Từa tựa như đời sống con người, hầu như sản phẩm nào cũng trải qua một chu kỳ sinh, trưởng, hư, diệt…, vật dụng đôi khi cũng sinh non chết yểu. Đó là trường hợp của mấy món hàng ra đời nhưng bất phùng thời. Sản phẩm đưa ra thị trường nhưng chẳng hấp dẫn, thu hút người mua nên nhanh chóng bị xếp xó rồi đi vào quên lãng. Sản phẩm từ lớn đến nhỏ, từ máy bay đến lò nướng, món nào cũng thế. Riêng mục “nhà cửa” thì vẫn còn phổ thông, vì ai cũng cần một mái nhà che mưa nắng nhưng kiểu cách xem ra thay đổi khá nhiều tùy theo thời đại?
Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, kinh tế phồn thịnh, thành phố trở nên chật chội vì số cư dân mỗi ngày một gia tăng. Thế là bá tánh rủ nhau dọn ra ngoại ô, đất còn thưa người nên nhà cửa được xây cất to lớn hơn, rộng rãi hơn. Phong trào “McHouse” ồ ạt xuất hiện trên đất nước Cờ Huê. “McHouse” thoạt tiên là một danh từ châm biếm dùng để mô tả một căn nhà không có cá tính rõ rệt (thiếu vẻ đẹp của kiến trúc, mỹ thuật), được xây cất hàng loạt, nhà nào cũng trông cũng giống giống nhau hay “row house”.
Khác với loại nhà xây cất theo ý chủ nhân, thường là mua đất rồi mướn thợ xây nhà, mỗi căn nhà từ trong ra ngoài thường khác nhau; loại nhà “row house” thường do tài phiệt địa ốc, land developer, đứng ra mua đất rồi chia lô, xin giấy phép xây cất từ thành phố rồi xây hàng loạt để bán. Tuy mỗi công ty phát triển địa ốc có phương án làm ăn riêng nhưng đại loại đều sử dụng cùng mô hình, chỉ xây một vài kiểu nhà khác nhau làm mẫu rồi cứ thế mà tiếp tục mỗi khi có người “đặt hàng”! Do đó, các “thôn xóm” trông từa tựa như nhau.
Từ “row house” của những năm 70, nhà vừa đủ ở, cư dân Huê Kỳ chuyển sang McHouse.
“McHouse” là sự kết hợp từ hai chữ “McDonald’s” và “house”. Đại khái là các căn nhà được / bị xây cất theo kiểu chế biến “thức ăn nhanh” như mấy chiếc bánh mì kẹp thịt nướng của đại tửu lầu McDonald’s. McHouse xuất phát từ chữ “McMansion”, căn nhà thiếu thẩm mỹ / cá tính riêng biệt. Sự xuất hiện của McMansion là hình ảnh “thoát xác” của các biệt thự được xây cất riêng rẽ, theo kiến trúc đặc biệt của chủ nhân giàu có ngày xa xưa. Vào thập niên 80 chưa xa xưa ấy, người ta chẳng cần giàu có như tài phiệt hỏa xa, dầu lửa… mà cũng có thể làm chủ một căn nhà nhiều phòng ngủ, phòng tắm… Nhà cửa to lớn xem ra đồng nghĩa với sự thành đạt, giàu có? Những căn nhà rất lớn bất kể nhu cầu; khác với khuynh hướng sinh sống của thế hệ cha mẹ, nhà cửa chỉ cần đủ dùng: Một căn nhà ba phòng ngủ chỉ có một phòng tắm cho gia đình 3-4 người. Không khác cách sinh sống trong những căn chung cư trong thành phố là mấy.
Khi Mc Mansion ra đời, theo sau sát nút là McHouse, thì vùng ngoại ô trở nên thu hút bá tánh, đi làm xa một chút nhưng tha hồ thoải mái lúc trở về nhà, nhất là những ngày cuối tuần. Thế rồi nhu cầu mua sắm của cư dân ngoại ô dẫn đến phong trào phát triển các thương xá với những bãi đậu xe khổng lồ vài ngàn chỗ. Các “strip mall” hay những con đường chính với hai bên là các cửa tiệm lớn nhỏ cũng theo chân thương xá mà mở mang để đáp ứng với nhu cầu mua sắm của cư dân.
