User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
tuky1
 
Bài 1: Những cú đánh choáng váng số phận
 
Không gì đau khổ cho bằng sinh ra một đứa con không bình thường, cả về thể xác, hay trí não. Nhưng với thiên chức làm mẹ, không có gì ngăn cản họ làm bất cứ điều gì, vì con. Câu chuyện về người mẹ được kể dưới đây, người có hai đứa con “không bình thường”, đã cho thấy cuộc sống luôn có điều phi thường và những con người phi thường. Nghịch cảnh đã không đốn gục họ và nó thậm chí làm họ mạnh mẽ hơn. Trái tim đau đớn của họ đã biến họ thành những người có ý chí dữ dội để giúp họ vượt qua “phận đời trớ trêu”. Đây là câu chuyện có thật của một người mẹ gốc Việt sống ở Nam California. Mọi tình tiết đều thật, trừ tên nhân vật…
 
Sốc!
 
Anna Tran, một phụ nữ xinh đẹp, rất tươm tất. Nhưng phải đến hai lần xác định địa chỉ, cô mới đến được đúng điểm hẹn gặp tôi. “Đầu óc mình vậy đấy, search google map thấy địa chỉ rõ ràng là vậy, nhưng lại chạy qua chỗ khác”, vừa ngồi xuống ghế, Anna nói. Cô lập gia đình năm 36 tuổi. Một năm sau đó, cô sinh đứa con đầu lòng, bé Julia. Bé Julia dễ nuôi, rất dễ ăn, và dễ dạy. Anna hầu như không gặp vấn đề gì về chuyện nuôi nấng lúc bé còn nhỏ. Nhưng năm lên hai tuổi, Julia trở nên hung hăng, năng động khác thường và có dấu hiệu của sự lơ đãng, kém tập trung.
 
Anna là người có trình độ, theo chồng sang Mỹ định cư khi đã gần 30 tuổi nhưng cố gắng để lấy được bằng cấp của Hoa Kỳ. Đọc nhiều sách, Anna biết những biểu hiện của bé Julia là ADHD (Attention-deficit/hyperactivity disorder - giảm chú ý, tăng động). Tuy vậy, Anna đã không chấp nhận con mình dính dáng gì đến ADHD. Cho đến một ngày, Anna nhận được cú điện thoại từ trường Mẫu Giáo của Julia. Cô giáo cho biết Julia luôn quấy rầy bạn cùng lớp. Anna run người khi nghe ở đầu dây bên kia, cô giáo nói: “Julia không chú ý và không chịu ngồi yên trong lớp. Tôi khuyên chị cho cháu đi gặp bác sĩ sớm”. “Tôi đã chối bỏ sự thật và không đi định bệnh cho cháu suốt hơn một năm, cho tới lúc cô giáo lớp Hai của Julia gọi.
 
Anna kể: “Hai cô giáo của Julia rất thân thiện, tử tế. Họ đợi tôi thật bình tĩnh và thoải mái, mới cho biết chuyện về Julia, rằng con bé rất thông minh và dễ thương nhưng cháu không thể nào ngồi yên một chỗ được. Nó phải đi quanh và nói chuyện trong lớp. Cháu không thể chú ý và ngồi như các bạn. Cô Kristen cho tôi coi sổ điểm của Julia, rồi nói bé có khiếu đọc và viết, nhưng cô rất tiếc về hạnh kiểm của nó. Cô khuyên tôi nên cho cháu đi bác sĩ”.
 
Sốc lần hai
 
Sau hai lần sảy thai, Anna sinh Joseph. “Tôi đã cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất trên cõi đời này, vì đứa con trai thứ hai thật tuyệt vời. Nếu với Julia, hở tí là khóc, là gào thét, là giận dữ, thì Joseph rất yên lặng và ít khóc, thậm chí… ít cười. Suốt tám tháng đầu đời của Joseph là như thế. Ngay cả lúc bị nổi rạ đầy người, đầy mặt, cháu cũng không khóc. Ai gọi, cháu không nhìn. Mình nghĩ bụng: “Cu con này lớn lên sẽ cương nghị lắm đây. Mình thật may mắn”.
 
