
Cảnh sát và lính cứu hỏa từ South San Francisco, Daly City, Brisbane và Pacifica xếp hàng bên ngoài bệnh viện Kaiser hôm 14 Tháng Năm, 2020, để cảm ơn các nhân viên y tế, nhân viên “tuyến đầu” chống dịch COVID-19. (Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)
Cô Vi (đại dịch COVID-19) có thể làm cho nhiều người lo buồn đến mất ăn mất ngủ. Làm sao để dù có Cô Vi hay không, ta vẫn có thể an nhiên tự tại.
Tạo và giữ các mối liên lạc lành mạnh
Mỗi ngày gọi một vài con cháu, cha mẹ, ông bà, bạn thâm giao, luân phiên nhau, hình như là điều không khó lắm.
Hàn huyên chuyện vui xưa nay, sẽ giúp hai bên thoải mái, xả “xì trét.” Còn than thở, trách trời, trách đất, sẽ chỉ làm mình mệt hơn, và “bên kia” cũng ngán ngẩm.
Có những người rất cô đơn, đặc biệt trong hoàn cảnh “ngàn năm có một” này. Nếu ta biết được những bạn bè, người thân như vậy, gọi để giúp cho họ nhìn ra những “góc sáng,” có dịp để tâm sự, (chỉ cần) có người lắng nghe (là chính), và mở ra cho họ thấy chưa đến nỗi “trời sập,” thì đó là một việc rất hữu ích cho những người thân yêu đó, cũng như cho chính mình.
Dĩ nhiên, lượng sức mình, để không bị “dấn” quá sâu, để cảm thấy quá mệt mỏi, không chịu thấu việc người kia “dựa” quá nhiều vào mình, khiến cho “bên kia” cảm thấy còn tệ hơn sau khi nói chuyện với mình, cũng là điều cần dự trù trước để có được giới hạn, khoảng cách cần thiết, trong việc hàn huyên tâm sự.
Tạo được một mạng lưới nối kết lành mạnh, cân bằng (với những điều cần thiết khác trong cuộc sống) là điều rất tốt không những trong lúc này, mà còn cả cho cả cuộc sống hàng ngày trong tương lai của mình. “Thời Cô Vi” này, biết đâu, và có thể là dịp rất tốt để ta nghĩ đến và tạo lập các mối liên kết mà ta có thể đã bỏ lỡ lâu nay.
Thở sâu
Tập thở sâu, chú tâm vào hơi thở cũng là cách đơn giản mà rất hiệu quả. Hít vào bằng mũi, thở ra chậm rãi qua miệng như là mình đang thổi qua một ống hút.
Đơn giản như vậy, tập trung vào hơi thở, sẽ giúp ta tập trung vào hiện tại, sống ở hiện tại.
Hiện tại là thời điểm duy nhất mà ta có thể sống, có thể kiểm soát được.
Quá khứ, dù chỉ cách đây một phút; tương lai, dù chỉ là một giâ nữa thôi, cũng đều ngoài tầm kiểm soát của mình.
Thời Cô Vi này, lại một lần nữa chứng minh rằng cuộc đời rất vô thường.
Nếu thực sự nhận thức được điều hiển nhiên này, ta sẽ có thể tập trung hơn vào từng hơi thở, từng giây phút sống hiện tại của mình, để đạt được cứu cánh, mục tiêu đích thực cuối cùng, trong cuộc sống của bất cứ ai, là hạnh phúc.
Để an nhiên tự tại, để thanh thản sống, dù một phút, một giây nữa, có kết thúc cuộc đời, cũng không hối tiếc. (Vì có hối tiếc, thì cũng chẳng thay đổi được gì!)

Tập thể dục thời COVID-19. Tập thở sâu, chú tâm vào hơi thở cũng là cách đơn giản mà rất hiệu quả. (Hình minh họa: Sebastien Bozon/AFP via Getty Images)
Biết chấp nhận và cảm ơn
Có người cho rằng, một cách đơn giản (như chân lý bao giờ cũng đơn giản) ở đời chỉ có hai chuyện chính là chuyện mình có thể kiểm soát và thay đổi được, và chuyện ngoài sự kiểm soát của mình.
Người có trí tuệ là người biết và có thể phân biệt được những việc đến với mình là việc thuộc về “chuyện” gì (mình kiểm soát được hay không kiểm soát được).
Thường thường, một cách đơn giản (như chân lý), chuyện mình có thể kiểm soát được, là chuyện của mình và chuyện hiện tại.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng những người biết chấp nhận cuộc đời, nói một cách khác là biết cảm ơn, có đầy lòng biết ơn, thường bao giờ cũng vui vẻ và lạc quan hơn.
Mọi sự xảy ra trong cuộc đời, đều có thể (gọi là, và trở nên) “tốt” hay “xấu” tùy theo cảm nhận (chủ quan) của từng người, và cách mỗi người tiếp nhận, đối phó, với chuyện đó. Có người nói rằng “hạnh phúc của mỗi chúng ta chỉ khoảng 10% phụ thuộc vào (bản thân) việc đó, và 90% phụ thuộc vào việc người đó tiếp nhận và đối phó như thế nào với việc đó.”
Cùng một việc (có vẻ không “tốt”) xảy ra, sẽ có hai cách tiếp nhận chính:
- Người không phân biệt được cái nào trong tầm kiểm soát của mình và cái nào ngoài tầm kiểm soát của mình, sẽ “than trời trách đất,” buồn cho “số phận hẩm hiu.”
- Người biết phân biệt được được cái nào trong tầm kiểm soát của mình và cái nào ngoài tầm kiểm soát của mình, sẽ không coi đó là “xui,” là khó khăn, mà sẽ coi đó là một thử thách mà cuộc đời, thượng đế đem đến, ban tặng mình.
- Và thử thách lớn thường là hạt giống cho thành công lớn (hay nhỏ). Tùy theo bản lĩnh từng người.
Cảm được, chấp nhận cuộc đời, thì mới có thể yêu đời, vì chuyện gì đưa tới cũng có thể được cảm như quà tặng (dễ “nuốt,” hay cần “nhai” kỹ, để thưởng thức hương vị) của cuộc đời.
Cảm được thì sẽ thành “Ơn.” Chưa “cảm” được, thì sẽ chẳng bao giờ thấy “Ơn.”
Vậy mới nói, không biết cảm (được) ơn, thì chuyện gì cũng có thể là nguồn cơn của không vừa lòng. Của bất hạnh.
Còn, biết, và có lòng cảm (được) ơn. Thì xung quanh ta, gì cũng có thể là (hạt giống của) hạnh phúc.
Và như vậy, nói “Cảm ơn Cô Vi,” chấp nhận cuộc đời, chấp nhận và cảm ơn tất cả những gì thượng đế đem đến cho mình, có phải là một cách tốt nhất, để sống an nhiên tự tại. Trong thời Cô Vi này.
Như là một thử thách lớn, trong trò chơi lớn của cuộc đời, để vượt qua, có phải đây có thể là một trong những điều tốt nhất mà cuộc đời mang lại cho ta, để lớn lên, để học được điều quan trọng nhất cho cuộc đời mình: Dù gì xảy ra, vẫn cảm ơn, trân trọng cuộc đời, cảm ơn thượng đế, và vui hưởng hạnh phúc, từng giây phút sống trên đời…
Thân mến
BS Nguyễn Trần Hoàng