Thập niên 80, rồi 90 đi qua, đến những năm 2000 thì thế giới trải qua một trận suy trầm kinh tế; những căn nhà to đùng bỗng dưng trở thành gánh nặng, các món tiền cần thiết để trang trải cho một căn nhà nhiều phòng ốc trở nên khó cáng đáng nhất là khi công việc làm ăn xuống dốc, việc buôn bán trì trệ. Nhà cửa không còn là một mối đầu tư thích hợp nữa và bá tánh rần rần bỏ của chạy lấy người.
Người trẻ nhìn thế hệ cha anh thua lỗ khi “cõng” trên lưng một món nợ nhà đất nặng nề nên nhìn ngắm địa ốc một cách cẩn thận hơn. Họ không còn lưu giữ ý tưởng “mua nhà” như cha anh “an cư” xong mới “lạc nghiệp”. Hãng xưởng thay nhân viên theo thời thế nên chẳng mấy người còn trông mong, tin cậy vào công việc tại một công ty đến suốt đời. Bá tánh đổi việc khi có công việc tốt đẹp hơn, và đổi việc thường đi đôi với di chuyển, thay đổi nhà cửa. So với những căn nhà trung bình, căn nhà to đùng thường khó bán trừ vài ngoại lệ. Và khuynh hướng tiêu xài rộng rãi [hơn khả năng] từ từ thu hẹp lại. Người ta trở về với khái niệm mua nhà cửa “đủ dùng”, tiền bạc dư giả thì du lịch, mua các trải nghiệm để được thụ hưởng đời sống [tinh thần] giàu có hơn.
Khi thế hệ Millennial ra đời thì cách tiêu xài của họ xem ra khác xa với cha mẹ. Họ tụ họp sống trong thành phố, chia phòng chia nhà với bạn bè xa gần để có cơ hội thưởng thức ca nhạc, hàng quán… Nghĩa là nhu cầu ăn ở rộng rãi không cần thiết cho mấy; người trẻ chịu tiêu xài cho những thứ khác như món ăn, thức uống ngon, du lịch, các sinh hoạt văn hóa, thể thao. Từ việc chia nhà, chia phòng sống chung với bạn bè, xem ra hơi bất tiện, không thoải mái cho lắm, người trẻ xoay ra tìm kiếm chỗ ở riêng tư, nhưng vẫn chỉ vừa đủ để có thể tiếp tục tiêu xài tiền bạc vào những tiết mục khác. Thế là khuynh hướng nhà nhỏ xíu, tiny house, lại xuất hiện. Tạm gọi là “tái xuất hiện” vì khuynh hướng sống trong nhà nhỏ xíu đã hiện diện từ thế kỷ XVIII, thời đại của Henry David Thoreau và Walden Pond.
Khoảng chục năm trở lại, nhìn đâu ta cũng thấy bài bản quảng cáo về những ngôi nhà nhỏ xíu, từ 70-300 bộ vuông (square foot), phong trào xuất phát từ Huê Kỳ nhưng giờ đã lan sang Canada, Úc và Anh.
Các bảng quảng cáo rầm rộ hoan nghênh các căn nhà nhỏ xíu, đã “đáp ứng đúng mức nhu cầu nhà cửa với giá phải chăng”. Công ty buôn bán nói rằng thay vì phải vay mượn (mortgage) để mua nhà hay thuê nhà như cách ăn ở của thế hệ trước, người trẻ có thể mua đứt một căn nhà nhỏ xíu, đầy đủ tiện nghi và được sống riêng tư mà không phải mang công mắc nợ! Hấp dẫn quá xá, phải không bạn?
Nhưng đằng sau những căn nhà nhỏ xíu, bắt mắt là một vài chi tiết quan trọng, dù căn nhà nhỏ xíu kia ở địa phương / cộng đồng nào xem ra cũng thế.
