User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Vo Van 450x300
 
Bạn ta ơi,
 
Thư này là một bức thư bất thường, rất bất thường. Bất thường bởi vì tui đã mời đông anh em vào ngồi chùm nhum với nhau ở đây. Tui vẫn nhớ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, trong đó có bài “Một đêm nằm mãi không ngủ được, tôi lắng tai nghe những tiếng động xung quanh nhà…..”
 
Tui không mắc bịnh mất ngủ, đặt lưng xuống là ngủ liền, có khi không kịp trả lời người ta hỏi. Nhưng vừa chợp  mắt chưa được bao lâu đã thức dậy. Làm gì bây giờ? Lúc nầy mắt yếu, tui làm biếng đọc. May mà còn nghe được, thì cứ mở nhạc nghe. May mà còn gõ máy được, sao không gõ? Gõ cho ai? Cho tất cả, còn có bao nhiêu đâu? Vì vậy mà có mặt tất cả ở đây cho vui.
 
Cách đây mới mấy ngày, tui có nghe bản Đêm Nhớ Về Sài Gòn của Thanh Tâm Tuyền, trong đó có câu “Đêm… nhớ về Sài Gòn… Thấy bạn bè bận bịu quanh nhau, ai sầu trong cảnh vắng…” Lại nhớ lan qua bài Tôi Muốn Mời Em Về“thăm lại Sài Gòn xưa…”… “thăm lại láng giềng xưa….”… “tóc mẹ già bạc phơ…”…
 
Rồi tui nhớ lan man đến bài Em Đã Khóc Một Giòng Sông, đến con đường “có lá me bay”, con đường Taberd (sau đổi thành Nguyễn Du), đoạn cắt đường Aviateur Garos, khoảng vào mùa gió hây hây, bao nhiêu lá rụng không ngớt làm thành  trận mưa lá không dứt; rồi đến đoạn gặp Hai Bà Trưng, nơi tôi thường ngồi ghế thấp uống cà phê cùng anh Bùi Văn Tấn làm việc ở Centre Culturel, xa nhứt là đoạn gần bờ sông. Nơi đó có một trạm của Alliance Francaise, ngoài  việc cho mượn sách còn bán bia giá thật rẻ. Nơi đây tui có quen với một tay “quái kiệt” cũng tên Vân như tui, đã rớt Tú Tài Math. Elem. bốn năm mà không bỏ cuộc, đang bền bỉ chuẩn bị cho khóa thứ mười, con người kiên trì đi đâu cũng chở theo xe một quyển Giải Bài Tập của Réunion de Professeurs. Anh chàng dũa cuốn sách chuyên cần đến nỗi có ai bất chợt hỏi về một bài nào anh cũng có thể trả lời được!!
 
Còn những con đường mà Anh Hai tui dẫn tui đi học bằng xe đạp mỗi buổi sáng là đường Hồng Thập Tự. Từ Thị Nghè  qua cầu, qua Sở Thú, qua trường Chasseloup Laubat, rồi đến Việt Tấn Xã. Khi bắt đầu đến hàng rào vườn Bồ Rô, nhìn lên ngọn những cây sao cao ngất (hàng cây thắp nến lên hai hàng – Nắng  Thủy Tinh của Trịnh Công Sơn ) là có thể tính là mình đã đến trường.
 
Bạn ơi, Tui sẵn sàng kể nữa, kể lại nữa… Tất cả chỉ để bạn biết tui nhớ Sài Gòn (Sài Gòn ngày tháng cũ!) như thế nào.
 
Các bạn ta ơi,
 
Các bạn thông cảm với tui thì xin đừng hỏi: “Cái thằng cha Vân nầy viết cái gì mà một khúc chuyện nầy một khúc chuyên khác, chẳng chuyện gì thành chuyện gì! ” Thì tui đã nói rồi mà. Tui ao ước có được những người bạn thông cảm, kiên nhẫn cho tui muốn viết điên khùng gì thì viết, xong rồi nếu không thích thì bỏ đi, giống như Truyền đã nói với tui một lần: “Thích thì tao chuyển, không thì thôi!”.
 
