“Đời tôi đầy nước mắt và muộn phiền, nhưng tôi cố gượng cười để mọi người cười với tôi. Nụ cười cho tôi sức mạnh, hy vọng và tình yêu”, Anna nói. Kèm với những hoạch định cho cuộc sống và tương lai của con, Anna có nhiều ước mơ và cố gắng thực hiện để những ước mơ ấy thành sự thật.
Hoạch định cho Joseph
Với Joseph, cô cho con tham dự lớp ngôn ngữ và sinh hoạt trị liệu mỗi tuần bốn lần. Tại trường Saint Simon & Jude (SSJ), Joseph có các bác sĩ trị liệu và trợ giảng toàn thời gian. Cô mong mỏi Joseph sẽ phát triển khả năng học tập để có thể vào học tại SSJ cho đến hết lớp tám, và chờ cơ hội để sau này Joseph có thể tự túc hay từ từ tập trung đầu óc mà không cần trợ giảng tại SSJ. Anna còn có chương trình ở nhà cho con. Hòa đồng với các bạn ở trường, và nói được câu dài, diễn tả ý muốn rõ ràng hơn là mục tiêu cô muốn Joseph đạt được. Sau buổi học hay vào cuối tuần, Anna đều khuyến khích chơi đùa với trẻ em cùng trang lứa. Cô đưa Julia và Joseph đến câu lạc bộ trẻ em của 24 Hours Fitnes ít nhất là 30 phút mỗi ngày, lúc cô đi bơi, để cháu chơi với con nít khác, vì cô hiểu trẻ em học hỏi lúc đang chơi, kể cả ngôn ngữ. Cô cho con nhiều đồ chơi để cháu chọn, cũng như cho các con tham dự hoạt động giải trí như ca hát, đọc thơ, xô đẩy nhẹ nhàng. Khi nào chơi với cháu, cô đều ngồi ngang tầm mắt con để con nhìn và nghe mẹ dễ hơn.
Anna hay bắt chước âm thanh và cách chơi của Joseph (nếu đó là hành động tốt) nhằm làm cháu tập nói và tương tác hơn. Việc này cũng làm Joseph bắt chước theo mẹ. Hai mẹ con luân phiên nhau. Thí dụ, khi Joseph đẩy xe hơi, Anna đẩy xe theo. Nếu cháu đụng xe, Anna đụng xe, nhưng cô không bắt chước Joseph khi cháu ném xe đi. Cử chỉ và ánh mắt có thể tạo dựng nền tảng cho ngôn ngữ. Anna khuyến khích Joseph bằng cách làm gương và phản ứng với những hành động, phóng đại hành động, dùng cơ thể và giọng nói. Thí dụ, Anna chỉ tay khi nói “nhìn,” và gật đầu khi cô nói “ừ.” Những cử chỉ này dễ cho Joseph học.
Theo thói quen, người lớn nói giúp khi trẻ em chưa kịp nói, nhưng việc cho cháu có cơ hội tập nói rất quan trọng, ngay cả khi cháu không nói. Khi hỏi điều gì hay khi thấy con muốn một cái gì, Anna đều ngưng vài giây trong lúc nhìn cháu. Anna chú ý đến từng âm thanh hay cử chỉ rồi nhanh chóng trả lời. Sự nhanh chóng của Anna giúp Joseph cảm nhận được tầm quan trọng của sự giao tiếp. Anna dùng ngôn ngữ đơn giản và ít khi dùng tiếng Việt với Joseph, vì cô không muốn cháu rối trí giữa hai ngôn ngữ, do vốn dĩ cháu đã bị chậm về ngôn ngữ. Anna tìm tòi những gì Joseph thích. Thay vì gián đoạn sự tập trung của cháu, cô nói về những gì cháu thích để giúp cháu học từ ngữ liên quan. Anna cũng dùng iPad để dạy Joseph học ngôn ngữ, toán, chính tả, tập đọc với những học cụ cũng như hình ảnh.
