lý ở đâu nếu để cho một giống lúa quý, hột gạo ngon, chén cơm thơm từng đồng hành sinh tồn với dân tộc nay lại biến mất vào hư vô!
Hãy cùng nói thật với nhau: Đã là người Việt thuần hậu, thành thật thì hẳn đều biết, đâu có thức ăn ngon nào trong cõi thiên hạ bày trên mâm ăn thường ngày sánh được với chén cơm ngon!
Trần Tiến Dũng
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/