Cái “áo vá quàng” tui học được từ câu hát ru của bà ngoại tui, (các bạn nào có đến nhà tui hồi tụi mình còn nhỏ chắc còn nhớ Bà?)  (Cái) Áo vá vai, vợ ai (tui) không biết, (chớ cái) áo vá quàng (thì tui) chí quyết  con vợ tui. Khi lớn lên, tui hỏi lại thì mới biết rằng ngày xưa vải xồ đâu phải dễ kiếm, ai để dành được nhiều miếng nhỏ nhiều màu nồi lại thành áo mới thì cũng ”sang” lắm rồi..
 
Cái áo nầy hôm trước đã nhắc đến hàng cây sao trên đường  Hồng Thập Tự, khoảng bắt đầu hàng rào hội Cercle Sportif  Saigonnais sang trọng đổi cảnh trí  thành mấy cây cọ (palmier) xa lạ và một khoảnh không gian bao la dọc đường Miss Cawell (sau đổi thành Huyện Trân Công Chúa). Một thời anh em mình ríu rít leo qua rào chẳng nề hà rách quần rách áo để “coi cọp” những trận banh danh tiếng. Tui không phải dân mê đá banh nên bây giờ chỉ còn nhớ loáng thoáng mấy tên Rạng, Tư, Đức 1, Đức 2, Guichart v.v…. Cái, làm tui nhớ nhứt trong vùng trời kỷ niệm  này là tiếng ve sầu kêu râm ran suốt những  buổi trưa hè. Tất cả các bạn chắc là còn nhớ tui còn người Anh Hai. Ảnh mất rồi, cách nay hai ba tuần gì đó. Điều nầy chắc các bạn cũng biết rồi. Điều chưa biết, không thể biết được, là  tui tìm lại được hình bóng cũ của ảnh rất dễ dàng trên khoảng đường nầy – không cần phải “đêm chong đèn ngồi nhớ lại”-!. Thuở tui từ Tiểu Học – trường Marc Ferrando, Gia Định – mới đậu vào Petrus Ký, tui rất dốt môn Pháp Văn, dư âm của một mùa chạy giặc phải “xếp bút nghiên”. Anh Hai tui lãnh trọng trách phải rèn luyện cho tui theo kịp các bạn, chuyện không phải dễ dầu gì! Những buổi sáng hai anh em cùng nhau đi từ nhà đến quãng nầy. Ảnh dừng lại, nhắc sơ bài cho tui, rồi vào trường. Ảnh học Chasseloup Laubat. Thành ra tui làm sao mà quên được bài La Rentrée của Anatole France và câu mở đầu “Je vais vous dire ce que me rappelllent tous les ans…..” ?
 
Vậy mà tui mất bóng của ảnh quá mau!
 
Các bạn ơi,
 
Sở dĩ tui siêng “gõ” là vì tui bị bắt buộc, không còn cách nào khác. Kẻ “nội thù” Parkinson của tui đã tước đoạt mất “kỹ năng” viết, tô, vẽ của tui, biến tui thành người chịu ơn thường xuyên của cái máy nầy. Các bạn chỉ bị ảnh hưởng mà thôi! Mà người chánh yếu bắt tui phải viết loạt thư nầy cũng không phải là các bạn. Sao vậy?
 
Đã lâu rồi, trong khi anh em viết thư qua lại, anh Hai tui nói với tui: “Thằng TCS nó phải “đêm chong đèn ngồi nhớ lại” thì mới nhớ được Mẹ nó, còn tao sao tao nhìn đâu cũng thấy kỷ niệm của Má hết mầy!”. Tui trả lời “Em cũng vậy!” Vì vậy mà anh em mình phải mất thì giờ cho cái áo vá quàng nầy. Thông cảm!
 
Thiệt vậy, nhờ có các bạn mà tui mới có dịp thấy lại, gặp lại bà già lúc nào cũng tất ta tất tưởi trên chiếc xe đạp đầm hiệu La Cigogne, cái giỏ lát treo ở guidon xe, lúc nào cũng mặc áo dài nghiêm túc, khăn châle buộc dưới cằm, dong ruổi sáng trưa chiều trên các nẻo đường Sài Gòn – Chợ Lớn, để góp nhặt mấy đồng tiền thưởng công giao hàng tại nhà (livraison à domicile) suốt “bốn vùng chiến thuật”.
 