Những phương tiện trợ giảng và hình ảnh có tác dụng không chỉ thay thế ngôn ngữ. Joseph có thể thúc đẩy sự phát triển qua những phương tiện này trong phạm vi sử dụng có giới hạn. Ví dụ, những máy móc có hình ảnh để Joseph đụng vô là thành chữ. Ở mức độ đơn giản hơn, những trợ giảng hình ảnh và nhóm hình ảnh mà Joseph có thể dùng để diễn đạt ý muốn hay tư tưởng. Joseph hiện biết hơn 500 chữ, cả dễ lẫn khó. Cháu biết tất cả hình dạng, màu sắc và có thể đếm tới trên 10.000 và rất thích con số. Về số, cháu thuộc loại xuất sắc. Với cháu, học hành không là điều khó, nhưng để cháu tập trung và hoạt động với bạn bè là cả một thử thách.
Hoạch định cho Julia
Nhược điểm của Julia là không tập trung, dễ phân tâm, quá hiếu động/dậm chân và la hét khi chơi với em, bướng bỉnh, không nghe lời, cãi lời và không làm xong công việc, hay khóc. Nhưng bé cũng có ưu điểm như ngọt ngào, tử tế, thông minh, cứng rắn, tự lập, khôi hài... Mục đích của trị liệu là thay đổi những suy nghĩ vô lý hay tư tưởng không tốt xảy ra khi làm việc. Đó là hai trở ngại cho những bệnh nhân ADHD. Ngoài kế hoạch trị liệu qua cách đối xử, thưởng cho việc làm tốt khi Julia biết nghe lời, không làm mất bài tập, Anna chú tâm bồi dưỡng sức khỏe cho con. Chất omega-3 fatty acids trong dầu cá rất cần thiết cho óc và thần kinh, nhưng cơ thể không thể tự tạo ra chất omega-3 fatty acids, vì thế Anna cho Julia phải lấy từ thức ăn và thuốc bổ.
Dinh dưỡng thích hợp là thành tố điều trị triệu chứng. Chất protein ngăn chận đường trong máu làm gia tăng sự hiếu động, và trợ sức dây thần kinh tập trung. Thực phẩm nhiều chất sơ như trái cây và rau quả, ngũ cốc giúp giữ được sự cân bằng năng lực. Anna cũng tìm hiểu và có kiến thức về một số vitamine và khoáng chất là yếu tố then chốt trong việc sản xuất và điều chỉnh mức độ dẫn truyền thần kinh đến não bộ. Vitamine C là nền tảng của các chất dẫn truyền thần kinh này, trong khi chất sắt và vitamin B6 gia tăng mức độ dopamine. Chất kiềm điều chỉnh dopamine và có thể kích thích thuốc methylphenidate hoạt động hữu hiệu hơn.
Một lợi ích ai cũng biết của việc tập thể dục là gia tăng endorphins, chất làm tâm trạng con người thoải mái hơn. Tập thể dục cũng gia tăng chất dopaphine, norepinephrine, và serotonin trong óc, giúp tập trung. “Đi bộ 30 phút mỗi tuần là đủ, nhưng những môn đòi hỏi kỹ năng như võ, bơi lội hay ballet rất hữu hiệu đối với Julia”, Anna nói, “Nghiên cứu cho thấy chỉ cần 20 phút đi dạo trong thiên nhiên mỗi ngày có thể cải thiện ADHD. Nhất là giờ thư giãn, rất hữu hiệu trong việc giúp Julia phục hồi mệt mỏi tinh thần, điều xảy ra sau cả ngày đi học. Làm vườn, bơi lội và đi bộ với trẻ em quanh khu xóm với cha mẹ là cách tốt nhất để thư giãn trong ngày”.
Ngoài ra, với trẻ có chứng ADHD, những chương trình huấn luyện não bộ khác có thể tiết giảm sự bộc phát và phát triển sự tập trung. Những “trò chơi” của chương trình giống như trò chơi thật nhưng được sắp xếp để rèn luyện những phần trong óc hoạt động tối đa. “Kế hoạch rất tốt, nhưng không phải lúc nào tôi cũng làm được. Mỗi ngày là một thử thách vì những hành vi quấy phá và nghịch ngợm của các cháu mỗi gia tăng, nhưng tôi cố hết sức để đạt mục đích của mình là giúp các cháu trở thành người tốt và có thể sống độc lập trong hết khả năng của các cháu”, Anna nói.
Giáo viên đặc biệt
Không dừng lại ở việc nuôi dạy con, Anna quyết định trở lại trường để trở thành “giáo viên đặc biệt” của các con, giúp con sẵn sàng cho những thử thách của cuộc sống mà chúng sẽ phải đối diện trong tương lai, khi rời xa mái ấm gia đình.