Khi Joseph tròn một tuổi, gia đình Anna tổ chức sinh nhật cho cháu. Hôm ấy, mọi người đến dự đông lắm, gia đình, bạn bè… Thật là vui. Bỗng có người thắc mắc: “Này Anna, sao mình gọi mấy lần tên của Joseph mà chẳng thấy bé quay nhìn hay trả lời gì hết vậy? Bé có bị gì không?” Anna đã rất giận khi nghe câu hỏi này, song cô cố nhịn, nói qua loa cho xong chuyện: “Uhm, cu cậu hiền lắm”. Nhưng từ sau tối hôm ấy, Anna bắt đầu lo. Tuy vậy, thấy con không có biểu hiện giận dữ, khóc lóc như chị nó, nên Anna luôn tự trấn an mình: Con mình bình thường, con mình không sao hết. Joseph không bình thường. Lớn lên một chút, Joseph càng… khác thường. Cháu không tự mình làm được những việc đơn giản như thay quần áo, thay quần tã, thường lặp đi lặp lại cùng một động tác, và… không hề mở miệng nói nửa lời. Một hôm, cả nhà Anna ghé qua thăm ông bà nội hai cháu. Ông bà kể rằng họ gặp một người ở phòng thể dục và bà này có đứa cháu đã bảy tuổi rồi mà không biết tự thay tã, việc gì cũng phải cần cha mẹ. Ông bà khuyên vợ chồng Anna phải chuẩn bị tinh thần rằng Joseph có thể mắc chứng tự kỷ, vì những biểu hiện của cháu.
 
Nghe xong, Anna choáng váng, buồn bã rồi… thất vọng. Đêm đó, cô không ngủ được, cứ mở hết website này tới website kia để tìm hiểu về chứng tự kỷ và cách chữa trị. Càng đọc, cô càng hoang mang. Sáng hôm sau, Anna gọi cho mẹ đẻ, kể với bà chuyện của Joseph và hỏi bà: “Mẹ, con phải làm gì bây giờ?” Mẹ cô trả lời: “Mẹ không chấp nhận Joseph bị tự kỷ. Cứ đợi thêm mấy năm nữa. Chắc nó chậm nói thôi. Hay tại vì nhà con nói hai thứ tiếng, nó không biết sử dụng thứ tiếng nào nên mới ra vậy chăng?”. Anna hơi lấy lại bình tĩnh vì lời mẹ nói. Nhưng rồi sau đó, trước những cử chỉ, hành vi bất thường của con, càng ngày tình trạng bấn loạn tâm thần của cô càng nhiều. “Một đứa chưa đủ, sao ông Trời thử thách tôi quá vậy!”, Anna kêu lên trong đau đớn.
 
“Bé yêu, mẹ đang cố gắng như con”
 
Khó khăn hàng ngày của Anna gặp phải gấp đôi, thậm chí gấp ba, bốn lần so với người có một đứa con bị tự kỷ. Với hai đứa con, mỗi đứa mắc một chứng bệnh: Julia, con gái mười tuổi bị ADHD; và Joseph, con trai năm tuổi bị tự kỷ. Cuộc sống của Anna bị đảo lộn, quay cuồng.
 
Anna quyết định gọi bác sĩ quen để lấy hẹn gấp. Được bác sĩ hướng dẫn, cô bắt đầu chương trình hàng tuần với Julia, cố gắng giúp Julia chú ý và ngồi yên, hoặc bằng những hoạt động lành mạnh như dẫn cháu đến lớp ballet và lớp tiếng Việt mỗi thứ Bảy, lớp dương cầm mỗi thứ Sáu và mỗi Chủ nhật thì có lớp bơi, và đi nhà thờ. Những hoạt động hàng tuần này giúp Julia bận rộn, để đừng có thời gian chạy lung tung, phá phách không ngừng. Anna cũng nhắc nhở con đọc sách. Mỗi khi bé đọc, Anna đọc với bé. Mỗi khi bé viết, cô ngồi bên và viết giống con. “Tôi làm vậy như để nói với con: Bé yêu, mẹ cũng đang cố gắng như con đây. Nói nghe đơn giản, nhưng thật sự ở giai đoạn ấy, tôi gặp nhiều khó khăn, nhưng trong đầu tôi luôn hiện lên câu nói của Albert Einstein: “Bên trong sự khó khăn là cơ hội”…
 
Anna còn phải lo cho Joseph. Bác sĩ vật lý trị liệu của Joseph giúp mẹ con cô được chấp nhận đi nhiều loại kiểm tra, như tâm lý, phát triển. Kiểm tra đầu tiên là thính thị. Sau khi vượt qua phần thính thị, Anna lấy hẹn cho Joseph với bác sĩ thần kinh, bác sĩ tâm lý, chuyên viên ngôn ngữ và chuyên viên sinh hoạt. Cô phải trả lời nhiều câu hỏi giống nhau trong nhiều bài kiểm tra khác nhau.
 
“Tôi nuốt nỗi đau vào trong, khi thấy các chuyên viên ngôn ngữ nói chuyện với Joseph mà cháu không trả lời, cũng không nhìn vào mắt ai”, Anna kể, “Chuyên viên ngôn ngữ hỏi: “Con chị có bị điếc không?” Tôi trả lời: “Không. Tôi đã check, lần đầu tiên là hai ngày sau khi sanh và lần thứ nhì cách nay vài tháng”. Bác sĩ thần kinh giới thiệu cho Anna những chương trình trị liệu và cung cấp cho cô những thông tin mà người mẹ của trẻ em có nhu cầu đăc biệt cần biết. Từ từ, Anna biết được hết những lời chỉ dẫn và những khuyến cáo.
 