Chuyện xưa còn kể rằng bà già đó còn phải đưa con đến trường bằng xe đạp mỗi ngày, sợ con vì khờ khạo mà gặp tai nạn trên đường. Bà già đó, thời máy bay còn ném bom, mỗi khi còi báo động hụ lên thì lật đật cỡi xe đạp chạy ngược chiều về nhà, sợ ở nhà bà ngoại lo cho “tụi nhỏ” không xuể. Dọc đướng về, lúc  nào gặp toán defense passive đuổi thì phải xuống hầm trú ẩn, canh chừng người gác lơ đễnh thì bò lên…. Bà già đó tuy lương bán hàng chỉ ba cọc ba đồng nhưng vẫn ráng lo đủ mỗi tuần hai lần thăm nuôi ở khám Chí Hòa. Rồi cũng bà già đó, khi con đi tù cải tạo, mỗi lần thăm nuôi vẫn phải đưa vai “chia lứa” vì lo bầy cháu  đói ăn… Bà già đó, nói thêm để anh em mình rõ, đã từng học trường Áo Tím, cuối năm lãnh thưởng chở bằng xe cyclo,… và có cha là điền chủ lớn ở Cà Mau.
 
Tui gõ những dòng nầy không phải cho các bạn đâu. Cũng không phải cho Anh Hai. Mà chính là cho tui đó!
 
Các bạn ta ơi,
 
"Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa, 
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương…”
 
Nhớ thuở xưa kia, non nước an lạc thái bình, thái bình… ở vùng đất Sài Gòn, mớ kinh nghiệm ít oi của tôi ghi nhớ vài điều như sau:
 
– Lời chú giải việc phát lương cuối tháng ở trường tư, Sài Gòn như sau:
 
– giờ phụ trội ở trường công (coi như lương ở trường tư): khỏi thông báo, cứ cuối tháng thấy sổ lương thì ký,
 
– Trường Phước An, bên trong Nhà Thờ Thị Nghè. Trên bảng ở văn phòng trường có lời nhắn ”LM (?) giám học chờ quí vị giáo sư tại vp riêng,"
 
– Trường Văn Khoa, đường Tự Đức, Đa Kao, trường Chu Mạnh Trinh, trường Chi Lăng, Gia Đình, trường Kiến Thiết (Bàn Cờ) và nhiều trường khác (có lẽ là mọi trường) ở Sài Gòn
 
– Mời quí vị giáo sư ký tên sổ lương.
 
– Trường Regina Mundi, (không phải Regina Pacis) ở đường Công Lý, tiền để trong bao thư dán kín. Hồi còn các sơ người Pháp, bao thư tiền còn có danh thiếp “cám ơn sự cộng tác quí báu …”
 
Có lẽ chì có một mình trường nầy thôi!!!
 
Xem ra các chủ trường coi “quý giáo sư” càng ngày càng rẻ!
 
Các bạn ta ơi,
 
Rủ nhau ngồi lại để cùng nhau nói chuyện cho vui, mà cứ nói chuyện gì gì đâu không, các bạn phiền và chán là phải rồi. Bây giờ mình nói chuyện tiếp đi.
 
Ta đang nói chuyện về “hàng cây thắp nến lên hai hàng”, hay là ta tiếp tục bằng chuyện “hàng cây trồng suốt hai bên đường” đi vậy. Ô kê?
 