Sau khi trải nghiệm những thảm kịch gia đình, Anna tập bình tĩnh bằng cách đi bơi. Cô cũng siêng đi lễ hàng tuần. Cô hiểu rằng, căng thẳng quá độ có thể dẫn đến những bi kịch không ai muốn. Anna kể trong một lần dự đám tang cô bạn gái – người có đứa con mới 5 tuổi, Anna đã khóc rất nhiều. “Tôi không thể tưởng tượng đứa bé kia sống thế nào nếu không có mẹ. Rồi tự hỏi Joseph và Julia sẽ sống ra sao khi hai chúng tôi cùng chết. Có nhiều thân nhân và cơ quan nuôi con nít, nhưng con nít với nhu cầu đặc biệt rất khó chăm sóc. Chắc không ai thương yêu và chăm sóc những trẻ em đó bằng cha mẹ ruột. Chỉ nghĩ như vậy, tôi cũng đủ sợ và cố sống khỏe rồi”, Anna tâm sự.
Một hôm, Anna quyết định kể với Julia về đời mình và những khó khăn cô trải qua hồi còn nhỏ.
“Bé à, khi lên năm, bà ngoại để mẹ ở nhà với cậu của con, lúc đó mới hai tuổi. Mẹ phải chăm sóc em khi bà ngoại phải làm việc từ 8 giờ sáng tới 6 giờ chiều hàng ngày. Thời gian đó, ai cũng để con cái ở nhà một mình để đi làm kiếm tiền. Mẹ sợ những tiếng động quanh nhà lắm. Mẹ sợ người lạ đến xin thức ăn.
Thập niên 1980, Sài Gòn cái gì cũng đắt đỏ. Trẻ em ăn đói, mặc rách, bệnh tật cũng không có thuốc men. Mẹ nhớ năm lên chín tuổi, mẹ bệnh gần chết vì bị muỗi cắn. Mẹ bị sốt nặng, toàn thân đầy máu bầm. Bà ngoại phải đi làm, không có thời giờ coi chừng mẹ. Không ai biết mẹ suýt chết. May mắn hôm đó ông ngoại dượng về sớm, thấy mẹ bị sốt trên giường nên chở mẹ vô bệnh viện. Bác sĩ nói mẹ may mắn lắm mới sống được. Mẹ cám ơn bác sĩ rồi nhắm mắt cầu nguyện. Mẹ cầu Thượng đế cho mẹ cơ hội để sống.
Julia của mẹ ơi, con thật may mắn sinh ra trên đất Mỹ. Cái gì con cũng có, nên nhiều khi con đã coi thường. Mẹ không có ý so sánh, nhưng mẹ rất mong một ngày nào đó, con sẽ hiểu trên thế giới, vẫn còn nhiều những đứa trẻ không có tình thương và những gì cần thiết khác”.
Chia sẻ kinh nghiệm
Khi có nhiều thời gian với con, Anna mới có nhiều kinh nghiệm. “Cứ lên một lớp, các bé lại học trình độ khác nhau. Vì thế lúc nào ba mẹ cũng phải có kế hoạch cho bé và cùng tham gia vào kế hoạch học tập của bé, liên lạc thường xuyên với thầy cô giáo và những người tập vật lý trị liệu cho bé. Đặc biệt phải giao tiếp, luôn biểu lộ tình yêu thương. Người Việt hay la hét, đánh con, nhưng hãy luôn nhớ rằng con mình không phải dạng bình thường, đánh là hại con thêm”, Anna nói.
“Những bé bị ADHD hay tự kỷ thường chỉ tập trung được 15 phút. Năm phút đầu là tốt nhất cho bé. Phụ huynh nên biết và dành thời gian này để dạy cho các bé. Các bé sợ tiếng động, tiếng ồn, nhưng lại thích màu sắc chớp chớp, xoay xoay”, Anna chia sẻ kinh nghiệm. Với những bậc cha mẹ có con bị tự kỷ hoặc ADHD, dù các cháu đi học, Anna khuyên cha mẹ hãy dành ít nhất một tiếng đồng hồ mỗi ngày để dạy cho con, nhưng cũng đừng ép. Với trẻ tự kỷ, đừng bao giờ dùng những từ như “Đừng!”, hay “Không được!”, thay vào đó hãy giải thích cho các bé hiểu được cách này thế nào, cách kia thế nào. Sau khi từ trường về, hãy cho bé tham gia các hoạt động và cứ 15 phút nên cho bé đứng lên, và đừng bao giờ cho bé ngồi quá hai tiếng đồng hồ. “Bổn phận cha mẹ phải thấy được bé có nhược điểm nào, ưu điểm nào để biết cách giúp bé. Tuyệt đối, đừng cãi nhau trước mặt con, vì làm như thế sẽ làm tinh thần của các bé bị khủng hoảng”, Anna nói.