Yếu tố đầu tiên: Nhà nhỏ xíu thì món chi trong nhà cũng… nhỏ xíu, từ cái giường, cái tủ đến bếp núc, nhà tắm. Nghĩa là người sống trong nhà phải vô cùng kỹ lưỡng, trật tự. Xoay trở sao cho vén khéo và phải luôn tay dọn dẹp thì mới có đủ không gian sống. Cái ghế để sai chỗ vài tấc là ta sẽ đụng sưng đầu gối nếu xớn xác. Đêm ngủ cần xuống thang dùng nhà vệ sinh mà không cẩn thận sẽ u đầu vì va vào tường vách…
Sự trật tự cần thiết sẽ phải kéo dài suốt thời gian cư ngụ nhưng loay hoay xếp dọn riết rồi thì người ta cũng chán, và khung cảnh nào nhìn ngắm mãi rồi cũng nhàm và muốn thay đổi, muốn có thêm chút không gian rộng rãi hơn. Gần đây khi phải chịu cấm cung vì đại dịch khiến chủ nhân của những ngôi nhà nhỏ xíu ấy… thấm thía lắm vì họ không thể bước ra ngoài cái không gian trăm bộ vuông kia! Có chủ nhân căn nhà nhỏ xíu đã thốt lên rằng họ ở trong một cái nhà tù nhỏ hẹp nhiều màu sắc!?
Kế đến là thói quen mua sắm, chủ nhân không thể khuân vác mọi thứ ưa thích về chỗ ở nhỏ hẹp, mang về nhà một món hàng là phải tìm cách bỏ bớt đi một vật dụng có kích thước tương tự. Thói quen này chỉ thích hợp với những người thích lối sống “tối giản”, minimalist, không ôm đồm, tha lôi nhiều thứ về nhà!
Sau khi làm chủ căn nhà nhỏ xíu được ít lâu, hầu hết mọi người trẻ [chủ nhân] đều muốn dành dụm hầu có thể mua được một chỗ ở rộng rãi hơn, nhất là những đôi vợ chồng muốn có con cái; không gian nhỏ hẹp ấy không thích hợp cho lắm với trẻ thơ.
Ước muốn thì như thế nhưng trên thực tế việc “upgrade” này có dễ dàng không? Khác với những căn nhà “bình thường”, nhà nhỏ xíu thường được xây cất trên các bánh xe, một loại “nhà” di động, để tránh các luật pháp, các điều khoản đòi hỏi bởi chính quyền địa phương. Khi xây cất nhà trên đất liền, chủ nhân phải tuân theo các điều khoản về xây cất, building codes, từ sân vườn đến nền nhà, nóc nhà trong khi nhà di động thì được xem là “mobile”, từa tựa như xe cộ.
Cho đến khi các điều khoản, luật lệ thay đổi và cho phép xây cất các căn nhà nhỏ xíu trên đất liền, hiện nay nhà nhỏ xíu vẫn được xem là “xe”.
Căn nhà nhỏ xíu xem ra dễ dàng cho túi tiền nhưng khi phải sửa chữa, thay thế những món đã cũ hoặc hư hỏng thì giá cả không rẻ chút nào, món chi cũng thiết kế theo kích thước riêng biệt, khó lòng ra tiệm khuân về mà ráp lại. Việc duy trì cống rãnh, nhà vệ sinh… là những khó khăn khác.
Ngoài ra, “nhà” di động thường… rung rinh theo nhịp điệu của gió bão hoặc sự di chuyển của người trong nhà khiến họ không cảm thấy “đây là một cách sống bền vững”?!
Riêng về mặt tài chánh, nhà nhỏ xíu thường mất giá, như một chiếc xe qua thời gian sử dụng, trong khi ngôi nhà bình thường có thể lên giá vì nhu cầu gia tăng. Vì mất giá nên việc dành dụm để mua một ngôi nhà “bình thường” trở nên khó khăn cho chủ nhân, họ không thể “upgrade” một cách dễ dàng vì thiếu “vốn” từ ngôi nhà nhỏ xíu.
Nhìn chung, nhà “nhỏ xíu” có những ưu điểm và nhiều khuyết điểm, không phù hợp với mọi lứa tuổi, “nhà” ở là một cách đầu tư cho tương lai trong khi “xe” là một nhu cầu cấp thời. Khi hoạch định chuyện “ngày mai”, hẳn ta sẽ phải tính toán hơn / thiệt của những bước đi có tính cách lâu dài?
lltran