Miền Nam chúng ta có một thói quen là đặt tên đường theo tên loại cây trồng hai bên. Bắt đầu bằng con đường nơi tôi ở. Đó là đường Hàng Sanh. “Sanh” chớ không phải “Xanh”. Sanh là một loại cây lớn, nghe nói còn mang nhiều tên khác nhứ: cây si (mà hầu hết các ông đều trồng), ở vùng quê có “cây gừa” (Bà Tám Cây Gừa), cây đa (Chợ Cây Đa), tất cả thuộc giông “đa lâm vồ”. Hổng tin hỏi thầy Phạm Hoàng Hộ đi! Sở dĩ tui chú ý đến cây nầy là vì nơi tui cư ngụ lúc tuổi còn thơ (quê hương ngày tui chưa lớn) có tên là Ngã Ba Hàng Sanh. Mấy ông bà di cư 54 đổ vào, không biết mà không chịu hỏi, tự ý “tương” cho tên Hàng Xanh, rồi nhạc sĩ T.T.Thanh bắt chước theo, cũng đặt bản nhạc “Chị Ba Hàng Xanh”. Cây, thì phải xanh chứ nhẽ, sao lại sanh là xế lào? Đường xuống nhà ông nội tui cũng có một cây, nhưng gọi là cây gừa Bến đò ngang tại  đó mang tên “bến đò cây gừa”. Còn một cây loại nầy mà rất nổi danh (nhứt là trong phái LPK) là cây đa trong công viên trước dinh Gia Long, nơi anh Trần Văn Ơn đã ngã xuống. Trong khu đất bên kia ngã tư, trong khuôn viên Tòa Án có vô số cây đa, tất cả đều cổ thụ, rễ đeo lòng thòng, tạo ra quang cảnh rặt thâm u. Nói đến vẻ âm u, phải  trở lại “nhà  tôi” (ma maison, không phải ma femme!). Lúc trật tự xã hội còn lỏng lẻo, hoàn cảnh xã hội còn tâm tối, đó là chỗ giết người, tự vận… Xe kéo, xe xích lô, nếu không có chuyến về thì không đám chạy…. Khác xa với cây đa của Chung Quân: “Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh… Có sông sâu lơ lửng vờn quanh…”. Nghỉ nghen.
 
Các  bạn ơi,
 
Mình đang kẹt với cây đa của Chung Quân thì phải làm cho tới luôn. Không biết tại sao mà người Bắc gọi là cây đa mà người Nam gọi  là cây da (chợ Da Bầu, hoặc “cây da  bến cũ, con đò vắng đưa”)? Còn chỗ  nào lấy tên cây đặt tên đường nữa không? Thiếu gì! Ngoài  Hàng Sanh chỗ nhà tui, ta có hàng keo (Biết ở đâu hôn? Bót Hàng Keo là hang hùm động gấu đối với  những người hoạt động thời chống Pháp, nó là trụ sở của Cảnh Sát Đặc Biệt Miền Đông (Police Spéciale de l’ Est) đặt trên đường Chi Lăng, rồi sau thành trạm Cứu Hỏa quận Bình Thạnh. Còn đường Hàng Bàng, (Biết ở đâu hôn? Con đường chạy trước Nhà Thờ Thị Nghè và trường tư thục Phước An đó. Chỉ có  nửa con đường mang tên đó mà thôi, vì chỉ một bên lề trồng bàng thôi. Ý tui muốn nói rằng đáng lẽ nửa con đường phải mang tên hàng Me) Ôi! đây là con đường đầy kỷ niệm đối với tui. Thời Nhựt Bổn, có một lúc bịnh ghẻ ngứa lan tràn. Con nít nhà tui cũng như mọi nhà khác, làm sao tránh khỏi? Uống hay xức thuốc gì? ở đâu có? Mọi người lượm lá bàng khô, đốt tán nhuyễn pha với dầu gió. Hiệu nghiệm đó, bảo đảm!… Còn Hàng Me, kỷ niệm gì? -Ở xóm đạo, năm giờ sáng nhà thờ đổ chuông, dầu không muốn cũng phải thức dậy. Làm gì vào giờ đó? Rủ nhau ra lề đường, lục lạo quanh các gốc me, có khi gặp me rụng. Me chín, rụng xuống thường gãy. Gặp me dốt thì vui hơn vì  không gãy. Xui thì gặp “me” của chó để lại, bóc nhầm thì phải rửa tay… Ôi! kỷ niệm ngày thơ, ta quí mi biết bao!
 