Những “mảnh nhỏ” của một người mẹ
Sau ba năm chăm sóc Joseph và một năm chăm sóc Julia, Anna trở nên thoải mái hơn và hiểu hơn những gì đã xảy ra và chuyện gì sẽ đến, nhất là cho Joseph. “Tôi sống bằng đức tin, nhưng tôi luôn sẵn sàng làm việc cần làm để các con tôi khỏe mạnh và vui vẻ. Một khi tôi không thay đổi được gì, tôi chấp nhận vui sống với điều ấy và phóng khoáng để cải thiện”, Anna nói. “Mọi thay đổi trong đời tôi, xấu hay tốt, đều là cơ hội cho tôi hiểu hơn về mình, để tôi nhận ra được điều gì làm tôi vui và tôi thực sự muốn gì trong đời, để tôi nhận chân được những gì tôi cho là quan trọng nhất”, Anna nói.
Trở thành một nhà cố vấn tương lai cũng như một người mẹ nuôi con khôn lớn là điều Anna luôn luôn hướng đến và coi trọng. Gương mặt của Anna sáng lên khi cô nói về định hướng của mình: “Tôi chia cuộc đời ra thành từng mảng nhỏ mà tôi gọi là tiêu chuẩn. Và những tiêu chuẩn này nói lên triết lý giáo dục cuộc đời tôi. Tôi muốn dùng những tiêu chuẩn này để lèo lái tôi và gia đình tôi trên đường chuyển hóa của thế giới thành một môi trường học hỏi tích cực”. Mục đích của Anna là ứng dụng tám tiêu chuẩn của mình vào cuộc sống hàng ngày.
1- Tôi dùng âm nhạc và nghệ thuật để triển khai tư tưởng ngõ hầu làm nổi bật bản sắc văn hóa. Không có kiến thức cơ bản trong lãnh vực này, không thể có tiến bộ.
2- Kiên nhẫn và năng lực là hai ưu điểm tạo nên môi trường học hỏi tích cực. Tôi muốn con phải thoải mái khi gần cha mẹ. Ngay từ đầu, chúng phải thấy cha mẹ luôn đón nhận mọi câu hỏi mà chúng đặt ra. Một môi trường học hỏi thoải mái cũng sẽ giúp các bé phát triển tối đa.
3- Để học hỏi thành công, các bé phải đi đến sự tự lập để tiến bộ. Bắt đầu với kiến thức căn bản rồi tiến tới chương trình thử thách hơn.
4- Các con tôi phải hiểu mỗi người đều chỉ có một. Chính nhờ sự cá biệt đó mà mỗi người mới đặc biệt. Tôi mong đạt được điều này bằng cách tạo ra thật nhiều cơ hội để mỗi con tôi phát triển trí tuệ và óc tưởng tượng. Mỗi con tôi sẽ có mỗi tài năng khác nhau. Trách nhiệm của tôi là giúp các con phát triển tài năng và chia sẻ tài năng đó.
5- Trở thành công dân tốt. Các con tôi phải biết tôn trọng nhau cũng như tôn trọng môi trường sống. Tôi sẽ giải thích hậu quả khi là một công dân xấu. Tôi sẽ giải thích về tội ác và sự trừng phạt.
6- Tôn trọng sự đa văn hóa. Nhận biết sự đa văn hóa luôn được chen lẫn vào những bài học tôi dạy. Các con tôi phải tôn trọng và hiểu đất nước này do nhiều sắc dân tạo lập. Tôn trọng sự đa văn hóa bắt đầu từ học đường.
7- Trở thành một mẫu mực. Tôi sẽ là tấm gương. Các con tôi sẽ cần người mẫu mực và tôi sẽ lấy tôi làm ví dụ.
8- Không ngừng học hỏi. Có muôn vàn điều để học trên thế giới. Học càng nhiều càng tốt.