Áp lực
 
Bây giờ Joseph đã sáu tuổi, nhưng nhìn như một cậu bé lên hai. Joseph không biết nguy hiểm là gì. Não của bé không nhận thức được sự việc xảy ra xung quanh mình như thế nào. Anna từng đưa con vào một trường tư có nhận trẻ tự kỷ, nhưng ở đó các bé bình thường và tự kỷ đều được học chung. Một thời gian, cô nhận ra rằng con mình sẽ “không khá nổi” ở môi trường ấy. Anna kể, khi vô lớp, Joseph bị mất tập trung bởi những bạn học khác. Suốt mấy năm đầu đời, Joseph chỉ học đúng một lớp. Mấy năm đầu tiên, bé nào cũng mặc tã (giống như Joseph), sau đó càng lớn, các bé được huấn luyện để không mặc tã. Với Joseph thì không thể. Đó chính là sự khác biệt khiến trẻ tự kỷ cảm thấy mình “khác thường”, và những đứa trẻ bình thường khác nhìn bạn mình (bị tự kỷ) với một con mắt khác.
 
Chưa kể, cứ ba, bốn tháng lại có học sinh mới vào. Những học sinh mới đến lớp lần đầu thường khóc rất nhiều làm ảnh hưởng đến những học sinh cũ. Bình thường mà có bạn mới vô khóc lóc, các bé đã thấy không vui, huống chi cả lớp lại đều “không bình thường” như nhau. Joseph trong tình trạng ấy. Anna quyết định cho bé học ở trường đạo (trường Công giáo), và dành trọn thời gian của mình để dạy và học với bé ở nhà. “Thật ra, khi quyết định đưa bé ra ngoài trường, phụ huynh phải chuẩn bị trước cho mình kiến thức làm sao để chăm sóc cho bé tự kỷ”, Anna nói.
 
Không giấu được sự mệt mỏi, Anna tâm sự: “Lúc nào tôi cũng bị áp lực, bởi vì có những việc không tên, không tuổi trong nhà và sinh hoạt học đường và chương trình trị liệu của hai cháu. Chồng tôi rất mê làm việc. Anh ấy yêu thích công việc và sức khỏe cũng không tốt, nên tôi cố làm hết việc nhà và trông nom hai cháu”. Quá căng thẳng, nhiều lúc Anna liên lạc trung tâm tuyển dụng để cô giáo về nhà dạy cho Joseph, nhưng không phải ai cũng thích hợp với công việc liên quan đến những bé có vấn đề về trí não. Người này nghỉ, người khác đến, thay nhiều đến nỗi Joseph cũng phải kêu lên: “Too many. Mom, no more teachers”.
 
Tìm lý do để không tự tử
 
Coi sóc một đứa nhỏ với nhu cầu đặc biệt đã khó, Anna có những hai đứa, cộng thêm người chồng bị đau tim. “Chồng tôi là người Á Đông tiêu biểu, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Anh rất siêng năng, cần cù làm việc, nhưng những lúc gặp khó khăn, căng thẳng từ con cái, tôi không tìm được sự cảm thông, chia sẻ nơi anh. Tôi hiểu và để ý đến lý do tại sao có nhiều người buồn chán đến nỗi tự tử một cách dễ dàng trong xã hội hiện tại. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần cố gắng để thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực ấy”, Anna nói.
 
Hội chứng ADHD làm Julia không giữ yên lặng và tập trung chú ý được. Đôi lúc, căng thẳng quá, Anna nổi quạu. Cô kể, có những lúc cô lớn tiếng, nhảy vô xe gào thét cho hả giận. Nhiều khi không dằn được cơn giận, cô đánh đòn Julia như những lần mẹ cô phạt khi cô còn bé. Nhưng rồi cô nhận ra làm vậy không tốt cho Julia. “Cháu ương ngạnh hơn và hoảng sợ khi tôi nổi cơn tức giận. Từ từ tôi nhận ra rằng tôi phải thay đổi hoàn toàn. Tôi phải cố kìm nén, cố gắng giữ bình tĩnh. Cuối ngày, lúc nào tôi cũng mệt mỏi hết sức, nhưng tôi vẫn hy vọng. Tôi bỏ luôn job để không phải bận tâm với công việc, mà chỉ lo cho con”, Anna nói về quyết định của mình. Chính những cam go thử thách của cuộc sống đã biến Anna trở thành một người mạnh mẽ hơn...
 
(Còn tiếp kỳ sau)
Đoan Trang

 

 

Tìm các bài LỜI HAY Ý ĐẸP khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com