Vài năm trước đây, một buổi sáng Chúa Nhựt, sẵn rảnh rang, tui “lướt” qua các đài radio tư nhân (Tui vốn thích bài  hát Bước Chân Chiều Chúa Nhựt “Tôi thích lang thang  trong chiều Chúa Nhựt…” mà  lúc đó là buổi sáng, nên kệ! ta chơi luôn. Đi ngang đài mà đài chủ đang có một lớp Văn Minh VN ở trong Collège. Ổng đang giải thích bài thơ của TCS, trong có câu… “cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau…” Ổng khẳng định (như đinh đóng cột rằng trong miền Nam không có cây bàng. Tui đã giải thích cho ổng biết Vậy mà sau  đó tui nghe ổng “on – air ”.. cho thính giả thân thương người ta nói gì thì nói, mình thấy đâu mà biết. Tui chắc, cha  nầy chết xuống dưới, quỷ sứ phải cắt lưỡi.
 
Từ ngày anh Hai tui ra đi một cách đột ngột, tui chợt nhận ra rằng trong chúng ta ai cùng có thể đột ngột “bỏ cuộc chơi” hết. Nếu một mai ngẫu hứng đến với tui như thế, tui cũng được  an ủi rằng tui có bạn bè đưa tiễn vui vẻ rồi. Phải vậy hôn?
 
Trở về với cái áo, hôm trước mình ngừng ở Hàng Sanh, xóm Ngã Ba Hàng Sanh, ngã tư Xa lộ Hàng Sanh. Nói tới chỗ này, chợt nhiều kỷ niệm lần lượt hiện về với tui. Từ ngã ba Hàng Sanh, lui về phía chợ khoảng 1 km, có 3 căn nhà ngói giống hệt nhau, theo kiểu không giống ai. Nhà tui đó, căn bìa về hướng chợ. Xung quanh nhà có ao nước nhỏ, đủ nước để ăn uống và (nhớ: và) tắm giặt. Để cho đủ vẻ thiên nhiên, trên bờ ao có vài cây dừa, dưới ao có thả rau muống và các loại dây dại: cóc kèn, lá mác, rau chóc lá hẹ.… Cũng có  vài cây vô trật tự: mãng cầu, ổi, bình bát. Chỗ đất còn trống thì trồng chuối, khế “quê hương là chùm khế ngọt”. Sát bên nhà có một cây gòn, mùa gòn khô, trái nứt, đổ ra những cụm tơ nhẹ nhàng. Lại có một cây trái cóc để dụ bọn con nít leo trèo. Lại cũng có một cây sầu đâu (tụi tui gọi như vậy). Chết chưa! còn chỗ đâu mà kể một vườn rau thơm, với đủ ớt, tiêu, hành, húng, quế. Cũng không thiếu môn, bạc hà, lá bù ngót, mồng tơi… Thôi, ai vẽ giỏi thì vẽ đi.
 
Cái nhà không phải của Má tôi. Ba Má tôi chỉ ở nhờ, ở đậu với  người dì, tức là chị của Má tôi, chúng tôi phải gọi là Bà Dì. Nhà cũng không phải của Bà Dì, mà là của ông chủ của Bà. Nói đúng ra, ông chủ đó không phải là chủ của bà, mà lại là chủ của chồng Bà, người mà chúng tôi phải gọi bằng Ông Dượng.. Ông tôi làm tài xế cho ông chủ.. Ông chủ rất tốt, Ông Dượng của tôi bị tai nạn chết, ông thấy Bà tôi góa bụa, bèn mướn Bà làm người giữ kho hàng, phận sự là giữ chìa khóa và đóng, mở kho mỗi khi có người cần lấy đồ. Công việc thật nhẹ nhàng, dễ dàng, mà ngoài lương hướng, ông còn cấp nhà ở và cho hưởng tất cả huê lợi trong vườn tược. Ông chủ ăn ở rất có tình nghĩa. Bà tôi là nhân viên cả năm trời không gặp mặt, mà khi nào ông về Pháp, trở lại, ông mua quà cho nhân viên cũng không quên bà! Ông không phải hạng chủ như người ta thường mô tả.
 
Trong cái áo vá quàng, tui vừa gắn một miềng vải khác màu khá lớn. Tui muốn nhắc nhở với các bạn tôi vai trò mà căn nhà đã đóng trong sinh hoạt chung chúng tui. Má tui là một người rất hiếu khách, thương yêu bạn của con như con ruột. Những người bạn của tui, hạng giờ phút nầy con xưng hô “mày tao”, hẳn còn nhớ những buổi tập họp nhau, ngày Chúa Nhựt cũng như ngày lễ, buổi sáng cũng như buổi chiều, trước khi xuất phát, kéo nhau cả đoàn đi chơi, Cầu Kinh, Bình Quới, Thủ Đức,… Những khi cả đoàn cất tiếng vang vang “…Bánh xe quay nhanh nhanh, chiếc bánh xe lung linh, chìm trong làn cát trắng…” hoặc là “…..Đoàn người tưng bừng về trong sương sớm, hồn như đám mây trắng lững lờ… đẹp như kiếp bô-hê-miêng…” Còn nữa, còn những buổi tối mượn nồi nấu chè, cùng vui với nhau trong tiếng hát… Những buổi tối mà khi nhắc lại, tui như còn nghe văng vẳng các tên Nguyễn Văn Được, Phan Khắc Khuyến, Nguyễn Khắc Si, Lê Phú Hữu… Thôi đi cha  nội! Bộ điên hay sao mà nhắc lung tung vậy?
 
Các bạn ta ơi,
 
Xin đừng chê tui, có cái áo vá quàng mà may hoài không xong. Kệ nó, các bạn ơi, đâu cần gì xong. Ngày xưa, bà Pénélope muốn thoát móng vuốt của bọn chầu rìa mà phải cặm cụi đan tấm thảm, ngày đan đêm tháo. Vậy mà bà còn chưa sốt ruột, tụi mình có đáng gì đâu. Với lại, các bạn ơi, tui đâu có muốn xong, trái lại, tui còn ao ước có đủ vải, dầu là vải vụn, để kéo dài ngày tháng. Bà Pénélope còn mong có ngày ông Ulysse trở về, chớ tui thì có trông ai? Tui chỉ muốn có một tấm vải lớn làm chỗ ngồi cho tui và các bạn tui thôi. Tất cả chúng ta, ai cũng có việc để làm, có việc phải làm, hẳn là không ai bị bắt buộc phải đợi cái áo được hoàn thành. Trong số các bạn của tui, cũng là của các bạn, thực sự đã có những người bắt chước Nguyễn Bính mà bỏ cuộc chơi rồi, còn chi nữa!
 
Nguyễn Thanh Vân (Petrus Ký 50-57)
 
Hồ Văn Trai ghi cảm tưởng khi đọc bài Áo Vá Quàng của Nguyễn Thanh Vân
 
Vân thân mến,
 
Sáng nay thức sớm (2 gio AM ngay 01/5/17) đọc bài này, xúc động và nhiều hồi ức “sống lại”.
 
Tôi nhớ lại thuở đó nhóm bạn ở khu vực Ngã Tư Xóm Gà và Bà Chiểu gồm Hồ Văn Nguyên, Hồ Văn Trai, Đặng Như Tây, Nguyễn Tấn Lộc, thường qua nhà Vân chơi những ngày Chủ Nhật, ngày lễ. Bác Gái thương bạn của Vân như con ruột của mình, nhớ tên và đặc điểm của từng đứa. Những buổi tối nhất là những tối có trăng tụi mình tập họp ngoài sân vừa ca hát vừa ăn chè. Những buổi sáng cùng rủ nhau đi chơi trong tiếng hát bài “Bánh Xe Lãng Tử”. Những kỷ niệm đẹp ấy lần lượt hiện về khiến tôi xúc động. Càng xúc động hơn khi nhớ những bạn đã rời xa trần thế như Hồ Văn Nguyên, Nguyễn Tấn Lộc, Phan Khắc Khuyến, Khắc Sĩ, Phú Hữu…
 
Cám ơn Vân đã giúp tôi “sống lại” một “quãng thời gian đã mất”. Nhân dịp xin mừng Vân có một “bộ nhớ” tuyệt vời.
 
Mến thương,
 
Hồ Văn Trai  (Petrus Ký 50-57)
 

Tìm các bài LỜI HAY Ý ĐẸP khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com